Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tin Văn nghệ: Những người đặt nền móng cho báo chí tiếng Việt (Phần 1) Tin Văn nghệ: Những người đặt nền móng cho báo chí tiếng Việt (Phần 1) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Để có nền báo chí Cách mạng Việt Nam phát triển hùng hậu như ngày nay, thiết nghĩ chúng ta cần nhớ đến công lao của những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho báo chí tiếng Việt. Họ đều là những nhà trí thức lớn, có bản lĩnh, tài năng, nhân cách và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng ở vào buổi giao thời của hai nền văn minh Đông- Tây cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, trước hết và quan trọng hơn, họ đều là những người yêu nước, thương dân, tìm đến báo chí như là một công cụ hữu hiệu để bày tỏ tấm lòng thành với cố hương Việt Nam.


Phần 1: Nhà báo- học giả Trương Vĩnh Ký (1)

 
 Nhà báo - học giả Trương Vĩnh Ký (Ảnh: Internet)

Cụ Trương Vĩnh Ký nguyên tên là Trương Chánh Ký sinh 6-12-1937, tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Tự của cụ là Sĩ Tải, tên Thánh đầy đủ là Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký, thường gọi tắt là Pétrus Ký. Cụ thông thạo 27 ngôn ngữ, trong đó có 15 thứ tiếng phương Tây và 12 thứ tiếng phương Đông. Đây có thể là người Việt Nam cho đến nay biết nhiều thứ tiếng nước ngoài nhất. Vào thế kỷ XIX, cụ là người Việt Nam duy nhất có tên mục Pétrus Ký trong Bách khoa Đại Tự điển Larousse của Pháp và là một trong 18 danh nhân văn hóa thế giới của thế kỷ XIX với hơn 100 công trình về Văn học, Lich sử, Địa lý, Tự điển, Dịch thuật,...

Cụ Pétrus Ký đã từng kinh qua các chức sắc dưới thời nhà Nguyễn như: Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ do Vua Đồng Khánh ban, Tham Tri Bộ Lễ do vua Khải Định ban, Thượng Thư Bộ Lễ do vua Bảo Đại ban. Từ đầu thập kỷ 70 thế kỷ XIX, Cụ được các tổ chức Văn hóa- Khoa học quốc tế cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Hội viên Hội Nhân Văn và Khoa học vùng Tây Nam nước Pháp, Hội nhân chủng học, Hội Giáo dục Á châu, Giáo sư ngôn ngữ Á Đông, Hội viên Hội chuyên khảo về Văn hóa Á châu, Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Pháp,... Trong cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ của mình Cụ còn nhận được các phần thưởng cao quý như Huy chương Dũng sĩ cứu thế của Tòa thánh La Mã phong tặng. Sau khoảng 10 năm Cụ liên tiếp nhận được Huy chương Hàn Lâm Viện đệ nhị đẳng của Pháp, Huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của Pháp,...

Nhìn vào bảng ghi những chức vụ cụ Pétrus Ký đã đảm trách và hàng loạt những huân, huy chương mà Cụ đã được nhận, chắc chắn rằng không ít người trong chúng ta cảm thấy thự sự ngạc nhiên và thán phục.

Nhưng điều đáng quí trọng nhất là cụ Pétrus Ký được giới khoa học Pháp và nhiều nước trên thế giới đương thời cũng như nhiều học giả Việt Nam sau này thừa nhận là người rất thiết tha với nền văn học Quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho nền báo chí Việt ngữ. Đối với cụ Trương Vĩnh Ký chỉ có báo chí mới là phương tiện truyền tải thông tin hữu hiệu nhất đến mọi người. Và trong thời buổi tranh tối tranh sáng giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, Cụ muốn thông qua báo chí để bày tỏ quan điểm tư tưởng của một người Việt Nam yêu nước. 

 
Gia Định báo - tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ra đời năm 1865. (Ảnh: Internet) 

Vì thế, năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời Pétrus Ký ra làm quan, nhưng cụ đã từ chối mà yêu cầu xin lập một tờ báo tiếng Việt mang tên là “Gia Định báo”. Đề nghị của cụ đã được người Pháp chấp thuận bằng Nghị định ký ngày 1 tháng 4 năm 1865 cho phép xuất bản tờ “Gia Định báo”. Tuy nhiên lúc đầu tờ báo không được giao ngay cho cụ Petrus Ký, mà giao cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ phụ trách. Đến ngày 16 tháng 5 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. 

Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta. Đồng thời Cụ còn làm chủ bút một tờ báo tiếng Việt khác nữa là “An Nam Chính trị và Xã hội”. Song song với việc làm chủ bút hai tờ báo lớn lúc bấy giờ, cụ Pétrus Ký còn là cây bút chủ lực cho nhiều tờ báo khác.

Tờ “Gia Định báo” lúc ban đầu, gồm 2 phần: Công vụ và Tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ,... của chính quyền thực dân, phong kiến thời bấy giờ. Phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa, khoa học, xã hội,... 
 
 
Đường D'Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay), một trong những địa chỉ từng in tờ "Gia Định báo" (Ảnh: Internet)

Chỉ xét trên 2 phần nội dung thì phần thứ nhất được xem là phần “cúng cụ” đối với chính quyền đương thời. Nếu không có phần này chắc chắn tờ báo sẽ bị nhà chức trách đóng cửa ngay lập tức. Nhưng phần thứ 2 mới là phần mở mang dân trí cho người Việt về các lĩnh vực kinh tế, tôn giáo, văn hóa, khoa học và xã hội. “Gia Định báo” phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian đầu tờ báo có khổ 25 x 32cm và bán với giá 0,97 đồng (tiền Đông Dương)/tờ. Những số đầu của “Gia Định báo” thường có 4 trang và được phát hành từ 1 đến 4 kỳ/ tháng. 

Kể từ khi cụ Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, “Gia Định báo” được mở thêm các chuyên mục như: khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích,... Cụ đề ra ba tôn chỉ, mục đích cho tờ báo là: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, “Gia Định báo” không chỉ là một tờ công báo đơn thuần. 

Cụ Petrus Ký chủ trương văn phong báo chí phải dùng câu từ đơn giản, dễ hiểu như tiếng nói thường ngày của nhân dân, không chải chuốt, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng vẫn phải giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt. Cụ kiên quyết bác bỏ lối viết sử dụng những  từ ngữ dung tục, thực dụng, mà theo Cụ đấy là thứ “ngôn ngữ vỉa hè”, “văn chương cống rãnh”. Phải nói rằng đây là những tư tưởng dân tộc rất tiến bộ của cụ Trương Vĩnh Ký trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, mà không phải ai cũng có được.

Điều đáng nói là những tư tưởng ấy về khía cạnh ngôn ngữ và văn phong sử dụng trên “Gia Định báo” khá đặc biệt và có ảnh hưởng rất lớn đến báo chí ngày nay, đặc biệt là báo điện tử thời hiện đại đã chịu nhiều ảnh hưởng từ cách sử dụng từ ngữ và văn phong trên tờ báo Việt ngữ đầu tiên này. 

Thông qua tờ báo, cụ Pétrus Ký muốn bày tỏ lập trường, quan điểm dân tộc của mình, đồng thời đem đến cho bạn đọc những hiểu biết khoa học về các lĩnh vực nói trên để rồi mỗi người tự tìm ra cho mình một hướng đi hợp lý, hợp tình trong hoàn cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm đô hộ.

“Gia Định báo”, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt là phương tiện truyền thông đầu tiên và rất mới mẻ tại Việt Nam. Nó đã giúp cho tiếng Việt có cơ hội phổ biến rộng rãi hơn trong quần chúng nhân dân. Mặt khác, qua “Gia Định báo”, người Việt Nam có thêm một công cụ hữu hiệu trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, cũng như bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mỗi người.

Thế nhưng, sau khoảng 35 năm tồn tại, chính quyền thực dân đã ý thức được rằng “Gia Định báo” chính là một thứ vũ khí “gậy ông đập lưng ông” nên chúng đã không để cho tờ báo tồn tại nữa và đã ra lệnh đóng cửa. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn xác định “Gia Định báo” tồn tại đến ngày 31/12/1909 và chính thức đình bản ngày 01/01/1910. 

Có không ít các nhà khoa học, nhà văn đồng thời và hậu thế đánh giá về những công lao, đóng góp to lớn của cụ mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế không chỉ về lĩnh vực khoa học, mà cơ bản là tinh thần dân tộc. Cuối thế kỷ XIX, học giả người Pháp Jean Bouchot gọi Trương Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương”.... “Ta phải xem đời của cụ Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương tốt cho ta. Một bài học, vì ta thấy người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học”... 

Nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bây giờ”... Còn theo Giáo sư  Thanh Lãng: “Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn”.... Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh ví: “Nếu cụ Võ Trường Toản là “Hậu tổ” của Nho học ở đất Gia Định thì cụ Trương Vĩnh Ký là bậc tiền hiền của chữ quốc ngữ trong toàn cõi đất Việt.”

Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết có tiêu đề “Học giả- Nhà báo Trương Vĩnh Ký: Một công lao bị lãng quên” đã chỉ ra những đóng góp của cụ Trương Vĩnh Ký về lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt là vô cùng to lớn. Những kết quả nghiên cứu về tiếng Việt trong thời điểm văn hóa phương Tây theo chân bọn thực dân xâm lược Pháp đang ồ ạt khuynh loát văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Việt về phương diện ngôn ngữ đã được nhà báo- học giả Trương Vĩnh Ký chỉ ra trong các công trình nghiên cứu của mình trên một số tờ báo lúc bấy giờ là rất đáng kính trọng. 

Như vậy chúng ta có thể thấy cụ Trương Vĩnh Ký là một bậc trí thức lớn có tư tưởng dân tộc tiến bộ với những thành tựu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc. Cụ không chỉ là người đặt nền móng cho báo chí tiếng Việt hiện đại, mà còn là một cây bút đại thụ trong làng báo Việt Nam từ buổi sơ khai. Nhiều chuyên gia đánh giá, Trương Vĩnh Ký đã đặt nền móng và dốc sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, rộng lớn về quy mô, chặt chẽ về kết cấu, đa dạng về phong cách và thuận tiện, gần gũi, hoà đồng về phương thức tiếp cận bạn đọc bình dân.

Với tư cách là nhà ngôn ngữ học đầu tiên của Việt Nam, cụ Trương Vĩnh Ký rất coi trọng, tin tưởng và phấn đấu cho tiếng Việt, đưa nó thành một ngôn ngữ phổ biến, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 

Tên ông từng được đặt tên cho trường Trung học Pétrus Ký nay là Trường Trung học phổ thong chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh.

ĐỖ NGỌC YÊN

Đón xem phần 2: "Nữ Chủ bút đầu tiên của làng báo Việt Nam- Sương Nguyệt Anh" và "Nhà báo tài năng Phan Khôi"

  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 9
Total: 66048228

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July