Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Đi giữa trời Âu - Tùy bút Vũ Duy Thông Đi giữa trời Âu - Tùy bút Vũ Duy Thông , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


(NguoiViet.de) Một ngày rét giá. Mở hộp thư điện tử ra, một địa chỉ lạ: Con đường mười lăm @... File đính kèm cũng rất lạ: Niềm tin và hi vọng. Thư của Thịnh rồi. Thư từ Hungary. Mở ra. Một chuỗi nức nở đến não lòng: 

Đoàn nhà văn Việt Nam gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Ba Lan.
Đoàn nhà văn Việt Nam gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

 

Đi Tây, hai chữ đi Tây…

Mỏi mòn con mắt nhặt từng đồng xu

Dưới trời mưa rét tuyết rơi

Có khi xuống thấp âm mười độ C

Hỡi ơi xứ lạnh đất người

Thân anh mảnh khảnh dưới trời tuyết rơi…

Những kỷ niệm chuyến đi ùa về. Hơn nửa tháng sống với cộng đồng người Việt, tôi đã gặp rất nhiều cảnh đời nhưng nếu để có đầy đủ nhất hình ảnh của phần đông người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở các nước Đông Âu cũ, có lẽ phải nói về Thịnh trước tiên.

Trên đất Quảng Bình gió Lào, cát trắng, làng Thịnh ở ngay đầu con đường 15, sát bến phà Long Đại để vượt dòng Xuân Sơn, rất gần động Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới hiện nay. Từ bến phà này, con đường 15 trên đường mòn Hồ Chí Minh bắt đầu đi sâu vào dải Trường Sơn để ngoặt sang Lào, vì thế nơi đây trở thành túi bom khủng khiếp bậc nhất thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Khi Thịnh lên 5 tuổi thì bom ném trúng nhà, 5 người chết, một ông hàng xóm và 4 chị em của Thịnh. Không còn nhớ kỹ Thịnh bị hơi bom hất tung lên như thế nào và vì sao lại có thể thoát chết, nhưng Thịnh đã thoát chết. Nhà có 8 anh chị em, chết 4 còn 4 người, Thịnh cứ lớn lên như cây cỏ, như con thú hoang trong rừng, mò cua bắt ốc, bữa đói bữa no để sống, nhưng rồi Thịnh cũng sống. 

Năm 11 tuổi, đen trũi nắng gió miền Trung, người gầy đét, từ đói khổ cùng cực, Thịnh nhìn ra thế giới. Trong mắt người Quảng Bình thời đó, thế giới là các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, gồm có Nga và một số nước Đông Âu. Ý nghĩ đó cứ nung nấu hàng chục năm ròng. Phải sang tới đó, một là chết, hai là đổi đời. Không đủ tiền đi học nữa thì bỏ học. Không có tiền nộp đủ thứ chi phí thì bán đồ đạc trong nhà, bắt mẹ đi vay thêm.

Thịnh tìm mọi cách được đi Tây. Sang nước nào? Sang Hungary. Tại sao sang Hungary? Không biết, nhưng cứ sang Hungary. Nghe nói bên đó làm gì cũng ra tiền. Thế là Thịnh được đứng giữa Budapest, thủ đô của một đất nước từng xuất hiện nhiều lần trong mơ.

Ở xứ sở trong mơ với hai bàn tay trắng, Thịnh được đón tiếp rất lạnh nhạt. Bắt đầu từ đấy là những chuỗi ngày tháng cơ cực. Đi chạy hàng từ nước này qua nước khác bằng xe lửa lậu vé. Đi bỏ mối hàng lúc 6h sáng, bụng lép kẹp, trong khi mọi người còn yên ngủ. Đứng bán hàng giữa chợ quần áo, giữa gió lùa, tuyết lạnh suốt ngày, chân tay tê cứng. Những bát mì tôm vội vã và đắt chảy nước mắt. Rồi lừa đảo. Rồi cướp giật. Và đói, đói theo nghĩa đen:

Cù bơ cù bất quê người

Ngày cơm một bữa sống cho qua ngày

Muốn ăn đâu có mà ăn

Ngày cơm một bữa tiền lần đâu ra.

Tiền nhà, tiền nước, tiền ga

Tiền đi xe bus, tiền thuê bán hàng

Tiền đâu kiếm dễ dàng

Sơ sơ nhẩm tính tháng vài trăm đô.

Tôi còn định trích nhiều nữa. Đấy chưa phải là thơ. Nhưng nó là lời ai điếu cho những kiếp người lang bạt kiếm ăn xứ người. Chính vì thế với tôi, nó động đến tận gan ruột, có khi còn hơn cả thơ.

Xin trở lại cuộc đời của Thịnh để còn kể tiếp về những cuộc đời khác. Cứ lầm lũi như thế thêm hàng chục năm nữa, đến năm 42 tuổi, Thịnh mới đỡ vất vả, tức là đứng vững được trong sự cạnh tranh quyết liệt trên thương trường quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm và rất nhiều thứ tả pí lù khác, thật giả lẫn lộn.

Năm 1989, chính quyền xã hội chủ nghĩa sụp đổ, một nhà máy cơ khí khổng lồ, niềm tự hào của Hungary phá sản, phải bán dần từ máy móc, thiết bị đến đất đai với giá cực kỳ rẻ mạt. Một nhóm người Trung Quốc đã mua hết những nhà xưởng, đất đai từng là công sản này và cải tạo nó, chia lô ra bán, đó là chợ Đầu Bò, giữa thủ đô Budapest. Thịnh mua được một ki ốt trong số ấy rồi nhiều ki ốt nữa.

 

Một người bạn trong lúc uống bia đen tại một căn nhà hầm đã trầm ngâm nhận xét: Người Việt ở các nước Đông Âu cũ hơi khác ở Nga. Ở đây không nhiều đại gia giàu trội lên nhưng cũng không nhiều người quá nghèo. Tiền kiếm được mỗi tháng từ người dọn rác ở chợ cũng được khoảng 1.000 USD, người trung bình cũng vài nghìn.

Nghe nhiều như vậy nhưng chi phí bảo đảm cuộc sống rất đắt đỏ, mỗi tháng chỉ dành dụm được vài trăm đô. Số tiền ấy, nếu tích cóp ít năm cũng kha khá nhưng đâu đã tích cóp được. Muốn có tiền chạy vạy để sang được đây, kể cả để có ít dấn vốn ban đầu, phải vay lãi. Vay lãi thì phải gửi tiền về để trả. Rồi còn tiền gửi về trợ giúp gia đình. Chưa kể đưa đón người sang thăm hay một hai năm lại phải về Việt Nam thăm gia đình, cúng giỗ ông bà, tiền vé máy bay, tiền quà cáp, thế là hết.

Theo tâm sự không tiện nói ra của khá nhiều người, nhiều khi phải trốn. Nói tội nghiệp nhưng trốn được một chuyến về, là để được vài nghìn USD. Khất được một chuyến người nhà sang thăm, cũng để được vài nghìn USD. Thịnh viế:t “Những ai đang đợi giấy mời. Xin đành hoãn lại đương thời khó khăn” là vì thế.

Nhưng tiền nong chỉ là một chuyện. Đi Tây, định cư bên Tây còn nhiều thứ khổ nữa. Sống ở nước ngoài không hộ chiếu, không được nhập quốc tịch nước sở tại, dù giàu có đến mấy cũng vẫn là bất hợp pháp, là kẻ ngụ cư. Ngụ cư là ăn nhờ ở đậu, ai cũng bắt nạt được. Cách hòa giải tốt nhất của người sống bất hợp pháp là xì tiền ra cho những người bắt nạt mình, càng nhiều tiền càng tốt.

Một chuyện khác. Phần nhiều những người sang Đông Âu học tập, công tác, xuất khẩu lao động rồi ở lại đều còn trẻ, chỉ dưới 30 tuổi và đều đã cưới vợ cưới chồng. Trừ những người làm ăn thuận lợi, dần dà đưa được gia đình sang, mua nhà mua đất, con cái được học hành, rất nhiều người khác rơi vào cảnh vợ chồng mỗi người một nơi, chăn đơn gối chiếc.

Cũng bởi thế, rất nhiều ngang trái đã xảy ra. Sau hàng chục năm đằng đẵng, không thể nói mọi đứa trẻ vắng bố đều nên người, mọi người vợ đều giữ được thủy chung như chính họ mong muốn. Ở một chân trời khác, môi trường khác, người đàn ông cũng không thể độc thân mòn mỏi, chưa biết đến khi nào được sum họp với người vợ vừa già nua, vừa quê kệch, chưa mấy khi ra khỏi làng. Sự đằm thắm chỉ còn trong kỷ niệm và kỷ niệm thì ngày càng xa lơ xa lắc, không thể không phai nhạt. Và những gì phải xảy ra đã xảy ra. Trên một nửa số người Việt ở nước ngoài có vợ khác hoặc phải chấp nhận cảnh già nhân ngãi non vợ chồng với người chung cảnh ngộ. Khuyến khích thì không đã đành nhưng lên án họ thì cũng tội tình.

Khi đã hiểu nhau hơn, một buổi chiều, LVH cho tôi cùng đi đón con gái và sau đó, đưa Tr về với “mẹ của nó” đang có một ki ốt quần áo ngoài chợ. Nhìn cảnh chia tay của họ, lúc đầu hơi ngạc nhiên nhưng rồi tôi hiểu. Quê H cũng gần quê tôi, đồng bãi ngoài đê sông Hồng tre chuối xanh mướt. Chục năm nay sông đổi dòng, đồng đất lở ầm ầm, nghe như tiếng bom, ngày càng tiến sát làng. “Con sông bên lở bên bồi. Bên lở thì đục, bên bồi thì trong”. Cuộc đời sông cũng quằn quại, chênh vênh vô định như đời người.

Một nhóm hẹp hơn nhưng cũng tiêu biểu hơn trong trong công đồng người Việt bên trời Âu là những trí thức. So với nhiều vùng khác, trí thức mà là trí thức từng được đào tạo ở các mái trường XHCN trong nước ở các nước Đông Âu khá đậm đặc.

Học giỏi, họ được cử sang đây học tiếp đại học hoặc trên đại học. Là cán bộ giỏi, họ được cử đi đào tạo thêm. Là những nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam, họ được cử sang hợp tác với các viện, các cơ quan nghiên cứu trong một dự án nào đó. Chế độ XHCN ở các nước Đông Âu, rồi Liên Xô sụp đổ, tương lai đóng sầm trước mặt. Người thì muốn vớt vát chút gì còn có thể, người không đủ điều kiện về nước, họ ở lại và thế là cộng đồng người Việt gồm họ và một số người sang theo chương trình xuất khẩu lao động những năm 80 được hình thành. Về mặt vật chất, họ không đến nỗi khổ lắm. Về đời sống tình cảm, phần nhiều họ đều có gia đình yên ấm.

Có nhiều người thành đạt. Hoàng Đình Thắng, nguyên là giáo viên một trường trung cấp hóa chất ở Vĩnh Phú, nay không chỉ là người Việt giàu vào loại nhất Cộng hòa Séc mà còn là một trong những đảng viên ĐCSVN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc và là thành viên đoàn Chủ tịch UBMTTQVN. Thắng còn là một trong những người Việt Nam tiêu biểu, được mời về gặp mặt Chủ tịch nước nhân dịp đầu xuân.

Lâm Quang Mỹ, vốn là một cử nhân vật lý, hiện là nhà thơ, hội viên hai Hội Nhà văn Ba Lan và Việt Nam, hai lần được nhận Cành ô liu, phần thưởng cao quí vì sự phát triển văn hóa do Bộ Văn hóa Ba Lan trao tặng. Giáp Văn Chung, không chỉ là một cán bộ khoa học trong biên chế nước bạn, có gia đình quây quần, có công ty riêng, có ô tô nhà lầu, nói theo một thành ngữ cũ… mà còn là một dịch giả văn học tiếng Hungary nổi tiếng ở cả hai quốc gia.

Cũng có một vài trí thức không may mắn, phần nhiều là những người làm khoa học xã hội, nhà báo, nghệ sĩ. Chẳng may rơi vào những nghề này ở nước ngoài, coi như thất nghiệp. Tôi gặp nhà báo Thiều Quang ở một quán cà phê trong chợ Sa Pa, một trung tâm buôn bán của người Việt ở Cộng hòa Séc vào đúng dịp tờ báo của anh ra tuyên cáo đình bản.

Báo đình bản, Quang đang loay hoay để ít ra, còn có việc mà làm, thoát khỏi cảnh không biết dùng thời gian vào việc gì. Nếu chỉ biết nghề viết thì sang đây văn chương coi như bỏ, chỉ có cách ra một tờ báo cho cộng đồng người Việt. Báo đăng đủ thứ chuyện, chủ yếu là đăng lại thông tin trong nước và phục vụ việc buôn bán của bà con. Bù lại, bà con nuôi tờ báo bằng bán quảng cáo mặc dù ai buôn gì, bán gì mọi người đều đã biết. Nhưng rồi Internet, rồi TV cạnh tranh gay gắt với báo in, đến làm báo là nước cuối cùng cũng không thể sống được bằng nghề.

Đến như Dũng, Giám đốc Trung tâm văn hóa Văn Lang ở Ba Lan cũng chỉ dám coi đây là một địa chỉ để người Việt gặp gỡ nhau, cùng dạy con cháu tiếng Việt, chứ còn kiếm sống phải bằng nghề khác…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Lam Thủy đón tôi chu đáo, thân thiết như đã từng quen biết nhau từ hồi nào. Anh khoe mình đã có 3 truyện ngắn được đăng trên báo Văn nghệ, năm ngoái vừa về nước dự hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và rất nhiều chuyện linh tinh khác theo lệ thường giới viết lâu ngày gặp nhau.

Đoàn nhà văn Việt Nam gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

Thủy thuộc biên chế của một bệnh viện nhà nước lớn ở Budapest, điều kiện làm việc rất tốt, có nhà riêng, trong nhà lại có phòng khám tư. Vợ Thủy sẵn sàng bỏ lại nhiều thứ để theo chồng sang Hung đã 17 năm. Hai con gái Thủy, một là thạc sĩ, đang làm việc ở Thụy Điển; một là hoa hậu người Việt ở châu Âu, đang học đại học. Nghĩa là một cuộc sống tuy không giàu có nhưng có thể bằng lòng được.

Bệnh viện nơi Thủy công tác rộng mênh mông, lá phong vàng rượi yên tĩnh. Hành lang sạch sẽ, vắng lặng. Nhìn vào các phòng bệnh, rất nhiều giường bỏ trống. Thủy tâm tình: Bên này bệnh viện, trường học nhiều lắm nên người dân có quyền chọn, nơi nào phục vụ tốt người ta mới đến nên tỷ lệ sử dụng giường bệnh cao là một mục tiêu phấn đấu của mọi bệnh viện.

Ngược lại bên nước mình, bệnh viện chật chội, mất vệ sinh, ồn ào hơn cả chợ. Lương cán bộ y tế lại rất thấp, nhà cửa thiếu thốn, đi lại khó khăn. Điều kiện làm việc như thế thì làm sao có thể nâng cao được chuyên môn, phục vụ bệnh nhân hết lòng được… Nên nghe anh hỏi, em trả lời tuy rất yêu nước nhưng không muốn về là vì thế...

Vũ Duy Thông

--------------

Cũng với tiêu đề "Đi giữa trời Âu", mời các bạn thư giãn với bài hát của Hoàng Cầm qua giọng ca Hà Phương

 


Video - Tôi đi giữa trời Âu

Người đăng tin: Minh Hải
(Theo ANTG


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60717739

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July