Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Kiều Anh Tú - Truyện ngắn PHIM VỀ Kiều Anh Tú - Truyện ngắn PHIM VỀ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Kiều Anh Tú

Truyện ngắn PHIM VỀ

 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

 

Lang thang mãi mới kiếm được chỗ nằm, đuổi đếu gì mà đuổi lắm thế! Xin lỗi! Mày chỉ thằng gác chợ…
Gối đầu lên đùi cô bồ nhí trắng trẻo nõn nường, xinh như mộng, nàng mặc chiếc váy voan hồng mỏng tang phất phơ, thỏ thẻ bên tai tiếng oanh vàng. Hắn mơ màng, chân sải trên giường nệm trải Ra màu trắng. Tay cầm điều khiển ti vi, thỉnh thoảng lại bấm chuyển kênh. Phòng ngủ tiện nghi sang trọng, thoang thoảng mùi nước hoa Phờ răng xoa tỏa ra từ mái tóc của nàng. 
Căn hộ rộng thênh thang tận tầng thứ hai mươi trong khu chung cư cao cấp TAAPWOCUT. Tọa lạc đắc địa bên sông Sài gòn. Hòn ngọc Viễn Đông về đêm, từ trên cao nhìn xuống màu sắc lung linh như triệu triệu vì tinh tú trong vũ trụ bao la. Làn gió hương đêm đem theo hơi nước mát rượi mơn man. Mắt hắn lim dim, trước mặt là chiếc ti vi to như cái rả phơi thuốc lào, K+HD hai trăm sáu chục kênh. Trên màn hình đang diễn ra cảnh tình cảm mùi mẫn, tiếng rên rỉ của đôi trai gái…
Cộc! chiếc điều khiển rơi xuống sàn gỗ. Điếu xì gà Lahabana cháy dở bên ly cà phê tỏa hương…Làm sao thế này ?… Làng Bạng hiện ra trước mắt: Ngôi trường làng, sân kho hợp tác, chợ quê liêu xiêu mấy dãy lều… bọn học trò chân đất, tóc dựng đứng vàng như đuôi bò, giắt sách sau lưng… mấy thằng đi bắt dam mang đụt, đào chuột gầy tong teo, áo quần lấm lem rách rưới như ma đói, mờ ảo…

Hắn cởi trần, mặc cái quần đùi nâu rách đít, lưng ngực tay chân toàn rôm sảy, lớp này lớp khác da chết bong vẩy chỗ trắng chỗ đen. Bọn chúng tập trung tại sân chợ chơi khăng. Năm mười mười lăm hai mươi, chổng mông chơi mãi, đếm đi đếm lại được mấy khấc. Hắn không giỏi mấy món này lắm, đại loại như đánh vuốt tai, công tăng đại soái, đánh xu, chỉ khoái xuống sông cu Côi và những gì liên quan đến chiếu bóng. Chơi hồi chán, nghiến răng cãi nhau văng tục, kéo nhau xuống sông, ngâm mình đến nỗi các đầu ngón tay sần lên bợt bạt tun lại, rồi rủ nhau đi chọt đất thó về vắt máy chiếu phim, lên kịch bản chuẩn bị dầu đèn. Tối đến tụ tập tại nhà thằng Tân, lấy bút chì xanh đỏ vẽ lên giấy hình ảnh những bộ phim hoạt họa. Bỏ cái đèn làm bằng lọ mực vào trong che lại, ánh sáng hắt ra qua cái lỗ dọi lên bờ tường. Bọn hắn đang phục vụ chiếu phim cho mấy đứa nhỏ hơn trong xóm. Mẹ ơi cái hố, và những người Cu dắc Dắc cu đá bóng như thế nào. Cả bọn tò mò khoái chí về công trình khoa học của hậu duệ Tôm Ê đi xơn. Vỗ tay! Hay quá! Cười như nắc nẻ, lại có cả thuyết minh nữa mới oách chơ… Bóng thỏ con chạy theo báo cho mẹ trước mặt trong khu rừng có cái hố… Mẹ ơi cái hố, mẹ ơi cái hố… giọng hắn cất lên thảm thiết.

Lâu rồi không thấy phim ảnh chi cả, trông còn hơn trông mẹ đi chợ về. Mấy anh thanh niên choai choai chửi đổng: Đèo mẹ! cấy thằng tổ hấn chơ…Ba trăm chín mươi vì liện bốn trăm chín mươi, chờ mãi không thấy, mà bay có về toàn đưa phim đứt loằng ngoằng đen trắng… Hết Vợ chồng anh Lực, Sau cơn bão với Hoa thiên lý... Thượng Yên, Bèo Hậu đối đãi kiểu gì mà có bộ phim nào hay là ưu tiên suốt. Lần mô cũng ba bốn túi, hết tình báo rồi đến phim màu chuyện chiến đấu của liên xô, có bữa còn có cả hai máy chiếu liên tù tỳ…
Lại coi ké. Chạy chân đất qua mồ liệt sỹ Cống Đá Đồng Tương. Thằng mô thằng nớ sợ ma, vấp phải đá bong cả móng chân cái.
Chiếu xong Bèo Hậu tưởng về làng Bạng, không ngờ nó lại thồ cút thẳng xuống Thượng Yên. Tối đến lại rủ nhau bỏ học nhóm, vượt đồng đi coi. Năm người từ trên trời rơi xuống, Tính cách người thủy thủ , Mặt trời trắng trên sa mạc... Oa trời! đánh nhau bắn nhau vèo vèo trên lưng ngựa. Dân Thượng Yên lại được mùa nói phét. Dân đây rứa thôi, nghèo tý nhưng công mùa mô cũng hai lô, muốm coi phim hay, muốm chèo múa rối chỉ cần ho tiếng là về liền. Nghiến răng muốn đấm cho cấy bể mồm. Nghĩ trong bụng làng choa văn minh không có đứa mô đị như bay.

Đúng là dân làng khác đị hơn dân làng Bạng, có nhiều anh đi coi, cả đời nỏ biết chiếu phim chi, cứ rình mò lợi dụng sà vô chỗ các o đẹp đẹp. Người ta đang mải mê, thả hồn thưởng thức những tác phẩm điện ảnh kinh điển thì mình lại cho tay chân đi du lịch, tham quan khám phá các danh lam thắng cảnh, các công trình nhạy cảm về an ninh quốc phòng của họ. Đang ngồi chăm chú thì có tiếng gắt gỏng của o mô đó: Anh ni hay hầy…Tiếng trả lời…Phim tình báo răng lại không hay… Im lặng một lúc lại nghe… Anh làm cây chi đó… Tui mần bí thư đoàn xạ… Lại rơi vào im lặng, sự im lặng đáng sợ giữa hai cuộc chiến. Anh có thôi đi không…Tui cụng muốn thôi nhưng họ đang tín nhiệm…Tui la lên bây giờ… Anh có thôi không… Muốn cho nghỉ phải có cơ cấu qui trình biểu quyết, o có giỏi thì cứ la lên đi coi tui có được nghỉ không… Một hồi o nớ thấy khó chịu mặt đỏ rựng, mắt long lanh đứng dậy lườm cấy bỏ về luôn… Có mấy thằng cực mất dạy. Chủ yếu con nít ngồi còn thanh niên nam nữ và đám trung niên, ông già đứng… mà có thằng đúng là đứng… đắn thật… ngồi nó cũng đắn. Sân bãi chật chội đứng chen nhau, thấy ông già mô đứng sát sau lưng o mô là lấy cái kim rình rình chọt phát sau đít. Theo phản xạ nhiên ông già hất mạnh cái, vào mông o nớ, o nớ quay lại nhìn có vẻ như thông cảm lần đầu… Lần thứ hai chúng nó lại thọc phát mạnh hơn ông già lần ni đau quá mần cấy mạnh hơn, o nớ dúi người về đằng trước, đít chổng lên trời, quay lại tát cái bốp vào mặt ông già… Oa cha! mấy thằng mất dạy cười gi mà cười. Đúng là quân trời đánh, oan cho ông quá. Phim hay, gần hết anh thuyết minh lại còn.… Chúng tôi xin thông báo tối mai cũng tại đây, đội chiếu bóng 360 sẽ trân trọng phục vụ bà con xã nhà bộ phim màu thần thoại 2 tập của Liên Xô Trẻ mãi không già… vỗ tay hò hét ầm ầm.

Xem ra dân mình lại càng nóng ruột, không biết khi nào nó về làng ta… Cái cảm giác này sau hơn bốn mươi năm sống giữa thời đại văn minh, nhà nhà lên sóng, người người lên sóng. Con di nhà cu Khẩn ở làng Bạng trước toàn đi bắt cáy, nhà nghèo nhất làng giờ còn làm truyền hình trực tiếp hát hò loạn lên. Anh em ai cũng bấm thích trên phây, sướng thật. Trầm ngâm gật gù: Thật là! người giàu trí tưởng bở nhất cũng không bao giờ nghĩ tới. 
Con cái bây giờ có hỏi PHIM VỀ là gì hả bố, cũng đành chịu thôi. Cái ngôn từ, cái nội hàm sâu xa của khái niệm này… Chữ nghĩa thời nay đã biến mất, không có để mà giải thích con ạ. Nó không được truyền theo đường kinh điển, mà chỉ truyền qua đường máu của những tín đồ, những con người cùng thế hệ với thằng bố chúng mày thì mới cảm thụ được bằng giác quan và bằng cả trái tim con trai ạ.

Bom bỏ dưới Thượng Yên, người chết la liệt, ngoài Cửa Sòi gần trại chăn nuôi, văng mảnh vào tận nhà bà Cẩn. Không khí thời chiến nhìn ai cũng vội vàng, trên mặt mang vẻ hoảng hốt lo âu. Trẻ con thì mũ rơm đi học trong nhà phân, thỉnh thoảng lại báo động chạy ào xuống hầm trú ẩn. Ăn toàn sắn với khoai, bụng lép kẹp. Thấy ai dở dở điên điên đi qua làng mình thì nêu cao tinh thần cảnh giác, theo dõi, nói với nhau: Không khéo việt gian, hấn chỉ cần lấy mảnh gương chiếu lên là mày bay bỏ trúng tọa độ liền. Oa trời! Đi mô cũng sợ nhưng chỉ mong mình rình mò phát hiện được việt gian. Nhưng mà cũng phải cẩn thận, chứ không như có anh làng Bạng làm bên cơ quan… mật, về phép đi coi phim kể: Bữa đó tại một khu dân cư đông đúc ở thủ đô, bọn đế cuốc Mỵ đang đánh bom hết sức ác liệt xuống các nhà máy bên cạnh, thấy một cô gái rất đẹp hay đi lại khu vực trên, anh theo dõi ráo riết, nhìn hành tung rất khả nghi. Một hôm cô ta vào nhà vệ sinh công cộng, anh liền bằng một động tác nghiệp vụ điêu luyện tiếp cận ngay ngăn bên cạnh, hồi hộp nghe ngóng động tĩnh… À, mày chết rồi con ạ. Bên kia có tiếng như đang liên lạc bộ đàm với tổ chức việt gian. Tiếng cô gái vang lên: Cha mày…! Đúng mười ngày nữa là chỗ này bị đánh phá…tan nát... máu me be bét nghe chưa. De ! Chờ cho tên nữ việt gian vừa mới kéo quần lên, anh đã xông vào bắt ngay đưa về đồn tra hỏi, xác minh lý lịch, các mối quan hệ. Qua nhiều ngày, thấy cô này nhân thân lai lịch tốt nhưng tại sao lại làm việt gian tay sai cho giặc. Đấu tranh mãi đến ngày thứ tám thì cô ta xin khai. Mừng chi mà mừng, nút thắt vụ án đã được cởi. Cô gái vừa khóc vừa khai, em không nói thật thì em cũng chết, em chả phải việt gian phản động gì cả, thôi thì phải khai thật để các anh khoan hồng. Khai thật đi, sẽ được hưởng lượng khoan hồng, anh nhắc nhở. Hôm đó em ngồi đi ngoài, cúi xuống nhìn thấy cái “Ấy” của em… bấm đốt ngón tay đúng chỉ còn mười ngày nữa là em cưới chồng nên em thương nó mà buột miệng… Anh đập bàn đứng dậy: Sao không nói từ đầu, mất thời gian. Cô gái ngập ngừng: Em xấu hổ!. Xấu hổ có bằng làm việt gian không? may không thì oan cho người ta các chú hầy… hà hà.

Ngóng mại nỏ thấy phim về. Phim mà về mừng như cha chết sống lại. Cái cảm giác ấy theo hắn suốt đời. Đã gần năm mươi năm trôi qua với bao biến động thăng trầm của thân phận con người, sự phát triển thay đổi của làng quê. Ông tiên thời gian vẫn ngối đó, khuôn mặt béo ngậy, làn da đỏ hỏn, ánh mắt thờ ơ… vô cảm, bộ râu bạc phất phơ dài gần tới rốn… chầm chậm quay ngược từng vòng giật cục như mấy bà quay tơ bị rối. Vừa rít thuốc lào vừa quay. Tội nghiệp, đời ông chả có tuổi thơ, chả được trốn học đi coi phim và chờ đợi phim về bao giờ… tiếng thở dài hắt ra.
Hắn và nhiều đứa con của làng Bạng không làm sao quên được cảm giác của niềm vui đến tột cùng mà nhiều năm sau… rượu ngon gái đẹp, màu xanh của những xấp đô la, bao thương vụ béo bở, nước ngoài nước trong… vẫn hì hục đào bới tìm kiếm cảm giác đó. Ôi ngày lễ, xã tát ao, làm thịt ở sân kho, chiều có đá bóng với làng khác mà lại còn thắng đậm. Tối có phim màu chuyện chiến đấu của Liên xô... nó mới sung sướng làm sao, hắn và lũ bạn nhảy chân sáo như bay lên khỏi mặt đất, người nhẹ bững lâng lâng. 
Mờ mờ ảo ảo lúc gần khi xa… ngôi trường làng cũ kỹ rêu phong nằm sát dãy xuy lau thưa thớt sát đường cái. Đang ngồi học, thấy mấy ông thồ nứa đi qua, tưởng là xe thồ cọc màn về trước. Ua bay ơi! phim về ! Cả lớp quên luôn đang giờ học… Phim về..! Phim về ! ầm lên như vỡ chợ. Nhìn kỹ không phải, lại… Đèo mẹ…! Cả lớp ngồi xuống, các em có còn coi tôi là giáo viên nữa không? Cụt cả hứng, ngồi học mà trong đầu toàn Đi a nốp với Bum bơ, Trên từng cây số, Trẻ mãi không già, Người đẹp ngủ trong rừng.

Nhưng rồi đến hẹn lại phải lên, phim mà không về xạ choa bựa sau coi chừng… chòa ném bể loa đập luôn máy chiếu.
Sáng sớm đã bồng em ra sân đình làng trinh sát trước, lượn lờ coi mấy vị người hùng trong đội chiếu bóng đang đảo phim, nhặt phim đứt, xem máy chiếu máy nổ, hóng hớt coi túi chiếu phim gi… Ôi những thiên sứ của trẻ thơ, họ vĩ đại lắm. Hỡi! những chàng trai người thồ phim bằng xe đạp cải tiến, băng qua đèo dốc khe suối trong bom rơi đạn nổ. Tất cả cũng chỉ vì nhân dân, họ mang niềm vui cho con trẻ, những câu chuyện diệu kỳ về chiến tranh, sự chờ đợi hy sinh mất mát. Họ đưa tuổi thơ bọn hắn bay tới những vì sao xa xôi của thế giới thần thoại với những mụ phù thủy độc ác, những vị thần tình yêu nhân hậu và cả những nàng công chúa, hoàng tử đẹp như thiên thần. Cùng nhau ngồi trên lưng ngựa bạch rong ruổi bay lên trên thảo nguyên mênh mông trên những cánh đồng bạt ngàn hoa… Các chú ngồi đó, bình dị, chăm chỉ, nấu cơm nhặt rau, bữa cơm đạm bạc đồng lương ít ỏi, mà vẫn tận tụy đến hẹn lại về.
Cõng em đi về, ai có hỏi: Túi ni chiếu phim di rứa bay.. Thì lại vênh mặt lên như ta đay cái gì cũng biết… Túi ni chiếu phim Chu mi nga, Chú bé đào hầm trong bóng túi… vì liện… Điện biên phủ là Đ.. biên phản… Bựa mốt diện kịch nựa… kịch ồng Giăng…he he… mấy người đang cấy dưới rọng quay đầu lên nói... Rứa nưng!

Những năm dài chiến tranh, sự thiếu thốn cùng cực về vật chất, tinh thần của người dân là điều tất yếu. Họ đã quen, hy sinh cam chịu, phim ảnh thưa thớt, văn công hầu như không có. Mỗi lần phim về không bán vé, chiếu để cổ vũ động viên tinh thần quân dân là chính. Khi bóng đêm trùm xuống, dòng người từ các ngõ ngách trong làng kéo về sân đình. Đội chiếu bóng khẩn trương, bí mật không giới thiệu, không bật đèn. Tất cả đều mò mẫm dưới ánh đèn pin che nhỏ. Khi máy nổ phát điện chạy Bập… bập là phim bắt đầu chiếu. Ngồi chờ lâu nóng rọt, mấy thằng xóm ngoài tài vặt, bắt chước cái gì cũng giống. Đấm vào lưng thằng đàng trước Bập… bập… bập…! như máy nổ, bắt đầu chiếu, sướng rơn. Chẳng thấy máy chiếu… chờ mãi có tiếng ai chưởi… Mẹ tổ hấn lừa… Bắt đầu chiếu, phải mất vài cuốn thời sự về chiến công của quân dân ta ở miền Nam… Quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy xe thồ gạo, rồi kéo pháo đi... nhiều đoạn bộ đội hành quân, các o các chị để ý, có bựa thấy chú gi ngoài xóm vác súng mang ba lô nụ cười rạng rỡ… mọi người nhao nhao kêu lên…chú Khính…! Bọn trẻ chỉ khoái chiến đấu, ta nhất định thắng địch nhất định thua. Quân ta tiến lên hô xung phong, đại loại như rứa, chỉ mong đến phim chính. Có một máy chiếu thỉnh thoảng rè rè… Đang hay, đứt bụp một cái... nghiến răng đèo mẹ!…Thằng ny nối răng chậm rứa… tiếng người to nhỏ… vừa coi vừa sợ máy bay Mỹ từ hạm đội bảy mò vô bỏ bom.
Đánh nhau mãi cuối cùng ta cũng thắng, giờ chẳng sợ cái gì nữa… Phim lại về, chiều đến lại cõng em đi.

Đội chiếu bóng ba trăm sáu mươi hôm nay về đây hân hạnh phục vụ bà con tại sân kho đội sáu bộ phim Tính cách người thủy thủ - phim màu chuyện chiến đấu của Liên Xô. Từ chiều hắn và mấy thằng một giuộc lớn hơn, đã đi rình mò xem có chỗ nào có thể chui lậu được, khi thì gỡ mảnh chai, đu người lên nhảy ùm cái, chạy vào đám đông luôn, có lần họ bắt được bồng lên, ném ra ngoài sân... rớt cái bịch. Rứa mà không chừa. Bữa khác lại tìm kiếm lần mò, chỉ có một con đường, trườn qua chuồng xia nhà bà chắt Giáp, sát với bờ tường vị trí ánh điện không hắt ra dưới lùm cây là chắc ăn nhất. Oa chà! trườn như đặc công giẫm phải cứt, vào ngồi đâu ai cũng đuổi. Mà người lớn một hào, trẻ em năm xu chứ mấy, bọn hắn đứng chưa tới nách o Đào chụt thì vé viếc cái gì, nhưng lạ cứ thích chui lậu, hoặc nép vào lưng, chui qua háng người lớn qua được chỗ soát vé nó mới sướng làm sao… không bao giờ chịu đi đường chính nghạch.

Tối đến khi ánh đèn điện bừng lên, thứ ánh sáng cao quý sang trọng hiếm hoi. Dưới ánh điện nó tôn thêm vẻ đẹp của trai gái làng Bạng. Các anh chị nam thanh nữ tú diện những bộ cánh thật đẹp, áo lon trắng, quần lụa, tắm gội thơm phức từ chiều. Nói thì quá nhưng nó cũng giống như đám người nam tước, bá tước thượng lưu ở Âu Châu trong phim đi dự dạ hội. Phim về cũng là dịp các anh các chị trai gái đang thì hẹn hò, làm dáng làm duyên đánh mắt tìm nhau… Nhiều o ban ngày bình thường mà… trời ơi, nhìn qua ánh điện nó mới đẹp làm sao. Nhiều anh chị cũng nhờ phim về mà thành đôi lứa. Cũng có anh chị đến cổng, ra chỗ bóng điện đứng tí điểm danh như ta đây là đi coi phim, rồi thoắt một cái kéo nhau ra đồng tâm sự, có phim nào hay bằng phim mình tự đóng, mất chi phải tốn tiền. Mai bạn bè vô tình hỏi khi đêm chiếu phim chi, ấm ớ việt gian trả lời… Phim… Chôn lầm trong bóng tối chứ phim chi nựa, quân ta hồng quân Liên Xô chết không chôn lại chôn lầm thằng phát xít Đức… hè hè !

Lần nào cũng thế, vẹo hông bồng thằng em về, nói mệ nấu cơm sớm… Ba giờ chiều đã lết ra để coi mắc màn, chiếu thử.. A lố a lô… một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười… a lố a lô... Nhiều anh tranh thủ có mi cờ rô mần bài…Vụ mùa thu hoạch vừa xong, nghe tin anh về phép trong lòng em sướng vui… thứ nhất anh thăm mẹ thăm cha, hai thăm làng xóm ba là anh thăm em… Có anh còn độc tấu hài nữa, vui đáo để… Chẹt chẹt, nghe qua loa hấn sướng ra răng.
Đớp vội bát cơm hay cháo cải bắp gi đó chẳng hạn, có thằng còn tuốt trộm cả nếp đang xanh rang lên bỏ bao khi ngồi xem ăn trắt, chuyền tay nhau từng nhúm như chuột nhắt. Bọn trong xóm rặt quân học dốt, nghịch như giặc, tay ôm đòn đi thật sớm, xê dịch tiến lùi chọn góc coi tốt nhất, lại còn phải lo chộ đi đấy nựa da. Lấy đất cục xếp xung quanh như cái bếp, sợ đang xem vại đấy…không ra đươc. Ngồi coi phim tâm lý xã hội dài, không có đánh nhau, con nít buồn ngủ, ngáp lên ngáp xuống sái cả quai hàm. Thể loại phim này chỉ mấy anh chị lớn là thích vì thỉnh thoảng có cảnh hun chắc. Oa! Mấy o giả vờ che mặt nhìn đi chỗ khác. Mình là con nhà gia giáo ai thèm coi mấy cái dơ dáy ni… đổ gớm ra, sinh thèm. Mấy thằng bạn bày lấy nước miếng mà bôi vào tỉnh ngủ liền. Nước miếng mô mà lắm rứa, bôi được vài lần đã gục đầu xuống vai thằng khác ngáy o o. Thỉnh thoảng hắn lại lừa cho... Dị! hết phim rồi dị mà về tề. Đứng dậy tưởng hết phim thật, phía sau họ thò tay nắm lấy tóc kéo xuống cái thịch.

Cái khoản thuyết minh cho phim nước ngoài mà chủ yếu là phim Liên Xô, có chú tên Lĩnh, tóc quăn tự nhiên nhìn đẹp trai, người Hưng Nguyên. Thuyết minh thì thôi rồi, cảm xúc vô cùng. Có những bộ phim chú thuyết minh mà trẻ con học theo mãi, như phim Rút lan và Lút mi la… Phù thủy Nai na vốn là người đẹp nhưng làm điều ác phải biến thành phù thủy mũi khoằm cằm nhọn hoắt, da dẻ nhăn nheo… Tráng sỹ người yêu tìm gặp... Naai... nai na ... đấy ư ư ư… em, sắc đẹp của nàng biến đi đâu hết… Hay phim Tréc men… đoạn mào đầu thật mê ly… Cụ bà người Nga dẫn chuyện… Ngày xửa ngày xưa ở nước Nga nhân hậu trên thảo nguyên xa xôi… một làng nọ có một chàng tráng sỹ tên là Tréc men… ai muốn nghe thì nghe, ai không nghe thì thôi... Oa chà! thấm tận tim luôn. Không như ông chi trước đó giọng Nghi Lộc thuyết minh vua Xăng Tan ở sân Điếm: Òi con cà nầy ành sẹ tặng cho êm… ỏ nhà bà ặn di... ờ nhà bà ăn chào… Trước khi chiếu làm trật tự thì... Cặc em nhọ ngội trước trời túi không nên đi lại lồn xốn… khi nào đông đụ khán dạ thì chúng tôi phúc vú… cười bể bụng luôn.

Rứa mà chiếu phim cũng có lần đập chắc chạy toán loạn. Trai làng khác tán gái làng mình, cãi nhau tranh giành đấm nhau túi bụi, hay có thằng mô cao đứng trước, đứng sau không coi được bảo ngồi xuống mấy lần mà không chịu… chưởi đèo mẹ, người gi như cấy sào chọc cứt. Rứa là quay lại trặc liền, ua cha, con nít thích hơn coi phim chiến đấu, gị gộc bay lung tung, nhảy qua bờ rào, chặn đường, la hét ầm ầm như cướp chính quyền. Đi về lại bàn: Dè thằng nớ nhát gan; Cu kia có vọ đỡ được cả hai gị của thằng Sơn Hải…

Năm tháng cứ lùi xa, xa mãi như những cuốn phim cũ kỹ đứt nát quay thụt lùi. Miền ký ức tuổi thơ làng quê mờ tỏ rời rạc chìm trong màn sương bạc trắng…
Thời buổi công nghệ, bọn nhà giàu thế giới tranh nhau đi du lịch trên sao hỏa, có anh còn mua cả đất trên mặt trăng, nghe nói đang chạy làm bìa đỏ. Điện thoại thông minh Ai phôn sáu ai phôn bảy, ngồi đâu cũng xem phim được, ti vi hàng trăm kênh, Tây Tàu bạo lực, hành động mạo hiểm, tâm lý xã hội yêu đương sướt mướt. Phim truyền hình nhiều tập xem toét cả mắt. Hay thế, nhiều thế mà hắn cũng chẳng muốn xem. Hắn bỗng thấy buồn buồn, đi ra đi vào tìm kiếm điều gì đó thân thiết, máu thịt của tuổi thơ đã mất. Thèm cái cảm giác phim về của ngày xưa ấy…

Mới bảnh mắt, lão gác chợ đã cầm cái chổi lá dừa, vừa quét vừa đập đập vào chân hắn: Dậy!... dậy! Giật minh ú ớ, quấn vội cái chăn rách, vớ cái bị lác, tay rờ rờ kiếm cái gậy. Hình như hắn vẫn chưa thoát ra khỏi giấc mơ. Mịa, đúng là vòng luân hồi nhân quả! Chín kiếp ma, mười ba kiếp quỷ, bảy cõi lang thang, ba mươi sáu kiếp súc sanh, mới được đầu thai làm kiếp người mà tạo nghiệp. Vừa sướng như vào chốn bồng lai răng giừ lại ra ri. 
Vọng đâu đó trên ngàn mây cao xanh… Ngày xưa còn nhỏ… mi hay hóng hớt, trò gì cũng ham, ai làm cái gì cũng phải rình mò cho bằng được. Lơ ngơ lẩn ngẩn, nhớ nhớ quên quên… À ra thế! chân đi như xéo khoai từng bước cao thấp, lấy tay choặy mắt, mồm lẩm bẩm, ừ thì thế, có thế cho nên mới ra nông nổi này…
PHIM VỀ ơi là PHIM VỀ… ./.

--- 
TPHCM tháng 2/2017
Kiều Anh Tú


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66024598

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July