Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 26/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  PGS.TS Đinh Trí Dũng ... CẢM NHẬN VỀ THƠ CẨM THẠCH PGS.TS Đinh Trí Dũng ... CẢM NHẬN VỀ THƠ CẨM THẠCH , Người xứ Nghệ Kiev
 

 • CẢM NHẬN VỀ THƠ CẨM THẠCH

                                           Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch

Trước khi đọc một số tập thơ Cẩm Thạch, tôi đã nghe khá nhiều bài hát của các nhạc sĩ phổ thơ chị. Có lẽ chị là nhà thơ Nghệ An có nhiều thơ được phổ nhạc nhất: 87 bài. Không phải ngẫu nhiên các nhạc sĩ lại tìm đến thơ chị. Có lẽ họ tìm thấy trong đó những cảm xúc hồn nhiên, chân thành, nhiều lời thơ đẹp và còn một lý do nữa: chị làm thơ nhiều, đề tài, thể loại đa dạng, nhiều bài được in trên các báo, các tuyển tập thơ trong và ngoài tỉnh. Điểm qua các bài thơ được phổ nhạc, cũng đã thấy sự phong phú của những chủ đề được chị quan tâm: viết về tình yêu, về các vùng đất đã đi qua, về trường lớp, về biên giới, hải đảo, về các liệt sĩ, về ngành giao thông, tòa án…

Viết được nhiều như thế, trước hết phải có sự từng trải và phải có nội lực của tâm hồn. Nếu nói thơ là tiếng nói của cảm xúc, của tiếng lòng nhà thơ thì thơ Cẩm Thạch là tiếng lòng hồn nhiên, dễ xúc động trước người, trước cảnh. Và những cảm xúc ấy tràn ra một cách chân thành, nồng đượm.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Cẩm Thạch xuất hiện dày đặc những từ “nhớ”, “thương”…

-Mỗi lần về với Thanh Oai

Mang theo nỗi nhớ  Nón người làng chuông

-Nhớ Hà Nội đông về

Cái rét đêm dài không ngủ

Dấu chân xưa còn đó

Tha thiết nhớ Cao Bằng

-Người ơi, nhớ về Nghi Xuân trăng lên

Để lòng em bồi hồi con sóng

Tha thiết đôi bờ thương nhớ người ơi.

-Thương Thúy Kiều lưu lạc

Dạt góc trời chân mây

Nghi Xuân ơi thương nhớ vô cùng

Ta thương nhau muối mặn cay gừng  

-Thương nhớ vơi đầy miền trắng hoa ban

 Điệu ca trù da diết nhớ thương

“Nhớ”, “thương” đã trở thành một ám ảnh thường trực trong thơ chị. Dường như ở nơi đâu đặt chân đến, người con gái xứ Nghệ cũng để lại nỗi nhớ, niềm thương: trong tỉnh thì có Vinh, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quế Phong, Đô Lương, Nghi Lộc…; ngoài tỉnh cũng có nhiều vùng đất: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Phòng…Nỗi nhớ của chị còn vấn vương trên những mái nhà sàn, dòng sông, mây chiều đỉnh núi, chợ đêm…của nước bạn Lào, Căm pu chia…Dường như chị thường có cảm xúc sâu đậm với những vùng đất ở đó có núi, rừng nguyên sơ, có cây xanh, bờ suối, cỏ hoa, có những con người miền núi sống hồn nhiên, mộc mạc (Mùa xuân biên cương, Vui hội miền Tây, Bản tình ca núi rừng, Về Quế Phong, Cao nguyên Đồng Văn…). Và với những vùng quê ấy, chị có những câu thơ sống động, dễ đi vào lòng người:

- Hoa Bạc Hà quyến rũ đàn ong

Mênh mông tím giữa đại ngàn hương cải

Hoa đại mạch đỏ ai sườn núi

Lắng bên sông Nho Quế rì rào

 (Cao nguyên Đồng Văn)

 Trăng nghiêng rơi bên suối

Hương dẻ thơm đôi bờ

Em thơ vui tới lớp

Tiếng sáo chờ người thương

 (Nhớ Cao Bằng)

 Cung đàn tính gọi người xa

 Ai về Mã Phục ai qua Tà Lùng

 Chiều buông tóc xõa bên sông

Tay ai gom núi xếp bằng trời cao

(Về nguồn)

 Tìm về cái nguyên sơ, tinh khiết là cảm xúc tự nhiên của con người. Nhưng với Cẩm Thạch, có lẽ còn là những trải nghiệm cá nhân, phù hợp với tố chất con người chị. Trước khi về công tác ở Vinh, chị đã có nhiều năm dạy học ở miền núi huyện Quỳ Châu, Nghệ An, đã gắn bó nhiều với những em học sinh dân tộc thiểu số nghèo khổ, chân chất. Chị còn nói được tiếng Thái, tiếng Lào, khi về công tác ở trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, chị là giáo viên dạy tiếng Việt cho các em học sinh người Lào.

 Ân tình, ân nghĩa cũng là một mạch cảm xúc sâu đậm trong thơ Cẩm Thạch. Chị có cả một tập thơ viết về Bác nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tình cảm chị dành cho Bác thật giản dị, thường trực: Khi đến những vùng đất Bác đã đi qua, chị lại bồi hồi nhớ về những ngày Bác gian nan tìm đường cứu nước; Khi hè về, trở lại Kim Liên, lại bồi hồi nhớ Bác; Khi đứng trước một mái trường mới xây, một nông trường mới mở, lại nhớ công ơn Bác. Chị nói đến một tượng đài của lòng dân:

Có một tượng đài không bằng đồng bằng đá

Không thạch cao không cả hoa cương

Nắng không vô, mưa không tới, nước không vương

Tượng đài ấy nằm trong lòng dân tộc.

(Tượng đài trong lòng dân)

 Chị cũng dành nhiều tình cảm, ân nghĩa cho những liệt sĩ Truông Bồn (với tập thơ Vầng trăng Truông Bồn), cho những người lính nơi biên cương, hải đảo xa xôi của Tổ quốc (Hoàng Sa – Trường Sa, Đảo Mắt xuân về, Xuân biên giới, Tự hào cảnh sát biển Việt Nam…). Có người nói thơ chị hay được phổ nhạc, được tặng nhiều giải thưởng là do thơ chị giàu tính thời sự, phản ánh kịp thời những vấn đề xã hội đang quan tâm.

 Khi nói đến “tính thời sự” của thơ, chắc có người sẽ e ngại. Thơ thường muốn vươn đến cái vĩnh cửu, muôn đời. Nhưng tôi nghĩ, nhà thơ sống giữa cuộc đời, họ còn có trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của chính mình. Tôi quý thơ Cẩm Thạch còn vì những cảm xúc công dân bộc lộ vừa tự nhiên, vừa chân thành trong thơ. Mà không chỉ chân thành trong thơ, tôi biết chị còn ra đảo, xuống tàu hải quân để làm clip, nhiều lần đến Truông  Bồn để thắp hương cho các liệt sĩ, nhiều lần tham gia các đoàn đến thăm và tặng quà các gia đình liệt sĩ, thanh niên xung phong... Cùng với cảm xúc gắn bó sâu nặng với quê hương, đất nước, với mái trường, với học sinh…,

Cẩm Thạch còn làm khá nhiều thơ tình (Biển của ngàn đời, Gửi cho anh, Dại khờ, Gió về đâu, Đừng giận người yêu em, Trái tim mùa hè…). Không có nhiều dằn vặt, đau đớn, sai lầm, khờ dại… như trong thơ của các nhà thơ nữ khác. Cũng có một chút buồn, chút hờn giận nhưng khá nhẹ nhàng. Những câu thơ chân thành, đằm thắm, thường là lời tâm tình, thủ thỉ gửi đến một “người anh” nào đó:

Sẽ có ngày anh hết yêu em?

Thời gian đi không bao giờ trở lại

Con sóng xanh bồi hồi thao thiết mãi

Gửi cho nhau trái tim mùa hè

(Trái tim mùa hè)

Về hình thức, thơ Cẩm Thạch khá đa dạng: thơ tự do, 8 chữ, 7 chữ, lục bát… Dường như cảm xúc đến là chị làm thơ, và cảm xúc ấy chọn hình thức cho thơ chị. Cảm xúc chân thành, hình ảnh thơ chân thật, lời thơ không cầu kỳ, uốn éo…là những mặt mạnh của thơ Cẩm Thạch. . Nhưng cũng vì thế, người ta còn bắt gặp một số bài thơ, chưa được dụng công nhiều về tứ thơ, câu thơ, chữ nghĩa……Mà thơ, nói như Chế Lan Viên, giống như một người đàn bà đẹp; mà cái đẹp của người đàn bà, đến với đôi mắt người đời có khi trước hết lại ở cách ăn mặc, dáng vẻ, hình thức bề ngoài.

 Vinh, tháng 4 năm 2016

 PGS.TS Đinh Trí Dũng


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60384787

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July