Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 03/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Thơ Nguyễn Huy Hoàng Thơ Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

                                      
BBT Nguoixunghekiev.vn trân trọng giới tiệu cùng độc giả :Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - người con của mảnh đất Nghệ Tĩnh thân thương - mảnh đất sản sinh ra những anh hùng hào kiệt; những tao nhân, mặc khách; mảnh đất nặng tình, nặng nghĩa; mảnh đất "đòn gánh cong hai đầu"; "muối mặn gừng gay"; thủy chung và liêu hãnh...

Quê quán: Hà Tĩnh. TS Ngữ Văn. CBGD Khoa Văn trường ĐHTH Hà Nội. Nghề nghiệp: Dạy học. Hiện sống và làm việc tại Matxcơva – Liên bang Nga. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam

 

 


 

Xem hình

 



Quê quán: Hà Tĩnh. TS Ngữ Văn. CBGD Khoa Văn trường ĐHTH Hà Nội. Nghề nghiệp: Dạy học. Hiện sống và làm việc tại Matxcơva – Liên bang Nga. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam

Tác phẩm:

Đã in:

 

Ngoảnh lại (thơ) NXB Văn học

Dư âm (Thơ) NXB Văn học

Phía bên kia trời (Thơ) NXB Văn học

Miền yêu thương (Thơ) NXB Văn học

Đa mang (Thơ) NXB Hội nhà văn

- Matxcơva thời mở cửa (Truyện kí) NXB Sáng tạo Matxcơva;  Tái bản: NXB Văn hóa

Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX (Giáo trình) NXB Đại học tổng hợp

- Vẫn còn có bao điều tốt đẹp (Thơ) NXB Văn học

Giữa thanh thiên bạch nhật (Thơ) NXB Văn học - TT VHNN Đông Tây

Thi pháp truyện ngắn Gogol (Chuyên luận) NXB Đại học quốc gia

Sắp in:

Đường về (Thơ) NXB Hội nhà văn

Mưu sinh (Truyện kí) NXB Hội nhà văn

 

 

                      Và dưới đây là tập thơ 

 

 

Giữa

thanh thiên

bạch nhật

thơ 

 

Ảnh minh họa - Internet
 

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC

TRUNG TÂM VĂN HOÁ NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY



               Dành cho con gái Nguyễn Quỳnh Nga nơi phương trời lưu lạc


CÙNG BẠN ĐỌC

Trong một lần về nước, tôi ghé thăm nhà anh bạn đồng niên, giờ đây đã là một thương nhân khả kính. Trên giá sách sang trọng của anh xếp la liệt những quyển sách dày cộp đủ các chuyên ngành, trong đó có những quyển sách khiêm nhường của tôi in trong các thời kỳ. Tôi không khỏi không cảm thấy chút hạnh phúc và niềm xúc động, biết ơn thật lòng.

Nhân lúc bạn xuống bếp pha trà, tôi thận trọng rút ra khỏi giá những tập thơ của tôi được xếp hàng đều tăm tắp, điều đó như muốn nói lên rằng, chủ nhân là một người cẩn trọng và chu đáo.

 Nhưng tôi lặng người đi, không thốt nên lời và một cảm giác xót xa dâng trào như một cơn đau tim đột ngột. Tất cả những quyển Thơ của tôi đều mới và nguyên vẹn, chủ nhân chưa hề đọc lấy một trang!

Tôi lặng lẽ rời khỏi nhà yếu nhân với một tâm trạng đau đớn như thể một người  bị đánh đòn hội chợ; thương cho công sức, nước mắt mồ hôi và những đứa con tinh thần của mình.

 Tôi tự an ủi mình rằng, đối với một bộ phận công chúng đang được gọi là tầng lớp tinh hoa bây giờ, văn chương không phải là mối quan tâm của họ. Những quyển sách dày đặc những chữ là chữ cũng không hề được đụng đến, huống hồ là mấy tập thơ mỏng mảnh của tôi. Nó còn vinh hạnh được bày lên giá, không bị đem ra hàng giấy vụn cũng là một sự may mắn lắm rồi!

 Niềm đam mê của những tín đồ của danh vọng, của các bậc thức giả thời thượng là các thú giải trí, karaoke, nhà hàng và chiếu bạc. Khi sự thực dụng lên ngôi, những thước đo giá trị thay đổi, khi văn hóa vỉa hè nghe, nhìn lấn lướt, thì sự dửng dưng với văn hóa đọc là một lẽ đương nhiên.

Thế mà có lần, bạn thơ của tôi là Châu Hồng Thủy kể cho tôi câu chuyện khác thường về một chị Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý ở Viện Hàn lâm Nga đi bán hàng ngoài giờ để cải thiện, bù vào đồng lương còm cõi của mình. Những người mua hàng của chị luôn đặt ra một yêu cầu là họ chỉ trả tiền khi chị đọc cho họ nghe một bài thơ nào đấy của tôi. Thoạt đầu, không tin cho rằng anh bạn thơ hoặc là động viên tôi, hoặc là lấy câu chuyện buổi sáng làm quà. Lần qua Ký túc xá Viện Hàn lâm tôi tình cờ gặp chị như gặp một bậc tri âm. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi biết chị đã đọc thuộc lòng cả hai tập thơ đầu của tôi ngót nghét 140 bài bằng tất cả lòng đam mê tự nguyện, không sót một câu nào. Tôi xin cúi đầu cảm tạ không chỉ mỗi chị, một nhà khoa học, mà còn cả những người mua hàng chỉ có vốn học vấn bình thường, những người đầu tắt mặt tối ở xứ người mà vẫn dành cho văn chương một sự giao đãi quý giá.

Còn nữa, năm 2006 trên đường đi công tác qua Đà Nẵng, tôi ghé thăm gia đình người em trai. Khi tôi chuẩn bị ra đi, người em khẩn khoản yêu cầu tôi nán lại chút ít, vì có một người đặc biệt muốn gặp tôi. Vị khách đặc biệt đó là một cô gái đã 21 tuổi tàn tật, có một khuôn mặt thiên thần đi taxi đến cùng với mẹ. Cô hầu như không đi lại được, phải chống nạng vận động một cách khó khăn. Không thể đến trường được, hồi nhỏ, cô học chữ với một bà xơ trong nhà thờ. Hai mẹ con tìm đến gặp để cảm ơn tôi vì tập thơ “Ngoảnh lại” đầy nỗi niềm đã mang đến cho cô lòng yêu văn chương và giúp cô chiêm nghiệm cuộc đời. Để chứng minh rằng, cô thuộc lòng toàn bộ tập thơ, cô đã đọc rành rọt cho tôi 5 bài tôi tự yêu cầu. Tôi xúc động đến rơi nước mắt.

Và vừa rồi, vào dịp giáp Tết 2009, tôi và dịch giả Kim Hiền sang châu Âu tham dự một vài hoạt động của cộng đồng người Việt. Tại Praha, chị Kim Hiền quá đỗi ngạc nhiên khi được tiếp xúc với một kỹ sư năng lượng đáng kính đã có tuổi, nhiều năm quảng bá những tập thơ của tôi, đã thuộc lòng hầu hết những bài thơ tôi viết từ những ngày chưa in thành tập.

Hoặc cách đây không lâu, khi ghé thăm thành phố Kazan cổ kính, đến thăm gia đình một doanh nhân, tôi không ngờ có một cô gái từng đọc thuộc thơ tôi, chép thơ tôi thành nhật ký và nâng niu các tác phẩm của mình từng được in trên báo. Tôi giữ mãi trong lòng hình ảnh cô gái ngồi dưới ánh đènvới một khuôn mặt thánh thiện đọc những vần thơ yêu thích.

Còn nhiều độc giả như vậy nữa, tôi còn lưu giữ những bức thư của họ viết cho tôi từ nhiều miền đất nước và nhiều quốc gia, bày tỏ sự cảm mến và ý nghĩa của thi ca đối với cuộc đời của họ. Những độc giả yêu quý đó của tôi, thường là những mảnh đời đầy truân chuyên và sóng gió. Tôi xin quỳ xuống trước họ, trước những con chiên  chân chính của thánh đường văn học, những người đã đem đến, đã ban cho tôi, người cầm bút niềm hạnh phúc đích thực. Vì những con người này, vì những độc giả này, buộc tôi phải cầm bút. Tôi phải gạt sang bên những khó khăn cơm áo thường ngày, bỏ qua những cơ hội làm ăn, thăng tiến, chấp nhận những thiệt thòi vật chất để cầm bút. Tôi đến với thi ca, chung thủy với thi ca như một sự hy sinh theo đúng nghĩa của nó. Nhưng sự hy sinh đó không phải là vô ích, tôi đã được đền bù.

Đầu thế kỷ XIX, khi phong trào cách mạng quý tộc ở Nga khởi phát, bùng nổ và ngay sau đó bị đàn áp một cách khốc liệt, một dòng thơ mới do những nhà thơ tiến bộ khơi nguồn và phát triển, đáp ứng được những yêu cầu cháy bỏng trong một xã hội bị tước đoạt tự do, gọi là thơ Công dân. Sứ mệnh của thơ Công dân Nga là cổ xúy cho những tư tưởng cấp tiến của thời đại, ngợi ca lòng yêu nước thương nòi, đòi ánh sáng cho một xã hội chìm đắm trong màn đêm nô lệ.

Thơ Công dân không phải là thơ chính trị, là sự diễn ca lại những phát ngôn của một cá nhân hay một tổ chức, mà nó là niềm hứng khởi trữ tình mang tính thời đại.

 Sau nhiều năm nghiên cứu những nhà thơ của dòng Thơ Công dân Nga,  càng ngày tôi càng nhận ra rằng, nhà thơ chỉ là một kẻ ghép vần, rỗi hơi, vô vị, khi anh đứng ra ngoài những vấn đề nóng bỏng của dân tộc. Người viết thơ sẽ không bao giờ trở thành nhà thơ khi anh vô cảm, lạnh lùng trước những nỗi thống khổ của nhân dân, đồng loại. Nếu không nhận chân được xu thế tích cực, dửng dưng trước tội ác, vào hùa với cái xấu, cái lỗi thời thì nhà thơ không phải là vô tình mà là cố ý quay lưng lại với nhân dân, ngáng trở xu thế tiến bộ của xã hội. Sẽ là bần tiện và hèn hạ biết bao khi nhà thơ trở thành kẻ quỵ lụy trước những cám dỗ vật chất và trở thành công cụ trong tay những kẻ hãnh tiến, bạo tàn.

 Trong tập thơ này, tôi cố gắng nói lên được những điều mình cảm nhận, với mong muốn thể hiện thơ người bạn đồng hành của những người thứ dân trong tâm tưởng. Dù nhiều năm xa cách, nhưng quê hương, đất nước và con người Việt Nam vẫn in đậm trong tôi như khắc, như chạm. Mỗi một biến cố, một sự kiện diễn ra hàng ngày của đất nước đều như những con sóng vỗ vào dải bờ vốn mong manh và yếu đuối của trái tim tôi. Và những dòng thơ của tôi được khơi nguồn từ những cơn sóng ấy.

Trong những tập trước, âm hưởng chủ đạo trong thơ tôi là những cảm xúc trữ tình với âm điệu phảng phất buồn. Trong một số bài viết, có nhà phê bình cho rằng, thơ tôi có phần ảm đạm, bi quan. Dù không đồng ý hoàn toàn, nhưng tôi không phủ nhận điều đó.

Nhưng trong tập “Giữa thanh thiên bạch nhật”, bên cạnh những phong cách trữ tình quen thuộc, có phần cố hữu, thơ tôi còn mang tính đa thanh, với chất trào lộng, hài hước-trữ tình; có những bài đã dấn bước sang sân chính luận. Điều đó, không phải là do tôi muốn thế. Chủ đề, ý tưởng  của bài thơ đã buộc tôi phải chọn cách thể hiện phù hợp, nội dung đã quy định hình thức của nó.

Có lẽ hình như đó cũng là một chút sở đoản của tôi.

Do tính cách của mình, trong đời tôi khó hòa nhập được với sự hả hê, với sự tung hô và những khuôn mặt bừng bừng mãn nguyện. Cũng như vậy, thơ tôi hoàn toàn không có những khẩu hiệu quyết liệt, những lời lẽ búa lớn, đao to, những lời răn dạy của các bậc, các đấng. Nhưng tôi dễ trải lòng trước những cảnh đời, những số phận bị vùi dập và nỗi lầm than. Có lẽ đó là một nhược điểm, như người ta vẫn nói là quá yếu mềm, nhưng tôi bằng lòng và chấp nhận nó như là một đặc tính của mình. Và dường như thơ tôi thấm đẫm chất tính cách có phần u uẩn này.

Tôi viết tập thơ này ở nước Nga, một dân tộc vĩ đại, nơi thiên nhiên muôn phần tươi đẹp; mảnh đất gắn với số phận của tôi, nơi mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm đớn đau và cay đắng. Ở đây có một cộng đồng người Việt, một xã hội Việt Nam thu nhỏ, gần một phần ba thế kỷ qua bươn trải, mưu sinh. Trong một cộng đồng xấp xỉ một trăm ngàn người Việt, chỉ có tới dăm người sáng tác thơ, trong đó có vài người làm thơ chuyên nghiệp; tạm tính ra, cứ hai chục ngàn người, thì có một người tự nguyện vác cây thánh giá thi ca bất chấp búa rìu của nền kinh tế thị trường, nhận lấy về mình, trước hết là sự thiếu thốn, nghèo khó triền miên nơi quê người, đất khách.

 Tôi cũ kỹ và hàn lâm thái quá về phong cách, nên tôi không muốn tập thơ của mình thành một phòng thí nghiệm các loại thể thơ và các ngôn từ mới lạ. Tôi cân nhắc, chọn lọc những từ thuần Việt nhất, không muốn vô tình xúc phạm tới kho tàng tiếng Việt vốn trong sáng, tinh xảo của cha ông. Trong các tập thơ trước, mỗi tập, tôi chỉ viết độ dăm, bảy bài theo thể lục bát, nhưng trong tập “Giữa thanh thiên bạch nhật” có khoảng một phần tư số bài viết theo thể cổ điển – dân gian này, tôi thấy dễ diễn đạt hơn. Số còn lại, tôi viết theo thể tự do. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, vốn là một người thẩm thơ tinh tế, cho rằng, thể tự do loại tám chữ, nó vừa có cái hào phóng, vừa có cái thâm trầm, tận dụng hết khả năng thể hiện của ngôn từ kim cổ. Tôi nhất trí cao với ý kiến này.

Tên gọi “Giữa thanh thiên bạch nhật” vừa nói lên không gian sáng tác, vừa nói lên lý tưởng thẩm mỹ của tập thơ. Nó là tên của một bài thơ, nhưng đồng thời cũng là nội dung quán xuyến của cả tập thơ. Tập thơ hoàn toàn không rơi vào vòng tục lụy và không đứng trước một barie nào, cũng không có một sự ràng buộc của tha lực nào; ngoài barie văn hóa và sự ràng buộc của lương tâm.

 

                                                    Matxcơva  mùa thu 2009               

              TÁC GIẢ

(Tác giả Hà Thị Trực cung cấp)


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 60616333

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July