Ảnh nguồn Internet
Ra Trường Sa, nghĩ về những tấm bản đồ
Thư tịch cổ ghi lại rằng, năm 1774, Đoàn quận công Bùi Thế Đạt vẽ bản đồ xứ Đàng Trong, có vẽ Bãi Cát Vàng là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, cách đây tròn 240 năm, quần đảo Hoàng Sa đã xuất hiện trong tấm Giáp Ngọ bình Nam đồ.
Năm 1834, vua Minh Mạng cử Đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân 20 người ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ. Sau khi hoàn thành, Hoàng Sa - Vạn lí Trường Sa đã hiện diện trong Đại Nam nhất thống toàn đồ – tấm bản đồ Việt Nam hoàn chỉnh của triều Nguyễn. Đến năm 2014 này, cũng đã tròn 180 năm.
Và tròn 110 năm trước đây, năm 1904, triều đình nhà Thanh của Trung Quốc cho ấn hành Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, tấm bản đồ do đích thân các hoàng đế nhà Thanh chỉ đạo thực hiện trong gần hai thế kỉ, bằng việc mời các giáo sĩ phương Tây cùng những người tinh thông về địa lí, toán pháp trong nước đi đo đạc điền dã, tập hợp tư liệu, can vẽ lại mà thành. Tháng 7 năm 2012, tiến sĩ Mai Hồng (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) đã hiến tặng tấm bản đồ quý báu này cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Tấm bản đồ cho thấy biên giới cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, cũng có nghĩa là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không hề có trong lãnh thổ của họ.
Không chỉ tấm bản đồ đã được coi là “quốc bảo” này, mà còn rất nhiều bản đồ khác do Trung Quốc và nước ngoài xuất bản cũng cho thấy lãnh thổ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa. Những năm gần đây, nhiều cá nhân trong nước và cả Việt kiều đã dày công sưu tầm tài liệu để chứng minh điều đó. Năm 2013, chỉ riêng ông Trần Thắng (cháu nhà thơ Tế Hanh, hiện là Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kì) đã gửi về cho đất nước 170 bản đồ và atlas, tài liệu khẳng định sự thật không thể phủ nhận đó.
Tấm bản đồ Việt Nam có thể coi là cổ nhất ở nước ngoài, do chuyên gia Hà Lan vẽ, đã ghi rõ quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ ấy ra đời năm 1594, cách đây 420 năm tròn.
420… 240… 180… 110 năm… những con số tròn trịa trên cứ theo đuổi tâm trí tôi trong suốt hải trình ra Trường Sa những ngày cuối tháng tư, đầu tháng năm này. Những con số tròn như con dấu tươi đỏ xác nhận chủ quyền của nước Việt đối với hai quần đảo. Trên chiếc tàu HQ-996 của Hải quân, giữa mênh mông trời nước, tôi lại mường tượng ra vài trăm năm trước, những dân binh cắp chiếu bó sợi dây mây từ biệt hòn cù lao Ré, phụng mệnh nhà Nguyễn xuống thuyền đi trấn giữ biển Đông, khai thác sản vật, tìm lượm hóa vật và đo vẽ bản đồ. Chiếc thuyền bầu nhỏ nhoi như dấu chấm trồi ngụp giữa đại dương, những hòn đảo hoang vu ken dày tổ yến, những loài chim dạn dĩ không biết sợ người… Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua ban phải quyết lòng ra đi… Câu ca bi tráng từ ngàn xưa vẳng tới. Trường Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề, thế lính Trường Sa… Trên boong tàu hải quân giữa biển đêm đen thẳm mịt mù, tôi lại thấy đâu đây ẩn hiện cánh buồm nâu và tiếng gió ù ù mang hồn thiêng của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải còn lộng vang trên sóng…
Những “thành phố biển” xinh đẹp
Ảnh nguồn Internet
Sau hành trình hơn 1.380 hải lí, từ điểm xuất phát là Quân cảng Cam Ranh, đúng sáng ngày 30 tháng tư, ngày kỉ niệm giải phóng miền Nam, con tàu chở gần 200 người của đoàn công tác số 8 cùng hơn 40 thủy thủ đã đưa chúng tôi đến hòn đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa. Giữa đại dương xanh biếc, Song Tử Tây hiện lên như một thành phố biển xinh đẹp với những cánh quạt gió lấp lánh quay trong nắng sớm, mái ngói đỏ hiền hòa và màu xanh của cây cối tốt tươi chạy một đường viền quanh đảo. Mọi người ùa cả ra lan can tàu. Máy ảnh, điện thoại chen chúc giơ lên. Một nữ nhà báo trẻ nghẹn ngào mấp máy môi:
– Tổ quốc!... Tổ quốc!...
Tôi đứng lặng nhìn. Đây, Tổ quốc nhìn từ biển. Hơn một vạn năm trước, từ đầu thế địa chất Holocen, hơn 300 loài san hô đã xây từ biển xây lên một thế giới mới bằng khối thân thể hóa thạch vĩ đại của mình. Và cũng trong suốt vạn năm đó, đã bay đến những đảo này biết bao nhiêu là chim, để lại bao lớp hạt lớp phân cho cây cỏ mọc lên, để đến nay, trên tấm bản đồ lãnh thổ của chúng ta có được những chấm xanh kì diệu.
Ý niệm về Tổ quốc càng rõ rệt hơn khi chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên lên đảo, nhất là khi lễ chào cờ được bắt đầu. Trong nắng tươi vàng, màu áo trắng hải quân lấp lóa, lời thề quân nhân sang sảng vang lên. Tôi bồi hồi nhớ lại, cũng thời điểm này cách đây 39 năm, ngày 14-4-1975, Song Tử Tây là hòn đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa được bộ đội ta tiến vào giải phóng. Khi ấy cây cối trên đảo còn thưa thớt, xem bức ảnh lịch sử lưu lại trong cuốn tài liệu của Hải quân, tôi thấy vậy. Ngay gần lối đi vào đảo, tôi tìm thấy một cột bia khá lớn, cũ kĩ rêu phong, trên bia hiện lờ mờ những chữ khắc chìm đã bị thời gian ăn mòn: Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy – phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956… Năm tháng qua đi, giữa sóng gió biển khơi, tấm bia vẫn còn đó, một chứng tích cho chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Việt đối với Trường Sa, dù tồn tại ở bất cứ chính thể nào.
Tôi theo các đoàn đại biểu ra làm lễ dâng hương trước tượng đài Hưng Đạo Đại Vương. Trên cao, vị Quốc công tiết chế sừng sững, uy nghi nhìn ra biển xanh, nhắc nhở những chiến công gắn với tài thủy chiến của người Việt ta trong lịch sử. Sự hiện diện của người anh hùng dân tộc ở nơi biển đảo xa xôi này làm vững lòng mọi người dân và chiến sĩ – có lẽ ai cũng nghĩ như vậy. (Về sau, khi sang đảo Nam Yết tôi lại thấy tượng đài Trần Quốc Tuấn đang trong quá trình xây dựng, mới chỉ có bệ tượng đài. Tôi thấy tiếc về sự trùng lặp này. Giá như trên mỗi đảo dựng riêng một tượng anh hùng, như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt… – đều là những cái tên gắn với chiến công lẫy lừng trên sông nước, nay làm hồn thiêng trấn giữ biển Đông!)
Sau khi cùng các đoàn thắp hương lễ Phật tại chùa Song Tử Tây, tôi hỏi tìm phòng đọc để biết thêm về đời sống văn hóa tinh thần trên đảo. Được mấy bạn lính trẻ đang ngồi đọc báo chỉ dẫn, tôi lên tầng hai của nhà hội trường và thấy ở đây có cả một thư viện nhỏ với nhiều loại sách. Thì ra anh em còn thiếu về vật chất nhưng tài sản tinh thần lại giàu! Trên mặt bàn, những cuốn tạp chí đầu tiên tôi nhìn thấy là Văn nghệ quân đội số vừa ra – số 794 (tháng 4-2014), bìa ngoài in bức tranh Bình minh trên đảo vẽ người lính hải quân đứng bên ụ súng, nhìn ra biển khơi thẳng hướng mặt trời. Nghe nói thư từ, báo chí ra đảo có khi chậm vài tháng nên lúc này tôi rất ngạc nhiên. Thì đây, tờ tạp chí của chúng tôi, số mới nhất đã có mặt ở nơi này!
Rời Song Tử Tây, tàu đưa chúng tôi đến thăm các đảo Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Sinh Tồn... Mười ngày giữa đại dương là mười ngày mỗi thành viên trong đoàn thấm thía những hi sinh thầm lặng và cả niềm vui bình dị, đơn sơ của lính đảo. Có đảo phải tiết kiệm từng giọt nước, khi tắm lính phải ngồi trong chậu rồi dành chút nước ít ỏi ấy để tưới rau. Có đảo hiếm hoi đào được giếng nước lợ, không dùng để nấu ăn nhưng lính ta có thể rửa rau và tắm gội thỏa thích. Trên đảo nổi, rau được trồng trong những ô vườn nhỏ, có tường ngăn gió muối cuối năm từ biển thổi vào. Trên đảo chìm, rau trồng trong những chiếc khay đặt ở lan can nhô ra giữa biển trời, nâng niu từng chiếc lá xanh, chắt chiu từng hạt đất.
Dẫu còn gian khổ nhưng vẫn bình thản, an nhiên, đó là không khí tôi cảm nhận trên các đảo. Xã đảo Sinh Tồn có một ngôi trường sáng đẹp dành cho hai thầy giáo và bốn học trò, cả tiểu học và mầm non học chung trong một lớp ghép. Không để tâm đến những con mắt tò mò của khách, cùng tiếng sóng ngoài kia ào ạt xô bờ, thầy vẫn giảng và trò vẫn học, sôi nổi, tự nhiên. Ở đảo Trường Sa (thường gọi là Trường Sa Lớn), khách đến thăm có thể chơi bóng với lính đảo vào lúc hoàng hôn và cùng các anh ngồi trò chuyện dưới tán cây tra, ngắm nàng lợn có sắc lông hung vàng điểm sọc nâu rất lạ mắt. Nàng là kết quả của mối tình lâm li giữa một mẹ lợn nhà với một lão lợn rừng chính hiệu do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mang ra tặng đảo làm giống. Đủng đỉnh kiêu sa, nàng tìm cơm rơi dưới bàn ăn của khách, và bên nàng còn có một chàng cò trắng, vừa đi vừa nhún nhẩy tạo dáng và âu yếm mổ rận trên lưng nàng! (Nhà thơ Hữu Việt rất thích thú khi đã nhanh tay chụp được bức ảnh độc này, còn tôi thì nhớ tới nàng Antaramêna xinh đẹp được lính bế đi tắm và dạy tập bơi trong cuốn Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Cô nàng có cái tên rất Tây ấy chẳng phải ai khác ngoài một nàng… lợn ỷ).
Thiên nhiên tô điểm cho đời sống thường ngày của lính như vậy, và ở các đảo, không gian còn đẹp thêm bởi một phong cách lính biển thật tươi tắn, lãng mạn. Đến xã đảo nào cũng gặp các chị cùng bé trai, bé gái mặc áo trắng yếm xanh theo kiểu quân phục mùa hè của chiến sĩ hải quân, và trên nóc những ngôi chùa, hình bánh xe pháp luân – như một duyên kì ngộ – vừa là biểu tượng của Phật giáo, vừa giống hệt… chiếc vô lăng tàu thủy, một biểu tượng của lính biển nhà ta!
Tám hòn đảo chúng tôi qua, mỗi nơi ngoài những mẫu hình chung lại mở ra nhiều nét mới. Đảo nổi luôn mang phong cách một thành phố biển duyên dáng, khiêm nhường. Đảo chìm giống những pháo đài cổ kính bé nhỏ, hiên ngang. Tất cả hiện hình kiêu hãnh từ biển xanh, như những phiên bản vừa lạ lẫm vừa gần gụi, thân quen của dáng hình Tổ quốc.
Đêm Sơn Ca rực lửa
Đó là đêm ấn tượng nhất đối với tôi trong mười ngày lênh đênh trên biển. Hôm ấy, sau khi thăm đảo Sơn Ca các đoàn khách phải trở lại tàu neo ngoài khơi, riêng cánh nhà văn nhà báo chúng tôi được ưu tiên ở lại đảo một đêm để thâm nhập thực tế, cũng là đêm duy nhất trên đảo trong suốt cuộc hành trình. Đảo Sơn Ca, ban ngày cũng bình lặng như các đảo khác, đêm xuống bỗng trở thành đại nhạc hội náo nhiệt tưng bừng. Sân khấu dã chiến được dựng lên ngay bên cột bia chủ quyền, nữ nhà thơ quân đội Phạm Vân Anh xuất hiện với vai trò MC nghiệp dư nhưng rất linh hoạt, tài hoa ngay lập tức làm nóng lên không khí toàn đảo. Đoàn nghệ thuật Hải Đăng của tỉnh Khánh Hòa với những nữ ca sĩ 9X xinh xắn, nhiệt tình sẵn sàng vắt kiệt khả năng và sức trẻ của mình đã làm sôi động tinh thần lính đảo đến mức không thể sôi động hơn. Những chàng lính tuổi đôi mươi, tay còn chưa ráo vết mực nhà trường, như những đọt cây tươi tưởng đã bao ngày héo đi vì nắng biển, đêm ấy tâm hồn trẻ trung bỗng được đánh thức đến tận cùng. Những tiết mục đầy ngẫu hứng với sự tham gia của lính làm chương trình luôn bị phá vỡ, kéo dài. Khi cuộc vui lên tới cao trào, MC Phạm Vân Anh bước ra lảnh lót:
– Các chiến sĩ thân yêu, các bạn đã thật sự nóng chưa, có thể nóng hơn nữa được không?
Tiếng hưởng ứng dậy lên làm rung chuyển cả Sơn Ca. Trong chớp mắt, lính đảo ào lên như sóng tràn bờ, chiếm lĩnh khoảng trống trước sân khấu. Tôi đang mải ngó xem đồng chí chỉ huy trưởng của đảo ngồi ở chỗ nào, khi ngước nhìn lên thì thật bất ngờ: sàn diễn trống trơ không còn ai nữa. Dưới sân, các chàng lính đảo đang mải mê khiêu vũ với nhau từng cặp và cháy hết mình trong cơn bão nhạc với các cô gái của đoàn Hải Đăng, còn ở một góc riêng, MC Phạm Vân Anh đang… đắm say trong vũ điệu tango với đồng chí chỉ huy của đảo! Nhìn những nhịp đi tình tứ, uyển chuyển, tôi kinh ngạc đến lặng người. Cái bố chỉ huy này, trong bữa rượu lúc chiều tôi thấy tay bố cứng như sắt, bố bắt tay tôi làm tôi đau tái mặt, vậy mà lúc này tay bố lượn nhát nào ra nhát ấy, cứ ngọt như không! Dường như bức bách không chịu đựng nổi, cánh phóng viên đài, báo cũng bỏ máy quay, máy chụp mà ào lên. Giờ thì không còn người diễn, chẳng còn người xem, người dẫn chương trình cũng không, từ chiến sĩ đến chỉ huy, ca sĩ, nhà báo, nhà văn… tất cả hòa vào nhau làm một trong cơn lốc rực lửa mê cuồng.
Lần đầu tiên tôi thấy được chân dung lính đảo. Phong trần, gian khổ nhưng cũng thật mãnh liệt, hào hoa.
Cuộc vui văn nghệ kéo dài đến khuya. Cơn khát giao lưu của lính chưa đến điểm dừng, nhưng sân khấu rồi cũng buộc phải hạ màn. Cho quân “thu dọn chiến trường” xong, đồng chí chỉ huy trưởng lại tất bật với việc tiếp khách nên đến hơn 1 giờ sáng tôi mới “đột nhập” được vào phòng làm việc của anh. Phải nói là ngay từ lúc mới gặp, tôi đã rất mê vị “đảo trưởng” này. Anh là Đỗ Thế Tuyến, 42 tuổi, người sắt lại như một cây phong ba, thoắt đến thoắt đi, ào ào như bão. Cốt cách của người xốc vác, năng động, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Vì cùng tuổi lại cùng khoác áo lính nên tôi và anh bỏ qua lễ nghi chủ khách, khi cao hứng lại bỗ bã thân mật với nhau.
– Thế ông bạn cần những thông tin gì nào? Đêm nay Tuyến này hết mình với các nhà văn đấy.
– Khuya lắm rồi, chả dám làm phiền đảo trưởng nữa, mình chỉ muốn biết đôi chút xem cuộc sống của các ông ở đây như thế nào thôi.
– Thì bạn thấy đấy, ngoài hàng hậu cần của trên cấp phát, lính đảo tích cực tự tăng gia. Gia cầm được duy trì từ năm đến sáu trăm con, heo thì gần hai chục con, vườn tăng gia được quy hoạch đảm bảo đủ rau xanh cho các lực lượng…
– Mình biết rồi, lúc chiều mình cũng đã kịp chiêm ngưỡng đàn heo của các ông. Mình thì mình khoái cái vườn hoa của các ông cơ. Lại còn 12 chậu cây cảnh nữa. Bái phục các ông đấy. Giữa đại dương một nắm đất dùng để trồng rau còn hiếm hơn vàng mà các ông lại dám trồng hoa. Thì ra ở nơi sóng gió xa xôi này các ông cũng lãng mạn gớm.
Đỗ Thế Tuyến cười, đứng dậy. Anh kéo tôi vào phía sau bàn làm việc, lật giở cho tôi xem hàng tá sách dày cộp của anh, toàn sách viết về danh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới. Tôi chợt hiểu ra rằng, bên trong con người đen sạm và khô quắt như ướp từ nắng gió biển khơi kia là một trái tim nghệ sĩ đang đập. Lại nhớ lúc lính đảo đang trổ tài trên sân khấu, vị chỉ huy trưởng đột nhiên biến mất, rồi trở lại chạy lên giúi vào tay chàng lính trẻ của mình một nhành hoa, không biết muống biển hay loại hoa gì, nhưng cứ gọi là… tím ngăn ngắt. Lãng mạn đến thế là cùng.
Nghe tôi nhắc đến vườn cây cảnh mới được tôn tạo trong khuôn viên đảo, Đỗ Thế Tuyến rất hào hứng. Cán bộ, chiến sĩ học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đó là dòng chữ trên tấm biển ở cổng vườn. Niềm tự hào của chúng tôi đấy, chưa đảo nào có được một vườn cây tưởng nhớ Đại tướng như thế đâu. Trong ánh mắt lấp lánh của anh, tôi đọc được ý nghĩ ấy.
Tôi hỏi chuyện anh về công tác dân vận. Anh cho biết tháng 11 năm ngoái, trong một cơn giông bão, một chiếc tàu cá của ngư dân bị hỏng do nứt lốc máy và xilanh đã được đảo Sơn Ca cứu giúp. Lực lượng trên đảo phối hợp với một chiếc tàu khác lai dắt tàu bị nạn về Sơn Ca, hỗ trợ 60 lít dầu nhờn, 2000 lít nước ngọt cùng nhiều rau xanh, lương thực thực phẩm và cử người sửa chữa khắc phục máy tàu. Con tàu có 17 thuyền viên này đã được neo tại đảo sáu ngày an toàn trong điều kiện sóng cấp 8, cấp 9, trước khi được bàn giao cho tàu địa phương lai kéo về đất liền. Câu chuyện của anh làm tôi nghĩ, khi gặp những tình huống hiểm nghèo như vậy giữa đại dương, nếu không có bộ đội giúp đỡ thì số phận những con tàu đó sẽ ra sao? Người dân biết nhờ cậy vào đâu được? Một nắm rau xanh, một ca nước ngọt đối với lính đảo cũng quý vô cùng, các anh vẫn sẵn lòng san sẻ cho dân. Một chi tiết giản dị thôi, nhưng càng ngẫm càng cảm động. Hôm sang đảo Sinh Tồn, tôi lại hiểu thêm về tình đoàn kết quân dân khi thấy vụng biển gần thềm san hô đã được công binh xây kè khoanh thành vịnh nhỏ với mục đích cho tàu của ngư dân vào tránh bão. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, mọi thứ đều thiếu thốn lại nhiều bất trắc hiểm nguy, sự nương tựa vào nhau giữa bộ đội và nhân dân đã trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn bất cứ nơi nào.
Chỉ huy trưởng tiễn tôi ra hành lang khi đảo đã hoàn toàn tĩnh lặng trong đêm. Trăng mờ phủ lên mặt anh một ánh xanh nhợt nhạt. Ngoài xa vọng lại tiếng biển dội sóng lên thềm san hô trầm đục. Tiếc rằng thời gian trên đảo quá ngắn, trong khi những điều muốn biết lại rất nhiều…
(Còn nữa)
|