Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  TÂY TẠNG XA XÔI VÀ HUYỀN BÍ (Tiếp theo phần hai): Ở đây cửa Phật là không hẹp gì TÂY TẠNG XA XÔI VÀ HUYỀN BÍ (Tiếp theo phần hai): Ở đây cửa Phật là không hẹp gì , Người xứ Nghệ Kiev
 

Ở đây cửa Phật là không hẹp gì

Anh bạn tôi bên Đức nhắn tin sang cho tôi, “có duyên lắm mới đến được đất Phật, mấy chục năm mình muốn đến một lần mà chưa có dịp”, ngẫm lại thấy đúng khi tôi đã đặt chân lên được Tây Tạng. Nhưng tự biết cái duyên mình còn mỏng lắm, khi tình cờ trong một cuộc gặp gỡ với một lão niên người Việt lặn lội từ Mỹ, cho tôi hay, bà đã đến đây lần thứ… mười một; còn hai ông già người Mỹ cũng đã lên giải nghiệp tại đây lần thứ năm.

Vào dịp Đại lễ Phật, hàng ngàn phật tử từ khắp mọi miền xa xôi tìm đến Golog, Lasha. Họ phải đi bộ nhiều ngày đường, mang theo con cái, lều bạt và các vật dụng khác. Có những người đi bằng ô tô từ xa đến, nhìn cách ăn vận và phong cách thì biết họ là người Trung Quốc từ các tỉnh khác hoặc các thị trấn lân cận tìm về dự lễ. Những người Tây Tạng hành hương, họ tụm năm, tụm ba hoặc co cụm cả gia đình ở một bãi cỏ hay ở cạnh một góc nhà nào đấy cạnh đường, tối đến họ khoác áo ấm thường làm bằng lông cừu và trùm chăn qua đêm. Sức chịu đựng của họ thật lạ kỳ, dưới cái lạnh khi màn đêm buông thường -2, -3 độ, nhưng dường như họ không có cảm giác gì là lạnh, vẫn lặng lẽ cầu nguyện, đọc kinh.

 

Mỗi buổi tối, trước khi mặt trời lặn, hoặc buổi sáng khi mặt trời vừa lên, chúng tôi tự nguyện đi “nhiễu tháp”, tức là đi vòng quanh Bảo Tháp lớn nhất Golog từ ba đến chín vòng, vừa đi vừa đọc thần chú. Bảo Tháp bốn cạnh, mỗi cạnh có độ dài 80 mét, tức là có diện tích 640 m2, cao bằng một ngôi nhà ba chục tầng, nóc mạ vàng, bốn mặt có tượng Phật, vẽ một đôi mắt và một câu hỏi lớn. Không biết họa sĩ, nhà kiến trúc tạo dựng đôi mắt thế nào, nhưng bất cứ nhìn ở góc độ nào cũng có cảm tưởng đang dõi theo mình và có cái nhìn thấu gan ruột. Khi về Matxcơva, tìm trên youtube, tôi mói biết được, một bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng ở thành phố Upha, qua việc phân tích đôi mắt ở chùa Tây Tạng đã tìm ra phương pháp tạo mô từ mắt người đã chết để cấy cho những trường hợp bệnh nhân hỏng mắt.

Hàng trăm người dân Tây Tạng từ sáng đến đêm đều đi “nhiễu tháp”. Khác với chúng tôi, họ đi rất nhiều vòng, vừa đi vừa đọc kinh và quay kinh luân hình trụ đồng một cách thành kính. Những ống kinh luân bằng đồng đó được chép cả pho kinh phật, càng quay nhiều vòng, thì nhiều kinh tạng được thấm nhuần. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều người, đủ mọi lứa tuổi, có những em nhỏ dăm, bảy tuổi, đến những cụ già gầy yếu, thực hiện nghi thức “nhất bộ, nhất bái”. Họ mặc áo dày, hai đầu gối được bó nịt bằng vải, hai tay đi guốc gỗ bọc lông cừu, cứ mỗi bước, họ lại quỳ lạy, cả người phủ phục xuống nền đá lạnh, hai bàn tay hướng về phía trước. Cứ thế, họ vừa bái lạy, vừa bước, nhiều lần quanh tháp. Người ta cho rằng, càng đi được nhiều vòng thì càng giúp giải hết nghiệp chướng.

Suốt 12 ngày chúng tôi dự lễ Phật trong chùa. Chừng hai ngàn nhà sư từ 600 chùa Golog tụ về, có nhà sư đi một vài ngày, nhưng cũng có nhà sư đi tới năm ngày đường mới đến được Golog. Tại Golog, những du già có gia đình thì cuộc sống còn dễ chịu, còn tầng lớp tăng ni ở tập trung thì rất khổ, khả năng chu cấp của nhà chùa cho họ phụ thuộc vào tiền cúng dường của các Phật tử, chủ yếu đủ ăn và đủ quần áo bình thường. Họ ăn chay trường, rất đạm bạc, vì ở Tây Tạng không trồng được rau xanh; thực phẩm chay, hoa quả đều phải chở từ tỉnh Thanh Hải, nơi gần Tây Tạng nhất khoảng 700 km. Với sự thực dụng nhanh nhạy, các Phật tử Việt Nam mang tặng nhà chùa một chiếc máy đa chức năng làm đậu phụ bao gồm việc xay, lọc, đun nấu để nhà chùa sử dụng hiệu quả nguồn hạt đậu tương được cung cấp.

Bên trong các chùa ở Tây Tạng đều được trang trí lộng lẫy, các bức tượng Phật lớn mạ vàng, các bức tranh khổ lớn diễn tả phật tích và các bức chân dung Lạt ma trong quá khứ. Có hàng chục bình hoa lớn, nhưng đều là hoa nhựa, vì ở Tây Tạng không có hoa tươi, thảo mộc không mọc được.

Các trang phục các nhà sư đều màu nâu huyết dụ, một vai trần, nhưng tùy theo đẳng cấp thì buộc tuân thủ những màu sắc riêng và ăn vận khác nhau. Các nhà sư thường mang theo mình một túi vải, trong đó có kinh tạng, tràng hạt, ống kinh luân và chiếc bát ăn riêng; còn các nhà sư trẻ ngoài các vật dụng bất ly thân đó ra, còn có thêm một chiếc điện thoại đời mới. Một vài nhà sư còn mang theo những chiếc máy ảnh đa năng, có tele hiện đại, tác nghiệp rất có nghề.
Các nhà sư cao niên, những nhà sư trẻ đang học trong các tu viện và tu sĩ xuất gia được ngồi theo thứ bậc được xếp trước. Riêng nhóm người Việt và một số phật tử người Mỹ đã cao tuổi cũng được xếp ngồi chung trong gian đại sảnh cùng với các nhà sư đẳng cấp cao.

Từ 8 giờ sáng, hai ngàn sư sãi đã tụ tập đông đủ trong chùa, buổi lễ bắt đầu. Khi Đại Thiền sư Hungkar, nhà sư đứng đầu ở Golog bước vào, tất cả đều đúng dậy bái lễ. Các nhà sư đọc kinh và nghe giảng pháp bằng tiếng Tạng.

Buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều, bộ phận phục vụ trong chùa mang thức ăn đến phát tại chỗ cho các tín đồ dự lễ. Thức ăn khi thì cháo, sữa trâu Yak, hoặc cơm chay, mì; khi thì bánh bich quy Trung Quốc, mì tôm và nước uống. Những ngày đầu chưa quen, chúng tôi ăn uống khó khăn và mệt lả người, nhưng sau ba, bốn ngày, chúng tôi quen dần và thích nghi với các thực phẩm của họ. Nhưng việc ăn uống đạm bạc không đáng sợ bằng cảnh ngồi xếp bằng hàng năm sáu tiếng liên tục. Trong khi các nhà sư ngồi nghiêm trang theo tư thế kiết già, đọc kinh và niệm phật thành kính, thì chúng tôi hết duỗi chân nọ, chân kia, đổi các kiểu ngồi, đôi chân tê dại và vai lưng mỏi ê ẩm. Nhưng vì họ biết chúng tôi là khách, chưa trải nghiệm, nên không ai có ý kiến gì, ngoài những cái nhìn thông cảm.

Chương trình đại lễ rất đa dạng, người xướng lễ qua micro và giàn tăng âm lắp trong Hội trường và ngoài sân, đọc khởi đầu một bản kinh nghe hay như hát, sau đó cả dàn đồng thanh hai ngàn người tụng theo hàng giờ. Đầu giờ sáng, mỗi người được phát một quyển kinh, viết bằng chữ Tạng, chúng tôi chỉ nhận nhưng không đọc được, chỉ đọc chú bằng ngôn ngữ latinh hóa từng đoạn ngắn, còn lại là lắng nghe, bái lạy. Mỗi câu chú được đọc đi, đọc lại tới hai ngàn lần mới đạt được hết ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Thường một buổi vài ba lần, có các đoàn Phật tử từ các miền xa, hoặc đại diện các địa phương nằm trong vùng cai quản của đại thiền sư Hungkar mang quà đến cúng dường. Quà cúng dường là những chiếc khăn choàng đủ sắc màu của Tây Tạng, tượng Phật và tiền nhân dân tệ. Đại thiền sư tiếp nhận là làm lễ trì chú, choàng khăn cho các vị khách, số khăn và tiền còn lại, được phát cho tất cả những tín đồ dự lễ.

Trong khi đó, ở ngoài sân bãi, hàng ngàn người dân phủ phục nghe lời giảng pháp, tụng kinh, bất chấp mưa nắng và thời tiết thay đổi từng giờ. Trang phục của họ rất đa dạng, chủ yếu là áo choàng từ vải dày, đàn ông mặc quần rộng, hoặc quần Âu, còn phụ nữ thì mặc váy dài. Hành trang của họ cho vào một chiếc túi hoặc gói lại mang theo bên mình. Họ lặng lẽ, trên gương mặt xạm nắng khắc khổ nhưng thanh thản, biểu hiện sự nhẫn nhục và sùng kính vô biên đối với Đức Phật các vị Lạtma và các nhà sư. Ở họ vẫn ẩn chứa một sự bí hiểm và xa lạ, họ có một sức mạnh nội tâm rất lớn, được đúc kết từ tinh thần mộ đạo và sự thích nghi, chấp nhận nắng gió, hoàn cảnh khốc liệt của thiên nhiên Tây Tạng.

Trong khu nhà khách chúng tôi có một bác sĩ, hai người trực, đều là Lama, một chức hàm của người đã qua bậc giới tu ở Tây Tạng. Họ chăm chút chu tất đối với những người hành hương Việt Nam, luôn lo đủ nước nóng cho mọi người sinh hoạt, lo đủ thuốc, chủ yếu là thuốc chữa cao huyết áp, thuốc cảm gió cho bất cứ ai có dấu hiệu ngã bệnh. Là những bậc tu hành, thế nhưng khi chúng tôi đến, khi chúng tôi ra về, các Lama vẫn tự mình mang va li, đồ đạc cho mọi người ra xe.

Nhưng chu đáo với chúng tôi nhất vẫn là Đại Thiền sư Hungkar Dorje Rinpoche. Thầy là một bậc cao minh, dưới con mắt của các Phật tử, Thầy chỉ đứng sau đức Đạt lai Lạt ma, với sự thông tuệ và đức độ phi thường. Những Đạo sư Phật Giáo nổi tiếng như H.H. Orgyen Kusum Lingpa, H.H. Dodrupchen Rinpoche, H.H. Penor Rinpoche, và H.H. Dalai Lama xác nhận Hungkar Dorje Rinpoche là Hóa Thân của Do Khyentse Yeshe Dorje và hiện thân về tâm của Jigme Lingpa . Cuộc đời của Đại Thiền sư Hungkar Rinpoche từ thưở ấu thơ đến lúc trở thành bậc lãnh đạo tinh thần cao nhất của Golog là một con đường gian nan, đầy thử thách và trải nghiệm.
Lễ đăng quang của Thầy Hungkar Dorje Rinpoche được cử hành năm 1994 ở Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) dưới sự bảo trợ của dòng Nyingma, H.H. Đạt lai Lạt ma và những vị lãnh đạo cao cấp nhất của những dòng truyền thừa Phật Giáo khác. Trước đây, Golog là một vùng đất nghèo nàn, hiểm trở, không có mối quan hệ với lân bang. Từ sau ngày Thầy đăng quang, Golog dần dần được coi là miền thánh địa, đời sống nhân dân cải thiện rất nhiều. Đại Thiền sư Hungkar Dorje Rinpoche là một nhà sư có uy tín rất lớn, thường xuyên tìm được sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện quốc tế. Thầy dành số tiền đó xây dựng lại chùa chiền, trùng tu lại tượng Phật, làm đường điện, giao thông và giúp đỡ các nữ tu, tăng ni, tổ chức trường học cho con em ở Golog.

Khách thập phương từ muôn nơi đổ đến để được chiêm ngưỡng và tiếp thụ giáo lý của Thầy. Thầy Hungkar Dorje Rinpoche nói chuyện và giảng pháp chủ yếu bằng ba thứ tiếng nhuần nhuyễn như nhau: Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc và Tây Tạng.

Thầy đã đi giảng pháp ở nhiều nước: Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Nepan, Butan, Việt Nam…. Ở Việt Nam, Thầy được Ủy ban Phật giáo đón tiếp với nghi thức trọng thể và có rất nhiều phật tử quy y với Thầy.

Chúng tôi là những người được hưởng lộc duyên của các Phật tử Việt Nam ở Nga. Khi qua Nga hoằng pháp, Thầy được bà con tổ chức gặp gỡ chân tình; được Đại sứ Việt Nam tại Nga đón tiếp trang trọng, nên khi qua Golog, Thầy dành cho chúng tôi một sự quan tâm đặc biệt về chỗ ăn ở, dành cho buổi giảng pháp có người phiên dịch và làm lễ cầu an riêng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong khi chúng tôi ở Golog, Thầy được mời đi thỉnh giảng ở một địa hạt xa, Thầy tổ chức một buổi chia tay rất đầm ấm, ăn cơm chay với Thầy và trao tặng mỗi người một bức tượng Phật do Thầy trì chú.
Ở Tây Tạng, đến cả những Lama gặp được Thầy cũng không phải dễ dàng, huống hồ là các phật tử bình thường, nên mỗi lần được gặp Thầy Hungkar, chúng tôi đều coi đó là phước huệ lớn.

Tôi đã từng được gặp đức Đạt lai Lạt ma, đã từng tọa thiền cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thụ lễ với Hòa thượng Thích Như Điển, Hòa thượng Thích Thiền Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Phật giáo thế giới…và lần này được kiến ngộ với Đại Thiền sư Hungkar Dorje Rinpoche trên đất Phật, tôi cảm thấy mình thật may mắn.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 66027645

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July