(Tựa cuốn:“ Những lá thư viết vội” của liệt sỹ Phạm Viết Huyền)
Lá thư đầu tiên anh gửi cho tôi đề ngày 17/11/1964 tại Mường Laoi. Trong bức thư ấy, anh có báo trước cho tôi biết: “Có lẽ cuối năm nay, anh sẽ gặp em ở Vinh đấy”. Tại sao lại gặp nhau ở Vinh chứ không phải ở Gay, làng Dương Xuân – nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn? Bởi vì từ năm 1963, tôi đã là sinh viên khóa 5 ngành Văn Sử trường Đại học Sư phạm Vinh. Quả thật cuối năm đó, tôi đã gặp anh ở Vinh trong bộ quân phục trông rất chững chạc. Anh tâm sự với tôi chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện yêu đương, chuyện học hành, chuyện phấn đấu, và cả chuyện chiến tranh nữa. Sợ tôi ngủ quên, thỉnh thoảng anh lại hỏi: “Có nghe nữa không đấy?”, tôi trả lời: “Có chứ ạ!”. Đêm ấy được ngủ bên anh, cùng với hơi thở của anh, tôi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc như tuổi ấu thơ được âu yếm trong vòng tay của mẹ. Rồi tôi ngủ thiếp đi cùng với giấc mơ đẹp. Còn anh thao thức vỗ về cho tôi ngủ. Tôi đâu ngờ đó là lần gặp cuối cùng của tôi và anh!
Tôi và anh đều sống xa nhà. Mỗi người theo đuổi con đường riêng của mình. Anh cầm súng đánh giặc cứu nước. Tôi cầm bút theo đuổi học tập để sau này góp phần xây dựng đất nước. Khi tôi có điều kiện về thăm nhà thì anh không về được. Lại có khi anh được nghỉ phép hoặc đi công tác ghé thăm gia đình lại vắng tôi. Tôi và anh cứ đuổi nhau như trò chơi trốn tìm. Trong lá thư đề ngày 20/6/1966, Anh viết: “Nhưng anh vẫn áy náy trong những ngày vui như hội lớn của gia đình mà lại vắng mặt em”. Vì thế anh em tôi chỉ có thể gặp nhau qua những lá thư viết vội. Muốn viết thư thì phải có tem, nhưng ở chiến trường đào đâu ra tem? Trong thư đề ngày: 17/6/1966, anh ghi thêm ở phần tái bút: “Nhớ gửi cho anh một ít tem, vấn đề tem rất chi là hiếm hoi”. Địa bàn hoạt động của anh là mặt trận phía Tây. Mỗi khi có xe hoặc có người về nước thì mới có điều kiện gửi thư cho người thân được. Vì thế có thư thì anh viết: “Em ơi, hôm nay nhân tiện có người bạn của anh về công tác ở Hà Nội, anh tranh thủ biên thư gửi cho em” (Thư đề ngày 28/1/1967 – lá thư cuối cùng anh gửi cho tôi) hoặc lá thư đề ngày: 17/11/1964, lá thư đầu tiên gửi cho tôi, anh lại viết: “Thời gian không cho phép, ô tô đã chuyển bánh, còi thúc dồn dập cho nên anh tạm dừng bút”. Đã thế, mỗi lần viết thư anh thường phân vân thư có đến được tay của tôi không. Là vì địa chỉ của tôi cũng không thật ổn định. Trước ngày 5/8/1964 trường đã dời đến địa điểm khác không còn ở Vinh nữa. Địa điểm sơ tán đầu tiên là ở Nghi Lộc, sau đó dời về Thanh Chương và kết thúc khóa học 3 năm trên đất Hà Trung Thanh Hóa. Đáng lẽ học xong ra trường công tác thì tôi lại học thêm năm thứ 4 trên đất Hưng Yên thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì vậy cái không bình thường của thời chiến tranh đã ảnh hưởng không ít đến việc giao lưu tình cảm bằng con đường thư tín. Không biết anh đã viết cho tôi bao nhiêu lá thư? Có thư nào bị thất lạc không? Nhưng từ tháng 11/1964 đến tháng 1/1967 tôi đã nhận được tất cả 7 lá thư của anh.
Từ khi đầu quân, mặc áo lính rời khỏi lũy tre làng, anh thanh niên nông thôn đã trở thành người chiến sỹ. Anh xa quê hương, gia đình, xông pha nơi trận mạc, vào sinh ra tử vì lý tưởng “Độc lập – Tự do” và anh đã ngã xuống trên đất nước bạn Lào, hiến dâng tuổi xuân, tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hài cốt của anh bây giờ ở đâu? Chưa tìm được! Anh thành người chiến sỹ vô danh, liệt sỹ vô danh. Tại nghĩa trang Việt Lào rất nhiều hài cốt liệt sỹ từ mặt trận phía Tây đã quy tập, nhưng vẫn chưa thấy tên anh. Nhiều lúc nhớ đến anh, tôi cứ nghĩ quẩn: “Giá chị Đô sinh cho Anh một đứa con? Trai hay gái gì cũng được thì quý biết bao”. Nhưng đã quá muộn. Khi tôi nghĩ thế thì anh đã ra đi từ lâu rồi. Chờ mãn tang anh, chị dâu tôi cũng đã đi lấy chồng. Tuy vậy mọi việc hiếu, hỷ, vui buồn của gia đình tôi, nếu chị không đến được thì con chị đến. Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại khóc nhiều hơn, nhớ đến anh nhiều hơn.Tại nghĩa địa họ tại xã Cẩm Sơn, chúng tôi có xây một ngôi mộ gió, khắc lên bia họ, tên anh và năm sinh, năm hy sinh. Di vật tạm thời thay cho hài cốt là chữ ký của anh cắt ra từ những bức thư mà tôi đã lưu giữ hàng chục năm nay. Chúng tôi nghĩ: thư là di sản tinh thần hết sức quý giá. Nó tuôn chảy những dòng tình cảm khi còn sống của anh, hội tụ linh hồn anh, hình ảnh của anh cũng hiện lên qua những ký tự thiêng liêng ấy. Anh đâu phải chỉ là con người của lý tưởng, dám xả thân vì lý tưởng. Anh còn là con người của đời thường từng sống giữa gia đình, quê hương. Với tôi, đó là người anh rất mực yêu thương. Xin trích một đoạn trong thư anh viết đề ngày 28/1/1967, lời nói cuối cùng của anh: “ Em ơi, anh em ta kể từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi lớn lên, anh em ta luôn đùm bọc với nhau, chua chát, ngọt bùi đều san sẻ cho nhau”
Tôi giữ những bức thư anh gửi cho tôi đã gần 40 năm nay. Tôi có thể mất đi những sách, vở, tài liệu quý hoặc những đồ dùng vật dụng khác, nhưng những lá thư ấy thì vẫn còn. Đó là báu vật của tôi và gia đình tôi. Tuy nhiên một vài lá thư đã bị nhòe, khó đọc. Tôi đã phải dùng đến kính lúp mới có thể sao chép lại những lá thư ấy một cách chính xác được. Tôi cũng đã chế bản vi tính để có thể lưu giữ báu vật ấy mãi mãi cho con cháu sau này.
Tôi nghĩ, đây là những lá thư viết vội của anh tôi, nhưng lại chính là “Những lá thư bất tử” của gia đình chúng tôi.
Đơn vị của anh: Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung doàn7, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Hòm thư 533740K. Đơn vị được phong tặng Anh hùng.
Vinh ngày 27/7/ 2003
|