Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Giêng hai kể lại vài phong tục Trường Sa - LÊ BÁ DƯƠNG Giêng hai kể lại vài phong tục Trường Sa - LÊ BÁ DƯƠNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Phong tục Trường Sa, tại sao không? Truyền đời qua hơn 4 ngàn năm Văn Hiến, hết thế hệ này sang thế hệ khác, các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam từng định hình và phát triển hàng trăm, hàng ngàn phong tục, tập quán văn hoá riêng của mình. Dẫu rằng trong quá trình  tự sàng lọc, các phong tục, tập quán đó không những đã được bổ sung, phát triển, thăng hoa, hợp thành cốt cách Văn Hoá Việt Nam  rực rỡ và đậm đà bản sắc dân tộc. Cũng trong không gian Việt, trên khắp các làng đảo  Trường Sa, ngoài những phiên bản phong tục, tập quán  đầm ấm bản sắc làng quê Việt Nam,  cộng đồng những cư dân giữ đảo qua cuộc sống thường nhật giữa trùng khơi, đã mặc nhiên hình thành thêm những phong tục, tập quán Văn Hoá mới, với nét đặc trưng mặn mòi phong vị làng Việt Trường Sa. Dẫu nơi  biên đảo xa bến, xa bờ vẫn một mạch khối chủ quyền cuộc đất Việt Nam.

Tục đón khách bằng nước ngọt.

Đến quần đảo Trường Sa. Điều đầu tiên mà ai cũng có thể cảm nhận được là sự hiếu khách như không có giới hạn của những cư dân chiến sỹ  trên khắp tuyến đảo lớn, đảo nhỏ Trường Sa. Cảm nhận đó có thể nhận thấy ngay từ khi xuồng còn cách đảo vài ba trăm mét  đã thấy hẳn cả  tốp lính đảo được phân công lội ào ào ra dìu xuồng lựa từng đợt sóng dềnh lên mà lách qua từng cụm san hô để cập bến đảo. Song ấn tượng hơn tất cả  là khi bước chân lên bờ khách sẽ được các công dân làng đảo y phục chỉn chu xếp hàng đón tiếp với nghi lễ đặc biệt cùng “phẩm vật” là một dãy thau nước ngọt, hàng chục chiếc khăn lau mặt để khách tẩy trần trước khi nhập đảo. Gọi là phẩm vật không ngoa khi  trên đảo (Thực chất là chiếc nhà nổi) rộng chưa đầy trăm mét vuông giữa mênh mang biển cả, nguồn nước ngọt chỉ trông đợi vào từng đợt mưa lớn mưa nhỏ thất thường nên từng ca nước ngọt được xếp vào một trong những loại báu vật thuộc diện dự trữ chiến lược của mỗi đảo. Thường ở đảo nào cũng vậy, việc sử dụng nước ngọt đều được tính toán theo một quy trình tiết kiệm và có lợi nhất. Nước lấy từ bể chứa lên tắm, giặt, rửa rau vo gạo... xong đều chảy vào một rãnh bê tông về một hầm chứa để dùng tưới cây, gần như không bỏ phí một giọt. Vì vậy sẽ thật thú vị khi so sánh phong tục đón khách quý bằng phẩm vật nước ngọt là thứ quý nhất của đảo với phong tục đón khách quý bằng bánh mỳ và muối của người Nga. Song cảm động hơn nhiều, khi bạn tình cờ nhận thấy câu khẩu hiệu “Nước ngọt là máu của đảo” đã được các công dân ý tứ tạm che kín trước khi đón khách lên bờ cũng như suốt thời gian khách lưu lại trên đảo. Cho thấy tục tiếp khách bằng phẩm vật nước ngọt được các chiến sỹ Trường Sa thể hiện một cách tinh tế, rất văn hoá và thấm đậm tình người.

Tục sờ mó, đánh thức vũ khí, khí tài.

Cũng như đồng bào Thái ở miền Tây xứ Nghệ có tục sờ mó đánh thức các vật dụng sản xuất trong ngày đón tiếng sấm đầu năm với cầu mong mưa thuận gió hoà. Theo họ, các vật dụng từ cây cày, chiếc liềm, cây cuốc... khi được sờ mó, đánh thức dậy sẽ luôn được tốt, được bền để làm ra nhiều lúa, nhiều gạo, nhiều cá nhiều thịt...

Tương tự ở các làng đảo Trường Sa  cũng tồn tại tục sờ mó, đánh thức vũ khí, khí tài.  Tuy nhiên khác với tục sờ mó đánh thức vật dụng của đồng bào Thái xứ Nghệ chỉ diễn ra một lần duy nhất khi đón tiếng sấm đầu tiên trong năm. Tục sờ mó, đánh thức vũ khí, khí tài của các cư dân chiến sỹ Trường Sa lại diễn ra hàng ngày, hàng tuần. Số là ở đảo, quanh năm ngập trong hơi nước  mặn, khiến các loại trang thiết bị, vũ khí, khí tài dẽ bị ẩm mốc, sét rỉ. Để các khí tài, vũ khí trang bị luôn bền tốt, đáp ứng nhu cầu sẵn sàng chiến đấu, chế độ lau chùi, bảo quản trang thiết bị chiến đấu tuy được cấp trên quy định thực hiện định kỳ theo từng quý hoặc 6 tháng một lần. Song do nhận thấy sự xâm mặn của hơi nước, gió biển ở Trường Sa tác động làm huỷ hoại rất nhanh các trang bị, vũ khí, khí tài chiến đấu nên các chiến sỹ từng khẩu đội, phân đội đều đều mỗi ngày trực tiếp kiểm tra, lau chùi, bảo quản từng món vũ khí, trang thiết bị của mình. Công việc lâu dần thành nếp quen tạo nên tục sờ mó, đánh thức vũ khí, khí tài  được các cư dân chiến sỹ trên đảo thực hiện hàng ngày.

Tục trao tài sản

            Tục này thường diễn ra ở đảo mỗi khi có đợt chuyển khẩu, kẻ ra, người vào. Trong dịp này, ngoài bữa cơm đón người mới ra đảo, tiễn người cũ vào bờ cũng đồng thời là cuộc chuyển trao tài sản giữa những công dân, lính đảo. Gần cả ngàn ngày đêm chung lưng đấu cật vui buồn với nhau trên điểm đảo giữa trùng khơi. Hơn ai hết, những người lính đảo hiểu rất cụ thể cái gì cần cho người ở đảo, cái gì cần cho người trở về. Vì vậy những người  được lệnh vào bờ đã không chút đắn đo trao lại toàn bộ những trang bị, vật dụng cần thiết ở đảo của mình cho những người ở lại tiếp tục sử dụng. Và những người ở lại có bao nhiêu vật kỉ niệm, từ con ốc, quả bàng vuông, nhành san hô... thu nhặt được trong những ngày ở đảo lại gói gém trao hết cho người vào bờ làm quà cho đất liền.

Khác với những người đi rừng, trước khi ra khỏi cửa rừng vẫn giữ tục lệ để lại bên bếp than giữa rừng một que diêm, gói muối cho người lạc rừng cơ nhỡ có dùng. Những công dân Trường Sa trước khi rời đảo, ngoài việc trao lại tài sản của mình từ cây kim, sợi chỉ, chiếc bật lửa, cây đèn bin đến những vật dụng thiết yếu khác, còn có cả những lá thư nhà  cho người ở lại.

            Tục giữ giọng.

Những ngày cùng sống, sinh hoạt trực tiếp với các công dân đảo, đặc biệt là công dân chiến sỹ. Đến đảo nào cũng thấy  các công dân đảo  ngoài buổi  tập thể dục sáng thì đầu mỗi bữa cơm, lúc sinh hoạt, đêm trước khi ngủ, hoặc lúc tiễn khách đều khởi động bằng việc đồng loạt  hô...một , hai, ba... dô, dô cứ như khẩu lệnh trăm phần trăm khi uống bai. Thủng thỉnh hỏi chuyện lính đảo, mới hay đó là tục giữ giọng - một tục lệ tựa như của các ca sĩ sáng sáng vẫn  à...a...á... Ò...o...o...ó... nhằm luyện thanh đới, giữ giọng. Khác chăng với ca sĩ giữ giọng để bảo trì thanh khí mà ca, mà hát. Với các công dân làng đảo Trường Sa, cuộc sống của  điểm đảo chơi vơi giữa bốn bề biển cả, tiếng hô trong đêm thêm ấm hơi  người. Và đặc biệt, với cánh lính , thì việc hô to, hát lớn cho nở phổi, đó cũng là cách luyện thanh, giữ giọng cho tiếng hô, tiếng hát át tiếng sóng. Có vậy mỗi khi vào cuộc tập trận cũng như khi thực hiện tình huống chiến đấu, những người lính đảo với thanh quản “Chất lượng cao” sẽ hô khẩu lệnh chiến đấu rất  rõ ràng, mạch lạc, đủ độ vang vọng, chuẩn xác.

Tục chia thư

            Với các chiến sỹ nơi đảo xa. Cái ăn, cái uống đương nhiên là điều thiết yếu. Song về mặt tinh thần, ngoài thông tin qua Anten chảo, phát  qua  màn hình ti vi mà  đảo nào cũng có, nhiều làng đảo với hệ thống điện pin mặt trời, phong điện “mi ni”, các trạm tiếp sóng  điện thoại di động, đường thư điện tử qua cổng kết nối Internet… đã trở nên phổ biến trên các làng đảo… nhưng với các công dân, chiến sỹ giữ  đảo thì không niềm vui nào thay thế niềm vui mỗi năm một đôi lần đón tàu từ đất liền chở hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu và đặc biệt là  những túi thư, báo đến từ hậu phương. Những khi vậy, những lá thư viết tay, thơm mùi mực quen thuộc, ấm nguyên nét chữ, nét người  thân thương  từ sau lũy tre làng trong đất liền vượt sóng trùng khơi ra đảo, vẫn luôn được coi là chủ vị “hồn quê” làm nên đại tiệc chia thư  hậu phương,  nao nức các cư dân trên đảo.

Ngày thường đón tàu ra đã vậy,  những ngày đón chuyến tàu xuân cập bờ đảo, các cư dân đảo trong tâm trạng  háo hức, hồi hộp, sau một chiều hối hả chuyển tải hàng hoá từ tàu vào kho đảo... Để đêm về, ai nấy “tắm rửa, sửa mình” cùng tập trung về hội trường, cũng được coi là cái “đình” làng đảo, cùng  quây quần bên nhau dự đại tiệc đảo giá trị tinh thần của những bức thư mỗi khi đến đảo sẽ là niềm vui chung của tất  thảy mọi người  nên  đại tiệc thư sẽ được tổ chức long trọng sau khi mọi công việc trong ngày ở đảo đã được hoàn tất. Để rồi đêm xuống, cả đảo . Sau một vài lời phi lộ, người cán xã đảo, cũng đồng thời giữ vai  “Em Xi”,  lần lượt xướng  tên từng công dân, chiến sỹ lên nhận thư. Đây có lẽ là lúc “tâm trạng” nhất của mọi công dân làng đảo, chứ chẳng riêng gì những anh lính đóng quân tại địa bàn  đảo xa. Đó là  niềm vui hơn trúng số đặc biệt  của người được xướng tên lên nhận thư nhà. Là gương mặt trông đợi háo hức của người chờ mong mình sẽ là người may mắn kế theo. Và thương lắm những gương mặt lính thoáng hẫng hụt buồn khi cuối danh sách nhận thư của người thân không có tên mình. Buồn vậy nhưng chỉ là thoáng buồn thôi, bởi ngay sau phần trao thư cho những địa chỉ cụ thể ghi trên bì thư, là bắt đầu cuộc chia thư hậu phương. Những lá thư được đồng bào, đồng chí khắp nơi trên cả nước viết gửi chung cho một địa chỉ: Chiến sỹ Trường Sa những vẫn tới đúng nơi, đúng người khi nó là niềm vui được chia đều cho tất cả những công dân, chiến sỹ làng đảo thành tục chia thư chỉ riêng có ở Trường Sa.

Tục thả hoa trên biển

Đã thành phong tục truyền thống  tưởng nhớ đến những người chiến sỹ đã đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Những công dân, chiến sỹ mỗi lần ra vào làng đảo Trường Sa đều tổ chức lễ thả hương hoa trên biển. Được biết, khởi đầu lễ thả hoa được hình thành từ khoảng thời gian cuối năm 1984 để tưởng nhớ những đồng đội ở cụm đảo Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan... đã chiến đấu, hy sinh và hoá mình vào biển đảo. Mãi về sau lễ thả hương hoa được đồng bào xã đảo và cán bộ, chiến sỹ Hải Quân duy trì thành tập tục thả hoa truyền thống mỗi khi theo tàu qua vùng biển Trường Sa.

Theo nhiều công dân  thường xuyên làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa cho biết: Tục thả hoa được tổ chức bất kỳ các điểm đảo trong quần đảo Trường Sa, song ấn tượng, linh thiêng hơn cả là lễ thả hoa tại vùng biển giữa cụm đảo Len đao, Cô Lin... Nơi đã thành lệ mỗi khi  tàu đi qua, dù là ban ngày hay ban đêm, những người lính trên tàu đều có chung một cảm giác như đâu đó các đồng bào, đồng đội của họ bỗng hội về quanh boong tàu. Bởi vậy không ai bảo ai, sau 3 hồi  còi tàu âm vọng vào biển khơi, tất cả các công dân, chiến  sỹ, bất kể nam phụ lão ấu có mặt trên tàu ai nấy y phục chỉnh tề túa lên mặt boong rồi tự động xếp thành đội hình dọc theo mạn tàu. Thường vẫn có sự chuẩn bị trước, chỉ huy đoàn công tác chuyển lên trước đội hình một bè hoa, trên đó kết nổi một nải chuối, một trái dừa còn tươi nguyên. Lễ mọn lòng thành, một chút trái ngọt, hương hoa từ đất liền theo tàu ra biển, những mong ấm lòng đồng bào, đồng đội chốn biên đảo xa bến, xa bờ được thả từ từ vào lòng biển với chan chứa cảm xúc thiêng liêng đồng vọng lời thề giữ đảo của các công dân làng đảo Trường Sa - Việt Nam.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH “VÀI PHONG TỤC TRƯỜNG SA”

       Lồng lộng biển trời làng đảo Trường Sa

          Trường Sa đón khách bằng nước ngọt

                  Xanh biển xanh bờ

            Chia thư hậu phương

          Làng đảo đón xuân

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông 

                 Làng đảo Trường Sa

                   Vườn nhà trên làng đảo 

           Tục lễ chùa trên làng đảo Trường sa

         Vũ khí được thường xuyên đánh thức

          Thế hệ công dân mới Trường Sa

                                       Mái làng đêm trăng

 

                   

                        Tác giả Lê Bá Dương tại đảo Sinh Tồn

 

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66366497

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July