Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  MỘC BẢN CHÙA VĨNH NGHIÊM “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ” - Nguyễn Hữu Quý MỘC BẢN CHÙA VĨNH NGHIÊM “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ” - Nguyễn Hữu Quý , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

alt

Tôi tin rằng, ai đã đến chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) một lần chắc đều muốn trở lại chốn này nhiều bận nữa. Một ngôi chùa thuần Việt, lặng lẽ nép mình giữa những cây bồ đề, thông, đại và thật hiền hòa thanh tịnh bên cỏ hoa quen thuộc nơi thôn mạc. Yên lặng, yên lặng lắm, tưởng chừng thời gian không vội vã khi đi qua đây, nó cứ thong thả an nhiên rải từng bước ngắn, chậm rãi đều đặn. Bảy thế kỷ qua, hình như, cái vô-ảnh -thời-gian ở đây vẫn giữ cho mình nhịp điệu vi diệu như thế. Hay thời gian và cả không gian nữa cũng nhuốm tinh thần sắc sắc không không của nhà Phật, mà đây lại là Phật Việt có tên gọi Trúc Lâm thiền phái và đấng sáng lập không ai khác chính là vua Trần Nhân Tông (1258-1308), người đã cùng Trần Hưng Đạo dũng cảm mưu lược lãnh đạo Đại Việt hai lần đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược. Truyền thuyết kể lại rằng, khi non sông ta đã sạch làu bóng giặc phương Bắc ngông nghênh ngạo mạn, trăm họ trong thiên hạ hoan hỉ hưởng thái bình, giữa một cuộc lễ ở Chiêu Lăng, vua Trần Nhân Tông khi thấy chân các ngựa đá còn lấm bùn châu thổ sông Hồng đã tức cảnh thốt lên Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Minh quân Trần Nhân Tông sau này đã bỏ ngôi báu để lên núi tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như ta đã biết, về Kinh Bắc dựng chùa Vĩnh Nghiêm truyền bá tư tưởng nhập thế đạo gắn với đời, cầu mong Quốc thái Dân an. Đấy chính là ước vọng của muôn đời, muôn người và nó trở nên vô vàn tha thiết thiêng liêng với một đất nước luôn bị kẻ ngoại bang nhòm ngó thôn tính. Đấy cũng là tâm cảm của một thi nhân, tuy tác phẩm để lại của Ông không còn mấy, song khi ta đọc Lên núi Bảo Đài hay Trăng của Trần Nhân Tông sẽ ngộ ra phần nào cái gọi là Thiền trong con người, trong thi ca. Con người với thiên nhiên như hòa làm một, giản dị trong sáng đến tột cùng, mọi ham hố thô tục bị khử bỏ hoàn toàn, ấy là Gần xa, mây núi ngất,/ Nắng rợp, ngõ hoa thông./ Muôn việc nước trôi nước,/ Trăm năm lòng nhủ lòng./ Tựa lan, nâng sáo ngọc,/ Đầy ngực ánh trăng trong. (Bản dịch Ngô Tất Tố). Ấy là, một bóng trăng thu khuya khoắt như phiên bản ảo diệu của tâm hồn yêu nước thương dân thao thức hằng đêm thăm thẳm Bên sông đèn rạng sách đầy giường,/ Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương./ Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt,/ Trên chùm hoa mộc nguyệt lồng gương(Nhóm Lê Quí Đôn dịch)...Chao ơi, cái câu kết sao mà hay mà đẹp mà gợi đến thế: Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ-Bóng trăng vừa hé giọi trên chùm hoa mộc...Chỉ một nét tả thôi mà nó đã mở ra cả một không gian, một tâm hồn bát ngát gắn với muôn dặm non sông yêu dấu. Cũng như sau này, khi đọc Cảnh khuya của Hồ Chí Minh tôi cũng có cảm nhận bâng lâng như thế: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa...Trăng-Hoa, bạn tri kỷ, tri âm của người làm thơ, mỗi thời, mỗi người chọn cách biểu hiện khác nhau nhưng đều là sự phát hiện tôn vinh cái đẹp.

Chùa Vĩnh Nghiêm thờ ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vị Tổ thứ nhất là Trần Nhân Tông như ta đã nói, người được chân truyền của Thượng sĩ Tuệ Trung (Trần Quốc Tảng). Vị Tổ thứ hai là Đồng Kiên Cương, hiệu Pháp Loa, thụ giáo Trần Nhân Tông. Vị Tổ thứ ba là Lý Đạo Tái, hiệu Huyền Quang, thụ giáo sư Pháp Loa. Cả ba hợp lại gọi là Trúc Lâm tam Tổ (Ba Ông Tổ Trúc Lâm). Cho đến hôm nay, tôi vẫn mê bài thơ Cúc hoacủa Huyền Quang: Vong thân vong thế dĩ đô vong,/ Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương./ Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,/ Cúc hoa khai xứ tức trùng dương (Nghĩa: Quên mình, quên đời, quên hết cả,/ Yên lặng ngồi lâu trên chiếc giường mát./ Cuối năm, trong núi tính ngày không có lịch,/ Nhìn hoa cúc nở mới biết đã đến tiết trùng dương. Từ cái nghĩa này tôi đã dịch thành thơ lục bát: Quên thân, quên hết cả đời,/Núi sâu, giường mát ta ngồi lặng yên./Vãn năm, không lịch nhìn bên,/Cúc hoa đã nở biết liền trùng dương. Xuất gia tu hành là lãng quên đời, quên thân, điều đó chẳng có gì lạ. Trong cảnh tĩnh mịch của núi non, tiếng vọng đời thường càng xa vắng, nhạt nhòa. Không gian ấy thật hợp với tâm thế của người tu. Câu thơ thứ hai cho ta một hình dung rất nét về tư thế và tâm tính của Ông trong hoàn cảnh này. Huyền Quang đã lặng yên ngồi lâu, rất lâu trên chiếc giường mát. Biết đã cuối năm, nhưng không có lịch để tính ngày. May thay, còn có khóm cúc nở hoa cho ta biết tiết trùng dương (mồng 9 tháng 9) đang đến báo hiệu mùa thu đã về. Đằng sau tấm áo cà sa ẩn giấu một trái tim thi sĩ vô cùng nhạy cảm với thiên nhiên. Có thể quên đời, quên thân nhưng làm sao quên được những quen thuộc của cỏ cây hoa lá. Vũ trụ xoay vần biến thiên, mùa nào hoa cỏ ấy, những thân thuộc muôn đời đâu dễ mất đi. Vẫn có đây những xào xạc đời thường, những yêu dấu nhân sinh nơi chốn tĩnh hòa rất mực ấy…

Tôi phải lan man như thế trước khi nói về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm khi hiện vật lịch sử văn hóa ấy đã được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để bạn đọc biết thêm ai đã chủ trương soạn ra, làm nên những hiện vật vô giá đó. Đây là tin mừng, không chỉ của một xã, một huyện, một tỉnh mà của cả nước: Vào hồi 16 giờ 45 phút (theo giờ Băng Cốc), ngày 16 tháng 5 năm 2012, tại Trung tâm hội nghị, hội thảo của khách sạn Amari Watergate Băng Cốc (Thái Lan), Ủy ban UNESO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã xướng danh và chính thức ghi danh Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vào danh mục Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới...Thực ra, để có sự vinh danh như vậy không dễ dàng chút nào dẫu giá trị đích thực của trên 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là khó phủ nhận. Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh tiết lộ với chúng tôi rằng khi Ủy ban UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đưa hồ sơ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm của Việt Nam ra thì có những ý kiến phản biện gay gắt. Họ cho rằng mộc bản thì nhiều nước có chứ không chỉ ở Việt Nam, thậm chí ở nước họ số lượng còn nhiều hơn. Họ yêu cầu chúng ta làm rõ tính riêng biệt của nó. Chúng ta đã bình tĩnh thuyết trình những cái có thể gọi là “độc nhất vô nhị” của các mộc bản này. Đó là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm (chỉ có ở Việt Nam), nhiều bản được khắc bằng chữ Nôm (cũng chỉ Việt Nam có), bên cạnh những tác phẩm văn học Thiền tông có giá trị còn có các bài thuốc về y học cổ truyền của Việt Nam và không thể không thừa nhận đó là những tác phẩm thư pháp tuyệt vời. Bạn nghe ta nói, gật gù, cười tươi và cuối cùng là ai cũng bỏ phiếu nhất trí cả.

Thế là, sau Mộc bản triều Nguyễn, Văn bia Văn Miếu-Quốc tử giám Hà Nội, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đàng hoàng trở thành di sản tư liệu thứ ba của Việt Nam được thế giới ghi danh. Hai di sản trước nằm ở các trung tâm kinh tế-văn hóa quốc gia là Huế và Hà Nội vốn là Cố đô và Thủ đô nước ta còn di sản quý giá này lại được tàng lưu trong một ngôi chùa cổ nằm ở vùng quê nghèo khó. Tuy nằm ở tỉnh lẻ nhưng Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn đáp ứng đủ ba tiêu chí nghiêm ngặt của tổ chức UNESCO thế giới là: tính xác thực-tính độc đáo quý hiếm-sự ảnh hưởng mang tầm quốc tế và khu vực. Vượt qua ba tiêu chí đó, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn sáng giá ở sự toàn vẹn, nguyên gốc, độc bản của các cổ vật, góp phần cho việc nghiên cứu về tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, y học, mỹ học...

Có lẽ cần nói sâu hơn một chút về các giá trị đặc biệt và độc đáo của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Trong những bản khắc bằng chữ Nôm, chữ Hán trên gỗ thị đó có hàm chứa tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm, mà cốt lõi là sự giác ngộ của các cao tăng hướng tới việc từ bỏ cách tu hành dựa vào mê tín, thần bí, siêu nhiên và đề cao lòng lạc quan với cuộc sống thực, sống thuận theo quy luật của tạo hóa. Nhờ vậy, mà tư tưởng Phật giáo nhập thế, thâm nhập sâu sắc vào dân gian Việt Nam, gắn bó với dân tộc kể cả lúc binh đao loạn lạc hay trong thời thái bình an hòa.

Những mộc bản chữ Nôm chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn...Chữ Nôm ở bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những nguồn tư liệu quý giá để tra cứu, tham khảo đối với ai muốn nghiên cứu lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua hệ chữ này. Tôi đọc tài liệu được biết font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm lấy mẫu từ sách Thiền tông bản hạnh là một phần của sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Quả là thú vị khi ta biết rằng, chữ Nôm cũng đã được cài đặt trên máy vi tính phổ biến trên thế giới, điều này rất thuận lợi cho những ai muốn nghiên cứu nó hoặc tìm hiểu văn hóa Việt Nam trong quá khứ.

Mộc bản còn là nơi lưu giữ bền vững các tác phẩm văn học Thiền tông có giá trị. Trong mộc bản sách Thiền tông bản hạnh ta thấy có các tác phẩmCư trần lạc đạo phú (Ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo) của Trần Nhân Tông; Vịnh Hoa Yên tự phú (Vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của thiền sư Huyền Quang; Du Yên Tử sơn nhật trình ( Nhật trình đi chơi núi Yên Tử) của Bạch Liên tiểu sĩ; Thiền tịch phú (Bài phú về chốn thiền tịch), Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh (Bài hạnh kể về sự tích dòng thiền phái Trúc Lâm triều Trần ở núi Yên Tử) của Thiền sư Chân Nguyên; Giáo tử phú (Bài phú về việc dạy bảo con cái) của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi...

Đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...thì thơ viết bằng chữ Nôm đã đóng góp vào nền văn học những giá trị to lớn. Cho đến hôm nay,Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Du vẫn là đỉnh cao nhất của thi ca đất Việt. Vượt qua hàng trăm năm, không ít những câu thơ viết bằng chữ Nôm còn lấp lánh, chấp chới đến mai sau.

Trong bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có sách Kính tín lục ghi chép các phương thuốc cấp cứu, chữa bệnh như An thai thôi sinh phương, Thiền trúc cốt dược, Phụ cấp cứu phương...Thời bấy giờ đó là tinh túy về y dược được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian. Sách thuốc in ra từ các mộc bản này được truyền bá phổ biến trong thiên hạ, thể hiện lòng nhân từ của đạo Phật, nâng cao trách nhiệm của nhà sư đối với nước, với dân. Đạo nhập vào đời, đời tin vào đạo trong tinh thần cứu nhân độ thế mênh mông.

Ngắm nhìn bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, ta không thể không trầm trồ khâm phục bàn tay khéo léo của thợ khắc trổ. Những người khắc gỗ Việt Nam làm nên các mộc bản này chắc phải tinh thông chữ Hán, chữ Nôm, có đôi tay vàng và đôi mắt ngọc, khéo léo, tinh tường và phải rất nhẫn nại, cẩn trọng. Mộc bản có nhiều kiểu chữ khác nhau, khi cân đối nghiêm ngắn, khi bay bướm thoáng hoạt, chẳng khác gì các bức thư pháp tài hoa. Nhiều trang mộc bản được các nghệ nhân cổ khắc đan xen các bức họa đồ có bố cục rất chặt chẽ, đường nét tinh tế...

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, một giá trí văn hóa của dân tộc được nhân loại tôn vinh xứng đáng. Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ấy đang được tàng lưu, cất giữ, bảo quản tại một ngôi chùa không lấy gì to lớn ở một vùng quê nghèo nhưng gắn với tên tuổi của vị quốc chủ sáng giá, lỗi lạc hàng đầu trong lịch sử Việt Nam: Trần Nhân Tông!

Đồng Xa, tiết Thu phân, Nhâm Thìn-2012

alt

Ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)

Từ trái qua: nhà báo Thanh Hải, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà báo Cảnh Mạnh, nhà văn Đỗ Ngọc Yên

Theo Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60706528

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July