Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  TẤM ẢNH ĐEN TRẮNG - Truyện ngắn của Nguyễn Huy Hoàng TẤM ẢNH ĐEN TRẮNG - Truyện ngắn của Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

         Ảnh minh họa - Internet

         

 

Thường lệ, cứ tám giờ tối, trừ những hôm mưa to, gió lớn, chị lại rời nhà ra công viên Thống Nhất tập thể dục dưỡng sinh. Nhưng một buổi tối tháng tám, chị bỏ tập, ở nhà tiếp khách. Sự kiện này sẽ mở đầu cho một chuỗi những cơn sóng gió trong cuộc đời của chị.

Câu chuyện xảy ra hết sức tình cờ. Một lần đến phố Kim Mã thăm một người bà con, chị bị nhầm lối cạnh một ngôi nhà năm tầng có biển đề Trung tâm Dịch vụ Du học to rầm. Cái biển hiệu tô xanh đỏ tự giới thiệu làm dịch vụ xuất người đi toàn thế giới, ngoài ra còn nhận photo coppi, đánh máy chữ và các loại dịch vụ khác nữa. Chị mạnh dạn hỏi đường một cô mặc váy ngắn đang đứng hóng khách ở cửa ra vào.

 

Chẳng biết hữu duyên hay do thói quen tiếp thị, cô cho biết cô là nhân viên của Trung tâm Dịch vụ này. Bà Giám đốc Trung tâm là một người vô cùng năng động, cái gì cũng sành, làm dịch vụ từ môi giới nhà đất, xuất bản đến giấy tờ hộ khẩu thành phố, kể cả văn bằng đại học, cái gì kiếm được tiền là bà ta làm. Bà ta vừa cùng chồng sang Nga để liên kết với mạng lưới làm giấy tờ bên ấy đưa người sang du lịch, lao động và cả làm ôsin nữa. Bà ta đã đưa trót lọt hàng trăm phi vụ. Bẫm lắm. Hay là, nếu chị chưa sang Tây thì thử làm một chuyến

 

 Thốt nhiên, chị liên hệ với tình cảnh hiện tai của mình, có lẽ phải nhờ bà Giám đốc giúp làm thủ tục cho mình đi Nga, biết đâuThế là về nhà, chị mạnh dạn gọi điện cho bà Giám đốc. Bà Giám đốc hẹn chị vào ngày mai, sau giờ làm việc và bà đích thân đến nhà chị rất đúng giờ. Gọi là Bà cho phải phép, chứ cô ta chỉ chừng 35, 36 tuổi, mắt đeo kính giả cận, nói giọng Nghệ An pha Bắc. Cô ta tự giới thiệu mình là Thạc sĩ Văn hóa và nhanh nhẹn trao danh thiếp cho chị. Qua câu chuyện, chị mới thủng ra rằng, chồng cô ta vừa bố cáo trên báo Lao Động về bản quyền Viện Du học do chồng cô ta làm Viện trưởng. Vừa nói, bà Giám đốc vừa đưa cho chị một tờ báo đăng ảnh một khuôn mặt đàn ông mặt lưỡi cày, có đôi mắt sâu hoắm: Tiến sĩ  báo chí Ngô Bát Nhất. Chị thầm nghĩ, giá như bên biên tập họ dánh máy sai, thêm dấu â chỗ chữ Bát thì chẳng biết nên hiểu ra sao?

 

Nghe bà Giám đốc nói một thôi, một hồi về khả năng vô hạn và chữ Tín vô cùng của Trung tâm, cộng với bộ dạng của cô ta, chị đã rất nghi ngại, nhưng khi hai bên đưa ra điều kiện và một vài thỏa thuận có thể thực thi được chuyến đi sang Nga thì chị tặc lưỡi bằng lòng.

Theo các khoản trong tiến trình cho một chuyến đi, Trung tâm sẽ làm hộ chiếu cho chị, sau đó làm giấy mời, lấy visa, mua vé  tiễn ra sân bay. Sang đến đất Nga, Trung tâm mới nhận tiền.

"Như vậy, chị là người nắm đằng chuôi rồi còn gì, cô ta nói. Nếu sang bên đó, chị làm cả hộ khẩu, quyền lao động để được ngồi bán hàng thì chị phải trả cho tụi này 18 vé; còn sang không, thì chỉ có 13 vé thôi, rất mềm, mềm nhất Hà Nội đấy bà chị ạ!

 

Cô ta nói một mạch như máy khâu, không cần biết chị có nghe hay không, rồi như sực nhớ ra, cô ta mở túi lấy bút giấy ra ghi lai lịch của chị. Trước khi nhổm đít ra về yêu cầu chị ứng ra 200 đô và đưa 5 bức ảnh để làm hộ chiếu, vì ngộ nhỡ ra chị thay đổi ý định, thì Trung tâm còn có cái trong tay. Yên tâm đi, ba tuần nữa là chị có mặt ở Nga rồi, sướng lắm!. Cô ta hứa như đinh đóng cột.  Chị như bị thôi miên, gật đầu và làm những gì cô ta đòi hỏi.

 

 Ở hay đi, đối với chị không có gì là quan trọng. Hai đứa con của chị đã trưởng thành. Thằng anh đã có việc làm, tiền lương và tiền làm thêm đủ nuôi đứa em ăn học. Khi chia tay với chồng, bằng mọi cách, chị phải rời khu tập thể Thanh Xuân để tránh sự đụng độ và những điều phiền toái khác. Xoay xỏa bằng mọi cách, chị mua được căn hộ một buồng ở khu tập thể năm tầng ở Kim Liên, chị dặn các con phải bí mật không để cho bố chúng nó biết. Hai đứa hiểu chị vì những gì chồng chị gây ra trong suốt mười năm qua dẫn đến chỗ chia đàn, xẻ nghé, chúng nó đều chứng kiến và được biết. Căn hộ mới của chị chỉ vẻn vẹn 18 mét vuông, nhưng ngăn nắp và ấm cúng, chị có đi đâu xa cũng yên tâm.

 

Với đồng lương thượng úy về hưu, không dư dật lắm, nhưng cũng không đến nỗi túng bấn. Mỗi tháng một lần, chị đến Câu lạc bộ Thơ của Quận, ở đó chị nghe thơ của bè bạn, của những nhà thơ thành danh và ngâm những bài thơ tự mình sáng tác. Cái tính lãng mạn giúp chị gì thì chưa thấy, nhưng đã mang đến cho chị nhiều nỗi truân chuyên. Ngay cả chuyến đi này, sự lãng mạn, thiếu tực tế cũng đóng một vai trò đáng kể.

 

Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã từng ao ước, giá có được một lần được đặt chân lên mảnh đất Liên Xô vĩ đại, mảnh đất đầy quyến rũ mà chị chỉ biết qua phim ảnh và tiểu thuyết. Cơ hội xuất ngoại lần này là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời. Dăm năm nữa, khi xấp xỉ lục tuần thì ra phố mua bó rau còn khó, nói chi là ra nước ngoài. Vốn liếng của chị sau khi sửa xong căn hộ, đưa tiền đặt cọc trước cho Giám đốc Du học, còn lại hơn chục triệu vị chi gần tám trăm đô, chỉ cần vay thêm của bà chị họ bảy trăm đô nữa, nộp xong các khoản hãy còn dư ra chút đỉnh. Sang đó, chị sẽ đi bán hàng thuê, dọn vệ sinh tại các Trung tâm thương mại, làm bồi bàn, hoặc đi ở, miễn là được thấy nước Nga. Trả xong nợ, có được chút ít giắt lưng về nước là mãn nguyện. Không hề trao đổi ý kiến với ai, chị chỉ tâm sự với thằng con lớn, nó hoàn toàn tán đồng và hứa với mẹ là sẽ đảm nhận mọi việc ở nhà chu tất. Thế là chị hoàn toàn yên tâm chuẩn bị cho chuyến lên đường.

 

 Hành trang xuất dương của chị chỉ có mỗi chiếc túi du lịch, bên trong chứa tư trang, chiếc áo len, mấy chiếc áo phông. Bên ấy thời tiết khác ta, đồ mình mang sang không hợp, đưa sang đó rồi lại vứt đi làm giẻ lau thôi. Bên ấy, ngoài chợ người Việt khối, rẻ như cho ấy mà- bà Giám đốc bảo thế.

 

Chị mở tủ chọn trong tập ảnh gia đình những bức ảnh của bố mẹ, hai đứa con từ lúc chúng còn lẫy trên giường đến những bức ảnh gần đây, chúng nó chụp ở công viên nước. Chị không mang theo tấm ảnh nào của chồng, mà kỳ thực hồi chia tay nhau chị không còn giữ một tấm nào, những tấm chụp chung, chị đã dùng kéo cắt tách ra hết cả. Chị không muốn gợi lên những kỷ niệm cay đắng.

 

Chị xếp bên tập ảnh cả nhà một bức ảnh đen trắng giấy lụa cỡ 4-6, chân dung của một anh bộ đội mang quân hàm trung úy, kèm theo một bức thư màu vàng ố viết trên giấy Việt Trì nhiều chỗ chữ đã nhòe nhưng vẫn còn đọc được:

 

Quảng Trị tháng 9-1971

Hai bác kính mến

Em Hằng thương nhớ

Cháu không biết rõ hôm nay là ngày nào, hình như 22 hay 23 gì đó. Suốt cả tuần qua, tiểu đoàn cháu quần nhau liên miên với địch, không còn tâm trí đâu mà để ý đến ngày tháng nữa. Đơn vị cháu bị tổn thất rất nặng, nhiều anh em bị hy sinh và bị thương. Từ hôm cháu B đến nay, chưa có dịp gửi thư về thăm gia đình, hôm nay cháu ghi vội mấy dòng, nhờ anh em chuyển thương binh về tuyến sau gửi hộ.

 

Cháu muốn nói với hai bác rằng, cháu coi hai bác như bố mẹ cháu và coi Hằng như em ruột cháu. Sau lần máy bay Mỹ ném bom, cháu bị thương và lạc đơn vị, hai bác và em đã chăm sóc và nuôi nấng cháu như người ruột thịt. Hai bác đã cứu sống cháu và giúp cháu trở lại quân ngũ. Ơn này cháu không bao giờ quên được. Cháu đã viết thư về cho vợ cháu, kể về tình cảm sâu nặng của gia đình hai bác. Một ngày nào đó yên hàn, vợ con cháu sẽ về Hà Tĩnh thăm và cảm tạ hai bác và em Hằng. Cháu tin hai bác sẽ quý mến thằng cu Tú và em Hằng cũng sẽ rất yêu nó.

 

Đêm nay, Tiểu đoàn của cháu sẽ tập kích vào thành cố, đồng chí chỉ huy nhận định rằng, trận đánh sẽ rất quyết liệt.

Ngày chiến thắng, cháu sẽ giới thiệu cho em Hằng một anh bạn cùng đơn vị, cháu đã nhắm  rồi. Tạm thời, cháu còn giữ bí mật.

Kính chúc hai bác mạnh khỏe. Mong em Hằng cố gắng học thật tốt, giành được kết quả cao để được sang Liên Xô học tập như ước vọng của em.

Cháu của hai bác. Anh của em Hằng

 Lê Vĩnh Tuấn

Anh Tuấn hy sinh ngay trong đêm hôm đó dưới chân thành cổ Quảng Trị. Một người cùng đơn vị với anh sau này ra điều trị ở Trại An dưỡng 37 tình cờ gặp chị trong nhóm học sinh cấp III đến thăm và biểu diễn Văn nghệ cho các chú Thương binh, đã kể về trận đánh khốc liệt đó.

 

Là con gái một trong nhà, không có anh em, chị coi anh Tuấn như là anh ruột của mình, bố chị lập bàn thờ và làm giỗ cho anh vào ngày 23-9 hàng năm. Cả nhà rất muốn tìm vợ con anh, nhưng chỉ nhớ mang máng là ở đâu gần khu Giáp Bát, giữa chốn hàng vạn con người, tìm một người không địa chỉ, khác chi đáy bể mò kim!

Chị cho cả tấm ảnh, bức thư, giấy sinh hoạt Đảng, bản thảo tập thơ của chị vào chiếc túi nhỏ đeo vai là vật bất ly thân, chuẩn bị cho chuyến đi tới một phương trời xa xôi mà chị mới chỉ biết qua sách vở.

Cuộc hành trình của chị chẳng khác gì một cuộc hành xác. Nhóm khách của Giám đốc Du học có sáu người, nghe nói chuyến trước đánh sang gần hai chục.Ở sân bay Nội Bài, theo lệnh của Giám đốc Du học, nhân viên đưa tiễn ép mỗi người nộp năm chục đô gọi là tiền làm thủ tục, mặc dù theo thỏa thuận từ trước là khoán gọn tất tần tật. Chờ đến khi thu đủ ba trăm đô của sáu người, người đưa tiễn mới chịu trao hộ chiếu cho từng người và vội quay lưng, theo cách nói của anh ta là, hậu phương hết trách nhiệm.

Trong đời, cả thời đi học, rồi những năm ở chiến trường, chị đã phải hàng chục lần đối mặt với bom đạn, với cái chết, với những nỗi khổ và đói khát, nhưng chưa lần nào, chị có cảm giác run sợ, nhục nhã và bé nhỏ như ở sân bay Seremetievo. Nhóm chị cùng với khoảng hơn chục người nữa bị tách ra khỏi dòng người xếp hàng rồng rắn trước cửa làm thủ tục Biên phòng. Một sĩ quan vóc người to lớn, mặt lạnh băng gom tất cả Hộ chiếu của cả đám người khiếp nhược mà một tiếng Nga bẻ làm tư cũng không biết, biến vào trong một căn phòng và sập cửa lại, mặc cho đám người dúm dó ngồi một góc như sắp bị hành quyết.

Gần hai tiếng sau, khi tất cả hành khách chuyến bay đã làm xong mọi thủ tục, nhận xong hành lý thì một anh chàng người Việt to mập, cầm một chiếc ví xách tay đi vào tự nhiên như nhân viên sân bay, tỏ ra quan tâm tới đám đồng bào và rỉ tai cho những hình nhân tuyệt vọng biết rằng, nếu như không biết cách, không đưa hai vé (200$) cho cái người cầm Hộ chiếu thì sẽ bị Lazat*. Ai muốn ra được, thì anh ta sẽ vì sự thông cảm dân da vàng với nhau, vì nghĩa cộng đồng nói hộ cho một tiếng. Còn nếu không, anh ta nói lấp lửng, nhưng trong câu nói hàm chứa sự đe dọa.

 Trước khi đi, chị đã nghe đầy tai về những câu chuyện ngang dọc của nhân viên công quyền Nga và đám bộ đội* sân bay rồi, nhưng chị vẫn cho là người ta phóng đại lên, chứ một xứ văn minh, có văn hóa lâu đời, ở bên đó còn có bà con mình nữa, ai nỡ làm những việc thất đức như vậy! Nhưng lần này thì mắt thấy, tai nghe và thực sự nó đụng đến số mệnh của chị... Chị không biết Lazat là gì, nhưng chắc là một thứ hình phạt, tù tội, giam cầm gì đó.

 

Đầu tiên, một người biết cách, sau đó là người thứ hai và cuối cùng là tất cả đều ngoan ngoãn ra tiền. Chị cắn răng lần ra hai trăm đô giấu kín, đưa cho vị cứu tinh to mập mà đôi mắt đỏ hoe. Hai trăm đô, vị chi là hai tấn gạo, bằng một gia đình nông thôn cày sâu, cuốc bẫm, đầu tắt, mặt tối suốt một mùa!

 

Ra khỏi sân bay, đại diện của Giám đốc Du học, một chuyên gia dịch vụ giấy tờ đặt đại lý ở chợ Vòm, đã đợi sẵn. Dồn đủ mọi người và hành lý lên chiếc Toyota bảy chỗ ngồi, anh ta bắt đầu gom tiền. Anh ta cho hay rằng, những ai còn làm khẩu và quyền Lao động, thì ghi số di điện thoại của Công ty để tiếp tục liên lạc; còn không thì đến Xaliut 2, tự thân vận động. Đến Xaliut 2, vào khoảng hai giờ sáng, cả khu nhà chìm trong im lặng. Vị đại diện nhanh nhẹn xách hết đồ đạc của mọi người lẳng vào trước quầy bán báo tầng một, gật đầu chào lấy lệ, quay vội ra xe, hoàn thành nhiệm vụ.

Trừ chị ra, cả năm người đều có người nhà lần lượt đến đón về. Khi họ đi hết, hành lang Xaliut 2 về khuya vắng tanh, có cảm giác rờn rợn. Trời chưa sáng, chị còn lại một mình, một thân ngơ ngác giữa bốn bề vắng lặng, lạnh run cầm cập, tuyệt vọng, không biết kêu ai. Thốt nhiên, chị thấy bủn rủn hết chân tay, buồn nôn, mắt nhòa đi và lả gục xuống cạnh quầy báo.

Tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trong một căn phòng hẹp, nhưng ấm áp, xung quanh có tiếng người và mùi cồn nồng nặc. Một chị đứng tuổi, mặc áo blu trắng mang đến cho chị một cốc sữa, đỡ chị ngồi dậy uống. Chị nghe câu được, câu mất, lờ mờ hiểu ra rằng, chị bị ngất, may có người đi chợ sớm phát hiện ra, đưa chị lên phòng bác sĩ Ba cấp cứu.

Chị như kẻ sắp chìm nghỉm vớ được sào, khi tận cùng khốn khó, bơ vơ thì có nơi nương tựa. Chị Ba vốn là Bác sĩ Quân y, sau khi nghỉ hưu cũng sang Nga mở phòng khám bệnh nên rất hiểu và thông cảm với số phận của những kẻ sẩy bước, sa chân như chị. Chị Ba cho kể cho chị biết là rất nhiều lần, đội quân dịch vụ đánh người như vợ chồng Tiến sĩ Ngô Bát Nhất, đưa hàng chục thanh niên sang, từ sân bay chở thẳng vào Xaliut 2 rồi vứt bỏ tại đấy. Nhiều người không đồng xu dính túi, nhiều người không đủ quần áo rét, cả ốp lại phải xúm vào giúp và đi xin việc hộ, tìm chỗ tá túc.

Mặc dù chị Ba rất tốt, nhưng không thể ăn nhờ, ở đậu mãi, phòng thì chật, vừa ở, vừa làm chỗ hành nghề, chị không biết ngồi đâu khi có bệnh nhân đến khám. Nhưng đi đâu, làm việc gì bây giờ, khi mà trong tay chị chỉ còn vẻn vẹn chưa đầy ba chục đô, không có người quen, tiếng tăm không biết? Hàng ngày, chị chỉ có mỗi việc quét nhà, lau bếp, nấu nướng giúp chị Ba, rồi đứng tha thẩn ở hành lang, thở ngắn, than dài. Tối đến, chị trải tấm đệm xuống sàn nhà, thao thức mãi không sao ngủ được, nước mắt lưng tròng

Rốt cuộc, vận may cũng đến với chị. Nhờ một bệnh nhân giới thiệu, Bác sĩ Ba tìm cho chị một chân ôsin trong gia đình một ông chủ người Việt với mức lương 200 đô một tháng, chủ nuôi ăn ở.

Ông chủ còn khá trẻ, chắc chưa đầy bốn chục, có một vợ và một con trai. Vốn là công nhân lao động hợp tác, ở lại Nga làm ăn sau ngày Liên Xô tan vỡ, mặc dù chưa có một phút nào ngồi trên ghế Nhà trường Đại học, nhưng sự nghiệp thương mại của ông chủ Lê Tú thì khó ai có học vị bề bề sánh kịp.

Không ai biết được thu nhập của ông, nhưng con số đất đai, biệt thự ông sở hữu ở Hà nội và Sài Gòn cộng với những chiếc xe sang trọng ông và công ty của ông đang sử dụng cũng đã phản ánh được ít nhiều.

Căn nhà tám buồng, hai bếp, hai tualet, hai lối vào nhà, có gara, bến tuyền riêng nằm trong quần thể căn hộ cao cấp Alưie Paruxa mua hơn hai triệu đô, đã làm cho ông thuộc vào loại vai vế giữa các đại gia người Việt.

Nhìn ông chủ trẻ tuổi luôn cố làm ra vẻ quan trọng, lạnh lùng, nhưng với cái nhìn chân thành, chị có cảm tưởng như gặp ông ở đâu đó, nhất là khóe miệng và ánh mắt có vẻ quen quen, gây cho chị một cảm giác dễ chịu.

Ông Tú hỏi tên tuổi và cho gọi anh tài xế kiêm quản gia ra làm việc với chị, còn mình thì lui vào phòng bên và đóng cửa lại.

Anh Tân quản gia cho biết, nhà ông Tú có bốn người giúp việc, mỗi người một việc khác nhau, kể cả anh ta. Cô Thành, người trẻ nhất đã tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch, khoa ăn uống, lo việc chợ búa và bếp núc. Cô Lương vốn là Giáo viên nuôi dạy trẻ được giao nhiệm vụ trông nom quý tử lên ba. Trước chị, có một cô từng là công nhân may, đã bị bà chủ cho thôi việc vì bệnh khớp mãn tính không đảm đương nổi công việc thuần túy chân tay.

 Việc của chị, theo anh Tân phân công, là hàng ngày dậy sớm, lau chùi tất cả các phòng, tua let, hành lang, lối cầu thang. Đến gần trưa, chị phải thay giặt toàn bộ ga trải giường và quần áo thay ra của mọi người, dĩ nhiên của ông chủ bà chủ và quý tử phải giặt riêng. Tất cả quần áo phơi khô xong, phải là cẩn thận, vì quần áo của ông bà là đồ hiệu chính cống, cả tháng lương của chị không mua nổi cái sơmi loại này, là hỏng thì chỉ có mà làm không công, lại còn bị mắng nữa!

 Đồ đạc trong nhà từ cái ống đựng tăm, cái gạt tàn, lọ hoa, cốc uống nước đều có giá hàng trăm đô trở lên, tuyệt đối không được đứng vỡ nồi, ngồi vỡ ấm và nhớ cho rằng, không được táy máy!

Cả ba chị được bố trí ở trong phòng bếp dự phòng kiêm làm kho chứa đồ đạc. Bếp kê một chiếc tủ ba buồng, một giường đơn, một giường tầng, lịch sự gấp chán vạn lần trong ốp. Chị thầm cảm ơn số phận đã cho chị một chốn nương thân trong cơn bĩ vận.

Anh Tân còn hướng dẫn cho chị một cách tỉ mỉ các thao tác sử dụng máy giặt, cách nhận biết các chủng loại vải để đặt chế độ cho thích hợp; cách sử dụng bàn là, máy hút bụiChị ghi chép tỉ mỉ, ghi các phiên âm la tinh và vẽ sơ đồ cẩn thận như một học sinh buổi đầu học nghề. Sau hai hôm, kết thúc bài giảng và thực hành ứng dụng, anh Tân đưa cho chị một tờ giấy trắng, bảo chị phải viết một bản khai, nói cách khác là một bản trích ngang lý lịch, hoặc na ná như một lá đơn xin việc để đưa cho ông chủ.

Họ và tên  Trần Thị Hằng - Ngày sinh  25-3-1954. Quê quán: Hà Tĩnh. Hộ khẩu thường trú: Nhà E2 Khu tập thể Kim Liên- Hà nội. Số hộ chiếu PT 09387.

Trình độ học vấn: Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Khoa Tại chức. Là bộ đội Thông tin, quân hàm Thượng úy. Đã về hưu, có sức khỏe, có trách nhiệm với công việc, trung thực.

 Những ngày đầu tiên, công việc khá xuôi chèo, mát mái. Buổi sáng, chị dậy từ sớm, quét dọn, lau chùi nhà vệ sinh, phòng trong, phòng khách, hành lang. Riêng phòng ông bà chủ, buổi trưa chị mới dọn. Chị chưa gặp bà chủ, nhưng cô Thành thì thầm kể cho chị rằng bà chủ là người mẫu. Ông chủ tậu được cô ở vũ trường Hà Nội trong đợt về nước năm năm trước. Tháng trước, hai người sang Ý chữa bệnh, nhưng ông chủ có việc phải về Nga trước, nghe đâu, tháng sau, bà mới về. Cô Thành làm ở nhà ông Tú từ lâu, nên cô biết nhiều chuyện lắm.

Biết ông chủ là người kỹ tính, sạch sẽ, rất ghét việc dùng chổi nhúng nước lau nhà như những bà lao công Nga vẫn làm, chị dùng khăn lau nền nhà gỗ quý của ông tỉ mẫn, có thể nói là đánh bóng từng đêximet vuông như thể đánh bóng đồ lưu niệm. Công việc lau nhà một ngày chỉ chiếm mất chừng hai tiếng. Xong đâu đó, chị lựa quần áo cho vào máy giặt rồi tranh thủ là những thứ đồ khô từ tối. Chị chỉ sợ khi là vô ý làm hỏng nếp, quá nhiệt đô cứ gọi là ăn đủ, vì quần áo ông bà chủ chất như núi, toàn là những đồ mua sắm ở nước ngoài. Phàm những thứ như complê, veston, pantô anh Tân đều mang ra hiệu giặt hơi. Do tính cẩn thận và tiếp thu nhanh nhạy, nên mọi việc chị làm đâu ra đấy. Chị rất hài lòng về mình, nhất là khi anh Tân cho biết là ông chủ có lời khen về chị.

Cầm tháng lương đầu tiên, chị nghẹn ngào không nói nên lời, tin rằng mình đã tự kiếm sống được ở xứ người và đây sẽ là chốn nương náu lâu dài cho đến khi chị rời nước Nga trở về nước. Đếm cua trong lỗ, chị nhẩm tính chẳng bao lâu nữa, chị sẽ lo đủ tiền trả cho bà chị họ, rồi nhờ trời, khi dư ra tiền vé, chị sẽ xin nghỉ một vài tuần thăm thú đó đây

Nhưng rồi tai họa ập đến như cơn giông đầu hạ.

Buổi sáng hôm đó, mới hơn bảy giờ, anh Tân đã lái xe đưa ông Tú ra sân bay đón bà chủ về. Lần đầu tiên thấy bà chủ của mình, chị sửng sốt trước sắc đẹp trời hào phóng ban cho: dáng bà cân đối, cao ráo, da trắng nõn như vải pôpơlin. Chưa biết xưng hô thế nào, bà đã thân mật bảo chị: "Em nghe nhà em nói, chị mới vào làm. Em còn ít tuổi, chị cứ gọi là em cũng được, tên em là Hạnh, Mỹ Hạnh. Em phải nghỉ đã, các chị đều có quà cả đấy.

Ông Tú mỉm cười xác nhận điều đó. Người đâu mà vừa đẹp, lại vừa dịu dàng đến thế - chị thầm thán phục ông chủ có con mắt tinh đời.

Chắc đi đường mệt, cô Hạnh đóng cửa phòng nằm nghỉ, mãi hơn 12 giờ mới dậy, gọi chị dọn phòng rồi lững thững đi vào buồng tắm.

Ông chủ rời nhà đến Công ty làm việc như thường lệ. Chị lau dọn, xếp ga, chăn ngăn nắp và hút bụi chu đáo như muốn thể hiện khả năng và sự mẫn cán của mình. Chiếc vali da mở toang đầy những món trang sức và mỹ phẩm choáng lộn nằm chình ình giữa phòng, chị ý tứ không thay đổi vị trí.

Sau khi hoàn tất công việc, chị không giấu nổi sự mãn nguyện. Chờ bà chủ tắm xong để lấy quần áo cho vào giặt, chị xuống bếp giúp cô Thành nhặt rau. Trong khi cô Thành cao hứng kể cho chị nghe thủ thuật của bọn cân điêu ngoài chợ, thì anh Tân thò đầu vào, nhìn chị có vẻ hốt hoảng:

-Chị Hằng vào bà chủ có việc cần gặp.

Chị rùng mình, lạnh cả người, nhưng vẫn cố lấy vẻ bình tĩnh đi vào phòng bà chủ.

Bà chủ vừa tắm xong, chưa kịp làm đầu. Không son phấn, trông bà lạ hẳn.

-Chị vừa dọn phòng? Bà chủ cao giọng.

 -Vâng, tôi vừa don xong cách đây nửa tiếng!

 -Tôi hỏi thật, chị có thấy đôi hoa tai của tôi ở đâu không?

 -Tôi không biết Chị lắp bắp, rụng rời chân tay như đứng trước tòa án, nước mắt trào ra uất nghẹn.

-Chị đừng giả vờ khóc lóc nữa. Đôi hoa tai đính kim cương của tôi đáng giá bằng cả đời làm công của chị. Chị giấu đâu, xin trả lại cho tôi được nhờ!

 -Tôi thề có...

 -Có nghiã là chị cố tình không trả lại! Kẻ cắp già mồm. Anh Tân đâu!

 Anh Tân có mặt.

Anh mang đồ đạc của chị ấy ra đây, kiểm tra từng tí một cho tôi. Còn cô Thành, lôi chị ta vào phòng, kiểm tra trong người hộ tôi. Chưa ra khỏi nhà, chị ta chẳng giấu đi đâu được!

Chưa bao giờ chị thấy nhục nhã và đau đớn như thế này. Chị cắn răngchấp nhận cuộc khám xét đầy oan ức.

Chừng mười phút sau, anh Tân và cô Thành báo lại cho bà chủ là không hề có dấu vết. Vẫn trong tình trạng phấn khích của một cô người mẫu trên sàn, bà chủ vung tay lẳng ra hành lang chiếc túi du lịch mà anh Tân vừa đặt xuống, và nghiến răng rít lên:

-Cút! Cút! Nhà này không thừa cơm nguội để nuôi kể cắp. Cái ngữ lang thang, hở ra cái gì là chôm cái ấy mà cũng đưa vào làm. Nhìn mặt là biết gian manh!

 Anh Tân và cô Thành tái mặt đi lùi vào bếp, khiếp đảm khi nghe tiếng cửa chính đóng sầm lại.

Một tay lau nước mắt, một tay xách chiếc túi toòng teng, chị đi ra khỏi căn hộ sang trọng, không biết kêu ai, không thanh minh lấy được một lời. Chị bước đi trên hè phố lạnh giá, ê chề như chính mình là kẻ ăn cắp vậy. Người dân ngoài đường há hốc mồm nhìn chị khi thấy một người phụ nữ phương Đông trong bộ quần áo mỏng tang, đi đôi dép lê giữa ngày đông giá buốt..

 ***

Ông Tú từ công ty về nhà muộn. Vừa vào, chưa kịp thay quần áo, ông đã nghe vợ tru tréo, là giữa thanh thiên bạch nhật, giữa ngôi nhà kín cổng, cao tường thế này mà đôi hoa tai tự dưng không cánh mà bay.

Ông cười nhẹ nhàng:

-Có phải đôi hoa tai đính kim cương anh mua cho em hồi sang Paris phải không? Anh thấy nó rơi trên thảm phía đầu giường, anh nhặt bỏ vào trong bao kính của em. Em không thấy nó à?

Thốt nhiên cô người mẫu tái mặt

-Thế mà em nghĩ là chị Hằng lấy. Em... đuổi chị ấy rồi!

- Sao cô nhẫn tâm thế, hồ đồ thế! Trời lạnh thế này, sắp Tết nhất đến rồi. Đạo đức cô để ở đâu?

 Giữa lúc đó, anh Tân gõ cửa bước vào..

-Dạ, còn chiếc ví của chị Hằng để trong tủ chưa kiểm tra, biết đâu, chị Hằng lại giấu

Ông Tú giật mạnh chiếc ví trong tay anh Tân một cách giận dữ. Hình như một sức mạnh bí hiểm nào đấy xui khiến ông mở chiếc ví da sờn cũ. Một tấm bằng tốt nghiệp Đại học, Giấy sinh họat Đảng, một tập bản thảo thơ, những bức ảnh gia đình và một chiếc phong bì. Tay run run, ông thận trọng mở chiếc phong bì cũ. Một bức thư ố vàng và một tấm ảnh đen trắng. Ông nhẩm đọc. “…Cháu đã viết thư cho vợ cháu kể về tình cảm sâu nặng của gia đình hai bác. Một ngày nào đó yên hàn, vợ cháu và con trai sẽ về Hà Tĩnh thăm và cảm tạ hai bác và em Hằng. Cháu tin hai bác sẽ quý mến thằng cu Tú, cô Hằng sẽ rất yêu nó

Cháu của hai bác, anh của em Hằng.

Lê Vĩnh Tuấn"

Như bị điện giật, ông Tú đứng bật dậy, lật đi lật lại bức thư, ghé tận đèn tấm ảnh đen trắng hình anh bộ đội. Ông hét lên lạc giọng: Bố! rồi khóc một cách đau đớn. Cô Hạnh ngồi im thin thít, mặt trắng bệch.

Những giọt nước mắt hiếm hoi rơi đầm đìa trên gò má, chảy xuống khóe miệng ông. Ông quay lại, chỉ ngón tay vào bộ mặt ngơ ngác của cô người mẫu và gầm lên:

- Đ súc vật!

Quay về phía anh Tân, ông rên rỉ:

-  Ngay bây giờ, anh phải tìm được chị Hằng giúp tôi. Bằng bất cứ giá nào!

 

NHH

*Nazat:  Lùi lại, quay về ( Nhân vật nói ngọng)

* Alưie Paruxa  Cánh buồm đ thắm - khu căn hộ thượng lưu phía Tây Bắc Matxcơva

* Bộ đội: Cò sân bay (tiếng lóng)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66366564

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July