Ảnh minh họa - Internet
Thằng bé phụng phịu:
- Sao mẹ chưa mua quần áo mới cho con ?
- Áo xống gì? Chị mày sắp chết rồi kia, ở đó mà…
Không đợi mẹ nói hết câu, thằng bé oà khóc một cách oan ức. Nó đâu biết chuyện gì đang xảy ra trong cái gia đình nhỏ bé này, nó chỉ biết ngoài kia người người chộn rộn phong bì đỏ, áo xanh quần trắng, và nó thì mong lắm một bộ quần áo mới có mấy cái túi rộng để bỏ vào đó những phong bao lì xì, rồi sau mấy ngày tết, ríu rít chị em xem ai được lì xì nhiều hơn. Nghe con khóc, chị Nguyên gắt toáng lên:
- Khóc, khóc cái gì hả ? Nó đã chết đâu mà khóc…
Gắt con nhưng nước mắt chị lại trào ra. Rồi chị bỗng thụp xuống, ôm lấy con trai, nghẹn ngào dỗ dành:
Mẹ xin lỗi, con đừng khóc nữa, mẹ đang tan ruột nát gan ra đây rồi. đợi ba về dắt con đi mua áo mới nha. Con nín đi, nín đi.
Thằng bé nín khóc vì ngạc nhiên thấy mẹ cũng khóc, và cũng vì lời hứa hẹn. Nó quay ra an ủi mẹ:
- Mẹ cũng đừng khóc nữa, ba cũng mua áo mới cho mẹ mà, cho cả chị Ny nữa.
Người mẹ dụi vào ngực đứa con trai bé bỏng để giấu đi những giọt nước mắt cứ trào ra trào ra. Có tiếng xe ùa vào sân, chị vội ngoảnh ra. Anh Quân đang gạt vội chân chống, rồi vội vã đi vào.
- Ai đang ở trong dó mà anh về vậy ?
- Cậu Phúc. Anh về thay bộ đồ rồi vô liền. Mấy anh trên cơ quan bảo hôm nay sẽ đến xét nghiệm máu. Không biết có thêm được ai nữa không?
Chị khẽ thở dài, lau nước mắt rồi đứng dậy đi vào phòng lấy bộ quần áo cho anh, anh thì tất tả đi ra nhà sau, không để ý thằng bé đang hóng ba về. Hình như nó cũng cảm nhận được điều gì đó, nên không kêu đòi gì nữa, quay ra cầm chiếc máy bay điện tử bật lên một điệu nhạc.
Bé Ny vẫn nằm trong tư thế bất động, hơi thở phập phồng theo nhịp của chiếc máy. Bé đã phải thở máy hơn một tuần nay rồi. Ban đầu bé sốt ở nhà hai ngày thì chị đưa bé vào viện. Ở đây, bác sĩ chẩn đoán là sốt siêu vi, nhưng vài ngày sau, thấy bụng bé chướng lên, gây khó thở và sốt cao, ra bé đã bị xuất huyết nội. Sự chậm trễ trong điều trị đã dẫn đến bé bị sốc và hôn mê. Sau lần cấp cứu ngấp nghé cái chết, bé hồi lại đôi chút, nhưng phải có sự trợ giúp của máy móc. Chung quanh bé, những dây nhợ giằng dịt vào những chiếc máy lớn nhỏ. Miệng bé là một cái ống thoát dịch, mũi bé là ống thở, hai mắt bé cứ he hé, chân tay, người ngợm bé tím bầm nhiều chỗ vì lấy ven và chọc hút dịch. Lần đầu nhìn thấy con trong tình trạng nguy kịch, chị đã ngất đi, đến mấy ngày sau chị mới đủ can đảm vào chăm sóc con. Nhưng đã hơn một tuần rồi, bé Ny vẫn không có chút tiến triển nào. Những người bạn của anh chị sẵn sàng chia sẻ những giọt máu, bé Ny thuộc nhóm máu O, một loại máu hiếm, nếu trông vào kho máu của bệnh viện thì không thể nào, may mà trong số những người quen có kha khá người thuộc nhóm máu này. Không chỉ là máu truyền trực tiếp, mà bé Ny còn cần truyền huyết tương, nên cứ hai người cho máu mới lọc dược một bịch huyết tương, liệu còn có thể cầm cự được trong bao lâu nữa? Tiếng tip tip của chiếc máy cứ vang lên đều đều. Phúc bước vào với ly cà phê:
- Thôi chị về nghỉ đi, để em trông cho.
- Tối nay cậu về đi, thức liền mấy đêm rồi, không khéo lại ốm luôn đấy.
- Không sao, em còn chịu được mà. Về cũng không yên tâm.
- Vậy cậu ra hành lang kiếm chỗ ngả lưng chút đi, có gì cần, chị gọi. Ở đây hai người họ lại la bây giờ. Đi đi.
Phúc nghe lời chị đi ra ngoài, cậu kịp né người khi một chiếc băng ca xồng xộc đẩy vào phòng. Là khoa cấp cứu nhi nên không khí chộn rộn và căng thẳng hầu như thường trực. Bất kỳ một bệnh nặng vào cấp cứu, bất kỳ một bệnh nhân trở mệt, bất kỳ một trái tim ngừng đập. Ê kíp y, bác sĩ và cả hộ lý ở khoa này vì thế mà cũng thành khó tính. Mỗi giường bệnh chỉ được một người nhà chăm sóc, mà cũng phải biết dọn chỗ thật gọn cho họ đi lại dễ dàng. Tối nay, phòng bệnh khá đông, từ chiều đã có ba ca nhập viện, đều là sốt xuất huyết, đang mùa dịch mà. Tiếng khóc của những đứa trẻ bị giữ chặt chân tay để những mũi kim chọc vào ven ồn ã, nghe càng tức thở. Chị Nguyên thở dài. Nuôi được một đứa con khôn lớn, không biết bao nhiêu công mà kể, vậy mà chỉ một chút sơ sảy, nó bốc hơi như chơi. Áp tay vào trán con, chị kêu thầm “Con ơi, Ny của mẹ ơi, con mau tỉnh lại đi, con đừng bỏ ba bỏ mẹ mà đi nghe con, con làm sao thì mẹ cũng chết mất thôi. Ny ơi! con có nghe mẹ gọi con không? Ny ơi. Ny ơi…” Chị cứ thầm thỉ gọi, người ta bảo đó là liệu pháp tâm thức, với người đang bị hôn mê, gọi như vậy là để níu lại thần thức của họ, làm cho phần hồn của họ bị vướng víu, không dễ thoát di được. Cảm thấy thân nhiệt của con lại tăng, chị Nguyên vội vàng lấy những chiếc khăn để sẵn, nhúng nước ấm đắp khắp người bé, cứ thề thay khăn liên tục cho đến khi hạ sốt. Xong, chị lại ngồi xoa chân nắn tay cho con, lát sau mệt quá, chị gục xuống bên cạnh giường lơ mơ thiếp đi. Không biết bao lâu sau, chợt linh tính người mẹ nhắc nhỏm, chị bật dậy nhìn con, bé Ny đang lên cơn co giật, mắt trợn ngược, chị hốt hoảng la lên, bác sĩ ùa tới, mấy cái đầu lắc cùng vẻ mặt hết hy vọng, chị thét lên “Con ơi!” và ngã gục xuống sàn. Phúc từ ngoài chạy vào, nâng chị gái dậy, nhìn thấy cháu mình đang hấp hối, cậu cũng bật khóc. Tuy không còn được mấy phần trăm khả năng, nhưng bác sĩ vẫn hết sức bằng mọi biện pháp. Thật khó tin, nhưng sau ít phút, bé Ny hồi lại, chiếc máy thở lại thả những tiếng tip tip đều đều. Những vị thầy thuốc nhìn nhau, trong quá trình điều trị của họ, những ca hấp hối đến mức này mà còn hồi lại là rất hiếm. Có lẽ cháu bé đang gắng gỏi bằng chút sức lực cuối cùng. Không nói ra, nhưng kể cả y, bác sĩ lẫn người nhà, vấn đề chỉ còn là một con số thời gian ít ỏi mà thôi. Phúc lay gọi chị :
- Chị Nguyên, chị Nguyên, tỉnh lại đi, bé Ny hồi lại rồi nè.
Lờ mờ nghe tiếng gọi, chị cố gắng mở mắt. Và khi nhận thức được, chị trố mắt nhìn con như nhìn một vật thể lạ. Bé Ny vẫn nằm bất động, nhưng phần nào đó, bé lại gieo một chút hy vọng cho mọi người. Nhưng chuyện bé có qua nổi cơn bệnh khi đã đến 99% tuyệt vọng thì chỉ có thể trông vào một phép màu huyền nhiệm nào đó. Và một khi, các thông số kia chưa báo hiệu chấm dứt hẳn một sinh mạng, thì mọi chuyện vẫn có thể xảy ra.
Đã hơn mười ngày qua chiếc máy thở vẫn giữ nhịp đều đặn, nhưng người bệnh thì vẫn chưa có một dấu hiệu khả quan nào. Bây giờ thì sự phỏng đoán đã nghiêng sang một tình huống khác. Đó là khả năng sống thực vật là rất cao. Với một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, thể trạng thuộc diện trung bình, mà đã ngấp nghé chuyện sống chết trong một khoảng thời gian đáng kể như vậy, thì không dễ gì tưởng đến một sự hồi phục hoàn toàn. Và cho dù có trở lại với đời sống thực, thì di chứng hẳn là chuyện tất yếu. Anh Quân ngồi nhìn chăm chăm vào mặt con, mắt anh đỏ hoe, ngân ngấn. Đang là một đứa trẻ thông minh, hoạt bát, luôn là học sinh giỏi qua các lớp, giờ này nằm đây với bao dự đoán u ám về tương lai. Khả năng nào thì cũng là một nỗi đau khôn cùng cho mẹ cha cả. Những người bạn vẫn tiếp tục hiến những giọt máu quý báu. Lúc này, mới thấy rõ sự quý giá của một sinh mạng, trong khi những tai nạn, những quả bom khủng bố hàng ngày đã vật xuống mặt đất những xác người như lá rụng. Ôi, chuyện sống chết như đầu hôm sớm mai vậy. Nào ai biết được cái ngày khép lại ánh mặt trời trong hơi thở mình là khi nào, và một trong hàng vạn nguyên nhân dẫn đến, nguyên nhân nào sẽ là lưỡi hái ?
- Hay là đưa cháu đi Sài Gòn xem, may ra…
- Làm sao đưa đi được hả anh ? Chỉ cần rút cái ống thở ra là nó xong rồi. Thôi, con người có số phận cả, cứ để cháu nó được đến đâu hay đến đó. Chắc cũng không còn mấy nữa đâu.
Anh Quân buồn bã nói với người bạn, vốn tỉnh lẻ thường không tốt lắm cả về chuyên môn lẫn thiết bị y tế. Nên thông thường người bệnh có vấn đề nghiêm trọng một chút là vội chuyển về thành phố lớn, nhưng trong trường hợp này đó là điều không thể. Cho dù nơi đó có tốt hơn, nhưng đứa bé sẽ không đủ sức chống chịu với một quãng đường dằn sóc đến 7,8 tiếng đồng hồ. Nên ngoài sự trông chờ, hy vọng vào một vận may của số mạng thì không thể làm gì hơn được nữa.
- Anh Quân ơi ! hình như nó có phản xạ rồi nè.
Nghe Phúc gọi, anh Quân vội chạy vào, bé Ny hơi nhíu nhíu trán. Một tia hy vọng le lói, anh khấp khởi, cầm tay con gọi khẽ. Nhưng chỉ thế thôi, bé Ny không biểu hiện thêm được chút nào nữa. Khi nghe chồng nói, chị Nguyên trào dâng một niềm tin mãnh liệt.
- Con bé sẽ qua khỏi, anh à, em tin thế, nó sẽ sống lại, sẽ khoẻ mạnh như xưa, anh có tin không?
Tuy không có một niềm tin tràn trề như chị, nhưng anh cũng đồng tình
- Anh tin, tin chứ, bé Ny sẽ khoẻ lại mà.
Vâng, chỉ cần một chút khởi sắc thôi, là một ngọn lửa lại được nhen lên, lại bập bùng ấm áp. Hôm sau, hôm sau nữa. Bác sĩ cũng ngạc nhiên khi bắt mạch :
- Mạch đều hơn rồi.
Khi cô y tá chọc tìm ven để lấy máu thì bé Ny khẽ nhăn mặt, co tay lại.
- Ôi, nó phải xạ tốt hơn hôm qua rồi.
Từng chút, từng chút dấu hiệu hồi sinh của cháu bé thu hút tất cả mọi sự chú ý. Những thân nhân bệnh cùng phòng cũng hồi hộp đón chờ từng cử chỉ của bé. Và rồi, cũng đến lúc bé Ny lờ đờ nhướng mắt. Chị Nguyên mừng quá, rối rít gọi con:
- Con ơi! Bé Ny ơi, mở mắt ra nhìn mẹ này, con tỉnh lại đi con.
Bé Ny lại nhắm mắt. Anh Quân trấn tĩnh vợ :
- Em từ từ thôi, để con nó tỉnh hẳn đã.
- Ôi, em mừng quá anh ơi, con nó sống rồi. Cảm ơn Trời Phật, cảm ơn phước đức ông bà để lại. Con bé sống rồi.
Chị nói cuống quýt, nước mắt nhạt nhoà, anh nắm chặt tay chị nhưng chưa vội lạc quan như chị, anh còn chờ sự khẳng định tốt hơn, bởi vẫn lơ lửng một tình huống…Mấy tiêng đồng hồ sau, bé Ny lại mở mắt, lần này cả anh lẫn chị đều im lặng hìn chăm chăm vào mặt bé. Bé Ny chớp chớp rồi mở hẳn, chị hồi hộp cất tiếng gọi khẽ :
- Bé Ny ơi !
Bé Ny nhìn mẹ, trong mắt bé rõ một thần sắc, anh khấp khởi:
- Ny ơi ! Con thấy ba không?
Bé Ny chớp chớp tỏ ý nhận ra, anh mừng quá, hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt con:
- Con gái của ba…
Chị không kìm nổi nước mắt, nắm lấy tay chân con mà khóc.
- Mấy người này hay ghê nha, nó cấp cứu cũng khóc, giờ nó tỉnh cũng khóc, né ra chút giùm tui cái coi.
Bác sĩ Thanh nạt đùa, ông cũng không giấu được vẻ vui mừng. Còn gì nữa, một bệnh nhân ngắc ngoải mười mấy ngày nay, giờ bỗng có một tiến trỉển khả quan thế ai không mừng. Một món quà tuyêt bích cho người chiến thắng tử thần. Công sức của mấy mươi người với tất cả những khả năng có thể, giờ đã mở ra trước mắt một sự hồi đáp.
Bé Ny đã thực sự tỉnh lại được hai ngày, nhưng bé còn rất yếu, vẫn chưa thể rời cái máy thở được, nhưng sắc mặt bé đã hồng lên đôi chút. Những tín hiệu trả lời những câu hỏi của mọi người, đã khẳng định bé không bị di chứng về não. Chân tay cử động nhẹ được, mắt nhìn tốt, chỉ còn nội tạng là chưa có điều kiện xác định. Có cảm tưởng bé vừa bị một vật lạ có hình thù quái dị, có sắc màu hư ảo, dẫn dụ bé đuổi theo, bé mải mê đuổi theo cho đến mút một con đường, thấy chung quanh là bóng tối ngập tràn, bé mới hoảng sợ vụt quay người chạy về với cha mẹ. Hoặc, trong lúc mải rong chơi ấy, bé mơ hồ nghe tiếng gọi của bao người thân thương của bé, và bé đang rón rén về bên cửa vì sợ bị mắng. Bởi bé sợ bị mắng, nên khi nhác thấy bóng mẹ cha, bé giật mình lùi lại. Sự lùi lại của bé xảy ra vào khoảng đầu đêm. Bé nhăn mặt, bé quơ tay, bé đập chân, bé thấy bóng áo trắng nào đi qua cũng như muốn gọi, nhưng mọi người đều không hiểu bé muốn nói gì. Thấy bé hâm hấp sốt, chị lại dấp khăn nóng đắp, bé cứ như có gì khó chịu, khổ sở lắm vậy. Chị luôn mồm xoa dịu con, vì nghĩ rằng bé nằm lâu ngày nên bức bối. Để rồi, sau một hồi quơ quạng, bé thả rũ chân tay, hàng loạt chỉ số trên những chiếc máy giảm tụt nhanh chóng, chị kêu thét lên, bấn loạn. Các y, bác sĩ chạy đến, mọi thăm khám đều không cho một dấu hiệu gì rõ rệt, chợt như bé cố gồng lên, tay như cào cào vào cổ, một bác sĩ chợt nhanh tay rút cái ông thở, thì ra dịch tràn vào ống thở cả một đoạn, làm bé tắc thở không biết tự lúc nào, và chút sức tàn đã giúp bé gắng gượng tự thở. Khi cái ống thở được thông và trở về cơ thể bé, bé từ từ thở lại bình thường, và ngủ một mạch cho đến sáng. Bấy giờ các bác sĩ và ba mẹ bé mới thấy hoàn hồn, khi ngỡ công sức của bao người, bao ngày vừa lấp loé đã tối sập. Trời ơi! Cái sinh mạng nhỏ bé này, sao mà lắm thử thách đến thế ? Nhưng phải thấy rõ một điều, ngoài cái gọi là mạng lớn, phước lớn, thì bản năng sống sinh tồn của bé quả thật rất mạnh, bản năng ấy đã không chịu thua sự khốc liệt đấu tranh, và cuối cùng sự sống tuyệt vời đã thắng.
Bé Ny đều đặn há cái miệng xinh xinh đón từng muỗng cháo từ tay mẹ. Chị Nguyên cảm thấy một niềm hạnh phúc dạt dào đang trào mãi trong lồng ngục khi lại được làm cái việc mà chị đã làm cho con gái từ những ngày chưa xưa lắm ấy. Đã ăn được, đã ngủ được bình thường, bé Ny hồi phục thấy rõ. Những bữa ăn của bé được cải thiện nhanh chóng, cháo, cơm, bún, phở…cứ cái gì bé muốn ăn là gần như có ngay lập tức. Có khi chị đang giặt, nghe anh gọi điện báo bé thích ăn chè đậu ván, thế là hơn năm phút sau, bé đã ngon lành mút bịch chè với gương mặt rạng rỡ của ba mẹ. Chỉ sau một tuần rời khỏi chiếc máy thở, bé Ny đã bước xuống đất đi lại, da mặt hồng hào, đôi mắt lại to đen háo hức. Có người quen nói vui “Sau này phải làm Bộ trưởng cho bõ công mọi người nghe bé Ny.”
Mọi vật dụng đã được xếp gọn vào những cái túi, anh Quân cúi lưng thấp xuống cạnh giường cho chị Nguyên đỡ bé Ny lên. Đứng dậy cõng xốc con, anh Quân cười rạng rỡ chào những vị thầy áo trắng, những người thân bệnh cùng phòng. Những tiếng chào hỉ hả, và cả những ánh mắt ghen tị, thèm muốn. Bât kỳ ai, nếu buộc phải ăn đứng ngủ ngồi ở cái chốn tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười đây, cũng chỉ có một ước muốn như gia đình bé Ny lúc này. Cho dù bao vất vả tốn kém, giây phút được bồng bế nhau ra khỏi cổng bệnh viện với nụ cười vui sướng là đủ quên hết cả. Một cuộc đời người ta thường rất nhiều khi phải bước đến nơi không muốn đến, vào rồi tất sẽ ra, khác nhau là ra trong trạng thái nào.
- A, chị Ny về rồi. Sao chị đi lâu quá dzậy? Chị không ở nhà chơi với em, em buồn quá nè.
- Chị mới về còn mệt, con để chị nghỉ rồi mấy hôm nữa chị chơi với con nghe.
- Chị chơi với con, ăn sôcôla với con nữa, phải hông mẹ?
- Ừ, con phải nhường cho chị ăn nhiều đó nha, không được giành hết của chị đâu đó.
- Dạ, con nhường cho chị ăn nhiều rồi ba dắt con đi mua đồ mới, mua đồ chơi nữa hả ba?
Chị Nguyên phì cười :
- Nó không quên được chuyện quan trọng của nó mà. Được rồi, để chị Ny khoẻ rồi mẹ dắt cả hai chị em đi sắm đồ mới nha.
Anh Quân đã xếp xong chỗ nằm cho con gái, quay ra bế bổng con trai lên hôn chùn chụt vào mặt:
- Con trai ngoan của ba, ba mua đồ siêu nhân cho con nha, năm nay nhà mình ăn tết lớn thiệt lớn, con chịu hông?
- Con chịu. Mẹ ơi ! Ba nói nhà mình ăn tết lớn kìa mẹ.
Mặt chị Nguyên đỏ hồng lên nụ cười hạnh phúc, nhìn mấy cha con rồi quay đi lén đưa tay áo lên quệt mắt. Trên tường, mấy tờ lịch mỏng đang lật bật.
Đ.L
(Tân văn số 1 - NXB Hội nhà văn tháng 11-2012)
|