Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 29/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin văn nghệ: Tố Hữu là ai? - Nguyên An Tin văn nghệ: Tố Hữu là ai? - Nguyên An , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net – Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu được tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (sáng ngày 4/12/2012), VanVN.Net xin đăng tải bài viết của Tiến sỹ Nguyên An với tựa đề: “Tố Hữu là ai?”

Tôi đến đây từ một chuyên ngành mới nhưng không lạ lắm đối với khoa Nghiên cứu lý luận phê bình văn chương ở Việt Nam. Đó là chuyên ngành Chân dung văn học. Ở Việt Nam, chuyên ngành này phát triển khá rầm rộ trong vài chục năm nay từ bối cảnh đổi mới trong xã hội và trong hoạt động văn chương, văn nghệ.

Nhà thơ Tố Hữu

Trả lời câu hỏi: Tại sao ông/bà này vốn là giáo viên Toán, là kỹ sư cầu đường, là cán bộ phong trào..., có đủ tố chất để trở thành một nhà giáo ưu tú, một công trình sư, một chủ tịch Hội.... nhưng vòng đời xoay thế nào đó, giờ đây, ta gọi ông/ bà này là nhà thơ, nhà văn? Với xuất thân và quá trình riêng như vậy, văn chương của ông/bà này đã có đặc sắc như thế nào? Trong bối cảnh cuộc sống xã hội đang diễn ra, có thể dự đoán được con đường đi tiếp của ông/bà này ra sao?... Đó là một số nhiệm vụ chính yếu mà khoa Nghiên cứu lý luận phê bình văn chương đã và đang đặt ra đối với chuyên ngành Chân dung văn học.

Bài trao đổi của chúng tôi tại Toạ đàm 10 năm nhà thơ Tố Hữu đi xa này xin bắt đầu từ câu hỏi: Tố Hữu, ông là ai?,  trước hết, có lý do như vậy.

Lý do nữa, là chính từ đời sống. Xin kể lại hai mẩu chuyện. Chuyện thứ nhất, cách đây chừng 30 năm, có anh bạn vừa họp cơ quan xong, đã đọc:

Yêu biết mấy, những con người đi tới/ Hai cánh tay như đôi cánh bay lên/ Ngực dám đón những phong ba dữ dội/ Chân đạp bùn không sợ các loài sên!

Một lát trầm ngâm, anh lại đọc to hơn:

Ôi đâu phải qua đêm dài lạnh cóng/ Mặt trời lên là hết bóng mù sương/ Ôi đâu phải qua đoạn trường lửa bỏng/ Cuộc đời ta bỗng chốc hoá thiên đường!

Sáng hôm sau, chưa kịp đến cơ quan, anh được hai người hỏi:

- Tối qua anh đọc lời của anh hay của ai thế?

- À, của tôi đâu, là của ông Lành đấy!

- Lành nào? Tên là thế mà thơ phú ám chỉ vậy à? Ông Lành là ai? Ở đâu?

- Ông Lành mà các anh không biết à? Là ông Nguyễn Kim Thành, là...

- Thôi, anh đừng loanh quanh nữa, chuẩn bị mà kiểm điểm cho thành khẩn đi, các anh không coi ai ra gì, định chống phá à?

Xin mọi người đừng xì xào. Ai đã biết chuyện có ông cán bộ định tìm cho được ông Tố Như mà hạch tội làm thơ trai gái lăng nhăng, những Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường... Với Tình trong như đã mặt ngoài còn e... rồi lại "phá phách", "kiêu ngạo" như Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai... thì hẳn là chẳng ngạc nhiên vì chuyện này nữa.

Chuyện thứ hai, trên ô tô. Xe chạy được chừng trăm cây số, phố thị xa dần, đã thấp thoáng rừng cây đồi núi và những trà ruộng vắng đẹp vẻ đẹp hoang tiêu, tiếng râm ran lặng dần từ lúc nào. Từ radio trên xe vang lên tiếng hát tha thiết hoà quyện với dàn nhạc:

Mưa rơi đầm lá cọ/ Mái tóc em ướt rồi/ Đôi má em ửng đỏ/ Muốn hôn quá... mà thôi.

Mưa rơi đầm lá cọ/ Sợ em mình xấu hổ/ Cầm hai bàn tay nhỏ/ Xa nhau chẳng muốn rời.

Em đi và em đi/ Anh nhớ dáng hình/ Vành khăn tròn xinh xắn/ Nhớ  mình áo nâu.

Em đi, mưa rơi thác lũ ngập ngàn sâu/ Giờ đây em ở nơi đâu mà tìm.

Mưa rơi và mưa rơi/ Mưa mãi mưa hoài/ Rừng khuya heo hút/ Em dừng nơi đâu/

Mong sao anh hoá được thành chim/ Liệng theo em hót cho tim đỡ buồn.

Mọi người im lặng, gần như im lặng tuyệt đối. Tiếng một ai đó khe khẽ:

- Tuyệt quá, hình như lời hát phổ thơ? Mà thơ ai thế anh?

- Thơ Tố Hữu, bài Mưa rơi viết tặng vợ là bà Thanh đấy.

- Thật không? Tố Hữu toàn thơ chiến trận hùng tráng, ông ấy cũng làm thơ tình à? Anh không đùa đấy chứ?

Không biết thì hỏi, nghe trả lời mà vẫn nghi ngờ là có lý do của nó, ai mà biết cho hết, phải không?

Nhưng xin thưa với các nhà nghiên cứu và các nhà biên soạn sách trong nhà trường, sự thiếu hiểu biết về Tố Hữu của cô bạn trẻ này, phải chăng là lỗi của chúng ta?

Hãy xem lại đi, có phải là bằng cách nghĩ và trang viết thế nào đó, mà chúng ta đã dựng lên chân dung nhà thơ Tố Hữu chỉ như là người hát mãi khúc tráng ca chiến trận mà thôi?

Chúng ta đều hiểu rằng: Từ sự am hiểu về tác phẩm của Tố Hữu, đến việc viết ra lời bình giá thơ ông, là cả một quá trình phải nghiền ngẫm; Việc nữa, là việc viết giáo trình và giáo khoa ở bậc đại học, trên đại học và bậc phổ thông cho các đối tượng dùng sách khác nhau, lại phải có công phu cân nhắc thêm. Tuy nhiên, dẫu thế nào, cũng phải đúng vàđủ (chưa bàn đến hay  hợp). Chưa đúng thì nên sửa, chưa đủ thì nên thêm, ấy cũng là sự điều chỉnh bình thường trong không gian nghiên cứu của những người tận tuỵ và công tâm, lại có phương pháp làm việc tân tiến, thích ứng.

Vả chăng, cái sự đúng và đủ, rồi hay và hợp... cũng còn phụ thuộc vào điểm nhìn của mỗi nhà trong quá trình vận động của thời cuộc, thời thế. Vì những lẽ đó, chúng tôi cho rằng chúng ta tiếp tục tìm hiểu về Tố Hữu - một nhà thơ từng được coi là lá cờ đầu của thơ ca Việt Nam nửa cuối thế kỷ vừa qua -  một nhà thơ, cũng là nhà chỉ đạo, quản lý văn nghệ có nhiều ảnh hưởng... là rất cần thiết và tự nhiên. Trong quá trình tiếp tục này, nếu có phát hiện thêm cũng quý, nếu có chỗ cần căn chỉnh lại, cũng là bình thường.

Chúng tôi thuộc thế hệ khăn quàng đỏ đi học, lớn lên cùng phong trào "Nghìn việc tốt vì miền Nam ruột thịt", rồi đi thẳng từ nhà trường vào chiến trường mà không quên chép vào sổ tay ngày ra đi những dòng thơ Tố Hữu như Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai... và thơ Chế Lan Viên như Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...

Có lẽ không chỉ chúng tôi, mà nhiều bậc anh chị cũng đã cùng say mê đọc thơ Tố hữu, tìm thấy được ở đấy nhiều ý nghĩ, tâm sự của chính mình. Ấy là những tháng những ngày, những năm những đận vật chất thì thiếu thốn, bom đạn thì rình rập, mà ai ai cũng khát khao một dự định hiến dâng.

Ngót 60 năm, kể từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, thơ Tố Hữu nhiều khi, đã là tiếng lòng của người Việt Nam yêu nước thương nhà quyết lên đường ra trận, ra đồng, vào xưởng máy mà quên mình vì nghĩa lớn của dân tộc. Nhiều lần, thơ ông cũng đã như một thứ nhật ký tâm hồn của người Việt trong thời khắc hiểm nghèo. Vào những năm đó, đặc biệt là ở các năm 1970 trở đi, việc bình luận và đánh giá thơ Tố Hữu đối với một số người, đã như một nhu cầu khoa học, một say mê của người thưởng thức. Tìm thấy ở nhà thơ những lý do để xây dựng công trình chuyên khảo, để cùng được thăng hoa với khát vọng phụng sự Tổ quốc trong cơn giặc giã nguy nan, dường như các nhà nghiên cứu và công chúng đều vui vẻ nhất trí với nhau về các đặc sắc của phong cách thơ Tố Hữu cùng giá trị, vị thế của ông trên văn thi đàn. Một đôi khi ở một số người, sau ngày thăng hoa cùng thơ ông, cũng chợt nhận ra là mình hơi đánh giá ông cao quá, nhưng rồi cũng chưa tiện, chưa muốn trình bày lại.

Giờ đây, chúng tôi muốn nói rằng: Thời gian ấy, bối cảnh ấy viết và đánh giá Tố Hữu như vậy, đến mức, tưởng không cần phải viết/ nói gì thêm được nữa, cũng là phải. Văn chương, văn sáng tác hay văn nghiên cứu lý luận phê bình, thì cũng là sản phẩm trực tiếp của một cá thể cụ thể với nhiều toan tính, hăm hở, âu lo, với các trình độ khác nhau ở từng chặng đường học hỏi, nghiên cứu trong bối cảnh xã hội mà thôi.

Tôi nghĩ, một thái độ bình tĩnh, cố gắng không thiên lệch xuất phát từ nhãn quan khoa học - thực tiễn, và đương nhiên, từ cả một khối tình trân trọng, sẽ là rất cần có, làm xuất phát điểm cho mọi sự nhìn nhận lại, đánh giá thêm sao cho phải chăng, đúng mực.

Trở lại câu chuyện đi tìm ngọn nguồn trực tiếp sinh thành, nuôi dưỡng một nhân cách văn nhân, thi nhân và quá trình phát triển nhân cách ấy trong nhân quần, xã hội cùng đặc sắc và vị trí không thể khác được của văn thi gia ấy mà người dựng chân dung văn học hay làm theo, chúng tôi tìm đọc lại trước tác phẩm của Tố Hữu, chúng tôi cũng cố gắng tìm hiểu hiện tình xã hội Việt Nam mấy chục năm trước qua tài liệu và một ít nhân chứng. Công việc này đến nay đang tiếp tục. Nhân đây, xin nêu ra hai điểm đáng chú ý.

Một là, sinh thời, nhiều lần nhà thơ từng tự nhận, muốn khẳng định, rằng ông, trước hết là một nhà cách mạng, sau mới là một nhà thơ. Theo cái cách tự nhận, theo cái mạch tư duy ấy, ông mượn một lối diễn đạt có vẻ như toán học để nói về mình là:

..."Trái tim anh đó/ Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ:/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu..."

Có lẽ, để cho dễ hiểu với số đông, ông tạm làm một phép chia thế thôi, còn trong lao động sáng tạo của một nhà cách mạng làm thơ đích thực, ta đã biết là không thể chia được như vậy. Nhà yêu nước, cách mạng - nhà văn hoá Phạm Văn Đồng từng nói, được nhiều văn nghệ sĩ tán đồng, rằng: Trong sáng tạo nghệ thuật, tất cả, hồng phải 100%, chuyên cũng vậy, phải 100%. Thực tế của quá trình tìm hiểu lao động nhà văn, ở những người có thành tựu và cá tính mạnh và cả những người chưa như thế,tôi vẫn thường thấy là không thể tách bạch ra trong cái áng thơ kia, ở cái giai phẩm nọ, đâu là hồng, đâu là chuyên, đâu là nhân dân, dân tộc, đâu là Đảng, chỗ nào là tình yêu riêng tư..., mà thực ra, tất cả đã hoà lẫn vào làm một rồi.

Nhưng Tố Hữu không hề ngẫu nhiên và thiếu chín chắn khi tự nhận như vậy. Không chỉ trong sáng tác thơ ca, trong hoạt động quản lý, chỉ đạo nền văn nghệ nước nhà nhiều năm, mà cả ở hoạt động trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cấp cao cũng nhiều năm, chúng ta đều biết ông là người cẩn thận, có kế sách ngay từ ngày mới bước chân vào đường cách mạng khi còn tuổi vị thành niên.

Xem ra điều tự nhận của Tố Hữu thật đúng, được hiển hiện rõ hơn cả là ở giai đoạn ông viết ra tập thơ Từ ấy (1937-1946). Trong sự nghiệp thơ ca của ông, có hẳn một phần thơ ca tuyên truyền vận động cách mạng. Phần thơ ca này của nhà thơ cũng được viết ra một cách thật nhuần nhuyễn, mà tiêu biểu hơn cả là bài Ba mươi năm đời ta có Đảngđược hoàn thành vào giữa năm 1961, ấn hành ngay sau đó không lâu (tháng 7-1961).

Còn nhớ, vào các dịp kỷ niệm 2-9-1961, rồi Tết Nhâm Dần (đầu năm 1962, Tết Quý Mão (đầu năm 1963), kỷ niệm thành lập Đảng 3-2-1962 và 1963... bài ca này thường được truyền đi từ Đài Tiếng nói Việt Nam, được ngâm đọc, trình diễn tại các cuộc hội nghị, các liên hoan. Có thể nói mà không sợ quá là ở bài thơ dài như một trường ca này, nhà thơ của cách mạng đã hoàn thành xuất sắc công việc dùng thơ ca như một công cụ tuyên truyền thật hữu hiệu. Ngày đó, bao nhiêu cha anh chúng tôi và cả chúng tôi nữa, đã thuộc bài thơ này. Lớp trẻ tìm thấy ở đây lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng Lao động Việt Nam quang vinh. Nhiều người đã xúc động cho đến mãi hôm nay khi đọc lên những vần dìu dặt, thắm thiết của một cán bộ cao cấp trong Đảng nói lên quan hệ giữa Đảng với nhân dân, rằng:

Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ/ Ta nhớ người đau khổ nuôi ta:/Ơn người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con!

Họ tâm đắc với cái ý, cái tình, cái tổng kết thật đúng của nhà thơ: Lòng dân yêu Đảng như là yêu con. Đó là một tình yêu vô bờ, vô lượng như nước mắt chảy xuôi mãi suốt thế hệ này sang thế hệ khác. Và vì thế, Đảng - con em nhân dân luôn được chăm sóc, tin yêu và bao bọc. Có nhà nghiên cứu chuyên môn thuần tuý đã bảo diễn ca chưa phải là thơ... nhưng tôi biết là nhiều người đọc bình dân đã không lấy làm quan trọng sự phân biệt thể cách văn chương này, họ nói: Tố Hữu đã viết/ kể đúng quá trình tin theo Đảng, ý nghĩ thật lòng của họ đối với Đảng, và vì thế, "ông ấy là nhà thơ của chúng tôi". Được nhân dân cần lao công nhận là người của họ, tôi cho rằng đó là hạnh phúc lớn lao, cũng là vị thế cao đẹp vậy.

Chúng tôi thiết nghĩ: Bài ca Ba mươi năm đời ta có Đảng đã nhắc cho chúng ta ý nghĩ về quy luật thành công của thơ ca - đâu là sự đồng ý đồng tình đồng chí, đâu là sự ngân vang nhờ âm điệu tiếng Việt... Và nó, bài ca này cũng gợi cho người dựng chân dung văn học hiểu dần ra một số điều về nhân cách văn thi gia, sự trung thực của người cầm bút với thành công của họ. Nhà thơ Tố Hữu thì tâm sự rằng ông là nhà cách mạng đã, rồi mới là nhà thơ, đây là ý của ông muốn nhấn mạnh, lưu ý gì chăng, còn chúng tôi thì thấy là trong một văn thi gia chân chính, họ đã có sẵn tố chất cách mạng rồi, kể cả những nhà văn nhà thơ không phải là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng mà tại sao nhà thơ lớn của thi đàn Việt Nam lại thường tự nhận như vậy nhỉ?

Một điểm thứ hai, cũng đáng chú ý, là khi tìm hiểu quê hương và gia cảnh của Tố Hữu, chúng tôi lại được biết có mấy chuyện mới đọc, thấy lạ. Nhà thơ kể:

"Năm 1955, cha tôi cùng ba anh tôi ở miền Nam cũng được các đồng chí ta giúp đỡ cho ra miền Bắc, và đưa đến tận cơ quan tôi ở Hà Nội. Thế là sau 23 năm xa cách, tôi mới được gặp lại cha. Nhìn thấy ông, lòng tôi xót xa, nhưng ông thì lại thản nhiên như không có gì đáng tiếc, còn tỏ vẻ rất vui được gặp lại con. Ông thong thả đọc lại một câu thơ tập Kiều "Rằng bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày năm xưa... Khổ tận thì cam lai, con ạ!". Ông lại kể một chuyện bất ngờ: "Ngày khởi nghĩa Tháng Tám ở Huế, cậu có đến dự cuộc mít tinh lớn và nghe con nói trên lễ đài. Song đứng từ xa, không sao đến gần được, cậu lại nghĩ: nên để yên cho con làm việc nước, gặp nhau con chỉ thêm bận việc nhà. Thế là cậu đi vào Khánh Hoà, và ở đó những năm kháng chiến cho đến khi anh em đưa ra đây". Tôi cũng được các đồng chí cho biết: Cụ không vào tổ chức Việt Minh, nhưng nhà cụ là nơi các cán bộ hay lui tới và tạm trú những lúc địch lùng bắt giữ". (Nhớ lại một thời, hồi ký, Nxb VH-TT, 2002, tr.243-244).

Nhưng đọc rồi liên hệ gần xa đến hoàn cảnh của một số gia đình tương tự ở miền Trung, với những ông cụ như thế, trong hoàn cảnh như thế, thì cũng không ngạc nhiên lắm nữa. "Để yên cho con làm việc nước" lạ mà không lạ nữa, là thế. Không vào tổ chức Việt Minh mà vẫn chăm lo cho cán bộ cách mạng, kháng chiến, cũng là "để yên cho con làm việc nước" theo cái cách thật khéo mà gan của người một vùng đất. Nhà thơ từng viết về bà mẹ Tơm ở Hậu Lộc, Thanh Hoá đã nuôi giấu mình ngày ông vừa vượt ngục về hoạt động bí mật rằng: Sống trong cát/ chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời! Tôi đoán là khi viết về bà mẹ Tơm như thế, và bà mẹ Suốt sau này, chắc là nhà thơ đã gửi cả tấm lòng mình, ý nghĩ của mình về người cha thân yêu vào trong đó.

Xét về mặt thi liệu, thơ Tố Hữu có hai nguồn rất rõ. Nguồn thứ nhất, là những con người cụ thể, có những số phận và cảnh đời cụ thể, thường là nghèo khổ, đáng thương. Nhà thơ đã tìm thấy trong sự khốn khổ của lớp người bình dân này những tiềm năng cách mạng, đổi mới mà an ủi, nâng niu và khơi dậy ở họ ý thức tự giải phóng hoặc hăng hái đi theo cách mạng và kháng chiến để làm cuộc đổi mới. Nguồn thi liệu, làm nên một kiểu nhân vật trung tâm, một dạng nhân vật trữ tình này trong thơ Tố Hữu đã có mặt ngay từ những vần thơ đầu tiên để ông bước vào làng thơ Việt Nam với tập Từ ấy viết trong nhà tù thực dân. Họ là những em bé mồ côi, đi ở đợ, là bà mẹ trẻ đi ở vú, là ông lão đầy tớ... là những Bà má Hậu Giang, bà mẹ Tơm, bà bủ bà bầm ở chiến khu Việt Bắc hay em bé Lượm ở Trị Thiên, rồi cả chị Trần Thị Lý, em Nguyễn Văn Hoà, hay cô gái ở Bến Tre... Nhà thơ kể chuyện họ, mà ta biết và hiểu được những phẩm chất cao quý của người Việt trong đấu tranh giải phóng một cách thật cụ thể, rõ ràng. Nhà thơ bày tỏ lòng yêu quý, trân trọng và ca ngợi họ như là chính lòng ta cũng yêu quý, trân trọng và ngợi ca những biểu tượng đảm đang, trung dũng, nghĩa tình của Việt Nam.

Như thế, với dòng thơ viết về những con người bình thường bình dị mà phi thường này, bằng cái cách riêng, thơ Tố Hữu cũng đã góp phần xây đắp tượng đài. Tính chất "người thật việc thật",tính chất "nguyên mẫu" của các bài thơ này có được, là do chính tác giả có ý thức, dụng công. Sang thời kỳ sáng tác các tập Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977)... các bài viết theo lối này có ít dần. Hiện tượng này có lý do dễ thấy, là vào các năm ấy trở đi,nhất là từ sau ngày có bài Ba mươi năm đời ta có Đảng nổi tiếng, công việc và nguồn cảm hứng sáng tác của Tố Hữu đã  có bước chuyển mới.

Chúng ta đều biết là bên cạnh nguồn thi liệu và cảm hứng sáng tác trên, Tố Hữu còn có nguồn thi liệu khác, còn có nguồn cảm hứng sáng tạo khác nữa, đó là viết về số đông nhân quần, về những sự kiện lớn lao, những bước đi dài rộng của đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình cách mạng - kháng chiến - kiến quốc. Ở hướng viết thứ hai này, được phát triển khá mạnh từ những năm 60 của thế kỷ trước, mà thật ra, đã được khởi nguồn và tuôn trào một mạch từ giữa những năm 50 trước đó với các bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (5-1954), Ta đi tới (8-1954) và Việt Bắc(10-1954), đã tạo ra thành công vang dội, đưa Tố Hữu lên vị thế của "lá cờ đầu", của "con chim đầu đàn' thơ ca hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ XX như các nhà nghiên cứu và số đông công chúng vẫn thừa nhận.

Đặt hai dòng thơ với hai nguồn thi liệu, thi hứng trên cạnh nhau là câu chuyện mà cách đây vài ba chục năm chưa mấy người định làm. Hoặc có làm, có bàn, thì cũng chưa được kĩ. So sánh một tí, chúng tôi thấy là hình như ở dòng thơ tạo nên đặc điểm thứ nhất của Tố Hữu - dòng thơ viết về những con người cụ thể, họ là bình dân, thì có để lại dư vị hơn thì phải, và vì thế người ta cũng thuộc và thường đọc lên nhiều hơn khi đời mình gặp cảnh gian nan? Tháng trước tôi có mặt ở một câu lạc bộ thơ. Tại đấy các cụ các ông các bà đọc thơ mình viết, nói chuyện chống tham nhũng và thực hiện Nghị quyết Trung ương sao cho ngon lành, hiệu quả... thì thấy có người đề nghị hát với nhau bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân, rồi Ngắt một đoá hoa rừng gài lên mũ ta đi... Một vị đứng lên xin đọc thơ, được mọi người lắng nghe, ông đọc:

... Ta nắm tay nhau xây lại đời ta / Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà / Chuồng lợn, bầy gà, đàn trâu, ao cá / Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá / Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô / Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!

Quả thật, những dòng thơ kiểu này cũng có vẻ hào sảng riêng... Nó nói đến, nhắc đến những cái nhỏ, rất nhỏ, khiến ai đó dễ cho là tầm thường. Song chính cái gọi là thi liệu bé nhỏ ấy, lại là cái gần gũi, thân quen nên nó được nhớ và thuộc. Đọc rồi, ngẫm thêm, ta được gặp lại cái lẽ đời muôn năm mà ta đã có lúc quên: Cuộc cách tân nào mà không tính đến cái cụ thể ấy ngay từ đầu, thì làm sao mà thành công được?

Lại nói về chi tiết nhỏ mà có sức sống lâu, đây là công phu và trình độ của người viết truyện ngắn và tiểu thuyết thôi ư? Chưa hẳn đâu nhé ! Khi Tố Hữu viết: Mấy chàng lính trẻ măng tơ / Nghêu ngao gõ hát hát chờ cơm sôi, từ ngày ông vào lại Trường Sơn ngót 40 năm trước, mà ta ngỡ như ông vừa viết về lính đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa nhân chuyến đi tuần qua, là sao?

Chúng tôi hơi lan man rồi, vâng, xin cho một chút lan man trong dịp hồi tưởng này nữa. Giờ đây, nếu tìm đọc kĩ thêm thơ Tố Hữu ở tập Một tiếng đờn (1979 - 1992) và tập Ta với ta (1993 - 2002) nữa, ta sẽ thấy là có chuyện để bàn tiếp về sự phát triển phong phú về đề tài và thi liệu, về chủ đề và thi hứng trong phẩm chất một nhà thơ ở nơi ông. Và cố nhiên, một chân dung Tố Hữu trong nền thơ, trong giới văn nghệ nước nhà sẽ được hình dung, tạo dựng khác và mới hơn bức chân dung đã quen thuộc mà người ta đã cố công điêu khắc, phải không?

Thơ Tố Hữu là một phần đời của Tố Hữu, có lúc, nó chính là sự hiện diện tự nhiên, duy nhất của ông; cũng có khi, nó chỉ là một phần đời bên cạnh một số phần đời khác của ông. Thời đại và những mối quan hệ công tác, xã hội, riêng tư... đã làm nảy sinh ra một nhà thơ là Tố Hữu. Với những thành tựu từng được thừa nhận rộng rãi, ông quả là một nhà thơ có vị thế đặc biệt. Và vì thế, giờ đây, ông lại đang được nhắc tới, bàn thêm.

Lời góp bàn của chúng tôi cũng chỉ từ một góc độ hạn hẹp, từ cái nhìn chuyên môn đang ở giai đoạn ban đầu, nó là một trong muôn lời. Sự lắng nghe và trao đổi lại của bạn đọc và đồng nghiệp, của gia đình và bạn thân quý với nhà thơ khiến chúng tôi phấn khởi và chỉ biết cảm tạ.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66170101

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July