Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 01/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin Văn nghệ: Thơ Đỗ Phủ qua bản dịch của Đỗ Trung Lai Tin Văn nghệ: Thơ Đỗ Phủ qua bản dịch của Đỗ Trung Lai , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net – Sáng 29/12/2012, Hội thảo kỷ niệm 1.300 năm sinh thi hào Đỗ Phủ sẽ được tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Tại Việt Nam, từ nhiều năm trước đã có nhiều nhà thơ từng dịch thơ Đỗ Phủ rất thành công như: Nhượng Tống, Tản Đà, Phan Ngọc, Khương Hữu Dụng, Trinh Đường… Và gần đây nhất, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã dành nhiều tâm sức, thời gian để dịch những tác phẩm nổi tiếng của thi hào Đỗ Phủ. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, VanVN.Net trân trọng giới thiệu hai bài thơ được nhà thơ Đỗ Trung Lai dịch và đã in trong tập sách “Những bài Đường thi nổi tiếng”…

Nhà thơ Đỗ Trung Lai

Phiên âm:

Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài

 

Đỗ Lăng hữu bố y,

Lão đại ý chuyển chuyết,

Hứa thân nhất hà ngu,

Thiết tỷ Tắc dữ Tiết;

Cư nhiên thành hoạch lạc,

Bạch thủ cam khế khoát.

Cái quan sự tắc dĩ,

Thử chí thường ký khoát.

Cùng niên ưu lê nguyên,

Thán tức trường nội nhiệt.

Thủ tiếu đồng học ông,

Hạo ca di kích liệt.

Phi vô giang hải chí,

Tiêu sái tống nhật nguyệt.

Sinh phùng Nghiêu, Thuấn quân,

Bất nhẫn tiện vĩnh quyết.

Đương kim lang miếu cụ,

Cấu hạ khởi vân khuyết.

Quỳ hoắc khuynh thái dương,

Vật tính cố nan đoạt.

Cố duy lâu nghị bối,

Đãn tự cầu kỳ huyệt.

Hồ vi mộ đại kình,

Chiếp nghĩ yển minh bột?

Dĩ tư ngộ sinh lý,

Độc sỉ sự can yết.

Ngột ngột toại chí kim,

Nhẫn vi trần ai một?

Chung quý Sào dữ Do,

Vị năng dịch kỳ tiết.

Trầm ẩm liểu tự thích,

Phóng ca phả sầu tuyệt.

Tuế mộ bách thảo linh,

Tật phong cao cương liệt.

Thiên cù âm tranh vanh,

Khách tử trung dạ phát.

Sương nghiêm y đái đoạn,

Chỉ trực bất năng kết.

Lăng thần quá Ly-Sơn,

Ngự tháp tại đái niết,

Xuy Vưu tắc hàn không.

Xúc đạp nhai cốc hoạt,

Dao trì khí uất luật,

Vũ lâm tương ma kiết.

Quân thần lưu hoan ngu,

Nhạc động ân dao cát.

Tứ dục giai trường anh,

Dự yến phi đoản cát.

Đồng đình sở phân bạch,

Bản tự hàn nữ xuất.

Tiên thát kỳ phu gia,

Tụ liễm cống thành khuyết.

Thánh nhân khuông phỉ ân,

Thực dục bang quốc hoạt.

Thần như hốt chí lý,

Quân khởi khí thử vật?

Đa sĩ doanh triều đình,

Nhân giả nghi chiến lật.

Huống văn nội kim bàn,

Tẫn tại Vệ Hoắc thất.

Trung đường hữu thần tiên,

Yên vụ mông ngọc chất.

Noãn khách điêu thử cừu,

Bi quản trục thanh sắt.

Khuyến khách đà đề canh.

Sương tranh áp hương quất.

Chu môn tửu nhục xú,

Lộ hữu đống tử cốt.

Vinh khô chỉ xích dị,

Trù tướng nan tái thuật,

Bắc viên tựu Kinh, Vị,

Quan độ hựu cải triệt.

Quần thủy tòng tây há,

Cực mục cao thốt ngột.

Nghi thị Không Đồng lai,

Khủng xúc thiên trụ chiết.

Hà lương hạch vị sách,

Chi sanh thanh tất tốt.

Hành lữ tương phan viên,

Xuyên quảng bất khả việt.

Lão thê ký dị huyện,

Thập khẩu cách phong tuyết.

Thùy năng cửu bất cố,

Thứ vãng cộng cơ khát.

Nhập môn văn hào đào,

Ấu tử cơ dĩ tốt!

Ngô ninh xả nhất ai,

Lý hạng diệc ô yết.

Sở quý vi nhân phụ,

Vô thực trí yểu chiết.

Khởi tri thu hòa đăng,

Bần lũ hữu thảng thốt.

Sinh thường miễn tô thuế,

Danh bất lệ chinh phạt.

Phủ tích do toan tân,

Bình nhân cố tao tiết.

Mặc tư thất nghiệp đồ,

Nhân niệm viễn thú tốt.

Ưu đoàn tề Chung Nam,

Hạng đỗng bất khả xuyết.

 

Dịch nghĩa:

Từ kinh đô(1) về huyện Phụng Tiên(2)

 

Đất Đỗ Lăng có chàng áo vải,

Trở về già, ý nghĩ sinh vụng về.

Chí lập thân sao mà ngu thế,

Tự ví mình với ông Tắc, ông Tiết. (3)

Rút cuộc thành hão huyền,

Bạc đầu vẫn cam vất vả.

Việc đời khi nào đậy nắp quan thì thôi,

(Hiện nay) chí ấy vẫn hằng mơ ước!

Suốt năm, xót thương dân đen,

Than thở nhường nung nấu trong ruột.

Các ông bạn học thấy thế cười.

Hát vang lên, càng khảng khái!

Không phải không có chí phong lãng nơi sông bể,

Tiêu dao qua tháng ngày;

Bởi sinh nhằm đời vua như Nghiêu, Thuấn,

Nên không nỡ dứt bỏ ra đi.

Hiện nay những đồ bày trên lăng miếu, (4)

Những gỗ lớn làm nổi nhà to, há thiếu đâu (5)

(Nhưng) hoa quỳ, hoa hoắc hướng về mặt trời(6)

Bản tính của loài vật không dễ bắt ép được,

Chẳng xem con sâu, con kiến

Chỉ biết quanh nơi tổ của chúng;

Sao mình lại muốn làm con cá kình lớn

Những toan vùng vẫy ở nơi biển khơi!

Suy đó mà biết lẽ sống,

Riêng thẹn đã làm những việc cầu cạnh.

Ngất ngưởng đến ngày nay,

Chẳng lẽ chịu chìm đắm trong cát bụi!

Vẫn thấy ngượng với ông Sào, ông Do,(7)

Vì chưa đổi được tiết tháo.

Uống cho say nhừ, họa chăng được thoái mái,

Hát ngao lên mà vẫn thấy buồn sao!

Năm tàn, hoa cỏ xơ xác,

Gió giật như xé đỉnh gò cao.

Vòm trời âm u mà cao vút,

Người khách nửa đêm ra đi.

Sương buốt, giải áo đứt,

Ngón tay cóng không buộc lại được.

Tinh sương, đi qua Ly Sơn(8)

Giường vua đang ở trên đỉnh núi cao chót vót.

Trên trời lạnh có những làn hơi đỏ rực như cờ Xuy Vưu

Giày xéo lên những mỏm đá, cửa hang trơn nhãy.

Cung Dao Trì khí trời ẩm nồng,

Đội quân Vũ Lâm gươm đao loảng xoảng.

Vua tôi mải họp mua vui,

Tiếng nhạc vang lên rầm rộ.

Được tắm(9) , toàn bọn dải mũ lê thê,

Dự yến, đâu đến phường áo vải ngắn!

Lụa phân phát trước sân rồng,

Đều do tay những người con gái không áo dệt ra cả.

Roi vọt quất lên thân chồng con họ

Nạo khoét lấy để dâng vào cung vua.

Ơn vua ban ra từng giỏ, từng lẵng,(10)

Thực ra, muốn nhà nước được yên vui.

Nếu bề tôi mà quên lẽ chính ấy;

Chẳng hóa ra vua đã quẳng hoài những vật ấy sao?

Đầy triều đình biết bao bậc sĩ phu,

Người có lòng nhân cũng nên e sợ.

Huống chi thấy nói bao mâm vàng trong nội,(11)

Chuyển hết sang nhà họ Vệ, họ Hoắc cả rồi.(12)

Trong nhà có chị em của Dương Quý Phi như các bậc thần tiên.

Khói mây phủ lồng vẻ ngọc.

Làm ấm khách, đã có áo cừu lông điêu,

Tiếng sáo não nùng họa theo điệu đàn sắt trong trẻo.

Thết khách có món nấu chân lạc đà,

Thơm ngát những nước chanh, nước quýt.

Nơi cửa son rượu thịt sặc mùi,

Ngoài đường, trơ nắm xương người chết rét.

Sướng khổ chỉ cách nhau tấc gang,

Bùi ngùi kể lại khôn xiết.

Xe lên bắc vừa đến sông Vị, sông Kinh,

Qua đò quan, lại xoay hướng khác.

Bao ngọn nước từ phía tây đổ xuống,

Trông hết tầm mắt, thấy chót vót cao.

Ngờ rằng từ núi Không Đồng tới,(13)

E va chạm làm gẫy cột chống trời.(14)

Cầu qua sông may chưa gẫy,

Rầm cột chuyển, tiếng kêu răng rắc.

Khách đi đường níu vịn lấy nhau,

Lòng sông rộng, không thể vượt được.

Vợ già gửi ở huyện nọ,

Mười miệng ăn gió tuyết cách vời.

Ai nỡ mãi không nhìn đến,

Thà về cho đói khát có nhau.

Bước vào cửa nghe tiếng gào khóc,

Thằng con bé đã chết đói rồi!

Lòng ta sao khỏi đau đớn,

Hàng xóm cũng nghẹn ngào thay.

Thẹn mình bổn phận làm bố,

Không nuôi nổi, để con phải chết oan,

Ai ngờ vụ lúa mùa đã gặt rồi,

Vì nghèo khó mà nạn sinh trong chốc lát.

Đời mình vẫn được miễn thuế,

Tên mình không phải ghi trong sổ lính,

Thế mà còn phải chua xót,

Người thường khác hẳn là phải lao đao.

Nghĩ thầm đến những người thất nghiệp,

Liên tưởng đến những lính thú phương xa.

Nỗi lo âu chất cao như núi,

Mênh mang nén lòng chẳng yên.

---------------------------

Chú thích:

1. Trường An.

2. Nơi vợ con Đỗ Phủ ở.

3. Hai người bề tôi hiền đời Nghiêu, Thuấn.

4. 5. Ý nói người có tài lớn giúp nước, phò vua.

6. Ý nói lúc nào cũng muốn giúp vua làm việc nước.

7. Hai người hiền ở ẩn đời Đường Nghiêu.

8. Nơi Đường Huyền Tông sai xây dựng cung điện để sống với Dương Quý Phi.

9. Ý nói được tắm suối ấm ở Ly Sơn.

10. Lụa ban cho các quan thường đựng trong giỏ hoặc lẵng.

11. 12. Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh đều là họ ngoại của Hán Vũ Đế. Đây dùng chỉ việc Đường Huyền Tông lấy châu báu trong cung ban cho anh em Dương Quý Phi.

13. Dãy núi thuộc tỉnh Cam-túc ngày nay.

14. Ý nói thế nước chảy mạnh.

 

Dịch thơ:        

Nhớ về chuyến đi từ kinh đô về huyện Phụng Tiên

 

Đất Đỗ Lăng có chàng áo vải

Tuổi càng cao, càng dại, càng ngu

Coi mình như thánh nhân xưa

Lập thân ngẩn ngẩn, ngơ ngơ, hão huyền

 

Chí tiến thủ giữ nguyên trong dạ

Thề chỉ buông khi hạ ván thiên

Bốn mùa thương xót dân đen

Bạc đầu còn vẫn bên đèn thở than

 

Bạn đồng học chê gàn, chê dở

Chàng ta càng nặng nợ nam nhi

Nghĩ đời Nghiêu, Thuấn thế kia

Giang hồ, ai nỡ bỏ đi cho đành

 

Mong giúp rập triều đình hôm sớm

Làm cây to, cột lớn hơn người

Như hoa quỳ hướng mặt trời

Đâu như  ong, kiến suốt đời lủi chui

 

Nhưng rồi phải nơi nơi cầu cạnh

Giữ cho mình trong sạch khó sao

May còn thẹn với Do, Sào

Chửa đem tiết tháo buộc vào xe ai

 

Sầu lên, giục hôm mai say khướt

Hát ca hoài, mong được thảnh thơi

Thế mà mưa bão dập vùi

Gió sương xơ xác một đời cỏ hoa

 

            *

Một đêm nọ chàng ta cất bước

Giữa mây giăng sương buốt đầy trời

Ngón tay cóng lạnh rã rời

Buộc không xong dải áo người ra đi

 

Trời tảng sáng, qua Ly Sơn cũ

Thiên tử còn say ngủ trên cao

ánh mây đỏ tựa cờ đào

Soi trên đá lạnh, rọi vào cửa hang

 

Trong hang, giữa cung vàng điện bạc

Quân Vũ Lâm loảng xoảng gươm đao

Vang lừng khúc nhạc đài Dao

Vua tôi dạ tiệc, vui nào vui hơn!

 

Suối ấm tắm vương tôn công tử

Dải mũ dài, gấm đỏ, tơ xanh

Những phường áo ngắn vô danh

Ai mời dự yến cung đình xưa nay

 

Lụa Thiên tử vui tay ban phát

Muôn gái nghèo xơ xác dệt thành

Chồng con roi vọt đầy mình

Mới ra yến tiệc triều đình thơm tho

 

Lộc Thiên tử ban cho từng lẵng

Cũng là mong nước lặng dân yên

Nhận rồi không biết báo đền

Khác nào bỏ phí ơn trên một đời

 

Quanh điện ngọc, bao người tài giỏi

Thấy cảnh kia sao khỏi đau lòng

Còn nghe vàng sáng, ngọc trong

Về lầu riêng cả, kho không còn gì

 

Kìa nhà họ Dương kia là thế

Trong với ngoài đều vẻ thần tiên

áo cừu ủ ấm khách quen

Tiếng tơ tiếng trúc ngày đêm giao hoà

 

Tiệc bày móng lạc đà ninh kỹ

Tráng miệng dùng chanh quý, quýt tươi

Cửa son gạo thịt bỏ ôi

Bao người chết rét xương phơi ngoài đường

 

Sướng với khổ chỉ dường gang tấc

Gang tấc mà trời vực thế kia

Càng nghe càng lại não nề

Quay xe giục ngựa tìm về thăm con

 

            *

Bao ngọn nước trên non đổ xuống

Hút mắt nhìn, cuồn cuộn trời tây

Hoàng Hà nước chảy qua mây

Ngỡ như trời sập trong ngày gió mưa

 

Cây cầu gỗ may chưa bị vỡ

Trèo trẹo kêu như đổ đến nơi

Qua cầu, người vịn tay người

Lần lần từng bước ngang trời mà đi

 

Vợ con gửi nơi kia cách trở

Mười miệng ăn xoay sở vào đâu?

Thà về đói khát bên nhau

Còn hơn mê mải hái sao trên trời

 

            *

Vừa qua cửa đã rơi nước mắt

Ma đói vừa bắt mất con ta

Thằng con bé bỏng nhất nhà

Vợ già than khóc, lòng ta rã rời

Trời sao trời chẳng chiều người

Xóm giềng ai cũng ngậm ngùi xót xa

 

Ta làm bố không ra phận bố

Để con mình chết khổ chết oan

Đồng thu đã gặt quanh làng

Có kẻ cơ hàn bỏ đói vợ con!

 

Ta được miễn, không còn tô thuế

Tên nằm ngoài niên lệ tòng quân

Thế mà đang phải khốn cùng

Dân thường còn biết vẫy vùng ra sao?

 

Người thất nghiệp biết bao cay cực

Kẻ đầu quân Tây Vực, Nam Man

Lo phiền như núi như non

Chạnh thương cảnh ấy, héo hon dạ này!

 

 

Phiên âm:       

Vô gia biệt     

 

Tịch mịch Thiên Bảo hậu,

Viên lư đãn cao lê.

Ngã lý bách dư gia,

Thế loạn các đông tê (tây).

Tồn giả vô tiêu tức,

Tử giả vi trần nê.

Tiện tử nhân trận bại,

Quy lai tầm cựu hề.

Cửu hành kiến không hạng,

Nhật sấu khí thảm thê.

Đãn đối hồ dữ li,

Thụ mao nộ ngã đề.

Tứ lân hà sở hữu,

Nhất nhị lão quả thê.

Túc điểu luyến bản chi,

An từ thả cùng thê.

Phương xuân độc hà sừ,

Nhật mộ hoàn quán khuê.

Huyện lại tri ngã chí,

Triệu linh tập cổ bề.

Tuy tòng bản châu dịch,

Nội cố vô sở huề.

Cận hành chỉ nhất thân,

Viễn khứ chung chuyển mê.

Gia hương ký đãng tận,

Viễn cận lý diệc tề.

Vĩnh thống trường bệnh mẫu,

Ngũ niên ủy câu khê.

Sinh ngã bất đắc lực,

Chung thân lưỡng toan tê.

Nhân sinh vô gia biệt,

Hà dĩ vi chưng lê?

 

Dịch nghĩa:     

Không có nhà để ly biệt       

Sau năm Thiên Bảo, hết thảy đều vắng vẻ. Vườn, nhà chỉ thấy rặt cỏ cao, cỏ lê. Làng tôi có hơn trăm nhà. Gặp thời loạn, mọi người đều phân tán đông tây.

Những người còn sống thì không có tin tức. Những kẻ chết rồi thì hoá ra bụi bùn. Kẻ hèn này nhân thua trận, trở về tìm lại lối cũ.

Đi lâu, thấy ngõ trống. Mặt trời gầy guộc, khí thê thảm. Gặp toàn những con chồn, con cáo dựng lông, kêu giận dữ.

Bốn bên hàng xóm có gì? Chỉ thấy một hai bà goá già. Những con chim trọ quyến luyến cành cũ, không nề hà, vẫn đậu ở chốn khốn cùng.

Đương mùa xuân, tôi vác bừa một mình. Buổi chiều lại đi tưới ruộng. Kẻ lại trên huyện biết có tôi về, liền gọi sai tôi tập trống.

Tôi tuy làm việc tại châu nhà, cũng cần có gì mang theo. Nhưng khi nhìn vào trong nhà, không thấy có gì mang đi được. Đi gần chỉ có một mình. Đi xa hoá ra mê muội.

Nhà cửa, xóm làng sạch

không. Xa gần cũng đều như thế. Mẹ tôi mắc bệnh đau đã lâu. Năm năm nay, bà gửi thân bên lạch nước.

Sinh ra tôi, không được giúp đỡ. Suốt đời chịu khổ đau. ở đời không có nhà để ly biệt. Biết lấy gì nấu canh rau phụng dưỡng mẹ?

 

Dịch thơ:        

Không còn nhà để mà ly biệt

 

Tàn tạ sau thời Thiên Bảo

Nhà, vườn chỉ toàn cỏ thôi

Làng tôi có hơn trăm hộ

Chạy đông chạy tây cả rồi!

 

Người sống thì không tin tức

Kẻ chết đất bùn chôn vùi

Tôi tìm về ngôi làng cũ

Chỉ vì thua trận mà thôi

 

Làng xưa giờ toàn ngõ trống

Mặt trời gầy guộc thảm thê

Cáo dại, chồn hoang đầy cửa

Dựng lông doạ cả người về!

 

Xóm thôn bốn bề vắng ngắt

Vài ba gái goá ê chề

Như chim vẫn thương cành cũ

Nên còn ở lại, chưa đi!

 

Sớm xuân vác bừa ra ruộng

Chiều đi tát nước trên đồng

Nha huyện thấy tôi về được

Gọi đi tập trống trong vùng

 

Nơi tập tuy cùng trong huyện

Cũng cần hành lý mang theo

Tìm khắp trên nhà, dưới bếp

Chỉ còn độc tấm thân nghèo!

 

Tôi với xóm giềng tay trắng

Gần xa cũng chẳng hơn gì

Mẹ tôi ốm lâu rồi mất

Năm năm mộ vùi bên khe

 

 

Sinh con, chưa từng nhờ cậy

Một đời biết mấy khổ đau

Còn nhà đâu mà ly biệt

Mà dâng mẹ bát canh rau?

(Đỗ Trung Lai dịch thơ và giữ bản quyền)

 

 

Chân dung thi hào Đỗ Phủ

Tiểu sử Đỗ Phủ (712-770)

 

Đỗ Phủ là cháu 13 đời của Đỗ Dự, một danh tướng đời Tấn, người ở Đỗ Lăng, Kinh Triệu. Vì viễn tổ là người ở Đỗ Lăng nên người đời sau còn gọi Đỗ Phủ là Đỗ Thiếu Lăng. Người ta cũng gọi Đỗ Phủ là Đỗ Công bộ vì Đỗ Phủ có lúc làm quan ở Công bộ.

Tập thơ của Đỗ Phủ có tên là Đỗ Thiếu Lăng tập, Đỗ Công bộ tập hay Thảo đường thi tập (vì Đỗ Phủ có dựng thảo đường tại Thành Đô).

Đỗ Phủ sinh năm 712, tức là năm đầu niên hiệu Tiên Thiên, đời Đường Huyền Tông, ở Dao Loan, cách 2 dặm phía đông huyện Củng, tỉnh Hà Nam. Lúc đó thân phụ là Đỗ Nhàn đã 30 tuổi. Sau khi Đỗ Phủ sinh được ít lâu thì bà thân mẫu mất. Tất cả các em trai, gái của ông đều là con của bà kế mẫu họ Lư.

Lúc nhỏ Đỗ Phủ từng đến ở nhà người cô ở Lạc Dương, cách quê nhà có 140 dặm. Thời đó Lạc Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Trung Quốc. Chính nền văn hoá Lạc Dương đã chung đúc nên Đỗ Phủ. Đỗ Phủ rất thông minh hoạt bát, còn nhỏ tuổi đã nổi tiếng văn tài. Các danh sĩ Lạc Dương đương thời như Thôi Thượng, Ngụy Tâm Khải…, sau khi đọc thơ Đỗ Phủ, đều khen là Ban Cố, Dương Hùng tái sinh. Ngoài tài làm văn, Đỗ Phủ còn có tài viết chữ, lên 9 tuổi đã viết được đại tự, theo bút pháp Ngu Thế Nam.

Năm 725, tức là năm thứ 13 niên hiệu Khai Nguyên, đời Đường Huyền Tông, Đỗ Phủ mới 14 tuổi, đã được các nhà tinh thông âm luật như Kỳ vương Lý Phạm và sủng thần của vua Huyền Tông là Thôi Điều, yêu chuộng. Chính tại nhà hai vị này, Đỗ Phủ gặp gỡ danh ca Lý Quy Niên.

Trong lúc thiếu thời, Đỗ Phủ thường đi chơi các cùng Ngô, Việt, Tề, Triệu. Năm 19 tuổi (730), Đỗ Phủ đi Hoàng Hà, đến Tuân Hà, rồi đi Hoài Âm, Dương Châu, qua Trường Giang, sang Giang Nam, thăm mộ Ngô vương Hạp Lư ở Cô Tô, xem Kiếm Trì ở Hổ Khâu rồi đến Trường Châu uyển. Ông cũng có đến Thái Bạch miếu, qua Tiền Đường rồi đi Diêm Khê, Tào Nga, đến chân núi Thiên Mẫu. Ông có lưu lại Giang Ninh một thời gian, được biết cái cảnh hào hoa của họ Vương, họ Tạ đời Lục triều.

Sau ba, bốn năm dạo chơi tại Giang Nam, Đỗ Phủ trở về quê nhà (huyện Củng) để đi thi tiến sĩ. Khoa thi năm ấy, trong số 3.000 thí sinh, chỉ có 23 người đậu. Đỗ Phủ bị rớt. Ông lại tiếp tục mạn du đến Sơn Đông, Hà Bắc. Lúc này thân phụ ông đương làm chức Tư mã huyện Duyệt Châu.

Sau 10 năm phiêu lãng giang hồ, Đỗ Phủ trở về Lạc Dương, làm nhà ở bên Thí Hương đình, dưới núi Thú Dương, nơi có phần mộ của tổ phụ là Đỗ Thẩm Ngôn và viễn tổ là Đỗ Dự. Năm ấy, Đỗ Phủ vừa 30 tuổi, kết hôn với Dương thị, con gái của Dương Di, làm chức Tư nông Thiếu khanh.

Năm 33 tuổi (744), Đỗ Phủ quen biết Lý Bạch tại Lạc Dương. Lúc này Lý Bạch đã 44 tuổi.

Năm thứ 4 niên hiệu Thiên Bảo (745), Đỗ Phủ rời Lạc Dương lên ở Đỗ Khúc, phía đông Trường An, nơi đế đô của nhiều triều đại. Ở đây, Đỗ Phủ bất đắc chí, sống những ngày thanh khổ, nghèo nàn.

Ngày mồng 8 tháng Giêng năm thứ 10 niên hiệu Thiên Bảo (751), vua Đường Huyền Tông làm lễ tế trời đất, tổ tiên trong ba ngày liền. Nhân dịp ấy, Đỗ Phủ làm ba bài đại lễ phú dâng lên Đường Huyền Tông, được vua khen ngợi, cho đến ở Tập hiền viện, sai quan Tể tướng thử tài văn chương. Đó là thời kỳ sung sướng nhất của Đỗ Phủ trong 10 năm tại Trường An. Sau khi dự khảo thí xong, Đỗ Phủ không nhận được tin tức gì (vì trong triều có người hại ông). Vì thế Đỗ Phủ lại trở về với cuộc sống khổ sở như xưa. Lúc này, ông được tin đứa con nhỏ gửi nuôi tại Phụng Tiên bị chết đói. Tình cảnh thương tâm ấy được tả trong bài "Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài".

Trong lúc bản thân bần khổ, bệnh tật, Đỗ Phủ lại được chứng kiến cảnh sống hoang dâm xa xỉ của vua Huyền Tông, cùng nghe lời ai oán của dân chúng vì chính sách “cùng binh độc vũ” của nhà vua. Đường Minh Hoàng (Huyền Tông) cùng Dương Quý Phi thường đến vui chơi tại cung Hoa Thanh, ao Khúc Giang, gần nơi cư trú của Đỗ Phủ. Nhân đó, Đỗ Phủ làm bài "Lệ nhân hành".

Năm cuối cùng niên hiệu Thiên Bảo (755), Tiết độ sứ ba trấn Bình Lư, Phạm Dương và Hà Đông là An Lộc Sơn nổi loạn, đem quân vây Đồng Quan, hãm Trường An. Đường Minh Hoàng phải chạy sang Thục. Đến Mã Ngôi pha, Dương Quý Phi phải tự ải.

Lúc chiến sự sơ khởi, Đỗ Phủ đương ở Phụng Tiên (cách Trường An 150 dặm). Ông đem gia quyến đến ở nhờ nhà người cậu tại huyện Bạch Thủy, rồi sau đến Phu Châu.

Tháng Bảy năm ấy, con vua Huyền Tông lên ngôi tại Linh Vũ (nay là huyện Linh Vũ, tỉnh Cam Túc), lấy hiệu là Túc Tông. Được tin đó, Đỗ Phủ ra đi, bị hãm tại Trường An, xa cách vợ con ở Phu Châu. Đỗ Phủ làm bài "Nguyệt dạ" (Đêm trăng) tả tình thương nhớ vợ con và bài "Nguyệt dạ ức sá đệ" (Đêm trăng nhớ em). Đỗ Phủ có lén đi thăm Khúc Giang, trông thấy cây cỏ xanh tươi nhưng cung điện đóng kín, chạnh niềm hoài cổ, làm bài "Ai giang đầu".

Tháng Giêng năm sau (756), Túc Tông đến Bành Nguyên (nay là huyện Ninh, tỉnh Cam Túc). An Lộc Sơn bị con là An Khánh Tự cùng bọn Nghiệm Trang, Lý Chư Nhi giết chết. Khánh Tự tự lập làm vua.

Tháng Hai, Túc Tông từ Bành Nguyên dời sang Phụng Tường. Vì thời cục biến chuyển, Đỗ Phủ từ Trường An đến Phụng Tường yết kiến Túc Tông.

Ngày 16 tháng Năm, Túc Tông phong cho Đỗ Phủ làm chức Tả thập di, giữ việc can gián. Sau nhân việc Phòng Quan bị bãi tướng, Đỗ Phủ hết sức can ngăn Túc Tông không nên bỏ người hiền tài. Túc Tông cả giận, sai Tam ty điều tra. May nhờ Tể tướng kế nhiệm là Trương Hạo tận lực cứu giúp, Đỗ Phủ mới được phục chức. Đỗ Phủ rất xúc động về việc can gián bất thành ấy, nên xin về thăm gia đình tại Phu Châu (ngày mồng 1 tháng Tám nhuận). Trên đường về, Đỗ Phủ không có ngựa, phải đi bộ, mãi đến Bân Châu mới mượn được một con ngựa, về đến nhà thì trời chiều. Ba bài "Khương thôn" ông làm trong dịp về thăm nhà này.

Tháng Chín năm thứ hai niên hiệu Chí Đức (757), con trưởng Túc Tông là Lý Xúc cùng Quách Tử Nghi đem 15 vạn quân phản công Trường An. Nghe tin ấy, Đỗ Phủ mừng rỡ làm bài "Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc" (Nghe quan quân lấy lại Hà Nam, Hà Bắc).

Sau khi quan quân thu phục được Trường An rồi Lạc Dương, tháng Mười năm ấy, Túc Tông từ Phụng Tường về kinh. Tháng Mười một, Đỗ Phủ cũng đem gia quyến từ Phu Châu về Trường An. Mùa xuân năm sau (758), Đỗ Phủ lại được tái nhậm chức Tả thập di. Đỗ Phủ làm 2 bài "Khúc giang".

Tháng 6, Đỗ Phủ đổi ra làm việc tại Hoa Châu (nay là huyện Hoa, tỉnh Thiểm Tây). Từ đó, Đỗ Phủ không về Trường An nữa, nhưng lòng luôn luôn nhớ tới kinh đô. Ở Hoa Châu được mấy tháng, Đỗ Phủ về Lạc Dương, năm sau lại sang Hoa Châu.

Sử Tư Minh chiếm cứ Ngụy Châu (nay là huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc), đánh bại quân triều đình. Triều đình tức tốc phái binh đến phản công. Lúc này Đỗ Phủ đương trên đường đi từ Lạc Dương về Hoa Châu. Tả cảnh nhiễu loạn ấy, Đỗ Phủ làm các bài: "Tân An lại", "Thạch Hào lại", "Đồng Quan lại", "Tân hôn biệt", "Thuỳ lão biệt", "Vô gia biệt". Người đời sau gọi 6 kiệt tác này là "Tam lại" (ba bài lại) và "Tam biệt" (ba bài biệt). Đó chính là các tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Phủ, như ông đã viết: "Ức tại Đồng Quan thi ứng đa" (Nhớ lúc ở  Đồng Quan làm nhiều thơ).

Khi Đỗ Phủ về đến Hoa Châu, ở đây đương hạn hán mất mùa. Ông lại phải mang gia quyến sang ở nhờ nhà người cháu là Đỗ Hựu tại Tần Châu (nay là huyện Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc). Sinh hoạt nghèo khổ, thân thể gầy gò, Đỗ Phủ làm 20 bài "Tần Châu tạp thi".

Sau Đỗ Phủ lại dời sang huyện Đồng Cốc (nay là huyện Thành, tỉnh Cam Túc) vì tưởng ở đây việc mưu sinh dễ dàng hơn, nhưng không ngờ cũng chẳng hơn gì lúc ở Tần Châu. Đỗ Phủ làm 7 bài ca rất hay gọi là "Càn Nguyên trung ngụ cư Đồng Cốc huyện" (Trong thời Càn Nguyên ngụ cư tại huyện Đồng Cốc).

Năm này Đỗ Phủ đã 48 tuổi. Đó là năm khổ cực nhất trong đời thi sĩ, nhưng cũng chính là thời kỳ ông làm được nhiều bài thơ thành công nhất như “Tam lại”, “Tam biệt”, “Tần Châu tạp thi”, “Đồng Cốc thất ca”. Thật đúng câu “Cùng nhi hậu công” vậy.

Ở Đồng Cốc chưa đầy 2 tháng, Đỗ Phủ đi Tứ Xuyên, và đến tháng Mười hai thì tới Thành Đô.

Khi ở Thành Đô, Đỗ Phủ thường đến chơi chùa ở Hoãn Hoa khê, giao du với nhà sư Phục Không. Sau nhờ có sự giúp đỡ của bè bạn, ông dựng một thảo đường trên 2 mẫu đất hoang bên Hoãn Hoa khê, làm thơ gửi đi các nơi xin đào, lý, mai, trúc... về trồng. Sau ba tháng, nhà dựng xong, gọi là "Thành Đô thảo đường". Vì vậy tập thơ của Đỗ Phủ mang tên là Thảo đường thi tập.

“Thành Đô thảo đường” quay lưng về phía Thành Đô, ở ngoài đường Thạch Tuân, phường Bích Khê, Thiếu Thành, phía bắc đầm Bách Hoa, phía tây cầu Vạn Lý, suối Hoãn Hoa, gần Cẩm Giang, phía tây bắc trông ra núi Tây Lĩnh có tuyết phủ quanh năm.

Ở Thành Đô, Đỗ Phủ sống những ngày thanh nhàn: đánh cờ với vợ, câu cá cùng con và uống rượu cùng người trong xóm. Được thế là nhờ sự giúp đỡ của các bạn, nhất là Cao Thích và Nghiêm Vũ.

Năm 53 tuổi (765), nhờ có Nghiêm Vũ tiến cử, Đỗ Phủ làm chức Tiết độ tham mưu kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Vì thế người đời sau gọi ông là Đỗ Công bộ. Nguyên Đỗ Phủ là bạn cũ của Nghiêm Đĩnh Chi, thân phụ của Nghiêm Vũ, nên khi Đỗ Phủ đến ở Thành Đô, Nghiêm Vũ thường đến thăm ông tại thảo đường. Một bên là người hàn sĩ phong lưu, một bên là bậc hùng trấn hiển hoạn, tình bạn mỗi ngày một thân. Làm quan dưới trướng của Nghiêm Vũ được nửa năm, Đỗ Phủ không chịu được sự câu thúc, lại thấy đồng liêu đố kỵ, nên cáo quan trở về.

Không bao lâu, Nghiêm Vũ qua đời. Đỗ Phủ rời Thành Đô đi Nhung Châu (nay là Nghi Tân), Du Châu (nay là Trùng Khánh), Trung Châu (nay là huyện Trung). Đến Trung Châu, Đỗ Phủ lại được tin Cao Thích từ trần. Cái chết của hai người bạn tri giao này khiến Đỗ Phủ rất cảm xúc.

Sau Đỗ Phủ đi Vân An (nay là Vân Dương), thấy tình hình không yên, lại đi xuống Quì Châu (nay là Phụng Tiết) ở phía đông. Lúc này Đỗ Phủ đã 55 tuổi (767).

Quì Châu là một nơi có nhiều cổ tích danh tiếng như Bạch Đế thành của Công Tôn Thuật, Bát trận đồ của Khổng Minh. Vì vậy thơ Đỗ Phủ làm trong thời kỳ này phần nhiều là vịnh hoài, như 8 bài "Thu hứng", 5 bài "Chư tướng", 5 bài "Vịnh hoài cổ tích".

Trong 9 năm ở Tứ Xuyên, vì bất phục thủy thổ, Đỗ Phủ mắc bệnh lúc nặng lúc nhẹ, khi khỏi khi đau.

Đỗ Phủ đi Công An (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), sang Nhạc Châu (tức Nhạc Dương, Hồ Bắc), rồi theo sông Tương ra Đàm Châu (nay là Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam). Ở đây, Đỗ Phủ gặp lại danh ca Lý Quy Niên, nhớ lại lần gặp nhau 14, 15 năm trước tại nhà Lý Phạm, Thôi Điều, ông làm bài thơ "Giang Nam phùng Lý Quy Niên" (Gặp Lý Quy Niên tại Giang Nam).

Một đêm kia, Đàm Châu có loạn, thứ sử là Thôi Quán bị giết chết, Đỗ Phủ liền cùng vợ con xuống thuyền đi Hành Châu (tức Hành Dương, tỉnh Hồ Nam), định theo sông Hán về Trường An. Trên thuyền, Đỗ Phủ làm bài thơ gồm 36 vần "Phong tật chu trung phục chẩm thư hoài" (Lúc gió thổi nhanh, nằm trong thuyền ôm gối viết mối cảm hoài). Đó là thiên tuyệt bút cuối cùng của thi hào. Chưa kịp về đến Trường An, Đỗ Phủ mất khi đang đi thuyền trên sông Tương, hưởng thọ 59 tuổi (năm thứ 3 niên hiệu Đại Lịch đời vua Đại Tông- 770).

Sau khi Đỗ Phủ tạ thế, gia nhân nghèo túng quá đành phải tạm đặt linh cữu thi hào tại Nhạc Châu. Đến đời cháu là Đỗ Tự Nghiệp, mới đến Nhạc Châu đem linh thấn về táng tại chân núi Thú Dương, gần mộ của Đỗ Dự và Đỗ Thẩm Ngôn.

Khi Đỗ Tự Nghiệp đưa linh thấn Đỗ Phủ qua Kinh Châu, có gặp thi sĩ Nguyên Chẩn trên đường, Nguyên Chẩn viết một bài minh trên mộ Đỗ Phủ, trong đó có câu: "Từ khi có thi nhân tới giờ, không ai vĩ đại bằng Đỗ Phủ".

(Theo Trần Trọng San - Thơ Đường, cuốn II - Sài Gòn 1962)  

                             Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66218332

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July