Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 29/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  ÔSIN - NGHỀ CHƯA CÓ TRONG TỪ ĐIỂN (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ÔSIN - NGHỀ CHƯA CÓ TRONG TỪ ĐIỂN (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

  

 

Trong kho sách của tôi hiện có ba quyển Từ điển tiếng Việt, quyển dày nhất, lớn nhất xuất bản vào năm hai nghìn lẻ năm dày tới 2204 trang và hai quyển nhỡ ước tính chín trăm trang. Tôi lục tìm đọc hết cả vần Ô mà không có lấy một từ ôsin nào, mặc dù danh từ này phổ biến khắp đất liền đến hải đảo và lan tận châu Âu; và ở ta không một gia đình khá giả nào là không nuôi lấy một hoặc vài ôsin để ông lớn, bà to rảnh tay lo đại sự.

Hình như Ôsin là tên một nhân vật trong một cuốn phim của Nhật Bản kể về cuộc đời và số phận của một con ở đã từng được chiếu ở nước ta vào cuối những năm 90 thì phải. Chắc là tên ngoại lai, nên các nhà từ điển của chúng ta chưa có dịp đưa vào.

Nôm na nghĩa của từ ôsin là đứa ở, là người giúp việc, là người trông trẻ, là đi chợ thuê…theo cách gọi trước đây nghe không được thơm tai và mỹ lệ cho lắm, đó là đầy tớ.

Tính từ năm 1918 lại nay, người Việt ta đã sang các nước Tây và Á đủ các giai tầng, nào là thương nhân, đi lính, thợ thuyền, du học, xuất khẩu lao động. Thế nhưng trong số ngót nghét ba triệu người có mặt trên tám chục quốc gia, người ta thường ít nói đến một thành phần có số lượng đáng kể, đó là ôsin. Vụ này, các nhà từ điển học nước nhà nên lưu ý.

Tôi không dám viết về nghề này ở nước khác, nhất là những nước có dịch vụ thu hút nhiều người Việt sang chăm sóc, làm vợ bô lão, người thiểu năng như ở xứ Đài hoặc xứ Hàn, sợ rồi lại dẫm chân lên nước thải của các nhà phóng sự hay có các phóng sự kiểu Một thoáng Paris, Một thoáng Ôxlô hay Nước Ý thoáng qua… kẻo  rồi các vị lại suy diễn ra là đạo nội dung thì phải chống gậy đi thưa kiện. Với một thoáng hai mươi năm có lẻ đã lăn lê, bò toài ở đất Mạc Tư Khoa này, tôi từng gặp, từng biết và từng nghe biết bao câu chuyện về những người lao công tại gia này.

Với Hiệp định Hợp tác lao động của ta và Liên Xô ký năm 1981, đã có chừng 210 ngàn thanh niên nước Việt sang làm việc tại hơn bảy mươi thành phố lớn của nước Nga và các nước Cộng hòa, chủ yếu là Ukraina và Belôruxia. Ta tạm gọi đó là thế hệ thứ nhất, vì lúc này, những công nhân hợp tác của ta, sau này người ta gọi lao động xuất khẩu, mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.

Mươi, mười lăm năm sau, khi Liên Xô không còn nữa, đa phần những người này trụ lại làm ăn thì đã ở tuổi tam tuần, có vợ con, và dĩ nhiên người Việt ở Nga đã có thế hệ thứ nhì.

Các ông bố, bà mẹ của thế hệ thứ nhì này hoặc là thuê căn hộ, hoặc ở lại trong ốp và chạy chợ suốt ba trăm sáu tư ngày trong một năm. Mà chạy chợ không phải là du lịch, nghĩa là cực kỳ gian truân, kiếm được đồng tiền, bát gạo cũng phải đổi biết bao mồ hôi, nước mắt. Hàng ngày, họ phải dậy từ khi tivi chưa chào buổi sáng; và trở lại nhà khi đường phố đã lên đèn. Như vậy ở các gia đình nhỏ này nẩy sinh ra một nhu cầu mới là cần có người trông trẻ và lo việc nhà để họ yên tâm công tác!

 Sơ khởi của của ngành nghề mới mẻ này là các bà Nga sống quanh khu vực các ốp. Đến các ốp vào quãng trưa trưa thường thấy mấy bà Nga độ tuổi trung niên đẩy những chiếc koliaxka, nằm trong là các ấu nhi người Việt. Dần dần, con số những bà nhũ mẫu này lên đến hàng chục, nếu tính ở các ốp khắp Matxcơva cộng lại thì đủ để thành lập một hội những nhà trông trẻ Việt Nam!

 Họ là ai? Họ là những công nhân nhà máy dệt, nhà máy chế biến thực phẩm, các cô giáo nghỉ hưu, thậm chí còn có những công nhân làm tận nông trang ở ngoại ô, hoặc từ các nước cộng hòa lên xin việc. Phần lớn những người này chưa từng có lấy một giờ học về nghề nuôi trẻ. Nhưng chẳng sao đâu, lắm vị có được bằng Tiến sĩ ở đất này cũng chưa một lần ghé mông ngồi nghe lekxi ở giảng đường, chưa học hết phổ thông mười năm, thì sá chi những người mớm cháo cho trẻ nhỏ. Nói thế, nhưng những người nhũ mẫu Nga từng là những người mẹ nuôi con, nuôi cháu, họ có kinh nghiệm và sự từng trải.

Hàng ngày dù trời lạnh giá mươi độ âm, quanh hàng rào ốp vẫn ghé đầy những chiếc koliaxka bốn bánh đủ màu sắc đưa các cháu đi dạo. Những ngày đầu đến làm nhũ mẫu cho người Việt, đối với các bà Nga, cho các cháu ăn là một cực hình vì nhiều gia đình cứ bắt các bà cho trẻ ăn cháo hồ hoặc bột theo bản sắc dân tộc, còn họ thì chỉ quen cho ăn sữa, maliutka. Thế nhưng chỉ sau một thời gian, các bà Nga có thể vừa bế cháu, vừa nấu nhanh thoăn thoắt như một bà nội trợ người Việt. Hiềm một nỗi là ở trong ốp quá chật chội. Một căn phòng hơn mười lăm mét vuông, có gác xép tự tạo, xếp đầy giường, tủ, tivi, tủ lạnh và bếp, ngồi trong phòng tức thở như cá lên bờ gặp nắng. Ấy thế mà nhiều nhà không bao giờ hé cửa sổ và hàng tuần có khi không cho con ra sân, sợ gió máy. Tây thì khác, trẻ được hai tuần tuổi là đã phải ra đường một ngày hai lần bất chấp các loại hình thời tiết để hít thở không khí trong lành.

Thường các bà nhũ mẫu đến trông trẻ từ mờ sáng, trước lúc ông chủ, bà chủ rời nhà; cho đến khi ông bà chủ kết thúc một ngày trở lại tổ ấm, thì các bà chia tay với cháu nhỏ.

Có một số bà Nga nhà rộng, ngại đi xa, nhận nuôi trẻ tại nhà mình. Lúc đầu một số gia đình chưa thuận vì đường ngái, bái xa, hàng ngày đi làm về, muốn ngồi với con, nựng con một chút cũng không được, nhưng suy đi, tính lại, xét mọi bề thì đưa con đến nhà họ là chuẩn nhất. Thứ nhất là ở nhà họ thoáng mát, giờ giấc ngủ nghê đúng răm rắp như đài; thứ nhì ở với họ, ăn uống chu đáo, vệ sinh sạch sẽ. Nhiều cháu ở với các bà Nga, sau này lớn khôn cứ coi các bà như người ruột thịt. Có cháu ở với nhũ mẫu liền tù tì bốn, năm năm ròng, không biết chút tiếng Việt nào, khi gặp bố mẹ cũng chỉ giao tiếp bằng độc tiếng Nga, lúc con nói, bố mẹ luận cũng không ra là con đòi hỏi điều gì, vì vốn liếng ngữ ngôn của bố mẹ chỉ đủ cho việc giao nhận hàng hóa.

Sướng nhất là những cháu được các cô giáo về hưu nuôi dạy. Các cháu được rèn vào khuôn phép, được nghe chuyện cổ tích, được học đánh vần, được học hát.

Hàng tuần, có khi hàng tháng, những ông bố, bà mẹ gửi con lại lễ mễ xách thức ăn, vật dụng ra cho nhũ mẫu. Người Việt ta vốn vị tình, ngày Tết, ngày lễ đều có quà cáp cho người chăm nom con mình, khi thì bộ quần áo, khi thì bánh kẹo, có nhà còn lì xì mừng tuổi tiền năm mới.

Hồi đầu những năm 90, tiền công thanh toán cho nhũ mẫu hàng tháng xê dịch từ 150 đến 200 đôla, ngần ấy tiền thời đó không phải là nhỏ, trong khi tiền lương công nhân chỉ khoảng 70 đôla. Vì vậy, bà công nhân mất việc nào tìm được một chân trông trẻ cho các gia đình Việt hay gia đình người nước ngoài là coi như trúng xổ số.

 Trên các báo Nga từ thời có kinh tế thị trường, tờ nào cũng đều có mục quảng cáo nhianhia (nhũ mẫu) kéo dài cả cột, chứng tỏ nhu cầu xã hội về nghề nghiệp này tương đối lớn. Nhờ có thâm niên và sự quen biết kha khá trong giới nghỉ hưu non, tôi được nhiều nhà nhờ tìm hộ nhũ mẫu; và tôi cũng đã không phụ lòng trông cậy của họ. Có thể khẳng định một cách không cần đính chính là, những người Nga, tôi giúp giới thiệu cho các gia đình Việt đều là những người tuyệt vời. Ngược lại, những bà nhũ mẫu đó, sau khi hoàn thành sứ mệnh nuôi các cháu lớn khôn cũng đã đánh giá rất cao về cách đối xử có trước, có sau của những người Việt Nam mà họ được sống, được tiếp xúc một quãng thời gian dài.

Nhưng có một số người Nga không hề có lấy một chút kinh nghiệm về nghề này, chẳng qua là do sinh kế, số phận dun dủi họ đến với các cháu Việt Nam. Họ lúng túng từ cách cho trẻ bú sữa, tắm rửa cho bé đến cách thay tã lót hay cho cháu ngủ… Nhiều chuyện đáng tiếc đã xẩy ra, có bà làm cháu bị bỏng; có bà để cháu sặc cháo mà không biết, khi cháu mặt tím tái mới gọi xe đưa đi viện.

Thương tâm nhất là vào tháng Chạp năm 94, ở nhà số 6 ốp Xôkôl, một nhũ mẫu trông một cháu bé chưa đầy sáu tháng tuổi, con của một đôi vợ chồng hiếm muộn bán hàng ở Xaliut 2. Vào mùa đông lạnh, đường đóng băng trơn tuột, trong khi đẩy xe từ đường lên vỉa hè, xe bị nghiêng, cháu bé trong xe nôi rơi xuống mặt băng bị chấn thương sọ não và không qua khỏi. Hai vợ chồng đau xót, người vợ ốm lên, ốm xuống suốt cả năm trường.

Tôi có quen mấy gia đình khá giả, thuê căn hộ đàng hoàng, đón nhũ mẫu về làm, ăn ở trong nhà. Một anh quê Xứ Nghệ trước đây làm hàng bò ở Xaliut 3, sau chuyển ra Vòm có công cho thuê và công ngồi bán thuộc và dạng trung lưu. Khi vợ anh sinh con tròn tháng, chủ nhà tiến dẫn cho anh một cô giáo dạy nhạc phổ thông cơ sở vừa hồi hưu. Suốt mười ba năm qua, có thể nói là chưa một ngày nào bà không có mặt tại nhà anh trên phố Ogorodnưi. Công việc của bà hàng ngày là trông cháu, khi cháu ngủ, tranh thủ giặt giũ, lau chùi đồ đạc trong nhà; còn cơm nước, thì khi hai vợ chồng từ chợ về sẽ tự nấu lấy vì bà không biết làm món ăn Việt, nhất là món vừa mặn, vừa cay của Xứ Nghệ! Anh chị không hề tiếc với bà một điều gì, miễn là con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành tốt. Mỗi lần từ Việt Nam sang, bà được trang bị từ đầu đến chân nào túi xách, áo thổ cẩm, mũ nan và các đồ trang sức phương Đông.

Khi thằng bé lớn, bà dẫn cháu đến trường, sau đó làm các việc của một ôsin nội trợ, tức là mua thực phẩm và các vật dụng cần thiết, đến chiều đi đón cháu về. Suốt ngần ấy năm, bà dạy cho thằng bé học vẽ, học nhạc, dạy chữ, đưa cháu đi thăm bảo tàng, sân khấu, xem ca nhạc và hướng dẫn từng ly, từng tí cho cháu các nghi thức, phong tục của đời sống Nga. Cũng suốt ngần ấy năm, chưa hề một buổi học nào bà không đưa cháu đến lớp học thêm ngoại ngữ, học bơi, kể cả bây giờ nó đã lớn tướng, nhưng trong mắt bà, nó vẫn là một đứa trẻ con nước ngoài bé bỏng. Tôi được xem các quyển nhật ký và kết quả học tập của cháu từ lớp một đến lớp sáu trước khi viết bài “Những đứa trẻ không phải là thần đồng”. Cháu là một học sinh xuất sắc toàn diện ở một trường nổi tiếng nghiêm khắc. Tôi cho rằng bà nhũ mẫu người Nga đóng vai trò quyết định tới 90% kết quả học tập và sự trưởng thành của cháu. Tôi sực nhớ tới người mẹ nuôi - nhũ mẫu mà nhà thơ Nga vĩ đại Puskin coi như người mẹ:

 Bạn thân thiết trong những ngày cơ cực

Nguồn mến thương nâng bước đời con

Rừng thông thăm thẳm cô đơn

Ngóng con, ngày tháng mỏi mòn mẹ trông

Trong phòng khách, bên song cửa sổ

Như người canh, thương nhớ mênh mang

Tay già lần mũi kim đan

 

Như đang đếm bước thời gian chậm buồn…

 

Nhưng đã năm, sáu năm nay, người Nga ít đi làm ôsin đại trà cho người Việt. Những thành viên quý tộc trong làng doanh gia ta kén chọn những người có trình độ học vấn làm gia sư; chọn lái xe riêng có sức khỏe và đáng tin cậy. Việc chọn quản gia và chọn nhũ mẫu đều có hợp đồng hẳn hoi chứ không phải bằng thỏa thuận miệng như thời còn nguyên khai chế độ thị trường. Những người làm theo hợp đồng dạng này thu nhập khá cao. Có nhà trả tới một ngàn rưỡi đô cho gia sư, ngàn hai cho lái xe và trông trẻ.

Thời thế đã khác rồi, những việc tầm tầm, làm ra tiền không bõ bèn, người Nga không quan tâm nữa. Việc phổ thông, chỉ dùng đến cơ bắp đã có các anh, các chị Tatgic hay Uzbêkixtan thế chỗ. Với mức lương chín trăm, một ngàn đô dạng nhân viên bán hàng, làm tạp vụ theo chế độ giờ giấc 8 tiếng, thứ bảy, chủ nhật nghỉ, các bà Nga thích hơn nhiều so với công việc ôsin.

Tuy người Nga không mặn mà, nhưng không phải do nhu cầu của công việc này ít đi, mà ngược lại, đối với người Việt, lớn hơn, phong phú hơn nhiều. Các doanh nhân chủ yếu hướng việc tuyển dụng ôsin thị trường nội địa, vừa rẻ, vừa dễ khiến bảo.

Trong những chuyến hồi hương, các ông chủ, bà chủ tương lai nhắm trước một số chị nhà quê tuổi trung niên, qua thăm dò được coi là có phẩm hạnh và hiện đang ở dạng tong tả xuôi ngược kiếm được mỗi ngày mươi lăm ngàn đồng vừa đủ lo bữa cháo đang muốn làm một quả đổi đời. Làm hộ chiếu thời nay không đến nỗi ngột ngạt như cái đẫn phải chép tay mười hai bản lý lịch khai đủ nhân thân của ba đời, chờ đợi nhấp nhổm hàng quý mới được duyệt. Giờ đây, chỉ trong khoảng hai tuần, dịch vụ đã lo xong đủ các bước từ hộ chiếu, giấy mời, visa cùng với vé. Ra Hà Nội, lên phi cơ, chỉ mất khoảng thời gian bằng một buổi làm đồng là ôsin mới đã có mặt cách không xa điện Kremli rồi.

Những người này vừa chân ướt, chân ráo vào nhà là được học ngay bài vỡ lòng về cách sử dụng bếp đun ga, là quần áo, máy hút bụi và máy giặt. Ai nhanh trí thì chỉ trong vài giờ là đã có khả năng thao tác, nhưng không ít người hàng tháng vẫn lóng nga, lóng ngóng với mấy cái nút chỉ đề bằng mỗi chữ Tây. Hạng mục công việc thường ngày là trông trẻ, giặt giũ, làm bếp, dọn nhà. Người nào tay chân còn dẻo, còn săn, thì buổi tối kiêm thêm việc đấm lưng cho bà chủ góp phần thông mạch máu sau cả ngày đếm tiền, giao hàng ở chợ.

Những ôsin nào chỉ làm độc mỗi việc trông trẻ thì còn đỡ, chứ những người làm công tác kiêm nhiệm thì vất vả vô cùng và còn hơn thế nữa.

Ngại nhất đối với chủ và khổ nhất đối với ôsin là chỗ ngủ vì đa phần các ông chủ tuy lắm tiền nhưng hay ở co cụm và khí chật trong các khu Ngoại giao đoàn Đakutraev, Obôlenxki, Đôm 14, Đôm 4, Đôm 7 hay Đôm 16 khối XEP cũ. Ở các chốn ấy, tìm ra một căn hộ hai ba buồng một gia đình ở là rất khó, họ ở ghép, ở chung. Ôsin có thể trải đệm xuống góc sàn nhà ngơi giấc, đến sáng thì cuộn lại; hoặc ngủ trên gác xép mốt năm 80 của các nhà lắp ghép Hà Nội, hoặc trên giường xếp trong bếp tùy theo cách sắp đặt của chủ. Một số ôsin ở các nhà chủ thuê rộng và thiện tâm thì được ngủ chung với cháu bé để canh giấc và làm bổn phận khi các cháu có nhu cầu thức dậy. Những chủ rộng lòng thì cho ôsin ăn chung với gia đình; những chủ kỹ tính và nghiệt ngã quá thì cho ăn suất riêng sau khi cả nhà xong bữa. Tuy thế, nhưng mạn phép tạm so sánh với nhà quê hay vùng sâu, vùng xa ở quê nhà, thì coi như họ đã được đặt chân lên cầu thang của thiên đường.

Lương bổng thì tùy, có người được trả ba trăm đô một tháng, lo cho giấy tờ, hộ khẩu, cho mặc quần áo chủ không dùng nữa nhưng qua máy giặt một nước thì vẫn trông như mới; có chủ kẹt xỉn thì trả những trăm rưỡi, hai trăm, cơm nuôi ba bữa không tính.

Trong một vài lần lên Đakutraev hay Ôbôlenxki có việc, ngồi lân la với chị em, tôi nghe được khối chuyện. Có người mãn nguyện lắm, khen ông chủ, bà chủ không tiếc lời nào là còn trẻ, lắm tiền mà vẫn tốt, không xử tệ; nhưng cũng có người ngân ngấn nước mắt than thân, nếu biết cảnh xa chồng, xa con, bị hắt hủi, chửi mắng, làm quần quật suốt ngày để đổi lấy hai trăm bạc thì thà ở nhà rau cháo còn hơn! Có chị phận mỏng, đổi dăm đời chủ, làm khắp các ốp rồi mà vẫn không yên, chạy trời không khỏi nắng, khổ nhục không biết kêu ai.

Ôsin đa phần không có hộ khẩu và quyền lao động vì khi mộ sang, các cơ sở dịch vụ chỉ làm visa du lịch, có hạn tạm trú ở Nga ba tháng. Hết ba tháng, hộ chiếu của họ chỉ có giá trị tương đương gần với một giấy chứng minh thư. Muốn có hộ khẩu, muốn được cư trú hợp pháp thì chỉ có cách lộn về và quay lại, chi phí không phải là ít, kiểu này thì chẳng khác gì đánh đố ôsin, do vậy họ buộc phải phòng thân bằng cách hạn chế ra khỏi lãnh địa nhà ở. Một cách tương đối an toàn và đầy hiệu quả hơn nữa là đi đâu, chị em ta cũng đẩy xe nôi cùng cháu nhỏ vài ba tháng tuổi. Đố anh công an nào kể cả những nhân vật mặt gang, dạ sắt cũng đừng hòng bắt giải về đồn ôsin cùng cháu nhỏ. Bán kính của những cuộc du ngoạn khép kín của ôsin chỉ chừng ba, bốn trăm mét, vì đi xa là có nguy cơ lạc đường. Rất nhiều người trong số họ không biết tên phố, tên nhà và không có khả năng hỏi han.

Dù cho ở đến bao năm, họ vẫn thông minh như cũ, giống như một nhân vật trong Faust của Goethe. Ở ngoài chợ thì khác, do nhu cầu giao tiếp bắt buộc, một số người chỉ sau vài ba tháng đứng quầy là đã có thể mặc cả với khách được rồi. Không ai dạy tiếng Nga, và của đáng tội, các chị cũng chẳng cần biết thứ tiếng này làm gì vì xung quanh chỉ rặt có người Việt; còn máy tính thì chắc chắn là không sử dụng được rồi, may chăng họ chỉ biết bấm số kôđ cửa nhà hoặc nhắn tin điện thoại, do đó phạm vi giao tiếp của họ rất hẹp.

Vào những ngày hè, sớm sớm, chiều chiều, hàng chục chị diện pizama made in Cửa Nam, xỏ dép lê quanh quẩn trong khu hàng rào xem các cháu nghịch cát và tâm sự.

Mùa nắng nóng, các chủ thường đi vào rừng, nhà nghỉ, nói văn hoa một chút là du lịch dã ngoại cùng với cả gia đình để tránh cái ngột ngạt, bức bối của phố phường. Họ mua sẵn thịt ướp, nước ngọt, rượu bia từ ngày hôm trước để lên đường từ mờ sáng. Nơi nghỉ thường cách trung tâm thành phố có khi bảy tám chục cây số, có khi trên trăm cây. Ôsin cũng đi dã ngoại, nhưng suốt ngày không rời mắt khỏi các cháu và được kiêm luôn chân sai vặt.

Không ít gia đình rủng rỉnh thích đi nghỉ ở Ai Cập, Ý hoặc các thành phố biển của nước Nga vài tuần đến cả tháng. Những chị nào có số đỏ làm công cho những nhà đó, được lòng ông chủ, bà chủ sẽ có chân trong danh sách đưa đi tháp tùng xuất ngoại để trông con và phụ việc, thì coi như số phận đã nở với họ một nụ cười quá cỡ.

Trong số hàng ngàn người làm công đại trà này, cũng có chị có uy tín với chủ đến mức là hết hạn hộ chiếu rồi, chủ sẵn sàng lên Lãnh sự xin cấp hộ chiếu lại, làm hộ khẩu xịn để tiếp tục ở với gia đình. Những ôsin này sau dăm năm xuất ngoại là có tiền nuôi con vào Đại học trong nước, mua xe máy cho chồng. Rất hiếm, nhưng vẫn có một vài chị, chủ mua hẳn cho vé hai chiều về thăm gia đình cả tháng rồi lại quay trở lại đi làm.

Đa phần khi con cái gia chủ lớn đến tuổi đi học, gia đình không cần đến ôsin nữa thì các chị nhờ quảng cáo trên báo lá cải hoặc nhờ người giới thiệu làm cho một nơi mới. Nếu chờ quá lâu vẫn không tìm ra việc, ở mãi sợ ăn thâm vào số tiền tích cóp được, các chị đành phải nhờ dịch vụ làm cho visa một chiều, mua vé một chiều về đoàn tụ với chồng con; ai không có hộ chiếu thì làm thông hành hay nhờ dịch vụ lo một suất trục xuất để được rời Nga.

Tôi có quen một Thượng úy quân đội ngành Thông tin, trước học tại chức ở Khoa Lịch sử Trường Tổng hợp. Nhận sổ hưu vào đầu năm 2000, một phần kiếm sống, một phần tạo dịp để biết nước Nga, chị đi theo tiếng gọi trữ tình của một Trung tâm dịch vụ và sang Matxcơva đúng vào giữa mùa đông rét mướt năm đó. Quá giàu trí tưởng tượng và hơi giàu trí tưởng bở, khi rơi vào cảnh bế bồng đứa con hai tháng của một ông chủ và bà chủ mới qua tuổi hai lăm, chị bị sốc thực sự. Phòng ở trong ốp Rưbăc loại 16m2 kê giường, kê cũi, đầu karaokê, bếp đun… ngột như một cái hỏa lò. Đứa bé khóc ngặt nghẽo suốt đêm, khi nào cũng phải bế, mất ngủ đến sưng mắt, chị không chịu nổi, đành từ giã chủ đầu tiên với đồng lương thơm tho hai vé. Một bác sĩ là đồng đội hồi còn quân ngũ hiện làm dịch vụ Y tế tìm cho chị việc làm tại nhà một bệnh nhân hay đến khám chữa. Nhà này đối xử với chị không đến nỗi nào, cho ăn chung mâm với cả nhà, được chủ động cầm tiền mua thức ăn ở cửa hàng thực phẩm…, trông nom cháu bé hơn một tuổi thì cũng tương đối nhàn. Chị ở với gia đình này được ba tháng yên hàn. Nhưng chị can một tội tày đình là dám đứng cao hơn số phận bởi cả gan tranh luận với ông chủ chưa tốt nghiệp phổ thông về thời thế. Đã vậy, khi ông chủ bà chủ đã ngon lành giấc điệp, nhiều lần chị còn cao hứng bật đèn làm thơ và ghi nhật ký; lại còn có một hôm chị nẩy ra ý xin được đi chụp ảnh Hồng Trường. Tổng hợp các tội ấy, tuy chưa hết tháng, nhưng ông chủ chiếu cố nể bác sĩ, cho nhận đủ tiền những ngày còn lại và mời chị ra cửa. Cái chất người sĩ quan trong  chị không hợp một chút nào với công việc đa năng, đa sự này. Tôi và bác sĩ nọ khuyên chị trở lại nguồn cội sống bằng hưu bổng, biết nước Nga thế là cũng tương đối đủ rồi.

Mới đây thôi, khi qua một siêu thị mini trước nhà khách Sứ quán thấy một bà già Nga qua đường đang nựng đứa bé nằm trong xe nôi và hỏi chuyện một phụ nữ người Việt, nhưng chị ta chỉ mỗi cười, tôi bèn ghé lại. Bà già Nga hỏi rằng, con chị trông kháu quá, cháu được mấy tháng tuổi rồi?

Tôi trả lời hộ, là con chị ấy đã hơn một tuổi, chị không nói được tiếng Nga. Tôi đành phải nói dối, đứa bé là con của chủ, chị ấy chỉ là ôsin.

2004

  BBT (Theo Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66167451

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July