Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 28/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Văn học Diễn đàn: Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực Nhà văn Văn Lê: Khơi dậy cảm hứng sáng tạo của nhà văn Văn học Diễn đàn: Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực Nhà văn Văn Lê: Khơi dậy cảm hứng sáng tạo của nhà văn , Người xứ Nghệ Kiev
 

 QĐND- LTS: Nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng rồi lại tái ngũ năm 1977 vào mặt trận 479, nhà văn Văn Lê đã có một thời gian dài sống và chiến đấu trên các chiến trường ác liệt. Vì thế, khi về làm việc tại Tạp chí Quân giải phóng năm 1974, tuần Báo Văn nghệ năm 1982 (Hội Nhà văn Việt Nam) và làm ở Hãng phim Giải phóng cho đến nay, Văn Lê viết nhiều tác phẩm về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Ông có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Quốc phòng. Nhà văn Văn Lê đã có cuộc trao đổi với PV Báo QĐND xung quanh diễn đàn văn học "Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực". Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên: Lâu rồi chúng ta chưa được đọc những tác phẩm văn học hay viết về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng. Anh có tâm trạng như thế nào?

NV Văn Lê: Tôi cảm thấy buồn. Trước đây, hầu hết các tác phẩm của chúng ta chỉ viết về chiến thắng, mà chưa thực sự viết về chiến tranh. Có lẽ thời điểm ấy, vì vấn đề đại cuộc, nên các cây viết phải giấu những mặt trái của chiến tranh và người lính đi. Sau các cuộc chiến tàn khốc, chúng ta đã chiến thắng, đất nước được thống nhất, người dân sống trong hòa bình, nhất là trong thời đại thông tin mở như bây giờ, nhiều người mới có điều kiện nhìn lại cuộc chiến và cảm nhận về nó một cách sâu sắc hơn. Cũng vì thế, ngoài những niềm tự hào hân hoan với chiến thắng, còn có nhiều nỗi đau dai dẳng...

Khi đã có điều kiện nhìn cuộc chiến ở nhiều khía cạnh, các nhà văn của chúng ta đã đề cập nhiều hơn đến thân phận của người lính trong chiến tranh cũng như gia đình của họ từ nhiều phía. Tuy nhiên, tôi cảm thấy các tác phẩm đã viết vẫn còn ngài ngại, đơn điệu cái gì đó. Ví dụ như các tác phẩm văn học viết về các bà mẹ sinh ra những người lính chỉ đề cập một phía chính nghĩa, phía ta. Nhưng trên thực tế, có bà mẹ lại sinh ra những người con, có người theo cách mạng, có người lại phục vụ cho chế độ cũ. Đến dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4, người mẹ này sẽ có hai tâm trạng đan xen: Tự hào vì có con tham gia chiến đấu giải phóng quê hương đất nước, nhưng cũng day dứt về người con đã đi theo địch...

 Nhà văn Văn Lê

Tôi đã đọc một số tác phẩm viết về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng như: “Bức tường lửa” của Khuất Quang Thụy, “Lạc rừng” của Trung Trung Đỉnh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thượng Đức” của Nguyễn Bảo, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh… Những tác phẩm này đã đề cập tới nhiều vấn đề của chiến tranh, mở ra hướng viết mới  về chiến tranh và người lính. Nó cũng khơi dậy cho mọi người hiểu và nhận thức về chiến tranh nhiều hơn. 

- Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ không hề dễ, nhất là phải tìm tòi để luận giải những vấn đề về chiến tranh. Thực tế này đặt ra cho văn học phải giải quyết những vướng mắc gì?

- Viết về chiến tranh cách mạng, hiểu về chiến tranh và tâm hồn của người lính trong chiến tranh cần phải hiểu thế nào cho đúng. Ngay bản thân tôi đã từng là một người lính mà nhiều khi cũng không lý giải nổi. Ví dụ như trong trận đánh của Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) ở Chơn Thành, tỉnh Bình Phước năm 1973 chẳng hạn. Khi đơn vị tấn công mở cửa mở bằng bộc phá, thì có 70/90 người đã hy sinh ở hàng rào dây thép gai. Thế nhưng 20 người còn lại vẫn chiến đấu ngoan cường, chiếm được căn cứ của địch. Vậy chúng ta lý giải điều này như thế nào? Do chiến sĩ của chúng ta không sợ chết? Hay là do lòng căm thù, vì danh dự của người lính, vì trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, vì những đồng đội đã ngã xuống, hay còn là một lý do nào khác?

Có những trường hợp chiến sĩ của ta không may bị địch bắt, phải chịu các kiểu tra tấn dã man, tàn bạo nhất của kẻ thù, nhưng họ vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, không phản bội Tổ quốc. Đây không chỉ là danh dự, lòng căm thù nữa, mà là phẩm giá tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng. Chỉ trong những lúc bị chà đạp, ta mới có thể hiểu được phẩm giá là gì. Và vì sao người ta phải giữ gìn nó. Nói một cách ngắn gọn: Đó là phẩm chất bí hiểm của dân tộc, mà chỉ người Việt Nam mới có. Vì thế, các tác phẩm văn học phải đi sâu tìm tòi để luận giải kỹ hơn, đúng giá trị hơn. Không những thế, tác phẩm văn học của chúng ta phải góp phần khẳng định chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong các cuộc chiến tranh giữ nước, trước sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch và đánh giá sai của chủ nghĩa cực đoan.

- Theo nhà văn, tại sao những cây viết hiện nay ít viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính?

- Theo tôi... (trầm ngâm, đăm chiêu), chủ yếu là do tác động của cuộc sống. Khi các cuộc chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, khi mà sự cạnh tranh diễn ra gay gắt và quyết liệt, khi mà lối sống hưởng thụ đang muốn ngự trị... thì nhiều người ngại không muốn viết về đề tài này nữa. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ.

- Vậy phải làm gì, làm như thế nào để có nhiều tác phẩm và tác phẩm hay về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng?

- Cái này chúng ta đã nói từ lâu và nói quá nhiều rồi. Theo tôi có mấy nguyên nhân, đồng thời là những việc cần quan tâm giải quyết để hy vọng có tác phẩm hay về đề tài này. Thứ nhất, là nhà văn của chúng ta chưa đủ tài, đôi khi chưa đủ tâm nữa. Không chỉ có vậy, một số người còn sợ đụng chạm, sợ không hợp thời. Thứ hai, là lớp nhà văn đã qua chiến tranh giờ đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu nên ảnh hưởng đến sức viết. Thứ ba, là sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội vẫn chưa thực sự nhiều, cả về vật chất và tinh thần để giúp nhà văn phát huy tối đa sức sáng tạo của mình. Anh thấy đó, nhà văn bỏ ra cả năm trời, thậm chí là nhiều hơn để viết được một cuốn tiểu thuyết, hoặc một tập truyện, nhưng nhuận bút của họ thì rất “bèo”, thu nhập có khi không bằng nửa tháng lương của một người phụ hồ.

Những năm qua, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở nhiều trại sáng tác, tổ chức các cuộc vận động viết về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Đây là một sự cổ vũ, động viên lớn cho các cây viết. Tôi hy vọng lớp nhà văn trẻ sẽ có những đột phá mạnh mẽ, có cách tiếp cận và diễn giả về chiến tranh cách mạng và người lính một cách tốt hơn, để cho ra đời những tác phẩm chất lượng cao, ảnh hưởng lớn, xứng tầm với những chiến thắng oai hùng của dân tộc ta trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

Hơn thế nữa, muốn có những tác phẩm văn học hay về người chiến sĩ hôm nay, các nhà văn phải lao vào thực tế. Khi người viết lăn lộn, vất vả cùng với người chiến sĩ trên bãi tập, trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo, hay trong phòng chống thiên tai, cứu dân, giúp dân… chắc chắn sẽ có những tác phẩm tốt. Ngày nay, chúng ta có rất nhiều tấm gương của các đơn vị quân đội, của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Không ít chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, hay làm nhiệm vụ cứu dân trong thiên tai bão lũ. Bên cạnh đó, cũng cần phải đề cập tới những mảng “mờ tối” trong tư tưởng, hành động của người lính và những cố gắng của quân đội trong việc xóa bỏ những mảng “mờ tối” đó để xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Nói như vậy không có nghĩa chỉ là trách nhiệm của người viết, mà các đơn vị quân đội và bản thân người lính cũng phải luôn luôn hướng thiện, luôn luôn xứng đáng với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Phải xây dựng một xã hội có trách nhiệm, một môi trường văn hóa quân sự tuyệt vời, không chỉ có huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, chiến đấu thắng lợi, chính quy nghiêm túc; mà còn phải tràn đầy tình yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau nữa.

- Nhưng, trước tiên vẫn là niềm cảm hứng của người viết. Làm thế nào để khơi gợi cảm hứng sáng tạo của người viết?

- Trước hết phải khơi dậy niềm cảm hứng văn hóa dân tộc. Suy cho cùng, nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh là liên quan đến vấn đề kinh tế, nhưng nó cũng bắt đầu từ văn hóa. Khi không hiểu nhau, ít thông tin về nhau, chiến tranh có thể sẽ xảy ra. Nhưng đã hiểu nhau rồi, thì đối địch, thù hận cũng có thể trở thành bạn bè. Đây là một vấn đề, một cảm hứng mà các cây viết cần phải nắm lấy. Tiếp đó là phải khơi dậy niềm cảm hứng yêu nước. Khi nhà văn yêu nước bằng trái tim của mình, với sự cảm nhận và lòng trắc ẩn sâu sắc, thì họ sẽ phấn đấu hết mình để làm được những điều tốt đẹp cho Tổ quốc. Tác phẩm của họ sẽ chất lượng và có chiều sâu hơn. Đó là những điều chúng ta mong mỏi và chờ đợi sẽ có những tác phẩm hay, tầm cỡ về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.

- Xin cảm ơn nhà văn.

LÊ PHI HÙNG (thực hiện)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66154602

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July