Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Tùy bút KIỀU MINH NGỌC: BÓNG ĐÁ LÀNG QUỲNH Tùy bút KIỀU MINH NGỌC: BÓNG ĐÁ LÀNG QUỲNH , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Kết quả hình ảnh cho đá bóng làng quỳnh đôi

Ảnh minh họa Internet

Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn không quên được chuyến đò chiều tròng trành trên sông Mơ ngày ấy. Người với xe đạp chồng lên nhau. Nước mấp mé tràn qua mạn thuyền phải lấy gáo dừa tát ra. Trời u ám, mưa bay bay buốt cóng, một ngày đầu tháng Hai âm lịch. Ra giữa dòng con đò sắp lật úp, mọi người căng thẳng thót tim. Bằng kinh nghiệm và tài điều khiển của ông lái, chuyến đò cập bến thoát chết trong gang tấc. Mọi người nhảy lên bờ, nếu không đã có thảm họa thứ hai sau thảm họa bắt cáy năm nào… Không ai muốn ở lại lên chuyến đò sau, họ muốn chạy trốn cảm giác thất vọng khi đội bóng thân yêu niềm tự hào của họ thất bại ê chề trước An Hòa (FC Cậy Giót) trong một trận cầu thổ tả… hai bàn tự đốt lưới nhà. Niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Thua trận, những đứa con của Thần gió bị loại từ vòng bảng. Họ chơi bóng một cách bạc nhược thua không oan uổng trước một cái tên không có trong bản đồ bóng đá Quỳnh Lưu… Tôi đã ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ… mà đúng là đứa trẻ thật. Hơn bốn chục năm  trôi qua khi mấy anh em ngồi hoài niệm về bóng đá Quỳnh Đôi, mẹ tôi vẫn hỏi… Trận mô ta thua mà cu Ng khóc hề…         

Nguyên vẹn cảm xúc đó, thôi thúc tôi viết về bóng Làng Quỳnh, với những kỷ niệm, góc nhìn  của trẻ thơ. Biết rằng sẽ không chính xác về thời gian địa điểm và những sự kiện vẻ vang như người chép sử. Có thể quên một số cầu thủ và những con người nhiệt huyết đã từng chung lưng đấu cật buồn vui vì bóng đá quê hương… Kính  mong mọi người tha lỗi.

  Một tình yêu không bờ bến sự đam mê cuồng nhiệt đến vô cùng. Tôi xin được phép quay ngược dòng chảy thời gian, tản mạn về bóng đá Quỳnh Đôi với những cầu thủ yêu dấu, những trận cầu kinh điển và những góc khuất, những cầu thủ làng… Cùng bao thế hệ khán giả già trẻ thân thường ngày ấy, giờ đây người mất người còn, có nhiều người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

  Khi chúng tôi còn bé đi xem đá bóng thấy mấy bác có tuổi người làng mình và xã bên thường hay nhắc đến ông Nguyễn Ngọc Anh, (chắt Anh) Ông Đạt… là những cầu thủ nổi tiếng của huyện của tổng, có những cú sút rót dầu, bay người đánh đầu… Bắt gôn cũng rất hay. Chà chà bay như vượn, lượn như diều hâu, bắt bóng quạ vồ gà con… họ như những huyền thoại. Lúc mọi người nhắc đến thì các bác đang công tác ở xa. Cái thời xa vắng huy hoàng ấy, rất tiếc chỉ là niềm kiêu hãnh của chúng tôi mỗi khi đem chuyện kể cho trẻ con làng khác.

Những năm chiến tranh ác liệt, Mỹ đánh bom miền Bắc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” mọi việc liên quan đến thể dục thể thao đành tạm gác. Năm 1973 sau khi hiệp định Pa ri ký kết, tuy là đời sống thời chiến nhưng đã tương đối ổn định. Phải hướng tới thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe và hơn nữa bóng đá là món ăn tinh thần không thể thiếu, đã thấm sâu vào máu của dân làng Quỳnh.

 Bác Cù Chính Tình thời điểm ấy làm phó bí thư hay bí thư đảng bộ xã, (sau này anh em tôi thường gọi là Tể tướng Lưu gù) là người đã có công xây dựng hay nói chính xác hơn là người phục hồi lại bóng đá làng Quỳnh với vai trò người đưa ra chủ trương, được toàn dân ủng hộ nhiệt liệt. Mấy mảnh ruộng đầu làng sau trường học, phía bên kia là cái lò gạch đang ngày đêm tỏa khói đã được lực lượng thanh niên dùng cuốc dùng xẻng san lấp, dùng bừa xốc để làm mặt bằng. Khi hoàn thành mặt sân tương đối bằng phẳng cỏ mọc xanh mướt rất đẹp… Hai khung thành bằng cây mét được dựng lên trong niềm hân hoan của nhân dân. Nơi đây đã trở thành thánh địa của đam mê, điểm hẹn của người yêu bóng đá …Những cầu thủ đi xa mỗi dịp tết lễ người nhà, người yêu đi tìm họ chỉ lên sân bóng. Ít khi trên sân vắng bóng người. Giờ ra chơi bọn học trò tranh thủ quấn khăn quàng, giẻ rách, khá hơn thì có quả banh nhợ. Lấy xắc hoặc hòn gạch làm gôn chia đôi đá, trưa lớp khác đi học sớm lại đá. Chiều đến là giờ của người lớn, đá đến tối mịt mới về. Sau này khi thấy sân hơi nhỏ nên Ủy ban quyết định dời cái lò gạch đi nơi khác, sân được nới rộng thêm.

 Với những con người tâm huyết trong thời gian khó, cơm chưa đủ no áo mặc chưa lành. Các cầu thủ làng còn phải chạy bữa, đốt than đi củi, lặn lội đồng trên ruộng dưới vất vả sớm trưa, thả vằng cất vó, đánh trúm khắp nơi. Lớp lớp thanh niên ưu tú lần lượt vào tuyến lửa… Những người ở lại hậu phương chắc tay súng vững tay cày. Say mê đầy nhiệt huyết xây dựng phong trào thể dục thể thao và ưu tiên hàng đầu cho môn thể thao vua. Vật chất chế độ chẳng có gì, tài sản của đội bóng đá, ngoài vài quả bóng da, bóng hung bằng cao su thủng lên thủng xuống. Trong những ngày đầu khôi phục, mọi người chung tay chung sức của góp công ra sức nghiến răng đẩy con tàu bóng đá làng Quỳnh tiến lên. Những con người xả thân, trước hết phải nói đến bác Khang. Trong quân đội bác đã được đào tạo tương đối bài bản cho vị trí thủ môn. Người mà đứa trẻ làng Quỳnh nào cũng nhớ khi nhảy lên bát bóng bao giờ cũng hô… Thôi để tau…! Sau này ở vị trí thủ môn nhiều đứa con của làng vẫn hô lên trong các tình huống tranh chấp bóng bổng. Ông Nhân (Chiến) ông Lạng, ông Diệm là những mưu thần, Khổng Minh làng… kiêm huấn luyện viên, đào tạo trẻ, làm trọng tài, làm công tác tổ chức, đối ngoại đối nội. Khán giả cuồng nhiệt đông đảo nhưng luôn theo sát đội bóng không ai khác mà chính là ông Cúc Đại… một nhà tài trợ kim cương. Khi chục quả chanh, khi vài lạng đường, mấy viên xê. Được cái, do có nghề buôn lợn ở chợ Giát nên cũng có đồng vào đồng ra, dân ta lấy mô ra, hơn nữa bác cũng là người hào hiệp, thuộc biên chế danh dự một phần không thể thiếu của đội bóng. Săn sóc viên lo nước nôi xử lý chấn thương cho cầu thủ có tý “Ui…ui… người gác đền số 1” là O Cao Thị Thân.

Thế hệ mở đất… các cầu thủ làng hầu hết đã có tuổi. Vị trí thủ môn bất di bất dịch thuộc về ông Khang, đúng là bay như vượn lượn như diều hâu, chúng tôi vẫn gọi là Lép Iasin… Hậu vệ thòng có chú Ngụ đá chững chạc xử lý bóng rất thông minh, chú Võ đá hậu vệ dập khéo léo quyết liệt nhưng rất mẹo, chú Cần đá rất chững chạc phong cách như Tuấn Anh bây giờ. Chú Ân hay thả trúm về muộn thường là anh em tập trung đông đủ rồi mới thấy xách giày cao cổ đến, chân còn dính đầy bùn. Được cái xông xáo, nhưng kỹ thuật kiểm soát bóng kém toàn lấy bóng bằng ống đồng nên bóng bật ra phải vài mét. Mỗi khi thế, khán giả lại nổi khùng văng tục… Đèo mẹ, đuổi cu Ân đi… cười khè khè lăn xả tiếp. Chú Tiến có tốc độ chúng tôi gọi là cục gió… cũng chuyên giày cao cổ như những con ong thợ cần mẫn chăm chỉ. Chú Kỷ là linh hồn của tuyến giữa, nhạc trưởng trên sân. Ngoài đời ông sống rất tiếu lâm, nhiều lần đến nhà tôi, thấy tôi khỏe mạnh có năng khiếu bóng đá ông nói rất quan trọng với bố tôi. Chú quan sát tốt cầm bóng chắc có những đường chuyền mà ta thường gọi là chết người đặc biệt là có ngón nghề tiểu xảo rất chi là đểu, gài bẫy đối phương. Có trận lấy tay búng bộ hạ đối phương theo kèm, trọng tài chịu đi… Cái ông chi đầu trọc người Ý Đẳng cấp PHI PHA không phát hiện nổi, chứ nói gì chắt Nho với cha trọng tài Cam điệu vặt Cầu Giát… Khi mô tuýt còi cái cũng đưa tay lên múa thể hiện động tác cầu thủ phạm lỗi, lại còn… Số bảy Quỳnh Đôi kèm người trái phép... trái phép cái con khỉ… chú Kỷ lẩm bẩm… Thằng bị búng… giãy như đĩa phải vôi, ai cũng tưởng kiến đút… hay bị đổ nước sôi vào. Ngày đó quần xì mần chi có, là thứ xa xỉ đối với cầu thủ, anh mô không có thì mặc hai quần đùi màu cháo lòng lồng vào nhau. Chú Lanh nghe nói trước đó đá cho Đoàn 210 hát cực hay là dân văn công chính hiệu, đàn em ông Diệm. Cũng nhiệt tình, vợ thì trẻ, buổi túi hay lỡ dại. Hăng hái chạy nhiều nhưng thường chỉ xách xe không, một hồi đã mệt, thở hổn hển. Đêm trước đã đặt vấn đề trước với ông Diệm, mai anh xếp cho em đá chính nha, mệ hân đì coi…

Ông Lạng, ông Nhân là lớp cầu thủ đan xen dẫn dắt làm điểm tựa cho cầu thủ trẻ. Ít mấy tuổi hơn có Hồ Sỹ Trang tố chất thể thao, hậu vệ biên lên công về thủ toàn diện đá như Âu Văn Hoàn của SLNA, mặc dù chiều cao khiêm tốn nhưng sức bật rất tốt…

Những cầu thủ những đứa con xa quê, bố mẹ vợ con toàn phải ốm đau oan, thậm chí chết oan. Ông Diệm và mấy bác khi mô cũng điện đánh dây thép trước cả chục ngày… “Bố ốm nặng con về gấp. Đi qua Hà Nội nhớ mua cho anh em đôi giày…”. Anh Nam, Hồ Đức Thành, ở xa. Chú Tuấn cậu Luyện ở Vinh gần dễ trốn về được. Mấy ông thủ trưởng cơ quan cứ lẩm bẩm “Ốm gì mà ốm lắm thế, chết gì mà một người chết hai ba lần”. Anh Nam con bác Anh, một thần tượng của lớp trẻ về trình độ bóng đá và phong cách thi đấu… Trận nào có anh là Quỳnh Đôi chắc thắng… đá cống hiến, kỹ thuật cực kỳ khéo léo nhanh nhẹn giống như Công Vinh bây giờ. Chú Tuấn nhìn rất công tử đá thật dẻo, Hồ Xô Viết Đại sứ quán ở Hung ga ri về to béo, trắng, lè toàn lông mặc quần đùi lụa màu đen càng nổi. (Tuấn cu Be sau này bắt chước về lấy quần lụa của mệ hấn cắt ngang mặc vào cho giống chú Viết… Òa chà mệ hắn rượt đập cho gần chết, nhà có mỗi cái quần đẹp để thỉnh thoảng bố hấn về mặc cho mướt… rứa mà…). Hoàng Luyện, có sức mạnh đá đơn giản, cú sút rất mạnh nhưng ít ghi được bàn. Hồ Đức Thành mảnh khảnh, đá tiền vệ ít di chuyển, phân phối sức hợp lý chọn vị trí tốt, có những cú sút xa và những cú đánh đầu hiểm hóc, rất có duyên ghi bàn. Chú Bền hay lừa ngang dễ mất bóng làm chậm cơ hội tấn công. Khán giả đứng ngoài chưởi cho suốt. Đá như  con khỉ. Chú Tín đá cực kỳ văn nghệ… Răng làng mình lại có những cầu thủ đá rất chi là nghịch, quả đáng đánh đầu thì lùi ra dừng bóng, quả đáng đá thì cúi người đánh đầu. Tặc cười thật! Chú Lương Cảnh có thể hình lý tưởng trắng trẻo đá cũng rất chi là hiệu quả trong các pha tranh chấp bóng bỏng. Hồ Quang Lợi đá ban bật, lối đá tương đối hiện đại, hồi đó đi đâu về nhìn thư sinh lắm. Đây có thể nói là thế hệ thứ nhất của những năm 70. Thời kỳ này đội chưa có áo số chứ nói chi đến quần. Trận đầu tiên ta đá với Tiến Thủy là có áo mặc. Tôi nhớ áo may bằng vải thô màu vàng, cổ vuông viền xanh giống như áo của phường tuồng. Chắc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, liên minh công nông, nghe mấy bác  nói rứa. Sau này được tài trợ 10 cái áo màu xanh lá mạ  số màu nâu. Áo thủ môn không có, ông Khang lại phải mặc cái áo ấm từ thời bộ đội đứng trong khung thành.

Tre già măng mọc nhân tài làng Quỳnh không thiếu. Lớp trẻ lớn lên trưởng thành thay thế dần cho các lão tướng. Thế hệ thứ hai là những cầu thủ trẻ được đào tạo theo giáo án của huấn luyện viên làng tạm gọi là bài bản, có các anh Năm Lâu, Nam Việt, Dũng Diệm, Tăng Đệ, Long phi, Hùng Anh. Thế hệ thứ ba chênh nhau vài tuổi nổi lên Sáu Lâu, Dũng Tam, Hiếu Nhân, Tịnh Điềm… Khi kế thừa lớp đàn anh và họ đã không phụ lại niềm tin được trao gửi. Thể hiện lối đá bóng sệt, bật tường chọc khe vô cùng hiệu quả. Long Phi, Hùng Anh, thường dự bị nhưng rất hăng hái trong việc rải vôi kẻ sân trước trận đấu. Anh Nam Việt một kình ngư trên đường đua xanh trong phong trào bơi lội, được Ban huấn luyện hướng vào vị trí thủ môn để thay thế ông Khang bắt cũng hay lắm. Anh đi bộ đội với ước mơ sau này sẽ trở về đứng trong khung gỗ của làng nhưng ước mơ đó đã không thành hiện thực mãi mãi là giấc mơ dang dở… anh đi mãi không về… bỏ lại người vợ trẻ và sự chờ đợi của bọn trẻ chúng tôi. Tịnh Điềm cũng thế… đã hy sinh.

Mấy ông anh ông cậu trong xóm như Lộc Bích Bảng, Luật Tri, cậu Bình Tạn, Hoàng Cầu đã một thời là bạn vong niên của chúng tôi đã cùng nhau chạy tắt đồng trong những lần làng đá ở xa, các anh đã hy sinh ngoài mặt trận. Những trận cầu ngày ấy của làng, khi các ngã xuống các anh có kịp mang theo về thế giới bên kia với bao ước mơ dang dở. Hỡi những chàng trai dũng cảm, đẹp như ánh nắng ban mai, hiền như đất… những con người một thời là cầu thủ là khán giả cuồng nhiệt của bóng đá làng Quỳnh.

Dũng Diệm là cầu thủ trẻ được gọi vào đội tuyển Quốc… xã, khi mới mười sáu tuổi ba mươi mấy ngày, rất có duyên ghi bàn, là người luôn được ông Khang giao nhiệm vụ thực hiện những quả phạt đền. (Nhiều năm sau người làng Quỳnh xa quê gặp anh vẫn gọi… Văn Quyến Quỳnh Đôi). Năm 1978 chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, các anh lên đường nhập ngũ. Sân bóng như mất mát đi một cái gì đó rất khó bù đắp, gieo vào lòng khán giả một nỗi nhớ mênh mang trong mỗi buổi tập trong những trận đấu cam go. Tăng Đệ thể hình lý tưởng đá trung vệ rất chắc chắn. Năm Lâu đậm người luôn là ông chủ của tuyến giữa. Sáu Lâu, Hiếu Nhân, Dũng Tam, có thể nói là những cầu thủ cực kỳ đa năng, chơi được nhiều vị trí, hai chân như một, đá đầu óc sắc sảo đã làm cho hàng thủ các xã nhiêu phen điêu đứng.

 Thế hệ vàng đó đã để đời những trận đấu kinh điển mà bây giờ nhắc đến có nhiều người vẫn nhớ, hào hứng kể lại không thiếu một chi tiết nào…

Trận đầu tiên khi các cầu thủ được khoác lên mình chiếc áo vinh quang. Thật tự hào… áo cổ vuông anh mô anh nấy mặc rụng thùng thình. Ngày đó cầu thủ làng chủ yếu ghì gò... Hình như dịp Quốc khánh, để phục vụ bà con và tăng cường mối quan hệ đoàn kết với các xã bạn, xã ta mời Tiến Thủy lên giao hữu (ngày đó không phân biệt đá giải hay giao hữu trận nào vào sân là đá chết bỏ). Tiến Thủy có Lượng đi tù về bắt bóng còn dính hơn ông Khang. Cầu thủ số 7 đã rất dẻo, đi bóng sút bóng rất chuẩn xác và đặc biệt có cú song phi móc bóng rất nghệ sỹ. Sau trận đó con nít Quỳnh Đôi toàn vẽ lên áo lồng số 7 hay lấy giấy cắt số lấy bún làm hồ dán lên áo. Bọn tôi xuống nhà Long Thức nhờ anh lấy bút chì xanh đỏ vẽ số đi bắt dam cũng mặc khệnh khạng lắm.

Thưa các bạn! Trận đấu bắt đầu. Đội Quỳnh Đôi bảo vệ khung thành phía lò gạch. Tiến Thủy bảo vệ khung thành ở phía nhà trường… Đứng trong khung thành là Văn Khang mang áo không số, số 2 Văn Ngụ số ba… Văn Võ… Hai đội quần thảo nhau một hồi với thế trận giằng co. Khán giả hai bên rất căng thẳng hồi hộp vì trận đấu diễn ra rất nhanh. Tiến Thủy cầm nhiều bóng, tổ chức tấn công rất nguy hiểm về phía khung thành Quỳnh Đôi. Những cú sút, những pha qua người làm thắt rọt khán giả nhà. Đã hơn hai phần ba trận đấu trôi qua, từ giữa sân Văn Kỷ có một đường chuyền điểm rơi như dọn cỗ cho Văn Luyện. Văn Luyện ở vào thế không người kèm… Văn Luyện đi bóng làm động tác giả qua cầu thủ số 5, cách thủ môn Lượng khoảng ba mét Văn Luyện… anh làm gì… anh nghiến răng. Sút… Vào! Không vào… Tưởng như bóng đã nằm gọn dưới rọng sau cầu môn nhưng không… bóng bay thẳng vào giữa mặt cu Lượng, cu Lượng nổ đóm đóm mắt bổ xuống, mất phương hướng quay quay như gà ăn phải bọ xít… anh loạng choạng đứng dậy… Trời ơi! Không thể tin nổi. Bọn trẻ ôm mặt kêu lên.

Khép lại trận cầu, vạn sự khởi đầu nan, làng Quỳnh không thể vượt qua Tiến Thủy nhưng cũng đã để lại dấu ấn và trên là hết lối đá sệt, đan lát bật tường chọc khe của Quỳnh Đôi cũng đã dần định hình. Tiến Thủy ra về vỗ ngực… Bây có Cu Khang, Nam chắt Anh cũng không mần chi được choa, thôi hẹn sang năm.

Trong bóng đá thời sơ khai cũng như thời hiện đại luôn có những đội bóng kỵ dơ nhau và những trận đờ bi vùng kinh điển. Quỳnh Đôi gặp Quỳnh Thanh, khi gặp nhau luôn để lại những trận cầu kịch tính, giàu cảm xúc với những tình huống vui nhộn, có. Ấm ức, có. Cả trong sân và ngoài đường biên. Rất nhiều lần gặp nhau nhưng chưa bao giờ Quỳnh Đôi thắng, chỉ hòa hoặc thua với tỷ số sát nút.

Có lần Quỳnh Đôi đang cầm hòa 0-0 thì ngoài sân nhốn nháo… Bố Đoàn đi thả trúm đã về đến nơi, Quỳnh Thanh xin thay người, cầu thủ ra sân cởi áo cho bố đoàn mặc vào. Sôchôi Cốp đầu húi cua nhìn rất hầm hố của Quỳnh Thanh vào sân. Quỳnh Thanh với triết lý… chiến thuật là không có chiến thuật gì cả, có bố Đoàn như hổ được chắp thêm cánh đá máu hẳn lên, toàn bằm, chơi bóng sống. Tốc độ trận đấu được đẩy lên rất nhanh. Họ áp dụng trường phái bóng đá Ăng Lê, tạt cánh đánh đầu cực kỳ hiệu quả, Quỳnh Đôi túm tụm co về phòng ngự… và cuối cùng cái gì đến cũng phải đến. Từ một quả tạt bổng từ phía Tương rắn, bố Đoàn nhảy lên bản năng săn bàn như Rô nan đô, tét đậu cấy cộc mở tỷ số. Điều gì đang xảy ra? Khán giả Quỳnh Đôi chết lặng. Sau khi có bàn thắng Quỳnh Thanh rút về phòng ngự đổ bê tông, dựng xe Bís hai tầng, bóng sang sân là phá ra ngoài, thời gian cạn dần trong sự xót rọt của cầu thủ và khán giả làng Quỳnh. Mỗi lần bóng bị phá ra anh em phải lội xuống rọng mà tìm. Trọng tài có bù thêm như bây giờ đâu. Càng về cuối trận Quỳnh Thanh càng tiểu xảo câu giờ một cách lộ liễu… Tức như bò đá.

Thời đó Quỳnh Đôi nổi tiếng như Béc xê lô na bây giờ, gặp đội nào hầu như cũng thắng, thắng đẹp. Gặp Sơn Hải, Quỳnh Hưng, Trường Nguyễn Ái Quốc, Thiết giáp, Diễn Hạnh, Đô Thành… những nền bóng đá phát triển. Nhưng cũng có những lần thua tức tưởi. Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi  mãi… Thiết giáp, con cháu của Thể Công, cầu thủ là những anh lính trẻ được ăn no luyện tập khoa học, đi xe ô tô về đến đầu làng thấy cầu thủ toàn xuýt tiếng Bắc, giày tất cẩn thận tinh tươm, áo quần có số má thắt eo củ lạc, có Huấn luyện viên thổi còi khởi động. Nhìn oai, tác phong chuyên nghiệp. Ngoáy cổ chân cổ tay lắc đầu vặn cổ, chạy tại chỗ đập lòng ba người một. Nhìn đã đoán được kết quả, bọn trẻ con hồi hộp tim muốm bật ra khỏi lồng ngực. Chỉ mong đá sớm chứ không chờ kiểu ni không chịu nổi. Trận này các cố vấn đã nghiên cứu trước lối đá của Thiết giáp, họ đá kỹ thuật nhưng sức va chạm tranh chấp kém, chỉ cần kèm sát phá lối đá của họ là thành công năm mươi phần trăm. Lên sơ đồ chiến thuật giao nhiệm vụ cho từng vị trí chỉ đạo sát sao. Ba rưỡi trái bóng bắt đầu lăn, những chiến binh của làng Quỳnh giàu thể lực thừa kinh nghiệm, hàng hậu vệ kiên cường chống đỡ các đợt tấn công như vũ bão dồn dập như sóng biển của đối phương, hàng tiền vệ ta phải lùi sâu về sân nhà chỉ cắm mỗi Dũng Diệm ở trên… Sau một hồi áp đảo thấy không ăn thua, đội bạn đá chùng xuống Quỳnh Đôi cướp thời cơ băng lên. Từ cánh trái cu Trang dốc bóng gần đến hết đường biên ngang, tạt xoáy vào trung lộ, đội bạn phá bóng ra cu Dũng cướp được, cách khung thành khoảng mười mét. Dũng khống chế một nhịp sút veo một cái bằng má ngoài chân phải bóng đi sệt ghim vào góc xa… Một không… Mọi người nhảy lên sung sướng cảm xúc như vỡ òa, trong người đã thấy lâng lâng… Lòng tự ái bị tổn thương. Thua ai chứ không được thua Quỳnh Đôi. Như một mệnh lệnh, các cầu thủ Thiết giáp lại ào lên… gần cuối trận. Quỳnh đôi phản công, chú Cần dốc bóng, chuyền cho chú Ân, hậu vệ Thiết giáp lao ra cản phá, vụng về để bóng chạm tay. Tét một cái. Manh trong vòng cấm địa… Được giao nhiệm vụ, cu Dũng bình tĩnh bước lên. Khán giả tràn ra sân, (đố ai mà đuổi được mỗi khi đá mười một mét khán giả lại bu kín đứng sát cầu môn tạo thành một góc nhọn đỉnh hướng về người đá). Một…. hai… ba tiếng còi cất lên. Dũng lấy đà sút về phía bên trái cầu môn bóng nằm gọn trong… tay khán giả.. vì họ đứng sau gôn luôn. Oa trời…! Cả sân vận động nhảy lên hò reo sung sướng… Hai không!

Ngày ấy trước mối trận đấu chuẩn bị cho ngày lễ ngày tết, hay các giải do huyện tổ chức cả làng cả xã náo nức chuẩn bị, tranh thủ công việc đồng áng về sớm, nhà trường cho học sinh nghỉ học, vì không nghỉ thì bọn chúng cũng trốn. Hơn nữa ồn ào thế ai mà dạy được. Nếu đá với các xã ven biển bãi ngang, 12 giờ đã háo hức chờ đợi, khi thấy có đoàn người từ phía sông Tùng Tuế đi lên là mừng líu lưỡi đi  rồi. Không may đoàn đó đến gần là mấy ông Thượng Yên lên trại thì lại ỉu xìu… không biết hấn có lên không hề. Chờ mãi khi thấy đoàn người có thằng mặc áo số trước ghi đông xe đạp treo quả bóng thì thôi rồi chạy theo cả đoàn hò reo, lên sân vận động luôn, túm bu xoay xung quanh xem họ khởi động đá thử. Thỉnh thoảng họ đá ra ngoài tranh nhau chạy cướp lấy trái bóng để đá bổng cái cho nó sướng. Nhiều anh thì chân đang đi dép cũng để bóng vào vạch 16m50, lấy đà sút cấy cho thích văng luôn cả dép. Có những lần họ nhận lời nhưng vì lý do gì đó khi thì biển động khi thì không gom đủ quân, bốn năm giờ chiều mới cho lâu la lên cấp báo chí nguy… Hoạn..! Khán giả Quỳnh Đôi cay cú chửi… đấm phát chết cha mi giừ, hẹn rứa mà cũng hẹn… Ấm ức, thất vọng đến vô cùng lại phải làm trận chữa cháy, ở nhà đá với đi xa.

Vào thời điểm trước trận đấu, cầu thủ, ban huấn luyện các quân sư nhà tài trợ tập trung ở nhà ông Khang, làm nồi cháo lươn cấy đạ. Sau đó họp bàn đấu pháp, lên sơ đồ chiến thuật, góp ý, thay đổi vị trí, ai đá trước, ai vào sau. Ông Diệm lấy phấn vẽ sân lên cánh cửa, điền các vị trí, dặn dò cầu thủ. Người lớn con nít bu xung quanh, hồ hởi. Cái cảm giác nó quan trọng nó tự hào làm sao khi được đến gần các cầu thủ nhìn lên một cách ngưỡng mộ để bình luận thế này thế kia… Cúc Đại phát chanh dầm muối, o Thân phát xê, lấy thuốc bóp xoa vội cho cu Năm đang trặc chân vỗ về động viên, nhìn mà muốn khóc.

Những lần đá giao hữu đá giải ở xa, anh em khán giả làng Quỳnh đi xe đạp. Trẻ con chạy theo sợ Khù Đông, Đồng Bạch đập, nghít đi không thở được. Đói khát tiền bạc không có, vẫn một niềm đam mê cháy bỏng. Có những trận đấu đội bạn đón tiếp không chu đáo, ông Nhân ông Diệm phải vào dân bên đường mua gạo nấu nhường cho anh em cầu thủ ăn chiều có sức mà đá. Ôi tinh thần thể thao cao thượng, một tình cảm thân thương như những người lính chia sẻ trước những trận công đồn.

Tôi là thằng không có đóng góp gì cho quê hương kể cả về bóng đá.  Mảnh đất đã sinh ra tôi, nuôi nấng tôi thành người. Tôi chỉ là một gã khán giả yêu bóng đá làng Quỳnh đến cực đoan mê muội. Để khi xa quê với những lần “trở về vội vã rồi vội vã ra đi”. Tôi thường lẩn thẩn loanh quanh để tìm lại nơi ngồi xem của mình và mấy thằng bạn ngày xưa… Ký ức ùa về, vang vọng đâu đây tiếng hò reo trên sân là những gương mặt thân quen của cầu thủ, khán giả làng. Có cả những khuôn mặt rạng ngời của những người đã mất những người một thời gắn bó với bóng đá quê hương.

 Sân bóng không một bóng người, vài con trâu ung dung gặm cỏ, mấy con chó chạy lăng xăng. Chiều xuống vội vàng, tôi cất bước nặng nề, một nỗi buồn tràn ngập dâng lên./.

                            Pleiku tháng 2/2017                    


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66024523

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July