Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  BẮC HÀ MÙA HOA MẬN - Bài và ảnh Nguyễn Đắc Như BẮC HÀ MÙA HOA MẬN - Bài và ảnh Nguyễn Đắc Như , Người xứ Nghệ Kiev
 

Thứ Sáu, 14/01/2022

Có thể là hình ảnh về thiên nhiên và cây

Ngày đầu tiên ở thị trấn Bắc Hà, sáng dậy, phố huyện ngập tràn trong sương. Từ sân thượng tầng ba khách sạn Suối Hoa nhìn ra xa, con phố bồng bềnh như một dòng sông mây. Chỉ những nóc nhà hai, ba tầng có tháp mới nổi trên mây như những hòn đảo nhỏ. Mây luồn đấy! Dân nhiếp ảnh chúng tôi gọi hiện tượng lạ này, khi sương mù dầy đặc, tràn lắng, phủ kín một lớp là là mặt đất như vậy, là mây luồn. Những bức ảnh chụp cảnh phố xá, rừng núi Sapa được mây luồn che phủ bốn bề của nghệ sĩ Hoàng Thế Nhiệm, từ lâu đã trở thành bộ ảnh nổi tiếng trong nước và thế giới.

 

Chúng tôi hò nhau vác máy ra để chớp lấy cảnh tượng hiếm hoi thiên nhiên khoảnh khắc này. Nhưng khi máy móc đã sẵn sàng đâu đấy thì bỗng một cơn gió mát lạnh từ thung sâu phía trước mặt thổi về, chỉ trong giây lát, trời lại quang, mây lại nhởn nhơ từng đám lưng trời, phố xá lại hiện ra như vốn là như thế. Khó thật! Không ai muốn bấm máy cho dù chỉ là một kiểu, khi mà mây đã rách nát ra từng mảnh thế này. Đành chịu! Anh chủ khách sạn nói với chúng tôi, mây mù dầy đặc thế này là nắng to lắm đây, chụp ảnh tha hồ mà đẹp. Biết vậy nhưng ai cũng tiếc, bởi hễ cứ nắng lên là mây sẽ nhẹ bẫng, là mây sẽ bay lên, để rồi có may lắm thì đến sáng sớm hôm sau, mây mới lại tụ về. Cái khó cho những ai lang thang săn ảnh là ở chỗ ấy.

 

Lũ chúng tôi vác máy đi dọc phố Bắc Hà. Hơn hai chục năm trước tôi đã lên đây. Bắc Hà hồi đó đường đất, nhà lá, chợ tạm nhưng vẫn lẫy lừng với những phiên chợ đặc sắc vào bậc nhất các tỉnh vùng cao biên giới. Đây không chỉ là một phiên chợ lớn giao lưu trao đổi hàng hóa toàn vùng, mà còn là điểm đến gặp gỡ hẹn hò của các đôi trai gái, bạn bè và người thân các dân tộc quanh vùng. Chợ phiên Bắc Hà là một hình thức mua bán kết hợp với sinh hoạt ăn chơi, hát múa, mang nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc quần cư nơi đây. Đi chợ Bắc Hà ngày đó tôi cứ nhớ mãi cảnh tượng từng cặp trai gái mang trang phục các dân tộc đủ sắc màu sặc sỡ, họ thổi khèn múa lượn quấn quýt bên nhau ngay trên khoảng đất trống giữa chợ đông người. Tôi cũng không thể nào quên được hình ảnh một anh chàng H’Mông say rượu nằm vắt ngang lưng ngựa, được cô vợ trẻ dắt ngựa đưa về. Còn một anh say khác ngồi sau yên ngựa ôm chặt lưng vợ đằng trước đang dong ngựa ra khỏi chợ. Tôi cũng nhớ lắm món Thắng Cố nhắm với rượu trắng Bắc Hà, mà người ta vẫn lưu truyền rằng đã lên đến đây mà chưa thưởng thức thì coi như vẫn chưa biết Bắc Hà!

Mọi người đang đi trên những con đường nhựa phẳng phiu, hai bên vỉa hè có nhiều ngôi nhà hai, ba tầng mọc lên xen kẽ với những căn nhà gỗ, nhà cấp bốn mái tôn xi măng còn sót lại. Qua vài con phố dọc ngang như thế là đến chợ Bắc Hà. Chợ đã được xây mới, có mái che kiên cố và tường gạch bao quanh. Hôm ấy là mồng 9 tết âm lịch, thứ sáu, chợ búa, hàng quán, khách sạn, nhà hàng hầu như vẫn còn đóng cửa, đường phố vắng ngắt vắng ngơ. Phải đợi hai hôm nữa, chủ nhật phiên chợ chính hàng tuần, mà lại là phiên chợ đầu xuân, như anh chủ khách sạn bảo, thì mọi sự buôn bán làm ăn mới bắt đầu trở lại đông vui thường nhật. Anh em tôi không thể đợi đến phiên chợ đầu xuân ấy, nhưng chỉ nhìn cảnh chợ xây bao kiên cố, phố phường bê tông gạch ngói vây quanh thế này, tôi cũng đã mường tượng ra cái không gian mua sắm pha trộn không khí hội hè trong những phiên chợ Bắc Hà, chắc khó có thể còn nguyên cái chất tươi tắn, hồn nhiên năm xưa. Thì chẳng phải nói đâu xa, những phiên chợ tình Sapa, chợ tình Khau Vai… sau khi người ta đem ra sân khấu hóa theo lối thị thành, chúng đã trở nên tẻ nhạt biết nhường nào trong tâm thức người thưởng ngoạn.

 Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Theo con đường nhựa vòng qua khu chợ, trên đầu con dốc chạy thẳng xuống thung lũng trước mặt, một tòa nhà to lớn tường xám loang lổ màu mưa nắng, góc cạnh như một pháo đài, sừng sững in hình trên khoảng không gian khoáng đạt xa xa. Một phút ngỡ ngàng, hồi lâu tôi mới nhận ra đó là lâu đài của vua Mèo Hoàng Yến Chao ngày xưa. Hơn hai chục năm trước tôi đã vào thăm tòa nhà này, nhưng đi bộ thấy xa lắm, nay thấy nó lại nằm ngay trung tâm phố Bắc Hà. Thì ra thị trấn đã mở rộng lên nhiều, ngỡ ngàng là phải. Tòa lâu đài này được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, một trăm tuổi rồi còn gì, tuy đã hư hỏng nhiều nhưng trông còn kỳ vĩ lắm. Từ lâu tòa nhà đã trở thành nhà khách của UBND huyện Bắc Hà. Kể cũng tiếc thật! Bắc Hà hôm nay đã trở thành điểm đến chính thức của những tour du lịch qua miền Tây Bắc, giá như người ta dành tiền xây tường bao khu chợ lớn để phục chế lại tòa lâu đài của vua Mèo này, biến nó thành điểm tham quan du lịch và cho thuê phòng ngủ đắt tiền, biết đâu khách vào chợ sẽ đông vui hơn, và khách đến tham quan ăn nghỉ trong lâu đài cổ cũng đông hơn.

 

Nắng đã lên rồi. Nắng chiếu thẳng về khu núi đồi thảo nguyên và thung lũng trước mặt. Trong ánh nắng chan hòa và tinh khiết của buổi sớm mai, tất cả rừng cây, sườn đồi, ruộng vườn bỗng sáng lên một màu trắng bạc, rực rỡ, mênh mông đến vô cùng. Có cảm tưởng như tất cả bạc trắng khắp nơi trên xứ này, cũng chỉ đủ để tráng một lớp mỏng lên hằng hà sa số những cánh hoa mận đang run rẩy trong làn gió nhẹ. Và lại còn muôn triệu những hạt sương lấm tấm rắc đều lên những cánh hoa, cũng đua nhau ánh lên vô vàn tia sáng phản hồi, làm cho ánh nắng ban mai ở Bắc Hà hôm đó cứ long lanh lên bội phần sắc màu, chẳng khác nào một thứ ánh nắng thủy tinh diệu huyền vậy.

Chúng tôi rẽ vào một xóm nhỏ ẩn chìm dưới rừng mận bạt ngàn của thôn Tả Hồ, cách chợ Bắc Hà khoảng hai cây số. Có một cây cầu ghép bằng những thân vầu bắc ngang dòng suối nhỏ trước khi vào thôn. Những mái nhà nép dưới tán mận, những vườn rau vườn cây thuốc trải rộng dưới bóng mận, người lớn vươn tay rẽ cành đi lại qua rừng mận, trẻ con nô đùa trên những con đường trải thảm hoa mận. Không gian như được ướp bởi một thứ hương thanh thản chập chờn, tuy rất mỏng manh nhưng cũng đủ để át đi mùi lá mục và mùi phân ủ hoai hoai trong những mảnh vườn đây đó, và cũng vừa đủ để chúng tôi nhận ra đó là thứ hương thơm của của rừng mận đang nở rộ giữa tuần hoa, mà quả thật, trong một đời người không phải ai cũng một lần may mắn được gặp.

 

Cánh phó nháy luồn lách từ vườn này sang vườn khác, từ nhà này qua nhà nọ. Tiếng chó sủa vang theo mỗi bước chân đi, nhưng các ông bà chủ nhà có lẽ đã quen lắm cái cảnh mấy ông thợ ảnh mò mẫm vào làng, nên đã chủ động mắng vọng ra: “Ngoan nào! Các bác chụp ảnh chứ có phải ai đâu mà ầm ĩ lên thế, ngoan nào!”. Các chú khuyển miền rừng cao to như những con sói, hình như cũng từng quen với những cảnh đó, nên chỉ nghe chủ rạo rạo mấy câu, đã ngoe nguẩy đuôi ra chiều thân thiện.

 

Khi tôi len lỏi một mình ra đến bìa thôn ven con suối nhỏ, bỗng ngạc nhiên vô cùng khi thấy có một đôi trai gái châu Âu, mỗi người lăm lăm một máy, cũng đang say sưa chụp ảnh. Thấy họ, tôi chủ động chào thân thiện Good morning. Giật thót mình vì câu chào đáp lại của anh chàng Tây lại là tiếng Việt khá rành rõ:” Xin chào nghệ sĩ nhiếp ảnh! ”. Hỏi ra mới biết anh chàng có tên Giôn Rivơ người Ôxtrâylia, đang học khoa Ngữ văn Tiếng Việt năm thứ tư ở Hà Nội, còn cô bạn gái Sara người Anh mới nhập trường năm thứ nhất. Họ rủ nhau lên đây vì nghe nói vào dịp này Bắc Hà đang mùa hoa mận. Cà kê câu chuyện một lúc, Giôn bỗng nghiêm trang nét mặt nói với tôi rằng, theo quan niệm của người phương Đông, thì hoa mận, hoa mai là thứ cây tượng trưng cho người quân tử. Một cây đã quý, mà đây lại có cả một rừng thì quý biết chừng nào. Bởi vậy hoa mận Bắc Hà và chợ phiên Bắc Hà đã được người nước ngoài truyền tai nhau lên đây du lịch tận hưởng. Tôi đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi nghe anh bạn trẻ người Tây gật gù triết lý theo kiểu mấy ông già hiền triết phương Đông, về ý nghĩa tinh thần ẩn chứa của loài hoa mận trắng.

 

Mà có lẽ là có thế thật! Dường như mỗi miền đất, mỗi dân tộc đều muốn tôn vinh một loài hoa riêng biệt, như cách người ta muốn ký thác vào đó cả tình cảm và tâm linh, như một biểu tượng tinh thần của mình. Nếu như hoa Tuylip là biểu tượng tâm hồn của người dân Hà Lan xứ Bắc Âu, thì hoa hồng lại là hình ảnh của đất nước Đông Âu Bungari, và hoa anh đào mãi mãi lấp lánh ngôi vị quốc hoa của đất nước Phù Tang Nhật Bản. Rồi ngay cả vùng Tây Bắc Việt Nam ta, nơi tôi đang đứng với anh chàng Giôn trẻ tuổi này, thì cũng mỗi nơi một loại hoa tiêu biểu. Tháng Giêng ngày tết hoa đào rực hồng Sapa. Bắc Hà thì hoa mận rắc bạc tháng Hai, đến tháng Ba lại đến lượt hoa ban trắng rừng Điện Biên Phong Thổ. Những ai đã sinh ra và lớn lên, hoặc đã nặng lòng yêu dấu nơi đây, dù nay đã chân trời góc bể chắc cũng chẳng thể nào nguôi ngoai cho được. Hương sắc cỏ hoa đấy mà cũng lại là hương hồn tâm linh người ta đấy!

Thế mà có một dạo nghe tin, đồng bào Bắc Hà đã chặt mận để trồng ngô, bởi mùa thu hoạch tháng Năm, mận Bắc Hà ngon là thế mà quả rụng thối gốc. Căn nguyên là bởi một xe mận chuyển vào Nam hoặc lên cửa khẩu sang Trung Quốc, tới nơi thì bị thối gần hết. Số còn lại có bán giá gấp năm gấp bẩy giá mua cũng không đủ bù chi phí. Dân buôn chuyến chợ Cầu Ông Lãnh Sài Gòn đã bỏ thì còn ai dám làm. Thương nghiệp một khi không vào cuộc thì sản xuất kể như đã đứng bên bờ vực phá sản. Phi thương bất hoạt là thế.

Có một nhà khoa học đã nghĩ ra cách đem nhúng mận mới thu hoạch vào nước Ôzôn rồi vớt ra cho vào sọt, vận chuyển đường trường, hai tuần sau quả mận vẫn tươi roi rói, kiểm tra phẩm chất không thấy độc hại gì. Cái công trình phục vụ dân sinh tâm đức đó đã cứu cả vùng mận Bắc Hà, chẳng phải chỉ là hàng trăm hàng nghìn tấn quả quý biến thành áo hoa, cơm trắng, nhà ngói, xe máy của mọi nhà, mà còn là cả những rừng hoa mận trắng lóng lánh ánh bạc trong nắng sớm thủy tinh làm say đắm lòng người.

 

 

 

 

 


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 59799003

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July