Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Khát vọng về một cái đẹp Khát vọng về một cái đẹp , Người xứ Nghệ Kiev
 

  Thật tình là khi viết truyện ngắn đầu tay in trên báo Văn học tháng 3 năm 1961, tôi đâu đã có đầy đủ ý thức về nghề văn của mình! Ý thức về nghề đến từ từ, theo một quá trình thẩm thấu, có quan hệ với sự trưởng thành của tay nghề. Cũng chưa phải có ngay được cái nhìn toàn cảnh, nhận ra người nhận ra mình trong sự so chiếu qua lại. Rằng, trong một kết cấu tổng thể, nhu cầu cuộc sống đã phát sinh ra nghề này, nghề khác, nên một thái độ tự tôn hay miệt thị một nghề nghiệp nào sẽ là vô lý và nực cười. Huống hồ, nhờ thông tin thời hiện đại biết rõ thêm rằng, để đạt đến chuẩn thì một cầu thủ bóng đá, một vận động viên nhảy cao cũng phải trải qua những năm tháng khổ luyện chẳng kém một diễn viên ballet, một ca sĩ. Không cực nhọc vất vả chuyên cần, không có chút tài năng bẩm sinh thiên phú, làm sao có được một đạo diễn tài ba, một nghệ sĩ ưu tú, một bác sĩ phẫu thuật có đôi tay vàng, một nghệ nhân xuất chúng. Ai thì cũng phải dốc hết tâm sức vào công việc một cách tỉ mỉ, kỳ khu chứ đâu chỉ có anh nhà văn là cặm cụi, lẩn mẩn với từng con chữ và công việc của mình.

Vâng, nhà văn cặm cụi với từng con chữ, tôi thích hình dung người viết văn ở nước ta như vậy. Và sức hấp dẫn của nghề văn với tôi, trước hết là thế, là ở sự cặm cụi âm thầm với từng con chữ, để rồi qua tổng thể phóng chiếu như thấm nhuần phép lạ, tạo nên một chế phẩm văn chương hoàn thiện, đẹp lộng lẫy nguy nga. Đẹp như một toà lâu đài, như Truyện Kiều, như các tác phẩm cổ điển mà tôi đã được đọc. Biết chọn trong đống chất liệu bề bộn những giá trị trường cửu, xếp đặt chúng theo một ý nghĩa gọi là văn thì ngoài thiên tài kiêm thánh triết ra không ai làm nổi! Đó là ý kiến phóng tác từ tư tưởng của Khổng Tử. Tôi rất thích ý kiến này. Nó cho tôi cảm giác kiêu hãnh và sung sướng đến nghẹt thở. Nhờ nó tôi nhận ra sự thiêng liêng cao quý và cái bí ẩn kỳ diệu của công việc văn chương sáng tạo.

Tôi ngờ rằng, những bạn đọc đẳng cấp cao quý trọng và ngưỡng mộ hết mực các tài năng văn học cũng là ở sự nhận biết này. Họ nhận ra chân dung nhà văn ở chức phận thiêng liêng cao quý của anh ta và khả năng kỳ diệu của công việc mà anh ta theo đuổi. Nói về tiểu thuyết của mình, M. Kundera cho rằng, nó là một thiết bị có khả năng sáp nhập tối đa mọi diễn từ nhằm đạt tới một hiệu quả chân lý mà không một phương tiện nào có thể đạt được.

Vận dụng ý tưởng này của M. Kundera, tôi nghĩ rằng văn chương cũng chính là vậy, nó là một kiểu hình tướng diễn đạt một chân lý mà không có một kiểu cách nào đạt được như nó. Tính độc đáo của văn chương và sự sáng tạo có tính thần thánh có thể đó là nguồn cảm hứng cuốn hút mãi mãi tôi. Chứ không phải là cái danh đơn thuần, cái tiếng tăm thông tục. Càng không phải là vì đồng tiền nhuận bút. Đúng là thế! Không phải vì nhuận bút, kể cả những lúc đời sống khó khăn nhất, có được đồng nhuận bút đồng nghĩa với bữa cơm gia đình có thêm một món ăn, con cái có thêm cái áo để mặc. Câu chuyện nhuận bút chỉ nổi lên khi tác phẩm đã hoàn thành, đã xuất bản, đã trở thành hàng hoá trên thị trường. Chứ nó không có giá trị chi phối gì khi tôi bắt đầu viết, hoặc đang loay hoay với từng con chữ, với từng hình ảnh. Nó không có tác dụng quyết định gì đến kết cấu, độ dài ngắn của cuốn sách, mặc dầu ai cũng biết thông thường độ dài hơn thì có tiền nhuận bút nhiều hơn. Quá trình sáng tác là một quá trình nhập đồng, thăng hoa hoặc đau đáu dằn vặt, nhưng là xa lìa hoàn toàn tục luỵ phàm trần, với tất cả bồi hồi trước cái bí ẩn chưa hề biết, với những gắng gỏi trên sức của mình, trong cơn say mê điên rồ duy nhất, với khát vọng duy nhất là tạo dựng toà lâu đài nguy nga tráng lệ của mình. Và đó là tính tự do tuyệt đối của nghề văn. Ở đây quyền lực nào cũng bị gạt ra ngoài. Ở đây chỉ có chủ thể là nhà văn với oai quyền tuyệt đối. Tôi tin rằng đó là bản năng trong sáng hồn nhiên tuyệt vời của sự sáng tạo ở nhiều nhà văn có tài thật sự. Chính là cái thiêng liêng, cái bí ẩn của văn chương đã hút hồn họ. Và đó là căn nguyên của sự tồn tại của thứ nghệ thuật ngôn ngữ siêu đẳng này. Văn chương sẽ còn mãi mãi với con người như một lẽ tự nhiên kỳ lạ, cho dù nó là một thứ hàng hoá bị trả giá quá thấp, cho dù nó bị dè bỉu dìm dập; cho dù nó có thể gây nên bao nhiêu oan khổ, cho đời người. Đó là điều ta đã thấy qua cái thoải mái, thanh thản, thậm chí ngông ngạo của không ít các nhà văn.

Về điều này, Nguyễn Thành Long là một trong mấy mẫu hình tiêu biểu mà tôi hằng ngưỡng vọng. Ông yêu văn chương với một tình yêu thuần khiết vô vọng. Ông tận tuỵ với nó như đối với một đấng bề trên linh thiêng. Văn chương còn mãi, nó xá gì dăm ba thứ thông tin, nghệ thuật nghe - nhìn đang tràn lấn và gây cảm giác thống trị. Văn chương còn mãi. Vì trước sau còn một lớp người chung thuỷ một mực với nghề này. Một nghề nghiệp chả ai phân công, chả ai bó buộc anh cả. Anh tự nguyện đến với nó rồi anh sung sướng anh đau khổ với nó. Và như Bùi Ngọc Tấn đã nói: Tôi rất khâm phục nhà văn nào đó đã viết rồi lại bỏ nghề. Nguyên Bình, viết tiểu thuyết Người mù và tôi khi mang bệnh hiểm, kề bên cái chết. Vào nghề, có nhà văn phát tiết anh hoa sớm, có người như cây kết trái muộn. Trong quá trình làm nghề, có người gặp may mắn nhiều, có người gặp rủi ro nhiều. Có người ngay từ trang viết đầu tay, tài năng đã hé lộ, tác phẩm như một đoá hoa rừng tinh khôi. Có người cả đời lọ mọ đào giếng dưới lòng đất sâu để khơi nguồn mạch. Có người tài hoa nằm ở câu chữ, hình ảnh. Có người năng lực biểu hiện ở kết cấu. Có anh sống và viết lủi thủi cô đơn. Có anh sống và viết ồn ào giữa bạn bè, cánh vế. Nhưng, tôi tin rằng với văn chương, tất cả đều phải trải mình lên trang giấy. Chẳng thể có sự lừa mị, giả trá ở đây được. Giá trị của nó là một sự thật, được đo bằng nguyên lý Acsimet.

Tôi đã lại sống trong tâm trạng đầy cảm hứng văn chương như vậy khi đã ở độ tuổi ngoại bảy mươi, cũng giống như khi viết những dòng đầu tiên của cuốn sách đầu tay, Đồng bạc trắng hoa xòe... rồi tiếp đó là những Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời, Đám cưới không có giấy giá thú... thôi thúc tôi luôn luôn là một khát vọng cháy bỏng: gắng sức để đạt tới một cái đẹp thật tráng lệ trong văn chương. Tuy nhiên vào lúc này thì vẫn là một bất ngờ! Vì cứ tưởng sau Ngược dòng nước lũ là sẽ đoạn tuyệt hẳn với việc viết dài. Nào ngờ, trong những ngày ốm đau bệnh tật hành hạ vì tuổi tác - tháng 10 năm 2007, tôi phải nhập Viện Tim mạch, làm can thiệp tim mạch, đặt 3 cái stent vào động mạch vành và từ đó là hết bệnh nọ đến tật kia phát sinh - bỗng hiểu ra một điều quá ư giản dị là đời mình còn ngắn lắm; và thế là nảy sinh ra ý nguyện muốn kể nốt những gì mình còn chưa kể trong hành trình đời mình. Ở chỗ này, Nguyễn Tuân có một ý rất hay. Khi khen Nguyên Hồng sống nhiều hơn ông, ông biện giải: Sống có nghĩa là viết nó lên trang giấy!

Tiểu thuyết Một mình một ngựa ra đời trong hoàn cảnh đó. Cuốn sách   tái hiện quãng thời gian tôi làm thư ký cho Bí thư tỉnh uỷ Lao Cai. Nó có dáng dấp một tự truyện của tác giả. Tuy nhiên điều tôi muốn gửi gắm còn có vẻ như là xa hơn. 

Một mình một ngựa, hình tượng đầy cảm hứng kiêu hùng đó đồng thời đã hàm chứa ở trong nó mặc cảm cô đơn của mỗi đời người trong cuộc sống vốn là sản phẩm của tạo hoá mang sự hoà trộn hữu cơ giữa vẻ đẹp anh hùng cao cả lãng mạn phi thường với thói đời nhỏ nhặt, tầm thường, thậm chí đê tiện xấu xa… Chủ đề ấy của tiểu thuyết được tôi cố gắng thực hiện bằng một nghệ thuật trần thuật có dụng ý phác thảo một loạt chân dung một lớp người, một thế hệ cán bộ ở một thời điểm nhất định của đất nước - những tính cách giàu tính chân thực đa dạng, như một đính chính những ngộ nhận về họ ở cả hai phía cực đoan hoặc tô hồng huyền thoại hoá họ, hoặc giễu nhại và phủ định sạch trơn họ. 

Vào nghề rồi say nghề đến mức không thể dứt ra được, đó là điều tôi nhận ra sau cả một quá trình làm nghề. Văn chương, nó là cái gì vậy mà như một thứ bùa mê thuốc lú, lại như một cháy bỏng khát muốn trong nỗ lực đến kiệt sức và không hiểu có nên cơm cháo gì không, để vươn tới sự toàn thiện toàn mỹ trong cơ cấu, trong chủ đề, trong ngôn ngữ văn chương, khiến tôi sau cuốn Một mình một ngựa, đã tưởng sẽ thôi hẳn việc viết lách, vậy mà, lạ chưa, nhúc nhắc chân tay, đầu não tỉnh táo một chút, lại muốn cầm ngay lấy cây bút. Và thế là đã vào sâu tuổi bảy mươi rồi, năm 2011, tôi lại cho in hai cuốn tiểu thuyết về đề tài hình sự, về người chiến sĩ công an hiến dâng sinh mệnh mình cho sự nghiệp cao cả diệt trừ cái ác: Bóng đêm và Bến bờ

MA VĂN KHÁNG

Theo Vannghequandoi


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60721996

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July