Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 03/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  VĨNH BIỆT MỘT NGƯỜI CON ĐẤT MẸ VỚI NHỮNG ĐIỀU DANG DỞ...- Cao Khánh Thu VĨNH BIỆT MỘT NGƯỜI CON ĐẤT MẸ VỚI NHỮNG ĐIỀU DANG DỞ...- Cao Khánh Thu , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nhân 100 ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiến -

Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga

Nguyên TBT Tạp chí Người bạn đường

(Tiếng nói của Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga),

BBT Nguoixunghekiev.vn trân trọng giới thiệu cùng độc giả

bài viết của tác giả Cao Khánh Thu - Báo người Hà Nội.

Bài viết là tình cảm chân thành, là nén hương lòng gửi tới người đã khuất!

Tác giả Cao Khánh Thu - Báo Người Hà Nội

Sinh năm 1987 tại Sơn Cương - Thanh Ba - Phú Thọ

 

Cách đây hơn một năm tôi có viết một bài cảm thơ Nguyễn Đình Chiến, lúc bấy giờ nhà thơ vẫn khỏe mạnh và hoạt bát lắm, ngày đó tôi cũng mới làm quen và đọc một vài tác phẩm  như “Giấc ngủ trẻ con làng chài”, “Rừng Lào”… tôi còn nhớ rất rõ cái ngày tôi gửi bài lên ban biên tập, khi biết tôi viết là về nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, nhà thơ /Trưởng ban biên tập thơ Báo Người Hà Nội - Nguyễn Việt Chiến đã gọi tôi lên, ông hỏi tôi tại sao? Tôi nói vì cháu thấy thơ của ông hay. Lập tức nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhăn chân mày nói tôi rằng: “Cháu có biết đây là ai không? Đây là một nhà thơ lớn, một con người lớn… cháu không thể viết đơn giản chỉ là vì cháu thích được đâu…” Và ông yêu cầu tôi về tìm hiểu kỹ viết lại một bài báo khác.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến

Lúc đó tôi ấm ức vì nghĩ đến cả đêm hôm qua đã thức trắng để viết bài. Nhưng quả thực sau đó, tôi đã phải cảm ơn nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vì lời khuyên của ông. Ngay chiều hôm đó tôi tới gặp nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, sau bữa cơm, tôi được ngồi nói chuyện cùng ông, tôi không thể ngờ một cựu Tổng biên tập tạp chí Người Bạn Đường, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, người đạt giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ lại có một cuộc sống bình dị, đơn sơ đến thế. Vận mộtchiếc áo trấn thủ (tôi đoán là vì ông yêu màu xanh đó nên có thể ông còn nhiều chiếc áo trấn thủ khác nữa), ông nói ông rất thích ăn cháo đậu xanh và món muối vừng vợ ông làm, chỉ cần hai thứ đó nuôi ông sống, ông không cần sơn hào hải vị gì cả. Tôi có diễm phúc được ông tặng hai tuyển tập thơ  “ Hoàng Hôn Nhớ” và “ Vầng Trăng Trên Tuyết”. Ông nói khi tôi đang lật từng trang thơ: “Cái thời của bác nó đã qua rồi, bây giờ nhịp sống hiện đại bác không theo kịp được nữa, có nhiều khi bác cứ sống với cái hồi ức thì mới thấy đầu không đau, nhưng cứ bế tắc mãi như thế kể cũng thật tội cho vợ con…”. Ông bảo ngày còn bé tí ông đã yêu thơ rồi, khi 17 tuổi nhập ngũ, ông đã viết thơ tình, và những ngày đi chiến đấu là những ngày ghim sâu trong trái tim ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Có nhiều đêm ông thức giấc trong tư thế trườn mình chiến đấu, mồ hôi vã khắp người miệng hô to “xung phong”. Ông cười bả lả trong ánh mắt hiện lên một thời quá khứ đầy gian khổ mà oai hùng. Ông nhã hứng đọc lại một đoạn của bài thơ Rừng Lào cho tôi nghe:

 Đây biên giới chao ôi màu nắng Việt!

Gửi theo chim lớp lớp tới rừng Lào

Thương ai đó giữa rừng đi mải miết

Ngọn le vàng như phất nắng lên cao.

 

Vẫn nguyên vẹn rừng ơi rừng chung thuỷ

Xa Trường Sơn thương nhớ đã bao ngày

Đời chiến sĩ nuôi lớn hồn thi sĩ

Người yêu rừng lại về với rừng đây.

 

Xin được đến với cội nguồn thương nhớ

Quá khứ ư?Quá khứ đã xanh chồi

Nhưng dấu võng lặn sâu vào thớ gỗ

Thành hương trầm thơm suốt cuộc đời tôi…

Đêm đó khi về nhà tôi lặng lẽ đọc gần hết hai tuyển tập thơ ông tặng. Đọc đến những đoạn nhận xét của các nhà thơ tên tuổi:  Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật… tôi mới biết, mình đúng là “ếch ngồi đáy giếng”. Trong khi bài tôi viết chỉ đưa ra những câu bình thơ ở mức cảm nhận cá nhân, còn bài bình của các tác giả trên đều đi sâu vào nhân cách và đặc biệt là làm nổi bật lên cái riêng mà chỉ thơ Nguyễn Đình Chiến mới có.

Đọc thơ nhận ra người, tôi thấm thía những lời này của nhà thơ Trần Đăng Khoa “Thơ Chiến trước hết là thơ của một tấm lòng. Đọc anh, người ta có thể quên thơ mà nhớ đến tấm lòng. Đó là lòng nhân hậu, giầu tình thương. Thương người. Thương đời. Thương cả chim muông, hoa cỏ. Một người như thế, không thể ác được. Ai có dịp sống với Chiến, tiếp xúc với Chiến sẽ rất dễ dàng hòa nhập với thơ anh. Tính anh ồn ào, sôi động. Nguyễn Đình Chiến là người của những quảng trường. Con người anh, đúng như cái chân dung mà anh tự họa”

“anh người lính quen đi nhanh bước mạnh

 quen mưa to gió lớn những phương trời”

Và nhà thơ Xuân Diệu  cũng đã từng thốt lên rằng “Ồ, đây mà là thơ ư? Đây là tình cảm. Tình cảm của cậu này mãnh liệt lắm. Mãnh liệt đến không thể kìm giữ được, cứ tràn ra cả lề giấy” . Nhà thơ Xuân Diệu đặc biệt dành thời gian và tâm huyết nghiên cứu tận cùng sự xúc cảm thực nơi thơ Nguyễn Đình Chiến. " Nguyễn Đình Chiến có một giọng chân thành rất quý báu. Thời đại nào cũng vậy không có ít những bài thơ "cố làm ra" hầu như không có những rung động thực, khiến người đọc xong phải đem sự hờ hững mà đáp lại.Thậm chí trở nên hoang mang về khái niêm "thơ". Thơ cũng như tình yêu có thể mang nhiều tính từ, nhưng có một tính từ làm nền tảng là thành thật, là chân thực cũng như nước có thể mang nhiều tính từ, có thể là trong, là đục, là sạch, là bẩn... nhưng nhất định không thể là khô. Bạn đọc đã khổ tâm rất nhiều với những thứ thơ không có chân cảm. Nay đọc một bài như "gặp lại các em", cảm thấy cái lẽ lớn của thơ là nhân tình. Khi chân cảm kết hợp với tài thì nói như Laphongten (1621- 1695 nhà viết thơ ngụ ngôn đại tài của Pháp) "Tôi công phu lắm mới làm nên những câu thơ dễ". Sự nung nấu là ở bên trong nung nấu rồi, thì hơi thơ thoải mái dễ chinh phục lòng người:

Cho anh về sống lại những đêm

Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc

Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất

Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em

Vẫn còn đây tiếng hát hồn nhiên

Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác

Cả tiểu đoàn tràn qua sông ào ạt

Em đập sóng thia lia cho dậy ánh trăng vàng..

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gặp ông, chưa biết ông là ai, chỉ biết có một bác tầm ngũ lục đang ngồi chờ ở phòng khách của tòa soạn. Ngày đó mới ra trường  đi làm, bài tôi viết nhận lời nhận xét không tốt, cảm  giác tủi thân nghẹn ngào, tôi cứ đứng ngoài hành lang khóc thút thít, bỗng tôi thấy ông xách chiếc cặp đi ra, giọng trầm trìu mến ông bảo tôi: “Cháu à! Ở đời còn nhiều điều tốt đẹp lắm, cháu còn trẻ thì phải biết phấn đấu, họ có phê bình là tốt cho cháu đấy. Như các bác đây, văn thơ đã cả cuộc đời mà còn chưa hết lỗi. Thôi thì cứ cố gắng trau dồi, ngòi bút là thanh gươm chiến đấu phải mài cho thật sắc đấy cháu à!”

Lời khuyên ấy đã khiến tôi có cái nhìn cặn kẽ về con đường mình chọn: Nghề viết. Tôi đem theo  lời khuyên của ông làm hành trang cho những bài viết về sau. Chính từ đó tôi đã có được cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu sâu về cuộc đời nhà thơ Nguyễn Đình Chiến và phần nào thấu hiểu những tâm tư tình cảm, trong quá khứ và hiện tại mà nhà thơ đang trải qua. Sống với những miền ký ức đẹp và rồi lại đối diện với hàng loạt những thói tham lam ích kỷ của đời thường, nhà thơ đã nhiều lần rơi vào “bế tắc”. Tình yêu trong quả tim ông càng lớn lao bao nhiêu thì những con người thậm chí là cả những người thân, những bạn bè tưởng là tốt đẹp lại thừa sức lợi dụng ông, cho đến một ngày, trái tim ông kiệt sức. Ông đã có những thời khắc vùi mình trong đau khổ và trốn tránh vì người thân hiểu lầm. Thẳm sâu trong tâm can ông chưa bao giờ muốn thế, người ta tham tiền tài và danh vọng, còn ông lại tham lòng trắc ẩn. Bởi lẽ đó, những kẻ lợi dụng ông lại càng có cơ hội đục khoét tình cảm, đục vào sâu tâm can ông. Chẳng thế mà, suốt bao năm tháng trở về cố hương, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến vẫn chưa cho mình được một tuyển tập in riêng theo đúng ý ông. Bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu sự cần cù nếm trải, tất thảy ông đau đáu gửi vào mạch thơ đến phút cuối vẫn ngổn ngang trăm mối. Tấm chân tình thơ ấy, những bản trường ca còn dang dở ấy, chắc chắn sẽ được chắp cánh vì nhân cách và tài năng của một nhà thơ sống chết vì nó. Tôi tin điều đó bởi sống với ông còn có những người bạn thực sự, họ là cây thơ giàu tình nghĩaTrần Đăng Khoa, họ là người bạn đường Phạm Công Trứ, Châu Hồng Thủy,Vũ Xuân Hương, Nguyễn Huy Hoàng... Và có lẽ không ai hiểu ông bằng người vợ sớm tối bên cạnh lo lắng, chăm sóc, người đã hi sinh cho ông và các con trọn cuộc đời. Hơn ai hết ông hiểu điều đó, thế mà vì những lí do khách quan mà đã nhiều lần ông vô tình làm tổn thương người vợ. Để khi gần xa mãi ông mới nghẹn ngào trong lá thư lời trăn trối “Việc anh ra đi là số phận. Xin em tha thứ vì đã làm tổn thương em quá nhiều.... anh tự hào về em và hai con”.

Hôm nay khi ngồi nhớ lại những ngày tháng ông còn trên cõi đời, tôi lại một lần nữa lăn dài hai gò má giọt nước mặn nóng, tôi biết khi ông ra đi ông đã hối tiếc lắm những gì trên mặt đất. Hẳn là ông còn nhớ lắm:

Chao ôi trăng sáng còn ngây ngất
Một góc vườn xưa vẫn tỏa hương

Và hẳn ông xót xa lắm?

Vô tình ai có chăng hay
Quê nhà tôi đã heo may rải đồng
Cơm thường bữa có vơi không
Em còn mua cốm làng Vòng cho con…

Ông thương không?              

Ôi chiều nay mưa có về xứ cọ
Mưa có làm ướt áo mẹ già ta

Ở nơi ấy ông lẻ loi hay đã có bạn? Ông có nhớ những vần thơ ông viết vào lúc này như mũi dao khứa vào tim những người thương đang phải chịu nỗi đau mất ông, chính bởi cái sự tài hoa trong thơ của ông.

Bụi trần xa cách từ lâu
Người về có vợi nỗi đau nhân tình...

Sắp kỷ niệm tròn 100 ngày mất của ông, phải chăng đồng đội của ông muốn đón ông về với nhữngcánh hoa hồi phủ thơm mặt đất”, về với  “Những đứa em chung chiến hào giữ đất”. Và khi “điều ấy đến bên tôicó lẽ ông đang thỏa mãn bởi tâm nguyện trở về với lòng đất quê hương, vớidòng sông hoa sở trắng bên đồi”…

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến thăm di tích Điện Biên

Và bao giờ  điều ấy đến bên tôi;

ôi nếu vậy xin được về xứ sở.

 có dòng sông hoa sở trắng bên đồi

có giọng hát của những người trèo cọ

mang yêu thương khao khát gửi lên trời”

Xin trọn đời yêu mến làng quê
Nơi sinh những nhà thơ trên trái đất
Nơi quá khứ cha ông gần gũi nhất
Nơi trăng sao tối tối rủ nhau về...

Xin được thay lời của Edward Bulwer- Lytton  liên tưởng về ông cho đoạn kết!:“Chúng ta được sinh ra bởi một định mệnh cao cả hơn bất cứ sinh vật nào trong thế giới này, trên một xứ sở mà ánh cầu vồng không bao giờ phai; những vì sao trải dài vô tận như những hòn đảo ngủ say trên đại dương bao la, và là nơi những người lữ khách đi qua để lại những chiếc bóng còn mãi theo năm tháng .

Tác giả bài viết: Cao Khánh Thu - Báo Người Hà Nội

BBT Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 12/05/2014

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66253930

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July