Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Hồn quê Hồn quê , Người xứ Nghệ Kiev
 

Chúng ta khi tuổi đời xế bóng lòng thường da diết nghĩ đến cội nguồn. Biết bao người thời trai trẻ lăn lộn tung hoành nơi viễn xứ, khi già vinh hoa phú quý không màng, chỉ ao ước được thăm lại cố hương...

Tâm trạng ấy phần nào được Nhà văn, Nhà báo Đắc Trung thể hiện qua tùy bút này…

Tạo hoá đã hào phóng ban cho làng tôi đặc ân lớn: Vừa có núi, vừa có sông. Đó là núi Tiên Sa và sông Thiên Phái. Ngọn núi, dòng sông ấy gắn với một huyền thoại trữ tình tuyệt vời: “Sông Thiên Phái – núi Tiên Sa”.

Chuyện rằng xưa, nơi đây là rừng rậm, rất nhiều muông thú. Một con mãng xà cuộn mình tu luyện 400 năm hoá rồng bay lên trời để lại chỗ nằm vạt thảo nguyên xanh biếc. Một chàng trai tên gọi Lưu Hương gương mặt thanh tú, giọng hát du dương cùng đàn dê lông trắng như tuyết. Tiếng hát của chàng lay động lòng người làm chim muông sững sờ, hươu nai ngơ ngác, vượt qua chín tầng mây lọt vào tận cung động của các thiên thần.

Bạch-y Tiên-nữ, một thiên thần áo trắng say mê đến ngơ ngẩn. Nàng trốn xuống hạ giới bí mật kết duyên với chàng trai tài hoa ấy. Ngọc Hoàng giận dữ sai Thiên Lôi xuống hạ giới bắt nàng về trị tội. Bạch-y Tiên-nữ khóc lóc thảm thiết bên người yêu rồi nuốt lá độc tự tử. Lưu Hương đặt xác vợ lên thảm cỏ, đau đớn vật vã. Trời tối sầm. Mây đen vần vũ. Cuồng phong. Sấm rền. Chớp loé. Mưa như thác. Một tiếng sét khủng khiếp. Đất trời rung chuyển. Xác Bạch-y Tiên-nữ bỗng biến thành trái núi giống hệt dáng nàng đang nằm.

Đó là núi Tiên Sa (Nàng tiên sa).

Ba năm sau. Ngọc Hoàng thấy lòng trĩu buồn, ngậm ngùi nhớ thương con gái, bèn phái rồng Long Tự xuống hạ giới uốn mình bên núi Tiên Sa để hầu hạ Bạch-y Tiên-nữ. Long Tự chính là con đại mãng xà tu luyện đắc đạo hoá rồng thuở trước.

Đó là sông Thiên Phái (Trời phái).

Vào những đêm khuya lẫn trong gió tiếng hát của Lưu Hương vẫn cất lên tha thiết gọi người yêu, nghe thương tâm đến xé lòng. Cảm thông mối tình bi thảm ấy nên các bậc cha mẹ ở làng tôi ít ai nỡ ép duyên con cháu.


Ông Đặng Đình Bạn theo dân phu mộ sang Tân Thế Giới, phiêu bạt khắp nơi, rồi làm thuỷ thủ cho tàu buôn Bồ Đào Nha. Một lần tàu cập cảng Đi-ê-grô-sua. Chiều buồn, ông lang thang nhìn biển xanh lòng da diết nhớ quê, thì thấy một người Việt Nam ngồi giữa, xung quanh là những thuỷ thủ da màu. Anh ta đang kể cho các bạn nghe về truyền thuyết: “Sông Thiên Phái – núi Tiên Sa”. Chẳng cần biết họ có hiểu nhưng giọng anh rất say sưa.

Cố gắng lắm ông mới giữ được bình tĩnh rồi nhào sang, ôm chầm lấy, giọng xúc động: “Anh vừa kể câu chuyện về làng tôi”. Giữa hòn đảo nhỏ tận Châu Phi, được gặp một người Việt Nam đã cảm động lắm rồi. Câu chuyện này lại… “Về làng anh?” – Người bạn ngơ ngác hỏi. “Vâng. Làng tôi. Làng Mai Độ, tổng Lạc Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Còn quê anh?”. Họ ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào và cứ ôm nhau như thế rất lâu trước sự ngạc nhiên của các bạn ngoại quốc.

Thì ra họ không chỉ cùng quê mà còn là anh em họ với nhau. Người bạn ấy là ông Đặng Đình Sánh. Câu chuyện huyền thoại về sông Thiên Phái – núi Tiên Sa đã làm sống dậy trong kí ức họ những kỉ niệm và tình yêu quê hương da diết. Họ quyết định sẽ thu xếp tìm đường hồi hương. Nhưng tiếc rằng sau lần gặp ấy ông Sánh không được tin gì của ông Bạn nữa. Chiến tranh thế giới lan rộng, ông Bạn là thuỷ thủ phải qua lại vùng biển thường xuyên có chiến sự. Thế là sau đó hồi hương chỉ còn mình ông Sánh.

Chao ôi, thì ra sức sống của một làng quê, một dân tộc đã ngấm sâu vào trái tim, khối óc và kí ức mỗi người tạo thành hồn quê có khi chỉ từ một câu chuyện cổ, một áng ca dao, một làn điệu chầu văn, trống quân, cò lả… Sức sống ấy mãnh liệt bứt người ta khỏi cuộc sống vật chất đủ đầy để trở về Tổ quốc, về với làng quê nơi Đất Mẹ.

Người làng tôi ảnh hưởng thuyết đa thần của Lão giáo, cho rằng con người muốn được các đấng thiêng liêng phù hộ, che chở để tránh mọi rủi ro, hoạn nạn phải thờ Trời, thờ Đất, thờ Nước, thờ Thần Núi, Thần Sông, Thần Biển, thờ Thần Linh, Thổ Công, đặc biệt thờ Thành hoàng là vị thần coi quản, bảo vệ không chỉ người sống mà cả người đã chết trong làng. Đền Quan Sơn thờ Thần Núi Tiên Sa. Đền Cây Sanh thờ Thần Sông Thiên Phái. Thần Núi, Thần Sông đều rất thiêng.

Đền Quan Sơn mái cong, rêu phủ, ẩn mình dưới tán đa đại thụ. Cây cối rậm rạp. Dây leo chằng chịt. Yên tĩnh, u tịch đến rợn người. Bát hương bằng đá trên bệ thờ luôn có đôi bạch xà nằm cuộn mình quấn chặt, khi thấy động mới lặng lẽ trườn đi. Có người trèo cành đa bắt tổ chim bị bạch xà tấn công ngã gãy chân. Có người phá đá đầu núi mang về làm nhà ốm nặng rồi bị điên. Thành tâm sắm lễ lên đền tạ tội. Tháng sau hết điên, khỏi bệnh.

Đền thờ Thần Sông trên gò đất cao, sát đê, bên mép nước, không mái, bệ xây cao ngang ngực, giữa đặt một bát hương to bằng sứ, men nâu, có hình rồng quấn quanh. Sau bệ thờ là cây sanh cổ thụ, thân tròn, hai vòng tay nối nhau ôm mới hết, tán xoè, cành lá um tùm đan cài như chiếc ô lớn, trên nhiều tổ quạ.

Sát đền Cây Sanh là cửa Ngòi Thần nối núi Tiên Sa với sông Thiên Phái. Mỗi khi trở trời nước đỏ hồng như máu. Người già bảo đó là huyết lệ của Lưu Hương khóc thương Bạch-y Tiên-nữ. Đền thiêng. Người qua phải ngả mũ nón. Thuyền qua phải hạ buồm. Đã có kẻ không tin, không ngả nón, hạ buồm, còn dám buông lời báng bổ. Mấy ngày sau bị lốc xoáy, lật thuyền, người chết. Không chỉ dân làng tôi mà cả vạn chài trên sông sùng tín.

Gần đền Cây Sanh là Đình Thượng, cũng bên bờ sông Thiên Phái, tọa lạc trên khuôn viên rộng. Phía trước có hồ sen hình bán nguyệt. Hè về đỏ rực màu hoa và ngào ngạt hương thơm. Xung quanh um tùm vườn vải, vườn nhãn toàn những cây cổ thụ. Mùa trái chín chim về làm tổ. Tiếng tu hú gọi bầy, tiếng cu gáy, tiếng chích choè hót… Không gian luôn đầy ắp âm thanh.

Đình làng là trung tâm hội tụ giao lưu văn hoá tín ngưỡng. Lớn nhất là lễ tế Thành hoàng đầu Xuân mới. Dân làng luôn sống trong niềm vui háo hức. Người lớn, trẻ con xúng xính quần áo mới, nét mặt tươi vui chờ đợi. Ngày hội đến. Cả làng kéo ra đình. Kẻ ngồi, người đứng, vòng trong vòng ngoài chật ních. Ba hồi chín tiếng trống dõng dạc. Ai cũng biết rằng tế Thần là thể hiện lòng biết ơn và cầu mong Thần che chở phù hộ cho mọi người luôn khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu, gia cầm gia súc đầy đàn, làm ăn thuận lợi nên hết sức thành tâm.

Giờ hành lễ thật thiêng liêng. Chủ lễ là người có đức độ được dân làng tín nhiệm. Áo thụng gấm màu đỏ, ngực thêu rồng vàng, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hài mũi cong, bước khoan thai đĩnh đạc, hai tay cung kính dâng hương. Đoàn người theo sau cũng uy nghi lễ phục. Đàn ông áo thụng gấm màu xanh, khăn xếp. Đàn bà áo tứ thân lụa mỡ gà, vấn tóc, cài trâm lấp lánh.

Trai gái đồng phục vàng, dải lụa tím thắt ngang bụng, chắp tay nhịp nhàng bước theo nhạc lễ… Linh thiêng nhất là lúc chủ lễ đọc văn tế. Tế Trời, Đất. Tế Thần Núi, Thần Sông. Tế Thành Hoàng. Tôn nghiêm, xúc động. Sau đó là lễ rước kiệu. Hơn hai chục trai tráng được tuyển chọn kĩ. Cao bằng nhau, khoẻ như nhau, đồng phục đỏ, thắt đai vàng khiêng kiệu bát cống. Trên kiệu có ngai.

Giữa ngai là bát hương nghi ngút khói. Kiệu được rước từ Đình Thượng lên đền Quan Sơn, xuống Đền Hạ, rồi trở về Đình Thượng, kiệu vừa đi, vừa quay trong rừng cờ phướn, trong tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng reo hò, vỗ tay của dân làng hối hả theo sau. Các nghi thức tế lễ được kết thúc vào buổi trưa ngày thứ nhất. Từ buổi chiều, tối và ngày hôm sau là hội với rất nhiều trò vui múa sư tử, đấu võ, đấu vật, kéo co, cờ tướng, cờ người, chọi gà, đu bay, leo cầu phao, thi bơi, thi lặn, đua thuyền, bịt mắt bắt vịt…

Trong khi các trò vui sôi nổi diễn ra thì phía sân nhà ngang sau đình những người lo việc hậu cần rất tất bật. Tiếng dao thớt đốp chát, bát đĩa lách cách, mâm nồi loảng xoảng, gọi nhau, cười nói. Cỗ bày la liệt. Mùi thức ăn thơm ngào ngạt.

Bọn trẻ con chúng tôi chán trò đánh khăng, đánh đáo, đánh cù, tràn sang trêu chọc phá rối đám con gái ngồi chơi chuyền, chơi chắt, chơi ô ăn quan rồi cụm nhau hau háu ngồi xem mấy bác chặt thịt gà, thái thịt lợn, cắt xôi nén chia phần, bày từng suất trên những tàu lá chuối đã hơ qua lửa cho héo trải sẵn trên cót, hoặc nong nia, để rồi phân phát cho từng gia đình. Rất quý bởi đó là lộc Thánh. Được hưởng lộc Thánh thì mọi việc sẽ may mắn.

 


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 59794946

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July