Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Bút ký Kiều Minh Ngọc: SAU CƠN BÃO Bút ký Kiều Minh Ngọc: SAU CƠN BÃO , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Miền Trung - "Đòn gánh bão giông" lại thêm một lần hứng chịu thiên tai nghiệt ngã: Hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước hung dữ đục ngầu, có em bé được sinh ra trong mưa lũ nhờ sự hỗ trợ và cả sự hy sinh quên mình của mọi người, có lễ vu quy vẫn được tiến hành, có những đôi mắt thất thần của người và gia súc trước biển nước mênh mông, quân và dân nương vào nhau gồng mình chống chọi...

 

BBT đăng lại Bút ký của tác giả Kiều Minh Ngọc về một cơn bão năm 2013 - một phần rất nhỏ của những gian nan mà miền Trung luôn gồng gánh!!!

Ngày… tháng 10… tin tức bão lụt ở quê, đang tiếp tục nghe ngóng… Ông anh đồng hương nhận thông báo nghỉ hưu… vợ chồng tất bật chuẩn bị bữa cơm chia tay, làm vài  chén rượu để anh em hàn huyên…

               Mười tám giờ… nghe tiếng chuông điện thoại của vợ đổ liên hồi… bố nghe hộ mẹ cái… Đầu máy bên kia tiếng bà chị dâu ở quê thất thanh… thăng C nó bị điện giật chết rồi, chưa hết lời đã cúp máy, tôi ngồi bệt xuống nền nhà… vợ hỏi:  cái gì thế… Thằng C… chết rồi… há… làm sao… trời ơi…!

              Thủ trưởng cơ quan là người sốt sắng, tình nghĩa với gia đình bao năm, ông nghe mà tiếng cũng nghèn nghẹn... Không khéo trùng tang Ng… ơi! Nói xong điều xe đến đứng trước cửa nhà… Bữa cơm dang dở vội vàng… mười chín giờ ba mươi… chiếc xe cập rập lăn bánh, trời vẫn mưa… Xuyên đêm không nghỉ, hai giờ sáng… mấy con người trên xe đang vật vã trong bóng đêm. Trên đường chỉ có chiếc xe của mình lọt thỏm giữa núi rừng hoang vắng… Bỗng nghe tiếng chuông điện thoại. Mở máy... tiếng khóc, tiếng hét, gào lên tharm thiết... tiếng trống, tiếng chiêng, âm u nghe qua điện thoại như từ âm phủ vọng lên, rợn cả tóc gáy... Ở quê đang tiến hành khâm liệm, phát tang… Sợ vợ nghe được tôi vội vàng tắt máy... Năm ngoái đứa em út mới chết, để lại đứa con gái mười hai tuổi, bố nó ở Thanh Hóa cũng mất trước đó mấy năm vì căn bệnh hiểm nghèo… giờ lại  thằng em trai năm nay mới bốn mươi bảy tuổi… cha mẹ thì già… người đầu bạc tiễn người đầu xanh… đến gỗ đá cũng phải nôn nao.

              Gần sáng  qua vùng Lệ Thủy, Quảng Trạch Quảng Bình… Hai bên đường Hồ Chí Minh… sau cơn bão nhà cửa tốc mái, đổ sập, những cánh rừng tràm, rừng cao su, gãy gập chỏng chơ, dấu vết hoang tàn, loang loáng qua ánh đèn xe,  làng mạc hiện ra hai bên đường… xơ xác, thỉnh thoảng có tiếng xe máy của người đi làm, đi chợ sớm... lầm lũi… Mấy con bò chuồng sập, thả rông lang thang ngoài đường… Lòng người nặng trĩu..
         Tám giờ ba mươi ngày hôm sau, về đến đầu làng. Đường cái chạy dọc theo  con sông Ngàn Sâu đang cuồn cuộn chảy, nước đỏ bầm hung hãn. Làng xóm tiêu điều, cây cối phủ một lớp phù sa vàng sậm, mốc của mực nước cơn lũ dâng mấy ngày qua… Khoảng trăm nóc nhà xóm Nhân Giang lúp xúp dưới chân đồi, ban ngày mà vắng lạnh, nhiều ngôi nhà đã bỏ hoang từ mấy năm… họ đã  đi theo con cái đến vùng đất khác. Tiếng khóc nỉ non trong căn nhà dưới chân đồi giữa xóm… Nhà thằng em vợ… anh chị em nhào ra ôm nhau gào lên kể lể, tang thương…
            Vợ tôi thường hay kể thương thằng em nhất, ngày vợ tôi vào Nam, không có tiền tàu xe, một mình nó chặt củi cả tháng trời bán lấy tiền cho chị… Con trai mà một mình đứng giữa chợ trưa, tận Tân Ấp, Tuyên Hóa, Quảng Bình bán từng nửa chai chai mật mía… Quê nghèo, tính tình cần kiệm, dành dụm chắt bóp, không rượu, không thuốc, góp nhặt từng đồng… Bộ đội về, lấy vợ sinh con, rồi đi làm Công ty ở tít miền Nam, gặp thời khủng hoảng kinh tế... lương gì mà tháng chỉ vài triệu bạc, không đủ ăn mà vẫn phải bám... Về quê chẳng có việc gì làm… lại thêm chứng đau dạ dày hành hạ, thỉnh thoảng anh chị gọi điện động viên, hỗ trợ ít tiền chữa bệnh… nghe giọng buồn buồn, chuyện vợ con ở nhà cũng ngổn ngang tâm sự…
        Sau Tết về quê với mấy đồng dành dụm, tính hàn gắn đời sống vợ chồng, nghĩ mình đã có tuổi, không muốn tan đàn sẻ nghé nên cũng không cố chấp, miễn sao con cái đỡ bơ vơ..
         Căn nhà, lưng dựa vào chân đồi, phía bên kia là đập họ Võ… cha mẹ để lại, gọi là chút tài sản cho con… Ngày trước ông bà ở  là thế, cây cối xanh tươi, rào dậu cẩn thận, mùa nào thức nấy, rau xanh hành tỏi… từ xa nhìn vào đẹp như  tranh thủy mạc, giờ đây hoang phế, mấy cây bưởi giống Phúc Trạch chết đứng lá héo vàng, cỏ dại mọc lút vườn vào đến tận khoảng sân hẹp, rào dậu gãy đổ. Nhà cửa vườn tược tiêu điều, trống hơ trống hoác... Cỗ quan tài của thằng em được đặt giữa gian chính, bốn năm bà chị  ôm lấy  cào cấu… nức nở... Cha vợ tôi, ông đã tám lăm tuổi, mặc chiếc áo bộ đội bạc màu con rể gửi về  đã mấy năm… Đi đi lại lại, thỉnh thoảng lại nhặt cái gì đó… hành động như vô thức... Lâu lâu vào đứng tựa vách  nhìn về  phía  mấy cô con gái… Ông  bị điếc rất nặng, bị hỏng tai, do ngày xưa lặn xuống sông Ngàn Sâu xử lý móng trụ cầu treo… lặn sâu quá, đến chảy máu tai, rồi lãng tai dần. Một mắt bị hỏng do lợp nhà giúp anh em trong xóm, muốn nói gì tôi lại phải lấy bút giấy... Ông là người giàu nghị lực, cuộc đời  ông đã trải qua bao nhiêu gềnh thác, bao khổ đau mất mát… Những năm tháng chiến tranh, gánh vác việc làng việc xã… nhà cháy mấy lần… đàn con nheo nhóc, ở miền đất chó ắn đá gà ăn sỏi, gió Lào như lửa hắt… và nhiệt độ khi nào cũng cao nhất nước… Bàn chân ông bè ra bám vào đất quê hương, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, cặm cụi bươn chải nuôi đàn con khôn lớn… Sống nặng tình, nặng nghĩa với quê hương bè bạn… Tôi chắc chắn rằng, ông là người không bao giờ làm điều ác... Là người nhân hậu, hiểu biết, ham học hỏi, hết lòng vì mọi người… nhưng sao ông vẫn khổ... Mắt đã kém, ông đi như lao về phía trước... nỗi buồn và sự mát mát của người đã cô đặc, chìm sâu vào bên trong… Cứ đi đi lại lại, chẳng khi nào chịu ngồi. Ông nói nhỏ với tôi: không biết ai dạy mà hư quá, tay chỉ về phía mẹ con nhà H... đang nằm phủ phục trên tấm ván nhỏ bên quan tài… tôi biết ông khó khăn lắm khi nói với tôi về điều ấy... Thương quê hương, thương đứa em… thương cha mẹ, tôi nghẹn ngào không ngăn được những dòng nước mắt...
         Đêm về khuya, bà con cũng đã về gần hết. Làng xóm chìm trong giấc ngủ, chỉ còn lại  điệu dân ca Nghệ Tĩnh của Hồng Lựu, Xuân Năm, phát qua chiếc cassette cũ… ngâm nga kể về công cha nghĩa mẹ... "Cha mẹ ơ… thì đói rách, ơ cha mẹ nợ nần… ngày nuôi con khôn lớn…" nghe thảm thiết! Anh phụ trách loa đài cũng đã nằm co quắp ngủ trên tấm cánh cửa vừa mới tháo ra... Mấy bà chị gái chị dâu đã hai đêm thức trắng… sức lực còn đâu, lâu lâu lại hời lên mấy tiếng em ơi… tan vào hương khói màn đêm. Tôi hết đứng lại ngồi, ôm đầu, đi lại, thắp hương trong đêm u tịch não nề cho đến khi trời sáng.
          Hai giờ chiều… chuẩn bị đưa em lên rú… Ban lễ tang làm lễ truy điệu, đọc tiểu sử, làm các thủ tục cần thiết… Ông bác họ kiêm nghề thầy cúng, đầu đội khăn đóng, túi áo ngực lúc nào cũng có một cuốn sách chữ Hán, đã nhàu nhàu, khi cúng rút ra cũng lật trang, nhưng không đọc chữ nào trong sách, hơn nữa mắt ông kém thế, ánh sáng lại không có… mà ông có học chữ Hán bao giờ đâu… Cũng là chủ yếu làm cho thêm phần kinh điển, linh thiêng… cõi tâm linh mà... ông làm thầy đã hơn ba mươi năm… Thôi miễn là yên lòng người đã khuất. Những tiếng khóc, sự giằng xé lại càng dữ dội khi giờ phút chiếc quan tài được nhấc lên... Tôi đi lặng lẽ chậm chạp từng bước… từng bước suy ngẫm về cõi nhân gian… Con người ta là thế, đứng trước cái chết của một con người thường hay suy ngẫm. Đời người, như bóng câu qua cửa sổ… con người ta khi đã ngộ ra trần gian là cõi tạm… bao tranh giành, vật lộn… khi đồng tiền, vật chất trở thành vô nghĩa… Con đường lên rú, sau cơn bão nước cuốn trôi chảy thành rãnh, đá cục chỏng chơ… chiếc xe tang nghiêng ngả... Thôi! em nằm đấy… trên đất quê hương. Vậy là qua một kiếp người… có yêu thương có giận hờn, có đớn đau có chia ly mất mát.. Đành rằng là em yên phận nhưng những người ở lại, tan nát nỗi lòng, dằn vặt  đớn đau…
            Trong khó khăn hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau… như lời ca ví dặm. Bà con họ hàng, xóm giềng thân thân thích chùm xúm, sẻ chia mất mát… có thể mới hôm qua đây… có người còn cãi nhau về chuyện con gà con qué, đã quên ngay lao vào giúp đỡ, lo lắng như việc nhà..
             Trước ngày ra đi, như có điềm báo, thằng em đi đến từng nhà chia sớt những đồng tiền đẫm mồ hôi phải tằn tiện dành dụm bấy lâu cho người ốm đau già cả… hai giờ chiều còn chở mẹ đi ra bệnh xá… cú điện thoại cuối cùng, nhờ thằng bạn thời đi lính kiếm dùm cái sừng con cheo để làm thuốc dạ dày…
             Em đã mồ yên mả đẹp… Đội âm công và bà con về hết, chỉ còn lại những người thân thích. Giờ đây còn lại nấm đất… phía bên kia nghĩa trang mộ dì út ngọn cỏ chưa xanh… Các em nằm đó giữa đồi sim, cây dương xỉ… lá tràm xanh ngút, như buổi cày, buổi gặt về… thiếp ngủ ngàn thu… Lạy trời lạy đất cho linh hồn các em được siêu thoát, ở nơi cao xanh xa xôi nào đó… các em biết rằng mọi người vẫn luôn nhớ về các em… thay các em chăm sóc mẹ cha vẫn chia sớt đùm bọc những mảnh đời côi cút bé nhỏ, máu mủ của các em còn lại trên đời..
              Thằng con lớn đi làm ăn ở Sài Gòn, cha chết mấy ngày, mới nhận được tin mà không về được. Mới vào làm, nếu về mất việc... Đứa con gái mười ba tuổi rũ như tàu lá héo, mấy ngày tôi không thấy nó ăn uống gì, nằm lê lết bên quan tài cha… Đêm khuya vợ tôi đi sang phủ lên người nó tấm chăn, còn mình lại co ro… trời tháng mười đã bắt đầu trở lạnh… giận thì giận mà thương thì thương… sau này lớn lên con sẽ hiểu..
            Chiều xuống, ngột ngạt, trời âm u. Trên ti vi, cô dự báo thời tiết lại chỉ tay vào vùng đất cong… ngày mai cơn bão lại vào… mực nước sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt… Linh Cảm sắp lên báo động ba.
         Sau tang lễ, mẹ con nhà H… vì lý do sức khỏe… đồ đạc đã chuẩn bị trước, ì ạch cà nhắc khuân ra xe để chở về bên ngoại. Trước khi đi nó đến trước mặt tôi: dượng ơi! Cho cháu bắt chó con về bên ngoại… Cháu bắt thì bắt, dượng có nói gì đâu… Đứa cháu gái loay hoay tìm đàn chó… cứ phải bắt đi bằng được, lấy cái bao tải khoét một lỗ, bỏ hai con vào, lại thấy thiếu, lại chắt lưỡi chụt, chụt sợ bỏ chó lại không ai cho ăn… Vợ tôi quát: con kia! Người đây còn chả có ai cho ăn, mày đi lo cho chó… Quát là quát thế nhưng nghẹn ngào thương cháu. Máu mủ của người ta, đàn chó ba con thiếu một, nó không chịu đi cứ chui hết chỗ nọ chỗ kia chụt... chụt…t ìm kiếm... Nó còn dại lắm, đừng chấp trẻ con… mấy o mấy mự trách mà làm gì… ơ hay! Khi sống...
         Bóng cha già và mấy anh chị em đứng bên bờ sông… làng quê khuất dần sau kính xe. Thượng nguồn sông Ngàn Sâu lũ đang cuồn cuộn chảy…

         Trên đường trở vào Nam… cậu lái xe nói với tôi: may quá anh nhỉ, nếu chậm vài tiếng nữa thì trôi xe… May cái gì…? Những người ở lại là những người không may? nếu thế thì chúng ta đang chạy trốn... Trên ti vi cô thời tiết lại lấy tay chỉ vào đoạn cong trên bản đồ... đỉnh lũ tại Hòa Duyệt đã lên trên mức báo động… Thằng em cọc chèo điện theo… nước đã lên ngang ngực… đập họ Võ đang rò… con anh H… đi học về bị lũ cuốn trôi, mọi người không ai chịu sơ tán.

                                 Kiều Minh Ngọc, 2013


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 66027571

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July