Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Tình yêu Tổ quốc trong thơ viết về biên cương, biển đảo Tình yêu Tổ quốc trong thơ viết về biên cương, biển đảo , Người xứ Nghệ Kiev
 
Thứ Sáu, 25/11/2016
 

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang bên tượng đài "Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải" trên đảo Lý Sơn.

Yêu nước, thương dân là giá trị tư tưởng lớn nhất trong thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay. Điều này hiển hiện rõ qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, nhiều giông bão của đất nước. Thời gian qua, thơ về biên giới, biển đảo xuất hiện nhiều và có những tác phẩm lan tỏa nhanh trong công chúng. Có thể xem đấy cũng là những cột mốc thi ca khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Không chỉ nói về sự hy sinh anh dũng của người lính trẻ trong chiến đấu, thơ ca còn ghi nhận sự chịu đựng lặng lẽ đời thường của những chiến sĩ nơi biên cương heo hút trong thời bình; khi cuộc sống đó đây còn nhiều xô bồ, bất ổn: Những mùa đi thăm thẳm / Trong mung lung chiều tà / Có bao chàng trai trẻ / Cứ lặng thinh mà già… (Thơ Trần Đăng Khoa). Thơ bám riết vào cuộc sống, lấy phôi liệu từ hiện thực xã hội trong đó có hoàn cảnh của riêng mình để dựng nên cấu tứ, tìm tòi chọn lọc hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ trên nền xúc cảm chân thật, sâu sắc là xu hướng chung của nhiều tác giả. Có lẽ nhờ thế mà độ mặn của thi ca được tăng lên. Bắt gặp tâm trạng của một nhà thơ - người lính tình nguyện từng chiến đấu tại Cam-pu-chia: Chợt vang trầm những Âm pin, Pôi pét / Những Viêng vênh, Đăng rếch, Tà Sanh / Cơn đói vã trận sốt rừng nghiêng ngả / Đau đớn ấy ngoài em giờ còn ai biết nữa / Heo hắt bóng đêm tựa cửa dõi nhìn / Nước mắt cạn rồi em còn khóc / Những giọt buồn đọng trên tóc bạc dần đi… (Thơ Lê Mạnh Tuấn).

Tôi muốn nhấn mạnh tới mảng thơ viết về biển đảo sau năm 1975. Một mảng thơ, theo tôi, có nhiều tác động rộng rãi, sâu sắc tới công chúng. Thực ra, biển đảo Tổ quốc là đề tài không xa lạ với nhiều nhà thơ Việt Nam. Trước đây, một số nhà thơ nổi tiếng từng có những thi phẩm về biển đảo được chú ý như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận; Biển của Xuân Diệu; Sóng của Tế Hanh; Cồn Cỏ của Hải Bằng; Cô gái Bạch Long Vỹ của Xuân Thiêm… (trước năm 1975). Thuyền và biển và Sóng của Xuân Quỳnh; Trường ca Biển của Hữu Thỉnh; Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi ở đảo Thuyền Chài, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa; Buồm nâu biển biếc của Anh Ngọc… (sau năm 1975). Đáng chú ý, tình hình bất ổn trên Biển Đông vừa qua làm dấy lên những xúc cảm mạnh mẽ với người sáng tác. Nhiều bài thơ đã được ra đời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khích lệ lòng yêu nước nồng nàn. Có thể kể đến các bài thơ ít nhiều được bạn đọc chú ý như Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng; Mộ gió của Trịnh Công Lộc; Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến; Tổ quốc - cánh sóng của Huệ Triệu; Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh của Phan Hoàng; Gió nhà giàn của Nguyễn Quang Hưng; trường ca Người sau chân sóng của Lê Thị Mây; trường ca Tổ quốc - Đường chân trời của Nguyễn Trọng Văn; trường ca Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý; trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo; tập thơ Trường Sa ơi Trường Sa của Lưu Thị Bạch Liễu... Cái chung nhất của các thi phẩm viết về biển đảo là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn. Nếu tập hợp lại, ta sẽ có một bản trường ca yêu nước hoành tráng và sâu lắng. Mộ gió của Trịnh Công Lộc là một trong những bài thơ xúc động, ấn tượng nhất viết về Hoàng Sa và biển đảo của Tổ quốc; về những người lính canh giữ biển đảo đã không trở về: Mộ gió đây / đất thành xương cốt / cứ gọi lên là rõ hình hài… Mộ gió đấy, giăng từng hàng, từng lớp / vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi / à mộ gió / gió thổi hoài, thổi mãi / Thổi bùng lên / những ngọn sóng / ngang trời!

Tầm vóc biển đảo của Việt Nam được nâng lên đáng kể trong thơ ca, vừa bao la rộng lớn, vừa sâu thẳm dạt dào từ những hình ảnh mang tính biểu tượng rất cao: Buồm ơi buồm, người có thực hay chăng / Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự / Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ / Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên… Và: Hạnh phúc lớn lao ở cuối mỗi hành trình / Từng ngọn gió cũng ùa lên cặp bến / Dân tộc tôi khi tìm về với biển / Gặp cánh buồm căng bát ngát tự do… (Thơ Anh Ngọc). Hay: Theo cha ra biển mở buồm / mây bay như nhớ cội nguồn về non / hải trình không dấu chân mòn / ngàn năm ngực vạm vỡ còn mặn theo. / Lời ru mẹ mắc cheo leo / gừng cay đầu sóng muối neo lòng rừng / đói lòng ăn đọt lá mưng / gánh non sông giữ điệp trùng vẹn nguyên… (Thơ Nguyễn Hữu Quý). Hoặc: Nhặt lên hạt muối thưa rằng / Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương… (Thơ Nguyễn Trọng Tạo). Tình yêu lứa đôi cũng được lồng vào tình yêu biển đảo, tình yêu đất nước. Trong cái rất quen thuộc này ta vẫn nhận ra những lấp lánh nồng nàn của công cuộc giữ nước hôm nay: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên / Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng / Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng / Biển một bên và em một bên… (Thơ Trần Đăng Khoa).

Dù ở thời nào, thơ vẫn luôn cần đến công chúng rộng lớn, đông đảo để truyền cảm, chia sẻ. Muốn làm được điều đó, trước hết thơ phải có tư tưởng lớn, phải gắn bó với đất nước, nhân dân. Thơ mang trong mình tình cảm, tâm hồn dân tộc như lá cây cần có diệp lục để xanh tươi vậy. Tách rời những điều đó, thơ khó tìm được điểm tựa vững chãi để tồn tại. Dù chiến tranh hay hòa bình, thơ cũng phải có trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân; đó vừa là nghĩa vụ vừa là tình cảm của người cầm bút. Tuy nhiên, để chuyển tải được tư tưởng và nội dung lớn, thơ cần có chất lượng nghệ thuật cao. Và đó cũng là cái khó đạt tới nhất của quá trình sáng tác thơ, kể cả khi viết về biên cương, biển đảo trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng muôn vàn gian khó.

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn baonhandan.com.vn

http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31368602-tinh-yeu-to-quoc-trong-tho-viet-ve-bien-cuong-bien-dao.html


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 59794133

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July