Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Nhật ký Đặng Thùy Trâm trên đất Nga Nhật ký Đặng Thùy Trâm trên đất Nga , Người xứ Nghệ Kiev
 

                                          

 

Đầu tháng 9 năm 2005,  tôi đến thăm nhà bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu anh hùng Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, và hứa với bà là sẽ cố gắng tạo điều kiện để đưa quyển sách quý giá này tới bạn đọc Nga. Nhưng  mãi đến tháng 7 -2012, cùng với dịch giả A. Xocolov và Lê Văn Nhân, chúng tôi mới chính thức cho ra mắt quyển "Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh" - tên gọi quyển Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm  dịch ra tiếng Nga, ở Matxcơva.

Ngay từ khi được giới thiệu, quyển Nhật ký được coi là một sự kiện văn hoá của  người Việt, một phần bởi vì đây là quyển sách văn học được dịch đầu tiên từ tiếng Việt ra tiếng Nga sau hơn hai mươi năm văn học Việt Nam vắng bóng trên các quầy sách báo Nga; nhưng cái chính, cơ bản nhất, là nội dung của tác phẩm. Nó khơi dậy và lý giải hình ảnh con người Việt Nam với những phẩm chất cao quý nhất được thể hiện trong cuộc chiến tranh, về tình yêu trong sáng của một thế hệ thanh niên đối với nhân dân Nga vĩ đại.

Hộp thư của tôi hôm nào cũng tràn đầy những bức thư của các bạn Nga, khi thì chia sẻ một đoạn văn dịch, khi thì hỏi một vài thuật ngữ địa danh Việt Nam, về các câu chuyện và số phận của những nhân vật. Và không ít những bức thư của những độc giả không quen biết xin tặng sách. Tôi chỉ có thể đáp ứng yêu cầu những bạn đọc quanh thủ đô Matxcơva và các thành phố thuộc Nga bằng cách hẹn ở ga tàu điện ngầm, hoặc gửi qua bưu điện. Còn những độc giả ở Kazakxtan, Ukraina thì tôi chỉ hứa là khi có điều kiện, hoặc có bạn bè đến thăm Matxcơva, hoặc một số cán bộ Sứ quán đi công tác thì tôi nhờ gửi, mặc dù tôi áy náy vô cùng.

Khoa Phương Đông Trường Tổng hợp  Xanh Peterburg cũng đề nghị gửi lên một số quyển để giới thiệu với sinh viên, trong khi lượng dự trữ trên giá của tôi chỉ còn mươi quyển. Tôi gọi điện gấp cho anh Đỗ Quý Dương, Chủ tịch Hội Dệt May, đơn vị tài trợ dịch quyển Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm ra tiếng Nga, đề nghị anh gửi gấp từ Hà Nội sang cho tôi một vài kiện trước khi Tết đến.

Có ba câu chuyện mà tôi nhớ mãi.

Chị trực tầng nhà tôi ở còn trẻ, ước tính độ 30, 32 tuổi là cùng. Theo thông lệ bất thành văn, những gia đình mới đến ở thường hay tặng phòng thường trực một chậu cảnh nho nhỏ. Tôi cũng có ý định đó, nhưng khi thấy dãy cửa sổ và dọc hành lang không còn chỗ nữa, tiện thể khi dự cuộc gặp mặt ở Sứ quán và các Hội đồng hương về, tôi chọn lấy một quyển lịch phong cảnh rất đẹp tặng họ treo lên tường và một quyển Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh bằng bìa cứng thay vì tặng chậu cảnh.

Chị trực tấng treo quyển lịch lên ngay phía trên bức tường đối diện và trầm trồ khen phong cảnh miền nhiệt đới. Mấy hôm sau, lúc tôi đi qua, chị gọi lại hỏi một câu làm tôi rất đỗi ngạc nhiên: "Đọc quyển sách ông tặng, tôi mới biết là Việt Nam đã từng chiến tranh chống Mỹ và quả thật, các ông có những con người thật đáng khâm phục. Thế mà, xin lỗi ông,  tôi cứ tưởng người Việt Nam đi làm ăn khắp thế giới và việc của các ông là đi chợ". Cô ta nói thật lòng và tôi rất buồn, khi biết ở Nga từ thế hệ 8 X trở đi, người ta hầu như không biết đến Việt Nam nhiều, mà biết thì chủ yếu qua các chương trình phóng sự hàng ngày trên ti vi và các cuộc gặp gỡ ngoài phố với người đi chợ!

Quyển Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm không thể đến với tất cả bạn đọc, nhưng chắc chắn đã đến với bất cứ ai, bất cứ người Nga nào đã đọc nó, như chị trực tầng chẳng hạn, họ sẽ có một cái nhìn mới, đầy thiện cảm và trân trọng người Việt Nam hơn.

Ở trên phố Ogorodni gần ốp Rubac có một điểm thay dầu xe quen thuộc. Hầu như ba tháng một lần, tôi thường đến đây thay dầu và các phụ kiện định kỳ cho chiếc xe Nhật còn chưa đến nỗi cũ kỹ của tôi. Một lần, sau khi thay dầu, lọc khí, kiểm tra lại ví tiền, tôi thấy không đủ, cách duy nhất là gửi lại hộ chiếu và cuốc bộ một mạch gần km đến gặp anh em trong ban quản trị Rubac mượn tạm tiền ra thanh toán trong ngày. Họ không cho ai nợ bao giờ.

Hôm trước Tết dương lịch, tôi xếp xe sắp hàng chờ đến lượt, vì hôm đó đài báo tin trong tuần tới sẽ lạnh khủng khiếp, nếu để dầu cũ, máy sẽ đóng băng không thể nào khởi động được. Khi đến lượt, tôi đánh xe vào và trao chìa khoá cho tốp thợ và ra phòng chờ ngồi đợi.

Chừng 20 phút sau, đèn hiệu báo xe tôi đã xong, tôi vào kiểm tra trước khi ra quầy thanh toán. Tôi thấy một anh thợ kỹ thuật trẻ đang cầm quyển sách "Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh" tôi vẫn để trên ghế salon, giơ lên cho các đồng nghiệp xem.

Thấy tôi, anh xin lỗi vì sự tự tiện của mình và ngỏ ý mượn đọc. Tôi sẵn lòng ký tặng cho anh và hai đồng nghiệp khác sau khi giới thiệu vắn tắt về tác giả quyển sách, người nữ bác sĩ Việt Nam đã hi sinh. Trong khi tôi nổ máy xe, ba người ghé đầu bàn bạc nhau điều gì đó và đưa cho tôi tờ hoá đơn thanh toán. Trong tờ hoá đơn có hai mục, mục tiền phụ tùng và mục tiền công. Mục tiền phụ tùng đề là 1800 rúp dầu máy, còn mục tiền công: không!

Ba người thợ đó đã không nhận của tôi 300 rúp tiền công, tương đương với mười đô la để đáp lại  nghĩa cử của một người Việt tặng họ một quyển sách Việt Nam, khi biết được tác giả cuốn sách là một anh hùng, đã từng yêu nước Nga bằng cả trái tim mình, mặc dù chị chưa hề một lần đặt chân lên mảnh đất mà chị hằng tôn kính.

 Điểm thay dầu xe này là nơi có rất nhiều người Việt qua lại, là khách hàng của họ. Tôi tin chắc rằng, sau khi đọc quyển Nhật ký, họ sẽ có cảm tình hơn đối với người Việt.

Một câu chuyện khác xảy ra cách đó ít lâu. Tôi phải chuyển nhà từ khu Ngoại giao đoàn ra thành phố ngoại ô cách hơn năm chục km. Sau hai tuần ròng rã thu xếp, chọn ngày chủ nhật để đỡ tắc đường, tôi báo cho  Ban Quản lý nhà ở biết, cho phép xe tôi thuê được vào để chở đồ đạc. Tôi phải mang hết giường tủ, bếp, bàn ghế, ti vi, tủ lạnh, sách vở... cả một cơ ngơi xếp chật hai chiếc xe bán tải. Huy động bạn bè, anh em, suốt từ trưa đến chiều mới khuân được một khối lượng đồ đạc chất đống lên xe giữa khung cảnh tuyết rơi mù mịt, lạnh thấu xương.

Nhưng khi xe ra đến cổng, thì bảo vệ ách lại, không cho xe chuyển bánh, với lý do là chỉ mới có giấy phép của Ban Quản lý nhà ở, chưa có giấy của An ninh Ngoại giao đoàn.Theo họ, giấy phép này là quan trọng nhất, không có giấy này khi đi đường phiền toái đã đành, nhưng cái cơ bản là không ai đảm bảo rằng tôi không nợ nần điện, nước; căn hộ tôi ở đã giám định về chất lượng, hư hỏng ai bồi thường, và xe tôi đi có tàng trữ gì không?..

Hôm đó là ngày nghỉ, tôi gọi điện khắp nơi lên bộ phận an ninh Ngoại giao đoàn, nhưng không một ai cầm máy. Nếu chờ ngày mai, thứ hai mới giải quyết, ai sẽ mang lại đống đồ đạc hàng tấn về lại phòng tầng 4, lại thanh toán tiền xe, lỡ bao nhiêu kế hoạch?

 Số phận mỉm với tôi một nụ cười muộn màng vào cuối ngày, khi đến lượt thay ca bảo vệ. Ông già trực ca chiều là người vẫn thỉnh thoảng ngồi uống chè với tôi và trao đổi về thế sự. Và ông là một trong những người Nga đầu tiên được tôi tặng  quyển Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh dạo mới in, tôi mang ở trong nước sang. Ông đã nhờ tôi đề tặng thêm sau tên ông, tên của vợ ông và con gái ông quyển sách mà ông gọi là "Thép đã tôi thế đấy"

Khi hiểu vấn đề tôi trình bày, đợi người trực cũ ra khỏi, ông đóng cửa lại, bảo đây là nguyên tắc, nhưng có những điều không cần nguyên tắc, khi người ta đã hiểu nhau và tin nhau. Ông thì thầm đề nghị tôi, phải quay xe lại khu nhà, giả vờ bốc một vài thứ xuống để camera  ghi lại cảnh xe quay đầu, để sau này ai hỏi còn thanh minh, thanh nga, sau đó chừng nửa tiếng sẽ mở cổng cho hai chiếc xe của tôi đi.

Tôi đã làm như vậy và giải quyết việc chuyển nhà ngay trong ngày một cách ngoạn mục, tránh được bao nhiêu khê và tốn kém.

Nhân việc Đoàn Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Vladivostok trước Tết, Tổng lãnh sự của ta tại đó dự định chiếu phim chiêu đãi khách Nga. Bộ phim được chọn là Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, dựa theo tác phẩm Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Ông Tổng Lãnh sự Trần Duy Thi viết thư cho tôi yêu cầu "gửi gấp xuống một số quyển Nhật ký và cố gắng tìm cho được một bộ đĩa có phụ đề bằng tiếng Nga thì càng tốt, nếu không thì phụ đề tiếng Anh cũng được".

Dĩ nhiên là tôi thực hiện ngay một cách vô điều kiên. Tôi tin rằng bộ phim và cuốn sách sẽ có tác động rất lớn tới các khán giả, đọc giả nhiều lứa tuổi tại thành phố Viễn Đông này.

Và thành một thói quen, đi đâu, dù khá nặng, bao giờ trong cặp của tôi cũng mang theo một vài quyển Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh. Tôi muốn ngày càng nhiều những người Nga biết đến Việt Nam qua tác phẩm bất tử này.Hình ảnh của người bác sĩ anh hùng, những người thân trong gia đình chị và cuốn sách đã trở nên gắn bó và thiêng liêng đối với cuộc đời tôi.

Nguyễn Huy Hoàng (LB Nga)

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66332510

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July