Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Chùm Truyện ngắn đạt giải Nhất cuộc thi viết về nước Nga của tác giả Hoàng Thảo Chi Chùm Truyện ngắn đạt giải Nhất cuộc thi viết về nước Nga của tác giả Hoàng Thảo Chi , Người xứ Nghệ Kiev
 

Luan Van Hoang

Tác giả Hoàng Văn Luận

Bút danh Hoàng Thảo Chi

Sinh năm 1952 tại Nam Định

Hiện sinh sống tại Huế

Từ 1969-1972 học tại Trường sân khấu Việt Nam

Từ 1981-1986 học tại MGU (Matxcơva) và Đại học Văn hóa Kharkov.

Viết các thể loại: Thơ, Truyện ngắn, Tạp văn...

BBT Nguoixunghekiev.vn trân trọng giới thiệu cùng quý vị!

Chùm truyện ngắn đạt giải Nhất cuộc thi

"NƯỚC NGA TRONG TRÁI TIM TÔI"

do đài tiếng nói nước Nga tổ chức năm 2013.

Của tác giả Hoàng Thảo Chi (Hoàng Văn Luận - Huế)

               

                         MÙA THU QUYẾN RŨ!

            

                                          Ảnh nguồn - Internet

 

    Nước Nga chỉ có ba mùa! Đó là ý kiến của tôi. Còn Olia (Cô thư kí của văn phòng công ty Vietros chúng tôi, tại thành phố Kostroma) thì khăng khăng: Nước Nga có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông như tất cả các nước khác! Anh chẳng hiểu gì về khí hậu của nước Nga cả!!! Cuộc cãi vã của chúng tôi ngỡ như không bao giờ kết thúc! Nhưng đến khi Olia đi lấy chồng tận bên Thụy Điển, một lần vào ngày đầu tiên của mùa Phục sinh, cô gọi về cho tôi hỏi: Luận ơi! Anh chuẩn bị trứng đỏ chưa? Tuyết còn nhiều không? Sông Volga vẫn đông người câu cá chứ? Anh biết không! Bây giờ trong tôi không còn ba, bốn mùa như chúng ta vẫn cãi nhau nữa, mà chỉ còn một mùa thôi: Đó là mùa Nhớ!

         “Mùa Nhớ”! Olia cho tôi một thuật ngữ mới để mô tả nỗi nhớ thương về quê hương của những người xa xứ.

          Khi đang viết những dòng này, tôi cũng đã xa nước Nga gần sáu năm. Hơn hai mươi năm sống trên lãnh thổ Liên Xô và nước Nga bao la, tình yêu trong tôi chia đều về hai ngả: Nước Việt và nước Nga. Nước Nga luôn bên tôi trong Mùa Nhớ day dứt khôn nguôi và trong Miền Nhớ mênh mang bất tận.

        Mùa nhớ của tôi bắt đầu từ mùa Thu. Mùa Thu ở Việt Nam phải “cảm” mới “nhận” ra. Nó không thật rõ nét, nó không dễ bắt gặp. Hãy nghe nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết về mùa thu:

                      Gió thổi mùa thu hương cốm mới

                      Tôi nhớ những ngày thu đã xa

                      Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

                      Những phố dài xao xác hơi may

                      Người ra đi đầu không ngoảnh lại

                      Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…

Mùa thu Hà Nội thoang thoảng trong hương cốm, mơ hồ cùng gió heo may những sớm về chớm lạnh. Còn cái cảnh: Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy… thì đích thực chỉ là bức tranh nhớ thương của tác giả vẽ ra trong tưởng tượng mà thôi. Mùa thu ở Việt Nam, cây lá, đất trời xanh vời vợi!

      Còn ở nước Nga lại hoàn toàn khác. Mùa thu nước Nga trong tôi là mùa đặc biệt nhất, mùa dâng đầy những rung động òa vỡ, những cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ tựa như những dòng nham thạch đỏ ối từ những miệng núi lửa phun trào, rừng rực lao xuống, lan tỏa trên triền núi như thác đổ. Ở thành phố Kostroma, bao giờ tôi cũng chào đón mùa thu bằng hai cách:

       Cách thứ nhất là ngồi trên tàu thủy cánh ngầm, chạy trên sông Volga từ Kostroma sang Iaroslav, một thành phố cách chúng tôi gần 100 km đường bộ. Tôi không nhớ nổi, mình đã chiêm ngưỡng mùa thu vàng nước Nga, theo cách này bao nhiêu lần. Nhưng mỗi lần thu đến, tôi ngong ngóng đợi chờ những ngày rực rỡ nhất của mùa thu, để xuống tàu du ngoạn. Những ngày này, dòng Volga lặng như tờ. Mặt nước, bầu trời hòa vào nhau xanh biếc. Tất cả các loại cây, đều khoác những chiếc áo vàng lộng lẫy, tạo ra những thảm vàng rực rỡ hai bên bờ sông. Khi chiếc tầu thủy cánh ngầm tách bến, rú ga tăng tốc bay là là trên mặt nước, tôi bắt đầu như người mộng du bồng bềnh trong tiếng hát:

           Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới

          Cây cỏ hoa như nói lên lời, em hạnh phúc nhất đời

         Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta

        Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…

 Bản tình ca Đôi bờ và con tàu cánh ngầm, nâng tâm hồn tôi bay bổng trong không gian huyền diệu của mùa thu. Đoạn sông Volga từ Kostroma đến Iaroslav, tàu cánh ngầm chỉ chạy khoảng một tiếng là đến nơi. Tôi thuộc đoạn sông này đến nỗi, nhắm mắt  cũng đoán được tàu đang lượn ở khúc cua nào! Hết đoạn cua ấy, phía tay phải nhất định sẽ xuất hiện một nhà thờ, với ba chóp hình củ hành dát vàng lấp lánh. Khi tàu hết cua, tôi mở mắt, lập tức nhà thờ đã hiện ngay trước mặt. Mọi hành khách đồng loạt đưa tay lên ngực làm dấu thánh. Tôi đồng thanh hòa cùng mọi người trong tiếng Amen! Đi trong mùa thu vàng, ngắm nhìn những chóp nhà thờ lóng lánh trong nắng sớm, ẩn hiện thấp thoáng đây đó hai bên bờ sông, tôi hiểu câu nói: Kostroma nằm trên vòng cung vàng phía bắc của Matxcơva… có nghĩa như thế nào!                                       Những đám sương mù buổi sớm như đang nuối tiếc, cố nán lại che phủ cho những mái nhà thờ thêm chốc lát, tạo ra một màn sương khói huyền hoặc của chốn thiên đường. Tất cả khung cảnh này, tôi cứ ngỡ chúng đang hiện ra từ hai câu thơ:

                                      Long lanh đáy nước in trời

                            Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng…

           Phải chăng cụ Nguyễn Du đã từng sống trong mùa thu nước Nga hàng ngàn năm trước. Chỉ bằng hai câu thơ, cả mùa thu Việt Nam, và mùa thu nước Nga hiện ra, sống động và huyền ảo đến khôn cùng. Không biết người Nga yêu Puskin và những vần thơ tình bất hủ của ông như thế nào? Còn tôi, tôi yêu truyện Kiều và Nguyễn Du với một tình yêu lớn lao, một sự ngưỡng mộ dâng trào, một niềm tự hào sâu thẳm tận đáy lòng.

      Nếu như cách bay lên giữa trời thu, cùng với tàu cánh ngầm trên dòng Volga làm cho tâm hồn tôi thăng hoa ca hát! Thì cái cách tản bộ trong công viên, trên những con đường trải đầy lá vàng mộng mị, lại làm cho tâm hồn tôi lắng xuống, tựa những nốt trầm và những quãng lặng trong bản giao hưởng tít mù, bất tận với cơm áo gạo tiền của cuộc sống thường ngày.”… Mùa thu vàng nước Nga  như một đại mỹ nhân, trong chiếc áo hoàng bào lộng lẫy, đang thiêm thiếp trên long sàng, đôi môi phảng phất nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa* lừng danh!!!” Trong đầu tôi cứ quanh quẩn ý nghĩ ví von ấy. Tôi không dám bước mạnh trên những thảm lá vàng, tôi sợ đau những cánh lá. Tôi không dám động vào những cây bạch dương, vì bên tai tôi luôn văng vẳng câu nói: Xin đừng đụng vào cây mùa lá rụng… Và nhất là không được khinh động tới những giây phút trầm tư của người đẹp ”Mona Lisa”! Ôi mùa thu nước Nga!

            Tôi chợt nhớ đến bức tranh nổi tiếng: Mùa thu vàng… của danh họa Levitan. Có lẽ ông là người yêu mùa thu nước Nga nhất trên quả đất này. Bằng chứng là vì quá yêu, nên ông đã dám liều mình đưa cả mùa thu vàng lên giá vẽ! Tôi tin chắc rằng, khi vẽ xong, ông đã cảm nhận sâu sắc rằng: Ông đã quá bé nhỏ và hoàn toàn bất lực trước sự toàn bích của mùa thu!!! Nhưng may thay, hậu thế đã yêu những bức tranh của ông, bởi tình yêu mùa thu đã làm mọi trái tim mộng mị, mê đắm và rộng lượng khôn cùng. Tôi cũng yêu ông, nên trên tường nhà, tôi trang trọng treo một MÙA THU VÀNG ” hàng nhái ”. Nhưng có một MUÀ THU VÀNG…”thật” luôn lóng lánh, xạc xào, run rẩy mãi mãi trong kí ức, trong tình yêu nước Nga đằm thắm, nồng nàn giữa trái tim tôi!

*Tranh của danh họa Leonardo Da Vinci

                                 Huế 20/6/2013, Hoàng Thảo Chi     

        MÙA HOA TUYẾT ĐẦU TIÊN!

Tôi bắt gặp mùa hoa tuyết đầu tiên trên đất Nga, đúng vào đêm ngày 6/11/1981. Đêm ấy, sau khi kết thúc lễ kỉ niệm Cách mạng tháng Mười*, tại hội trường lớn trong tòa nhà chính của trường MGU*, tôi và Albert (anh bạn sinh viên da den người quốc đảo Mađagatxca bên châu Phi, cùng khoa dự bị tiếng Nga) quyết định tản bộ trên đại lộ Lênin.

Đường phố này, ngày nào tôi cũng đi qua. Một đại lộ thênh thang giữa lòng thủ đô Matxcơva náo nhiệt. Từ một đất nước vừa đi ra từ chiến tranh, mọi con đường trên miền Bắc Việt Nam hầu như bị bom Mỹ xóa sạch, nên đại lộ Lê Nin trở thành nỗi khao khát cháy bỏng trong tôi. Tôi mơ một ngày nào đó, trên đất Việt thân yêu sẽ có một con đường rộng lớn như vậy, chạy suốt từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Con đường ấy sẽ mang tên Vạn Xuân. Con đường để dân tộc tôi nối liền Nam Bắc, đoàn kết cùng nắm tay nhau, trong công cuộc phục hưng vô vàn gian khó, xây dựng lại đất nước thân yêu của mình!!!

- Chạy đi! Chạy mau lên Luận ơi! Khủng khiếp lắm!!!

Tiếng hét của Albert làm tôi thất kinh. Hắn nắm chặt tay tôi kéo đi. Tôi chạy theo hắn như ma đuổi, chẳng biết vì cái gì, bụng thì tiếc hùi hụi những điều mình đang mơ về con đường!!! Chạy được một đoạn, Albert dúi tôi nép vào sảnh chờ của một ngôi nhà to lớn bên đại lộ. Vừa thở hổn hển đứt đoạn, hắn vừa chỉ tay lên trời miệng lắp bắp:

- Nhìn kìa! Nhìn kìa, cái quái gì vậy???

Tôi ngước nhìn lên, một cảnh tượng tuyệt đẹp, lần đầu tiên bắt gặp trong đời làm tôi sững cả người: Cả một khoảng trời rực hồng (do ánh sáng của những ngọn đèn cao áp hai bên đại lộ chiếu rọi) lung linh, lóng lánh triệu triệu những hoa tuyết đầu mùa bay lượn huyền ảo. Vì một lý do nào đó những bông tuyết không rơi ngay xuống đất, mà chúng bay lượn trên cao. Khi có những cơn gió thổi, chúng cuộn lại, xoáy theo chiều gió tạo ra ngàn vạn hình những con rồng màu hồng, thi nhau nhào lượn, nhảy múa trong không trung!!! Điều đó đã làm cho Albert khiếp sợ!

- Tuyết! Albert…tuyết!!!

Bây giờ thì đến lượt tôi gào lên, kéo tay Albert nhảy bổ ra đường. Xòe hai bàn tay ra như kiểu hứng nước, tôi cuống cuồng chạy theo những con rồng tuyết như bị thôi miên. Vừa chạy vừa la hét trong nỗi vui sướng tột độ, tôi như bay lên cùng những bông tuyết đầu mùa, những bông tuyết đầu tiên trong cuộc đời mình!

Gió chợt dịu đi, những bông tuyết bắt đầu rơi xuống. Một, hai, ba rồi rất nhiều, rất nhiều nhưng bông tuyết hạ xuống hai bàn tay tôi. Nhưng vì quá mỏng manh, nên khi vừa chạm bàn tay, chúng đã tan ngay thành nước, tôi không thể nào nhìn rõ được hình hài của chúng!!! Tôi đứng lặng, nhắm mắt ngửa mặt lên trời. Lúc đầu, mỗi hoa tuyết khi đậu xuống mặt tôi, đều tạo một chút cảm giác như kim châm nhè nhẹ. Sau đấy không lâu, cả gương mặt tôi đầy hoa tuyết. Những giọt nước tuyết lăn trên mặt, trên môi tôi. Tôi nhấm nháp chúng, từng chút, từng chút. Người ta đã sai khi nói rằng: Nước không màu, không mùi vị. Tôi thấy nước tuyết trắng tinh, mùi nước tuyết thơm ngát, ngọt lim! Thế là tôi đã được nhận những nụ hôn đầu tiên mát lạnh của mùa đông nước Nga: Mùa Hoa tuyết! Cái mùa hoa mà những người trên xứ nhiệt đới chúng tôi chỉ được chiêm ngưỡng trên phim, ảnh!!!

- Luận! Làm sao thế? Cậu không bị điên chứ!!!

Tiếng kêu lo lắng của Albert vang lên, kéo tôi ra khỏi màn tình tự cùng tuyết! Tôi quay một vòng, thấy Albert đứng thu lu gần bên tôi, hắn kéo cái áo banh tô lên trùm kín đầu, với cái vẻ vô cùng sợ hãi. Trên đại lộ rất nhiều những chiếc xe hơi dừng lại, xếp thành hàng dài bên đường. Mọi người ùa ra khỏi xe, náo nức xòe tay ra hứng tuyết như tôi. Tất cả hóa trẻ thơ trong phút giây tuyết đầu mùa xuất hiện.

- Albert! Cậu không thích tuyết à? Tôi đến gần kéo mạnh cái áo đang trùm trên đầu Albert.

- Đừng… đừng, tớ sợ!!!

Trời ơi! Albert ơi là Albert! Tôi nhớ lại một mẩu chuyện vui trong giáo trình học tiếng Nga, nói về sự sợ hãi đến phát khóc, của một nam sinh viên châu Phi, lần đầu tiên khi gặp tuyết rơi, ngay giữa quảng trường Đỏ Matxcơva. Tôi cứ ngỡ đó là chuyện cười đọc cho vui. Bây giờ nhìn cảnh Albert đứng co ro, trùm áo lên đầu tránh tuyết, và nhất là cái cảnh hắn chạy thục mạng lúc nãy, tôi bật cười ha hả vì không ngờ, mình lại được gặp nhân vật chính trong câu chuyện vui ấy giữa đại lộ Lênin!

- Tớ đang điên đây… điên đây… điên đây… điên vì tuyết đây… ha, ha, ha!!!

Tôi chạy vòng quanh Albert vừa cười vừa la lớn như vậy. Nhiều người xung quanh, xúm lại ngó chúng tôi. Khi biết Albert sợ tuyết, tất cả phá lên cười vui vẻ. Một cô gái xinh đẹp tiến đến nắm lấy tay Albert. Cô cất giọng du dương ngọt ngào dỗ dành:

- Anh bạn trẻ, đừng sợ. Tuyết không cắn đâu. Anh cứ thử mà xem!

Cô xòe hai bàn tay của Abert ra hứng tuyết. Albert ngoan ngoãn làm theo sự điều khiển của cô. Một lát, thấy không có gì đáng sợ cả, Albert ngượng ngịu mỉm cười nói:

- Cảm ơn cô! Tôi không sợ nữa. Tôi tự làm được!!! Cảm ơn! Cảm ơn!

Tất cả mọi người hò reo: Cậu cừ lắm, cừ lắm… rồi tản hết về xe của họ. Bây giờ đến lượt Albert mộng du. Hắn cứ xòe tay hứng tuyết, vừa đi vừa lẩm bẩm: Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn… không dứt. Tôi liếc nhìn thấy chiếc T-ram-vai, (tàu điện bánh sắt) chiếc tàu chạy qua ký túc xá của chúng tôi xuất hiện phía xa. Tôi túm chặt tay áo Albert kéo đi, vừa chạy về phía bến đỗ vừa la: T-ram-vai, T-ram-vai, nhanh lên, nhanh lên! Còn Albert vừa chạy vừa kêu: Tuyết trắng… tuyết trắng… tuyết trắng!!! Nếu ai đó nghe được tiếng chúng tôi kêu lúc đó, chắc sẽ ngỡ là bọn tôi không khùng, thì cũng vào loại hâm hấp nặng!!!

Khi viết những dòng này, đã hơn ba mươi năm trôi qua. Tôi vẫn nghe tiếng bước chân Albert huỳnh huỵch chạy bên cạnh, và tiếng la: Tuyết trắng… tuyết trắng của hắn vọng vang trong ký ức của mình. Nhưng Albert thân yêu ơi! Bạn mới chỉ thấy tuyết lấp lánh trắng, và thật ngọt ngào mà thôi. Còn tôi, tôi đã được nhìn thấy một màu tuyết khác: Tuyết đỏ! Và tôi còn thấy một hương vị tuyết khác: Tuyết mặn như mồ hôi vậy. Bạn có tin không???

Nhưng đó là những câu chuyện khác, những câu chuyện mưu sinh gian khó trong những mùa đông dài đằng đẵng trên nước Nga sau này của tôi. Còn bây giờ, mỗi khi nhớ về những mùa đông nước Nga, lướt qua vô vàn những khuôn hình khác, bộ phim “Ký ức nước Nga” lập tức đưa tôi trở về với những khuôn hình tuyệt vời nhất, sâu đậm nhất, lãng mạn nhất. Đó là lúc tôi cùng Albert, bắt bặp mùa hoa tuyết đầu tiên trên đại lộ Lênin. Cả một bầu trời hồng rực rỡ, lấp lánh muôn vàn những bông hoa tuyết long lanh bay bay, nhào lộn, bay hoài, bay mãi trong tình yêu nước Nga xa xôi, ngọt ngào man mác của tôi. 

.Ngày 07/11 là ngày kỉ niệm cách mạng tháng Mười Nga.  

· MGU viết tắt tên trường đại học mang tên Lomonosov tại Matxcơva.  

                            Huế 30/6/2013, Hoàng Thảo Chi

 

NỖI NHỚ MANG TÊN MATXCƠVA

                 (Thân yêu tặng các bạn học cùng thời với tôi tại Matxcơva)

Sáng sớm ngày 17/8/1981 chiếc máy bay TU-134 của hãng hàng không quốc tế Nga Aeraflot chở chúng tôi từ Hà Nội, tiếp đất trên đường băng của sân bay quốc tế Matxcơva: SHEREMETYEVO-2.

        Matxcơva, nước Nga nói riêng và Liên Xô nói chung từ một vùng xa lắc trong trí tưởng, giờ đã hiện hữu ngay dưới những chiếc bánh máy bay đang lao vun vút về điểm  trả khách. Khi máy bay dừng hẳn, tiếng loa vang lên: Chào mừng các bạn đã đến Matxcơva. Cơ trưởng và phi hành đoàn kính chào tạm biệt, hẹn gặp lại trên các chuyến bay sau. Chúc mọi điều tốt lành. Chúng tôi vỗ tay rào rào. Tiếng vỗ tay cảm ơn, tiếng vỗ tay của sự cảm động, hạnh phúc và hồi hộp.

          Mọi người như thế nào không biết! Còn tôi, giống như kẻ mộng du! Tôi cứ tự vấn không biết bao nhiêu lần: Có thật là mình đã tới Matxcơva rồi không? Hình như là thật. Bởi tôi đang đi trong dòng người rời khỏi máy bay, vào đường dẫn có băng chuyền vô sân bay, để làm thủ tục nhập cảnh đây thôi. Những đường dẫn hình chữ nhật và những băng chuyền hiện đại này, sân bay Hà Nội nhà mình làm gì đã có! Hôm qua tại Nội Bài, chúng tôi phải đi bộ từ nhà chờ ra thẳng máy bay, nắng sém đầu đó sao!!!

      - Người tiếp theo! Tiếng viên sỹ quan biên phòng làm tôi bừng tỉnh. Tôi đã đứng trước ”vạch đỏ”* tự bao giờ. Tôi tiến vào, gật đầu chào và đưa hộ chiếu cho anh ta. Người sỹ quan chăm chú nhìn tôi, với ảnh trong hộ chiếu. Anh đi học à? Vâng, tôi đi học. Ở đâu? Ở Matxcơva. Trường nào? Khoa dự bị tiếng Nga trường MGU*!  Tôi kết thúc cuộc trao đổi ngắn ngủi của chúng tôi. Người sỹ quan biên phòng đóng dấu cái xoạch, ngửng lên trao hộ chiếu cho tôi cùng một nụ cười: Anh giỏi  lắm. Chúc thành công. Tôi cảm ơn, rồi đi ra khu vực lấy hành lí với một tâm trạng lâng lâng khó tả. Lúc đó tôi đã hiểu rằng: Tiếng Nga, đã mở ra trước mắt tôi một cánh cửa kỳ diệu: Nó cho phép tôi, có thể hiểu và làm bạn với hàng trăm triệu người Nga nói riêng, và hàng mấy trăm triệu người của toàn liên bang Xô Viết nói chung. Một hạnh phúc ngọt ngào lan tỏa trong tôi!

       Lần đầu tiên tôi dùng tiếng Nga, để giao tiếp với người Nga. Tôi đã nghe và trả lời rất trôi chảy. Tuy rằng cuộc trao đổi ấy rất ngắn và với những từ vô cùng đơn giản. Nhưng với một người “GIỎI“ tiếng Nga như tôi, thì đó là một thành công lớn. Bằng chứng là người sỹ quan biên phòng đã nói: Anh giỏi lắm… là gì! Tôi không hiểu anh ta khen tôi nói tiếng Nga giỏi, hay cái danh trường MGU đã làm anh ta choáng… mà khen tôi giỏi!!! Chẳng biết vì cái gì???Tôi cứ lâng lâng… cái đã!

         Bọn tôi ở tầng mười hai, trong một ký túc xá cao mười sáu tầng. Thang máy làm việc hai bốn giờ. Tất cả các bạn tôi đều đi thang máy lần đầu. Khi thang máy khép cửa, cái tời giật một cái, nâng thang máy chuyển động, chúng nó hãi quá rú lên như gặp động đất. Lúc đến tầng mười hai, thang máy dừng lại và có mấy giây rơi tự do, chúng lại hú lên lần nữa! Tôi thấy bà điều khiển thang máy mỉm cười.

             Chiều tối, thằng Duyệt bạn tôi, học ở VGIK* tới chơi. Nó sang trước tôi gần hai mươi ngày. Nhưng nghe cách nó nói về Matxcơva thì cứ như nó là dân thổ địa vậy!!! Tôi thửa bô mặt ra vẻ khâm phục rồi cầu cạnh nó:

    - Này, ngày mai mày đưa tao đi chơi tàu điện ngầm được không?

   - Cái này hơi khó đây! Chưa qua khổ nạn “mười lăm ngày súp”… thì không thể đi đâu được!!!

      Nó vừa cười ra vẻ bí hiểm, vừa ra giọng nghiêm trọng trả lời.

-      Khổ nạn “Mười lăm ngày súp” là cái quái gì vậy? Tôi sốt ruột hỏi!

-      Âý, cái này phải chịu khó tự khám phá. Thiên cơ bất khả lộ.

 Nói xong nó cười khơ khơ một tràng, rồi toàn nói chuyện Mat thế này, Mat thế nọ… nghe mà lộn cả ruột!

         Không phải chờ lâu, khổ nạn: Mười lăm ngày súp… ngay ngày hôm sau được được giải mã. Đó là mười lăm ngày tập trung tẩy giun đầy gian khổ và “Chịu khó một chút…” theo cách nói của bà Lena, bác sỹ trưởng của phòng khám nhà trường cùng đi với bọn tôi. Tất cả quần áo được tập trung mang đi khử trùng, chúng tôi mặc quần áo của bệnh viện, ra dáng bệnh nhân thứ thiệt. Khẩu phần ăn suốt mười lăm ngày không đổi: Một đĩa súp khoai tây suông, một đĩa cháo và hai lát bánh mỳ, một cốc nước táo, chấm hết. Tối thì uống thuốc giun, ban ngày thì chúng tôi đi dạo lang thang trong rừng, tìm nấm và khám phá những cây bạch dương, sồi, thông mọc san sát xung quanh bệnh viện. Tôi học được ối từ y học: Thuốc tẩy giun, giun đũa, giun kim, giun tóc, sán, đại tràng, tá tràng, trực tràng, dạ dày, gan, mật… (Cái vốn này, không ngờ giúp ích cho tôi vô cùng đắc lực, vào cái đoạn  khi tôi mưu sinh sau này trên đất Nga). Lúc nào chúng tôi cũng đói cồn cào nhưng đành chịu vậy. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng sôi: ẽo ẽo ẽo… trong cái bụng trống không của mười lăm ngày ấy. Những lúc đói quá tôi tức mình ruả sả bọn giun: Chết cha chúng mày chưa, bọn giun khốn nạn kia, không có chúng mày ông đã không đói như thế này!!! Ông cũng sắp chết rồi đây! Tôi rất sợ cháo và súp… dẫu rằng chúng thơm nức mũi!!! Bà Lêna được đặt cho một bí danh rất đặc sắc: Trùm khủng bố thuốc giun!

               Cuối cùng thì khổ nạn cũng kết thúc. Lúc chúng tôi quay lại ký túc xá, đã thấy cái mặt rất phởn của thằng Duyệt đứng đợi, cùng nụ cười kiểu: ”Đã biết chưa con!” của nó. Tôi bước xuống xe, chưa kịp chửi, thì nó đã rất nhanh chạy đến, giơ cái bịch ny lon, trong đó có đến hai kg xúc xích, nóng bỏng thơm lừng lên mũi tôi rồi liến thoắng:

  - Chào mừng những người lòng dạ trong sạch! Thôi vào nhà ăn làm một chầu đã. Ngon lắm.

Tôi và mấy thằng cùng phòng rẽ vào nhà ăn. Tôi ăn nghiến ngấu, liền tù tỳ mấy cái xúc xích một lúc. Khi ấy tôi đã nghĩ: Các vị hoàng đế trên thế gian này, chưa được thưởng thức xúc xích Nga luộc nóng hổi, chấm nước sốt cà chua… thì thật phí hoài một đời của bậc Đế Vương!!! Cũng vì bữa xúc xích hối lộ nhớ đời ấy, mà tôi tha cho nó!

-      Này, chúng mày lên tắm thay quần áo, tao dẫn đi chơi tàu điện ngầm. Đi cả ngày hôm nay luôn. Ngày mai tao phải lên lớp rồi.

    Chà, cái thằng này biết sửa sai đây.

 - Cần quái gì tắm. Cất quần áo rồi đi luôn. Tôi giục nó.

 - Không đi đâu mà vội, đi Mét cả ngày, phải mang theo tiền và Pas. Nó lên mặt quan trọng.

  -  Mang bao nhiêu? Còn Mét và Pas là cái gì?  Tôi sốt ruột hỏi. Nó cười đểu với tôi rồi thong thả tính:

 - Đi T-ram-vai* từ đây đến Mét mất ba xu. Đi và về hết sáu xu. Đi Mét mất 5 xu. Tổng cộng hết 11xu. Còn ăn thì tùy. Cần một hai rúp là đủ. Còn Mét là Metro, Pas là Passport, người ta gọi tắt cho nhanh. Như Matxcơva thì gọi là Mát, Leningrad thì gọi là Len… chúng mày quê quá các con ạ!!!

     Chúng tôi nhìn nó thất kinh. Sang trước có hai mươi ngày, sao nó uyên bác nhanh thế không biết!!! Tôi muốn đá cho nó một phát. Nhưng không dám, sợ cà khịa nó lại đổi ý thì bỏ mẹ. Đành nuốt cục tức vào bụng, trả thù sau vậy!!! Nghĩ thế nhưng tôi vẫn cố gây:

-      Đi tàu điện ngầm cả ngày mà chỉ mất năm xu! Mày có điên không?

-      Còn nhiều cái điên lắm. Mày cứ chuẩn bị năm xu. Thiếu tao bù. Giải thích cho mày hiểu thì đến tết âm lịch!

Hắn dài giọng giễu cợt. Chúng tôi lác mắt đi theo nó.

            Tàu điện bánh sắt thì ở Hà Nội nhà mình cũng có, nên nó không gây ngạc nhiên cho chúng tôi. Tất nhiên tàu điện ở Matxcơva thì chạy nhanh và hiện đại hơn. Nhưng nó lại không có cái vẻ cổ kính, khật khừ hoài cổ như ở Hà Nội. Tàu điện nhà mình có thể leo lên, nhảy xuống bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu… tiện lợi không để đâu cho hết!!! Tôi thấy đoàn tàu từ Hà Nội vô Hà Đông lừ đừ, lạch cạch chạy mãi, chạy mãi trong nỗi nhớ của mình.

            Nhưng hệ thống tàu điện ngầm thì thực sự làm tôi choáng. Thử thách đầu tiên là vào cửa. Mỗi cửa có rất nhiều lối vào. Mỗi lối chỉ một người đi lọt. Các lối đó được giới hạn bằng hai hộp sắt, có hai cánh tay máy chắn ngang. Hành khách muốn vào phải bỏ đồng 5 xu vào lỗ quy định. Lúc đồng xu đã rơi vào máy, hai cánh tay máy sẽ nâng lên. Khi hành khách đã bước qua, cánh tay máy lại hạ xuống. Thằng Duyệt dọa chúng tôi là khi bỏ xu xong phải chạy nhanh vào, nếu không cánh tay máy hạ xuống có thể gãy chân!!! Nó làm mẫu cho chúng tôi bắt chước. Bọn tôi tranh nhau làm theo nó. Tôi để ý thấy người cảnh sát đứng gần đấy, nhìn chúng tôi cười tủm tỉm! Tiếp theo là những thang máy dẫn xuống ga sâu thăm thẳm, dài miên man. Chúng tôi vô cùng thận trọng và run sợ khi bước lên băng chuyền thang máy. Cuối cùng thì nhà ga cũng hiện ra. Chúng tôi không tin vào mắt mình nữa. Sao người ta lại thô bạo khi gọi đây là ga tầu điện ngầm được nhỉ??? Đó là những cung điện mới phải. Chúng là những tác phẩm nghệ thuật vô cùng lộng lẫy, hoành tráng, tổng hợp hài hòa của các loại hình nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật sử dụng ánh sáng… Dẫu muốn lắm lắm, tôi cũng không dám miêu tả một cách chi tiết những nhà ga này bằng cái vốn ngôn ngữ nghèo nàn thô lậu của mình. Tôi sợ xúc phạm chúng. Cứ khoảng hai phút lại có một chuyến tàu xuất hiện. Sau mấy chục giây trả và đón khách, chúng lại lao đi như những tia chớp. Đầu tiên chúng tôi đi theo đường vòng tròn. Đến mỗi một ga, chúng tôi lại chui ra tham quan một lúc rồi đi tiếp. Đi xong đường vòng tròn, chúng tôi đi các đường xiên, cứ đi, cứ đi… ngất ngây và ngây ngất! Chúng tôi quên cả ăn, quên luôn cả thời gian. Lẽ ra, càng đi thì phải càng vui mới phải. Nhưng thẳm sâu trong trái tim mình, tôi lại thấy đang dâng lên một ao ước bùi ngùi: Có phép lạ chi để cho Thầy, U và những người thân của tôi được đi trên những chuyến tàu điện ngầm này dẫu chỉ một lần thôi!!! Biết đến thế kỉ nào, Việt Nam mình mới có những công trình như thế này? Đất nước mới ra khỏi chiến tranh, còn lo miếng ăn chưa đủ! Biết làm sao? Chưa bao giờ tình yêu Tổ quốc trong tôi, lại hiện lên nao nao giản dị, gần gũi hòa quyện cùng tình yêu Mẹ Cha, anh em ruột thịt khăng khít như vậy!

    -Thôi, chuẩn bị ra, ga cuối rồi… Thằng Duyệt đập vào vai, làm tôi giật cả mình. Tàu dừng bánh, chúng tôi bước ra. Ga Universitet. Ga buổi sáng chúng tôi đã xuất phát, ngay cạnh trường MGU của tôi.

 - Thấy thế nào! Mất mấy đồng năm xu?  Thằng Duyệt xỏ xiên hỏi tôi.

 -  Không tưởng tượng được. May có mày dẫn, chứ không bọn tao chẳng biết đâu mà lần. Đi cả ngày chỉ mất mỗi một đồng 5 xu. Mày giỏi thật!

Tôi thật lòng khen. Mũi nó phồng như cái bình tích.

 -Thì tao là nhà kinh tế mà lỵ! Chủ nhật tới, tao đưa bọn mày đi thăm quảng trường Đỏ!!!

Nó phởn chí cao giọng khoe khoang và hứa làm hướng dẫn viên cho cuộc đi chơi lần sau. Chúng tôi chia tay. Nó chui vô cái tàu vừa tới rồi mất hút. Bọn tôi theo thang máy lên mặt đất về nhà.

           Nhưng không cần chờ tới chủ nhật, chúng tôi được tham quan quảng trường Đỏ nhanh bất ngờ. Sáng hôm sau, chúng tôi tập trung tới khoa để phân lớp. Cô Tachiana khoảng bốn mươi tuổi, với gương mặt đẹp nồng nàn phúc hậu, làm chủ nhiệm lớp tôi. Khi cô trò làm quen với nhau xong, cô tuyên bố:

-      Bây giờ, chúng ta sẽ tới thăm quảng trường Đỏ, sau đó vào GUM*để mua đồ mùa đông. Các em được nhà nước Nga trợ cấp mỗi người 300 rúp chi cho việc này. Chúng tôi hò reo như vỡ chợ. Cô Tachiana dặn:

-      Khi đi trên các phương tiện giao thông, hoặc ở các nơi đông người, người Nga không nói to, ồn ào, chạy nhảy. Đó là văn hóa nơi công cộng… chúng ta cũng phải như vậy! Đó là bài học đầu tiên chúng tôi nhận được từ cô.

           Chúng tôi lên quảng trường Đỏ ở ga Okhotnưi Ryad. Cô Tachiana rất ngạc nhiên và vui khi thấy lũ học trò tự tin đi tàu điện ngầm (chúng tôi bí mật nhìn nhau cười). Qua một đường hầm khá dài, chúng tôi đặt những bước đầu tiên lên quảng trường Đỏ.

-      Các bạn có cần tôi giới thiệu gì ở đây không? Cô Tachiana hỏi.

-      Dạ, chúng em đã được học kỹ rồi ạ. Xin cô cho chúng em tự đi xem. Chúng tôi tranh nhau nói.

-      Tôi biết rồi, các bạn có một tiếng để đi chơi. Hãy tập trụng tại đây lúc 12 giờ. Nói xong cô chỉ lên tháp Spassckaya, chúng tôi nhìn thấy thấy đồng hồ chỉ 11 giờ đúng.

   Khi mọi người chạy túa ra mọi hướng, như đàn chim sổ lồng, thì tôi lại đứng như trời trồng tại chỗ. Quảng trường Đỏ đây ư! Trong tim tôi trào dâng một xúc động lạ thường. Tôi cúi xuống xoa xoa bề mặt nhẵn như những hòn cuội của những viên đá đen lát trên Hồng Trường. Tôi như nghe thấy từ chúng, vọng vang những bước đi rầm rập, dũng mãnh quyết liệt của các sư đoàn Hồng quân, đang diễu qua lễ đài rồi tiến thẳng ra mặt trận vào năm 1941, lúc Matxcoca đang bị những gọng kìm thép của quân Đức bao vây xiết chặt. Rồi cũng những bước chân ấy, nhưng trong âm vang hùng tráng của bản nhạc khải hoàn chiến thắng. Những lá cờ của các đạo quân phát xít Đức, được ném tới tấp xuống dưới chân lăng Lê Nin, trong niềm vui ngất trời và niềm tự hào ngập tràn nước mắt của lễ diễu hành lịch sử năm 1945. Cuộc diễu binh chiến thắng ấy, mãi mãi in đậm trong lịch sử nhân loại, như một dấu son chói lọi, vang vọng đến muôn đời. Tôi đã xem rất nhiều những lễ diễu hành trên quảng trường Đỏ, nhưng chỉ hai lễ diễu hành ấy là tôi xúc động nhất. Có lẽ chỉ có người Nga, và tại quảng trường Đỏ mới có những cuộc diễu binh vô cùng độc đáo và đặc sắc như vậy!!!

       Tôi chia tay những viên đá, tiến về khu vực nhà thờ Basil. Tôi dừng lại trước công trình điêu khắc duy nhất trên quảng trường Đỏ: Tượng đài của Kuzma Minin và Dmitry Pozharsky. Hai vị anh hùng này, đã có công đưa Matxcơva ra khỏi cuộc chiếm đóng của quân Ba Lan năm 1612. Họ là những người Nga vĩ đại. Tôi đã phải trí chết mấy ngày mới thuộc và nhớ tên của họ khi học về quảng trường Đỏ tại Hà Nội. Nhưng bây giờ có thể đọc lầu lầu tên của họ, thấy đã làm sao!

        Nhà thờ thánh Basil làm tôi thích thú mê man. Tôi phải đi vòng quanh mấy lần mới đếm chính xác số lượng những chóp hình củ hành trên những tháp của nhà thờ. Có đến tám tháp vây quanh tháp chính. Chẳng biết có phải tôi đã đói rồi không, mà tôi nhìn tám cái chóp kia, chúng giống hệt như những chiếc bánh kem đầy màu sắc, ngọt ngào, quyến rũ!!! Đã đi qua hơn bốn trăm năm, nhà thờ Basil vẫn lộng lẫy sắc màu cổ tích, huyền hoặc và có sức hút lạ kỳ. Tôi bắt chước những người dân Nga, làm dấu thánh, cúi đầu một chút trước nhà thờ, rồi tiến về phía lăng Lê Nin.

          Tôi muốn vào viếng Lê Nin, nhưng dòng người dài miên man đã làm tôi nản chí. Chúng tôi chỉ còn hơn hai mươi phút nữa. Thôi để lần sau vậy. Tôi tiếc nuối rời khỏi khu vực lăng, đi sát vào chân tường thành điện Kremli, để viếng thăm những người vô cùng nổi tiếng của nước Nga hùng vĩ. Đây là một nghĩa trang độc nhất vô nhị trên thế giới. Những lãnh tụ và những nhân vật vĩ đại của cách mạng vô sản Nga, sau khi mất họ đều được an nghỉ ngàn thu tại chân tường Kremli, mảnh đất linh thiêng, trái tim của đất nước. Tôi bắt gặp một số những cái tên khắc trên bia mộ, là những người tôi vô cùng ngưỡng mộ: Maxim Gorky, Georgy Zhukov, Yury Gagarin… Tôi không tin là họ đã mất. Họ đã bất tử cùng thời gian. Với tôi họ là những huyền thoại lẫy lừng ngay từ thưở ấu thơ. Giời đây dẫu chỉ đứng trước nấm mộ của họ, tôi thấy mình thật hạnh phúc, thấy họ đang cười và nhìn tôi bằng những ánh mắt nồng ấm, đầy khích lệ. Ở đây không có hương như ở Việt Nam, tôi xin đốt nén tâm hương dâng lên họ, những người con đã góp phần làm rạng danh dân tộc Nga vĩ đại kiên cường…

            Bản nhạc quốc ca Nga từ đồng hồ trên tháp Spassckaya ngân nga kéo tôi ra khỏi phút mặc niệm. Đã 12 giờ trưa, phải tập trung về điểm hẹn. Cô Tachiana đang chờ chúng tôi tại đó.

   Tôi còn rẽ thăm quảng trường Đỏ rất nhiều những lần khác, trong suốt một năm học tại MGU. Chúng tôi khám phá từng cửa hàng trên phố Arbat, lang thang trong khu triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân VDNKH, ngơ ngẩn như bị thôi miên trước tượng đài Công nông, lên uống cà phê trong nhà hàng BầuTrời trên tháp truyền hình OSTANKINO cao vút để ngắm nhìn thành phố. Tôi đã đi qua bốn mùa của Matxcova: Mùa Thu vàng lộng lẫy, mùa Đông băng tuyết trắng trời, mùa Xuân lầy lội ẩm ướt, và mùa Hạ biếc xanh cùng cây cỏ, thơm lừng với ngàn vạn hương hoa. Khi hoa Siren nở tím trời tím đất, cũng là lúc mùa thi bắt đầu, và giờ phút chia xa sắp tới….

     Tôi và các bạn học cùng thời dạo ấy, bây giờ hết thảy tóc đã hoa râm, và bàn chân họ đã đi qua rất nhiều những vùng đất khác nhau trên thế giới. Nhưng tôi chắc chắn rằng, mỗi khi nhớ về cái thời du học tại Liên Xô nói chung, nước Nga nói riêng, chắc chắn tình yêu và những hình ảnh Mátxcơva sẽ hiện lên trước tiên và mãi mãi. Trong lòng tôi cũng vậy. Xin gửi tới tất cả các thầy cô giáo Nga, các bạn học và tất cả những người đã tới Matxcơva, lời chào thân yêu từ tôi. Xin gửi tặng tất cả, một món quà nhỏ từ quá khứ ngọt ngào: NỖI NHỚ MANG TÊN MATXCOVA… sâu thẳm trong tôi!

·         Vạch đỏ - Vạch giới hạn trước khu vực làm thị thực nhập cảnh tại sân bay. 

·         VGIK- Trường đại học điện ảnh Liên Xô tại Matxcơva.  

·         MGU-Trường đại học tổng hợp mang tên Lomonosov tại Matxcơva.

·         GUM- Cửa hàng bách hóa tổng hợp quốc gia tại Matxcơva.

                                                Huế 12/8/2013, Hoàng Thảo Chi


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 66369120

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July