Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin Văn nghệ: Hoàng Nhuận Cầm: “Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh” Tin Văn nghệ: Hoàng Nhuận Cầm: “Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh” , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net – Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952, quê quán: Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Tác phẩm đã xuất bản: Thơ tuổi hai mươi (thơ, in chung, 1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (thơ, 1983); Xúc xắc mùa thu (thơ, 1992); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (thơ, 2007)… cùng nhiều kịch bản phim: Lầm lỗi, Đằng sau cánh cửa, Đêm hội Long Trì, Pháp trường trắng, Ai lên xứ hoa đào, Mùi cỏ cháy… Anh đã có những Giải thưởng văn học: Giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 – 1973, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012, Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2012 (biên kịch phim “Mùi cỏ cháy”)…

 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (ảnh: Phong Lan)

Lúc nào cũng có vẻ vội vàng, tất bật. Bây giờ đang lặng lẽ đấy, có thể mấy giây sau đã là một cuộc bùng nổ. Khi đi ngoài đường, quần áo xộc xệch, trên chiếc xe máy cũ, anh như người vô danh. Có khi đang ngồi quán bia hơi giữa ồn ào, náo nhiệt, anh lặng lẽ khóc vì một nỗi cô đơn. Hoàng Nhuận Cầm là vậy đấy. Nhưng khi lên sân khấu đọc thơ, khi phát biểu tham luận trong hội thảo, anh có thể làm cho cả một rừng người kinh ngạc, ngơ ngác, và thậm chí không nhịn được cười, không dừng được lệ. Trong con người Hoàng Nhuận Cầm có đủ cả sự giản dị đến tận cùng, sự bừng lóe đến chói sáng. Đào hoa lắm. Khổ đau nhiều. Can trường và mơ mộng. Những phẩm chất tưởng chừng trái hẳn nhau ấy, lạ lùng lại tồn tại song hành trong con người anh, tạo nên những vỉa quặng phong phú của thế giới tinh thần và một bút lực đa diện trong nhiều lĩnh vực sáng tác, mà trước hết là thơ.

Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ được đúc nên bởi tài năng thiên bẩm, mà đáng nói là giọng thơ đẹp, vang như tiếng hót của một loài chim quý. Trời phú cho anh giọng thơ sang trọng, trong trẻo, dư ba. Một khi giọng thơ ấy vút lên, lập tức được chú ý. Lần đầu tiên xuất hiện cách đây vừa tròn 40 năm, với chùm thơ đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ (năm 1972-1973), Hoàng Nhuận Cầm đã gây ấn tượng đến ngạc nhiên với những câu thơ tràn đầy nhạc tính, vang vọng, óng ả. Giọng thơ ấy, cho đến gần đây vẫn còn hút hồn nhiều người yêu thơ bởi những cung bậc của cảm xúc chắp trên đôi cánh của âm nhạc luyến láy, ngân vọng, dịu dàng và những hình ảnh lộng lẫy đầy huyền hoặc.

Toàn bộ thơ của Hoàng Nhuận Cầm (được in trong 4 tập: Thơ tuổi 20, Những câu thơ viết đợi mặt trời, Viên xúc xắc mùa thu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, gồm hơn 100 bài) tựu trung lại, có thể chia thành 2 mảng lớn: Thơ về chiến tranh và thơ tình yêu. Mảng thơ tình yêu của Hoàng Nhuận Cầm được chú ý hơn, nhưng mảng thơ chiến tranh cũng rất độc đáo. Và với cả hai mảng thơ này, chất trẻ trung, tươi mới, hào hoa thấm đẫm trong từng câu thơ, từng hình ảnh, khiến thơ anh lung linh, được giới trẻ đặc biệt yêu thích.

Gần 20 năm cùng công tác với Hoàng Nhuận Cầm trong ngành điện ảnh, tôi có điều kiện được tiếp xúc với anh nhiều trong các liên hoan phim, các hội thảo hoặc các buổi ra mắt phim. Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với Hoàng Nhuận Cầm là lúc chúng tôi cùng trở lại thăm Thành cổ Quảng Trị, nghĩa Trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9. Tôi đã chứng kiến cảnh Hoàng Nhuận Cầm như lạc giữa hàng ngàn nấm mộ. Lúc ấy anh cứ bước đi như trong mơ. Thỉnh thoảng anh lại giơ tay chào trước những hàng bia im lặng và thút thít khóc, đôi mắt đỏ hoe, gương mặt tràn lệ. Bao nhiêu đồng đội của anh đã nằm xuống ở đây. Những kỷ niệm cháy lòng một thời chôn lại trên mảnh đất thấm máu này. Có lúc Hoàng Nhuận Cầm tựa như lạc bước vào dĩ vãng, anh bần thần như nhìn thấy gương mặt, giọng nói của bao đồng đội còn ngân lên xung quanh, và cả những trận bom cày xới mặt đất, những tiếng nổ vang trời…   

Tôi hiểu, tình yêu đồng đội, những day dứt khôn nguôi của một người lính bao nhiêu năm đắm trong hoài niệm là cội nguồn của những trăn trở để anh viết nên kịch bản phim Mùi cỏ cháy mà mỗi hình ảnh trong phim đã “bóp nát trái tim” của biết bao đồng đội anh và những người đang sống trong thời bình. Đó cũng là cội nguồn của những bài thơ chiến tranh độc đáo biểu lộ tâm tư những người học trò mặc áo lính, mộng mơ, ngây thơ, non nớt, mà kiêu hùng, mơ mộng, hào hoa, sang trọng, khiến bao người say mê và oặn lòng:

“Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu

Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có

Một hai ba giọng hát tiếng ve kim”

             (Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu)

Chính những câu thơ thế này của Hoàng Nhuận Cầm đã khiến nhà thơ Xuân Diệu lúc đương thời thốt lên: “Tôi cảm thấy mến thương các chú lính vô hạn, ra trận mà trong ba lô vẫn có những con ve, những hòn bi”.

Mãi nhiều năm sau Hoàng Nhuận Cầm vẫn theo đuổi cái giọng thơ về chiến tranh không trộn lẫn ấy và đã để lại những câu thơ khoáng đạt, hào hoa, đầy ắp nhạc điệu và những hình ảnh ngời sáng nhưng cũng vô cùng dữ dội.

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Nhớ lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Một vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn”.

                                          (Phương ấy)

Chỉ mới hơn 20 tuổi, Hoàng Nhuận Cầm đã có một giọng thơ độc đáo, hấp dẫn như có ma lực. Thơ anh là tiếng lòng của những người lính trẻ hào hoa, gác bút nghiên ra trận. Nó ghi dấu diện mạo một thế hệ dường như không phải sinh ra cho chiến tranh nhưng đã buộc phải cầm súng và hy sinh trong cái tàn khốc của một cuộc chiến kinh hoàng. Ra trận đấy, mà vẫn thấy hoa phượng đỏ gắn với một trời kỷ niệm tuổi học trò “rơi như mưa, như máu ở bên đường”.

 

Sinh ra trong một gia đình nghệ sỹ Hà Nội, cha là nhạc sỹ Hoàng Giác. Hoàng Nhuận Cầm trở thành sinh viên văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi khi mới học xong năm thứ nhất, anh nhận lệnh nhập ngũ và sau đó được điều vào thành cổ Quảng Trị, nơi được mệnh danh là cái cối xay thịt người với những cuộc đối đầu khốc liệt giữa ta và địch. Trong nhiều đồng đội thân thiết cùng nhập ngũ hồi đó, Hoàng Nhuận Cầm may mắn đi đến tận cùng cuộc chiến và được hưởng niềm vui chiến thắng. Hết chiến tranh, anh trở về, anh tiếp tục theo học những năm còn lại ở khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Anh bảo, anh yêu điện ảnh đến phát mệt. Mấy chục năm làm biên kịch, anh có nhiều tác phẩm thành công như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùi cỏ cháy… Nhưng tình yêu với thơ của anh còn lớn hơn nhiều. Hoàng Nhuận Cầm có lần tâm sự: “Với Cầm, không còn làm thơ được nữa tức là không thể thở, là sẽ chết dần, chết mòn, héo úa hết màu xanh”. Anh được đánh giá cao trong biên kịch điện ảnh, nhưng có lẽ điều ghim lại hình ảnh anh trong cuộc đời, làm nên diện mạo anh trước công chúng lại chính là thơ.

Có một dạo, tình hình điện ảnh khó khăn, anh sang công tác ở Hãng phim truyền hình. Anh phải làm đủ các việc, từ biên kịch đến diễn viên. Và vì thế, người xem còn biết đến anh với biệt danh “Bác sỹ Hoa Súng”. Tôi hỏi anh làm truyền hình bận thế, có thời gian cho thơ nữa không? Anh bảo: “Không, đến hãng, vừa mở trang thơ ra xem, ông quản lý bảo, anh đọc thơ làm gì? Đọc truyện tìm cái hay mà chuyển thể chứ sao lại đọc thơ?” Anh buồn. Làm sao anh có thể sống như thế được. Sau đó Hoàng Nhuận Cầm rời hãng phim truyền hình trở lại với Hãng phim truyện. Khi nhà nước cho phép lập hãng phim tư nhân, anh cũng nằm trong số những nghệ sỹ tiên phong đứng ra lập hãng phim Điệp Vân với mong muốn tìm một con đường mới cho công việc của mình. Hoàng Nhuận Cầm chịu khó lăn lộn với đời, tìm mọi cách để vượt qua cái tình cảnh bế tắc giáng xuống cuộc sống của những người nghệ sỹ thời văn hóa bị xâm lăng, điện ảnh và thi ca bị chèn ép đến cùng cực. Nhưng cuối cùng, anh chẳng thâm nhập được vào cái nháo nhào của thời kinh tế thị trường. Trong cái cảnh đời náo động ấy, nhiều lúc anh ngơ ngác. Thế rồi, anh lại trở về với từng trang bản thảo, vật vã viết.

Hoàng Nhuận Cầm trước sau vẫn vậy thôi, là người của mộng mơ và hoài niệm. Có khác chăng, anh đã trải qua những trận bão máu thời chiến tranh, và mang thêm những vết thương của hòa bình. Qua một thời cả nước đói nghèo, khổ cực anh mất đi nhiều mộng mơ, có thêm nhiều đắng đót. Những mối tình đầu đổ vỡ, những ký ức từng gìn giữ nâng niu đến một ngày tan nát. Tâm hồn anh rớm máu. Đời anh có lúc như bơ vơ, chao đảo. Những trắc trở ấy, đau thương ấy, một lần nữa, lại biến thành thơ. Càng về sau, thơ tình của Hoàng Nhuận Cầm càng dữ dội, đau đớn hơn, nhưng cũng sâu lắng, day dứt và quyến rũ thêm. Mỗi chữ trong bài thơ tựa như một nốt trên phím đàn, và cả bài thơ là một bản hòa tấu của thanh âm và màu sắc.

Thơ tình Hoàng Nhuận Cầm từng đi vào sổ tay của mấy thế hệ học trò. Những bài thơ Chiếc lá đầu tiên, Viên xúc xắc mùa thu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Mây rất thờ ơ… có thể coi là những bài thơ vào loại hay nhất cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Hoàng Nhuận Cầm trở thành thần tượng cho nhiều người tuổi trẻ yêu thơ, và họ đã tìm thấy trong thơ anh những hình ảnh đẹp đến mê hồn, những ám ảnh không dứt, những lời sẻ chia da diết…

“Em thấy không tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm say mê

 

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Tiếng ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”

                                   (Chiếc lá đầu tiên)

Nhà thơ Thai Sắc trong một bài viết đã đánh giá rất cao sức gợi của bài Chiếc lá đầu tiên, ông cho rằng: “…chỉ mới đọc lên, qua cảm nhận trực giác của người đọc, dòng kí ức nóng hổi về một thời học trò dào dạt dâng trào trong nỗi nhớ quánh đặc đến mức khiến ta nghẹt thở. Kí ức tuổi học trò ấy, rất riêng mỗi một người lại có dịp ùa dậy, lan tỏa trong chiều sâu bài thơ và bừng sáng khắp vòm trời kỉ niệm của tuổi hoa niên”. Tình yêu tuổi học trò trong những câu thơ trên có chút gì mơ hồ, mà đẹp đẽ, hồn hậu và da diết đến khôn nguôi.

Và đây nữa, những câu thơ vừa gây ấn tượng với người đọc bởi âm điệu và hình ảnh, vừa lan sâu vào cảm thức làm sống dậy những e ấp thiêng liêng, những tâm tư thầm kín:   

“ Sẽ tan đi những thành phố bảy màu

Đôi trái cấm trong vườn đời em anh làm vỡ

Nhưng giọt mực thứ ba em ơi  không thể lỡ

Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi”

                                       (Viên xúc xắc mùa thu)

Đôi khi, Hoàng Nhuận Cầm đi vào một cảm nhận về sự ngặt nghèo, đắng đót của tình yêu:

“Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ

Em hay là cơn bão tự ngàn xa”.

 

… Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

Dẫu mùa thu hoa cúc cướp anh rồi”

                      (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)

Lại có khi anh viết những câu thơ bâng khuâng, dịu dàng, thăm thẳm:

“Ngày em hai mươi tuổi

Anh ngửa đôi bàn tay

Tình yêu hương cỏ may

Ngủ âm thầm trong đất

Lòng anh cũng vậy thôi

Hơn một lần đánh mất

Trả cho em nước mắt

Lăn qua ngực đàn bà…”

                            (Mây rất thờ ơ)

Những đôi lứa yêu nhau đã tìm thấy trong thơ anh rất nhiều cung bậc của lòng mình. Cả thiết tha. Kỷ niệm. Cả chia lìa và day dứt. Thơ anh, trở thành tiếng lòng của họ, được chuyền tay nhau, được chép tặng nhau trong sổ tay và trở thành hành trang theo mãi trong cuộc đời. Thiết nghĩ, không nhiều nhà thơ trong chúng ta có được vinh hạnh đó. Nhiều lúc, dù cố tình lẩn vào số đông, nhưng khi tên anh được xướng lên, lập tức có hàng trăm đôi mắt hướng về trầm trồ, ngưỡng mộ.

Giờ Hoàng Nhuận Cầm đã bước vào tuổi 60. Hơn mười năm nay anh không có thêm một tập thơ nào. Thỉnh thoảng anh cũng có viết rải rác và có lần anh tâm sự, tập thơ mới của anh sẽ mang tên Tôi có đủ nỗi buồn để sống, nhưng không hiểu vì sao, giờ vẫn chưa thấy anh cho ra mắt độc giả. Nghe anh đọc một số bài tâm đắc, cảm giác thơ anh đã đằm sâu hơn, thấm vào mọi lẽ nhân sinh và đôi khi như hé lộ nỗi bơ vơ kiếp người. Biên độ của cảm xúc và suy nghĩ vì thế cũng được mở rộng hơn. Dù sao, tập thơ mới vẫn là một bí mật mà lúc này anh chưa muốn nói nhiều về nó.

Trở lại với những tập thơ đã in của anh, đó là một hành trình khá thống nhất. Dù đề tài và cảm xúc có phát triển, nhưng trước sau, anh vẫn giữ những nét đặc trưng về phương thức thể hiện. Ngoài lợi thế về nhạc điệu, khiến mỗi bài thơ như một bản hòa tấu của thanh âm, Hoàng Nhuận Cầm còn có khả năng sử dụng hình ảnh đầy sắc màu, khi tinh khiết, lúc lộng lẫy, làm cho câu thơ thêm đẹp đẽ. Mỗi bài thơ của anh thường như một bức tranh với những đường nét trau chuốt, tinh tế. Câu thơ hoạt, biến hóa, nhịp thơ vừa phải, sử dụng nhiều thanh không tạo độ ngân vang.

Cũng cần nói thêm, thơ Hoàng Nhuận Cầm có một tầng lớp độc giả riêng ở lứa tuổi học trò. Còn với những người đọc lớn tuổi, những người đọc khó tính đôi khi sẽ thấy ở thơ anh mạnh ở tính diễn xướng và sự bột phát cảm xúc mà thiếu độ trầm lắng tạo cái nền sâu cho suy tư. Cũng có lúc, đuổi theo tưởng tượng anh sa vào ước lệ. Giá như có thêm những khoảng lặng, có thêm những gam màu bình dị, thơ Hoàng Nhuận Cầm còn có thể day dứt hơn, thẳm sâu hơn.

Một khi đã nắm được bí mật của trái tim con người, nhà thơ sẽ đồng hành với độc giả dù cho những cơn bão lốc của thời đại cứ cuốn xoáy. Vì lẽ đó, tôi tin, dẫu nền thơ đang gặp những thách thức gay gắt, độc giả ngày nay đã khác trước nhiều, nhưng Hoàng Nhuận Cầm vẫn là một thi sỹ còn được các thế hệ người đọc trẻ tuổi hôm nay và sau này nữa yêu mến, mặc cho những trào lưu mới không ngừng được sản sinh ra.

                                Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66332575

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July