Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  TÍNH NHÂN VĂN NHÌN TỪ SỐ PHẬN NHỮNG CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG THỜI HẬU CHIẾN TRONG TIỂU THUYẾT “CÁC CON ĐẠI TÁ” TÍNH NHÂN VĂN NHÌN TỪ SỐ PHẬN NHỮNG CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG THỜI HẬU CHIẾN TRONG TIỂU THUYẾT “CÁC CON ĐẠI TÁ” , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nhân ngày TB - LS 27/7/2018

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Viết văn là một công việc nhọc nhằn. Viết về chiến tranh lại nhọc nhằn hơn, bởi nhà văn phải có vốn sống về cuộc đời và con người liên quan hữu cơ đến chiến tranh. Xu hướng viết về chiến tranh bằng cách mô tả những tình tiết khốc liệt đến tận cùng quá sức chịu đựng của con người ngoài chiến trường đang nhường chỗ cho xu hướng viết về số phận của những con người bình thường đã tham chiến và những người thân của họ ở hậu phương khi cuộc chiến đã kết thúc. Những mất mát hy sinh về người và của mà dân tộc ta đã phải chịu đựng là vô cùng to lớn, tuy nhiên điều này chúng ta có thể thấy được qua những con số cụ thể. Song nếu nhìn vào những mất mát hy sinh thầm lặng, những nỗi đau xót âm ỉ mà biết bao số phận con người trong Nam, ngoài Bắc phải chịu đựng dai dẳng ngay trong thời bình hôm nay giữa nhịp sống bộn bề của thời kinh tế thị trường thì dường như mỗi chúng ta có những lúc lãng quên đi. Các nhà văn đã góp một tiếng nói quan trọng để sự vô tình của cuộc đời sẽ không còn nữa, và thay thế vào đó là lòng biết ơn và trách nhiệm của thế hệ hôm nay, thế hệ mai sau đối với cha anh đã giành lại cho họ, cái không gian bao la của độc lập, tự do, giành lại cho họ quyền được sống, được hưởng tự do và mưu cầu hạnh phúc, như chính Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 đã từng viết.
Đó là điều không thể mất, vô cùng quý giá mà thế hệ hôm nay, thế hệ mai sau đang được hưởng, nhưng vẫn còn đó những hy sinh thầm lặng bên cạnh ta, xung quanh ta. Nhà văn và tác phẩm của họ viết về chiến tranh, về những số phận gắn liền với chiến tranh đã đánh thức trong mỗi chúng ta niềm kiêu hãnh của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đồng thời ở những khía cạnh khác nhau tái hiện lại những cảnh ngộ, những số phận phải chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát không thể bù đắp được. Đúng là nhà văn không cải tạo được thế giới, nhưng tác phẩm của họ góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, giúp con người sống đẹp hơn, nhân ái hơn và có trách nhiệm hơn đối với những thành quả của cả dân tộc đã tạo dựng cho ngày hôm nay. Đọc ”Các con đại tá “(2 tập. NXB QĐND, 1996) tiểu thuyết của Hữu Đạt, người đọc có thể tìm thấy những điều thiêng liêng không thể mất ấy.
Mới đọc qua “Các con đại tá” ta có cảm giác như những mảnh đời và số phận các nhân vật tách rời nhau, nhưng đọc kỹ hơn thì thấy gia đình chung của đại tá Nguyễn Trung Thành, nhưng gia đình riêng các con đại tá và những gia đình bạn bè, đồng đội, người làng của các con đại tá chính là những tế bào hữu cơ của gia đình lớn Việt Nam, kết thành một khối, chung lưng đấu cật trong cuộc chiến đấu thần thành vì hạnh phúc của cuộc sống sau chiến tranh. Họ đã đóng góp phần mình vào thành quả chung hôm nay của dân tộc, và họ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất mà con người hướng đến: đó là mưu cầu hạnh phúc, cuộc sống no đủ, cuộc sống lứa đôi, được học hành, được cống hiến, cuộc sống văn minh, sự biết ơn quá khứ, sự hướng tới tương lai. Từ cái nhìn nhân văn ấy Hữu Đạt đã mô tả trong tiểu thuyết của mình những mảnh đời về số phận gần gũi với đời thường của người dân thời hậu chiến.
*
* *
Hữu Đạt thuộc dạng không nhiều những nhà văn thiên về viết những mất mát hy sinh, hụt hẫng của những số phận đáng được hưởng thụ ưu đãi nhiều hơn, đáng được sống những năm tháng thanh thản, hạnh phúc hơn – có lẽ vì thế chăng mà tiểu thuyết “Các con đại tá “ của anh đã nói hộ được nhiều suy tư, trăn trở của bạn đọc. Nhìn mức sống của người dân hôm nay được nâng cao một mức rõ rệt, không phải ai cũng nghiêm túc nghĩ rằng trong cuộc sống no đủ, tràn trề hạnh phúc của họ có phần đóng góp đáng kể những khó nhận diện của những mảnh đời chịu thiệt thòi hơn bởi cuộc chiến tranh đã làm dang dở số phận. Lẽ nào người đọc lại dửng dưng, không xót xa trước những cảnh ngộ ngang trái đáng được chia sẻ bởi “chẳng ai tránh được sự ràng buộc của quá khứ” (tr. 264, tập II)? Muôn, nhân vật trung tâm xuyên suốt tiểu thuyết, đã rơi vào cảnh ngộ như thế. Vợ chồng đại tá Nguyễn Trung Thành có sáu người con thì Muôn là người con trai thứ năm, được học hành đến nơi đến chốn hơn cả. Đã từng là lính ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, sau đó đi B dài rồi về trường đại học, học sử nhưng ra trường về Uỷ ban Khoa học xã hội lại chuyển sang ngành triết theo sự phân công của tổ chức, rồi đi làm nghiên cứu sinh triết học ở Liên Xô (trước đây). Nay về phép thăm nhà Muôn chững chạc, chín chắn lên nhiều… Anh thuộc lớp trí thức trẻ từng kinh qua chiến trường. Vài năm nữa Muôn sẽ là phó tiến sĩ triết học, tuổi đời còn khá trẻ, tương lai xán lạn đang mỉm cười với anh. Muôn đã đi non nửa cuộc đời, anh đã thành đạt và tự hào thấy mình có “đủ tư cách để ngẩng cao đầu bên cạnh cha tôi và các anh tôi, những người lính của một thời hiển hách” (tr. 53, t.I). Về nghỉ phép từ nước Nga, béo trắng, trẻ ra, lại sắp sửa là ông nghè, ai chẳng bảo Muôn là một người sung sướng! Thế mà Muôn lại phải chịu cảnh éo le của số phận, chưa lấy vợ mà đã làm bố. Đọc ngấu nghiến những lá thư gói ghém cận thận của Hưng, cô bạn gái đồng đội, người yêu của anh, Muôn tê tái cả cõi lòng. Mối tình đẹp đẽ hôm Hưng tiễn biệt anh đi B dài đã ra hoa kết trái. Phải làm gì đây ngay tức thời để tìm cho được bé Hằng - giọt máu của hai người, nay đã là một cô gái vừa mới qua ngưỡng tuổi trưởng thành đã phải bươn chải lập thân đi xuất khẩu lao động ở xứ người. Lòng Muôn ngổn ngang rối bời. Anh chưa dám thưa chuyện đau xót này với mẹ, anh muốn tự mình gồng nội lực bản thân để vượt lên số phận. Ở đây ngòi bút của Hữu Đạt đã đẩy tình tiết của cảnh ngộ đến tận cùng của bi thương, do đó gây được xúc động khá mạnh và sự đồng cảm tự nhiên của người đọc. Trước khi nương thân cửa Phật, Hưng đã đến nhà anh Được, chị Tứ nhờ chuyển tận tay đến Muôn những kỷ vật và một gói những lá thư đầy nước mắt. Những bức ảnh của Hưng chụp với bé Hằng những ngày đánh Mỹ khiến Muôn cứ ngây người trong hạnh phúc của nỗi đau khổ, trong niềm vui mà lòng quặn đau. “Con gái của tôi đây ư? Hằng ơi… vậy là cha đã gặp con ở miền viễn xứ. Cha có biết đâu đấy là giọt máu của cha” - Muôn nức nở úp mặt mình lên tấm ảnh kỷ vật thiêng liêng với ý nghĩ đau xót, thương đến vô cùng hai mẹ con phải mỗi người một ngả, rồi tự trách mình sao vô tình đến bây giờ mới biết cảnh éo le này. Những lá thư tình Hưng để lại là chứng tích của một mối tình đằm thắm của người con gái tự coi mình đã là vợ của một chiến sĩ sẵn sàng đi vào chiến trường chiến đấu cho dân tộc và hạnh phúc lứa đôi. Đó là những lá thư được nâng niu và giữ lại trong nước mắt hạnh phúc dang dở của một kiếp người vì chiến tranh. Muôn lau khô nước mắt mặn chát của niềm vui xót xa với quyết tâm phải tìm được Hằng bằng bất kỳ giá nào! Trở lại nước Nga tiếp tục làm luận án phó tiến sĩ mà không giây phút nào Muôn không nghĩ đến con gái. Nhưng trên đất nước Nga mênh mông muôn ngả bố con đuổi theo nhau mà không gặp được nhau. Khi đại tá Nguyễn Trung Thành hấp hối, Muôn đành gác việc tìm con mua vé máy bay về nước gấp và cậy nhờ Phạm, một người bạn, bay sang Vácsava tìm đón cháu Hằng về kịp chịu tang ông nội. Nhưng còn Hưng, nay đã không trở về với Muôn, người mà nàng vẫn còn yêu tha thiết, mặc dầu nàng rất muốn trở về chịu tang đại tá mà thâm tâm nàng vẫn coi như bố chồng của mình. Song nàng không thể, vì nàng đã thọ giới Sadi và đã chuyển đến tu ở chùa khác để Muôn không thể có cơ hội dò tìm nữa.
Từ nhân vật trung tâm Muôn toả ra là các nhân vật khác kết nối, bổ sung cho nhau. Song, đại tá Nguyễn Trung Thành là nhân vật mà tác giả có chủ ý luôn để sóng đôi cùng với nhân vật trung tâm. Không phải ngẫu nhiên Hữu Đạt đã lồng hiện tại và quá khứ thông qua hai nhân vật này như những người đại diện cho hai thế hệ tiếp nối. Hữu Đạt đã miêu tả đại tá Nguyễn Trung Thành như một mẫu mực đến mức hơi khô lạnh của một quân nhân cách mạng, nồng nàn yêu nước, rất mực trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Nhưng trong lòng ông lại có những nỗi dằn vặt phải nén chặt, giấu kín kể cả với vợ con. Thông qua hình tượng đại tá Nguyễn Trung Thành người đọc thấy đó là một sĩ quan cách mạng bề ngoài có vẻ cứng rắn và nguyên tắc, song ở ông là cả một thế giới nội tâm của một tình cảm nồng nàn chiến đấu vì dân vì nước trong hoàn cảnh riêng éo le của lịch sử: cha ông là một quan huyện yêu nước đã đóng góp và hợp tác với kháng chiến, song vì âm mưu thâm độc của kẻ thù mà quan huyện Nguyễn Hữu Tước, cha ông phải chịu số phận của người bị hiểu lầm. Đó là cái án treo lơ lửng trên đầu đại tá và là nỗi dằn vặt được giấu kín bám theo đại tá suốt mấy chục năm ròng từ thời chống Pháp cho đến ngày thắng Mỹ hoàn toàn. Mãi đến khi đại tá Nguyễn Trung Thành ngã bệnh trọng vì nhiễm chất độc da cam, và đến khi hấp hối, cái án treo lơ lửng ấy mới được giải toả: gia đình đại tá vừa nhận được thư của bác Tám và bác Quyên thay mặt tổ chức ghi công lao của quan huyện Nguyễn Hữu Tước đối với kháng chiến. Một con người có hoàn cảnh éo le như đại tá Nguyễn Trung Thành một lòng trung trinh với cách mạng đã có ảnh hưởng rất lớn đến sáu người con trong gia đình. Nếu đại tá Nguyễn Trung Thành không phải là người chiến đấu vì dân vì nước, không được rèn luyện qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược thì Muôn, con trai ông, không đủ nghị lực và ý chí để vượt qua số phận. Sự đứng vững của đại tá Nguyễn Trung Thành là chỗ dựa đáng tin cậy cho các con ông, là cột neo cắm chắc xuống lòng đất để các con ông trụ vững trên con thuyền vượt qua sóng gió, thác ghềnh. Tất cả các con ông đều là những quân nhân cách mạng, đã kinh qua chiến trường và đều có thể ngẩng cao đầu khi rời tay súng về quê hương xây cuộc đời mới. Phải chăng cuộc đời của đại tá đã làm Muôn không dao động khi chiến đấu ở thành Quảng Trị? Đã có những giay phút mềm yếu chợt đến, thú thực Muôn đã định chui lên cửa hầm đầu hàng, nhưng nghĩ đến truyền thống gia đình mà tiêu biểu là tấm gương kiên nghị của người cha một lòng một dạ đi theo cách mạng Muôn đã chiến thắng được bản thân mình, không sợ hy sinh. Trong tiểu thuyết tác giả có phần dụng công miêu tả nội tâm sống động, không bình yên của hai nhân vật song hành này: Muôn (thế hệ con)/ đại tá Nguyễn Trung Thành (thế hệ cha). Bên cạnh họ là vợ đại tá - nữ du kích thời chống Pháp, và các con của đại tá – non nửa tiểu đội lính chiến ít nhiều đều đã góp phần mình váo thắng lợi chung của dân tộc. Rồi những ngày hoà bình đến với họ. Tuy là con một nhà, nhưng anh em kiến giả nhất phận, ai cũng được hưởng thành quả của cách mạng ở những mức độ khác nhau. Gia đình đại tá Nguyễn Trung Thành có cái đặc biệt là toàn gia đều tham gia bộ đội hoặc du kích, nhưng cũng có cái chung như những gia đình khác là mỗi người tuỳ theo sức của mình mà tham gia vào việc nước. Người đọc có thể cảm nhận được điều đó ở nhiều gia đình ở miền Bắc chúng ta - hậu phương của Thành đồng Tổ quốc, như ở gia đình trung tướng Lê Quốc Tính có bốn người con hy sinh cho kháng chiến, như ở gia đình bác Ngôn - một quân nhân giàu lòng vị tha, bao dung đã kinh qua hai cuộc kháng chiến, lúc phục viên không có mưu cầu gì to tát ngoài cuộc sống yên vui, nhưng bác Ngôn đã phải đau lòng, thất vọng về người con trai PTS quá phụ thuộc vào vợ mà quên tình máu mủ cha con; hoặc như ở bà Ngà - vợ chiến sĩ thời chống Pháp, mẹ liệt sĩ thời chống Mỹ, mẹ của cô gái là sinh viên của một trường đại học trong đội cảm tử được lựa chọn để phối hợp với lực lượng quân đội xây dựng sân bay Kiến An thời chống Mỹ, nhưng thật éo le và tội nghiệp cho cô gái khi cô đã nặng lòng yêu thương và có bầu với một chàng trai Nga là chuyên gia quân sự sang giúp đỡ ta thời chống Mỹ. Sự việc vỡ lở và cô gái bị đuổi khỏi trường đại học, cô sinh con và qua đời trong hoàn cảnh rất thương tâm. Bà Ngà gắng gượng sống nhưng cứ sống một thân một mình khô héo, nhiều lúc trông bà như người ngây dại.
“Các con đại tá” không chỉ là tiểu thuyết miêu tả sự kiện hay số phận mà còn là tiểu thuyết nêu vấn đề nhân tình thế thái, đậm chất nhân văn. Tác giả Hữu Đạt đã dành nhiều trang đằm thắm viết về người phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu nước, giỏi việc nước đảm việc nhà, yêu chồng thương con và đặc biệt là ở họ có đức tính hy sinh. Có thể thấy điều này qua hình tượng nhân vật bà vợ đại tá; nhân vật chị Tứ, con dâu đại tá - một điển hình của người phụ nữ nông thôn Việt Nam luôn biết chăm lo vun đắp tổ ấm gia đình, hậu phương vững chắc và chỗ dựa tinh thần của chồng con. Chị Tứ đã từng là lính lái xe, anh Được chồng chị là thương binh, hai vợ chồng sống đạm bạc, nhưng gương mặt họ lúc nào cũng tràn trề hạnh phúc. Chị có vẻ đẹp nền nã của người phụ nữ nông thôn sắp bước vào độ tuổi hồi xuân. Rồi bà Ngà, và Hải Thanh, nữ sinh đẹp nổi tiếng một trường trung học, con nhà giàu ở thành thị, xuất phát từ tình thương người chị Hải Thanh đã không ngần ngại cứu một chiến sĩ giải phóng bị thương nặng thoát khỏi cuộc vây ráp của lính nguỵ hồi năm Mậu Thân. Chiến sĩ giải phóng đó chính là Việt, con cả của đại tá Nguyễn Trung Thành. Việt đã giới thiệu Hải Thanh vào đội biệt động thành. Cùng chiến đấu bên nhau giữa họ đã nẩy nở tình yêu. Bặt tin anh, chị vẫn yêu, vẫn chờ. Nhưng thật éo le sau bao năm bặt tin tức, Hải Thanh gặp lại Việt khi anh đã có vợ có con…
Trong tiểu thuyết thông qua các nhân vật người đọc cảm nhận các thế hệ cha - con tuy có cách nhìn về cuộc sống khác nhau nhưng ở cả hai thế hệ đều có một điểm chung trong sự đánh giá về cuộc chiến vừa qua: đó là tinh thần yêu nước của dân tộc, ý chí quật cường thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, khối đại đoàn kết toàn dân.
Trong tiểu thuyết “Các con đại tá” không hề có tiếng súng nhưng hiện lên khá sinh động hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tác giả đã sử dụng thủ pháp hồi tưởng đan cài hiện tại với quá khứ và qua đó người đọc thấy được diễn tiến của tâm trạng các nhân vật. Những đại tá Nguyễn Trung Thành, trung tướng Lê Quốc Tính một đời chiến đấu vì dân vì nước không hề suy tính thiệt hơn, những đại uý như bác Ngôn đã trải qua thời bom đạn, nhưng lúc về già phải uất nghẹn từ bỏ đứa con có học vấn cao để sống một thân một mình. Âm hưởng của tiểu thuyết cũng vang lên lời trách móc buồn phiền trước hiện tượng còn có kiểu người như PTS Thiện Căn tuy không hẳn là một nhân vật tiêu cực, nhưng là kiểu người khi được hưởng thành quả của cách mạng đem lại thì đã vội quên công lao của những người vun đắp tạo dựng nên. Cái đáng trách nhất ở Thiện Căn là đã quên đi – dù vô tình hay hữu ý – phận làm con phải hiếu đễ với các bậc sinh thành. Trong tiểu thuyết “Các con đại tá “ Hữu Đạt cũng dành những trang khá xúc động về tình cảm quốc tế Việt – Nga mà tiêu biểu là sự có mặt của chuyên gia quân sự Xô viết Ivan Ivanovits ở sân bay Kiến An và mối tình của anh với cô gái con bà Ngà. Đó là hình ảnh của Giáo sư Iuri Petrovits được xây dựng từ nguyên mẫu Giáo sư Iuri Iakovlevits Plam (Viện Ngôn ngữ học Viện Hàn lâm khoa học Nga) nay đã quá cố, người đã có công đào tạo nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam làm luận án phó tiến sĩ ở đây. Tất cả, tất cả đều hiện lên nối tiếp, đan xen nhau trong cuộc sống đời thường thời hậu chiến ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, trong Nam ngoài Bắc, ngoài chiến trường, nơi hậu phương; ở nước ngoài: Liên Xô trước đây, Ba Lan…Nếu như trong tiểu thuyết “Sống mà nhớ lấy” của Valentin Rasputin không có tiếng súng chiến trận hay bóng dáng kẻ thù chỉ để nói lên ở phạm vi hẹp hơn về bi kịch của quá trình diễn tiến tâm lí phức tạp không chiến thắng nổi bản thân của kẻ phản bội hèn nhát đào ngũ trong chiến tranh, thì ở tiểu thuyết “Các con đại tá “ Hữu Đạt từ góc nhìn nhân văn đã đề cập đến số phận của số đông những người dân Việt Nam trong hai cuộc chiến vừa qua. Bởi vậy tác động của gần 700 trang (2 tập) tiểu thuyết "Các con đại tá" đã được người đọc tiếp nhận một cách tự nhiên như người trong cuộc. Đây là một ưu điểm rất đáng được ghi nhận.
Tiểu thuyết cũng dành nhiều trang nói về cuộc mưu sinh tất yếu mà ở bất cứ nước nào sau chiến tranh cũng phải giải quyết: đó là vấn đề lao động dư thừa. Việc đi xuất khẩu lao động ở nước Nga và các nước Đông Âu trước đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt khi đất nước ta còn chưa đủ điều kiện lo hết công ăn việc làm cho mọi người. Nhà văn Hữu Đạt từ hơn mười lăm năm nay vẫn miệt mài viết như con ong đi tìm hoa kén mật. Anh đã viết và cho in hơn một chục đầu sách với khối lượng khoảng dăm nghìn trang in. Trong số dăm nghì trang ấy có già nửa là viết về chiến tranh và số phận con người trong và sau chiến tranh. Tiểu thuyết “Các con đại tá “ là cuốn sách dày dặn nhất viết về những con người bình thường sau chiến tranh gây được sự chú ý của bạn đọc.
Cũng cần nói thêm một điểm nữa là “Các con đại tá “ được coi như một tiểu thuyết giàu chất điện ảnh, mỗi chương, mỗi đoạn văn rải rác đều hiện lên những phân cảnh khá hấp dẫn có thể chuyển thể thành phim mà không đòi hỏi phải gia công nhiều.
Xin trân trọng giới thiệu tiểu thuyết “Các con đại tá “ với bạn đọc.
Nguyễn Xuân Hoà


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66006696

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July