Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Giáo sư Tạ Văn Thông: CHUYỆN QUÊ SẮN Giáo sư Tạ Văn Thông: CHUYỆN QUÊ SẮN , Người xứ Nghệ Kiev
 

                Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngôn ngữ Tạ Văn Thông

                                         Năm sinh 1955

                                        Quê quán: Yên Thạch - Lập Thạch - Vĩnh Phúc

                               Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Sắn dù, sắn huế, sắn chuối, sắn nếp. Sắn luộc, sắn nướng, sắn hấp, sắn độn. Bánh sắn, cháo sắn, sống mà ăn sắn… Món lá sắn non ủ chua nấu với dúm tép tôm, đòng đong cân cấn mài mại, chỉ tội tốn cơm. Lá sắn non luộc kĩ chấm tương. Sắn băm thành lát mỏng hoặc “duôi” ra thành sợi, phơi khô. Bảo quản kĩ trong bồ lót lá chuối khô. Khi cần, cho vào giã, giần lấy bột làm bánh, nấu cháo, nấu canh. Hoặc ủ nấu rượu. Chỗ ở trên giần, gọi là “cúc” thì độn cơm, cho lợn cho gà… Thôi thì đủ các món đa dạng.

Trước đây ở vùng Lập Thạch, Sông Lô (Vĩnh Phúc) – nơi còn được tôn vinh là “thủ đô của sắn”, người ta thường lấy bột sắn ngào nước nắm lại để một lỗ to ở giữa thông ra hai đầu (cho mau chín) rồi đem hấp lên, gọi theo cách thông thiên đó là bánh “tông hốc”. Hoặc ở đấy người ta còn đồ bột sắn lên thật dẻo rồi cho vào cối giã cho lẳn lại thành một khối thuôn tròn để cắt ra nướng hoặc rán, trông đen đủi xù xì ngài ngại hệt như cái đầu chày, lại gọi bằng cái tên rất nên thơ, là bánh “lẳn củ chày”… Nướng hoặc rán lên (không có mỡ rán thì lót lá chuối tươi dưới chảo), cái lát “củ chày” này phồng rộp, hồng hào rất đáng yêu, rất dễ gây bỏng tay hoặc bỏng miệng. Nên để nguội rồi hẵng cầm ăn cho nó an toàn!

Nhân nói chuyện an toàn, lại nhớ thời ấy có nhiều người say sắn (do ăn sắn “dù”). Mỗi khi nghe tiếng tò te do say sắn, dân làng rất đau thương, nhưng lại nhìn nhau lấm lét bụng nghĩ may quá mình chưa sao. Chuyện trâu bò say sắn là chuyện thường xuyên. Là trâu bò của tập thể hợp tác xã, nên chuyện chúng tử vong có nhẽ lại mang đến nguồn cảm hứng ẩm thực chia chác vui vẻ râm ran khắp làng. Tinh thần bao cấp nó thế!

Ở đó có một núi cao, gọi là núi Đỉnh. Sườn núi toàn sỏi. Dân làng hay phơi sắn trên núi. Kĩ thuật băm sắn của nhiều người trong làng đạt tới trình độ hoàn hảo. Đái khái là họ chẳng cần nhìn, cứ băm thoăn thoắt nhìn hoa cả mắt, mà các lát sắn cứ đều tăm tắp. Tối tối trong làng vang vang tiếng lốc cốc lách cách, đến hay. Hệt một giàn giao hưởng mang khí phách đồng quê. Sắn băm từ tối hôm trước, sáng hôm sau gánh gồng lên núi từ lúc sương còn giăng kín. Khi sương tan, nhìn lên, ngang sườn cả một quả núi trắng toát. Hôm nào mưa bất chợt, cả làng ào ào lên núi, gọi là “chạy sắn”. Gặp nhau thở hổn hển, cười tí rồi lại chạy ào ào như chạy giặc. Thứ sắn phải nước mưa, mốc meo một chút, tự nhiên lại có một hương vị đặc biệt, deo dẻo, có người thích ăn hơn cả sắn bình thường.

Ven núi Đỉnh có một hồ Ngọc Đá hình chữ S điệu đà. Quả núi Đền gần đó có một hòn đá cực to ẩn ý thần thánh (có thể đó là nguyên do cho các bậc chữ nghĩa trong làng thời đó cảm hứng liên hệ gọi hồ là “Ngọc Đá” chăng). Dưới chân núi Đền là một xưởng xay xát thóc gạo và sản xuất bột sắn. Sắn xát nhỏ, ngâm kĩ rồi tiến hành lọc, phơi sấy khá công phu. Một thời cả vùng ấy đượm mùi sắn ngâm thum thủm âm ẩm, mới gặp thấy khó chịu nhưng xa rồi lại thấy nhơ nhớ, văng vắng, thân thương... Hệt như cái mùi vị ngai ngái men say của một thiếu phụ vừa âu yếm ái tình vừa lo mẻ sắn phơi hôm nay khéo không được nắng.

Trên núi có chuột. Có hôm đi theo bờ khe ngang núi, thấy có gì đó trăng trắng lấp ló. Úi chà… Moi ra cả một đống sắn khô bị lũ chuột tha vào hang, để dành ăn dần. Sao chúng mày tham lam giống người thế, hử?

Thường thì phơi sắn xong, trẻ con rủ nhau trèo lên đỉnh núi Đỉnh. Men theo một bờ mương có mấy bụi găng, bấu víu vào mấy gốc sim mua tránh trơn trượt, hì hục một đận lâu lâu mới tới đỉnh. Trên đó là một bãi khá bằng phẳng mọc nhiều thứ thực vật xác xơ gọi là “cây chổi sể”, nhiều bụi cỏ lá nhỏ và dài. Rất nhiều châu chấu đá bay nhảy lách tách. Nhiều bụi sim um tùm nở đầy hoa ồn ào hay lặng lẽ giấu đôi ba điều bí mật. Đây đó có đôi ba con chim giật mình vụt bay lên từ bụi rậm, kêu lên vài tiếng lạ lùng nửa hân hoan nửa cảnh giác. Từ đỉnh núi, thấy cả ống khói nhà máy ở thành phố Việt Trì…

Xa thế mà cũng thấy cái ống khói Việt Trì đang tỏa khói. Khói bay lẫn vào mây. Mây mải miết bay về tận phương nảo phương nào. Cái ống khói ấy, nhìn khá kì dị, khó tả vô cùng. Thôi mình kém trí tưởng tượng, kém chí tang bồng, rặt tôn thờ mấy cái anh ẩm thực dân dã, thì cứ tạm ví quách nó với cái củ sắn nướng, cho nó hay!

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65986251

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July