Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 28/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Mầm cỏ ( Truyện ngắn của Hồ Ngọc Quang) Mầm cỏ ( Truyện ngắn của Hồ Ngọc Quang) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Mầm cỏ ( Truyện ngắn của Hồ Ngọc Quang)

      Xe chúng tôi đang chạy tốc độ khá cao bỗng nghe tiếng “khực” như có một lực đẩy từ sau, phía bên phải, rất mạnh. Xe mất lái, chòng chành lao thẳng vào dải phân cách, văng ra, va chạm mạnh với chiếc xe container đi cùng chiều đến bốn năm lần, rồi tông vào cột điện bên đường, nhảy tâng lên, ba-đờ-sốc mấu lấy thành của xe container kéo đi một đoạn và rơi xuống ngửa bụng lên trời. Tôi như trôi trong cảm giác mơ màng, lúc đó nghĩ mình lượn đi lượn lại mấy vòng trước cửa âm phủ mà không thấy tiếng gọi nào đành mở mắt ra, thấy chú Ngọc hai chân dựng lên trần buồng lái, nhìn ra sau không còn ai nữa. Mấy tấm kính vỡ tung. Tôi hốt hoảng nghĩ: “Rứa là chú Hùng, chú Tuân ngồi sau có lẽ đã bay ra khỏi xe, xong rồi!” Với tay sang mở dây an toàn cho chú Ngọc, thấy chú vẫn lộn ngược chân để lên vô lăng bất động, chắc là không còn hi vọng gì… Rứa là chỉ còn mình sống sót. Phía ngoài nghe tiếng lao xao, tiếng hét thất thanh. Tôi cố gượng dậy mà không thể, cảm giác có dòng nước âm ấm chảy tràn qua đầu và tai. Rồi tôi như chìm vào màn sương dày đặc, không còn biết gì…

 

    Không biết tôi đã mê man bao lâu cho đến khi mơ màng tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong căn phòng trắng toát, dây nhựa cắm lọ dịch truyền lủng lẳng, một người phụ nữ áo trắng đang cúi xuống chỉnh sửa cái gì đó trên dây nhựa cuối giường.

Toàn thân tôi đau ê ẩm, đầu óc mung lung, hai mắt chỉ muốn nhắm lại. Phải một lúc khá lâu tôi mới dần dần nhận ra mình đang nằm trong phòng sang trọng và nhìn rõ người thiếu phụ. Đó là một phụ nữ còn trẻ, có khuôn mặt trắng hồng, phúc hậu, đôi mắt tròn đen láy. Là ai nhỉ? Quen lắm. Khi thấy tôi đã có vẻ tỉnh táo, cô thở phào nhẹ nhõm, lặng lẽ đi ra, khép cửa lại. Lúc sau, một cô gái trẻ khác đưa vào một cốc sữa nóng, bảo tôi: “Bác tỉnh rồi à? Bác sĩ bảo bác uống cốc sữa nóng”. Tôi ngồi dậy, qua kính cửa sổ thấy trên đầu mình quấn băng trắng toát và da mặt tái xanh. Mặc dù rất đau và buồn nôn nhưng tôi vẫn cố gắng uống hết cốc sữa cô y tá đưa cho.

Lát sau, khi đã tỉnh hơn tôi lo lắng hỏi:

  – Tôi ở đâu đây, những người đi cùng tôi đâu rồi? Họ có sao không ạ?

Cô gái cười vui vẻ nói, bác đang ở bệnh viện, ba người họ không ai bị sao cả. Bác sĩ Loan không cho vào, họ đang nghỉ ở khách sạn.

Mừng quên cả mệt, tôi hỏi tiếp:

 – Bác sĩ Loan là ai, có phải là cô lúc nãy ngồi trực đây không?

Cô gái nhìn tôi ngạc nhiên:

 – Ồ, bác không nhận ra cô ấy à? Tiến sỹ, bác sỹ Đặng Kiều Loan, Phó giám đốc bệnh viện này, cô nói với bọn cháu, cô là người nhà của bác mà.

Tôi ngạc nhiên và mừng nữa. Chả trách khi vừa mới tỉnh dậy tôi ngờ ngợ, bây giờ cái tên Đặng Kiều Loan và đôi mắt ấy gợi một điều gì đó ẩn sâu trong ký ức, nhất định là tôi đã gặp ở đâu rồi. Đặng Kiều Loan? A! Đúng rồi, là cô sinh viên sư phạm có đôi mắt tròn, đẹp, vừa mới nhập học chưa đầy hai tháng đã bị đuổi! Đây cũng là nỗi niềm ân hận, day dứt của tôi gần 30 năm qua…

Tranh minh họa: Bá Siếu

 Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I, tôi được phân công về làm cán bộ tổ chức của trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, kiêm giảng viên của khoa Mác – Lê nin. Bỗng nhiên có chuyện cắc cớ xảy ra.

Hôm đó, tôi đang giảng bài chính trị đầu năm cho cả khóa sinh viên mới thì giờ giải lao một sinh viên lớp toán lên phản ánh ký túc xá có vụ trộm. Theo người báo mất thì kẻ gian lấy chiếc bút kim tinh, quà bố tặng khi vào trường. Hồi ấy, sinh viên có được cái bút máy đã sang, đây lại là bút kim tinh thì quý hiếm lắm. Hơn nữa, đấy là vật kỷ niệm. Đầu năm đã xảy ra chuyện không hay lại càng buồn nên tôi giao cho lớp trưởng lớp toán, tối hôm ấy họp ngay để kiểm điểm, làm cho ra nhẽ. Sinh viên trường Sư phạm không thể để xảy ra tình trạng mất đạo đức ấy được. Vả lại, một mất mười ngờ, nếu không tìm ra thủ phạm thì cả phòng nữ sinh còn nghi kỵ lẫn nhau, mất đoàn kết mãi.

Lớp họp đến hai đêm vẫn không tìm được người lấy cái bút, nhưng họ có nghi ngờ cô Đặng Kiều Loan, một nữ sinh khá xinh đẹp nhưng hình như gia cảnh khó khăn. Chứng cứ là hôm đó cả lớp lên hội trường nghe giảng có người thấy Loan lén về phòng hai lần để uống nước.

Cuối cùng, cả phòng quyết định kiểm tra đồ dùng có sự chứng kiến của ban cán sự lớp. Khi kiểm tra đến hòm gỗ của Loan chỉ thấy mấy bộ quần áo cũ, lọ mực Cửu Long dùng dở, mấy quyển vở đã viết còn những trang cuối, đúng là hoàn cảnh thật. Trong hòm còn có một chiếc bút Hồng Hà vỏ cũ kỹ, sứt mẻ nhưng ruột lại còn mới. Nhiều bạn nghi ngờ là ruột “kim tinh” của chiếc bút đã mất. Mọi người đều xì xào, và dựa vào đó để buộc tội, nhưng cô nhất quyết không nhận.

Không còn cách nào khác, lớp trưởng lớp toán lên báo với tôi rằng:

  – Thưa thầy, chuyện mất bút không cần phải truy xét nữa ạ, chính người bị mất đã nhớ ra là đánh rơi nó khi đi lên hội trường. Và cả lớp đề nghị thầy cho qua chuyện này.

Nghĩ rằng chẳng qua là các em thấy để lâu mang tiếng xấu cả lớp nên đề nghị vậy, tôi cương quyết giao cho lớp trưởng phải tiếp tục làm cho ra trắng đen. Sinh viên mới phải nghiêm túc ngay từ đầu, chưa làm ra thì tiếp tục họp, khi nào tìm ra thủ phạm thì thôi. Sau này, tôi cứ nghĩ mãi, lúc đó mình quá trẻ, háo danh, ham thành tích chăng mà chỉ đạo cứng nhắc như thế?

Một buổi tối, tôi vừa đi ăn cơm ở nhà ăn về, thấy một cô gái ngồi chờ ở cửa. Gặp tôi, cô vội đứng dậy chào thầy, và tự giới thiệu “Em là Đặng Kiều Loan, ở lớp K6 toán ạ”. Hai thầy trò vào phòng. Loan giành lấy ấm trà trong tay tôi, rót ra chén. Lúc ấy, tôi mới có dịp ngắm kỹ cô sinh viên này, là nghi phạm trong vụ mất bút kim tinh. Đúng là một cô gái nông thôn lam lũ, vất vả nhưng có đôi mắt tròn, đẹp, trong sáng, ngây thơ. Em nhìn tôi, rơm rớm nước mắt như muốn nói điều gì đó. Tôi vội chớp thời cơ, hy vọng cô ấy khai để tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với ban giám hiệu nhà trường. Tôi nói thành thật, vẻ thông cảm:

  – Loan ạ, ở đời ai cũng có phút bồng bột, nông cạn, nhất là tuổi mới lớn như em. Sai lầm trong giây lát có thể xảy ra do không kìm chế được. Thầy nói thật, nếu em lỡ dại lấy bút của bạn thì em cứ nhận đi, mọi người sẽ tha thứ cho em thôi, đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại đâu em ạ.

Loan gục mặt xuống bàn khóc nức nở, nói ngắt quãng:

  – Thầy ơi! Mẹ em đưa em vào học còn đang ở nhà trọ chờ em ổn định mới về. Em là niềm tự hào của bố mẹ, của dòng họ, và cũng là học sinh giỏi toàn diện suốt ba năm học cấp 3. Bây giờ nghe tin này chắc bố mẹ em không sống nổi, em xin thầy, em lỡ dại…

Thời cơ lập thành tích đã đến, tôi vội với tay lấy tờ giấy trắng và rút chiếc bút ở túi ngực ra, bảo em viết bản kiểm điểm rồi yên tâm về học đi. Loan ngoan ngoãn làm theo, lau nước mắt đứng dậy, rồi chào ra về. Tôi kịp nhận thấy đôi mắt buồn, đẹp ấy lóe lên ánh sáng biết ơn và hy vọng. Khi Loan về rồi, lòng tôi cảm thấy bâng khuâng, một cảm giác rất lạ, sao cô gái đẹp như thế, hiền lành như thế lại đi lấy chiếc bút của bạn được nhỉ, hành động đó có được xem là ăn cắp, là vi phạm đạo đức chưa?

Buổi chiều hôm sau và các chiều sau đó, xong buổi lên lớp là tôi nhắn Loan lên hỏi cho rõ hoàn cảnh. Những ngày đầu em đi với một bạn nữ cùng quê lên nói chuyện vui vẻ vô tư, chủ yếu nói về tiết học tôi vừa lên lớp và cảm nghĩ của một sinh viên mới vào trường. Khi nói chuyện, em thường nhìn thẳng vào mắt tôi rất lưu luyến, rồi hai em chủ động làm các việc vặt cho tôi như quét nhà, rửa ấm chén, sửa lại giá sách cho ngay ngắn.

Những lần sau đó em đi một mình, nói chuyện với tôi lâu hơn. Qua câu chuyện, tôi biết quê em ở Đô Lương, gia đình làm nông nghiệp, nhà có sáu chị em, năm gái một trai, em là con đầu. Em có một tuổi thơ rất vất vả, là chị cả nên phải quán xuyến mọi việc trong nhà, chăn trâu, cắt cỏ, băm bèo, nấu ăn, làm ruộng. Nhà đông miệng ăn nên năm nào cũng thiếu đói, đến trường không có tấm áo lành lặn, sách vở bút mực chủ yếu dùng thừa của bạn. Em học giỏi từ năm cấp 2 nên thầy cô bạn bè ai cũng quý mến và giúp đỡ. Vào trường, em rất ngưỡng mộ tôi vì các bài giảng trên lớp của tôi. Nhìn tôi, em càng yêu quý nghề sư phạm hơn, đặc biệt những đêm tôi nói chuyện với em về đề tài văn học cổ điển và hiện đại, thế giới và trong nước. Mỗi tối, tôi kể cho em một tác phẩm văn học như “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo, “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn Margaret Mitchell, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nữ nhà văn Úc Colleen McCullough. Những lúc như thế em nhìn tôi không chớp mắt, nghe như nuốt từng lời, làm tôi càng hào hứng hơn, tiếp tục kể cho em tác phẩm văn học Việt Nam như: Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách, Đôi bạn, Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Em nói với tôi:

  – Nghe các chuyện này, em càng nể phục kiến thức văn học của thầy. Thầy đã đưa em đến một thế giới mới đầy hấp dẫn và mới lạ. Thầy ạ, trước đây em là học sinh giỏi cả văn và toán, khi lên lớp 12, em ước mong đi học ngành y để trở thành bác sỹ, nhưng bố mẹ cứ bắt em vào Cao đẳng sư phạm cho đỡ tốn kém, nhanh ra trường. Trước đây, em cũng chăm đọc sách lắm nhưng không có, cứ phải đi mượn thư viện, mà trường em nghèo sách lắm.

Tôi với em bắt đầu đàm luận về văn chương thế sự. Em hiểu rất nhanh và có những đánh giá sắc sảo trong văn học, trong cuộc sống. Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật của chúng tôi cứ thế trôi đi trong niềm hứng thú với văn chương thế sự.

Mới gần hai tháng mà chúng tôi rất mến nhau, trai chưa vợ, gái chưa chồng cảm nhau cũng là lẽ thường tình. Đồng nghiệp ở khu tập thể thấy thế cũng đùa vui: “Trai tài, gái sắc đúng là trời xui”. Có lần cùng em ra sân bóng của trường hóng mát, tôi nắm tay em và nghe em thủ thỉ:

  – Thầy có nghĩ em là người xấu không? Em thật không hiểu nổi mình nữa thầy ạ, ở nhà đứa em trai duy nhất của em chỉ ao ước có chiếc bút đẹp để bằng bạn bằng bè, gia đình nghèo, nó tự ti đòi bỏ học mấy lần. Bạn Huyền thì có ba cái bút đẹp, hàng ngày đi học chỉ đưa đi dùng một cái còn hai cái để nhà, nếu em xin chắc bạn ấy sẽ cho, nhưng ngại quá đành làm liều. Định Chủ nhật đó đưa về cho đứa em để nó vui mà học, nhưng đúng là sai một li đi một dặm thầy ạ.

Tôi nắm chặt tay em động viên: Thôi đừng nghĩ đến chuyện đó nữa, mọi người sẽ hiểu em, mình cứ sống cho tốt là được.

Thật là cuộc đời chẳng dễ dàng như mình nghĩ. Cuộc họp hội đồng kỷ luật diễn ra sau đó hai tháng. Tôi đọc bản kiểm điểm của Loan, và nêu ý kiến của mình. Tôi nói:

  – Loan là một sinh viên rất nghèo, học giỏi, chăm chỉ, nhưng chỉ trong giây phút bồng bột, thiếu suy nghĩ em đã lấy bút của bạn định về cho em trai đói khổ của mình. Khi được tập thể giúp đỡ, em đã ăn năn hối lỗi. Đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường chiếu cố hình thức kỷ luật là phê bình trước lớp để em rút kinh nghiệm.

Thầy chủ nhiệm lớp 6A và cậu Bí thư Đoàn trường cũng phát biểu ý như vậy và đánh giá việc học tập, ý thức của Loan rất cao, nhưng thầy Hiệu trưởng kết luận:

  – Tôi vừa đi công tác nước ngoài hơn hai tháng về, nghe nhiều dư luận không hay về cô sinh viên này. Họ nói rằng, cô này đã ăn cắp còn ngoan cố, khi không có đường chối cãi nữa thì dùng “mỹ nhân” kế mồi chài cán bộ tổ chức! Cụ thể ở đây thầy Quân, cán bộ dạy Chính trị và cán bộ phòng Tổ chức. Đấy, vừa rồi thầy đọc bản tự kiểm điểm của sinh viên này và đề xuất hình thức kỷ luật, các vị nghe có phải giơ cao đánh khẽ không? Thầy làm vậy, càng chứng tỏ mình không có lập trường quan điểm và bênh vực cho sinh viên hư hỏng. Ta cũng nên xem lại tư cách của cán bộ tổ chức.

Nghỉ một chút uống chén nước, thầy tiếp tục:

  – Đã là sinh viên sư phạm mà ăn cắp thì dù là cái kim sợi chỉ hay củ khoai của bà con trồng ngoài ruộng cũng đuổi học. Trường ta đã làm thế với hàng chục em ăn cắp rồi, không có ngoại lệ. Do vậy, tôi kết luận đuổi học và thông báo về địa phương.

Tôi như rơi xuống hố đen bởi những lời ấy không những quá ác đối với em mà còn xúc phạm qúa đáng đến tôi.

Tôi định đứng lên phản đối muốn ra sao thì ra nhưng lại kìm chế được. Thân phận mình cũng không hơn gì Loan. Mới về, chưa hết tập sự. Nếu ông ấy tự ái, lấy quyền hành xử tối cao của mình mà đuổi việc thì cũng gay. Tôi đành ngồi im, mặt tím tái tiếp tục chịu đòn quy chụp của ông…

Trước mắt tôi chập chờn hình ảnh Loan khăn gói về quê trong tức tưởi, buồn đau, trong sự quyến luyến, tiếc nuối của các bạn cùng lớp.

Tối hôm ấy tôi không sao ngủ được, cứ thấy mình hồi chiều sao mà hèn nhát, không dám ra gặp, động viên Loan một câu cuối cùng trước khi chia tay. Biện luận gì thì cũng phải thừa nhận một sự thật mình hèn – sợ liên lụy, sợ Hiệu trưởng đánh giá làm ảnh hưởng con đường công danh phấn đấu.

Sau này, vì sai lầm đó, tôi ôm nỗi ân hận mình đã làm hại tương lai tươi sáng của một sinh viên. Vì tôi mà em đã mất tất cả, mang tiếng xấu ăn cắp, lại có ý gần gũi với thầy giáo để chạy tội. Oan cho em quá! Chưa hết, sau vài ngày tôi còn nghe một sinh viên khoa toán cùng quê nói chuyện rằng, ở kí túc xá sinh viên đồn ầm lên là thầy Quân mới về muốn lập công với Hiệu trưởng nên lừa con Loan khai ra sẽ tha, Loan khai rồi thì đuổi thẳng. Ai lạ gì thầy ấy muốn lập thành tích mà lừa cả sinh viên mới. Tội cho nó quá!… Tôi chết điếng người, không nói được câu nào. Từ đó, tôi hạn chế đến kí túc xá sinh viên.

Vậy là đằng nào người ta cũng nói oan cho tôi được. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Tôi càng day dứt, cắn rứt lương tâm, mấy tháng liền ăn không ngon, tâm trạng như người mất hồn, lòng bất ổn, nhất là mỗi lần nhìn thấy những kỷ niệm tôi và Loan ở trường, ở ký túc xá và ở căn phòng nhỏ bé của mình.

Bẵng đi khá lâu, bỗng thầy Hiệu trưởng gọi tôi lên bảo:

  – Tôi vừa đọc báo thấy nói đến cô Loan mà ta đuổi học năm ngoái, năm nay đã thi đậu vào Đại học Y Huế. Trong bài báo đó nêu gương cô Loan là một tấm gương sáng vượt khó học giỏi. Tôi định làm công văn nói rõ cô này vừa bị kỷ luật ở đây năm ngoái. Ý thầy thế nào?

Tôi hỏi lại thầy:

  – Bây giờ cô ấy không thuộc trường ta, chuyện cũ đã qua rồi, mà ta còn có lý do gì để kiện?

Thầy Hiệu trưởng lại nói tiếp:

  – Nhưng theo quy chế của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thì sinh viên bị kỷ luật đuổi học, phải hai năm sau mới được thi lại, cậu kiểm tra lại thông tin này nhá!

Tôi phản đối:

  – Thầy là người từng trải, hiểu biết và trách nhiệm lớn. Đáng lẽ thầy phải mừng cho mọi sự tiến bộ, phải có tấm lòng nhân hậu vị tha chứ ạ. Cho dù có quy định thế, thì thầy cũng nên im lặng để cứu vớt một con người mà trường ta đã… (tôi định nói, “xô người ta xuống sông”, may mà kìm lại được). Thấy nhà nghèo học giỏi thì nên nâng đỡ chứ ạ!

Lần này thầy im lặng và tôi đã thắng. Nếu có địa chỉ em chính xác thì tôi đã viết thư báo công và báo tin vui cho lòng đỡ day dứt.

  Vậy là Loan đã đi qua đời tôi một thời gian ngắn ngủi với bao kỷ niệm vừa hạnh phúc vừa đau buồn. Bây giờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh này. Không biết nên buồn hay nên vui? Tôi kéo chăn xuống ngực, thấy cô y tá vẫn ngồi đó, vẻ ngái ngủ. Bỗng cô hỏi:

  – Bác thấy đỡ mệt chưa?

  – Cám ơn, tôi thấy đỡ nhiều lắm. Tôi cám ơn bác sĩ Loan và cô đã chăm sóc tôi.

  – Không phải chỉ hai người bác nói đâu. Hôm xảy ra tai nạn cả bệnh viện lo quá, nhất là khi được biết các vị đây đi thắp hương cho liệt sỹ và biết bác là người nhà Viện phó.

Tôi tò mò hỏi:

  – Vụ tai nạn ra sao hả cô?

 – Chúng cháu cũng nghe bà con ở hiện trường thuật lại thôi. Cách đây ba ngày, khoảng lúc hai giờ chiều bệnh viện nhận được tin có vụ tai nạn khủng khiếp ở gần cầu Thạch Hãn. Xe cấp cứu ra đến nơi, thấy xe con bẹp dúm chổng bốn bánh lên trời, kính vỡ tung tóe, bên cạnh chiếc container đang treo lủng lẳng cái ba-đờ-sốc của xe con. Trong xe bốn người, chỉ bác là nhiều tuổi nhất, lại bị thương nặng nữa, máu me đầy mặt đang ngất xỉu. Các bạn của bác thì tưởng nặng lại hồi phục nhanh hơn. Khi cháu đưa hồ sơ bệnh án lên làm thủ tục, Phó Giám đốc Bệnh viện thấy tên bác là Hoàng Quân 50 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An thì cô sững sờ rồi vội vàng cầm hồ sơ chạy xuống gặp các bạn của bác. Lần đầu tiên cháu thấy cô ấy mất bình tĩnh như thế. Và cô ấy quyết định mổ ngay. Bác may mắn được cô Loan trực tiếp mổ đấy! Cô ấy giỏi lắm! Ca phẫu thuật kéo dài bốn tiếng đồng hồ bác ạ, nghe nói bị đông máu trong não gì đó, mười phần chỉ hi vọng một. Sau bốn giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công, ai cũng mừng, nhất là bác sĩ Loan. Mặc dầu rất mệt nhưng cô vẫn bảo bọn cháu, ca này để mình trực tiếp theo dõi sau mổ. Mọi người ái ngại, nhưng nghĩ đấy là người nhà nên thôi. Từ đó, cô Loan không rời bác nửa bước, thức từ sáu giờ tối hôm ấy đến sáng nay bác tỉnh, cũng gần bốn mươi giờ rồi đấy! Mấy ngày liền cô ấy chỉ ăn mỳ tôm ngồi bên cạnh giường của bác. Cháu thấy lạ, trước nay bệnh nhân nào cô cũng ân cần chăm sóc, nhưng lo lắng, làm những việc của y tá như tiêm, truyền, ngồi theo dõi suốt gần ba ngày, thì bọn cháu chưa thấy. Bọn cháu nghĩ, chắc bác là người quan trọng nhất của cô Loan cũng nên. Có đúng không bác?

Tôi chỉ mỉm cười một cách khó khăn. Trong lòng như bị ai xát muối, không nghĩ được gì nữa. Tôi đánh trống lảng hỏi cho có chuyện:

  – Bác sĩ Loan, gia đình riêng thế nào hở cháu?

Cô gái vui vẻ, cởi mở khoe ngay:

 – Gia đình cô Loan hạnh phúc lắm bác ạ, chồng là Phó Bí thư Thành ủy thành phố này. Nhà có hai cháu, cháu gái đầu đang học trường Đại học Y Huế đấy, cháu trai thứ hai học cấp 3, vừa rồi được giải Nhất cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đó, bác xem ti vi thì sẽ thấy. Cháu đẹp trai lắm. Còn cô Loan thì toàn diện, tính cô lại điềm đạm, nhã nhặn, hay giúp đỡ mọi người. Nói chung ai cũng quý mến…

Nói chuyện lâu, tôi lim dim mắt. Cô y tá hiểu ý, đỡ tôi nằm nghỉ. Thiếp đi một lúc, tôi tỉnh dậy nằm chờ Loan, muốn gặp em để hỏi chuyện, ít nhất là bày tỏ tấm lòng của mình sau những tháng năm dài day dứt. Trong lòng tôi cảm giác lạ trào dâng, hồi hộp như gần 30 năm trước. Thời đó cũng mong chờ em lên để được nhìn em và đàm đạo văn chương cho đỡ nhớ.

Chờ mãi vẫn không thấy em đến, tôi lại suy nghĩ lung tung: Hay em vẫn đang giận tôi, coi thường tôi? Hồi đó em có biết nội dung cuộc họp hội đồng kỷ luật mà tôi bị phản đòn hóa ra nhu nhược không nhỉ? Có lẽ Loan biết và cho tôi là hèn, vậy mới gần hết ngày mà không đến thăm tôi chứ?!

Rồi tôi không hy vọng gì nữa, tự biện luận em cứu tôi theo đạo lý của người thầy thuốc gặp người bị nạn thôi. Mà cũng có thể em cố tình làm cho tôi ân hận, day dứt, khổ sở cả đời. Một lát sau, tôi lại nghĩ: Nếu em đến tôi sẽ xử sự sao đây cho phải? Tôi tự an ủi “Đừng vớ vẩn, ai người ta quan tâm mà lo xa vậy”,  rồi thiếp đi trong tiếng rù rì của xe cộ phía xa.

Bỗng ngoài cửa có tiếng chân khẽ khàng, tôi ngóc đầu nhìn ra thấy mấy người mặc áo blouse trắng và một người mặc áo dài ôm một bó hoa đi vào phòng. Cô y tá vui vẻ giới thiệu:

  – Thưa bác Hoàng Quân, để chúc mừng ca phẫu thuật thành công và mừng sức khỏe của bệnh nhân là bác, bắt đầu hồi phục, hôm nay lãnh đạo khoa ngoại đã tặng hoa chúc mừng thành công của bác sỹ chính cùng ca mổ, là Tiến sỹ, bác sỹ Đặng Kiều Loan.

Tôi cảm động quá, chưa biết nói gì thì người mặc áo dài là Loan vui vẻ nói:

  – Em chào thầy, em xin tặng thầy bó hoa này để tỏ lòng cảm ơn và kính phục thầy ạ.

Đúng Loan rồi, giọng nói ấy, đôi mắt ấy bao nhiêu năm rồi vẫn không thay đổi. Tôi run run ngồi dậy ôm bó hoa và chỉ biết nói lời cám ơn. Cám ơn! Các anh chị lãnh đạo khoa chúc mừng và động viên mấy câu, rồi họ xin phép về làm việc.

Còn lại Loan, em kéo ghế ngồi sát cạnh và sửa lại dải băng trên trán tôi, nói:

  – Thầy có khỏe không, có nhớ em không? Còn em, bao nhiêu năm nay em vẫn dõi theo đường công danh sự nghiệp của thầy. Em mừng lắm vì thầy đã thực hiện được ước mơ mình theo đuổi là trở thành nhà báo, nhà văn. Và em thường xuyên tìm đọc tác phẩm của thầy đấy!

Tự nhiên tôi bột phát nói nhanh một câu ngớ ngẩn:

  – Loan, em có giận anh không? Lần ấy anh đã không bảo vệ được em! Bao nhiêu năm nay em sống thế nào?

Loan nhìn xa xăm, hai tay cầm chặt lấy tay tôi rồi chậm rãi nói:

 – Khi nhận được quyết định kỷ luật em buồn lắm, nhưng vẫn không buồn bằng chờ anh xuống động viên chia tay mà không thấy. Bạn bè đưa em ra cổng trường rồi mà em còn ngoái lại chờ anh, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Đến khi xe sắp chuyển bánh, em vẫn xuống một lần nữa, nhìn khắp bến xe tìm bóng dáng anh, nhưng cũng thất vọng. Em biết anh có cái khó của anh, nhưng vẫn hy vọng vẩn vơ vậy, vì lúc đó, em chỉ có anh là nguồn động viên duy nhất.

Anh biết không, về nhà rồi em không nghĩ cái giá phải trả đau đến thế, làng trên xóm dưới đồn ầm lên “con Loan ăn cắp bị đuổi học”. Bố mẹ em ra đường không dám ngửa mặt nhìn ai, bạn bè em không đứa nào đến chơi, may chỉ có mấy đứa bạn mới trong trường ta hay về động viên. Lúc đó, em chỉ có một con đường đóng cửa ôn thi đại học, em thi vào Đại học Y Huế và đậu thủ khoa của trường là vì muốn rửa nhục. Đậu rồi, lại khó khăn khác: Nghèo như nhà em sao đủ điều kiện cho em học sáu năm để trở thành bác sỹ? Thương con, bố mẹ vẫn quyết tâm bán đi lứa lợn cho em lệ phí đi đường, nhập học và tiền ăn ba tháng.

Thế rồi, may cho em là có danh hiệu thủ khoa trường y nên nhiều gia đình đến nhờ làm gia sư cho con của họ. Vậy là trang trải được tiền ăn học. Trong lớp Y 20 hồi ấy có mấy bạn không học tiếng Anh hồi cấp ba, chúng nhờ em kèm giúp nên các bạn hỗ trợ cho người vài trăm mỗi tháng. Suốt cả sáu năm học, em không xin tiền bố mẹ và về nhà mỗi hai lần thôi. Lần đầu về đưa bố đi mổ dạ dày. Lần thứ hai, về đưa cậu em vào đây học nghề.

Thấy tôi chăm chú nghe, Loan cười nói thêm:

  – Kể anh nghe chuyện khổ thế để anh thấy trời cũng có mắt. Bây giờ cũng toại nguyện rồi anh ạ, ra trường, em được phân về bệnh viện thành phố này. Tổ chức phân công làm Bí thư Đoàn Thanh niên bệnh viện. Lên thành phố họp mà gặp luôn nhà em hồi đó làm Thường vụ Thành đoàn Huế rồi nên vợ nên chồng. Thấm thoắt, chúng em được hai cháu và các cháu đều chăm ngoan, học giỏi.

Tôi nhìn em nói lời chúc mừng, thấy mắt em ngời ngời hạnh phúc. Tôi định nói nhiều nhưng chẳng biết diễn đạt làm sao cho cạn lòng. Vả lại thấy em vui, bóp mạnh vào tay tôi nói:

  – Anh này, những tác phẩm văn chương anh kể cho em nghe trước đây, nó đã là động lực cho em phấn đấu trong những lúc khó khăn ghê lắm đấy, “Những người khốn khổ” hay “Cuốn theo chiều gió”, em vẫn nhớ như in từng nhân vật anh kể. Đúng là văn học có tác động mãnh mẽ đến cuộc sống con người ghê gớm thật anh ạ.

Em nói và đứng dậy, hai tay nắm chặt tay tôi một một lần nữa. Tôi run run ôm lấy em, vuốt tóc em như cô học trò nhỏ năm xưa, nói nhỏ: “Hãy thường xuyên đến với anh nhé”. Em trìu mến nhìn vào đôi mắt tôi nói một giọng rất Huế “Dạ”.

Hồ Ngọc Quang

(Truyện đăng trên Tạp chí Sông Lam số 14, 6/2021)

https://vannghenghean.vn/mam-co/?fbclid=IwAR27wa0PsN_PkcHc-_MO8cYE8NWA7BGSsO9gIbYBfkP61tokovUxTKlKNy8


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 6
Total: 59748035

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July