Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Truyện cổ tích: Chàng Bụng Lợn Truyện cổ tích: Chàng Bụng Lợn , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 
Ngày xưa có một người sinh ra chẳng có chân, may có được cái đầu, ngực, bụng, và đôi tay. Người cứ tròn như cái bụng con lợn nên người làng đó gọi anh ta là “Ai pum mu” (Chàng Bụng Lợn).

Trời còn thương, phú cho anh đôi tay thật tài nghệ. Đôi tay ấy thay chân, biết làm nhiều việc, đan lát, chèo thuyền, tát nước... và đặc biệt biết gảy đàn, thổi sáo.

Tiếng sáo anh thật là réo rắt. Đôi tay điêu luyện đã đành nhưng hơn thế, trái tim anh đoán nên lời nên tiếng sáo cũng biểu hiện sâu sắc tâm sự của anh. Có lúc hứng khởi, lúc thì lâm ly não nùng.

Bản anh ở cạnh bờ sông, thuyền bè qua lại tấp nập. Một đoàn thuyền buôn lớn thuê anh làm công. Họ dạy anh tát nước trong thuyền, sau đó cả chèo thuyền nữa. Nhưng điều làm cho họ thích nhất là tiếng sáo của anh. Dọc sông thanh vắng, nhất là về đêm, họ chỉ để anh thổi sáo. Đêm khuya, tiếng sáo của anh càng đưa họ vào cõi mộng lung linh và vì vậy thuyền càng lướt nhanh.

Anh theo đoàn thuyền đến bến Tà Sai. Đó là bến lớn trên sông Đà, một nơi buôn bán sầm uất của xứ Thái xưa. Chẳng thế, mà dân gian đã có câu:

- Pay Tà Hê, au lải

Tản Tà Sai, au màk lãng pao!

(Đi bến Hè, mua tơ.

Tới bến Sai, buôn cau buồng lớn!)

Trên bến có nhà phú thương giàu có vào bậc nhất vùng. Nhà phú thương có năm cô con gái, hết mực xinh đẹp và văn hoa. Nhiều nhà buôn lui tới vì công việc buôn bán thì ít, vì ao ước gặp các cô gái thì nhiều.

Nhưng các cô kiêu kỳ thích văn chương, nghệ thuật hơn là công việc buôn bán và quyền thế. Vì thế nhiều đám đã phải ôm hận, bẽ mặt trước các cô nàng. Các nàng ưa thích thêu thùa, dệt thổ cẩm và múa hát, ca nhạc. Trong nhà chẳng mấy khi vắng tiếng đàn sáo.

Chủ đoàn thuyền buôn to có anh chàng Bụng Lợn làm thuê này là người trong số các người từng bị các cô nàng kia từ chối, nên rất cay cú. Một hôm, khi đoàn thuyền vừa cắm neo, đang chờ khách ăn hàng, bỗng ông chủ đoàn thuyền nảy ra ý muốn trả thù các cô gái kia. Nhưng chưa nghĩ ra cách. Bất chợt ông nghĩ đến chàng Bụng Lợn. Các ả mê đàn nhạc ấy hẳn phải chết mê chết mệt vì tiếng sáo của anh ta, nhưng khi thấy anh ta chẳng ra người sẽ thất vọng. Nghĩ thế, ông vui vẻ nói với Bụng Lợn:

- Bụng Lợn này! Ta nghỉ lại đây mấy ngày, cho anh đi chơi xem chợ!

- Xem gì tôi! Cứ để tôi trông thuyền cho các ông?

- À mà ở bến này, ông phú thương giàu nhất vùng có mấy cô gái hay đáo để. Mấy ả thích đàn sáo lắm. Nếu cậu tìm cách dụ các cô ra đứng trên bến này thôi, bọn mình sẽ thưởng cho cậu một phần tư đoàn thuyền. Còn các cô ấy mến mà rước vào nhà, thì thưởng cho cậu một nửa đoàn thuyền. Nếu cao hơn nữa, cậu mà làm các cô đuổi theo mình, thì cả đoàn thuyền này thuộc về cậu hết. Ta sẽ có cam kết đàng hoàng.

- Thế tôi không làm được, tôi phải mất gì không?

- Cậu có gì mà mất, chẳng phải mất gì hết, nghe chưa?

- Thế nếu tôi làm được việc cao nhất ấy thì sao?

- Thì cả đoàn thuyền cùng hàng hóa trong đó thuộc về cậu!

- Thế thì làm thử xem!

Tờ cam kết làm xong. Chàng Bụng Lợn chọn chiếc thuyền đậu ngay gần dinh thự phú thương và bắt đầu cất tiếng sáo nỉ non, quyến rũ lạ thường.

Tiếng sáo bay vào vườn cảnh nhà phú thương, làm các cô từ ngạc nhiên đến bồn chồn, bứt rứt. Đó là lúc ánh chiều đang buông, các cô sau bữa cơm chiều đang ra vườn cảnh hóng mát.

Tiếng sáo day dứt lòng các cô. Không chịu được nữa, các cô rủ nhau ra bờ, giả đò hóng mát, nhưng cứ quanh quẩn qua lại, không rời xa được. Cuộc dạo chơi hóng mát trên bờ sông của các cô nàng kéo dài suốt buổi cho tới khi tiếng sáo bỗng dừng im bặt. Trước khi ra về, các cô còn nói giọng xa xôi cố ý cho người dưới thuyền nghe thấy:

- Ôi tiếng sáo tuyệt diệu! Thế mà lại im bặt rồi, tiếc quá!

Các cô vào khuất trong vườn. Chàng Bụng Lợn mới giơ nắm tay lên, hướng về chủ đoàn thuyền:

- Thế là đã thắng một phần tư!

- Ừ được, hãy làm tiếp. Để chờ xem!

Thế rồi suốt tối hôm đó, và cả ngày hôm sau tiếng sáo im bặt. Các cô nàng như đứng ngồi chẳng yên. Chiều hôm sau, cơm xong, các cô ả ra vườn, có cô còn nóng ruột, đứng cạnh hàng rào, trộm ngó xuống thuyền.

Đúng lúc tiếng sáo lại mượt mà cất lên. Giai điệu mỗi lúc một biến đổi, như giục giã, như lôi cuốn, như xoa dịu các trái tim đang thổn thức.

Cô em thứ hai, không dừng được nữa, nói với chị cả:

- Chị ơi! Chúng ta mời người thổi sáo dưới thuyền lên nhà, để chúng ta nghe nhạc đi chị! Chẳng lẽ nhà ta không xứng đáng với tiếng sáo điêu luyện ấy hay sao?

Các cô em hưởng ứng. Cô chị nói:

- Nhà ta phải được tiếp những người như vậy mới xứng! Nhưng biết đâu họ chẳng đến thì sao? Có lẽ cứ thử mời xem. Mà ai đi bây giờ? Này, để em út đi nhé! Được cả hai đằng đấy! Vừa trẻ, vừa xinh nhất, lại cũng còn bé nữa, quá lắm người ta cũng cho là trẻ người non dạ, thấy thích là làm! Chứ các chị lớn mà đi, người ta có thể dị nghị lắm điều ra đấy!

Cô em út thích quá, nhận lời đi ngay. Vốn còn tính trẻ con cô xăm xăm xuống thuyền, xin gặp chàng thổi sáo, cũng chưa nói ý định mời gì cả, có lẽ, chỉ để biết người xem sao!

Thấy người thổi sáo bò ra, cô gái giật mình nhưng cũng trấn tĩnh ngay.

- Em, chúng em thích tiếng sáo của anh quá! Anh thổi nữa cho chúng em nghe đi. Chúng em có quà thưởng anh đấy. Nếu còn ở đây lâu, mời anh ghé chơi nhà!

Tay cô vội đưa ra một giỏ đầy hoa trái ngọt thơm. Thấy không tiện, cô lại cáo lui.

Thôi, em xin về! Hy vọng được nghe tiếng sáo tuyệt diệu của anh luôn.

Cô em út về và kể lại chuyện hình thù anh Bụng Lợn cho các chị nghe. Tất cả đều kinh hãi hình thù quái dị ấy. Duy chỉ có tiếng sáo thì không sao có thể quên được.

Chiều hôm sau, tiếng sáo lại cất lên réo rắt. Chị cả bảo các em bày tiệc hoa quả, có rượu thơm, có chè hương ngào ngạt, đậm đà mời chàng thổi sáo đến chơi. Cô chị đích thân cùng em út, sai người mang kiệu đến thuyền rước anh ta vào vườn.

Khỏi phải nói về tiệc hoa dưới trăng nhà phú thương giàu nhất vùng. Chỉ biết đã khuya lắm, mà tiệc mừng tiếng sáo nghệ thuật cao cường chẳng muốn dứt.

Mãi tới khi trăng trung tuần đã gác đầu non, họ mới chịu cho chàng Bụng Lợn ra về!

Về đến thuyền, cả thuyền hoan hỉ đón anh ta. Anh ta giơ nắm tay về phía chủ đoàn thuyền:

- Đã thắng một nửa nhé!

Được mất cho cậu cả đoàn thuyền mà làm cho các cô ả hợm hĩnh kia mê hồn, sai khiến được họ theo ý mình, cũng đáng! Xem ra cái kiêu kỳ ấy không được mấy nỗi!

Nhiều ngày sau nữa, tại vườn nhà phú thương tối nào cũng tổ chức dạ hội. Tiếng sáo, tiếng đàn của chàng Bụng Lợn là trung tâm thu hút tất cả. Các cô bạn của mấy chị em kéo đến càng đông. Nhiều cô chết mê, chết mệt vì tiếng sáo ấy.

Lại có cả chuyện ghen tuông. Vì ai cũng muốn được sự thiện cảm của Bụng Lợn. Anh chàng đã trở thành vị khách trang trọng thân thiết đến không thể thiếu được của nhà phú thương từ lúc nào không hay. Khi đã thân, các chị em có thể suồng sã lân la hỏi đủ thứ chuyện.

Bụng Lợn miễn cưỡng trả lời:

Tôi luyện tập từ nhỏ. Cái này dạy tôi (chàng chỉ vào tim mình). Còn tên tôi và tên các thứ đàn sáo của tôi nghe xấu lắm! Chẳng qua tôi người xấu xí, mẹ cha gọi sao thành vậy. Nói ra, chẳng hay ho gì, có thể làm các cô phật ý!

Các cô sán lại:

- Chẳng sao đâu! Đã mấy ngày nay thành thân nhau rồi! Anh còn e ngại gì! Nói ra để biết mà gọi là nhớ nhau chứ!

Thấy các cô năn nỉ mãi, không nói không tiện, anh ta rào trước đón sau, rồi nói:

Cái này gọi là đàn “sai cô cu” (dây tình em)! Còn cái này là sáo “Sai chau cu” (dây tìm em)!

Các cô đã vội ổ lên:

- Thế thì có gì xấu! Hay nữa là khác chứ! Còn tên anh! Chắc cũng phải hay hơn thế.

- Cũng còn tùy người! - Anh ta thong thả đáp rồi tiếp:

- Tên tôi là... là... “Ai phun hặc cu” (Anh chồng yêu của em!)...

Xấu lắm phải không, cha mẹ đặt cho mà, biết làm sao được. Nể quá phải nói vậy thôi! Các cô cùng cười ổ lên, cười vui vẻ.

- Anh khôn thật! Nhưng thế cũng hay, bọn con gái chúng em có được chồng tài năng thế, chẳng ai từ chối đâu!

Không khí càng thân mật hơn. Các cô càng tỏ ra thích thú muốn gần anh ta. Họ thi nhau chiều chuộng anh, cố giữ anh ở lại lâu hơn.

Nhưng vốn mẫn cảm anh ta cũng dễ nhận ra mình chỉ là trò vui tiêu khiển cho các cô gái này, mặc dầu họ cười đùa cứ gọi anh luôn mồm “Anh chồng yêu của em ơi!”.

Nhưng càng về sau, họ càng lại tỏ ra muốn giữ anh ở lại thật. Họ rủ rê:

- Thôi, anh ở hẳn đây với chúng em! Đằng nào anh cũng chỉ chèo thuyền thuê. Suốt đời lênh đênh sông nước, anh cũng cần có chốn yên thân về sau chứ. Chẳng phải là chồng thật, thì anh cũng đã là người của chúng em từ lâu rồi!

Bụng Lợn hơi phật ý, anh nghĩ thà làm thuê lênh đênh xuôi ngược, còn hơn chỉ là con thú trong vườn của các cô nàng.

Anh chẳng thể rời sông nước và chẳng thể quên những giây phút tự do thả bổng tâm hồn theo dòng sông những lúc trăng đẹp, đêm vắng, chẳng thể quên được những ánh lửa hy vọng le lói từ trên các lều nương phản chiếu trên mặt sông những đêm tối trời...

Rủ rê không được, các cô gái cố ý giam lỏng chàng lại. Anh chàng đã phải dùng mưu mới trốn thoát tay họ. Biết anh trốn khỏi nhà, các cô chạy theo, gọi theo sau ơi ới:

- Chờ em với “Dây tình em ơi!”.

- Chờ em với “Dây tim em ơi!”.

- Chờ em với “Anh yêu của em ơi!”.

Mọi người trong thuyền đều nghe rõ cả. Sau khi đã đón Bụng Lợn lên thuyền, chủ đoàn thuyền vội nói:

- Chịu thua anh. Từ nay anh là chủ đoàn thuyền này.

Đoàn thuyền nhổ neo xuôi dòng theo lệnh của chàng Bụng Lợn. Tiếng gọi với theo của các cô nàng như vẫn vang vọng mãi nơi các vách đá ven sông Đà.

- Sai chau cu! - Dây tim em!

- Sai cô cu! - Dây tình em!

- Phun hặc cu! - Chồng yêu của em!

Anh cũng hét vang lại:

- Thôi hãy chờ kiếp sau nhé!

Câu chuyện cho chúng ta thấy anh chàng  Bụng Lợn tuy bị khiếm khuyết về ngoại hình nhưng rất đa tài và hơn hết tiếng đàn của anh cất lên từ trái tim ấm nóng của mình đã làm rung động bao người nhưng anh cũng thật thông minh biết dừng lại đúng lúc để không thể để mọi người coi thường mình khi được các cô con gái nhà phú ông mời ở lại với mục đích chỉ để mua vui.  Do vậy chúng ta không nên nhìn những khiếm khuyết về ngoại hình của nhười khác mà coi thường họ.

(Truyện cổ dân tộc Thái)

 

                         Theo Quehuongonline.vn


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60709261

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July