Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP - Thơ Hữu Thỉnh, Lời bình Vương Trọng BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP - Thơ Hữu Thỉnh, Lời bình Vương Trọng , Người xứ Nghệ Kiev
 

BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP


  

             Ảnh nguồn - Internet


Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra.

Màu xanh – sân cỏ xanh mải miết
Quây quần đồng đội đến vui chung
Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng

Khách thường: thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây

Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
Chia thêm Tổng-thống-nguỵ-đầu-hàng

Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi

Bỏ lại đằng sau bao trận đánh
Kịp vào thành phố sáng tên Người
Độc lập theo trăng vào cổng chính
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!

Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.

Hữu Thỉnh
(Rút trong tập “Nửa thế kỷ thơ”, nhà xuất bản QĐND, 2006)


Có những bài thơ gắn liền với sự kiện lịch sử, có thể là một khoảnh khắc, có thể là cả một giai đoạn. Với những bạn đọc cùng thời với tác giả, bài thơ nhắc họ nhớ lại những khoảnh khắc chẳng thể nào quên hoặc một giai đoạn đáng nhớ; còn đối với thế hệ bạn đọc lớn lên sau này, bài thơ không chỉ đem đến cảm hứng thi ca, mà cung cấp cho họ hiểu biết ít nhiều về sự kiện lịch sử đó. “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” của nhà thơ Hữu Thỉnh là một bài thơ như thế. Dù tác giả không nói cụ thể chiều nào, nhưng ai cũng biết đó là chiều 30 tháng tư năm 1975, một trong những ngày vĩ đại nhất, đáng nhớ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Tôi từng đặt câu hỏi với bạn bè và đồng đội: “ Với anh (chị), ngày nào hạnh phúc nhất”? Và nhận được rất nhiều câu trả lời là ngày 30 tháng Tư năm 1975! Những ai đã từng tham gia cuộc chiến tranh dai dẳng, kéo dài suốt mấy chục năm trời với bao gian khổ, tổn thất, hy sinh mới thấy được ý nghĩa của ngày toàn thắng. Ngày toàn thắng là ngày hạnh phúc nhất của hàng chục triệu con người là một điều hiển nhiên. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng mang niềm hạnh phúc đó, lại có thêm niềm vui, niềm tự hào, chính binh chủng xe tăng của anh là những người đầu tiên tiến vào và cắm cờ trên dinh Độc lập của nguỵ quyền. Anh không viết về chuyện xe tăng hùng dũng húc tung cánh cổng sắt tiến vào dinh, anh không viết về người lính xe tăng cầm lá cờ Giải phóng chạy lên cắm lên chót đỉnh chót vót…Anh viết về bữa cơm chiều của đơn vị, của lính xe tăng khi Sài Gòn mới về ta mấy tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ rằng, nhà thơ, người lính xe tăng Hữu Thỉnh viết bài thơ này, trước hết nói niềm hạnh phúc của mình, của đơn vị mình trong ngày đầu giải phóng. Đọc bài thơ ta cũng biết được đơn vị xe tăng của anh, cụ thể là Lữ đoàn 203 đã hành quân đánh giặc từ ngoài bắc vào theo đường số Một:
Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây
Hoặc: Xích còn vương đất đỏ Phan Rang…
Không những thế, anh còn cho biết binh chủng Tăng thiết giáp đã thực hiện mệnh lệnh của Tổng tư lệnh: “ Thần tốc, thần tốc hơn nữa…” là “Bỏ lại đằng sau bao trận đánh”!
Những ai từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm đó thì thật dễ hiểu câu thơ này. Với tương quan thế và lực hoàn toàn có lợi cho ta, để mau chóng tiến tới cái đích cuối cùng, chúng ta hành quân thần tốc, bằng cách bỏ qua những căn cứ, đơn vị nhỏ của giặc cạnh đường hành quân, nếu chúng không làm trở ngại cuộc tiến công của ta.
Một lý do nữa, theo tôi, để nhà thơ Hữu Thỉnh viết bài thơ này là anh muốn nêu nét tương phản giữa quang cảnh, tiện nghi thành phố với hoàn cảnh dã chiến quen thuộc của người lính. Chính câu thơ đầu tiên anh đã nếu điều đó: “ Cơm dã chiến nầu bằng bếp điện”. Nồi quân dụng của lính quen với bếp Hoàng Cầm giấu khói, quen với củi rừng, nói chung là bếp dã chiến, thì ngày đặc biệt này nấu bằng bếp điện. Màu xanh tươi của rau muống cũng làm lính ngạc nhiên, vì lính ta trong những chặng đường hành quân đánh giặc thường ăn lương khô, thịt hộp và nói chung là thiếu rau. Nếu có rau cũng là rau để lâu ngày vàng úa, nên chiều nay “ Rau muống xanh như hái tự ao nhà” làm anh ngỡ ngàng. Anh còn ngỡ ngàng với “màu xanh sân cỏ xanh mải miết”.Thế đấy, có những thứ quá quen thuộc với người thành phố thì lại làm ngạc nhiên người lính .
Bản thân tôi cũng đã được ăn cơm trong dinh Độc lập đầu tháng Năm năm 1975. Bữa cơm đó không có gì đáng nhớ vì người mời tôi là anh bạn công tác trong Phái đoàn Bốn bên. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh “ăn bữa cơm ở đích cuối cùng” này thì không thể quên được. Bữa cơm chiều của lính tăng có phần nào giống như bữa cơm gia đình, có chủ, có khách. Chủ là lính tăng thì rõ rồi. Khách có khách thường và khách đặc biệt:
Khách thường: thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Nhà thơ nhắc đến “khách thường” này không ngoài mục đích để bạn đọc hiểu thêm hành trình của đơn vị xe tăng. Còn khách đặc biệt là ai đó:
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
Chia thêm Tổng-thống-nguỵ-đầu-hàng.
Thực ra thì đến chiều 30 tháng Tư, Tổng thống đầu hàng Dương Văn Minh không ở dinh Độc lập nữa, và nếu có ở đó thì cũng không ăn cơm cùng lính xe tăng, nhưng tác giả bài thơ muốn nhấn mạnh một sự kiện lịch sử trọng đại: ở dinh độc lập này, ngày hôm đó, có tổng thống nguỵ đã đầu hàng. Câu thơ “Chia thêm Tổng-thống-nguỵ-đầu-hàng” cũng còn một cách hiểu khác: Quanh mâm cơm lính ta nói chuyện đầu hàng của Tổng thống nguỵ, nên tác giả hóm hỉnh gọi chuyện này như một “món ăn” mà anh nuôi đã chia thêm vào!
Có một điều đáng chú ý ở bài thơ này là mặc dù viết về bữa cơm, nhưng tác giả không chú ý đến chuyện ăn, như tất cả lính ta ngày ấy: vui quá quên ăn. Rau muống ở câu thứ hai bài thơ, tác giả nhắc đến, theo tôi, ít vì nó là thực phẩm, mà vì màu non tươi khác thường của nó. Cuối bài thơ có nói đến bát canh, cũng như thế, không phải để ăn, mà để ngỡ ngàng về “bát canh ngày hẹn”. Viết về bữa cơm nhưng tác giả không hề nói đến khẩu vị, mà toàn thị giác. Lính ngồi bên mâm cơm, không ai chịu gắp, chỉ ngắm trời, vì:
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi.
Tôi may mắn có mặt ở Sài Gòn ngay sau khi miền Nam được giải phóng. Những ngày đó vì vui quá, chúng tôi đi hết chỗ này đến chỗ khác mà không để ý đến chuyện ăn, cuối ngày không nhớ mình đã ăn những gì, thật giống những người lính tăng trong bữa cơm chiều đặc biệt này.
Đây không phải là bài thơ hay nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhưng là bài thơ gắn liền với sự kiện lịch sử nhất của anh. Ở bài thơ này ta gặp lại thi pháp quen thuộc của nhà thơ, đặc biệt là câu: “Độc lập theo tăng vào cổng chính”, vừa chơi chữ tài tình, vừa nói được ý nghĩa lớn lao mà cuộc tiến công của lính xe tăng nói riêng, quân đội ta, nói chung, đã đem lại.
4- 2012
Nhà thơ Vương Trọng - Hội nhà văn Việt Nam

BBT Nguoixxunghekiev.vn - Ngày đăng 30/04/2014

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66337337

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July