Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  TRƯỚC THỀM XUÂN, VỪA ĐI VỪA NGHĨ - Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý TRƯỚC THỀM XUÂN, VỪA ĐI VỪA NGHĨ - Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

alt

Có những cái từng rất thân thuộc mà khi bất chợt gặp lại lòng ta bỗng thấy yêu dấu hơn nhiều. Một buổi sáng cuối Chạp se lạnh, Hà Nội lất phất mưa phùn, qua phố, dường như tôi đã nghe thấp thoáng hơi xuân. Dẫu rằng đào mai vẫn còn xa xa đâu đấy, nhưng cảm giác giêng hai đang đến gần, lòng không giấu nổi bâng khuâng, sắp thêm một tuổi trời, tuổi đất, tuổi ta...rồi đó.

Năm 2012. Ngày 21 tháng cuối cùng trở thành tâm điểm của nhân loại. Tưởng rằng, cũng chỉ để bàn tán cho vui thôi, cái ngày 21 tháng 12 ấy, thế mà thiên hạ bốn phương vẫn lao xao phấp phổng ngày tận thế đến nổi NASA phải vào cuộc lên tiếng trấn an. Bây giờ, thì lời sấm truyền của người Maya đã được hiểu theo một nghĩa khác; không phải như tiên đoán thứ nhất của họ là ban ngày sẽ kết thúc ánh sáng lịm tắt và bóng đêm bao trùm trái đất mà loài người bắt đầu bước vào một thời kỳ phát triển mới với những khả năng chưa từng có như năng lực siêu nhiên, thần giao cách cảm...; một bước tân tiến hóa sẽ diễn ra, con người hiện đại sẽ trở thành con người hiện đại khôn ngoan. Nói thật, tôi không quan tâm mấy đếnngày tận thế cũng như điệu nhảy Gangnam Style đang rất nổi tiếng của anh chàng ca sĩ người Hàn Quốc có kiểu người vuông vuông như cái tủ lạnh mà thực sự buồn, thực sự bàng hoàng khi nghe tin vụ 28 người, phần lớn là trẻ em bị tên sát nhân xả súng bắn chết ở một trường học tại Mỹ.

Thế đấy, loài người sẽ suy thoái tàn lụi và có thể bị diệt vong khi cái ác không bị ngăn chặn, vũ khí hạt nhân được đem ra kích hoạt bùng nổ, các dân tộc không chung sống hòa bình với nhau, nước lớn cậy mạnh chèn ép nước nhỏ...Nhắc tới điều này, trong tôi bật dậy mấy câu thơ của hai nhà thơ cộng sản; một là L.Aragông, nước Pháp: Mặt trời thiếu yêu đương là cuộc sống phiêu lưu/ Mặt trời thiếu yêu đương là thời gian dứt hẳn và một nữa là Tố Hữu,Việt Nam: Người yêu người sống để yêu nhau/ Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay...Tình yêu thương cho mọi con người, tình yêu thương cho toàn nhân loại, lý tưởng sống mang cái đẹp vĩnh hằng mới lãng mạn làm sao.

Sau 40 năm, ta nhớ lại...

Năm 1972. Mùa hè, 81 ngày đêm máu lửa Thành cổ Quảng Trị. Lượng thuốc nổ Mỹ dội xuống thị xã nhỏ bé nằm bên dòng sông Thạch Hãn này tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hirosima của Nhật năm 1945 trong thế chiến lần thứ 2. Lòng quả cảm của những người lính cách mạng nói bao nhiêu cũng không hết, khi đến đây chỉ biết nghiêng mình trước cỏ xanh ngằn ngặt, xanh thấu tận trời cao, xanh tận đáy sông sâu, xanh ra với bao la biển cả...

Năm 1972. Mùa đông, 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, một trận đánh vĩ đại của dân tộc Việt Nam với một đế quốc giàu có nhất, hiện đại nhất hành tinh. Lạ thật, xác một pháo đài bay B52 của Mỹ lại chọnhồ Ngọc Hà của làng hoa Thăng Long-Hà Nội để rơi xuống. Gã bay khổng lồ, sau khi bị vít cổ xuống hồ đã trở thành hậu cảnh cho bức ảnh lịch sử: cô gái Hà Nội tưới hoa bên xác B52. Cái dáng nghiêng nghiêng mềm mại soi bóng vào mặt nước bình yên ấy như một trữ tình quyến rũ đặt bên tang chứng tội ác và thất bại của kẻ thù. Cũng như vậy, sự bình tĩnh tự tin của người Hà Nội, người Việt Nam trong chiến tranh khốc liệt cho ta những dự cảm yên lòng khi dân tộc phải đối mặt với các chấn động, thử thách lớn. 

81 ngày đêm Mùa hè đỏ lửa Thành cổ Quảng Trị. 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Hai chiến dịch, dù khác nhau về địa lý, thời gian, tính chất nhưng cùng chung một ý nghĩa to lớn là cuộc đọ sức giữa chính nghĩa với phi nghĩa; giữa kẻ xâm lược-bán nước với người yêu nước chống giặc ngoại xâm. Lịch sử cần được nhắc lại để chống sự lãng quên hay bôi nhọ làm méo mó nó với ý đồ tăm tối của kẻ xấu. Trước đó, năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng tháng 8 vĩ đại lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; năm 1954 làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu chấm dứt sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Những người cộng sản Việt Nam không phải là lực lượng đầu tiên lãnh đạo dân tộc kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Ngọn cờ Cần Vương từng được phất lên rất lâu trước năm 1930, hàng chục cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của một số sĩ phu yêu nước bị lần lượt dìm trong bể máu. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là khúc bi tráng cuối cùng của giai đoạn lịch sử này. Trong tiểu thuyết Người trăm năm cũ Hoàng Khởi Phong viết: Khi Hoàng Hoa Thám nằm xuống, ông đem theo cả một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm cùng với ông. Đó là giai đoạn chống Pháp chịu ảnh hưởng của Hán học. Ông đã chết cho nhiều người còn sống, để rồi những thế hệ sau ông bước vào một giai đoạn lịch sử khác, trong những vùng đất khác và đi theo một học thuyết khác. Và, những người thế hệ sau Hoàng Hoa Thám đã thành công trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc từ thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược.

Tôi đi qua Khâm Thiên, một vết thương rất sâu của Hà Nội tháng 12 bốn mươi năm về trước. Phố. Không hề còn lại một dấu vết tang tóc nào. Duy nhất tượng đài người mẹ bồng đứa con bị bom Mỹ sát hại trên tay. Những bông cúc vàng tươi ai vừa đặt dưới chân họ. Những bông cúc châu thổ Hồng Hà thấm nước mắt mùa đông. Mưa bụi lấm tấm trên nỗi đau chưa nguôi ngoai bên nhịp sống phố phường cuồn cuộn chảy. Chưa chia tay xong mùa đông cũ, hình như thế, mưa phùn bay bay trên những phím ký ức mờ ảo Em ơi, Hà Nội phố!/Ta còn em cây bằng lăng mồ côi/Mùa đông/Ta còn em nóc phố mồ côi/Mùa đông/Ta còn em mảnh trăng mồ côi/ Mùa đông...(Thơ Phan Vũ). Cuộc chia tay bốn mươi năm vẫn chưa dứt ra được, nhưng mà thôi, cứ để quá vãng đồng hành cùng ta, đôi khi những thầm thì như thế lại cần thiết cho sự cân bằng tâm tính hôm nay.

Cuộc sống chẳng bao giờ dừng lại, những thế hệ nối tiếp nhau, vẫn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt cho miếng cơm, tấm áo, cho những chở che, đùm bọc, cho hôm nay cho mai sau như ta thường hát...Sau lưng, sừng sữngchiến thắng mang khuôn mặt khổ đau cùng cực như câu thơ của Olga Berggonltz, nước Nga. Trước mặt, bề bộn sự đời, ngổn ngang u minh, day dứt thế thái, trăn trở nhân tình. Vẫn còn nhiều xót lòng trước những xanh xao, run rẩy đời thường. Vẫn phải đối mặt với bao nhiễu nhương, phiền toái. Vẫn phải tự mình gồng gánh, tự mình vượt qua, tự mình vươn lên như muôn thuở ông cha. Để, dân ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành như lời Bác dặn.

Cuộc chiến đấu chống đói nghèo vật vã, lăn lốc lắm nhưng xem ra không khó khăn, phức tạp bằng cuộc chiến đấu làm trong sạch xã hội. Chiến công trong quá khứ dù vĩ đại đến đâu cũng sẽ trở thành vô nghĩa khi người dân không thực sự được làm chủ, khi quyền lực cao nhất, lớn nhất không thuộc về họ. Chế độ ta là chế độ của dân, do dân, vì dân. Đi chệch định hướng ấy là làm sai lời thề của Đảng trước dân tộc. Lớp lớp đảng viên cộng sản đã từng ngực dám đón những phong ba dữ dội (thơ Tố Hữu) cũng chỉ vì lý tưởng cách mạng ấy. Một lý tưởng cao cả có thể nói gọn lại trong hai tiếng:Vì dân.

Những người đảng viên chân chính thực sự đau lòng khi biết rằng một bộ phận không nhỏ “đồng chí” mình đã và đang tự thoái hóa, tự biến chất, xa rời lý tưởng cách mạng, chỉ biết vun vén cho lợi ích của cá nhân, của nhóm mình theo kiểu sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Nói thế có nặng nề lắm không, khi mà  tham nhũng hối lộ đang thành quốc nạn, thành nguy cơ trực tiếp làm tổn hại thanh danh của Đảng và sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bác Hồ đã tiên liệu rất chính xác về trận Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không và cũng không hề nhầm lẫn khi viết tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân với bút danh T.L.Tên bài là như thế nhưng trong bài Bác đã viết: Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhânnâng cao đạo đức cách mạng...Điều ấy, thể hiện dự cảm vô cùng nhạy bén của Người về những thói hư tật xấu có thể mắc phải của một Đảng cầm quyền duy nhất. Bác chỉ rõ: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh...Ai đã thực tâm soi vào đó để gạn đục khơi trong, để hết lòng vì dân vì nước? Ai đã day dứt trăn trở khi đọc những dòng này của Bác để làm tròn hai vai người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân?  Lẽ nào, phải làm thêm những Điện Biên Phủ khác để thực hiện đúng lời căn dặn của Bác nhằm làm cho Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, thực sự ngang tầm với sứ mệnh lịch sử mà dân tộc tin cậy giao cho. Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhóm lên ngọn lửa chống tiêu cực trong Đảng, trong Nhà nước. Mới bắt đầu, tuy hy vọng đấy nhưng cũng thật nhiều băn khoăn lo ngại, bởi tham nhũng thời nay không còn đơn thương độc mã nữa mà nó đã kết thành bè, thành nhóm, thành tầng, thành lớp cực kỳ tinh vi và xảo trá. Rút dây sẽ động đến rừng, không ai không biết điều ấy.

Lại nhớ, nhớ lắm những giao thừa xưa khi Bác còn sống, trong căn hầm tù mù ánh đèn dầu hỏa dân xóm tôi ngóng đợi thời khắc xuân sang và hồi hộp nghe Hồ Chủ Tịch đọc thơ chúc Tết. Những nông dân áo vá chân đất như bà tôi, bố tôi, mẹ tôi...nhập tâm thơ chúc Tết của Bác như nhập tâm ca dao tục ngữ vậy. Xuân 1969, giọng Bác yếu hơn nhưng vẫn rõ ràng khúc chiết từng câu, từng chữ: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn. Bác lo nỗi lo của dân, Bác đau nỗi đau của dân. Niềm vui của dân là niềm vui của Bác. Hạnh phúc của dân là hạnh phúc của Bác. Nên tiếng nói của Bác, tiếng thơ của Bác mãi vang vọng ngân rung giữa lòng dân.

Mùa thu năm nay, tôi được đến thăm và thắp hương cho Bác ở căn phòng Người từng sống những ngày cuối cùng trong cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son của mình. Chỉ thế này thôi ư? Dẫu biết rằng Bác rất giản dị nhưng những gì tôi được tận mắt thấy trong căn phòng này vẫn vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Sau khi kính cẩn thắp hương cho Bác xong (xin nói thêm là bàn thờ Bác cũng rất khiêm nhường, chỉ có lư hương, đĩa trái cây, bình hoa), tôi đứng lặng ngắm nhìn những hiện vật trong phòng. Đôi dép cao su của Người. Chiếc giường gỗ mộc mạc, không một nét chạm trỗ, cũng chẳng chút cầu kỳ. Giống hệt những chiếc giường của dân thường. Một chiếc gối vải màu trắng. Một chiếc quạt giấy. Cuốn Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp, một trang báo Nhân dân có nét chữ màu đỏ của Bác đánh dấu vào và một cái hộp đựng bút. Cái hộp đựng bút đó nguyên là hộp sữa nước đã dùng đục bỏ nắp đi. Vị Chủ tịch nước đã dùng hộp sữa (còn nguyên mác ) làm hộp đựng bút của mình.

Một Con Người vĩ đại của Tổ quốc, từng đi qua muôn dặm đường xa bốn biển năm châu, từng mang ánh sáng thời đại về cho đất nước, từng cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 lập ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, từng chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua nhiều bão táp dữ dội của lịch sử, những khúc đoạn éo le của số phận non sông có khi như ngàn cân treo đầu sợi tóc để làm nên khúc khải hoàn ca chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ giang sơn Việt Nam yêu dấu lại sống vô cùng giản dị. Sự giản dị ẩn chứa những minh triết thanh cao đẹp đẽ của dân tộc: Đói cho sạch, rách cho thơm; Thương người như thể thương thânTốt gỗ hơn tốt nước sơn...và văn hóa của tương lai là Mỗi người vì mọi người. Sự giản dị này không chỉ phản ánh một lối sống, cách sống mà suy cho cùng đó là chân-thiện-mỹ, là trí tuệ-tâm hồn, là ý chí-lương tâm...

Bác Hồ từng căn dặn, đại ý: khi chiến sĩ chưa no, cán bộ không được kêu đói. Mở rộng ra thì, phải chăng: khi dân còn nghèo cán bộ không được sống sung sướng. Thương dân, hết lòng vì dân là thước đo phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, năng lực của cán bộ đảng viên. Bác luôn dặn: Nói đi đôi với làm. Giản dị như vậy thôi, nhưng đó là nhân tố để sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau thắng lợi, thành công. Bởi, nói và làm đúng, nói và làm đi đôi với nhau sẽ tạo ra được niềm tin trong nhân dân. Mất niềm tin sẽ mất tất cả! Buồn thay, tình trạng nói hay cày dở không phải hiếm trong cán bộ đảng viên hôm nay.

Tôi nghĩ, Bác đang sống giữa chúng ta với từng thao thức của những đêm trắng lo toan về vận nước, lòng dân, với những vui buồn trăn trở của trăm họ. Đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch, tận tâm với nước, tận hiếu với dân vẫn là mong ước của Người.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Có phải nỗi nước nhà ấy vẫn còn nhiều trăn trở lắm trong lòng Bác, Bác ơi! Tương đồng làm sao với tâm trạng Nguyễn Trãi hơn sáu trăm năm trước:Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân.

Giao thừa đang đến rất gần. Giờ này, đồng đội chúng tôi có biết bao người đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo...Nỗi nhớ quê hương, người thân đang dâng tràn trong họ. Đời bộ đội, tôi đã trải qua những cái Tết xa nhà, thương lắm, nhớ lắm, bùi ngùi lắm chiều ba mươi bữa cơm tất niên bà nội lầm rầm khấn gọi những hương linh dòng họ về sum họp với cháu con, phút giao thừa ngan ngát nhang thơm tôi hồi hộp ghé mắt vào những nụ mai he hé nở, sáng mồng một đất trời sang trang nguyên đán mưa bụi mờ bay, đường làng thưa vắng bóng người...Có chia xa mới biết thương hơn, quý hơn sự đoàn tụ nhất là vào những dịp xuân sang Tết đến. Có trải qua những năm tháng đạn bom mới biết trân trọng không khí yên bình của mùa khai niên mơn mởn.

Lại thêm một sự khởi đầu, một chặng 365 ngày mới. Dẫu biết rằng Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô...(Thân người như bóng chớp có rồi lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt đến mùa thu khô héo) như thiền sư Vạn Hạnh cảm khái nhưng ta vẫn hướng tới sự vĩnh hằng của con người là tình yêu thương cao cả. Cốt lõi của văn hóa tương lai phải là Người yêu người sống để yêu nhau mà cơ sở nền tảng để nó trở thành hiện thực là xã hội không còn bóc lột, bất công nữa. Đích đến còn xa, xa lắm nhưng chẳng có cái gì tự đến cả; tất cả vẫn là từ nhỏ đến lớn, từ cây nên rừng, từ suối ra sông, từ sông về biển, mỗi ngày, mỗi người góp thêm một phần sáng, dù nhỏ bé mỏng manh đến mấy để cho cuộc sống trong trẻo dần lên. Chính vì thế mà ta không hết hy vọng vào phần thiện lương của mỗi con người sẽ nảy nở sum suê như cành lộc mùa xuân. Hy vọng, đó là phần không thể đánh mất của con người trong mọi cảnh ngộ, tôi tâm niệm thế!

 Đồng Xa, trước thềm năm mới Quý Tỵ, 2013

 (Bài đăng tạp chí Văn nghệ quân đội số Tết Quý Tỵ, 2013)

                               Nguyễn Hữu Quý


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66354096

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July