Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời

Đã từng đặt chân đến nơi heo hút tột cùng của biên cương cực Bắc và được đón bình minh lộng lẫy ở quần đảo xa đất liền nhất của Tổ quốc, tôi giữ mãi trong tim mình hạnh phúc thiêng liêng không dễ có trong một đời người. Hạnh phúc ấy là gì? Không phải là sự sung sướng sau những may mắn cho ta gặt hái tiền tài danh vọng, càng không phải niềm hoan hỉ của người vượt lên trong cuộc bon chen. Đấy là hạnh phúc của một công dân - một người lính khi cảm nhận được tình yêu đất nước một cách cụ thể, rõ ràng nhất.

Những bông lau trắng ở Hà Giang và những con sóng trắng ở Trường Sa. Cái màu trắng của cỏ cây, sóng nước ấy chính là một phần phên dậu cõi bờ non sông Việt, hiền lành và dữ dội làm sao, quen thân và kỳ lạ làm sao; càng nhìn lâu càng nghe rõ hơn những thao thức gửi gắm của quá khứ, của những khuất chìm trong mạch đất, vỉa đá tàng lưu lớp lớp thời gian. Những bông lau mềm mại, rạp mình theo chiều gió bấc lạnh lẽo ào ạt nhưng chưa bao giờ bật gốc khỏi đất Mẹ cũng như những con sóng miên man trên bao la biển cả mang trong nó những tọa độ mặc định chủ quyền đất nước ta. Đứng trên những tọa độ phên dậu ấy, bạn sẽ không còn mơ hồ về tình yêu Tổ quốc nữa, trái lại thấy nó như một hình thể thiêng liêng mà ta đang ôm chặt trong lòng.

Tôi đã ra Trường Sa. Một lần và nhớ mãi.
Nỗi nhớ này bền lâu hơn tất thảy mọi nỗi nhớ, bởi từ cảm nhận của tôi thì quần đảo phong ba mang trong nó những tố chất lịch sử kỳ diệu của dân tộc; ấy là sức chịu đựng bền bĩ, lòng dũng cảm vô song và tầm nhìn xa rộng...

Giữa biển trời mênh mang, sau hai ngày hai đêm bồng bềnh, tôi và hầu hết mọi người có mặt trên con tàu hôm đó đều rơi lệ khi thấy một vệt xanh hiện lên trước mắt. Đảo Trường Sa lớn. Cờ Tổ quốc, nhìn từ xa là một chấm đỏ nhô cao hơn trên vệt xanh ấy. 6 giờ sáng. Tàu chuẩn bị thả xuồng đưa chúng tôi vào đảo thì trời nổi gió. Mặt biển vừa mới hửng lên đã bị những đám mây đen rầm kéo đến, sóng bạc đầu nhấp nhô và mưa đường đột đổ xuống boong tàu. Ba mươi phút sau mưa tạnh, cũng mau lẹ như khi đến, bầu trời trở nên cao lộng nhuốm màu bình minh rực rỡ. Không chần chừ gì nữa, chúng tôi xuống xuồng cao su để vào bờ. Chao ôi, cái cảm giác khi đặt những bước chân đầu tiên lên cầu cảng đến bây giờ tôi không biết diễn tả sao cho đúng. Trường Sa, phần Tổ quốc ở phía Đông vô cùng yêu dấu đây rồi sao? Bãi cát san hô màu trắng đục, cây bão táp, cây bàng vuông, mùi gió gắt gao mằn mặn, cánh hải âu chấp chới lưng trời...tất cả những gì chúng tôi từng nghe, từng đọc, từng thấy trong sách báo phim ảnh bây giờ đang hiện ra trước mắt. Lần đầu tiên nhìn thấy mà như đã thân quen, bởi lẽ không xa đâu Trường Sa ơi...như lời một bài hát, bởi đấy là Tổ quốc ta, là di sản vô giá ông cha để lại, thấm rất nhiều mồ hôi và máu của bao thế hệ.

Năm tôi đến với Trường Sa, những chiếc chòi cao cẳng nhỏ nhoi mong manh giữa bao la mây nước đã đi vào dĩ vãng. Nhà kiên cố đã được cất xây trên nhiều đảo nổi đảo chìm. Lính không phải cạo trọc đầu như sư cụ nữa. Trứng chim không nhiều đến mức lính ta phải gạt ra để đi và chuột, gián đêm đêm không còn bò vào gặm chân bộ đội nữa. Vóc dáng và tâm hồn những làng đảo - làng Việt đã khá đầy đặn, sum suê. Dấu ấn chủ quyền lãnh thổ trước tiên phải kể đến các cột mốc khắc ghi dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng những con số về kinh độ, vĩ độ chính xác tuyệt đối. Và, điều sâu sắc bền vững hơn để xác lập chủ quyền, theo tôi là sự tiếp nối văn hóa Việt Nam được giữ gìn, phát triển không ngừng trên vùng biển đảo của đất nước. Từ dải đất cong cong hình chữ S, văn hóa Việt Nam theo cánh buồm Tổ quốc ra khơi; ngôn ngữ, phong tục, khí chất, tâm hồn...dân tộc cắm rễ, nảy mầm, la đà cành thấp cành cao, trổ hoa kết trái trên vùng biển đảo này. Vườn rau. Hàng dừa. Khóm hoa. Giàn mướp. Dây mồng tơi. Bụi ớt. Đàn bò vàng đủng đỉnh trong chiều. Mẹ con nhà lợn ủn à ủn ỉn dưới bóng phong ba. Tiếng gà gáy ò ó o bên chân sóng...Đảo tiền tiêu là làng, làng là đảo tiền tiêu, hai mà một.

Trường Sa. Tôi nhớ mãi những người lính có gương mặt rất trẻ nhưng tóc lại lấm tấm bạc. Hỏi nguyên nhân, các em, thực ra là các cháu nếu so với tuổi tôi cứ nhỏn nhoẻn cười: “không biết tóc nó bạc lúc nào thủ trưởng ạ.” Quần đảo này khí hậu rất khắc nghiệt, giữa đại dương bao la mà nắng cứ gay gắt như thiêu như đốt con người, có đảo được mệnh danh là lò vôi thế kỷ. Tôi ra Trường Sa chỉ nửa tháng mà nước da cháy đen đến mức về nhà có người không nhận ra. Mùa bão mới là thử thách lớn nhất. Từng con sóng dữ dằn đập ầm ầm vào thềm đảo như có trăm nghìn quả bộc phá nổ cùng lúc, biển cả trong cơn cuồng phong muốn san phẳng nhấn chìm tất thảy mọi thứ nhô lên trên mặt nước. Có lúc, sóng tràn qua mặt đảo làm tàn lụi tất cả những ô, những khay rau cải, rau muống, rau dền mà lính và dân ta đã bỏ ra rất nhiều công sức chăm bón. Nhưng, không ai nản lòng nhụt chí cả. Rau xanh, tuy chưa nhiều lắm vẫn mùa nào thức ấy, mơn mởn tươi non. Lính đảo, dân đảo trồng rau, trồng cây, nuôi con này con khác không chỉ để cải thiện đời sống mà còn làm nguôi ngoai thương nhớ đất liền. Tôi đã rưng rưng chứng kiến giữa trưa tháng tư nắng chói chang trên đảo Đá Tây, có người lính trẻ cầm những bông muống trắng tặng cho cô ca sĩ. Tất cả lặng đi trong giai điệu quê hương ngọt ngào đằm thắm và không ai không nghẹn ngào khi thấy cô ca sỹ cầm trên tay bông muống trắng vừa hát vừa rơi nước mắt. Đảo trưởng, đứng bên tôi nói nhỏ: “Cậu ấy vừa nhận được tin buồn anh ạ, mẹ ốm nặng đang nằm viện”.

Đừng nói những điều to tát làm gì cả, sự hy sinh của người lính biển đảo phải được tính từ câu chuyện đời thường như thế. Mỗi ngày, mỗi giờ họ vượt lên nỗi nhớ, vượt qua sự lo âu, vượt qua những đòi hỏi rất bản năng của con người để trụ vững nơi quần đảo phong ba. Lòng tôi từng tràn ngập xúc động khi được một người lính cho đọc bức thư của con trai vừa gửi ra: “Bố kính mến! Ngày 20 tháng 11 đã qua nhưng con vẫn nhớ mãi trong lòng. Ở chỗ bố chắc nhiều cá lắm nhỉ? Bố có khỏe không? Con và mẹ ở nhà vẫn khỏe...Cô Cúc mới sinh em bé, cô Cúc đặt tên là Nguyễn Đoan Phượng đấy bố ạ. Con cũng được cô giáo tặng một quyển vở vì con có vở sạch chữ đẹp. Từ đầu năm con đã được các bạn bầu làm lớp phó học tập đấy bố ạ. Mẹ mới mua áo mưa cho con. Cho con gửi lời hỏi thăm các chú ở chỗ bố nhé. Con chào bố. Con: Nhân”. Trường Sa là thế đó, tình cảm con người là cái quý nhất, những vui buồn được chia sẻ an ủi nâng dìu. Nếu không như thế, thì làm sao người lính, người dân đứng vững được nơi đầu sóng ngọn gió này.

Sau chuyến đi của tôi, còn rất nhiều chuyến ra Trường Sa của đồng đội, bạn bè.Trường Sa đổi mới mau lẹ.Những ngôi nhà kiên cố xinh xinh bi bô, ríu rít tiếng trẻ em. Lớp học của các em đầy nắng gió trùng khơi. Ngôi chùa với những đầu đao cong cong gợi rất nhiều xa xăm tĩnh mịch thấp thoáng sau hàng cây, mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng mõ đều đều...Nam mô di a đà Phật, tiếng đọc kinh của sư thầy khe khẽ, cầu mong cho đất nước an khang thịnh vượng...Mỗi khi Tết đến Xuân về, lính đảo, dân đảo đón năm mới trong nỗi nhớ đất liền da diết, những gì liên quan tới cội nguồn xứ sở, phong tục truyền thống đều được thể hiện ở mức cố gắng cao nhất. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...tất nhiên là không thể thiếu. Món đất liền mang ra, món do chiến sĩ ta, dân ta làm được. Bên cột chủ quyền, lính ta lụi cụi gói bánh chưng, giã giò, muối dưa...Thiếu hoa đào, hoa mai thật thì làm thêm những cành xuân ấy từ những gì đảo có. Bữa tất niên, đêm giao thừa, sáng mồng một...và suốt mấy ngày Tết đảo nổi, đảo chìm đậm đà phong vị truyền thống ngàn năm. Theo dân, theo bộ đội phong tục tập quán vượt sóng ra Trường Sa, thêm một minh chứng về văn hóa Việt được gieo trồng, tỏa bóng nơi đây.

Tôi vẫn mong có ngày trở lại quần đảo Trường Sa để được hít hà thỏa thuê mùi gió biển mặn mòi, để được tận mắt thấy sự đổi thay nơi này. Vẫn thấy gần lắm Trường Sa mà sao lòng không vơi thương nhớ khi nghĩ tới đồng chí, đồng bào mình ngoài ấy. Trong những ngày biển Đông dậy sóng càng thao thức thương nhớ Trường Sa hơn. Phần Tổ quốc nơi trập trùng mây nước luôn hiển hiện trong trái tim tôi với vẻ đẹp can trường, dầu dãi.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66024676

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July