Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  LÃO THƠ NGƯỜI HỌ HỨA - Nguyễn Trọng Văn – LÃO THƠ NGƯỜI HỌ HỨA - Nguyễn Trọng Văn – , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Thứ Bảy, 26/01/2019

                 Kết quả hình ảnh cho nhà thơ y phương

                           

 

Nhà thơ Y Phương đang luyện viết chữ Nho( nhân vật cung cấp)

 

Lần đầu tiên tôi biết tới lão đâu như là quãng năm 1982 hay 1983 gì đấy. Số là ngày đó chúng tôi đóng quân ở trên chốt nên cấp trên ưu tiên hàng tháng cấp phát cho một cuốn Văn nghệ Quân đội. Và cái tên Y Phương cuốn hút chúng tôi không chỉ vì nghe “yêu” như tên thiếu nữ mà là một giọng thơ rất “lạ” những câu thơ nghe cứ “chênh vênh cứ gập ghềnh” vậy. Những năm đó Tạp chí Văn nghệ “chốc chốc” lại đăng thơ của lão. Vào thời ấy hay ngay cả thời bây giờ chẳng có “hơn một người” được một tạp chí văn nghệ có uy tín và có danh vang lừng đăng thơ “liền tù tì” như thế đâu. Nể quá đi.

 

Thời đó, thời đầu những năm tám mươi “chiến tranh và người lính” vẫn “thường trực” trong cuộc sống của mỗi con người nên những câu thơ viết về lính mà lại do lính tự sự như Tôi/ Trán dô/ Mũi cong/ Môi dày/ Chân đi dép bốn hai vẫn thừa năm ngón/ Nhịn đói ba ngày không kêu/ Nhịn khát ba bữa không kêu/ Thiếu ngủ ba đêm không kêu/ Hành quân bốn tháng trời không kêu/ Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá… » (Trích trường ca Chín tháng) chúng tôi đọc to cho nhau nghe rồi cùng vui hớn hở. Lính mà, hễ nói về lính là hớn hở rồi.

 

Tôi với lão hóa ra cũng có điểm chung. Hì hì, thấy người sang bắt quàng làm họ có bị đánh thuế không nhỉ? Hì hì, chả là tôi với lão cùng có thời gian trong quân ngũ làm lính chiếu bóng. Hồi trước, mỗi lần đội chiếu bóng quân đội về đến đâu là lũ trẻ con xúm lại hỏi “Chú ơi tối nay chiếu phim gì hả chú?”, bọn trẻ hỏi “lịch sự” thế vậy mà chỉ ít phút sau khi chúng tôi trả lời câu hỏi xong thì bọn trẻ con quay ra nói hét rất to “Bọn mày ơi tối nay “nó” chiếu phim chiến đấu của Liên Xô đấy”. Nghe câu “tối nay “nó” chiếu phim…” mà vừa bực lại vừa buồn cười. Nghe tôi “nhắc lại kỷ niệm” thời làm lính chiếu bóng như thế thì lão cười khà khà “Cái chuyện trẻ con gọi bộ đội chiếu bóng là “thằng” là “nó” cũng như chuyện gọi mấy cô văn công quân đội là “con” thì bọn anh nghe quen quá rồi”. Vui thật đấy, hóa ra “danh từ riêng ngôi thứ hai” ấy chẳng làm phật lòng một ai mới vui chứ.

 

Nhà văn Vân Thảo, tác giả của tiểu thuyết và bộ phim truyền hình mang tên “Bí thư Tỉnh ủy”, không ngờ lại chính là người “phát hiện” ra một anh lính trẻ ngay trong đơn vị có “tài” làm thơ, mà thơ của anh lính trẻ ấy toàn hay với độc lạ nữa. Chả là hồi trước nhà văn Vân Thảo là trợ lý văn hóa của Binh chủng Đặc công, đội chiếu bóng của lão dĩ nhiên là cùng thuộc phòng Chính trị Bộ Tư lện Đặc công rồi nên nhà văn Vân Thảo chỉ cần “tinh mắt” một tí là nhận ra ngay. Dạo trước phong trào văn hóa văn nghệ của bộ đội Đặc công phát triền mạnh lắm. Ai dè bộ đội Đặc công biến hóa “như thần”, đánh trận bằng lối đánh riêng có của mình lại rất mê văn nghệ. Ai dè từ trong “môi trường” những tưởng chỉ có “bí mật, bất ngờ, táo bạo và chiến thắng” ấy lại có nhiều người tài đàn hay hát giỏi. Anh lính đặc công làm công việc chiếu bóng có tên là Hứa Vĩnh Sước “bỗng” một ngày đẹp trời tạm biệt những người chiến sĩ Đặc công bao năm gắn bó để khoác ba lô về Trường viết văn Nguyễn Du theo học khóa 2.

 

Bà con người Tày ở làng Hiếu Lễ xa tít tận huyện Trung Khánh nơi non nước Cao Bằng địa đầu biên giới cũng chẳng ngờ lại có ngày có người con của quê hương mình trở thành nhà thơ được. Nhà thơ Y Phương “vinh quy bái tổ” về làng khiến cả làng ngỡ ngàng, mấy cụ già nhận ra đó chính là thằng Sước, thằng Hứa Vĩnh Sước, hồi còn ở làng có nước da trắng trẻo lại nhút nhát như con gái thì kêu to “Người Hiếu Lễ mở mày mở mặt rồi”.

 

Lão học xong trường Nguyễn Du thì về thẳng quê, ban đầu là về Sở Văn hóa thông tin. Tôi nhớ tháng 7 năm 1992 có dịp lên Cao Bằng công tác. Thị xã tỉnh lỵ mới tái lập nên nhiều bộn bề. Nhà thơ Từ Ngàn Phố, cũng là một người con Cao Bằng, có rủ tôi tới cơ quan lão thăm lão. Dạo đó căn phòng làm việc của ông phó giám đốc sở là một gian nhà đầu hồi của một ngôi nhà cấp bốn, bàn ghế đơn sơ chủ và khách người nọ nhường người kia nên cuối cùng đều đứng cho đỡ “mỏi lưng”. Mà đứng thì diễn thơ mới hay mới thấu được. Nhà thơ Y Phương “bị” tôi bắt đọc lại bài thơ “Nói với con” (bài thơ được in trong sách Văn học lớp 9) nhưng quan trọng hơn cả là được nghe thơ bên tiếng nước sông Bằng vỗ oàm oạp vào mạn bờ mùa lũ mới “đáng” nghe “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/ Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh không lo cực nhọc/ Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”(Nói với con)

 

Lâu sau tôi được biết nhà thơ Y Phương chuyển sang làm Chủ tịch Hôị Văn nghệ tỉnh. Ông chủ tịch Hội hàng ngày sau giờ làm việc về tới nhà lại phụ vợ may vá kiếm thêm thu nhập đúng như câu thơ ông viết “Sống trong thung không chê thung nghèo”. Rồi lại lâu sau Nhà thơ Y Phương “chuyển vùng”, lão xuống Hà Nội đảm nhận trách nhiệm của một ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 6. Và rồi gia đình lão “định cư” ở Thủ đô cho tới hiện nay. Năm 2007 nhà thơ Y Phương được nhận “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” do “Đổi mới không ngừng trong ý thức điều hòa quan hệ giữa lý trí và tình cảm, giữa cái riêng của cộng đồng nơi xuất phát và cái chung của cộng đồng gia nhập”. Chút đóng góp đó của ông đã đưa thi ca Việt Nam thêm đậm đà bản sắc của 54 dân tộc anh em.

 

Tháng 8 vừa rồi, tôi và lão có mới dịp “ở” với nhau dài dài. Số là Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức “Trại sáng tác Văn học về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ” ở Nhà sáng tác Đại Lải nên chúng tôi mới được nhiều bữa “chén chú chén anh”. Mà Y Phương rất lạ, người trai sinh ra ở “cái nôi xứ Tày” ấy lại không biết uống rượu không thích uống chè. Những lúc cuối ngày khi mọi người tụ tập quanh bàn trà nói chuyện thì lão chỉ ra đấy “góp cái thân tôi đây” chứ không uống và dĩ nhiên cũng không hút thuốc. Trong khi mọi người đang tranh luận sôi nổi thì bất chợt quay sang đã thấy lão đang … thiền. Lão ngồi đó trong tư thế thiền bình lặng giữa “chốn ồn ào” kể cũng là một điều đáng nể nữa. Nhà thơ Y Phương cho biết “Thiền cũng là một cách để tâm mình tĩnh tại”.

 

Có hôm tôi đợi lão “xong bài thiền” thì mới đặt vấn đề (Thói quen của dân báo chí mà), tôi hỏi “Bác là bác cho em hỏi một câu ngắn thôi, đại thể là theo bác thì Thơ là thế nào?”. Nhà thơ Y Phương nheo nheo, nháy nháy đôi mắt kiểu như đang cười vậy, lão có kiểu cười mắt rất “đáng yêu”, rồi thong thả trả lời Lúc trước, tôi nghĩ, làm thơ như gà mẹ ấp trứng vịt. Khi thấy các con tung tăng bơi lội thì gà mẹ cứ đứng trên bờ lo lắng. Bây giờ, tôi quan niệm làm thơ cũng như các công việc bình thường khác. Tất nhiên người có năng khiếu thì... thơ hơn. Có năng khiếu lại được học cao học sâu, thơ sẽ bay xa. Bất chấp thời gian không gian và với mọi sắc tộc. Tôi ít học, lại không có lý luận, nghĩ thế nào nói thế. Bảo củ khoải ra củ khoai, chứ không thành củ tỏi ».

 

Khiếp, nói hay như thế mà lại cứ bảo là «Tôi ít học». Tôi nói «Bác chỉ khéo đùa nhưng mà em lại hỏi nữa. Bác có lời khuyên nào cho thơ trẻ không?». Nhà thơ Y Phương lại nhay nháy mắt «Bây giờ bảo tôi khuyên các cây bút trẻ thế nào ư? Họ khôn hơn tôi, học cao hơn tôi trăm ngàn vạn lần. Là một ông già lẩm cẩm, tôi sao dám khuyên các bạn trẻ được». Khiếp, tự nhận mình «Là một ông già lẩm cẩm» mà được «lẩm cẩm » như ông thì ai chẳng thích.

 

Ông già lẩm cẩm Y Phương mấy năm gần đây say sưa «luyện công», lão theo học và viết chữ Nho. Âu cũng là một cách «nâng cao trí thức» bởi theo như lão tâm sự thì ở quê lão người dân làng bản còn lưu giữ khá nhiều những văn bản xưa rất cần được «giải mã». Đó là vốn quý không thể để thất truyền được. Thành thử lão cũng năng lên thăm quê hơn. Người đàn ông làng Hiếu Lễ nhập ngũ năm 1968 ba mươi tuổi mới về làng cưới vợ thì nay bảy mươi tuổi (lão sinh năm 1948) về làng nhận diện thêm giá trị quê hương. Tình cảm của lão với quê hương với làng với bản còn vẹn nguyên «Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ/ Một bước chạm tiếng cười/ ...Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng».

 

Rừng cho hoa và con đường cho những tấm lòng. Xin chúc nhà thơ Y Phương chân vững tay dẻo. Thơ đã hay và chữ viết cũng hay hơn. Đúng như lão xưng mình là «Khói» khi mỗi lần lão lên phây búc vậy. Lão khôn thế không biết, khói ấm quê hương khói nặng tình người.

 

Theo bản tác giả gửi tặng Báo Người xứ nghệ Kiev.

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66004538

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July