Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 06/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Văn hóa của màn kết truyện Kiều Văn hóa của màn kết truyện Kiều , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Văn hóa của màn kết truyện Kiều

1. Màn kết của Truyện Kiều (Nguyễn Du), xưa nay đã được người đọc rất quan tâm. Người ta đã cảm nhận nó từ nhiều góc nhìn khác nhau để cùng góp phần phát hiện giá trị đa nghĩa và sức sống bất tử của Truyện Kiều.

1. Màn kết của Truyện Kiều (Nguyễn Du), xưa nay đã được người đọc rất quan tâm. Người ta đã cảm nhận nó từ nhiều góc nhìn khác nhau để cùng góp phần phát hiện giá trị đa nghĩa và sức sống bất tử của Truyện Kiều.

Tuy vậy, ở đây cần phân biệt một nét khác nhau giữa hai thuật ngữ màn kết và kết thúc của một văn bản nghệ thuật tự sự. Màn kết (hay đoạn kết) là khâu cuối cùng của cốt truyện, khép lại hệ thống sự kiện, tình tiết của câu chuyện được kể. Màn kết là một khâu thuộc về tác phẩm. Trong khi đó kết thúc là khái niệm gắn với cảm nhận của người đọc, mặc dù cảm nhận về sự kết thúc của người đọc cũng xuất phát trực tiếp từ màn kết. Nhưng không chỉ có thế, người đọc cảm nhận ý nghĩa của kết thúc tác phẩm phải căn cứ vào toàn bộ thế giới nghệ thuật, tức là chỉnh thể toàn vẹn của tác phẩm để đưa ra phán đoán của mình. Đọc là một hành động sáng tạo. Như vậy, rõ ràng người đọc phải đọc tác phẩm như đọc một nghệ thuật mới thấy được mối dây liên hệ giữa màn kết của cốt truyện với sự kết thúc của tác phẩm. Theo đó, có những tác phẩm tự sự, màn kết của cốt truyện cũng là sự kết thúc ý nghĩa của tác phẩm. Đó là loại kết thúc khép kín, có ý nghĩa đơn trị thường xuất hiện ở loại cốt truyện mà câu chuyện được kể nhằm minh họa cho những định đề có trước của tác giả. Trong trường hợp này, các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm trong đó có cốt truyện mà đặc biệt là màn kết của nó có vai trò là những phương tiện, những hình thức đã được tác giả “lập trình” theo một ý đồ tư tưởng mà nhà văn muốn biểu hiện. Chẳng hạn màn kết các truyện cổ tích hầu như đều có ý nghĩa chứng minh một tư tưởng của tác giả dân gian vừa là chân lý hiện thực, vừa là khát vọng muôn đời của con người: Cái thiện chiến thắng cái ác. Tư tưởng nghệ thuật kết thúc truyện cổ tích như vậy cũng ảnh hưởng tới cách kết thúc một số truyện Nôm thế kỷ 18 - 19 của ta, điển hình như Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu): Những người có nghĩa có nhân phải chiến thắng kẻ bất nhân phi nghĩa. Nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn thời kỳ hiện đại cũng thường có ý nghĩa kết thúc ở ngay màn kết để chứng minh một tư tưởng nguyên lý: Ta thắng địch thua. Những văn bản nghệ thuật có kết thúc đơn trị như vậy không phải không có giá trị lâu dài. Nhưng vì nó là kết quả của Sự miêu tả thế giới qua sự độc tôn duy nhất của ý thức tác giả (Bakhtin)1 trong khi thế giới con người lại cực kỳ phức tạp và luôn luôn năng động biến hoá, vậy nên, với các văn bản tự sự đơn trị, biên giới của sự sáng tạo trong tiếp nhận của người đọc đành dừng lại trước cái barie đã được tác giả dựng nên.

Màn kết của Truyện Kiều chứa đựng một kiểu kết thúc khác. Đó là một kết thúc mở. Văn hoá của màn kết Truyện Kiều mở ra những biên độ năng động để tái sinh ý nghĩa của tác phẩm trong sự sáng tạo của người đọc. Đây là một hiện tượng điển hình cho sức tái sản xuất nghệ thuật của một quá trình văn học: Hiện thực đời sống à Tác giả   à Tác phẩm à Người đọc. Người đọc đóng vai trò một “chủ thể sáng tạo” khác. Đối tượng của chủ thể tác giả là hiện thực đời sống, đối tượng của chủ thể người đọc là tác phẩm nghệ thuật. Nói như Hoài Thanh: Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật, tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình (Xin hiểu: “Tự nhiên” là hiện thực đời sống nguyên mẫu của tác phẩm; còn “Phê bình” cũng là đọc - Nhà phê bình văn học là một loại người đọc đặc biệt). Một đặc trưng bản chất của nghệ thuật là sức tái sản xuất giá trị văn hoá của cái đẹp. Nhưng sức tái sản xuất này mạnh hay yếu, có tính cấp thời hay lâu dài vĩnh cửu còn phụ thuộc tất yếu vào sức sáng tạo nghệ thuật của tác giả được dồn nén trong năng lượng nghệ thuật của tác phẩm. Năng lượng nghệ thuật ở những tác phẩm lớn của các nghệ sỹ thiên tài thường tồn tại ở dạng tiềm năng, thế năng. Những dạng năng lượng tồn tại trực tiếp, hiển lộ trên “tấm thảm” ngôn từ chỉ là một cấp độ, một bình diện dễ nhận thấy.

Để đạt tới một năng lượng nghệ thuật có sức tái sản xuất mở rộng đến muôn đời, muôn người, ngoài thiên tài nghệ thuật, nhà văn còn phải là người sống cuộc sống của nhiều người, phải quằn quại, lăn lóc với bao kiếp đời đau khổ, phải thao thức với bao tâm sự và khát vọng của con người. Nói như Tản Đà: Phải nấu tim óc của mình lên mới sáng tạo ra nghệ thuật: “Bao nhiêu củi nước mới thành văn”. Nguyễn Du là một nghệ sỹ kiểu như vậy. Cho nên, cái mà ta gọi là năng lượng nghệ thuật có sức sản xuất văn hoá ấy, ngay từ 1820 - năm Nguyễn Du mất - Mộng Liên Đường đã gọi đó là bút lực khi nhận xét về tác giả Truyện Kiều: Nếu không phải có con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy.

2. Truyện Kiều là một kết thể văn hoá của ba nguồn thi pháp: Thi pháp truyền thống của văn học dân tộc, thi pháp thời đại và những sáng tạo hiện đại trong tư duy nghệ thuật của tác giả. Màn kết Truyện Kiều mở ra nhiều kết thúc có ý nghĩa văn hoá đa tầng do nó là sự tích hợp cuối cùng của cái kết thể kia.

Mặt khác, sức mở văn hoá của màn kết Truyện Kiều còn có nguồn gốc từ một xung đột rất đặc trưng trong hệ thống tư duy của Nguyễn Du. Đó là xung đột giữa tư duy ý thức hệ lỗi thời thông qua các triết luận siêu hình với tư duy nghệ thuật thông qua cái nhìn nghệ thuật hướng tới thế giới thực tại đầy sức sống của con người. Nói vắn tắt: Đó là xung đột giữa cái lý của tư duy triết luận với cái lý của tư duy nghệ thuật. Cái lý tư duy triết luận của nhà tư tưởng Nguyễn Du bắt nguồn từ một thế giới quan, một ý thức hệ đã chứng tỏ không còn sức sống. Còn cái lý của tư duy nghệ thuật lại bắt nguồn từ trái tim vĩ đại của nhà nghệ sỹ, trái tim đập nhịp đập của cuộc sống thời đại, vừa quặn đau cùng nỗi khổ của thế gian vừa hồi hộp trong một niềm vui đầy lo âu bởi những khát vọng mới mẻ hấp dẫn của cuộc sống con người.

Màn kết Truyện Kiều như trên nói có thể cho ta nhiều cách phán đoán về kết thúc của tác phẩm. Mỗi phán đoán đều có văn hoá của nó. Trước hãy miêu tả tóm tắt đoạn kết của tác phẩm. Đoạn này gồm 282 câu (từ 2.973 đến 3.254). Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân gọi là “đại đoàn viên”, trong Truyện Kiều ta thường gọi là màn Kim Kiều tái hợp. Đoạn này có hai phần tách biệt. Phần đầu 267 câu (2.973 - 3.240): Đó là những tình tiết cuối cùng của cốt truyện: Kiều được Kim Trọng và cả nhà tìm về từ thảo đường của Giác Duyên. Một nhà mừng vui mở tiệc đoàn viên. Thuý Vân đề nghị Kiều và Kim Trọng tổ chức lễ cưới. Kiều từ chối, nhưng cuối cùng phải chấp nhận. Đêm động phòng hoa chúc Kiều không chung chăn gối với Kim Trọng để giữ “trăm năm danh tiết”. Hai bên cùng kính phục nhau để từ nay “đem tình cầm sắt đổi sang cầm kỳ”, tình vợ chồng đổi ra tình bạn. Cả nhà khen ngợi ứng xử của hai người. Kiều lập am thờ Phật. Một nhà sống trong phúc lộc “vườn xuân đời đời”.

Phần sau của đoạn kết là 14 câu triết luận về vai trò của thiên mệnh, về thân phận của “tài”, về “nghiệp chướng” về vai trò của “tâm”. Màn kết thoạt nhìn tưởng như là một sự chứng minh cho tư duy triết luận siêu hình của Nguyễn Du trong quan hệ với những năng lực nhân tính và vận mệnh của con người: “Chữ tài liền với chữ tai”…, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Màn kết theo ý nghĩa này chỉ là một kết thúc có tính cách minh họa cho những chỉ dẫn ý thức hệ của tác giả, tức là chứng minh cho “một ý thức độc tôn” đã được lập trình. Nó có văn hoá của nó: Văn hoá của cái lý của một hệ ý thức. Nhà thơ vĩ đại vẫn còn phải sống trong khí hậu văn hoá của đẳng cấp mình.

Văn hoá của màn kết Truyện Kiều còn là một sự phát sáng truyền thống nhân văn trong văn học dân tộc mà văn học dân gian là nền tảng. Đó là khát vọng muôn đời của nhân dân về sức chiến thắng của cái thiện, của chất người chân chính đối với các thế lực bạo tàn. Như từ cổ tích bước ra, Thuý Kiều cũng trải “Hết nạn nọ đến nạn kia”, mười lăm năm quằn quại trong bùn lầy, chiến đấu một cách đơn độc để có được đoạn cuối của một đời người “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, để đoàn tụ với gia đình, với người yêu thương, để sống trong “vườn xuân muôn đời”. Văn hoá của sự kết thúc theo phán đoán này là văn hoá của niềm tin lạc quan vào sức mạnh hướng thiện của con người. Nó là một dấu ấn rõ nét trong cốt cách văn hoá dân tộc. Người lương thiện dẫu bị dìm xuống chín tầng bất hạnh, vẫn tin tưởng ở một ngày mai hạnh phúc, an lành. Đây là văn hoá của giấc mơ, của khát vọng có sức cổ vũ con người trên mọi nẻo đường tranh đấu cho tự do. “Bĩ cực thái lai”, kết thúc có hậu, kết cấu bi kịch - lạc quan như một dòng chảy của tư duy nghệ thuật dân tộc từ cổ tích đến truyện nôm cùng thời với Truyện Kiều. Đó là sự gặp gỡ giữa thi pháp dân tộc và thi pháp thời đại trong một văn bản nghệ thuật điển hình.

Người đọc hiện đại còn phát hiện văn hoá màn kết Truyện Kiều trong một góc tiếp cận khác. Đó là văn hoá cáo trạng. Màn kết Truyện Kiều có ý nghĩa như là bản cáo trạng cuối cùng (ý của Xuân Diệu) lên án chế độ xã hội phong kiến tàn bạo thù địch với con người kể từ các thế lực vật chất hữu hình của nó đến những sức mạnh siêu hình của ý thức hệ phản động ám ảnh con người, mê hoặc con người trong một “cõi phúc” lừa dối, một hạnh phúc ngụy tạo, con người bị mê tín hoá trong một “vườn xuân” ảo tưởng, trong một thiên đường hư vô, siêu thực. Vì sao vậy? Vì Truyện Kiều đã đến màn kết mà những thế lực bạo tàn vẫn tiếp tục tồn tại, sinh ra, vẫn được nuôi dưỡng trong môi trường của ý thức phản động, vẫn là kẻ thù của nhân dân, của con người lương thiện.

Như một nguồn sáng muôn màu, người đọc có thể nhận cho mình những ý nghĩa văn hoá khác nữa qua màn kết Truyện Kiều. Đó có thể là văn hoá cảm thương, văn hoá thanh lọc tâm hồn, văn hoá phản tỉnh… và cũng không loại trừ những người đọc cảm nhận ở màn kết Truyện Kiều một văn hoá của chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáo. Dưới đây xin chia sẻ cùng bạn đọc một cách nhìn về văn hoá màn kết Truyện Kiều.

3. Màn kết Truyện Kiều còn là một kết thúc bi kịch. Văn hoá của bi kịch hiểu ở đây là từ góc nhìn mỹ học chứ không phải góc nhìn xã hội học dung tục. Ta hãy đặt màn kết trong chỉnh thể của thế giới nghệ thuật toàn vẹn của tác phẩm. Đây là thế giới được Nguyễn Du xây đắp bằng cái nhìn nghệ thuật từ “những điều trông thấy” giữa cuộc đời trần thế ngổn ngang chung quanh ông, chứ không phải là thế giới được thiết kế, được lập trình từ “cái lý” của tư duy ý thức hệ.

Thế giới ấy bắt đầu từ buổi chiều bất tử (chữ của Phan Ngọc) của ngày thanh minh Kim - Kiều gặp gỡ. Buổi chiều bất tử này đã khơi dậy niềm khát sống nhân loại mà ngàn năm rồi trái tim bị đè không dám đập (Xuân Diệu). Đó là khát vọng tình yêu của con người trong một ý thức mới về quyền tự do, tự trị của hai chủ thể người khác giới. Đây là khát vọng chính yếu của con người trong Truyện Kiều. Nó là linh hồn xuyên suốt tác phẩm. Nó là sức mạnh tinh thần cho Thúy Kiều vượt qua mười lăm năm bầm dập trong tay các thế lực bạo tàn thù địch với con người. Suốt mười lăm năm ấy, không giây phút nào nàng thoát khỏi sự ám ảnh đầy đọa về nỗi bất hạnh lớn nhất của mình từ bi kịch tình yêu. Những nỗ lực vươn lên tranh đấu (kể cả những nỗ lực sai lầm) không những không giúp nàng có cơ hội phục sinh tình yêu mà lại càng đẩy nàng đi xa hơn đến tận chân trời góc bể, cùng trời cuối đất. Còn Kim Trọng, chàng cũng bị đày đoạ triền miên suốt mười lăm năm bởi khát vọng tình yêu đã bị các thế lực đen tối chôn vùi. Trở lại vườn Thúy khi người yêu đã “cất mình ra đi”, chàng cũng đã trải qua nỗi đau ly biệt: Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao… Cuộc hôn nhân không tình yêu với Thuý Vân trở thành nhân tố xúc tác thường xuyên kích động nỗi đau tình yêu tan nát của chàng. Khi dò la được tung tích của Thuý Kiều, chàng đã cả quyết lựa chọn:

Rắp mong treo ấn từ quan

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha

Dấn mình trong áng can qua

Vào sinh ra tử hoạ là thấy nhau.

Rõ ràng lựa chọn này đã đặt khát vọng tình yêu cao hơn nghĩa vụ ý thức hệ, cho thấy khát vọng ấy mãnh liệt đến chừng nào. Nhưng khát vọng đó trên thực tế đã hoàn toàn tan vỡ. Trong màn kết Truyện Kiều, Thuý Kiều đã thực hiện hai sự từ bỏ. Thứ nhất là từ bỏ mối tình cầm sắt với Kim Trọng. Ngay trong phút gặp lại trước Phật đường Giác Duyên, khi Vương ông yêu cầu “cùng về một nơi”, Kiều đã nói ngay không cần đắn đo, tính toán rằng thực ra nàng đã chết theo mặt nước chân mây rồi. Việc gặp lại cả nhà, từ điểm nhìn của nàng chỉ là màn tái thế tương phùng thôi: Được rày tái thế tương phùng. Đó là cảm quan phục sinh, cảm quan kiếp khác, còn kiếp này thực sự mình đã bị chôn vùi dưới đáy Tiền Đường: Con đò đợi chị về không/ Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường2. Do đó, vừa gặp nhau trước Phật đường nàng đã tuyên bố: Sự đời đã tắt lửa lỏng… Trở về đoàn tụ là bắt buộc phải chiều lòng.

Thứ hai là Kiều từ bỏ khúc đàn định mệnh từ ý thức bên trong của nàng. Thực chất đó là một ảo tưởng bằng an, đắp đổi sau mười lăm năm tan nát. Chia tay với khúc đàn định mệnh tưởng để tìm một lối thoát, nhưng cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du còn “tàn nhẫn” hơn nhiều. Ông muốn đi đến tận đáy cùng bi kịch của con người. Ông dựng lên màn “tái thế tương phùng” để đẩy nhân vật vào sự đày đoạ đau đớn nhất: Mười lăm năm quằn quại đấu tranh và tìm kiếm để dẫn đến đoạn đời tái hợp còn đứt ruột hơn cả những nỗi đau xưa: Hai con người với một tình yêu đẹp thế, giờ đây thường trú dưới một mái nhà nhưng không được sống trong hạnh phúc của tình yêu. Còn có nỗi đày đoạ nào hơn đối với trái tim những con người yêu dấu. “Thịt da ai cũng là người”, chính Nguyễn Du đã nói vậy. Thà cho Thuý Kiều chết đi còn đỡ đau đớn hơn là ban cho nàng sự tồn tại như một án tù chung thân mãn kiếp. Nhưng đó mới là sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du và cũng là một nét nổi trong truyền thống nghệ thuật dân tộc Việt khi phản ánh bi kịch của con người: Nặng về bi kịch tinh thần của kiếp người hơn là cực tả nỗi đau vật dục. Người phương Tây không thể chịu đựng nổi kiểu kết thúc này, nhưng lại bày tỏ sự cảm phục đối với sáng tạo độc đáo đầy đau đớn của Nguyễn Du. Xudan Xôntăc, nữ văn sỹ người Mỹ đã có một phát hiện so sánh hoàn toàn chính xác khi bà nhận xét về màn kết Truyện Kiều trong cuốn ký sự Chuyến đi Hà Nội: Với khẩu vị thẩm mỹ phương Tây, chúng ta thích thấy cô Kiều chết vì ho lao trên tay người yêu trong ngày tái hợp hơn là thấy nàng được ban thưởng một thời gian chung sống mà phải chịu đựng như vậy3.

Rõ ràng, nghệ thuật phương Tây có ưu tiên miêu tả cận cảnh hơn nỗi đau vật dục của con người trong những kết thúc bi kịch để gợi niềm đồng cảm nhân loại. Nguyễn Du đại diện cho truyền thống nghệ thuật Việt Nam lại muốn đặc tả bi kịch tinh thần của kiếp người.

Màn tái hợp của Truyện Kiều, tiềm ẩn phía sau tấm thảm ngôn từ trực tiếp miêu tả “vườn xuân muôn đời” là một giải kết bi kịch. Giải kết bi kịch này là cách nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du về số phận của con người. Đó là bi kịch của một khát vọng lành mạnh của con người muốn vươn tới cuộc sống hài hoà. Trở về đoàn tụ với gia đình nhưng Thuý Kiều phải sống khắc khoải trong kiếp lưu đày ngay giữa nhà mình, bên cạnh người yêu mình. Nguyễn Du cũng khắc khoải đợi chờ ba trăm năm sau… có ai người đồng cảm tri âm với ông về bi kịch của kiếp người? Những thế lực thù địch của con người chưa bị tận diệt, con người còn tiếp tục bị xô đẩy vào bi kịch, hiển nhiên ông phải tìm được nhiều bạn tri âm để đồng cảm với ông về số phận con người.

 

 

Chú thích:

 

(1) Dẫn theo Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục 1992, Trang 227.

(2) Trương Nam Hương, Ngoảnh lại tháng năm, Thơ, NXB Văn học 1995, Trang 41.

(3) Chuyến đi Hà Nội, Theo bài giới thiệu của Nguyễn Đức Nam, Tạp chí Văn học số 8, 1972.

 

 

Lê Văn Tùng

 

[*]

 



[*] Khoa Ngữ văn - Đại học Vinh


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60717998

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July