Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  VỀ CÙNG NƯỚC VIỆT CỦA TA* - Lê Huy Mậu VỀ CÙNG NƯỚC VIỆT CỦA TA* - Lê Huy Mậu , Người xứ Nghệ Kiev
 

фотография Huy Mau Le.                                                   

(Đọc canh ngọn đèn đợi sáng của Nguyễn Huy Hoàng)

фотография Huy Mau Le.

Trong dịp trở về Việt nam vào tháng ba vừa qua, Nhà thơ, Tiến sỹ Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng có tặng tôi tập thơ: “Canh ngọn đèn đợi sáng” do nhà xuất bản Văn học ấn hành quý 1 năm 2014. Công việc bận rộn, mãi tới hôm nay tôi mới đọc hết được tập thơ của anh.
Tôi biết Nguyễn Huy Hoàng qua câu chuyện tìm con thất lạc gần hai mươi năm trời của vợ chồng anh trên đất Nga được in trên trang nguyentrongtao.info. Câu chuyện tìm con của anh cảm động và ám ảnh tôi mãi. Gần đây, qua anh Đặng Hữu Trung và người bạn học từ thời cấp III Phan Đình Phùng của anh là Lê Đình Quế, TBT Báo BR-VT, tôi được gặp Nguyễn Huy Hoàng và Châu Hồng Thủy tại Thành phố biển Vũng tàu. 
Nguyễn Huy Hoàng trẻ hơn cái tuổi sáu mươi của mình. Ngoại trừ mái tóc bạc trắng như cước ra, trông anh vẫn cường tráng, nhanh nhẹn như thanh niên. Nghe nói, từ sau khi bị thất lạc mất đứa con gái lên chín tuổi trên đất Nga, trong những đêm thức trắng vì thương con mái tóc anh mới trở nên bạc trắng như vậy. 
Chúng tôi tổ chức một đêm giao lưu giữa những người bạn từ Nga trở về với anh chị em VNS tại Vũng tàu. Trong không khí ấm áp tình quê hương xứ sở, chúng tôi được nghe Nguyễn Huy Hoàng tâm sự và đọc thơ. Là một Tiến sỹ Ngữ văn, từng dạy văn tại Đại học Tổng hợp Hà nội, rồi làm nghiên cứu sinh về văn học Nga tại trường Đại học Lomonoxop, Nguyễn Huy Hoàng có một trí nhớ thật tuyệt vời. Chuyện của anh cuốn hút và nhiều thông tin.Tiếc rằng, thời gian gặp gỡ quá ngắn, câu chuyện dường như mới chỉ bắt đầu, chia tay nhau đầy luyến tiếc! 
Tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng” là tập thơ thứ 10 và là tập sách thứ 13 của Nguyễn Huy Hoàng. Thơ Nguyễn Huy Hoàng phảng phất thơ trữ tình Nga thế kỷ thứ 18, đặc biệt là thơ Puskin. Đó là giọng thơ cổ kính, tự sự, giãi bày. Về hình thức, thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ truyền thống, thơ lục bát, thơ 5 chữ và thơ 8 chữ . Thơ lục bát Nguyễn Huy Hoàng khá nhuyễn. Có cảm giác như cảm xúc, tình cảm, nỗi niềm của tác giả tràn lên mặt giấy. Nó không bị khiên cưỡng bởi niêm luật, vần nhạc, nó như là chính tâm hồn tác giả. Tuy không có những biến ảo tài hoa nhưng những xúc cảm nội tâm được triển khai trong một mạch thơ phóng khoáng, liền nhịp. Không ít những chi tiết của hiện thực đời sống chạm khía được vào kinh mạch bản chất của lòng người. Anh viết về cảnh quê, về đời sống nông thôn, về những thân phận của người dân quê, trong quá khứ cũng như hôm nay, bằng sự thấm thía từ cuộc đời mình, từ sự thông cảm sẻ chia sâu sắc. Giá trị nhân văn của thơ Nguyễn Huy Hoàng là ở chỗ anh nhập cuộc, nhập tâm những số phận, những hoàn cảnh nên khi viết là viết tự lòng mình, chứ không viết bằng sự nhân danh ai, viết hộ ai. Tôi nhớ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lần định nghĩa, thơ hay là thơ giản dị và ám ảnh. Thơ Nguyễn Huy Hoàng đi theo khuynh hướng này. Giản dị và ám ảnh. 
Ở thể thơ 8 chữ, tạng thơ Nguyễn Huy Hoàng tỏ ra tương hợp hơn cả. Với nhiều cách ngắt nhịp khác nhau, lúc là ngắt nhịp 3/5, lúc ngắt nhịp 3/2/3, lúc ngắt nhịp 3/3/2 tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh, nhưng lúc nào, thơ anh cũng đạt được cái chân thực, cái phù hợp nhất giữa nội dung và hình thức. Tả, và kể, và suy nghĩ trong thơ Nguyễn Huy Hoàng liên hệ với nhau bằng quy luật của nội tâm. Không thấy tác giả chú ý, cố ý về một một cách thức nào rõ rệt. Tuy từng bài có tỷ lệ khác nhau giữa tả, kể và suy nghĩ, nhưng là do đòi hỏi nội hàm của bài thơ chứ không phải của hình thức nghệ thuật. Tóm lại, thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ giãi bày tâm sự, chia sẻ suy tư, là chất tâm hồn của một trí thức trước hiện thực mà mình đã trải. Đọc hơn một trăm bài thơ của anh, người đọc có cảm giác giọng thơ anh đều đều, xuôi xuôi, ít có sự bùng phá, đột biến, nhưng bù lại, nó lắng đọng, thấm thía, nó để lại dư vị cay cay của gừng, vị ngọt chát của trà Thái, vị đắng đót khó quên của rau Lằng Quỳnh Lưu Nghệ An…
Nguyễn Huy Hoàng là một người tha hương. Tha hương trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Anh hằng đêm, một mình một ngọn đèn đợi sáng. Mong một ngày mai lên sẽ gặp được điều huyền diệu là, gặp lại được đứa con bị thất lạc trên đất Nga; Mong một ngày mai lên hết ám ảnh về những ký ức nặng nề, buồn khổ; Mong một ngày mai lên đất nước, quê hương hết những nhức nhối, đau buồn bởi thiên tai, nhân họa… Trong lời mở đầu tập thơ, anh tâm sự: "Đêm mùa đông ở Nga thì dài dường như vô tận. Từ năm giờ chiều, trời đã xẩm tối, đường phố đã lên đèn; mãi tới chín giờ sáng, khi cảnh vật đã lờ mờ trong hơi lạnh, thì đèn đường mới tắt, nhường chỗ cho ánh sáng ban ngày luôn hiu hắt như trong cõi mù sương. 
Đã có bao đêm đông, tôi đứng hàng giờ bên cửa sổ, vai trùm một tấm chăn mỏng, ngắm những bông tuyết rơi miên man, không vui, không buồn, chỉ cảm thấy cô đơn và bé mọn. Những lúc đó, chẳng có ai để san sẻ nỗi lòng, chẳngcó ai để trút vợi đi một dòng nước mắt âm thầm chảy, đành gửi vào những vần thơ.
…..
Và tôi đã trải qua bao đêm dài trăn trở không phải chỉ trong căn phòng tuổi tác ở thủ đô Matscơva, mà gần ba chục năm trên những chặng hành trình dằng dặc khắp nước Nga mênh mông. Tôi đã từng ngả lưng bên những cánh rừng trong đêm hè ấm áp, từng cuộn mình trong lều da bạt khi xung quanh tru lên tiếng sói săn mồi, hay từng duỗi chân bên những bếp lửa rực hồng tận cực bắc giá lạnh"…
Thơ Nguyễn Huy Hoàng trải rộng theo từng bước chân anh đã đi qua. Nước Nga vừa quyến rũ, vừa tri ân, vừa là nỗi lòng khắc khoải đến héo hắt của anh vì không biết ở một nơi nào đó, đứa con gái thân yêu của anh đang lưu lạc. Thơ về nước Nga của Nguyễn Huy Hoàng do vậy mà da diết. Một nước Nga, nơi mà anh mỏi mòn chờ đợi một dòng tin bừng sáng tốt lành về đứa con thất lạc:

Gió mây, sương nắng khôn lường
Xót con thân gái dặm trường bơ vơ
Vận sao, vận đến không ngờ
Hạn sao hạn mãi đến giờ chưa yên

Một mình một bóng đêm đêm
Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con


Ta còn gặp trong tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng” của Nguyễn Huy Hoàng không chỉ là những đêm dài đợi sáng, mà ở đây tác giả còn gửi gắm nỗi niềm trắc ẩn của một người con Việt sống xa tổ quốc, xa quê hương yêu dấu của mình. Bằng ý thức trách nhiệm công dân , trách nhiệm của một trí thức yêu nước, thể hiện qua những bài thơ đầy tâm huyết của anh. Bằng bản lĩnh của một thầy giáo dạy văn, anh luôn có cái nhìn tỉnh táo, minh triết trước hiện tình của quê hương, đất nước trong cơn chuyển đổi nhọc nhằn và đau đớn. Không tự huyễn hoặc, không tự lên gân, không màu mè hình thức, Nguyễn Huy Hoàng, qua tập thơ này, đã tự họa chân dung tâm hồn mình một cách trung thực. Đấy là chân dung một tâm hồn đa cảm, có phần yếu đuối nhưng không tuyệt vọng, bi quan trước vũ trụ trụ vô thủy, vô chung và trước cuộc đời. 

Về cùng nước Việt của ta! Vâng! Xin được thông cảm, sẻ chia và đợi chờ ngày gặp lại, Nguyễn Huy Hoàng nhé!!
Vũng tàu ngày quốc giỗ 10/3/âm (2014)

* (tên một bài thơ trong tập thơ)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66338017

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July