Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  ĐOẠN TRƯỜNG THƠ ĐÃ KHÉP - Nguyễn Trọng Văn – ĐOẠN TRƯỜNG THƠ ĐÃ KHÉP - Nguyễn Trọng Văn – , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Chủ nhật, 31/05/2020

 

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản và ngoài trời

                  (Nhân ngày sinh của cố nhà thơ Nguyễn Đăng Luận 29/05)
 

 

Giờ thì Người Thơ ấy đã bay về xứ Đoài mây trắng, khép lại một “đoạn trường thơ” vẫn còn đó với nhiều dở dang. Giờ thì anh Luận lớp trưởng đã đi xa, khép lại câu chuyện về nghĩa cử bạn bè cũng còn bao dang dở.

“Em đã thả vào hồn tôi/ một con rắn/ một con mèo/ một con chiền chiện hót/ và một nụ hôn ở cuối chân trời”. Đến lúc này thì tôi hoàn toàn tin rằng: Câu thơ nó vận vào người. Em - Nàng thơ, của nhà thơ Nguyễn Đăng Luận dường như đã “cố tình đầy đọa” một tâm hồn thi sĩ vừa dại khờ lại vừa da diết. Và tuy Người Thơ biết “đêm nay em ngủ có ngon không/ mà ở phía anh chỉ toàn thao thức”, biết “sao rơi mấy lần anh điều đếm được” và biết để rồi tự lòng tự hứa “thành phố ngủ thế nào anh sẽ kể em nghe”. Thần ái tình dường như luôn rình rập thi nhân ấy vậy mà Người Thơ đâu có ngại. Cứ “lăn xả” vào thơ mà đắm đuối. Cứ “lãng đãng” vào thơ mà day dứt. Và cứ “tin” vào thơ như lòng đã hướng về một “đức tin”, để mà dứt chẳng đặng mà đi mãi còn chưa thấy tới.

 

Tôi được biết nhà thơ Nguyễn Đăng Luận và quý mến anh cách đây đúng hai mươi chín năm. Đó là cuối hè năm 1989, cái năm “bản lề” của không khí đổi mới. Tôi muốn nói đến “đổi mới” bởi vì hình như chỉ có “luồng gió” ấy bọn ham mê viết văn, bọn tập đòi chữ nghĩa sống dải dác trên đất Hà thành mới có dịp được tụ hội thành nhóm thành bầy để “khoe hồn khoe nét”. Số là dịp đó Hội văn nghệ Hà Nội (Hiện là Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội) lần đầu tiên sau mấy chục năm “đồng hành cùng Thủ đô” mới tiến hành mở lớp viết văn. Gọi là lớp viết văn cho oai chứ tên đầy đủ của khóa học đầu tiên đó được danh chính ngôn thuận gọi là “lớp bồi dưỡng sáng tác văn học”, mà thực chất cũng giới hạn việc dạy ở chỗ là ban tổ chức lớp mời các nhà văn nhà thơ nổi tiếng đến trao đổi về kinh nghiệm, đến nói về “chuyện nghề” lắm nỗi truân chuyên.

 

 Thế là lớp “viết văn khóa 1” ra đời và cho đến tận hôm nay vẫn là niềm tự hào của những người yêu văn chương trên đất Hà thành. Nói vậy vì lớp học buổi ban đầu có tới hơn năm mươi người đủ cả già trẻ trai gái qua gần ba mươi năm đã “rơi rụng” nay chắc chỉ còn độ hai mươi người là còn giữ được tình yêu chữ nghĩa. Tôi muốn nói tới hai chữ rơi rụng bởi vì “nghiệp văn chương” quả là khe khắt và thời gian chính là “cái sàng sàng lọc” đúng nghĩa nhất. Gần ba mươi năm số người còn đi được tới “bến bờ” đâu có được nhiều. Hơn năm mươi người hiện mới có bốn người trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thế mới biết nghiệp văn chương đâu có dễ dàng gì.

 

Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh và đầy khâm phục ngay từ buổi đầu nhập học. Hồi ấy người có ý thức theo đuổi nghiệp văn chương đâu có nhiều. Hồi ấy báo chí cho in thơ hay truyện ngắn đâu có mấy. Hồi ấy chuyện cơm áo gạo tiền và những “rào cản” đã vô tình “ngăn mạch” thơ văn. Tôi nói thế bởi hiện nay số lượng đầu sách thơ văn đâu có dễ như cho tay vào túi quần, tôi nói thế bởi hiện nay hễ bước chân “ra ngõ là gặp nhà thơ”. Thế mà quãng những năm tám mươi trở về trước “nhân tài như lá mùa thu vậy”. Ấy vậy nên khi Hội Văn nghệ Hà Nội mở “lớp viết văn” và chiêu sinh “tự do” thì mới thấm cái nguồn thơ văn tiềm ẩn bấy lâu mới có dịp “mở cửa và đi ra ngoài phố”.

 

Anh Luận, như sau này bất cứ già trẻ trai gái hễ ai đã là học viên thì đều gọi nhà thơ Nguyễn Đăng Luận như vậy, anh cười hồn nhiên và vô tư đón nhận chức danh “Lớp trưởng” và cái danh xưng lớp trưởng ấy như trở thành một cái tên của anh vậy. Chúng tôi gần ba mươi năm qua vẫn gọi “Lớp trưởng” thay vì gọi tên thật của anh. Mà gọi thế nghe cũng thinh thích cho người gọi và người được gọi.

 

Trở lại chuyện “học hành”, vào lớp anh Luận đã “sừng sững” trong mắt bọn tôi. Này nhé, anh đã có thơ đăng báo Văn nghệ, mà đâu chỉ có một bài, hơn hai bài hẳn hoi. Dạo đó người ta đã nói “nếu ai đó được in ba bài thơ hoặc hai truyện ngắn trên báo Văn nghệ là người đó đương nhiên được gọi là “Nhà” rồi. Bởi thế khi nghe bài thơ “Lời thề lá sen” của nhà thơ Nguyễn Đăng Luân (một trong những bài in trên báo Văn nghệ) cánh chúng tôi đã mắt tròn mắt dẹt. Ờ mà cũng lạ lắm cơ, thơ nó vận vào người thật cơ đấy, anh viết “Lá sen chưa kịp đi tu/ Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng/ Yêu em mua cốm làng Vòng/ Nâng niu anh gói trong lòng lá sen/ Lời thề hôm ấy của em/ Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa/ Không ngờ, anh thật không ngờ/ Lá sen rách, cốm bây giờ thơm đâu?”. Người ta đã đổi ý thay lòng vậy mà thi nhân vẫn không nguôi khắc khoải.

 

Nguyễn Đăng Luận vào lớp khi đang là kỹ sư cầu đường, công tác tại ngành đường sắt. Hì hì, dĩ nhiên vì anh đã chững chạc cả về tuổi tác và tuổi văn thơ và lại công việc ổn chắc nên anh khá “hào phóng”. Nào là anh bàn cùng “cô chủ nhiệm lớp” là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tổ chức cho lớp đi điền dã để thắt chặt tình thân hữu. Nào là anh tổ chức anh em học viên đến thăm nhà “các thày các cô” để anh em hiểu nhau hơn và gần nhau hơn. Nói thực hồi đó gặp các nhà thơ nhà văn bọn tôi đâu dám lại gần chứ nói gì đến bàn về thơ phú. Rồi những chuyến dã ngoại kết hợp “giới thiệu các tác phẩm mới” của nhau nữa. Vui đáo để và cuối cùng là một tình thân tình nghĩa cử cảm động và chân thành.

 

Người ta đồn rằng: Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận là người say thơ đến bán nhà đến bỏ vợ. Đấy là đồn thế nhưng tôi tin rằng anh say thơ đến “mê mẩn” và say thơ đến “sẵn sàng hy sinh” mọi thứ. Không màng chức cao vọng trọng. Có lần anh tâm sự “Tớ không thích ai gọi tớ bằng cái chức vụ lãnh đạo nào đó. Tớ chỉ thích đi đâu được người ta thấy mình và gọi mình là nhà thơ thôi”. Đơn giản đến mức quá khó bởi có được cái “chức danh nhà thơ” nó đầy nghiệt ngã. Làm thơ từ “lúc tóc còn xanh”, đã mấy bận viết đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam nhưng “chờ đến lúc nhắm mắt xuôi tay” câu thơ vẫn đăm đắm khôn khuây. Nghe đồn đâu như chỉ vì bài thơ có tên là “Bóng” in trên Văn nghệ những năm kham khó “có vấn đề” gì gì đó nên người ta gác lại việc xét đơn, cứ khất lại bảo đợt sau hoài hoài.

 

Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận biết nhưng “nỗi buồn” ấy anh nhanh chóng gạt sang một bên. Nhà thơ nhà gì không biết nhưng không có thơ và thơ không ai biết thì cũng vứt. Nhà thơ là danh xưng trong lòng người đọc chứ đâu là danh xưng hành chính, anh cười bảo với tôi như vậy. Thế là Nguyễn Đăng Luân vui trở lại. Anh lao vào viết thơ và lại chuyên về thơ tình”, dạng thơ kiểu ấy tưởng dễ nhưng bước chân vào mới thấy khó và vô cùng khó bởi thơ tình đâu phải là thơ “em em anh anh”. Anh nói “Thơ tình khó nên tớ mới lao vào”. Dại, người đâu mà dại, chỗ dễ không đi lại cứ vướng vào chỗ khó. Thế mới nên có những câu thơ như “Tôi yêu nghề viết văn/ Tính tình tôi trầm lắng/ Từ khi em dọn đến/ Tôi thấy mình trầm hơn” hay như “Ngày xưa em rất vô tình/ Biết đâu hạc đứng bên đình muốn bay/ Bao năm từng ấy ngàn ngày/ Gặp em cánh hạc muốn bay về đình” cứ “gieo neo” như chính thân phận nhà thơ chung tình mà lắm đa đoan tên là Luận.

 

Chuyện “bỏ vợ” vì thơ thực hư thì tôi chưa khẳng định nhưng chuyện nhân duyên của anh cũng “đứt gánh” lâu rồi hay như chuyện anh chuyển nhà nay chỗ này mai chỗ khác cũng có. Một dạo anh chuyển nhà từ phố Lê Duẩn về đường Láng để mở hiệu bán sách văn học là một ví dụ. Rồi chuyện anh chuyển từ “nghề bán sách” sang “nghề in sách” cũng đáng quan tâm. Nghe nói ấn phẩm Tân Văn (sau này đổi tên là Văn Mới cho nó Việt Nam hơn) do anh là chủ biên là một ấn phẩm “tự túc” hoàn toàn. Đâu như Văn Mới ra mắt độc giả đến nay cũng dễ hơn bảy năm rồi. Mà anh đều tự hết. Tự tự từ khâu biên tập đến khâu in ấn. Tự tổ chức đội hình làm sách cho đến tự bỏ tiền ra in. Lại tự phát hành nữa chứ. Chỉ chừng ấy thôi đã thấy “vất” và chắc cũng tốn kém kha khá. Vậy mà anh đâu có phàn nàn gì. Ngày tôi chưa nghỉ hưu cứ hễ sách ra là anh phóng xe máy tới cơ quan tôi chỉ để tặng tôi cuốn mới nhất. Nghe nói Văn Mới phát hành khắp cả nước, Nghe nói Văn Mới còn sang tới Nga, sang tới Ucraina nữa.

 

Vất vả là thế mà Nguyễn Đăng Luận, người thơ sinh năm Ất Dậu (ờ mà sao anh lại sinh vào đúng năm Ất Dậu nhỉ?) vẫn cứ “yêu” mới lạ. Anh tôn thờ Tình yêu còn hơn cả bản thân mình. Nhà thơ tình này lạ lắm “Người ta vội yêu nhau/ Như thể ngày mai trái đất có nạn hồng thủy/ Người ta vội bỏ nhau/ Giống cái chết của con ong/ Sau duy nhất một lần bay đuổi/ Vội vàng ơi/ Tôi xin đứng phía bên này”. Hóa ra tình yêu với anh chỉ là cái cớ cho anh đưa ra một quan niệm sống. Hóa ra thơ tình chỉ là cái cớ cho anh phát biểu về những suy luận của mình. Cái đẹp và thơ luôn đồng hành với nhau.

 

Tôi đã về quê anh, làng Triệu Xuyên, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Về tới làng anh rồi tôi mới hay cái làng quê ở miền “tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”, mới hay làng quê bên hữu ngạn sông Hồng ngày xưa dào dạt bờ bãi dâu xanh ấy là nơi nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ trong anh, là nơi gieo vào hồn anh những tâm tình da diết. Và anh đã viết “Ai đơm khuy bạc bao giờ/ Để mai trắng nở bất ngờ trước sân/ Lạnh tan trời ấm lên dần/ Nồng nàn hương đất trắng ngần cánh hoa/ Hay từ giá buốt lòng ta/ Dồn lên nhựa sống nở hoa sớm này?”.

 

Giờ thì Người Thơ ấy đã về với đất sau bao tháng ngày chắt chiu cho cánh hoa Thơ nở thơm nở ngát.

 

 


 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65981576

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July