Cây ở Trường Sa
Tới đảo Trường Sa
Ai đã từng đặt chân đến Trường Sa ít nhiều đều có ấn tượng với các loài cây sống ở đây. Chúng cũng đã xuất hiện trong những trang viết và khúc ca của văn nghệ sĩ ra thăm đảo, nhưng tôi vẫn muốn nói thêm về chúng, những loài cây độc đáo không thấy mọc ở đất liền.
Trên bãi vụn san hô trắng ven đảo Trường Sa, tôi đã mải mê ngắm những bụi cây bão táp mọc um tùm, cao lút đầu người. Đôi chỗ, bị gió biển thiêu đốt từ mùa trước, những cành bão táp héo khô, đâm lên trời lủa tủa như những dẻ xương trắng. Nhưng ở phần gốc teo tóp chưa khô hẳn, đã mọc lên những cụm lá mơn mởn xanh. Một màu xanh thật ngọt ngào, tươi mát. Ở những nơi bão táp mọc thành vùng tươi tốt, nếu để mắt vào những kẽ lá xanh mỡ màng như lụa, sẽ thấy lấm tấm những bông hoa trắng nhỏ năm cánh, tinh khiết và dịu dàng.
“Gió muối tàn bạo không giết nổi chúng. Cây bão táp là vậy, phủ xanh đảo, chắn sóng, chắn gió và che mắt kẻ thù” – thiếu tá Nguyễn Văn Quang, tham mưu trưởng của đảo Sinh Tồn, người đã ở quần đảo Trường Sa năm năm, nói với tôi như thế.
Scaevola taccada, với cái tên khoa học rất dễ thương, cây bão táp sống được cả trên đất núi lửa đầy đá, và ở Trường Sa, loài cây đã để lại trong tôi ấn tượng về một sức sống thật mãnh liệt tiềm tàng.
Như để minh chứng thêm về sức sống trong môi trường khí hậu khắc nghiệt, cây tra cũng có mặt ở nơi này, sóng đôi cùng bão táp. Khi sống trong khu nhà của lính và dọc đường băng đảo Trường Sa, cây tra nào cũng lực lưỡng, cường tráng, nhưng ở ven biển, gió muối độc ác đã biến nó thành khóm cây tiều tụy với cành khô nhiều đốt. Nhưng cây tra không chịu khuất phục. Ở gần gốc đã bật ra những lá non màu đỏ nâu, rừng rực như những giọt lửa. Lá tra khô ngả vàng, rụng xuống đất rồi vẫn cứng cáp, tưởng có thể dùng để cạo râu được, thật bướng bỉnh và can trường.
Bên bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây
Đặc sắc nhất vẫn là phong ba, loài cây chỉ nghe cái tên đã thấy kiêu hãnh và sang trọng. Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi đã yêu say đắm loài cây nom rất cổ quái này. Vỏ đen sì, nứt nẻ rạch những đường sắc sảo và đẹp như tranh vẽ, phong ba cuồn cuộn vươn tỏa tán rợp mênh mông, có cây ngả rạp xuống cát như một con trăn đang gồng mình trước bão. Ở ven đảo Trường Sa, tôi bắt gặp một cây phong ba kì lạ như thế. Thoạt nhìn, nó như một con rồng đen kịt từ biển bò lên, rúc đầu vào bụi bão táp và ngủ quên, từ triệu năm về trước. Bao mùa bão đi qua, nó phơi những cành khô quắt giữa trời xanh, xác xơ như hàng giá nến. Nhưng con rồng không chết. Trên phần thân già cỗi xù xì đã trổ ra những cụm lá mới, mặt phủ lông óng ánh bạc, nom như những đóa hoa xanh.
Điều đặc biệt là ở những thân phong ba đổ rạp, vươn ngang, lại đâm chồi và trổ rễ phụ cắm sâu vào cát, như bàn tay bấu giữ chặt lấy đảo, một li không bỏ, một tấc không rời. Vừa bám trụ, cố thủ đến kiệt cùng, vừa quyết liệt nảy nở, hồi sinh. Tôi chưa thấy cây nào đẹp và giàu ý nghĩa như thế.
Đó cũng chính là con người ở Trường Sa, là khí phách Trường Sa.
Văn hào Lev Tolstoy có kể lại trong một cuốn sách rằng, một lần đi trên cánh đồng, ông bắt gặp một cây tatacnhia (còn được dịch là cây ngưu bàng) xơ xác đang cố giành giật sự sinh tồn trên đất cằn khô. Hình ảnh ấy ám ảnh ông – nó gợi nhớ đến người anh hùng Khadji Murad, vị thủ lĩnh quả cảm miền Dagestan đã chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ quê hương. Và ông đã nảy ý viết truyện dài Khadji Murad.
Khi đi trên những bờ sỏi trắng có dây muống biển bò lan và những bụm cỏ vàng nâu như bờm ngựa dưới cái nắng hoang hoải của Trường Sa, tôi đã triền miên nghĩ về con người ở đây, nghĩ đến những liệt sĩ năm xưa đã quyết hi sinh đến người cuối cùng để bảo vệ đảo. Cây phong ba kiêu hùng gợi thêm cho tôi ý nghĩ ấy. Đệ nhất chịu hạn, chịu mặn, sống được trên cát sỏi san hô và quật cường trong bão tố, phong ba mang cốt cách của bậc đế vương giữa mọi loài cây xứ biển. Trong một cuốn sách, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy – người đã từng hai năm làm lính đảo – thật tinh tế khi nhận xét rằng, phong ba là cây mang tính biểu tượng cao.
Cũng trên quần đảo này, con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau, nương tựa vào nhau sâu sắc, bền chặt. Đảo Nam Yết rợp bóng dừa, đảo Trường Sa đẫm sắc tra, Song Tử Tây hùng vĩ dáng phong ba và Sinh Tồn nhỏ xinh được bọc trong màu xanh của mù u, phi lao, đa, bàng, bão táp. Dừa và tra là những loài giữ nước, cây bão táp dùng làm thuốc, lá phong ba chữa rắn cắn và lá bàng vuông thay thế lá dong cho lính gói bánh chưng khi Tết đến xuân về… Công cuộc xanh hóa Trường Sa không chỉ giúp điều hòa sinh thái môi trường mà còn ngọt hóa nguồn nước trên các đảo, làm cho các giếng nước lợ ngọt thêm. Trong buổi tối trên đảo Trường Sa – hòn đảo cuối cùng đoàn công tác ghé thăm, trước khi rời đảo ra tàu tôi đã kịp ngồi ít phút dưới tán cây bàng vuông với thượng tá Phạm Văn Hòa, chỉ huy trưởng của đảo. Anh đã nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp luôn là nhiệm vụ của chúng tôi. Môi trường ấy tạo cho con người ý thức phải soi mình vào thiên nhiên, hòa quyện với thiên nhiên, nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên để từ đó bản thân mình cũng có phong cách đẹp, nét sống đẹp. Ở trên đảo Trường Sa này, con người và thiên nhiên luôn hài hòa, tác động biện chứng với nhau”. Tôi thực sự ngạc nhiên và thú vị khi nghe anh nói. Xưa nay người ta chỉ lấy con người làm gương cho con người, không ai nói con người lấy thiên nhiên làm gương. Sự trân trọng vẻ đẹp, giá trị của thiên nhiên cùng ý thức sống hòa hợp với môi trường tự nhiên sâu sắc đến nhường ấy chỉ có được ở những tâm hồn thực sự tinh tế. Người cán bộ đã ở quần đảo Trường Sa bảy năm này hẳn là một con người am hiểu văn chương nghệ thuật, nhạy cảm và sâu lắng, tôi tin vậy, tiếc là cho đến lúc chia tay, do anh đang bận rộn, tôi chưa kịp khám phá điều này!
Thiên nhiên đẹp, ứng xử giữa con người với con người trên đảo cũng đẹp, nhân văn. Chỉ huy trưởng Phạm Văn Hòa cho biết: “Quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ ở đây có nét truyền thống của bộ đội kháng chiến ngày xưa. Rất hòa hợp, thương yêu, bao dung, độ lượng, tướng sĩ một lòng phụ tử, như trong Đại cáo bình Ngô và Hịch tướng sĩ vậy. Có lần một chiến sĩ phải mổ ruột thừa tại bệnh xá Trường Sa, chỉ huy đảo đã thức trắng đêm ở đó, lo lắng như mổ cho chính mình”.
Và điều ấy đã được minh chứng ngay khi con tàu của chúng tôi rời đảo. Gần như toàn bộ quân dân trên đảo đã ra đứng bên cầu cảng, tiễn chúng tôi và tiễn một đồng chí bác sĩ quân y hết thời hạn công tác tại đảo Trường Sa, theo tàu trở về đất liền. Cán bộ, chiến sĩ và dân đảo đứng thành ba, bốn hàng dài, rợp một màu áo trắng hải quân. Nhiều người cố rướn lên, nắm lấy tay anh bác sĩ đứng trên lan can tàu. Một chị đứng khóc nghẹn ngào. Tàu kéo còi. Trên tàu và dưới cảng, tất cả cùng hòa nhịp hát vang những ca khúc về biển đảo, tất cả cùng vẫy tay. Chỉ huy trưởng Phạm Văn Hòa đứng ở giữa, hàng đầu, anh vỗ tay và hát rất nhiệt tình. Nước mắt tôi ứa ra. Khi tàu đã chạy, hòn đảo xa dần, tôi ngoái lại vẫn thấy những hàng người đứng vẫy theo, màu áo trắng sáng lên trong đêm tối.
Và tấm lòng văn nghệ sĩ với biển đảo
Cùng đoàn văn công trên đảo Song Tử Tây
Đi thâm nhập thực tế tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 dịp này có mười hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, được cử tham gia theo kế hoạch của tổ chức Hội. Người nhiều tuổi nhất là nhà văn Lê Hoài Nam, từng là lính hải quân, và trẻ nhất là dịch giả Nguyễn Vũ Hưng (thế hệ cuối 8X, cũng là hội viên trẻ nhất của Hội hiện nay) đang du học, mới từ Pháp trở về. Ngoài món quà chung tặng cho lính đảo ở Trường Sa là những thùng sách, mỗi nhà văn nhà thơ tùy theo tài năng và sự nhạy bén của mình đã thể hiện tấm lòng với biển đảo theo một cách riêng. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai từ buổi đầu ra biển đã tình nguyện làm phụ bếp cho các anh lính thủy thủ trên tàu như một người chị ân cần, nhà thơ Bàng Ái Thơ khi lên đảo thì gần gũi như người mẹ với các chú tân binh. Còn Phạm Vân Anh, buổi sáng đặt chân lên đảo Song Tử Tây, thấy nàng xách theo một gói gì đó được bọc rất kĩ, tôi hỏi:
– Cái gì mà cứ giấu gia giấu giếm như hàng cấm vậy?
– Hạt rau đấy – Nàng cười ỏn ẻn – Em mang ra đảo cho lính trồng.
– Làm sao em biết trên đảo trồng được những loại rau gì?
– Cái anh ngốc này, mình phải tìm hiểu chứ. Rau muống, rau cải, đỗ, dưa chuột, mồng tơi… Em phải đến Công ti giống cây trồng Trung ương ở Lương Định Của đặt mua đấy. Em còn định xách theo một túi đất, nhưng đồ đạc lỉnh kỉnh quá, đành bỏ lại ở đất liền. Giờ thấy tiếc, giá như cố mang theo.
Khi biết Phạm Vân Anh đã bỏ tiền túi hơn hai triệu để mua 400 gói hạt rau, dự trù sẻ chia 50 gói cho mỗi đảo nổi, 20 gói cho mỗi đảo chìm, tôi nhìn nữ nhà thơ của lực lượng biên phòng với con mắt nể phục. Đúng là phụ nữ, dù là nhà thơ hay nhà gì vẫn cứ là phụ nữ, lúc nào họ cũng chu đáo, thiết thực hơn đàn ông rất nhiều!
Dường như trong suốt chuyến đi có một không khí gì đó, tạm gọi là không khí Trường Sa, đã tạo nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ trên tàu sáng tác “dữ dội” hơn nhiều so với ngày ở đất liền. Bên ngoài, biển xanh biếc đến mê hồn, gió lạnh như băng lồng lộng thổi, nhưng trong các phòng trên tàu thì nóng, dường như chính sự đối lập và ngột ngạt ấy lại làm bùng phát ý tưởng và khiến các nhà văn tập trung cao độ vào công việc hơn. Dù rất bận rộn trong vai trò của một trưởng đoàn quản lí “đám nhà văn lắm cá tính phức tạp”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà vẫn tranh thủ viết với một nghị lực phi thường. Nửa đêm về sáng, khi mọi căn phòng đã tắt điện từ lâu, chỉ còn tiếng rẽ sóng của con tàu đơn độc lao đi trên đại dương tối đen, phòng của chị vẫn sáng đèn. Chị cặm cụi viết, và mỗi ngày theo lịch trình, tới đâu chị cũng gửi tin đều đặn về đất liền qua mạng facebook mà chị gọi đùa là “rắc lông ngỗng”. Nhà thơ Hữu Việt, râu ria óng ả cả tuần không cạo nom đường bệ như một vị bá tước châu Âu, thì dù nóng đến đâu cũng ngồi yên không chịu rời chiếc máy tính. Anh cần mẫn gõ máy, cho ra đời những bài thơ “nóng hôi hổi vừa thổi vừa đọc”, trong khi nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng lặng lẽ viết sửa chi chít vào cuốn sổ tay. Riêng nhà thơ Đặng Huy Giang tỏ ra đủng đỉnh, nhàn nhã, chỉ cởi trần nằm phơi chiếc bụng Di Lặc trên giường. “Bố này chả chịu làm gì” – tôi thắc mắc. Nhưng hóa ra không phải. Anh đang làm thơ trong lúc lim dim ngủ. Bằng chứng là đến cuối đợt công tác, riêng thơ về biển đảo, Đặng Huy Giang đã có cả chục bài.
Cùng đoàn Nhà văn và cán bộ hải quân trên đảo Song Tử Tây
Một điều thú vị là giữa đoàn của Hội Nhà văn và đoàn của Hội Nhạc sĩ có sự phối hợp rất nhịp nhàng. Bài thơ nào vừa viết ra liền được phổ nhạc ngay lập tức, cho phát trên loa sau mỗi bản tin hàng ngày để phục vụ kịp thời công chúng trên tàu. Ở cùng với chúng tôi có nhạc sĩ Xuân Thủy – một người hiền lành, cẩn thận – đã nhiệt tình phổ nhạc giúp các anh em nhà thơ trong phòng, và nhờ có “dây chuyền công nghệ khép kín” này, hàng loạt bài thơ - ca khúc đã náo nức gọi nhau ra đời. Bài thơ Thư Song Tử Tây của Hữu Việt lại được Vũ Thiết, một nhạc sĩ rất vui tính ở phòng bên thổi thêm hồn vía, khi ca sĩ hát lên trong đêm tổng kết đã khiến cả tàu mê đắm trước vẻ đẹp của giai điệu và ca từ (Vũ Thiết là tác giả của bài hát Nghe câu quan họ trên cao nguyên nổi tiếng). Thú thực, thoạt đầu tôi rất nghi ngờ chất lượng của những tác phẩm sinh nở có phần gấp gáp trong hoàn cảnh “dã chiến” này, nhưng khi nghe qua phát thanh, tôi biết mình đã nhầm lớn. Rất hay, rất xúc động. Ngẫm ra cũng không phải điều lạ, bởi trong lịch sử văn nghệ nước ta, không ít tác phẩm xuất sắc đã được khai sinh trong không khí “mặt trận”, thậm chí “đặt hàng”!
Tác phẩm kịch Những người con bất tử của mẹ Tổ quốc của đoàn nhà văn cũng là một sự vụt sáng bất ngờ như thế.
Đó là tiết mục trình diễn trong đêm giao lưu văn nghệ tổng kết chuyến công tác, được tổ chức trên boong khi tàu về tới cửa sông Sài Gòn. Đêm ấy, 12 đoàn đại biểu đã tham gia chuyến đi đều có tiết mục đóng góp. Tiểu phẩm kịch của đoàn nhà văn được phác dựng dựa trên truyện ngắn Những lá thư gửi từ biển của nhà văn Võ Thị Xuân Hà và thơ của các nhà thơ trong đoàn, do gấp vội nên không có thời gian để tập dượt nhiều. Bảy nhà văn, nhà thơ lên trình diễn đã thác lời các liệt sĩ hi sinh trong sự kiện đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, với hình ảnh thật lung linh kì diệu: khi gửi thân mình dưới biển sâu, các linh hồn liệt sĩ đã neo tựa vào những nhành san hô trắng muốt. Nhành san hô thấm máu anh hùng, đã nhuộm một màu đỏ thắm, như màu cờ của chúng ta. Cả một đội quân mấy chục con người đang làm thành một hàng rào đỏ màu cờ, trấn giữ nơi đây… Kết thúc màn trình diễn, khi nhà thơ Hữu Việt thủ vai liệt sĩ đứng bật dậy hất tấm áo choàng thét lớn Mẹ ơi!, tất cả người xem trên boong tàu lặng đi. Tiếng gọi Mẹ Tổ quốc.
Cả con tàu chìm trong im lặng. Tiếng gọi ngân dài trên dòng sông Sài Gòn. Qua ánh điện trên boong, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt.
Tiết mục đã thành công ngoài mong ước. Các anh chị không chỉ là người cầm bút, mà còn là những nghệ sĩ sân khấu tài hoa! Nhưng điều đã làm rung động mọi trái tim, có lẽ là cảm xúc tuyệt đối chân thành của mỗi người khi diễn. Phạm Vân Anh đã khóc trên sân khấu, cũng như ngày hôm trước, cô đã khóc khi đọc thơ qua máy bộ đàm gửi tới các chiến sĩ trên nhà giàn Phúc Tần.
Phải, các anh hùng không chết. Linh hồn các anh vẫn đi về theo tiếng chuông chùa, tụ hội dưới vòm phong ba rợp sáng, lặng lẽ bên người sống, giang tay gìn giữ biển Đông.
Mấy ngày trước đó, đoàn đã làm lễ tưởng niệm liệt sĩ khi đi qua vùng đảo Cô Lin - Gạc Ma. Khi vòng hoa được thả xuống biển, có một cánh chim hải âu bay tới kêu lên thảng thốt. Tất cả những người có mặt trên boong tàu hôm ấy không khỏi gợn lên một ý nghĩ, khi suốt cuộc hành trình trên biển không hề xuất hiện một cánh chim nào. Là người nhiều năm tìm hiểu về một thế giới khác, tôi tin vào sự hiển linh.
Các anh không bao giờ chết.
*
* *
Ngày 7 tháng năm, tàu cập cảng đưa chúng tôi vào thành phố mang tên Bác. Cả nước rợp màu cờ mừng 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên. Ngẫu nhiên mà đặc biệt, hôm ấy cũng là ngày kỉ niệm thành lập Quân chủng Hải quân anh hùng.
Đó cũng là ngày mọi trái tim đều nóng trước những thông tin về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Biển Đông lại dậy sóng, dữ dội hơn bất cứ khi nào. Màu cờ đỏ lại ngập tràn các trang facebook, các con đường mùa hè, cả nước sục sôi, cả nước nhìn ra biển. Biết nhiều người khao khát được tới Trường Sa, Hoàng Sa lúc này, nhìn lại mười ngày qua, tôi thấy mình may mắn.
Ai cũng muốn hòa bình, nhưng chỉ trong giông tố mới thấy được tinh thần dân tộc.
Mềm mại mà bất khuất.
Như cây phong ba, bão táp ở Trường Sa.
Hà Nội, 5 - 2014
●Bài viết sau chuyến đi thực tế tại Trường Sa và nhà dàn DK1 cùng đoàn công tác của Hội Nhà văn Việt Nam, do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, tháng 5 năm 2014. Đã in tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 8-2014.
Phần 1: http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_79331.html
|