Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  NHÀ THƠ ANH NGỌC, KHÔNG GIẤU NỔI MÌNH - Trò chuyện của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý NHÀ THƠ ANH NGỌC, KHÔNG GIẤU NỔI MÌNH - Trò chuyện của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý , Người xứ Nghệ Kiev
 

alt

Đại tá Nhà thơ Anh Ngọc sinh năm 1943, tuổi Mùi (cầm tinh con dê). Anh là một trong những nhà thơ được định danh rất sớm của thời chống Mỹ. Chùm thơ viết về Quảng Trị được giải Nhì cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ năm 1973 và hai năm sau trường ca Sóng Côn Đảo của anh lại dành giải A cuộc thi thơ của báo này. Thời ấy, Xuân Diệu đã khen nhà thơ: Anh Ngọc đã để lại ấn tượng. Anh là một thi sĩ. Bạn đọc biết đến khá nhiều tác phẩm của Anh Ngọc trên những thể loại thơ, trường ca, tùy bút, phê bình, dịch thuật và cả... bình luận bóng đá. Theo chỗ tôi biết thì Anh Ngọc có ba niềm đam mê lớn là thơ ca, nhạc Trịnh và môn thể thao vua: bóng đá.

Riêng tôi, trò chuyện với Anh Ngọc là một thú vị bởi tính thẳng thắn và cởi mở của nhà thơ. Đầu năm “Con Ngựa” 2014, chúng tôi có cuộc chém gió vui vẻ với nhau...

 

Nguyễn Hữu Quý (NHQ): Anh sinh năm 1943, đúng không? Theo năm âm lịch là Quý Mùi. Anh thuộc mạng Mộc là con dê trong đàn. Tôi đọc một cuốn sách có nguồn gốc từ Trung Quốc, người ta viết đại ý rằng: Là con người nhanh nhảu, hoạt bát trong công việc, cứu người không đòi hỏi ân tình nhưng trái lại chuốc điều thị phi. Có của nhưng không giữ được;của đến rồi lại đi... Đối chiếu với anh có đúng vậy không? 

Nhà thơ Anh Ngọc (NTAN): Với các loại tướng số, tử vi, bói toán và… tâm linh nói chung mình có thái độ giống như Khổng Tử: “Kính nhi viễn chi”. Mình là người vừa duy cảm vừa duy lý, vừa có thể bị lôi cuốn bởi niềm tin của người khác, vừa luôn đòi hỏi phải “thực mục sở thị”, phải có cơ sở khoa học vững chắc…mình mới thật tin. Nhưng những gì dù mình chưa tin, nhưng mình biết rằng hiểu biết của con người vô cùng hữu hạn, bé nhỏ…nên mình bỏ ngỏ khả năng tin hay không tin, và luôn tôn trọng những điều mình chưa thể khẳng định là không có, do đó mình vẫn tuân thủ những câu các cụ dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nhưng mình lại hoàn toàn tin vào chân lý này: Sức mạnh tinh thần của niềm tin là hoàn toàn có thực và rất mạnh mẽ. Vì vậy xem ra các điều anh nói ở trên từ Tử Vi của mình có vẻ cũng đúng vài phần đấy: Nét tiêu biểu nhất trong tính cách của mình là tính mâu thuẫn – mình đã từng mượn lời cụ Chế Lan Viên chế biến đi một tý: Cụ Chế trong thơ Di Cảo tự gọi mình là “Thần Bayon bốn mặt dấu đi ba”, thì mình, nếu cũng tự cho là Thần Bayon bốn mặt thì cả bốn mặt đều phơi ra, có điều chúng phơi ra không đều nhau…

 

NHQ: Anh khá thành công ở nhiều thể loại văn học, nhưng trong cảm nhận của tôi thì thơ vẫn là nổi bật. Mấy năm gần đây, tôi thấy thơ có những chuyển động đáng chú ý, cả nội dung lẫn hình thức. Anh thấy thế nào?

NTAN: Có lẽ anh nói đúng. Dù mình thích đủ thứ (thơ, âm nhạc, triết học, ngoại ngữ, văn xuôi nhiều chất tùy bút, dịch, bình luận thơ văn, bình luận… đủ thứ nhất là bóng đá) nhưng có vẻ tất cả những thứ đó trong thơ đã có cả rồi, nên nếu gọi mình là một nhà thì vẫn phải gọi là “nhà thơ” thôi…

Không phải gần đây, mà từ khá lâu, thơ ta vẫn đang chuyển động, các nhà thơ có tuổi cũng liên tục cựa quậy chứ lớp trẻ thì khỏi nói rồi. Họ theo dõi sự chuyển động của thế giới và…chuyển động theo! Một số (không nhiều) sống và viết trung thực với chính mình, tìm tòi của họ có thể chưa được độc giả hưởng ứng, nhưng họ thích là tốt rồi, trước hết người viết phải tự tin, tự thích và tâm huyết thực sự với công việc của mình, rồi mới hy vọng thuyết phục người khác…Nhưng, bao giờ cũng vậy, số người làm hùa theo thị hiếu, nói quá lên là viết để…lòe nhau, bịp nhau, dọa nhau (cười) cũng lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở anh ơi!

Với những người viết chân thành tâm huyết với thứ thơ cách tân của họ thì mình rất tôn trọng, dù thích hay không. Bởi kiểu gì thì thơ cũng giống như món ăn vật chất, một mâm cơm có nhiều món ăn là đương nhiên, ai thích ăn món gì tùy khẩu vị, trừ cửa hàng đặc sản và độc sản thì không nói…

Cho nên, OK! Hãy viết những gì mình tâm huyết, và trung thực với chính mình trước đã, rồi… nếu có TÀI (chữ này vô cùng quan trọng), bạn sẽ làm ra một thứ gì đó mà nó có quyền tồn tại dưới ánh mặt trời, thế thôi!

 

NHQ: Hiện nay, theo tôi có hai xu hướng sáng tác thơ là truyền thống hoặc đổi mới trên nền truyền thống và hiện đại hoặc hậu hiện đại. Anh nghĩ có nên phân chia ra như thế không? Và hình như đã có sự phân hóa, định kiến giữa các thế hệ, các trường phái sáng tác thơ...

NTAN: Mình thú thật đã đến tuổi mệt mỏi, đôi lúc còn chán nản nữa, nên chẳng mấy quan tâm đên các trường phái, lý thuyết này nọ… Thậm chí bái phục những ông bà suốt đời chỉ chiến đấu cho thơ cách tân không mệt mỏi. Ngả mũ phục họ, và cũng ngả mũ chào lui họ luôn.

Nhưng mình vẫn còn một chút tự tin là hễ đọc bài nào mình thấy có nét hay thật là mình nhận ra ngay – và thực lòng có đôi lúc phải phục một vài nhà thơ thực tài, có những bài, thậm chí những câu thôi không thể phủ nhận là không hay được.

Nhưng thời nay, việc quảng bá, PR như ta vẫn nói, quan trọng lắm, nói “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng hữu xạ mà cho vào hòm đậy nắp kín thì tự nhiên hương cái nỗi gì… Nên vấn đề cần những nhà phê bình TÀI NĂNG VÀ CÔNG TÂM trở nên vô cùng quan trọng… Có khi chính các nhà thơ phải xông vào công việc khó khăn này, hỗ trợ các ông bà phê bình một tay vậy.

 

NHQ: Nhà thơ tài năng xuất chúng cũng như bài thơ hay bao giờ cũng hiếm. Theo anh, sau năm 1975, ở nước ta có nhà thơ tài năng và nhiều bài thơ hay không?

NTAN: Có chứ. Sau năm 1975, nhiều nhà thơ lập nghiệp từ trước 75 nhưng sau 75 mới phát huy hết tài năng, họ là nhịp cầu nối liền thơ kháng chiến và thơ hòa bình. Các ông Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo…và nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ tiếp tục viết khá sung sức những chủ đề hậu chiến, những chủ đề muôn thuở của thơ ca, mà nhiều năm trước do hoàn cảnh chưa có dịp viết…

Ngay cả quan niệm thơ là đặc quyền của tuổi trẻ cũng chỉ đúng cỡ 60% thôi, có những thứ thơ càng già, càng trải đời thì càng hay. Các nhà thơ Đường đều viết rất hay về kiếp người từ khi đã đứng tuổi. Thậm chí thơ tình yêu của người cao tuổi cũng có cái hay riêng, như gừng càng già càng cay vậy.

Còn với các nhà thơ ra đời sau hòa bình, ai cũng mong các bạn vượt cha anh để đúng câu “con hơn cha là nhà có phúc”, không ai cản đường các bạn đâu. Thơ văn đã phổ biến rồi là rất bình đẳng và sòng phẳng, nói như cụ Hoài Thanh: Người ta có thể lừa một số ít người trong một thời gian không dài lắm, còn không thể lừa một số đông công chúng trong thời gian dài đâu… Nên mọi ý định kiểu chụp giật, dọa rồ nhau bằng các thủ thuật ngôn từ và PR nếu thích thì cứ làm, nhưng khó qua mắt công chúng và thời gian lắm.

Một bài thơ Đường như “Thanh Minh” của Đỗ Mục làm từ 15 thế kỷ trước, giản dị đến không thể giản dị hơn, mà không biết bao lần lang thang trên phố hè Hà Nội, nhất là ngày mưa, rét, dịp lũ lụt hay cuối thu đầu xuân chẳng hạn, nó vẫn làm tôi xúc động lạ thường! Khi bạn đã thấu hiểu đến đáy lòng thế giới hồn người, thơ bạn sẽ chạm được vào đáy lòng nhân thế.

 

NHQ: Anh từng viết: “Cuộc sống đơn giản hơn ta tưởng rất nhiều / Và phức tạp hơn ta hằng nghĩ”. Không có sự từng trải chắc không viết được câu thơ mang tính chiêm nghiệm như thế. Đến bây giờ, ở tuổi 70, không biết nhà thơ đã “miễn dịch” được trước sự phức tạp của cuộc sống chưa?

NTAN: Biết bệnh thì bước đầu có thể chữa bệnh. Nhưng không phải bệnh nào cũng chữa được. Tôi thú nhận căn bệnh cuối cùng không sao chống nổi, đó là “tự mình chống lại chính mình”… Đôi lúc, trong khi miệng thì cười toe toét, nhưng tâm trạng tôi hoang vắng đến nỗi không biết mình đang ở đâu, xung quanh nườm nượp người mà như không có một ai, đấy là tâm trạng chỉ cách hư vô có một bước…và cảm thấy tất cả sự thảm hại của tất cả lũ người chúng ta, còn khổ hơn cả lũ chim chóc, bướm ong nhởn nhơ kia nữa… đúng như một câu hát của anh Trịnh Công Sơn; “Người ôm lấy muôn loài, nằm trong tiếng bi ai”. Nói thẳng ra như thế thì đã không còn thuộc phạm trù lạc quan hay bi quan gì gì nữa đâu…

 

NHQ: Tôi không ngần ngại gọi Anh Ngọc là nhà thơ của tình yêu khi anh viết ra những dòng đầy thổn thức như thế này: “Anh lục tìm trong tận đáy hành trang / Gặp giấc mơ cuối cùng còn sót lại / Cơn mưa bụi trắng trời hôm ấy / Mắt em buồn như một buổi chiều đông” và khẳng định: “Sau tất cả chỉ tình yêu không mất...”. Ở chỗ khác, anh lại đồng cảm, đồng tình cái “chất” Thị Mầu trong tình yêu: “Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người / được sống đúng với lòng mình thực chất / những xiềng xích phết màu sơn đạo đức / mấy trăm năm không khóa nổi một Thị Mầu..”. .Nhưng anh ạ, xã hội lắm người nhiều ma bây giờ đâu dễ cho ta được sống đúng với lòng mình thực chất...

NTAN: Vâng, nói một cách có vẻ văn hoa nhưng rất thật là: Trên đời này chỉ có Tình Yêu là có thể chiến thắng được Cái Chết mà thôi. Tình yêu là một trong ba đề tài vĩnh cửu của Văn học nghệ thuật muôn đời: Tình Yêu, Thiên Nhiên và Lẽ Sống Chết!

 

NHQ: Anh Ngọc là người trẻ lâu. Trẻ không chỉ ở diện mạo, vóc dáng mà chủ yếu ở tâm hồn, suy nghĩ và hành vi. Thơ và đặc biệt là tùy bút hay bình luận bóng đá của anh vẫn đầy cảm xúc hồn nhiên tươi mới. Chưa nói đến anh vẫn rất hăm hở chơi fb...kết bạn với hàng nghìn người trên mạng. Tuy vậy, tôi thấy anh không có nhiều bài thơ viết về mùa xuân, mùa khởi đầu của một năm mà ta vẫn thường ví với tuổi trẻ...

NTAN: Tôi gần với nỗi buồn hơn niềm vui, gần với mùa Thu hơn mùa Xuân, nhưng thực ra tôi cũng có đôi ba bài, hoặc đoạn thơ về mùa xuân, nhưng mùa xuân của tôi… hơi buồn:

“Chao ôi mưa bụi, ôi mưa bụi

Chữ nghĩa vô duyên lỡ hẹn rồi

Ước gì trở lại Xuân năm cũ

Để được “làm mưa tan giữa trời” (chữ của TCS)…

….

“Mùa Xuân

Mùa Xuân đã cho anh tất cả

Và lấy đi tất cả của anh…”

Đại loại thế.

NHQ: Tôi thử đoán thế vận của anh năm 2014, năm con ngựa nhé! Mọi sự thuận thông may mắn. Thuận buồm xuôi gió. Song cần một lòng đừng thay đổi thất thường mà xôi hỏng bỏng không để rồi thở vắn than dài. Vẫn phải sống chung với bệnh tật. Lạ, là vẫn còn điều thị phi trong khi anh hiền lành chừng mực như thế. Anh nghĩ sao điều tôi vừa nói?

NTAN: Tôi không có lấy “xôi” và “bỏng” từ tay ai, mà do mình hì hục cày cuốc mà có chút ít, nên câu…“dọa” của anh không làm tôi sợ đâu nhé (cười)… Tôi và tất cả chúng ta đều được hưởng lợi và đồng thời là nạn nhân của tính cách của mình. Còn cái chuyện mình trước sau không động đến chân lông một ai mà vẫn…có thể có người không ưa thì đành nhún vai. Còn nhớ, bạn tôi, anh Trương Đăng Dung ở Viện Văn khi nghe tôi tâm sự điều này, đã nói một câu chí lý: “Riêng cái việc anh sống khác người ta là đủ cho người ta ghét anh rồi”! Giỏi!

Và có mấy câu thơ của ông Raxun Gamdatốp mà tôi dịch có thể thay lời kết về cái nghịch lý này nhé:

“KHÔNG ĐỀ

Có bà thày bói nọ

Tiên đoán số phận tôi

“Mục đích đời anh thì cao đẹp – bà ta nói –

Song trong đời anh sẽ không ít kẻ thù”

 

Thôi đi, bà ơi, đừng phí lời vô ích

Chẳng cần lời bói của bà mọi sự cũng đã hiển nhiên

Khi con người có mục đích thiêng liêng

Hắn sẽ có rất nhiều thù địch”

Đời là thế mà, ở đâu cũng vậy!

 

NHQ: Chúc anh và gia đình trong năm nay an lành may mắn.

 Nguyễn Hữu Quý (thực hiện)

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66369355

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July