Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Truyện ngắn Nguyễn Đắc Như: ĐỒNG VỌNG MÙA XUÂN Truyện ngắn Nguyễn Đắc Như: ĐỒNG VỌNG MÙA XUÂN , Người xứ Nghệ Kiev
 

Kết quả hình ảnh cho mùa xuân

Ảnh minh họa Internet

Làm xong công việc tiêm và phát thuốc cho bệnh nhân các phòng, Xuân ghé qua phòng Y vụ. Ở đây lúc này cũng đã vãn việc, chỉ có chị Tính đang ngồi viết ở bàn. Xuân hỏi vọng từ ngoài cửa:
- Hết bệnh nhân rồi chị?
- Xuân đấy à? Cũng vừa xong được một lúc. Có rỗi vào uống nước?
- Em cũng vừa xong việc.
- Kéo ghế mà ngồi. Có trà A ti sô trong bình chị vừa pha đấy.
Hai tay Xuân lăn đi lăn lại chén trà trong lòng bàn tay như muốn nhận vào mình tất cả cái hơi nóng hôi hổi trong một buổi sáng se lạnh như sáng nay. Chị Tính vẫn ngồi hí hoáy viết. Xuân hớp một ngụm trà ấm ngọt, rụt rè:
- Bệnh nhân Đinh Văn Mùi chẳng biết rồi có sao không, chứ ói ra chừng ấy máu, em thấy tội quá chị à!
Chị Tính dừng bút gỡ kính đặt xuống cuốn sổ cái mở rộng choán nửa mặt bàn:
- Ờ mà tội thiệt là tội, bệnh đã thập tử nhất sinh gia đình thân thuộc cha mẹ vợ con lại chẳng có một ai. Đến ký cam kết mổ cũng lại mấy người bạn hàng xóm!
- Chắc ảnh quê xa lắm nên người nhà vô không kịp?
- Đúng là xa thiệt, tận ngoài Hải Phòng kia. Nhưng không phải là xa mà vì gia đình bị bom Mỹ không còn ai.
Một thoáng thảng thốt trên gương mặt cô gái trẻ:
- Chị nói sao, Hải Phòng có phải là cái hải cảng lớn nhất ngoài Bắc đó không chị Tư?
- Phải đó! Là thành phố cảng lớn nhất ngoải. Hồi chiến tranh bị Mỹ ném bom nhiều nhất. Nhà anh Mùi đêm đó bị một trái ném trúng, gia đình bố mẹ và các em bị chết cả. Chỉ còn ảnh khi đó đang lái xe ở Trường Sơn là thoát nạn.
Thở dài im lặng hồi lâu chị lại tiếp:
- Tưởng vậy mà nào có thoát! Trường Sơn khi đó cũng là túi bom, bộ đội Trường Sơn có mấy ai không dính. Anh Mùi mấy chục năm trời mấy miểng bom nằm trong phổi tưởng là yên, nay chúng giở mặt quậy phá trở lại.
Giọng Xuân đượm vẻ xót xa:
- Liệu chừng có qua khỏi được không chị Tư? Mà sao chị biết gia cảnh ảnh kỹ vậy?
- Thì anh Tố hàng xóm khi đưa ảnh nhập viện đã kể như vậy. Còn anh Mùi nay có qua được không, cái đó còn trông nhờ vào kíp mổ sáng nay, mà giờ này chắc xong rồi cũng nên.
Bên ngoài có tiếng người lao xao từ khu giải phẫu vọng lại. Rồi trung tá Mạnh bác sĩ trưởng khoa tất tưởi đi qua cửa. Chị Tính vội níu lại hỏi thăm thì ông cho biết ca mổ đã xong, kết quả khả quan, nhưng bệnh nhân nhóm máu O không đủ máu tiếp, trong kho chỉ còn nửa lít đang truyền dở, gọi điện các bệnh viện gần đều không còn, tình hình khá là nguy cấp! Nghe chuyện Xuân rụt rè cắt ngang:
- Con nhóm máu O nè chú Tám!
- Máu O thì sao?
- Con xin được hiến máu tiếp cho bệnh nhân Mùi.
- Một ngày quân y viện đây mổ cho bao nhiêu người cô có tiếp cho hết được không?
- Thưa chú đây là trường hợp đặc biệt ạ.
- Đặc biệt! Họ hàng hay quen biết?
- Dạ không, gia đình ảnh không còn ai, con thấy tội quá chú Tám.
Trung tá nhìn Xuân bằng ánh mắt âu yếm pha chút hàm ơn nhưng vẫn không giấu đi cái vẻ khô khan vốn có thường nhật:
- Thôi được
*
Xuân mở nắp hộp thiếc cất kín trong đáy tủ, lấy ra chiếc túi có khóa kéo đựng những vật kỷ niệm của riêng mình. Khác với mọi khi cô thường giở ra ngắm nghía từng thứ một như muốn được sống lại những trang kỷ niệm cũ, ví như đôi bông tai bằng vàng mặt ngọc mẹ tặng khi cô được vào học trường Quân y, mẹ biểu đó là kỷ vật ngoại cho khi mẹ lấy chồng. Lần này cô lấy ngay ra cuốn sổ nhỏ bìa bọc ni lông màu xanh dương trong đó ghi tóm tắt những sự việc đặc biệt. Giở lướt nhanh những trang đầu. Đây rồi! “ Ngày… tháng… năm… Đầu năm học thứ hai, lên trường được hơn một tuần thì tía gửi điện kêu về gấp mẹ bị tai nạn giao thông. Chăm sóc mẹ nửa tháng ở viện thì người ta cho về. Sức khỏe mẹ ngày một sa sút, được mấy hôm mẹ biểu tía lấy ra một tờ giấy nhỏ ép ni lông hai mặt, tờ giấy nhàu nát nhiều vết gấp đã ngả màu vàng ố. Mẹ biểu đọc để nhớ lấy. Tờ giấy ghi bằng bút chì mấy nét nguệch ngoạc đã mờ, soi mãi mới đọc thành câu: Đinh Văn Mùi lái xe 559 Trường Sơn. Tất cả chỉ có thế! ”.
Cầm tờ giấy ép trên tay, Xuân khắc khoải nhớ lại câu chuyện mẹ kể hôm ấy mà mẹ biểu đã giấu kín suốt mấy chục năm trời…
Năm 1972 hồi gia đình còn sinh sống trên vùng rừng núi Chư Prông – Gia Lai, một buổi chiều muộn mùa đông, trong lúc mẹ đang đi từ trên núi theo con đường hẻm quen thuộc trở về nhà thì bỗng nghe tiếng trẻ khóc từ dưới thung vọng lên. Mẹ vạch cây rừng nhẹ nhàng luồn tới. Tiếng khóc rõ dần, nghe ngằn ngặt nhưng yếu như tiếng thở. Một chiếc xe tải đỗ trên khoảng trống rừng thưa, cánh cửa xe mở toang. Tiếng trẻ khóc phát ra từ một bọc vải nhỏ nằm dưới đất. Quỳ bên cạnh là một người đàn ông đội nón cối quần áo màu rêu đang khuấy thìa trong một cái ca men. Người đàn ông cúi xuống nựng nựng mấy câu rồi múc từng thìa nước cho đứa nhỏ. Tiếng khóc tắt hẳn và thay vào đó là tiếng nuốt tóp tép. Nhìn hình dáng và cách ngụy trang chiếc xe tải, nghe cách nựng trẻ giọng Bắc và cách ăn mặc người đàn ông, mẹ đoán đây là quân Giải phóng chứ không phải thám báo Sài Gòn. Mẹ yên tâm tính chuyện đi tới hỏi thăm xem có giúp đỡ được việc gì cho họ? Trong lúc bước, chân mẹ vấp vào một hòn đá lăn phát ra tiếng động. Nhanh như cắt, người đàn ông quăng ca chụp ngay khẩu súng dưới chân rồi lao như bay vào gầm xe. Tiếng lên đạn rộp rộp nghe rợn tóc gáy. Từ trong bụi cây mẹ giơ hai tay kêu thất thanh: “Tôi đây chú bộ đội, tôi là dân đi làm rừng về đây!”. Rồi mẹ bước ra khỏi bụi cây hai tay vẫn giơ cao run run bước về phía trước. Tiếng quát từ gầm xe: “ Bà là ai, tới đây làm gì? ”. “ Tôi vô rừng đào củ mài qua đây thấy tiếng trẻ khóc, định tới xem có giúp được gì không thôi.”. Từ gầm xe bò ra, hóa ra không phải người đàn ông mà là một anh lính rất trẻ, trắng trẻo và trẻ măng như một cậu học sinh trung học. Đến lúc này tiếng trẻ khóc lại cất lên, xem ra còn lớn còn khỏe hơn lúc trước. Anh lính bảo mẹ bế giúp đứa nhỏ lên, còn mình thì nhặt cái ca rồi trèo lên xe lấy túi sữa bột và bình nước. Anh đổ sữa và nước vào ca khuấy đều rồi đưa mẹ nhờ bón cho đứa nhỏ. Hết ca sữa, có vẻ như đã no bụng, đứa nhỏ ọ ọe mấy tiếng rồi nhắm mắt ngủ.
Ngay sau đó anh lính kể cho mẹ nghe câu chuyện của mình. Anh biểu đứa nhỏ này anh đã giải cứu được đêm hôm trước từ một đám ma trong khu rừng ở Sa Thầy Kon Tum. Theo phong tục địa phương nếu người mẹ chết khi đứa nhỏ còn đang kỳ bú sữa thì nó sẽ phải chôn theo người mẹ, mặc dù bố nó và mọi người ruột thịt không muốn. Cứu được đứa nhỏ, cũng nhờ có túi sữa bột mà nó đã sống trở lại. Anh có ý định mang theo nó cho tới khi đến một binh trạm gần nhất nhờ các chị ở đấy nuôi. Nhưng từ đây tới đó đường còn xa lại đạn bom nguy hiểm chẳng biết trước điều gì. Anh ngập ngừng không nói ra lời nhưng mẹ hiểu ý. Thật đúng là trời cho! Lấy chồng hơn chục năm rồi mà mẹ chưa có được đứa con nào. Mẹ biểu với hoàn cảnh này anh cứ để mẹ nuôi cho và hứa sẽ nuôi nó nên người. Anh lính trả lời được vậy thì anh yên tâm, rồi nhẩy lên xe lấy một thùng bánh lương khô, một túi sữa bột nguyên và cả túi dở dang đưa hết cho mẹ, dặn hàng ngày cho bé ăn nước cháo hòa với sữa này. Mẹ hỏi tên và địa chỉ của anh để còn tiện liên lạc sau này. Anh lấy bút chì viết ra một cuốn sổ nhỏ rồi xé tờ giấy đưa mẹ. Mẹ lại hỏi quê anh ở đâu? Anh nói tên gì mẹ không nhớ chỉ nhớ là một hải cảng lớn nhất ngoài Bắc. Mẹ cho biết tên và chỗ ở của mình, anh ghi tất cả vào sổ tay. Cuối cùng anh cúi xuống hôn nhẹ lên má đứa nhỏ đang say sưa ngủ và nói nhỏ, mau ăn chóng lớn nhé bé cưng, rồi vội vã lên xe đóng cửa lại nổ máy. Khi xe từ từ lăn bánh anh còn ngoái cổ ra chúc mẹ nuôi bé mau lớn thành người tốt. Như chợt nhớ ra điều gì anh cười cười hỏi không biết đứa nhỏ trai hay gái? Mẹ giở bọc ra xem rồi nói với theo xe, con gái nè anh Mùi!
Về nhà tía mừng lắm, cho đây là báu vật trời ban rồi đặt tên Huỳnh Thị Xuân. Tía biểu tuy mang họ tía nhưng tên lại là của trời, Xuân là khởi đầu của bốn mùa trời đất, của sự sinh sôi và những điều mong ước tốt đẹp.
Cũng từ đấy mẹ không bao giờ gặp lại được người lính ấy nữa! Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, gia đình chuyển về sinh sống ở quê nội Đak Lak. Xuân lớn lên trong tình yêu thương hết mực của tía của mẹ, cô luôn cảm thấy hạnh phúc đủ đầy mãn nguyện mà những bậc sinh thành dành hết cho mình. Cho đến khi điều bất hạnh ập đến gia đình, mẹ bị tai nạn xe cộ trong một chuyến đi thăm người quen ở Buôn Ma Thuột. Những ngày cuối cùng, biết mình không qua khỏi mẹ mới đem câu chuyện bí mật về người lính đã cứu sống Xuân kể lại cho cô nghe. Mẹ dặn đi dặn lại, tuy không sinh ra nhưng tía và mẹ mãi mãi yêu thương xót xa con như con đẻ của mình, nhưng thế nào thì con cũng hãy cố gắng tìm được người lính Đinh Văn Mùi để từ đó tìm về với cội nguồn của mình.
*
Bệnh nhân Mùi đã qua cơn nguy biến, anh được chuyển từ phòng Hậu phẫu về bệnh phòng điều trị tiếp. Sức khỏe anh hồi phục thật nhanh. Bác sĩ Mạnh trưởng khoa, vốn cũng là bác sĩ dã chiến Trường Sơn năm xưa, trong một lần thăm bệnh cho Mùi đã nói đùa với cánh bệnh nhân đều là quân nhân cùng phòng, cứ yên tâm vì lính Trường Sơn đến con ma cũng còn phải sợ chứ nói chi mấy cái bệnh vặt này!
Công việc hàng ngày của Xuân là phát thuốc và tiêm cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị. Như có chủ ý, cô luôn đẩy xe thuốc phục vụ hết các phòng mình phụ trách, cuối cùng mới quay về phòng của Mùi, và ở phòng này thì Mùi bao giờ cũng là người cuối cùng được săn sóc. Sau khi cho Mùi uống và tiêm thuốc, Xuân luôn tìm cách nán lại, khi thì hỏi han diễn biến sức khỏe, những lúc thuận tiện thì hỏi thăm về hoàn cảnh như ra quân khi nào, hiện nay sống ở đâu, làm công việc gì… Thấy cô y sĩ trẻ trung xinh đẹp thân mật cởi mở với mình, Mùi cũng mạnh dạn trò chuyện lại. Trong những câu chuyện giữa hai người dường như Xuân đều có ý lái về những vùng đất Tây Nguyên, nơi tuyến đường Trường Sơn năm xưa vắt ngang qua. Có lần Mùi tỏ vẻ ngạc nhiên cho rằng cô có vẻ biết nhiều về Tây Nguyên? Cô ý tứ trả lời cô sinh ra ở đấy. Vùng nào thế? Sa Thầy Kon Tum! Lại hỏi năm nào? Trả lời 1972! Nhận thấy sắc mặt của Mùi trở nên đăm chiêu, Xuân hỏi anh có quen biết ai vùng ấy? Anh trả lời không quen nhưng có biết một câu chuyện không thể nào quên. Nét mặt Xuân lúc này tỏ ra còn đăm chiêu hơn thế, cô nói nhỏ với anh khi nào tiện anh kể cho nghe được không?
Ở quân y viện đây, vào những buổi sáng khô ráo ấm áp sau giờ làm thuốc, người ta lại thấy các cô nhân viên y tế dìu từng bệnh nhân còn yếu ra ngồi sưởi nắng trên những chiếc ghế đá rải rác trong vườn hoa bệnh viện.
Sáng nay là một sáng mùa xuân đẹp trời, như một công việc tự nhiên, Xuân dẫn Mùi ra ngồi nghỉ trên một chiếc ghế ở góc vườn xa. Sau những câu chuyện thăm hỏi qua lại thường ngày, Xuân ngỏ ý muốn được Mùi kể cho nghe câu chuyện mà anh bảo là không thể nào quên về vùng đất cô đã sinh ra. Mùi im lặng hồi lâu, đôi mắt nhìn xa xăm về những rừng cây mờ xa như đang cố nhớ lại những gì đã xẩy ra cách nay tròn 23 năm. Rồi anh hạ thấp giọng như chỉ vừa đủ cho một mình Xuân nghe…
Một đêm hành quân ở Trường Sơn, xe của anh được sắp xếp đi giữa đội hình tiểu đội vận chuyển. Trời tối, đèn gầm chỉ đủ lờ mờ nhận ra khoảng mặt đường lồi lõm trước mặt chứ không thể nhận ra xe trước xe sau đồng đội. Sự liên lạc đội hình nhiều lúc chỉ còn là cảm giác, là thói quen cho xe lăn trên những cung đường quen thuộc. Thế rồi có một lúc anh bỗng linh cảm hình như khoảng cách giữa mình với các xe trước sau là quá xa nên quyết định tắt máy dừng lại quan sát. Cố lắng nghe xem có tiếng động cơ đoàn xe đồng đội, nhưng giữa đêm đen sương lạnh chỉ có tiếng rì rào rừng cây vọng lại. Năm phút, mười lăm phút, rồi nửa tiếng trôi qua, vẫn chỉ là một sự im lặng hoang hoải rừng khuya. Lạc đường mất rồi! Con đường anh đang đi có thể chỉ là một nhánh đường cũ đã bỏ mà trong một lúc sơ ý anh đã cho xe lạc vào? Trường Sơn thiên la địa võng là thế! Lúc này gió lạnh từ trong núi bỗng ào ào thổi tới. Trong tiếng gió thoảng nghe như có tiếng người. Anh lấy tay che tai hứng gió cố lắng nghe. Đúng là tiếng người, mà là nhiều người. Căng mắt nhìn anh còn nhận ra có những ánh lửa lập lòe. Anh rời xe khoác súng lần mò đi về hướng đó. Tiếng người rõ dần hòa vào đó còn có cả tiếng khóc!
Từ trong bụi cây nhìn sang, dưới ánh sáng rừng rực của hơn chục ngọn đuốc lồ ô hiện ra một cảnh tượng dị thường. Trong một túp lều tre có kê một cây gỗ tròn dài hơn thân người mà phần mặt trên được xẻ bằng phẳng. Trên chiếc bàn tre nhỏ kê cạnh cây gỗ có một bọc vải từ đấy phát ra tiếng khóc trẻ con. Một người già đóng khố áo dài sặc sỡ, đầu đội mũ kim tuyến óng ánh, ông ta sắp đặt đồ lễ rồi hướng dẫn khoảng chục người cả đàn ông đàn bà và trẻ con quỳ xuống xung quanh. Ông chia bó nhang nghi ngút khói ra hai tay bắt đầu múa những động tác vòng vèo, trong khi miệng lại hô to những câu dài ngắn trầm bổng như bắt quyết, như niệm thần chú. Hòa theo đó là tiếng rì rầm khấn vái của những người xung quanh và tiếng khóc khản dần đứa nhỏ trong bọc. Nghi lễ kết thúc, ông thầy cúng lấy ra một chai nước trong túi vải rót vào cái bát gỗ đưa cho một người đàn ông. Người này bế cái bọc lên múc nước trong bát bón cho đứa nhỏ, tiếng khóc nín bặt. Từ tay người đàn ông, cái bọc được chuyền lần lượt sang tay những người có mặt, cuối cùng là ông thầy cúng. Ông nâng bọc vải lên cao ba lần hú vang những tiếng kêu quái đản rồi đặt cả bọc vào trong lòng cây gỗ, hóa ra đó là một cây gỗ rỗng. Ngay lập tức hai người trai trẻ khênh một tấm ván tròn lưng đặt khít lên miệng cây gỗ. Những người khác thì lấy các sợi mây chẻ sẵn đánh đai hai đầu cây gỗ lại. Xong xuôi Ông già một tay bê bát nước, tay kia cầm một cành lá nhúng nước vẩy ra bốn phía. Tất cả mọi người rồng rắn bước theo ông ba vòng quanh cây gỗ. Ông lão thu xếp đồ lễ rồi cầm đuốc ra về. Những người khác lần lượt bước đi với cây đuốc của mình. Cuối cùng chỉ còn lại người đàn ông và một cô bé chừng mươi tuổi ngồi lại gục đầu bên cây gỗ.
Tiếng nổ tí tách hai ngọn đuốc lồ ô còn lại nhắc anh lính trẻ đây là câu chuyện thật đang diễn ra trước mắt mình, chứ không phải là chuyện cổ tích ma quái nào đó mà hồi nhỏ anh đã từng nghe. Nhìn căn lều, nhìn cây gỗ xẻ và nhớ lại những diễn biến câu chuyện, anh bàng hoàng hiểu rằng đây đích thị là nghi lễ đưa ma của dân tộc ít người vùng này, mà theo anh định vị phỏng đoán thì đây là vùng đất Sa Thầy tỉnh Kon Tum. Căn lều kia chính là ngôi nhà mồ, cây gỗ kia là chiếc quan tài, mà trong đó hẳn là thân xác của một người xấu số. Nhưng còn cái bọc có đứa nhỏ và những tiếng khóc ai oán, sao người ta lại đặt nó vào quan tài? Anh bỗng rùng mình khi nghĩ tới những phong tục hoang dã lạ lùng của những tộc người thiểu số rừng sâu núi thẳm, mà đôi khi anh được nghe lại từ đồng đội, những con người quả cảm, mạnh mẽ tung hoành ngang dọc khắp chốn Trường Sơn.
Chiếc quan tài nhập nhoạng ánh đuốc với hình ảnh đứa trẻ nằm trong đó khiến lòng dạ anh bồn chồn sôi sục, không nghĩ gì tới mọi bất trắc có thể xẩy ra, anh xốc lại quai súng mạnh bạo bước tới.
Người đàn ông giật mình vơ con dao quắm đứng phắt dậy. Ông ta lùi lại thế thủ và quát to những tiếng lạ tai. Anh lính bình tĩnh nói:
- Đừng sợ! Tao là bộ đội đây.
Giọng nói người đàn ông hạ thấp lơ lớ tiếng Kinh:
- Bộ đội à?
- Phải rồi, bộ đội Cụ Hồ đây!
- Cụ Hồ à? Thế là tốt! Mày muốn gì?
- Tao đi nhầm đường thấy lửa sáng đến hỏi thăm thôi.
- Đi đâu?
- Ra đường xe chạy.
- Phía này là vực sâu hết đường, quay lại là đường xe chạy!
- Xa không?
- Đi chân cháy hết hai cái đuốc lồ ô này!
Anh lính nhẩm tính, như thế là cả chục cây số đường rừng quay lại giữa đêm. Không khéo lại lạc lần nữa thì chết dở. Bụng bảo dạ có khi phải quay lại xe ngủ qua đêm ở đây mất thôi! Nhưng hình ảnh đứa nhỏ trong quan tài lại thôi thúc lòng anh. Anh tìm lời gợi ý người đàn ông:
- Đêm khuya hai bố con ở đây làm gì?
Người đàn ông đau khổ chỉ cỗ quan tài:
- Vợ tao chết nằm kia.
Anh sốt ruột khi biết rằng thời gian sống cho đứa nhỏ không còn nhiều:
- Tao còn thấy người ta cho đứa nhỏ vào trong, nó còn khóc mà?
Nước mắt chẩy ra từ hai mắt người đàn ông:
- Đúng rồi! Nó còn đang bú mẹ nó, mẹ nó chết thành con ma thì nó cũng phải chết theo để thành con ma, Giàng bảo thế mà!
Nhìn những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt khắc khổ, người lính thấu hiểu tấm lòng người đàn ông mất vợ nay lại phải chôn theo đứa con còn sống, anh mạnh bạo hỏi:
- Mày không thương đứa nhỏ à?
Người đàn ông nấc lên:
- Tao thương lắm, không muốn nó làm con ma, muốn nó làm người cho chị nó trông coi. Nhưng không được đâu. Để nó sống nó vẫn là ma bắt cả làng đi thì tao có tội với Giàng. Không được đâu mà!
Anh lính hạ giọng thật tình cảm:
- Tao cũng thương nó lắm và muốn nó sống làm người nên mày cho tao mang nó đi theo bộ đội, bộ đội nuôi nó sống thành người tốt sau này mà.
- Tao không làm thế đâu. Giàng giết tao, giết cả nhà tao.
- Không ai biết cả, chỉ tao, mày và chị nó biết, không nói với ai thì không ai biết được.
Người đàn ông cúi xuống nói nhỏ với cô con gái bằng thứ tiếng dân tộc mình. Cô bé nước mắt đầm đìa nhoẻn nụ cười và gật nhẹ. Nhưng người đàn ông vẫn tỏ vẻ ngập ngừng:
- Tao sợ Giàng lắm, cái gì Giàng cũng biết, mày đi đi!
Anh lính tỏ thái độ kiên quyết hơn bao giờ hết:
- Mau lên! Tháo đai mây ra không nó chết ngạt mất. Không sợ gì cả, có bộ đội đây rồi!
Vừa nói anh vừa đẩy người cha đau khổ về phía quan tài. Chỉ một loáng nắp quan tài được khênh ra. Anh lính bê bọc vải lên ghé vào tai nghe ngóng rồi reo lên khe khẽ:
- Vẫn còn sống!

Nước mắt Xuân chẩy giàn giụa trên khuôn mặt, cô cầm tay Mùi khẽ nói:
- Anh Mùi đừng kể nữa em biết rồi mà!
Mùi tỏ vẻ khó hiểu:
- Cô biết gì?
Xuân im lặng từ từ rút trong túi áo blu đưa cho Mùi một tờ giấy ép ni lông:
- Anh Mùi có biết tờ giấy này không?
Cầm tờ giấy ép trong tay, Mùi xoay ngang xoay dọc để cố nhận cho ra những dòng chữ mờ nhạt. Khuôn mặt anh đang từ sắc trắng xanh dần chuyển sang màu hồng tía:
- Sao cô có tờ giấy này?
- Mẹ em đưa.
Mùi tỏ ra ngạc nhiên đến mức mất bình tĩnh:
- Sau khi cứu được đứa nhỏ, ngay ngày hôm sau tôi viết giấy này rồi trao đứa nhỏ cho một người phụ nữ ở giữa rừng Gia Lai!
Xuân khóc nấc lên:
- Người ấy là mẹ em!
- Thế còn đứa nhỏ?
Tiếng khóc Xuân như đang cố kìm nén lại:
- Đứa nhỏ ấy là em!

Tiếng kẻng nghỉ trưa vang lên kết thúc một buổi sáng đẹp trời. Lúc này những vạt nắng ấm đã bò dần và phủ sáng cả một góc vườn nơi Xuân Mùi đang ngồi. Và xa xa, những vòm lá nõn biếc cây rừng nghiêng ngả trong gió ấm như đang reo lên những âm thanh đồng vọng giao hòa của đất trời mùa xuân.
*
Trong một chuyến công tác qua Đak Lak, người viết truyện trên đã vô tình gặp được nhà doanh nghiệp trồng cà phê giỏi Đinh Văn Mùi trong một cuộc hội thảo thương mại. Gặp được đồng hương nghìn trùng xa cách giữa Tây Nguyên, anh vui vẻ mời người bạn mới về thăm trang trại của mình ở ngoại thành Buôn Ma Thuột. Và ở đấy người viết truyện đã được anh cùng người vợ xinh đẹp Huỳnh Thị Xuân kể cho nghe câu chuyện về số phận kỳ ảo đã se nên mối duyên tình của họ. Nay xin được sắp xếp và kể lại để các bạn cùng nghe.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66024124

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July