Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 09/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  CÁI CHẾT CỦA THI CA!? - Nguyễn Hữu Quý CÁI CHẾT CỦA THI CA!? - Nguyễn Hữu Quý , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


alt

Còn ngôn ngữ-còn thi ca, nhìn tổng thể thì sức sống của thơ sẽ là như thế. Từ xưa đến nay, trong hành trang của con người, thơ chưa bao giờ thiếu vắng. Tôi nghĩ rằng, nếu như cần chọn một sản phẩm văn hóa để giới thiệu giao lưu với người ngoài Trái đất thì thơ sẽ là ứng cử viên rất sáng giá, bởi nếu tôi không nhầm thì đó là thể loại xuất hiện sớm nhất, được nhiều người sáng tác và thưởng thức nhất và quan trọng hơn là nó gắn bó sâu sắc với tâm hồn, tình cảm của nhân loại. Tìm ra lửa để sưởi ấm, nấu chín thức ăn được xem như là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử loài người. Nghĩ ra thơ để sưởi ấm tâm hồn, để giao lưu, để nâng đỡ, dìu vịn..., loài người đã đặt một dấu mốc nhân văn trên hành trình trưởng thành dằng dặc của mình. Thơ cũng là lửa của cuộc sống, nó được nhen lên từ lâu lắm, nếu không sợ nói quá lời thì đó chính là dòng chảy đẹp nhất từ thuở hồng hoang đến thời hiện đại với những lấp lánh khêu gợi, những dào dạt đam mê, những bay bổng hứng khởi của mọi dân tộc, mọi thế hệ. Dân tộc nào, thế hệ nào cũng có nhà thơ của mình. Tôn giáo, bí ẩn và nghiêm trang như thế vẫn phải thường dùng cách nói, cách viết trầm bổng, du dương, có vần điệu để truyền dẫn, thuyết phục, dạy dỗ...là một chứng minh sống động cho khả năng nhập thế của thơ ca.

Không ít lời hay ý đẹp tụng ca thơ và đương nhiên, thơ xứng đáng được hưởng sự tôn vinh đó. Tài năng sáng chói như R.Tagore (Ấn Độ) cũng phải kính cẩn thốt lên: Ôi thi bá thi hào! Tôi đã đến ngồi dưới chân Người. Chỉ xin để tôi biến đời mình thành bình dị, thẳng ngay, như chiếc sáo sậy để Người phả đầy âm nhạc vào trong. Làm thơ không phải là nghề nghiệp mà nói như nữ thi sỹ người Nga, Lutmila Zaiva thì Thơ là số phận...Không có tâm huyết, thì chưa thể trở thành nhà thơ, mà chỉ là thợ ghép vần. Chế Lan Viên của chúng ta cũng từ chiêm nghiệm của đời người, đời thơ của mình để tâm niệm: Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi...

Với không ít người, thơ chính là một phần cuộc sống đã được mặc định của họ, không cái gì có thể xóa được. Những câu thơ hay đã được copy và dán vào trái tim họ như những lưu trữ thật bình dị và lâu bền. Đó là những câu thơ nảy sinh ra từ cuộc sống, đứng ở ranh giới của nhiều lĩnh vực khác nhau, mang vẻ đẹp mới mẻ...đầy cảm xúc và ấn tượng. Tôi yêu quý và trân trọng những câu thơ thế này:Cây cơm nguội mùa thu trong bài hát trước/ Bây giờ đang lên giọng xuân (Nguyễn Khoa Điềm); em thức dậy trong phòng/ đôi vai rực rỡ/ bầu trời trắng dần ngoài cửa sổ/ tóc em bay như một ngọn lửa đen(Lưu Quang Vũ); Biết là nhớ cũng bằng không/ Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm/ Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/ Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi (Hải Kỳ); Chợ người chẳng bán người đâu/ Dãi dầu bán cái dãi dầu mà thôi (Bùi Kim Anh); Mưa mỏng thế, lời rao vẫn ướt(Trương Nam Hương); Những cánh buồm đi dưới trăng thanh/ Đi lặng lẽ trong sương mờ cổ tích/ Buồm như thể chiếc cày lật ngược/ Vạch ngang trời những luống trăng sao (Anh Ngọc); Bàn tay xòe/ Ánh bạc, ánh vàng/ Bàn tay ôm/ Mười ngón hôn nhau qua biển núi(Lò Cao Nhum); Nước đục quá, cá loạn đường của cá/ Tôi viết tên tôi lên văn bản không đèn (Nguyễn Quang Thiều)...

Ta nhận ra cuộc sống quen thuộc trong những câu thơ ấy và hình ảnh của nó khi vào thơ đã được biến ảo thành nhiều vóc dáng sắc màu lung linh kỳ lạ hơn hiện thực rất nhiều. Đó là gì nếu không phải là hiệu quả của sự liên tưởng phong phú nhờ tài hoa và thăng hoa của nhà thơ, những chi tiết lớn - bé của cuộc sống đã được phát sáng nhờ con mắt nhìn ngoại cảnh-con mắt nhìn nội tâm (ý của Chế Lan Viên) tinh tường, tinh tế của thi sĩ. Thơ như thế mới có cơ hội thâm nhập vào tâm hồn người đọc và nó tồn tại khỏe khoắn trong cuộc sống bao la.

Thơ có cần cho dân tộc, nhân dân không? Tôi tin rất nhiều người trả lời là . Vậy, thơ nên hồi hướng về đâu? Phải chăng, muôn thuở đó là: Tổ quốc và Nhân văn. Chiến tranh hay thời bình thì đó cũng là hai vấn đề đáng quan tâm, là nỗi trăn trở cũng là cảm hứng sáng tạo của người cầm bút. Yêu nước, thương dân đó là biểu hiện cao nhất của nhân văn. Chỉ có những kẻ hồ đồ mới coi thường, miệt thị dân tộc và họ làm sao hòa vào nhân loại được khi không đi đến tận cùng cội nguồn xứ sở mình. Huyênh hoang, hỡm hĩnh không che lấp được sự yếu kém non nớt của tác phẩm; dù anh có viết nghìn câu, vạn câu thơ dài ngắn nhưng nó chỉ là nghìn câu, vạn câu dở dói, dở hơi, khô héo về cảm xúc, chệch choạc về câu chữ, xộc xệch về cấu trúc, cũ kỹ về hình ảnh, lổn nhổn về chi tiết và chả gây được ấn tượng gì cho nhiều người đọc thì cái gọi là bài thơ dài nhất đó cũng chỉ ngang tầm với một tòa nhà thô kệch, xấu xí. Một nghìn, thậm chí đến một vạn câu thơ dở, câu thơ làng nhàng không bằng bốn câu thơ, thậm chí một câu thơ hay làm nghiêng ngả đất trời. Giá trị của thơ không nằm trong bài thơ dài hay ngắn, một bài tứ tuyệt có thể lưu danh đến muôn đời nếu nó đích thực hay dù vỏn vẹn chỉ có bốn câu mà thôi.

Ai đó có ý định đem thơ ra đấu để phân định, xếp hạng cao thấp, hay dở nên nhớ rằng sàn đấu của thi ca chính là tâm hồn con người đấy. Hãy xem công chúng đối xử với thơ anh thế nào để tự xếp hạng cho tác phẩm của mình. Đừng thấy công chúng thờ ơ, không ngó ngàng tới tác phẩm của mình mà phán xét rằng họ chỉ là đám đông mông muội. Gào thét ầm ĩ hay kiêu ngạo bao biện cũng chỉ đến thế thôi, thơ là thơ, hay dở tự nó khẳng định, như hữu xạ tự nhiên hương, kỹ nghệ lăng xê quảng cáo dù tân kỳ đến mấy cũng không cứu vãn được. Tác phẩm thơ không có bạn đọc, không có tri âm tri kỷ, không có sẻ chia đồng cảm tự nó sẽ chết. Trước sau, thì người làm ra nó cũng sẽ vô danh trong lòng bạn đọc.

Tôi xin tạm gọi đó là cái chết của thi ca!?

alt

(Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý)


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60752726

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July