Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 29/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin Văn nghệ: Thơ Nguyễn Huy Hoàng: vẫn đắng đót 1 trái tim yêu, dẫu nước Nga bây giờ đã khác Tin Văn nghệ: Thơ Nguyễn Huy Hoàng: vẫn đắng đót 1 trái tim yêu, dẫu nước Nga bây giờ đã khác , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

13 Tháng Mười Một 2012

 

 

(VOV5)- Như chúng tôi đã đưa tin, tập thơ “Một thời tôi từng có”của Tiến sĩ ngữ văn, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, người Việt ở Nga (do Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây liên kết với NXB Văn học phát hành) vừa ra mắt độc giả nhân kỉ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tập thơ là sự chiêm nghiệm của Nguyễn Huy Hoàng trong suốt cuộc hành trình hai mươi năm gắn bó với nước Nga. Nền văn hoá Nga, thiên nhiên Nga tươi đẹp đã đi vào thơ của anh với tất cả lòng mến yêu sâu đậm. 

Bấm vào đây để nghe âm thanh:


 

Rất nhiều tri thức thành đạt đã có mặt trong buổi ra mắt tập thơ mới nhất “Một thời tôi từng có” của Nguyễn Huy Hoàng tại Thư viện Hà Nội. Khán phòng của buổi ra mắt tập thơ chật kín người hâm mộ, yêu thơ và bạn cũ của tác giả, những người từng được biết, được gặp, được thụ hưởng những tinh túy của nền văn hóa Nga. Họ hát những bài hát về nước Nga, tự hào về tiếng Nga và thời thanh niên tươi đẹp – về một thời họ từng có ở nước Nga. Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (Nguyên trưởng khoa tiếng Nga, Đại học Hà Nội) nói vui rằng ông đến buổi tọa đàm này là tất yếu, bởi nơi nào có chút hơi hướng Nga là có mặt ông. Đối với thế hệ của nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi nước Nga là 1 hình tượng trong tim, cho nên khi cầm tập thơ này của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ông đã đọc từ trang đầu đến trang cuối. Ông cho rằng, những ai muốn tìm hiểu nước Nga, tìm hiểu người Việt mình sống ở nước Nga như thế nào thì nên tìm đọc cuốn sách này: "Có thể nói là một tập thơ hơn 100 bài, 107 bài hoàn toàn là nước Nga và người Việt ở nước Nga là rất hiếm, chưa có. Tôi thấy rất tâm đắc với Nguyễn Huy Hoàng khi anh ấy khẳng định rằng a ấy cũng như chúng tôi từng có một thời đọng lại trong tâm hồn mình. Nếu tôi được phép thì chẳng những từng có 1 thời như cuốn sách của anh mà tôi sẽ thay bằng “một thời chúng tôi hằng có” đã từng có và mãi mãi có, bởi cái này nó vào máu chúng tôi rồi. Quyển sách tôi đọc rất cảm động, tất cả anh ấy viết rất thực" 


 

“Một thời tôi từng có” gồm 117 bài thơ và là tuyển tập thơ thứ 8 của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng viết về nước Nga. Một đất nước, một hình tượng đã ăn sâu vào máu thịt của nhà thơ, của cả một thế hệ đi trước. Nguyễn Huy Hoàng không luôn tự coi mình giàu có: Giàu vì có bạn bè, giàu vì có thơ và hơn nữa, có nguyên vẹn một vùng ký ức, dẫu nhiều đắng cay nghiệt ngã, nhưng vẫn sẽ theo ông đi suốt cuộc đời, như chính ông thú nhận trong lời đề tựa: “Tôi thiển nghĩ rằng, những ai đã từng trải qua bao ghềnh thác của cuộc đời, đã chịu nhiều đòn roi của số phận nhưng vẫn không gục ngã; và những ai đã từng dành cho nước Nga dù một thoáng tình yêu, thì tôi tin khi đọc những bài thơ này, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, đó là một thời chúng ta từng có”.

 

Nguyễn Huy Hoàng đã sống ở nước Nga gần ba chục năm vắt qua hai thế kỷ, trải qua hai thể chế, mặc dù trong những tháng năm này đã phải gánh chịu nhiều đau đớn, nhưng cũng chính là thời gian nhà thơ có được bao nhiêu trải nghiệm. Gần một phần ba thế kỷ đó, nhà thơ đã dành thời gian rong ruổi, ngang dọc hầu khắp nước Nga, đến nhiều thành phố, làng mạc nước Nga, tiếp xúc với nhiều người trên các vùng miền của nước Nga rộng lớn. Thơ Nguyễn Huy Hoàng làm có hai phần, phần nhỏ là nước Nga, phần lớn hơn là nước Việt, như hai trang của tờ giấy, không thể tách rời trong ông. Nguyễn Huy Hoàng coi Việt Nam giống như 1 bảo tàng để lưu giữ tất cả những nét đẹp nhất của nước Nga: "Tập thơ này tôi dành cho những ai đã từng yêu nước nga, đã từng yêu văn học nghệ thuật Nga, đã từng đến với Nga, từng công tác và học tập tại Nga, đó là những đối tượng của tập thơ. Mọi người đọc tập thơ này dù ít dù nhiều cũng nhìn thấy nước nga trong đó, đó là điều tôi mong muốn. Mọi thứ có thể đổi thay nhưng thiên nhiên nga vẫn thế, con người bao giờ cũng rất nhân hậu và tình cảm thủy chung nhất vẫn là tình cảm giữa người Việt Nam và Nga".

 

Đây là những khoảnh khắc của cảm xúc thăng hoa đã được nhà thơ ghi lại… thật giản dị qua các hình tượng như trong các bài thơ “Chùm hoa dâm bụt”, “Gió thu”, “Căn phòng cũ” hay những phút xao lòng với các bài thơ “Tết xa quê”, “Chuyển mùa”, … Đong đầy trong những vần thơ là nỗi trăn trở của một con người yêu cái dịu dàng, đằm thắm của đất nước Nga Xô viết và ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nền kinh tế thị trường. Nó ẩn chứa cả nỗi lòng của những người con xa xứ, nhớ về đất Việt thân yêu… Và cả tình yêu vĩnh cửu của tác giả đối với nước Nga, nền văn học Nga, những hạnh phúc và cả những đắng cay đã gắn với ông suốt một phần cuộc đời.

 

Nhà thơ Bằng Việt (Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội), người cũng đã có thời kỳ gắn bó với nước Nga tâm sự: Nguyễn Huy Hoàng là đã có một cuộc trường kỳ trong tình yêu với nước Nga khi 14 tập thơ ra đều viết về nước Nga. Và thi ca thực sự ngân lên từ những trang viết của anh, bởi trong đó, người đọc tìm thấy rất nhiều những chi tiết, hình ảnh để thấy sự rung động và đồng cảm sâu xa từ trái tim mình: "Trong tập thơ tuyển này tôi tìm thấy không phải ít những câu thơ say đắm thiên nhiên nước Nga, say đắm tình cảm nhân hậu và lối sống của con người Nga, nhưng cũng không ít những bài thơ nói lên những nỗi đau khổ vất vả, những gì đã trải qua trong suốt 20 năm ở nước Nga. Tôi nghĩ đây là một bức tranh toàn cảnh, một bức tranh có thể gọi biên niên sử bằng thơ của nước Nga trong suốt 20 năm. Đây là một nhà thơ rất biết ghi chép, tập hợp tất cả những gì mình biết và đồng thời giữ được cảm xúc thăng hoa trong một qúa trình dài. Đấy là những bài thơ rất cốt cách, có khí thế và lan truyền cảm xúc đến chúng ta."

 

Là học trò của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng từ thời sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp, PGS TS Lưu Khánh Thơ (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) kể lại: hồi đó trong lớp có rất nhiều người “thầm thương trộm nhớ” thầy Nguyễn Huy Hoàng. Đến giờ gặp lại thầy mọi người đều thấy ngỡ ngàng vì thầy Hoàng vẫn rất hoạt ngôn, vẫn là phong thái của thầy dạy môn văn học Nga trước đây. Về tuyển tập thơ “Một thời tôi từng có”, PGS TS Lưu Khánh Thơ đồng quan điểm với nhà thơ Bằng Việt: tập thơ này giống như cuốn biên niên sử nước Nga: " Anh Nguyễn Huy Hoàng không chỉ nói về cảnh ngộ, tâm trạng suy nghĩ của riêng cá nhân mình mà anh đã nói hộ rất nhiều người. Tôi thấy văn học Nga, đặc biệt là thơ ca Nga có một cách thức đến với tâm hồn người Việt Nam một cách rất đặc biệt, sâu sắc. Một trong những sứ giả truyền tải một cách sâu sắc có anh Hoàng, là người kể lại. Anh có một tập sách sẽ có được sự đồng cảm không chỉ với những người đã đến với nước Nga mà cả với những người chưa đến nước Nga nhưng có một tình cảm rất đặc biệt với nước Nga."

 

Gần 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Huy Hoàng vẫn làm việc liên tục, tích cực. Làm thơ tiếng Việt, sống trên đất Nga, vẫn kết nối với văn học trong nước khi tham gia Hội nhà văn Việt Nam. Ông viết thơ như thể người ta viết nhật kí, ghi lại những xúc cảm trước sự biến chuyển của thời gian, những số phận người nghèo khổ, hoang mang trên đất nước Nga rộng lớn, cùng với đó là nỗi nhớ thương nước Việt khôn nguôi./. 

Trân trọng giới thiệu cùng quý vị một bài thơ trong tập "Một thời tôi từng có" của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng:

Tết xa quê

Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ Tết

Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà

Khay ngũ quả, khói hương trầm ngan ngát

 

Lịch bên tường, đào phớt đỏ sắc hoa

Lòng man mác, nỗi niềm nơi xóm vắng

Bóng cha già lau hương án gia tiên

Mẹ lúi húi canh chừng bên bếp lửa

Nghe tiếng chân, thấp thỏm ngó qua thềm

Con chưa thể về thăm cha mẹ

Trái tim đau, vết sẹo đỏ không lành

Chưa gục ngã trước bão dông số phận

Những nỗi buồn bạc trắng cả ngày xanh

Có tất cả, nhưng làm sao có Tết

Xung quanh con xa lạ nước non người

Sau cửa sổ, mịt mờ mây xứ tuyết

Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi!

      (Theo VOV)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66163858

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July