Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 29/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  THUỞ ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN PHÚ CƯỜNG... CHƯA PHẢI LÀ NHÀ ĐIÊU KHẮC! - Hoàng Thảo Chi THUỞ ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN PHÚ CƯỜNG... CHƯA PHẢI LÀ NHÀ ĐIÊU KHẮC! - Hoàng Thảo Chi , Người xứ Nghệ Kiev
 

Khi nhìn thấy tên của bài viết, mấy ông bạn tôi bảo: Cứ y như “tít” của phóng viên hãng CNN, hay BBC… ấy nhỉ!!!

Tôi cũng cảm thấy tên của bài viết hơi trang trọng, so với cái nết hay tếu táo của mình. Nhưng suy đi tính lại, tôi quyết định để yên như vậy. Tôi nghĩ: Dẫu là bạn bè, nhưng bây giờ đầu cũng đã bạc hết cả rồi, cứ mày tao chi tớ… con cháu nó cười! Với lại còn “Quan trên trông xuống, người ta nhìn vào...” nữa.  Mà hắn là nhà điêu khắc thứ thiệt, có danh, có tiếng hẳn hoi, thiên hạ gọi vậy thì mình cũng cứ thế mà kêu, chấp chi mấy cha hay chọc ngoáy kia chứ!

Nhưng cũng cần phải nói ngay rằng, với khuôn khổ ngắn tý ty như bài viết này của tôi, chắc chắn đây không phải là một phác họa chân dung: Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường. Vì hai lẽ: Một là tôi không có ý định đó. Hai là dẫu có muốn lắm lắm, tôi cũng không làm được. Bởi động tới hội họa, điêu khắc hay các thứ nghệ thuật tương tự… thì phải có kiến thức về chúng. Phải tầm cỡ như các nhà điêu khắc, họa sỹ tên tuổi của Việt Nam đương đại:  Lưu Danh Thanh, Vi Kiến Thành, Nguyễn Kim Xuân, Vương Học Báo… mới có khả năng dựng được chân dung nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường. Còn tôi, mảng này coi như ngoài vòng phủ sóng. Nên đành đứng từ xa mà ngó vậy!

Thôi, hãy nhường “Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường” cho các quý vị bên Mỹ Thuật. Với tôi, còn một Nguyễn Phú Cường khác: Phú Cường làng Lỗ Lươn!

Ấy là cách gọi ngắn gọn, thân mật của ông Chương anh tôi, mỗi khi gặp hắn. Vì cái vùng có thôn của hắn (Thôn Quang Hiển, xã Yên Bình, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) từ ga Ghềnh rẽ vào, toàn núi đá vôi mọc trên đồng trũng (Hắn vênh vang, khoe khoang là: Hạ Long trên cạn!!!) ngày xưa lươn, ốc nhồi, cá rô… to, ngon và nhiều vô kể. Chúng là những đặc sản danh tiếng vang lừng, không những cả vùng Hà Nam Ninh, mà còn nức tiếng cả chốn Hà Thành đô hội.

Tháng 9/1977, lần đầu tiên tôi gặp hắn, tại trường Lý Luận Nghiệp vụ - Bộ Văn Hóa, 103 đê La Thành Hà Nội. Dạo ấy chiến tranh mới kết thúc được hơn hai năm. Hầu hết bọn thanh niên chúng tôi được cử đến học, đều mới từ khắp các miền chiến trường trở về. Hắn có thâm niên năm sáu năm tại chiến trường Quân khu 5. Hồng phúc ông bà nhà hắn dầy, nên ròng rã, lăn lộn chiến đấu bằng ấy năm, trên chiến trường đạn bom khốc liệt, tuy có sứt đầu, mẻ trán, nhưng vẫn giữ nguyên được cái gáo dừa mà trở về.

Hắn có bốn đặc điểm nhận dạng rất đặc biệt. Một là cái mũi  khoằm mỏ diều hâu. Hai là đôi mắt ốc nhồi, khi giao tiếp với người khác, lúc nào cũng trố lên như hai đèn pha, rọi thẳng vào mặt người đối diện, soi mói bởi rất nhiều những câu hỏi. Ba là đi rất tốn diện tích ngoài đường. Bởi hắn sở hữu một cặp chân vòng kiềng  giống hệt chân Thế Anh, cựu tiền đạo bóng đá của đội Thể Công… nổi tiếng. Còn hai cánh tay của hắn, thì giống hệt hai tay con Bú Dù mặc áo tơi, cắm ngoài ruộng mạ, để dọa chim cò vậy. Khi hắn đi, hai cánh tay ấy vung vảy như bơi, không bao giờ hạ xuống được. Anh bạn Hoàng Trọng Nhất (người cùng lớp) có một nhận xét rất hóm: Thằng này khi di chuyển, bán kính có khả năng “Sát thương”... khá lớn!

Hôm xuất hiện trước khu nhà tập thể của lớp, hắn nghênh ngang trên chiếc xe đạp (hình như xe đạp thồ) “Trần như nhộng”. Liếc thấy tôi ngồi trong nhà, hắn phi  bàn chân phải vào cái khoảng trống hai càng xe và lốp phía trước, phanh đứng xe lại như xiếc. Hắn dựng xe vào gốc cây hoa sữa, tiến gần đến cửa phòng, chống tay hai tay lên hông, hai chân chữ bát đứng chảng hảng, không chào, chỉ hỏi thật to:

-         Anh cho hỏi, đây có phải nhà của học sinh mới, Hệ bổ túc văn hóa không?

Tôi thong thả ngó hắn, mấy đặc điểm trên, tôi lập tức nhận ra, chút nữa thì bật cười.

-         Chắc tay này mới ở chiến trường ra, mặt có vẻ lạnh lắm.

Tôi thầm đánh giá hắn, rồi bắt chước giọng ông trưởng phòng Tổ chức của trường mà tôi diện kiến mấy hôm trước, để trả lời:

-         Phải! Mời vào. Thế anh tên gì? Ở Ty Văn hóa nào đến?

Hắn bước vào, vất huỵch cái ba lô xuống giường, đối diện với giường tôi. Thở phù như vừa trút được gánh nặng gì đấy, nhìn xoáy vào đầu tôi một cái, cảm giác như ánh mắt của hắn rứt mất mấy sợi tóc vậy. Hắn ngó nghiêng một chút rồi trả lời:

-         Tôi là Phú Cường… Nguyễn Phú Cường, dân Ninh Bình. Còn ông ở đâu?  

Hắn đột nhiên bỏ lối xưng hô khách sáo, chuyển sang lối dân dã. “A, thằng cha này chơi được”. Tôi tò mò nhìn hắn một chút, rồi cũng chuyển giọng:

-         Tớ tên là Luận, người huyện Mỹ Lộc, Nam Định, nhưng đến đây từ Ty Văn Hóa Thái bình!

-         Ồ, dân cầu Tõm cả, đồng hương… đồng hương!!!

Hắn cười khơ… khơ… khơ, nhào người bắt tay tôi. Thì ra hắn cũng dễ gần, chứ không phải là dân “Lạnh” như tôi nghĩ lúc nãy. Nhìn vẻ mặt vui vẻ của hắn, tôi dò hỏi:

-         Ông ở thị xã Ninh Bình à?

-         Không, không… tôi cũng dân cầu Tõm. Từ ga Ghềnh lội vào làng tôi khoảng vài cây.

-         Sao lại lội? Vào làng không có đường à? Huyện ông là huyện Yên Mô… huyện Lỗ Lươn chứ gì?

Tôi cứ tưởng hai từ Lỗ Lươn bôi bác, sẽ làm hắn nổi khùng, nhưng hắn lại cười  toáng lên, có vẻ khoái củ tỷ lắm:

-         Úi giời! không ngờ huyện tôi nổi tiếng đến thế! Ông đi buôn ốc với lươn hay sao, mà biết rõ vậy?

-          Bác dâu tôi, hay vào đó buôn ốc nhồi.

Tôi cứ tưởng hắn sẽ vui vẻ tiếp nối câu chuyên. Nhưng bỗng nhiên hắn thở dài, tựa cái bong bóng xì hơi, nằm vật ra gường, gối đầu lên cái ba lô, mắt nhìn trần nhà như nhìn vào cõi hư vô!

-         Cái xứ nhà tôi, chẳng có gì ngoài mấy con lươn con ốc, nước ngập tận mồm quanh năm suốt tháng, chân tay thì nước ăn chướt chát, mắt thì toét nhèm vì lông quặm, mắt hột, giáp hạt bốn mùa, bụng lúc nào cũng lép kẹp. Lúc nãy, tôi bảo phải lội vào làng, là vì đường thấp quá, cứ đi được vài bước, thì lại lội một thôi… Cái làng tôi có khi được xếp vào hạng, nghèo khổ nhất toàn quốc ông ạ!!!

Nghe hắn nói về làng hắn, tôi cứ ngỡ hắn nói về làng tôi. Thì ra cái làng xơ xác của hắn, cũng giống cái làng khốn khổ, nơi rốn đồng chiêm của tôi.

-         Thằng này cũng nặng tình với quê hương đây. Hắn là người tốt.

Tôi bắt đầu có cảm tình với hắn, khoảng cách xa lạ biến mất. Một cảm giác ấm áp, gần gũi như đã có tự bao giờ, lan tỏa giữa chúng tôi.

-         Đồng đất xứ mình nó vậy, biết sao được! Dạo còn ở nhà, lúc nào tôi cũng đói.

-         Thế sao bây giờ ông “bảnh chọe” thế! Lại còn uốn tóc nữa???

Trời ơi! Cái thằng Giời đánh này... vừa chân ướt chân ráo, chưa biết trời cao đất dày là gì, đã xét nét rồi. Thảo nào lúc nãy nó nhìn xoáy vào đầu, cứ như giựt tóc mình ra vậy. Ba cái sóng tóc tự nhiên trên đầu tôi, đã tạo ra sự hiểu lầm... Nhưng điều ấy lại làm tôi thấy thú vị: Thằng này “Chân đất” thứ thiệt, rất thẳng thắn và ghét những chuyện phù phiếm. Tôi không vội giải thích, còn đùa lại hắn:

-         Thì tôi đã bỏ làng “ra tỉnh” ở rồi, cũng phải hoa hòe, hoa sói một chút chứ. Mà tóc ông cũng bồng bềnh thế kia, mấy tháng nữa, có khi ông lại nhờ tôi, cố vấn về kiểu tóc cũng nên.Thôi, đừng bực bội nữa, ra quán làm chén trà nhận đồng hương đã.

Hắn tỏ rõ sự không hài lòng trên mặt, Tay trái thì vuốt vuốt tóc, tay phải nắm chặt lấy cái mũi khoằm, lắc lia lịa, cùng với một tràng khụt khịt. Vừa đi vừa nói:

-         Tôi bị viêm xoang nặng, hay dị ứng với những mùi lạ lắm.

Biết hắn nói đểu, tôi cười bảo hắn:

-         Hà Nội còn nhiều mùi kinh khủng lắm, ông phải tập thích ứng, không bệnh xoang của ông sẽ trầm trọng hơn đấy!

Tôi thấy ánh mắt của hắn nhìn tôi, với những tia đầy nghi vấn!!!

Dạo chúng tôi mới nhập học, cổng trường Lý luận nghiệp vụ, nằm tụt sâu xuống phía dưới chân đê La Thành đến hàng chục mét. Từ cổng trường nhìn lên là một con dốc cao phải gần 15 độ. Trên đỉnh dốc ấy, bên cạnh cây xà cừ cổ thụ là quán cóc của bà Duẩn. Mỗi lần nhớ về Hà Nội, về cái quán cóc này, trong tôi bao giờ cũng ngân lên giai điệu của bài hát “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa” của Trương Qúy Hải. Đặc biệt cái câu: Quán cóc liêu xiêu một câu thơ… Tôi cứ đồ rằng đó chính là cái quán của bà Duẩn chứ không phải bất kì một quán nào khác.

Dạo ấy trong quán cóc này, bán những thứ, rất đặc trưng của Hà Nội vào cuối những năm 70, sau giải phóng miền Nam. Nước trà chén thì một phần trà, hai phần búp bàng khô trộn vào. Nhâm nhi với trà búp bàng có kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi. Thuốc lá thì có Điện Biên, Thủ Đô, Trường Sơn, Tam đảo, Tam Thanh, Nhị Thanh… Đặc biệt thuốc lá cuốn sợi vàng của Lạng Sơn, là phù hợp với bọn tôi hơn cả. Cứ một hào đỏ mua được hai điếu dài ngoằng. Hút hết hai điếu tay vàng khè, lại phải ra bể nước mài tay cho sạch. Thuốc lào Tiên Lãng cũng một hào một gói.

Phú Cường làm một gói thuốc lào, vê một điếu tròn xoe, nạp vào nõ điếu, châm lửa rít một hơi giòn tan. Chống ống điếu sang một bên, hắn ngả người phun luồng khói thẳng tưng, cuồn cuộn lên trời, y hệt khi tàu hỏa xả hơi nước. Tôi nhìn hắn thán phục: Thằng này “thuần nông” hơn mình tưởng.

 Nhắc đến quán cóc bà Duẩn, vì nó liên quan đến một kỷ niệm của Phú Cường. Hắn là đứa được phòng tổ chức mời lên trước tiên, để bổ sung lý lịch. Sau này hắn kể lại rằng: Lúc còn chiến tranh, khi cùng mấy thằng choai choai trong xóm, chích máu viết đơn xin đi bộ đội, hắn đã khai tăng thêm hai tuổi, cho đúng với quy định. Khi được vào bộ đội rồi, mọi giấy tờ cứ theo thế mà viết, chẳng ai nói năng chi. Nhưng bây giờ trở lại đời thường, làm hồ sơ phải đối chiếu theo mọi bản gốc, mới lòi sự khập khiễng ấy ra. Thế mới biết: Cái tốt của lúc này, lại có thể trở thành cái xấu của lúc khác, khổ thế!!! Đã sát ngày khai giảng, hắn vẫn phải về quê để chỉnh lại hồ sơ. Dạo đó xin được cái mộc của xã, của huyện, đóng xác nhận cái giấy gì đó, khó ngang với lên trời, nên Phú Cường khá căng thẳng. Buổi sớm khi rời trường về quê, hắn lấy dao nhỏ, khắc một chữ C lên thân cây xà cừ, nơi quán bà Duẩn. Chắc lúc khắc chữ C hắn đã vô cùng lo lắng. Nếu không làm chuẩn được hồ sơ, thì chuyện học hành của hắn coi như tiêu. Nhưng hắn vẫn tin là hắn sẽ quay lại. Chữ C như một lời thề: Quyết tử với mảnh đất này. Đến bây giờ lời thề ấy đã thành hiện thực: Hắn đã thành công dân, quan chức của Hà Nội. Gia đình hắn ở ngay đường Hào Nam, cách chữ C ngày xưa chỉ dăm trăm mét. Không biết bây giờ, Phú Cường còn hay nhớ đến chữ C ấy không?

Cuối cùng, thì khóa học của chúng tôi cũng bắt đầu. Cái đích đi tới của mỗi người đều đã có. Tôi nhớ không nhầm, thì chỉ có Phú Cường là định hướng thi vào trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, nằm ở số 42 phố Yết Kiêu, nên chúng tôi cứ gọi tắt là Mỹ Thuật Yết Kiêu... cho tiện.

Suốt ba năm học văn hóa, ngoài giờ lên lớp, hắn xoay trần nặn đất. Hai nhân vật yêu thích của hắn là Lênin và Bác Hồ. Hắn làm vô cùng chăm chú, ngắm ngắm, nghía nghía, tỉa tót một lúc, rồi lại lồi mắt ra nhìn vào tấm ảnh mẫu. Lúc đó trông hắn rất giống con thạch sùng, rình muỗi trên trần nhà. Hắn bị cục đất thôi miên hoàn toàn, hắn mặc kệ thế giới muốn xoay chuyển ra sao thì ra. Lúc ấy, trên đời này, chỉ có công việc nặn tượng của hắn là vĩ đại và duy nhất có ý nghĩa!!! Thỉnh thoảng, hắn ngừng việc, chắp tay sau đít, liệng một vài vòng quanh bức tượng đang làm dở. Một mắt nhìn vào ảnh, một mắt nhìn vào tượng, đầu hắn lắc lắc, miệng chậc chậc, rồi bất thình lình đập bụp một cái, bức tượng bẹp dúm, trở lại nắm đất ban đầu. Cứ mỗi lần như vậy, hắn lại hút liền hai ba điếu thuốc lào, mặt đầy vẻ bực bội, chán nản. Mái tóc bồng bềnh nghệ sỹ của hắn như  dựng đứng lên, cái trán cao chớm hói, hơi dô của hắn ròng ròng mồ hôi. Tay thì dụi mắt và thế nào cũng gào toáng lên:

-         Luận ơi, giúp tao tý.

Ấy là hắn nhờ tôi lộn mi mắt hắn lên, nhổ cái lông quặm đang làm hắn ngứa mắt. Chắc hắn nghĩ, cái lông quặm là thủ phạm, làm cho tượng của hắn, không được như ý.

-         Sao mày lại đập đi vậy? Tao trông thấy giống mà?

Tôi tò mò hỏi hắn.

-         Vô hồn! Thiếu cơ bản. Làm sao phải có cái “thần” trong đó. Tao bất lực quá!!!

Là một người tuyệt đối không có một chút năng khiếu, và hiểu biết gì về hội họa, điêu khắc, nên tôi không hiểu lắm những lời hắn nói. Cứ giống là được, cần gì cơ với bản, thần với thánh kia chứ. Thằng này vẽ chuyện. Tôi lắc đầu nhìn hắn lại hùng hục nhào đất, rồi xắn một cục đặt lên một miếng gỗ vuông, đi một hai vòng xung quanh, ngắm nghía và dùng cái dao bằng tre, xén miếng đất tạo thành một hình hộp chữ nhật, rồi bắt đầu tỉa tót. Mặt hắn căng thẳng, mũi thì luôn khịt khịt và dính đầy đất, vì thỉnh thoảng, hắn lại lấy mu bàn tay di di lên cánh mũi.

 Nhìn hắn nặn đất, tôi chợt nhớ đến ông già nặn tò he ở các phiên chợ huyện quê tôi ngày xưa. Có lẽ đó là người tài năng kỳ diệu nhất, mà tất cả lũ trẻ con chúng tôi ngưỡng mộ ngất ngây, suốt thời thơ dại của mình. Từ những miếng bột trắng, đen, xanh, đỏ, tím, vàng… chỉ trong vài phút, đã xuất hiện những con gà, con chim, con chó, con heo, con trâu... sống động như thật. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là các nhân vật trong Tây Du Ký: Một Tôn Ngộ Không láu lỉnh, một Đường Tăng trang nghiêm trên ngựa bạch, một Trư Bát Giới bụng phệ háu ăn, một Sa Tăng lỉnh kỉnh cùng quang gánh. Các nhân vật ấy được đặt trên một miếng bìa cứng cắt hình tròn, giá chỉ có một hào. Bọn tôi năm sáu đứa bòn mót mãi cũng chỉ được tám xu, nên cứ lúng ta lúng túng, như gà mắc tóc. Ông lão như đọc được nỗi khổ tâm của bọn tôi, liền mỉm cười nói: Thôi đưa cho ông, bao nhiêu cũng được. Cầm lấy tò he đi. Chúng tôi cảm ơn ông, rồi bê thầy trò Đường Tăng, chạy đi cùng với những tiếng hò reo dậy đất. Gương mặt mãn nguyện, và nụ cười bừng sáng, của ông lão nặn tò he, vẫn long lanh trong tôi mãi mãi. Bây giờ nhìn cái miệng mím chặt, và gương mặt đăm đăm của Phú Cường, tôi nghĩ bụng: Không biết đến bao giờ thằng này mới cười được đây?

 Nhưng rồi cũng có lúc hắn cười. Đó là lúc hắn chùi đôi bàn tay đầy đất, vào cái quần đùi bộ đôi đã bạc thếch và rộng hết cỡ, mà lúc nào nặn tượng cũng thấy hắn mặc, cao giọng tuyên bố: Được rồi! Ngày mai đổ khuôn thạch cao!

 Tôi cũng vui và háo hức chờ đợi, xem hắn chế khuôn thạch cao như thế nào. Nhưng có lẽ vì bận rộn chi đó, tôi cũng không một lần, tận mắt chúng kiến công đoạn đổ khuôn thạch cao của hắn. Người phụ giúp cho hắn, là anh bạn Đặng Gia Liêu người Thái Bình. Hai thằng hí húi, hì hục như chế bạc giả, cuối cùng thì cũng xong. Hắn mang khoe tôi những miếng cong cong, ghép nhiều miếng vô thì giống như một tượng bán thân trọc lóc, không mắt, không mũi, không tai, không mồm... bảo đó là “Âm bản”. Tôi lạ quá hỏi:

-         Sao lại là âm bản?

-         Thì từ cái này sẽ đúc ra các bức tượng, gọi là dương bản. Hắn giải thích.

-         Sao không gọi là khuôn cho dễ hiểu. Tôi cự lại hắn.

-         Đây là từ “chuyên môn”! Nói với bọn ngoại đạo như mày chán bỏ xừ.

Khi hắn nói đến hai từ “chuyên môn tôi không dám cãi hắn nữa. Tôi thừa nhận mình chẳng hiểu chi về nặn tượng (tôi chỉ biết nặn pháo đất thôi), nên khi hắn nhắc đến hai từ “Chuyên môn”, tự nhiên tôi thấy hai hãi!!!

Từ hai cái “Âm bản” bản này, hắn đúc ra hai bức tượng bán thân Lê nin và Bác Hồ. Hôm hắn “khánh thành” hai tượng bán thân ấy, cả lớp chúng tôi xúm vào xem, trầm trồ khen ngợi, và nhìn hắn với con mắt thán phục. Lúc ấy mặt hắn không còn căng thẳng, tôi nhìn rõ dòng chữ mãn nguyện ghi trên đó: Thường thôi!!!Tôi ngắm nghía hai bức tượng, rụt rè hỏi:

-         Thế các bức tượng này đã có “Cơ bản” và “Thần”… chưa???

-         Cũng tàm tạm.

Tuy trả lời qua quéo, nhưng tôi biết ngay là hắn đang “phê”. Cái dáng đi có vẻ khuềnh khoàng, và đôi cánh tay vung vẩy, cao hơn thường ngày của hắn, đã tố cáo điều đó.

Tuy lăn lộn với đất, thạch cao, nhưng hắn học văn hóa vẫn vào loại khá giỏi của lớp. Đặc biệt là hai môn Sử, Địa. Các bài kiểm tra, bao giờ cô giáo cũng cho hắn điểm mười. Chúng tôi bảo nhau: Thằng này yêu đất với cụ Hồ, cụ Lê nin… nên được đất và các cụ phù hộ. Thỉnh thoảng những ngày chủ nhật, hắn về quê và thế nào lúc trở ra trường, cũng có một ba lô ốc nhồi to tướng, và một gói to cá rô nướng thơm phức. Trong ký ức về Nguyễn Phú Cường, của các cô gái cùng học với chúng tôi, không biết những hình ảnh nào, còn in dấu ấn sâu đậm: Một nghệ sỹ tương lai Phú Cường đầu tóc bơ phờ, phiêu bạc, lấm lem cùng đất cát, trong cái quần đùi bộ đội bạc phếch quá khổ? Những bức tượng? Hay những ba lô ốc nhồi, những con cá rô nướng béo ngậy???

Sang đầu năm lớp Chín, Phú Cường bắt đầu đi học thêm về điêu khắc, tại Ngõ Gạch Hà Nội.

Có lẽ đây là thời gian quan trọng nhất, tạo ra cơ hội để Phú Cường tích lũy kiến thức, để có thể thi đậu vào khoa Điêu khắc, của trường Mỹ thuật Yết Kiêu sau này. Dẫu chúi mũi vào học suốt ngày, nhưng tôi vẫn mường tượng được nỗi vất vả của hắn thuở đó. Một lần, khoảng sáu, bảy giờ chiều, hắn đạp xe về trường, từ lớp học điêu khắc. Mọi bữa hắn vừa đi vừa đánh võng, vừa huýt sáo vang lừng. Nhưng lần này, lầm lũi đạp xe thẳng vào cửa phòng, dắt xe vứt uỵch vào bên xe của tôi, rồi nằm vật ra giường như con cá ươn. Tôi biết là có chuyện liền cà khịa:

-         Bị em nào đá à? Sao mặt mất hết cả máu thế?

-         Mất cả đầu, chứ mất máu còn phúc!

Hắn trả lời trong trạng thái: Tủi thân, buồn bã, tức giận, sụp đổ… trong lòng. Tôi đưa hắn chai nước, rồi hỏi đùa;

-         Lớp mày có án mạng à?

-         Còn hơn cả án mạng! Hôm nay tượng của tao bị thày chém cụt đầu!

Tôi bị câu chuyện của hắn lôi cuốn, săn đón hỏi:

-         Thế cái tượng mày nặn ra, lại không có “Thần”...à???

-         Thần cái con khỉ! Bọn tao đang học chép tượng. Tự nhiên, tao cao hứng làm cái miệng tượng khác đi một tẹo, so với nguyên mẫu! Khi đi kiểm tra, thày hỏi tại sao miệng tượng lại không giống? Tao bảo: Em muốn sáng tạo môt chút, theo suy nghĩ của mình. Tao chưa dứt lời, bỗng ông ấy nổi giận đùng đùng, cầm cái dao chém bức tượng lia lịa. Mỗi một nhát chém ông ấy lại gầm lên: Sáng tạo này... sáng tạo này!!! Chưa vỡ bụng cứt, chưa có cơ bản mà đã đòi bay bổng!!!  

Thì ra vậy! Nghe hắn kể chuyện, tôi lại nhớ đến cái thước lim, của thày giáo dạy tôi hồi lớp vỡ lòng. Dạo ấy, trong giờ tô chữ cái trong vở, tôi đã kéo cái cái đuôi ở bụng chữ g, vượt qua mức quy định, ngoằng qua đầu chữ g về đằng sau cho đẹp. Khi thu vở để chấm, Thày đã gọi tôi lên, bắt úp tay lên bàn, “thưởng” cho ba nhát thước lim (tưởng như gẫy cả hai bàn tay) vì “thành tích” sáng tạo đó. Mường tượng cảnh ông thầy dạy điêu khắc, nổi điên chém tượng của hắn, đến cái thước lim vung lên của thày tôi, nhớ đến những con chim non trọc lóc, ngọ ngậy trong tổ chờ mẹ mang mồi về, tôi sờ bụng hắn rồi phá lên cười sặc sụa. Hắn bị bất ngờ, gạt tay tôi ra, ngồi chồm dậy la lối:

-         Mày bị điên à! Cười gì mà cười?

-         Rồi sau này cũng có lúc, mày sẽ lại chém tượng của lũ học trò thôi.

Tôi vừa lau nước mắt, vừa trả lời. Hắn ngửa cổ tu một hơi nước, rồi lầu bầu:

-         Không biết tao có vào nổi trường không? Nghe nói sang năm, khoa điêu khắc chỉ lấy có năm đứa, mà mấy trăm mạng chen nhau thi, không chết là may lắm rồi. Ngồi đấy mà mơ chém với giết!!!

Sau này, không biết trong hơn mười năm, làm Cục phó Cục Mỹ thuật ( Bây giờ gọi là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) của Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, hắn đã “Chém” bao nhiêu các tác phẩm điêu khắc không đạt chất lượng, và mỗi lần xuống tay, hắn có nhớ đến những nhát chém đầu tiên, mà hắn đã nhận ở Ngõ Gạch, trong những ngày đầu chập chững, bước chân vào nghệ thuật hay không?

Sau vụ “Chém tượng”, tôi thấy Phú Cường lầm lũi hơn. Một buổi tối, hắn không đi học thêm, cũng không thấy hắn mang sách ra học, cứ đi đi lại lại ở đầu hồi của hội trường lớp học, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Biết lại có chuyện, tôi tưng tửng hỏi:

-         Hôm nay thảnh thơi thế nhỉ? Sao không đến lớp Bảo tàng chơi?

Tôi nghe bọn trong lớp kháo nhau, có em nào bên lớp Bảo tàng thích hắn, nên mới kháy vậy. Khi nghe thấy hai tiếng Bảo tàng, hắn liền giãy lên:

-         Vớ vẩn, Bảo tàng bảo tiếc cái gì, tao đang tính nát óc đây!

-         Mày tính cái gì? Tôi quan tâm hỏi.

-         Có thể tao phải thuê “mẫu” mày ạ.

Có lẽ hắn lại dùng từ “chuyên môn” hay sao, mà tôi chẳng hiểu gì cả!

-         Mẫu là cái gì vậy?

Tôi vừa hỏi vừa lo hắn nổi khùng. Nhưng lần này hắn rất từ tốn giải thích:

-          Là thuê một người đến đây ngồi, để tao nặn theo hình thể của họ... ấy mà!

-         Thế đàn bà hay đàn ông? Tôi háo hức hỏi!

-         Đàn... nào cũng được! Nhưng chắc đàn ông. Đàn bà thì ở đây không có phòng riêng, làm sao mà “Nuy” được!

Từ “Nuy” lại chơi cho tôi một đòn choáng váng. Không ngờ cái thằng bạn làng lỗ lươn của tôi, bỗng nhiên lại sử dụng ngoại ngữ sõi đến thế! Tôi gãi đầu gãi tai, cứ định hỏi cho biết, nhưng không sao mở miệng ra được. Hắn đọc được suy nghĩ của tôi, liền lên giọng “Giáo sư” giải thích:

-         Chắc mày không biết “ Nuy” là thế nào chứ gì? Đúng là đồ nhà quê! Nghĩa là mẫu ngồi tạo dáng nhưng không mặc chi cả.

Bị thằng bạn lỗ lươn, chê mình là nhà quê. Tôi nổi cú:

-         Thì bảo là trần truồng cho nhanh, bầy vẽ nuy... với niếc!!!

Hắn thấy tôi cáu, liền nằm ình ra giường, cười phá lên khơ... khơ... khơ, chõ mồm sang hướng tôi nói đểu:

-         Đúng là: Nhân bất học bất tri lý... “Nuy” là từ chuyên môn, tao mới học được ở ông thày dạy điêu khắc mấy hôm trước đấy con ạ!

Hắn lại còn dẫn cả câu chữ Hán nữa, nghe tức như bò đá. Tôi lôi cái thau bẹp dưới gầm giường, hầm hầm đi ra bể tắm tập thể, vừa đi vừa nói:

-         Đúng là đồ con vẹt!

 Hắn bĩu môi:

-         Hôm nay “Đại nhân” lại cáu... kia đấy!!!

Thế rồi một ngày Chủ nhật, hắn cũng lôi đâu về một ông người mẫu thật. Ông này khoảng 55 hoặc 60 tuổi. Là dân lao động chân tay, mặt mũi góc cạnh, cơ thể khá khỏe mạnh. Hắn để ông ấy ngồi trên một cái ghế, trong góc lớp học, bắt quay đầu hết bên này, lại bên kia, mặt nghếch thế này, tay gác thế kia... Tôi ngồi xem cũng thấy chóng hết cả mặt. Có đến gần ba mươi phút quay cuồng, nhà “điêu khắc” vẫn không sao tạo được dáng như ý, ông người mẫu bỗng đứng phắt dậy, cáu kỉnh:

-         Thôi, thôi cậu ơi, tôi xin kiếu. Cậu để tôi ra đi xe thồ cho khỏe, làm nghệ thuật theo kiểu của cậu khó quá!

Tôi suýt thì cười rú lên, nhưng kịp bịt chặt lấy mồm. Nhà điêu khắc vội trấn an:

-         Ấy, ấy... bác cứ bình tĩnh. Vạn sự khởi đầu nan... mà. Thôi giải lao hút mấy điếu thuốc đã.

Tôi chạy về lấy cho họ chai nước. Cái điếu cày lại réo lên như thỏi sắt nung hồng đang nhúng vào nước. Phú Cường như thanh thép đang bị tôi. Lửa, nước, mồ hôi và cả nước mắt mặn chát, lã chã rơi thấm đẫm trên mỗi bước chân, trên con đường đi vào Nghệ Thuật của hắn.        

Tuần đầu tháng Sáu năm 1980, chúng tôi đã thi xong tốt nghiệp cấp Ba. Tất cả các thày cô đã nghỉ hè. Chúng tôi tự quản, và tập trung ôn thi đại học. Tôi, Phú Cường và Bùi Tuấn (người Phú Thọ), mượn được phòng của vợ chồng nhà thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, (là học viên khóa 1, trường viết văn  Nguyễn Du, đã về Huế nghỉ hè) đối diện với lớp học. Chúng tôi chuyển sang đó ở. Để khỏi tỵ nạnh nhau, tôi phân việc cụ thể cho mỗi thành viên: Tôi nấu cơm, Bùi Tuấn đi chợ mua thức ăn, Phú Cường bóc hành đuổi mèo và rửa bát. Hai tên này không rành chuyện nấu nướng, nên rất vui lòng thực thi công vụ được giao.

Đầu tháng Bẩy, kỳ thi thi đại học bắt đầu. Dạo đó quy định về thi cử khác bây giờ. Mỗi thí sinh, chỉ được phép thi vào một trường đại học duy nhất. Phú Cường thi vào trường Mỹ thuật Yết Kiêu gồm bốn môn: Tượng tròn, Phù điêu (gọi tắt là thi các môn năng khiếu), sau đó là Văn và Sử. Các môn năng khiếu thi trước, thời gian là ba ngày. Bữa cơm tối, trước hôm hắn đi thi, tôi lên một thực đơn gồm rất nhiều thứ Đỗ, Đậu, Đỏ... như: Giá đỗ xào lòng gà, đậu phụ sốt cà chua, đậu đũa luộc, rau dền đỏ nấu canh, đậu đỏ nấu chè... mong cho Phú Cường vượt Vũ Môn xuất sắc! Đó là bữa tiệc chiêu đãi “thịnh soạn” nhất, đầy tình cảm bạn bè, có một không hai, trong đời học sinh của chúng tôi những năm đó.

Tuy vậy, hắn vẫn làm bọn tôi hết hồn. Buổi sáng đi thi, tất cả cùng dậy sớm, tôi múc cho hắn một bát con chè đậu đỏ. Nhoắng một cái hắn đã ăn xong, tu một hơi nước rồi nói: Thôi tao đi đây, đi sớm cho thong thả. Chúng tôi bắt chân bắt tay, chúc hắn thi tốt. Tôi còn ra đón ngõ cho hắn nữa. Khi hắn đạp xe ra cổng trường, tôi nhìn đồng hồ tay, mới gần sáu giờ.

Nhưng khi chúng tôi đang lục tục lên lớp, để ôn tập môn Văn, lại thấy hắn hớt hơ hớt hải đạp xe quay về. Chúng tôi chạy bổ về phía hắn, tất cả đều lo lắng cực độ.

-         Tao quên thẻ vào phòng thi.

Phú Cường vừa gào lên giải thích, vừa lao vào trong phòng lục lọi tìm thẻ. Tôi dựng cái xe của hắn lên, nín thở cùng mọi người chờ  đợi.

-         Đây rồi, bố khỉ!!!

Nghe tiếng reo của hắn, tất cả chúng tôi thở phào. Cảm nhận được sự lo lắng của mọi người về sự bất cẩn của mình gây ra, hắn cười váng lên, cố che lấp sự căng thẳng của chính hắn và mọi người:

-         Không sao đâu, tao báo cáo xin phép rồi. Chúng mày đừng lo.

Hắn nhảy lên xe phóng vút ra cổng trường. Tôi lại xem đồng hồ lần nữa: Bẩy giờ kém hai mươi lăm phút. Hắn có hai mươi lăm phút để vượt qua quãng đường định mệnh: Từ trường đến ngã tư Ô Chợ Dừa, qua phố Khâm Thiên, cuối cùng là đường Yết Kiêu. Lúc ấy tôi không thể tính nổi, đoạn đường đó dài bao nhiêu nữa. Lòng tôi tràn đầy lo lắng.

-         Điều quan trọng nhất là nó bình tĩnh, và không gặp trở ngại chi trên đường đi.

Suốt sáng hôm đó, trong buổi học, cả lớp đã không tập trung lắm!

Cuối cùng, kỳ thi đại học cũng trôi qua. Chúng tôi chia tay về quê nghỉ hè, trong lo lắng phấp phỏng. Tôi hẹn Phú Cường ngày 10 tháng 8, cùng về Hà Nội xem kết quả. Đã gần bốn mươi năm trôi qua, mỗi lần nhớ đến khoảng thời gian, chờ đợi kết quả thi đại học đợt ấy, tôi vẫn còn hãi. Dạo ấy, các loại hình thông tin liên lạc cá nhân, hầu như không có. Tôi không dám đi đâu chơi, ngồi nhà đếm từng ngày trôi qua, như ngồi trên đống lửa.

Rồi ngày 10 tháng 8 cũng tới. Tôi nhảy xe khách về Hà Nội. Đón tôi ở bến xe Kim Liên, là cô bạn gái cùng trường. Vừa thấy tôi từ trên xe nhảy xuống, cô ấy đã la lớn: Anh đi Tây rồi! Anh đi Tây rồi! Tôi ù cả tai, người như bị sét đánh, chết lặng. Cái cách nói: Đi Tây... dạo ấy phần lớn mang hàm ý xấu. Nó xuất phát từ tên truyện ngắn “Thế là mợ nó đi Tây”, của Nguyễn Công Hoan. Nghĩa là tôi đã trượt đại học rồi!?!  Khi vào đến trường, tôi chạy bổ đến nhà thầy Vĩnh, chủ nhiệm Hệ Bổ túc văn hóa của chúng tôi. Thầy Vĩnh hồ hởi chúc mừng tôi, báo tin chính thức tôi đã đủ điểm đi học nước ngoài. Hồ sơ của tôi đã được chuyển sang khoa Lưu học sinh, trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Đông. Tôi cảm ơn thầy rồi đi ra ngoài. Lúc đó, tôi không còn là tôi nữa. Tôi như có đôi cánh bay lên vậy. Nhưng chưa kịp định thần bay đi đâu, tôi đã thấy Phú Cường, phi xe từ trên dốc cổng trường lao xuống, trên lưng vẫn cái ba lô muôn thuở của hắn. Tôi đang định khoe kết quả của mình, thì hắn đã giơ tay bắt tay tôi:

-         Chúc mừng mày đi Tây nhé!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

-         Mày biết từ đâu vậy?

-         Hãng thông tấn vỉa hè bà Duẩn.

Hắn cười một tràng đắc ý.

Trời ơi! Có thế mà tôi cũng quên đi mất. Ở cái đất Hà Nội này, biết bao chuyện từ thâm cung bí sử, đến những việc động trời như: Chuẩn bị thay đổi nhân sự ở bộ chính trị Liên Xô, sắp đổi tiền ở Trung Quốc... đều có thể cập nhật một cách chính xác thông qua các kênh thông tấn “quán cóc” vỉa hè mà!

-         Thế có tin gì về kết quả của mày chưa?

Tràng cười của hắn tắt ngủm. Mặt hắn lại căng như dây đàn. Tôi cũng không dám cười nữa, giục hắn:

-         Thôi, bọn mình đạp ra trường của mày xem sao!

Nó yên lặng đạp xe chở tôi. Quãng đường một hai cây số mà ngỡ dài vô tận. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới số 42 Yết Kiêu. Cả sân trường đã đông nghẹt, mọi người chen chúc, xô đấy nhau trước tấm bảng có dán bản thông báo kết quả thi đại học. Nhìn đám đông, Phú Cường như sợ hãi, hắn bảo:

-         Tao trông xe, mày chen vào xem sao.

Với dũng khí của một kẻ đã đỗ đại học, và sự nóng ruột sôi sục cho thằng bạn, tôi chen vào đám đông với tất cả sức mạnh. Nhưng cả cái biển người kia, nó còn mạnh hơn tôi gấp hàng tỷ lần. Hơn mươi phút, tôi đành chui ra với cái áo ướt sũng mồ hôi. Thấy mặt tôi, Phú Cường gọi toáng lên:

-         Thế nào, có thấy tên tao không?

-         Không, tao...

-         Không là thế nào???

Hắn cướp lời tôi, hỏi như hụt hơi, như của một kẻ sắp chết. Tôi thở dốc mấy cái mới trả lời được;

-         Là tao không chui vào được, bọn nó chen kinh lắm!!!

-         Giời ơi, mày làm tao phát khiếp. Thôi mày đứng đây để tao!

Có lẽ đã hết cả sợ hãi, nó chen vào đám đông một cách điên cuồng. Thở một lúc đã bớt mệt, nhìn đám đông vẫn chen nhau cuồn cuộn, tôi thấy oải làm sao. Có lẽ đã mười lăm phút trôi qua, mà không thấy bóng dáng Phú Cường đâu, nỗi lo lắng lại kéo đến.

-         Đỗ rồi, tôi đỗ rồi!

Tôi giật mình khi nghe tiếng gào váng lên, át cả tiếng ồn ào của đám đông. Tiếng gào ấy rất giống tiếng của nó, nhưng nhìn mãi không thấy người đâu. Tôi nhảy lên cái ghế đá để nhìn cho rõ. Đúng là tiếng nó thật. Phú Cường kia rồi. Nó cởi trần, tay cầm áo huơ huơ trên không, đầu tóc dựng đứng, mặt sáng trưng, rạng rỡ cùng những dòng mồ hôi nhỏ giọt, chui từ đám đông ra, vừa chạy vừa la: Đỗ rồi, đỗ rồi, tôi đỗ rồi... Tôi thấy hàng ngàn cặp mắt nhìn hắn như thèm muốn, như khen ngợi, như ghen tỵ. Còn tôi, tự nhiên như mất hết năng lượng. Người như khối băng tan ra dưới ánh nắng mặt trời. Sức ép của ba năm học cật lực, bây giờ đã xô tôi đổ. Tai tôi chỉ còn nghe thấy âm vang òa vỡ: Đỗ rồi, đỗ rồi... của Phú Cường. Tôi như bay lên, tan vào bầu trời biếc xanh, nồng nàn của mùa Thu Hà Nội.

... Một buổi sáng, khoảng đầu tháng Tư năm 2014, tôi nhận được tin nhắn từ Phú Cường:

-         Lúc 9 giờ sáng thứ Ba và thứ Sáu tuần này, VTV3 phát một chương trình về tượng của tao. Mày xem nhé.

Tôi vội chuyển tin nhắn ấy, cho tất cả những bạn bè, mà tôi có số điện thoại. Tôi đã chăm chú xem cả hai lần. Hôm đang xem lại lần thứ hai, thằng cháu tận Quảng Ninh gọi điện vô:

-         Ông ơi, ông xem VTV3 đi, đang chiếu phim về ông Phú Cường và nhiều tượng đẹp lắm.

Rồi điện thoại của anh bạn từ Hà Nội:

-         Xong! Ba mươi phút về sự nghiệp của điêu khắc gia Nguyễn Phú Cường. Ông thấy thế nào? Đã gửi lời chúc mừng nhà điêu khắc của chúng ta chưa?

Chúc mừng thì hiển nhiên rồi. Mọi thành tựu của bạn bè đều đáng trân trọng. Nhưng còn “thấy thế nào”... thì thật khó trả lời ngay. Với nghệ thuật, nhất là với các tác phẩm mỹ thuật (điêu khắc, hội họa...) làm sao mà có thể bảo hay, hoặc dở... phứa đi được kia chứ!!!

Chương trình ba mươi phút, về nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, là một phóng sự về văn hóa, nghệ thuật do kênh VTV3 của Đài truyền hình Việt nam thực hiện. Phóng sự khá công phu, kết hợp phỏng vấn trực tiếp tác giả, và đan xen chiếu một loạt các tượng đài mà Phú Cường đã thực hiện, trên mọi miền đất nước. Qua phóng sự, tôi như biết được hầu hết các tác phẩm lớn, mà bạn mình đã làm, trong mấy chục năm qua. Đó là Tượng đài chiến thắng, tại thành phố Biên Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh. Tượng Bác Hồ năm 1946. Tượng Nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng. Tượng Mẹ con tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam. Tượng Hòa Bình ở công viên Hòa Bình Hà Nội. Tượng Đàn và tượng Tưởng niệm... đặt tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam... Đặc biệt hai tác phẩm: Tượng đài chiến thắng và Đàn đã mang về cho Phú Cường, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Xin chúc mừng ông bạn Phú Cường làng Lỗ Lươn của tôi, với những thành tựu trên. Không chỉ có tôi vui mừng mà còn cả gia đình nhà tôi, cùng mừng vui cho hắn. Chỉ cần nhắc lại cuộc điện thoại của thằng cháu tôi, là thấy ngay nỗi hoan hỉ đó: Ông ơi! Ông xem ngay VTV3 đi, đang chiếu phim về ông Phú Cường và nhiều tượng đẹp lắm!!!

Những tác phẩm xuất hiện trên phóng sự, tôi biết không phải là tất cả nhưng tác phầm của Phú Cường. Nhưng tất nhiên, chúng là những đại diện mang tính tiêu biểu. Dẫu đã mấy chục năm trôi qua, mặc dù đã đi Đông đi Tây, học qua trường này, lớp nọ. Nhưng khả năng hiểu biết về điêu khắc của tôi, cũng chẳng khá hơn là bao nhiêu, so với lúc, tôi ngồi chồm hỗm ở bờ hè xem Phú Cường, nặn tượng Lê nin và Bác Hồ, vào cuối những năm bẩy mươi của thế kỷ trước.

Nhưng không hiểu sao, tác phẩm: Tưởng niệm... cứ ám ảnh tôi mãi không nguôi. Tôi dùng hai từ ám ảnh, hình như không được chính xác lắm, khi mô tả sự đặc biệt mà nó tác động đến tôi. Nhưng tôi không biết thay chúng bằng cụm từ nào cho thích hợp. Đó là tượng một bà mẹ Việt Nam, không mặt, không lồng ngực. Người ta nhận ra bà Mẹ bởi cái dáng phụ nữ do lá cờ Tổ Quốc phủ từ trên đầu, xuống tận chân, như một cái khăn choàng lớn tạo ra.

Phần thiếu của bức tượng, gây cho tôi một cảm giác thật lạ. Cái cảm giác này tôi đã gọi là “Ám ảnh” ở trên kia. L thường, thì chỉ có khuôn mặt cụ thể của con người, mới có khả năng biểu cảm rõ nét nhất, nội tâm bên trong của mình. Nhưng ở bức tượng này lại không có. Thay vào đó, là đôi cánh tay giữ chặt lấy cái mũ, có ngôi sao năm cánh, màu đỏ của người lính. Ở đôi bàn tay giữ chiếc mũ, tôi cảm nhận thấy rất nhiều, các cung bậc tình cảm khác nhau: Như nâng niu, chờ đợi mỏi mòn, như ghì chặt quặn thắt, như che chở yêu thương. Là một người đã đi qua chiến tranh, là con dân đất Việt, tôi hiểu đến tận cùng nỗi khổ cực xót xa, của các bà mẹ Việt Nam phải chịu đựng. Đất nước đi qua mấy ngàn năm, dựng nước và giữ nước. Những người cha, người chồng, những đứa con trai, lần lượt chia tay những người phụ nữ yêu quý, nối nhau bước vào những cuộc chiến miên man và khốc liệt, để giữ nước. Nỗi khổ đau, vất vả dồn hết đôi vai, và nét mặt của các bà mẹ Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Với những suy nghĩ ấy, tôi bỗng như nhìn thấy rất nhiều các gương mặt, của các bà Mẹ Việt Nam trùng trùng lớp lớp, hiện lên trong phần còn thiếu của bức tượng: Gương mặt như hào quang tỏa sáng của Mẹ Âu Cơ, khi sinh trăm con trong bọc, tạo ra dân tộc Lạc Hồng, trong buổi đầu khai thiên lập địa. Gương mặt oai phong lẫm liệt của bà Trưng, Bà Triệu khi cưỡi voi ra trận. Gương mặt chờ đợi mỏi mòn, đến hóa đá của người Mẹ Vọng Phu. Gương mặt rắn rỏi “Còn cái lai quần cũng đánh” của chị t Tịch. Gương mặt kiên cường của Mẹ Suốt Quảng Bình, của Mẹ Thứ Quảng Nam và hàng ngàn, hàng vạn các bà mẹ Việt Nam anh hùng khác. Trong đó có cả gương mặt của Mẹ tôi.

Có những lúc, khi chăm chú nhìn vào ngôi sao, trên cái mũ của người lính, tôi thấy ngôi sao hóa thành những ngọn lửa bừng sáng lung linh... Ngọn lửa ấm nồng mênh mông tình Mẹ, chan chứa yêu thương, che chở cho những đứa con nơi sa trường bão tố. Ngọn lửa rực cháy của lòng căm hận sục sôi đối với bọn cướp nước man rợ. Ngọn lửa truyền thống bất khuất của cả dân tộc Việt, đời đời bất diệt. Ngọn lửa ấy rực cháy, trên những lá quân kỳ chiến thắng, của dân tộc Việt hôm qua, hôm nay, và mãi mãi mai sau. Tất cả sắc màu của ngọn lửa ấy, ủ trong đôi tay, ủ trong lòng, trong trái tim của những bà Mẹ Việt Nam, trong lòng đất Mẹ Việt Nam kiên cường, bất khuất.

Tôi cứ tự hỏi: Trên thế giới này, có bao nhiêu những bức tượng vinh danh các bà mẹ anh hùng? Chắc nhiều lắm. Thời ở nước Nga, tôi đã đôi lần, được chiêm ngưỡng bức tượng vĩ đại, kỳ quan của nước Nga: Mẹ Tổ Quốc kêu gọi... sừng sững trên đồi Mamaev thuộc thành phố Volgagrad xa xôi. Với chiều cao tổng thể đến 87m, người mẹ Nga tay phải vung cây kiếm cao vút, chọc thẳng lên trời xanh, đầu và tay trái nghiêng về phía sau, thét gọi các con mình lao vào trận đánh quyết tử năm 1942 với bầy phát xít bạo tàn, bảo vệ thành phố thân yêu, giáng một đòn trí mạng vào sức mạnh cuộng bạo của Hitle, mở ra một thế trận mới cho Hồng quân Xô Viết, thế trận phản công tiến đến thắng lợi cuối cùng.

Đứng trước tượng đài: Mẹ Tổ Quốc kêu gọi... Tôi hình dung ra cả một trận đánh long trời lở đất, một chiến công vang dội của ý chí Nga, của đất Mẹ Nga bất diệt.

Còn đứng trước bức Tưởng Niệm, một bức tượng chỉ cao hơn một mét, tôi lại như hình dung ra cả dòng chảy thao thiết, của lịch sử dân tộc Việt. Lịch sử đấu tranh không mệt mỏi vì sự tồn vong của dân tộc. Dòng chảy luôn rực lửa chiến tranh, thẫm đẫm nước mắt của những người mẹ. Nhưng tất cả nước mắt, khổ đau ấy đã hóa thành nguồn dinh dưỡng vô tận, nuôi lớn ngọn lửa hờn căm và bách chiến bách thắng muôn đời cho đất Việt thân yêu.    

Tôi không biết các nhà mỹ thuật, đánh giá bức TƯỞNG NIỆM như thế nào?  Riêng tôi, tôi hiểu được nó, và nó cho tôi những rung cảm sâu sắc, về giá trị thẩm mỹ, và những giá trị nhân văn cao cả, mà nó chuyên chở.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại lời của Phú Cường nói với tôi mấy chục năm về trước: Vô hồn, đó chỉ là bản sao thôi. Làm sao phải có cái “Thần” trong đó... Tôi đã nhận ra cái thần của Tưởng niệm, không biết nhận thức về Mỹ Thuật của tôi đã khá hơn chút đỉnh, hay tài năng của Nguyễn Phú Cường đã tỏa sáng. Tôi không biết nữa. Nhưng tôi thực sự hạnh phúc về cả hai điều đó.

                  Huế 11/06/2014, Hoàng Thảo Chi


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66168201

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July