Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  THƠ HAY THẾ KỶ HAI MƯƠI: THỜI HOA ĐỎ - Thơ: Thanh Tùng, Lời bình: Nhà thơ Anh Ngọc THƠ HAY THẾ KỶ HAI MƯƠI: THỜI HOA ĐỎ - Thơ: Thanh Tùng, Lời bình: Nhà thơ Anh Ngọc , Người xứ Nghệ Kiev
 

Tôi không có chút băn klhoăn nào khi xếp bài thơ sau đây vào chuyên mục danh giá này, vì nó đúng là bài thơ hay, là bài thơ đích thực và còn là bài thơ khá lạ lùng vào thời điểm xuất hiện - thời mà tìm một bài thơ tình mang phẩm chất cổ điển và có tính vĩnh cửu như bài thơ này là cực hiếm. Và tôi còn nhớ nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, với chức trách của một người biên tập thơ của Tạp chí VNQĐ đã tâm sự về việc anh ấy đã hứng thú và quyết tâm ra sao để có và in bằng được bài thơ này lên tờ Tạp chí này vào những ngày ấy. Nhân đây cũng tỏ lòng rất quý mến và biết ơn những người biên tập thơ có tài và có tâm như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, người đồng nghiệp và đồng liêu (cùng cơ quan) của tôi.
Và dĩ nhiên, trong việc chắp cánh cho bài thơ này bay vào cuộc sống không thể không nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, người đã phổ nhạc rất thành công bài thơ này!

Xin mời các bạn thưởng thức bài thơ tình rất đẹp của nhà thơ Thanh Tùng, đứa con vạm vỡ của Đất Cảng Hải Phòng, cùng với lời bình của tôi (mà cầm lòng không đậu, đành phải khoe một chút là chính nhà thơ Thanh Tùng đã có lần nói với tôi là anh ấy vừa lòng… nhất trong số những bài bình bài thơ này của anh ấy).

                             A.N.

 

THỜI HOA ĐỎ

            Thanh Tùng

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như ngày tháng xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim.

Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa

LỜI BÌNH CỦA ANH NGỌC

Nhà thơ Anh Ngọc làm MC trong đêm thơ nhạc đặc biệt THỜI HOA ĐỎ

Vào cái thời ấy - tức là thời cả nước tập trung sức lực vào đánh Mỹ, một bài thơ như thế này là rất hiếm có. Đây là một bài thơ hướng nội một trăm phần trăm, thuần tuý về tình yêu và riêng tư một trăm phần trăm. Nhưng sau tất cả, nó đã còn lại, nhất là từ khi được phổ nhạc thành công, nó càng được mến yêu rộng rãi.
Quả thật, bài thơ này không có cái sáng rõ dễ hiểu như phần lớn những bài thơ cùng thời. Ngay cả những điều tôi sẽ viết ra đây cũng là kết quả còn rất hạn chế của một cố gắng mổ xẻ tác phẩm bằng sự tỉnh táo và lùi xa bất đắc dĩ. Rồi bạn sẽ thấy điều đó. Còn khi ta đọc bài thơ, nhất là khi nghe bài thơ được hát lên, ta chỉ thấy một ấn tượng mơ hồ, một cảm xúc gì đó man mác, không ra buồn, không ra vui, nhưng vô cùng quyến rũ, bài thơ chỉ đọng lại trong ta những hình ảnh, những câu chữ rất đẹp, rải rác và miên man đây đó:
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ

Đó là vẻ đẹp của quá khứ, một quá khứ gắn với tình yêu và tuổi trẻ, với sức sống và mộng mơ. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh của hiện tại - hai người yêu đi bên nhau vào lúc này, nhưng mỗi người lại sống với quá khứ của riêng mình. Em, thì như mấy câu vừa trích ở trên, còn anh:
…mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Cũng là một tình huống éo le, hiếm có trong thơ. Con người dường như đã ra ngoài các thông lệ này chỉ cố sức nắm bắt cho được những gì diễn ra trong đáy lòng mình mà thôi. Mà đó là những cảm giác rất khó nắm bắt vì nó mong manh, như có như không. Cái vẻ đồng sàng dị mộng của cặp tình nhân này xem bề ngoài có vẻ như phi lý, nực cười nữa. Nhưng đó lại chính là khám phá tinh tế của bài thơ - cái quá khứ riêng của từng người, cái phần đời mơ mộng, đắm say lúc những người yêu còn chưa đến với nhau, như một nghịch lý, lại làm cho họ xích lại với nhau hơn, gắn bó với nhau hơn trong hôm nay:
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt

Trong thơ Xuân Quỳnh cũng đã có một tình huống tương tự: buồn vì mình không có mặt trong quá khứ của người yêu... Và cách phản ứng của cả hai thi sĩ này đều giống nhau, nhân vật trong thơ họ càng vì thế mà yêu nhau hơn trong hiện tại. Phải chăng, trong khi mỗi con người yêu tha thiết cái mình có, thì họ đã gặp nhau chính trong cái cách yêu cách sống ấy, nghĩa là trong cái típ tâm hồn chung ấy. Tình yêu là sự góp chung cả quá khứ và hiện tại. Sự đồng cảm sâu sắc vượt qua những thành kiến nhỏ hẹp và có sức liên kết con người. Lại nhớ đến bài thơ của thi sĩ Nga, X.Êxênhin với câu kết ý vị:
Phải, tôi đã từng say một cô áo trắng
Nhưng bây giờ tôi lại yêu một cô áo xanh

Đó là cái éo le của lòng người. Cái buồn vui, xao xác ấy của lòng ta, có lẽ chỉ có ngoại cảnh, chỉ có những bông hoa kia là có thể nói hộ:
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim

Mấy câu kết đưa ta trở về với hiện tại, một hiện tại đã được thanh lọc bằng quá khứ, điềm tĩnh và ấm áp:
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa

Dùng từ như thể là diễn đạt đúng tâm thế: dường như thế mà cũng dường như không thế. Trong cuộc đời lại có cuộc đời. Khi anh yêu một con người là anh đã nhận vào mình cả một thế giới, quá khứ hay hiện tại, buồn hay vui, tất cả đều là tài sản của anh. Rồi ra, đến một ngày nào đó, cái hiện tại hôm nay lại thành ra quá khứ, thời gian để yêu và thời gian để nhớ cứ thế trôi đi liên tục, không dứt. Đó là thứ tình yêu từng trải, gồm hết cả xưa sau, biết nâng giấc những gì đẹp đẽ của hồn người, người dửng dưng, vô cảm không biết và cũng không thề được hưởng.

Nhà thơ Anh Ngọc – Hội nhà văn Việt Nam

 

            Bài hát THỜI HOA ĐỎ - Thơ Thanh Tùng

 

        Nhạc Nguyễn Đình Bảng - Thể hiện: NSƯT Thái Bảo

                          Nguồn YouTube


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66368660

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July