Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 26/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Gửi thư Bản in Đất nước theo em ra ngõ một mình... - Khuất Bình Nguyên Gửi thư Bản in Đất nước theo em ra ngõ một mình... - Khuất Bình Nguyên , Người xứ Nghệ Kiev
 

http://vanvn.net/upload/news/admin/logo.jpgVanVN.Net – Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Nếu thi ca là lịch sử được viết bằng số phận của con người thì nhà thơ xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong chống lại sự quên lãng. Thi ca là trí nhớ của lịch sử”. Hãy để thời gian che chở cho Thơ. Thi sỹ chẳng là ai cả vì thơ anh đã nói hộ cả rồi. Anh chỉ là những gốc rạ dâng hiến cho đời những mùa lúa chín. Đừng đi tìm anh nữa…

Nếu Chế Lan Viên dành cả đời mình băn khoăn và trăn trở với câu hỏi: Ta là ai? – Câu hỏi về sứ mệnh và trách nhiệm của người thi sỹ thì có một nhà thơ đã suốt đời đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy. Ta đi trong rừng suốt một đời trai trẻ. Ta gửi mồ hôi dưới bể, để ngày sau lại nhớ lại đi tìm. Người lính lên rừng xuống bể ấy tự làm thơ ghi lại cuộc đời mình. Đã có lúc Ta yên lặng vì quá nhiều mây trắng mà không thoát khỏi sự níu kéo của cuộc đời. Tôi như cây biết giấu lá vào đâu, giữa gió bụi cõi người. Đôi khi không khỏi chạnh lòng những vết sẹo của quá khứ hơn một lần nâng đỡ thi nhân… Trong những câu trả lời ấy, có câu làm tôi day dứt mãi không thôi. Tôi ấy mà, một gốc rạ bơ vơ. Lúc đầu, đặt trong văn cảnh bài Lời thưa viết năm 1987, tôi nghĩ đó chỉ là tâm trạng bâng khuâng một thời đã qua, khi mà lũ trẻ cùng thế hệ lần lượt rủ nhau trở thành người lớn. Chỉ còn thi sỹ của chúng ta ở lại trên cánh đồng mênh mang của tuổi thơ. Nhưng không. Đọc toàn bộ thi phẩm của ông, xâm nhập vào cái thế giới tinh thần rộng lớn ấy, dường như gốc rạ bơ vơ còn mang những ý nghĩa khác trong sứ mệnh và thân phận của người làm thi sỹ. Người đã viết nên câu trả lời nặng trĩu tình đời ấy là nhà thơ Hữu Thỉnh.

Kể từ bài thơ đầu tiên trình làng trên báo Văn nghệ số 174 ngày 26-8-1966, bài thơ Về một khúc sông đến thơ viết sau gần một thập niên đầu của thế kỷ 21, thi sỹ có gần 50 năm liên tục cầm bút làm thơ. Nhưng ông không có may mắn như một số nhà thơ khác được giải các cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ năm 1969 và 1972. Họ đã sớm nổi danh và được hưởng sự ưu ái của nhiều thế hệ độc giả. Năm ấy, chàng trai trẻ miền đất trung du nhà ta đến trường thi muộn. Bài Tắm mưa khi gửi ban tổ chức thì cuộc thi đã mãn. Tình ý thơ cũng lạ. Nhưng muộn mất rồi. Cuộc thi đã công bố kết quả trên báo Văn nghệ số 335 ngày 13 tháng 3 năm 1969. Tắm mưa được in sau đấy 7 ngày – báo Văn nghệ ngày 20 tháng 3 năm 1969. Thế là nhỡ một giấc mơ. Các tên tuổi của thi ca chống Mỹ cứu nước được ghi nhận sớm từ Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu đến Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh và nhiều người khác. Còn Hữu Thỉnh, những sáng tác in trong tuyển có tên gọi Tiếng hát trong rừng, phần nhiều được viết trước 1975, chừng độ 22 bài, chưa gây được tiếng vang nhiều lắm. Mặc dù có một số bài hay, biểu lộ cái tinh tế của thi sỹ trước những rung động thầm kín của thiên nhiên. Điều này được Hữu Thỉnh gìn giữ cẩn thận đến những năm về sau. Tiếng hát trong rừng ghi nhận một chặng đường của Hữu Thỉnh – đi tìm chính mình mà chưa tìm thấy hết.

 

Phải đợi đến năm 1975, sau khi đoạt giải nhất cuộc thơ mà ông đã ấp ủ từ năm 1969, liên tục từ đấy, sức sáng tạo của Hữu Thỉnh bừng sáng và có lẽ ông đã trở thành một trong số ít nhà thơ thế hệ chống Mỹ cứu nước giữ được trường sức những năm dài sau 1975 trên con đường tiếp tục khám phá vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam ở những đoạn không kém phần bi tráng, khi nhớ lại và suy ngẫm về cuộc chiến vừa đi qua như còn nóng hôi hổi trên những dòng sông và đồi núi cũng như cuộc chiến đấu sinh tử bảo vệ bờ cõi biên cương. Nỗi trăn trở nhọc nhằn và đa đoan của cuộc phục sinh những năm đổi mới với việc kết hợp cảm xúc trong sáng, chất trí tuệ ngày càng sâu lắng làm nên một phong cách độc đáo qua 4 tập thơ đặc sắc: Đường tới thành phố; Thư mùa đông; Trường ca biển; Thương lượng với thời gian.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (ảnh: PL)

Có lần Hữu Thỉnh nói: Mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Ông đã cố gắng làm như vậy trong hiện thực sáng tác của mình. Có lẽ vì thế, Hữu Thỉnh trải nghiệm và có thành tựu ở nhiều thể loại. Từ lục bát đến thơ 4 chữ, 5 chữ. Những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt biến thể ngắn gọn, có sức biểu cảm. Đáng chú ý, cùng với Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo… Hữu Thỉnh đã đóng góp cho nền thơ hiện đại Việt Nam những bản trường ca đặc sắc mà các thế hệ nhà thơ lớp trước ít sử dụng thể loại này.

Trong bốn bản trường ca: Sức bền của đất (1975); Lá cờ thức tỉnh (1976); Đường tới thành phố (1977–1978); Trường ca Biển (1981 - 1994)... Có tới ba bản trường ca được giải. Nhưng xét trên cả tiến trình sáng tác của Hữu Thỉnh, Đường tới thành phố có ý nghĩa hơn cả. Dường như không phải trước hết ở việc đổi mới nghệ thuật thi ca mà là tiếng nói của thế hệ người Việt Nam với khẩu súng trường tinh vi và ngắn lại mà đường ra trận lại dài thêm. Một thế hệ mang theo Mỗi quyển sách nặng bằng năm viên đạn vào cuộc trường chinh khói lửa. Chính thế hệ ấy viết nên sử thi của thời đại mình.

Hữu Thỉnh vốn xuất thân là một người lính trận 100%. Ông từng là đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ, khóa 10 và khóa 11. Mười năm là thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất. Có ngồi trong nhà Quốc hội một ngày thôi mới biết thời gian ấy không phải là ngắn vì những chương trình làm luật quá dài. Nhưng trước sau, Hữu Thỉnh vẫn là một thi sỹ đích thực. Người đời chắc sẽ chỉ nhớ ông với tư cách một nhà thơ. Mặc dù ông là người hiểu biết sâu sắc những vấn đề chính trị của thời đại. Và điều đó thể hiện trong toàn bộ thi phẩm, trong cái thế giới tinh thần khi thì bi tráng khi thì đầy ẩn ức những khắc khoải về lẽ sống của thời đại ông. Trường ca Đường tới thành phố đánh dấu một bước ngoặt của đời thơ Hữu Thỉnh. Nó khác hẳn về tầm vóc và cảm hứng sáng tạo so với thi ca của ông trước đó. Nó đưa ông tới một giai đoạn sau đấy tất cả dường như khởi nguyên từ Đường tới thành phố.

Trường ca Đường tới thành phố dài 1713 câu. Gồm 5 chương: Ngọn lửa chiến trường; Tư lệnh; Điệp khúc những cây cầu; Tờ lịch cuối cùng; Tự do. Cùng nhiều khúc trong mỗi chương. Một bản giao hưởng những âm thanh của quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau bởi một nghệ thuật lồng ghép giữa thực tại và hồi tưởng. Bản giao hưởng về chiến tranh và hòa bình được một người trong cuộc viết ra bằng những sự kiện và con người đa sắc, đa diện trên nền cảm xúc mãnh liệt và hồi tưởng bi tráng cùng với kết cấu đa chiều khi thì tương phản, khi thì giãi bày, dựng lên toàn cảnh về cuộc chiến từ những ngày gian khó đến chiến thắng cuối cùng, từ chiến trường lửa đạn đến miền quê hậu phương xa xôi, thông qua tâm trạng của những nhân vật trữ tình. Đất nước, nhân dân, người mẹ và nhất là người lính, nhân vật trung tâm của chiến tranh cách mạng. Người vợ, người em gái mến thương. Họ có một điểm chung là thiết tha yêu hòa bình và không có tên. Bởi cuộc chiến tranh này những anh hùng vô danh nhiều hơn, thầm lặng hơn và chịu thiệt thòi hơn rất nhiều những người có tên đã may mắn được lịch sử ghi lại. Nhiều người, rất nhiều người trong số họ nằm lại giữa tiếng đất ru muôn đời của quê hương trong thơ Hữu Thỉnh. Phải chăng đây là chỗ khác biệt của thi sỹ với nhà sử học?

 

Mở đầu trường ca được đốt lên bằng ngọn lửa chiến trường. Không phải ngọn lửa của đạn, của bom, ngọn lửa của cái ác. Ngọn lửa ở đây được đốt lên bởi hy vọng, tình yêu và niềm tin chiến thắng. Không biết bằng cách nào lửa đã nhóm lên/ Như không phải củi rừng đang cháy/ Có gì đó trong đốm tàn hoa cải/ Cứ bay lên làm nhẹ cả người ngồi.

Có người nói chương 1 của trường ca xa với chủ đề. Tôi không nghĩ như thế. Vì Ngọn lửa chiến trường như cách lý giải về những nghĩ suy và tâm tưởng của một thế hệ ra trận ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Chương 2 kể về cuộc đời viên tư lệnh. Chương 3, Điệp khúc của những cây cầu kể về sự hy sinh của người chiến sỹ chiến đấu trong lòng địch, của bộc phá viên và của lính lái xe tăng đặt trong một trường đoạn lớn của chiến tranh từ những bàn đạp, đến khúc hát cửa mở và cuối cùng thần tốc để chiến thắng. Cả đất nước đổ ra đường, tiềm lực lớn những binh đoàn chiến lược. Điểm thành công của Hữu Thỉnh ở chỗ, với bức phông toàn cảnh của lửa đạn chiến trường, ông lựa chọn sự kiện điển hình mang tính biểu tượng nhất. Kiềm chế không để cho sự kiện lấn át cảm xúc. Những người lính vô danh xuất hiện đều hy sinh mà không bi lụy, mà chan chứa những xúc cảm yêu thương và tự hào trong sự kết hợp uyển chuyển nhiều thể thơ. Thơ tự do, lục bát, thơ văn xuôi tạo nên giai điệu chân thực về cuộc chiến đấu của dân tộc ta những năm đánh Mỹ. Nhiều đoạn tự sự, kể chuyện mà không sa vào chi tiết. Đặc biệt có nhiều đoạn thơ về gian khó của chiến tranh làm sáng tỏ những phẩm chất của người lính.

 

Người lính trong cơn sốt rét, cảnh thường gặp của bộ đội ta trên chặng đường dài hành quân từ Bắc vào Nam. Anh lớn lên đâu biết trước một ngày/ Ngồi nhặt sấu dưới vòm cây sốt rét/ Nắng ký ninh rải rác dọc đường thưa/ Thèm trăm thứ nhưng đồng bằng thèm nhất.

 

Những ngày không còn gạo để ăn. Lính ta đi mót lúa ở cuối bìa rừng lúc giặc vừa rút đi. Cả đất rừng đất núi mênh mông là thế mà hiếm hoi hạt thóc nuôi người. Gió ầm ào qua nương. Những bông lúa chỉ còn là bã gió.

Mấy thế hệ người lính, mấy thế hệ cha con, người người lớp lớp khắp từ Bắc chí Nam gươm súng ra chiến trường. Lính 69, lính 72, lính tái ngũ còn giữ nguyên chức vụ quân hàm, ríu rít giọng Nam, giọng Bắc… Câu thơ văn xuôi trải rộng đầy hứng khởi… Để rồi tất cả những hy sinh mất mát, những khúc tâm tình. Ở nhà dài những năm canh, từ bậu cửa bước xuống sân cũng dài… dồn đến khúc thần tốc Cành ngụy trang qua gió thổi ba miền. Xô bồ, ào ạt, cuồn cuộn là thế nhưng Hữu Thỉnh không rơi vào giản đơn. Ông dựng lại trận đánh ác liệt ở rừng cao su Xuân Lộc nửa giờ trước là ta nửa giờ sau chúng chiếm. Bất ngờ và xúc động nhất của khúc thần tốc là hình ảnh chiến sỹ lái xe tăng hy sinh. Anh không để lại gì. Chỉ để lại dấu tay in vào nửa nắm cơm. Cái phần cơm để lại không bao giờ ăn được nữa. Sắt thép vô danh như cuộc đời chiến sỹ. Có nắm cơm đã cháy thành than. Đen chỉ còn một nửa. Có dấu tay in lõm vào trong. Ngón tay bè của đồng chí lái. Các anh ăn nửa bữa trong ngày…

 

Sau thần tốc là chiến thắng. Tôi nghĩ nguồn cảm xúc của Hữu Thỉnh sẽ dừng lại để nhường chỗ cho pháo hoa và cờ đỏ sao vàng. Nhưng không. Bản lĩnh sáng tạo của ông không dừng lại ở đó. Ông viết tiếp chương 4 – Tờ lịch cuối cùng, lại là chương hay nhất của trường ca. Với những khúc hồi tưởng lại quá khứ; một đoạn lùi về ngày xưa. Không phải không có lúc ngậm ngùi những năm gian khó. Nhẹ nhàng mà xúc động như thêm một lần giải nghĩa cho căn nguyên của chiến thắng. Tờ lịch cuối cùng không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của một phong cách thơ mà còn là một trong những báo hiệu sự chững chạc của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ cứu nước. Thơ ca thời đó có nhiều thành tựu ở chủ trương chân chân chân, thực thực thực - đưa hiện thực nguyên khối đi vào thơ. Nhưng quá đi một chút đã có tác giả, đã có bài thơ còn quá xem trọng chi tiết, sa vào sự kiện, đôi khi chưa chú ý thể hiện đầy đủ vẻ đẹp tâm trạng của nhà thơ. Có lúc cái thực lấn át cái ảo. Cái tất nhiên nhiều quá mà ít cái ngẫu nhiên. Tờ lịch cuối cùng là khúc hồi tưởng nhiều hoài niệm. Những chiến sỹ từ rừng sâu trở về, từ đường số 1 chạy thi với biển để biển mệt nhoài nằm thở ở Nha Trang, những chiến sỹ màu da bộc phá, qua mùa đông men mét cổ tay gầy, không quên bài hát của người em gái Trường Sơn năm ấy làm xốn xang người lính giữa rừng mưa. Mưa miền đông ướt áo các em rồi. Mưa đã tạnh mấy năm. Nhưng tiếng mưa ấy còn tí tách trong tâm khảm của người lính mỗi tuổi quân chịu 6 tháng mưa rừng để họ mến yêu cái rào rạt của sông Tiền thanh bình sau chiến tranh. Đoạn thơ về người chị ở thôn Vườn Trầu ngắt được nhiều sự kiện nhờ tâm trạng vừa thực vừa mơ, vừa cay đắng vừa day dứt của hai mươi năm chờ đợi người chiến binh trở về. Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc…/ Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch.

Đến câu thơ thứ 1343, Hữu Thỉnh dành tâm tình cho người em gái ở làng quê xứ Bắc hậu phương, sau khi ông kể về mẹ, về cha ở ngoài ta độ này đang giáp hạt, năm thì ngắn mà tháng ba dài thế. Những nhà ga, những ruộng sắn, những đoàn tàu chậm chạp vì đông người chạy bữa, những lúa đồng mỏi mắt vẫn chưa hoe. Chưa có gì để nói đấy là tình yêu mà sao ngan ngát chuyện ngày xưa. Có gì bâng khuâng theo bước chân người em gái ấy? Có phải mùa hoa cau nở đã qua rồi?

Đất nước theo em ra ngõ một mình

Cau vườn rụng một tàu đã cũ…

Vâng, lịch sử đã sang trang, sau một lần bóc tờ lịch cuối cùng của chiến tranh, phía trước là hòa bình. Tôi muốn dừng lại ở nơi này, mặc dù bản trường ca còn gần 400 câu nữa đầy ắp sự kiện và thổn thức bao nhiêu cảm xúc ngày trở về. Người ta tưởng Đường tới thành phố đến chương Tự do là kết thúc. Nhưng Hữu Thỉnh lại chọn một kết thúc mở. Tôi muốn nói tới phần Hồi âm ở cuối trường ca gồm 100 câu thơ về cuộc chiến đấu trên đảo. Vào thời điểm 1977 - 1978, thi sỹ dường như linh cảm được trang mới của lịch sử chẳng thể bình yên đang đón đợi ở phía chân trời.

Đường tới thành phố được Hữu Thỉnh viết trong tâm trạng mà câu thơ thứ 1594 miêu tả. Tôi bị lắc giữa hai chiều hư thực đã đạt tới tầm bao quát nhiều vấn đề của chiến tranh và hòa bình, lẽ sống và tình yêu của người Việt Nam trong lửa đạn. Cái mà họ có là hòa bình đã phải trả giá bằng rất nhiều hy sinh. Trường ca là đỉnh cao trong sự nghiệp thi ca của Hữu Thỉnh. Sau đấy chừng 10 năm, quãng 1981 – 1994, ông còn viết Trường ca biển khi Đảo tìm nhau xếp lại đội hình. Có nhà thơ dùng cả kinh dịch để phân tích thành công của trường ca này. Nhưng những gì sáng tạo của Trường ca biển và các tập thơ sau này đều là bước phát triển đã được ông hoàn thiện trong Đường tới thành phố. Đường tới thành phố là một sự tròn đầy của phong cách thơ. Nhưng đoản thi trong Thư mùa đông Thương lượng với thời gian có một bước tiến lên về mặt thi pháp. Thư mùa đông chủ yếu là tâm tình, tâm sự. Thương lượng với thời gian nghiêng tới cõi chiêm nghiệm về thế sự. Một yêu cầu cấp bách của đời sống - sự tái nhận thức những hệ giá trị về con người và lẽ sống.

 

Âm hưởng chủ đạo của Thư mùa đông phản ánh tâm tình đầy ẩn ức của xã hội những năm sau chiến tranh. Ngân lên tiếng nói thầm thĩ của cuộc đời thường. Em vừa gỡ gió ngoài sân/ Anh vừa góp được một lần vu vơ.

Nhưng Hữu Thỉnh không quên mình là người lính. Ông đồng cảm với những người lính trẻ bao năm không thấy màu con gái, vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em cho nên ước có chút hương bồ kết để đá phải mềm và núi ấm lên trên biên cương lãnh thổ. Khi qua cầu Tràng Hương lần đầu bắt gặp dòng Nho Quế. Cuối dòng sông là non nước Cao Bằng. Ở đó trên đỉnh núi đồng đội tôi đang khát. Thư mùa đông có một số bài thơ hay: Phan Thiết có anh tôi (1981); Thơ viết ở biển (không ghi năm sáng tác); Thư mùa đông (1982); Nghe tiếng cuốc kêu (1989)…

 

Thương lượng với thời gian có nhiều bài đồng điệu với tên gọi của 6 tập. Cảm hứng chủ đạo của Thương lượng với thời gian là sự chiêm nghiệm về thế sự. Những suy tư trắc trở của người nghệ sỹ trước những biến đổi của thời gian và lòng người, tâm sự về điều trắc ẩn của cuộc sống để bộc bạch với quá khứ và âm thầm nhắn nhủ với hiện tại. Lối viết ngắn gọn, chắt chiu. Đôi lúc cảm thấy dường như chàng Hữu Thỉnh ngày xưa nuối tiếc một điều gì đành chấp nhận mà chẳng thể nào giữ được. Gió sao là lạ/ Mây khang khác. Không hiểu/ Hay là nhịp cuối năm/ Hôm qua thì tiếc/ Mai thì sợ/ Tuột cương trăng cũ lại sang rằm.

 

Thơ Hữu Thỉnh có bài hay và những câu thơ hay. Tôi nhớ đến lời bàn của Aristotle trong Nghệ thuật thi ca: “Đối với thi ca cái không thể mà đáng tin còn thích hơn là cái có thể nhưng không đáng tin”. Hữu Thỉnh như là một trong nhiều minh chứng cho quan niệm trên đây. Thơ tưởng như phi lý mà có lý. Tưởng như ảo mà lại thực. Vẻ đẹp của tâm hồn trở nên siêu thực hơn, kỳ ảo hơn, đậm đà tình người ở những thời khắc thăng hoa. Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím/ Mưa thanh xuân mưa trước cửa thiền/ Sông chảy chậm đợi chiều đang bị ướt…

Nhắc đến câu thơ hay, lại nhớ những câu thơ của các nhà thơ khác ở nhiều thời đại từng được bay lên trên bầu trời xuân Văn Miếu đã mấy năm nay. Các thi nhân lũ lượt khăn áo đi về. Rằm tháng giêng. Văn Miếu trở thành nơi tập hợp những tao nhân mặc khách xem trọng cái ý tưởng Lành cho sạch – Rách cho thơm mà phần nhiều trong số họ là nửa sau của câu thành ngữ ấy. Một trong số người ấy, cách đây độ mấy niên được thả một câu thơ ở đó vào dịp áp trưa. Cùng đi với thi nhân là người khách nước ngoài đã sống lâu năm ở Hà Nội vì yêu thơ mà đến. Ông ấy nói với người được thả thơ rằng: Câu thơ được thả lên trời chẳng biết bay về đâu? Và ở lại đâu? Hãy theo hướng gió đi tìm. Thế là hai người qua phố, qua làng. Họ đi mãi. Bất chợt gặp cánh đồng mênh mông là mênh mông, bơ vơ là bơ vơ gốc rạ… Thi nhân của chúng ta không đi nữa. Anh bâng khuâng tự hỏi. Không biết thi sỹ của muôn đời đã đi vào thiên cổ từ nhiều thế kỷ trước và những người của thời hôm nay có thơ thả trên trời Văn Miếu và họ đã tự thả thơ của mình vào cõi đời này bao nhiêu năm, họ có đi tìm lại hay không? Tìm lại chính mình. Có ai may mắn tìm thấy vuông lụa điều mà đời đã ghi thơ của họ? Cuộc đời mênh mông chim trời cá nước biết đâu mà tìm? Ở đó sứ mệnh của người thi sỹ là gì? Anh là ai? Hữu Thỉnh nói “Nếu thi ca là lịch sử được viết bằng số phận của con người thì nhà thơ xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong chống lại sự quên lãng. Thi ca là trí nhớ của lịch sử”. Hãy để thời gian che chở cho Thơ. Thi sỹ chẳng là ai cả vì thơ anh đã nói hộ cả rồi. Anh chỉ là những gốc rạ dâng hiến cho đời những mùa lúa chín. Đừng đi tìm anh nữa. Phải chăng, chàng thanh niên miền đồi núi trung du xứ Bắc đã lên rừng Trường Sơn năm mười tám tuổi rồi trở về từ Đường tới thành phố làm thơ ghi lại những số phận của con người Việt Nam nửa sau thế kỷ 20 đã tâm niệm sứ mệnh ấy của thi ca từ những năm chàng còn rất trẻ cho đến tận bây giờ?

 (Nguồn: Văn nghệ số 35-36/2014)

 Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 60369307

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July