Đón ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, tôi càng bồi hồi nhớ về những tháng ngày các bạn Chiếu văn của ba tôi còn tương đối đông đủ trên ba mươi người, ngoài ra còn có nhiều người khác không sinh hoạt trong Chiếu văn cũng rủ nhau về nhà tôi để làm lễ dâng hương tưởng nhớ ngày Bác ra đi cũng vào ngày này, tháng này.
Tôi nhớ, lần giỗ Bác vào năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Hôm đó, trời mưa lất phất bay, trước bàn thờ Bác có hương trầm xứ Nghệ thơm ngát, lọ hoa huệ thanh khiết, hai be rượu cổ đựng đầy rượu nếp cái hoa vàng, ấm trà ướp hương sen thơm nồng và hai đĩa to đựng đầy trái cây... Các bạn văn của ba tôi lặng lẽ đứng xếp hàng hành lễ Bác, rồi cùng nhau ngồi quây quần trên manh chiếu trải giữa nhà đàm luận văn chương thế sự và lắng nghe ba tôi kể lại câu chuyện, ông đi tìm hiểu về những giây phút cuối cùng của Người như thế nào. Trước khi đi vào câu chuyện, ba tôi nâng chén rượu ngang mặt mời mọi người, rồi mới nhấp một chút. Sau đó, ông ủ chén rượu vào lòng bàn tay thương tật, thong thả trình bày:
Những năm, tháng Bác qua đời, tôi (Sơn Tùng) đang ở Trung ương Cục - rừng Tân Biên, Tây Ninh, ngày đó tôi phụ trách tòa soạn báo Thanh niên miền Nam. Qua theo dõi Đài tiếng nói Việt Nam, đến sáng ngày 4/9 chúng tôi mới chính thức nghe được tin báo: Bác qua đời lúc 9 giờ 47 phút, ngày 3 tháng 9 năm 1969. Sau này được xác định lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969 (Thông báo số 151 BT/TƯ ngày 19/8/1989).
Năm 1971 tôi bị thương nặng, được anh em đồng đội cáng ra Bắc điều trị. Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, tôi lại trở vào Nam để tiếp tục tra cứu, thu thập thêm tư liệu về Bác… Trước khi bắt tay vào việc viết về Bác Hồ, tôi còn một điều băn khoăn, trăn trở: Bác Hồ của chúng ta là bậc vĩ nhân của thế kỷ hai mươi, tôi không hiểu những giây phút cuối cùng khi Bác còn nằm trên giường bệnh, liệu Bác có giữ được sự minh mẫn sáng suốt, sự linh hiển trong cái quy luật “sinh, bệnh, lão, tử”, hay Bác cũng ra đi như những người bình thường khác?
Để giải đáp điều trăn trở trên, tôi đi tìm và gặp được anh Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác. Rất tiếc, do mới gặp nhau lần đầu, chưa được thân thiết như sau này, nên anh Vũ Kỳ còn e ngại. Bởi vậy, anh chỉ kể với tôi mấy điều tóm tắt như sau:
- Từ hôm bệnh nặng, Bác rời khỏi ngôi nhà sàn xuống ngôi nhà ngang, cấp 4 gần đó nằm chênh chếch hướng đông nam. Giường Bác nằm cũng theo hướng nhà, sát đầu giường là chiếc tủ con, trên mặt tủ để chiếc đồng hồ bàn, cây đèn bàn. Trên tường phía chân giường Bác treo cỗ lịch, tấm bản đồ Việt Nam. Hằng ngày, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày đêm ở bên cạnh Bác săn sóc và báo cáo tình hình. Và có một tập thể giáo sư, bác sĩ y khoa giỏi với những phương tiện hiện đại thời bấy giờ hết lòng chạy chữa cho Bác. Trong thời gian đó Bác vẫn chỉ đạo, sắp xếp mọi việc…
Sau buổi trò chuyện với anh Vũ Kỳ, tôi thấy vẫn chưa đạt được điều mình mong muốn. Tôi quyết định đi tìm những người trong tổ cán bộ, bác sĩ đặc biệt của Viện Quân Y108 trực tiếp chăm sóc Bác những ngày Bác lâm chung.
Người tôi gặp đầu tiên trong tổ bác sĩ “đặc biệt” là giáo sư bác sĩ Nguyễn Thế Khánh, đại tá viện trưởng Viện Quân y 108. Bác sĩ Khánh cho biết:
- Do yêu cầu bí mật trong việc chữa trị cho Bác, tôi chỉ là người đứng tên trong các đơn thuốc phục vụ Bác, gọi là đơn thuốc Nguyễn Thế Khánh. Đồng thời tôi cũng chỉ là người kiểm tra và ký vào các đơn thuốc điều trị đó. Nếu anh muốn biết chi tiết cụ thể thì phải gặp cô Ngô Thị Oanh, người Vĩnh Phúc, ý tá trực tiếp săn sóc Bác ngày ấy.
Ngày tôi gặp được cô y tá Ngô Thị Oanh thuở ấy, thì cô đã là bác sĩ Viện quân y 108. Cô chia sẻ niềm hạnh phúc với tôi là cô có may mắn được cử vào săn sóc Bác Hồ đến giây phút cuối cùng.
Trước khi đi vào câu chuyện, cô Oanh cho tôi xem ba kỷ vật và nói:
- Mỗi lần cắt móng tay cho Bác em giữ lại đựng vào phong bì này - Nói rồi cô đặt bàn tay như ấp lên chiếc phong bì, bên trong đựng những mẩu móng tay của Bác.
- Hằng ngày em lấy khăn mềm lau nhẹ chòm râu Bác. Mỗi sợi râu dài rời khỏi chòm râu Bác dính vào khăn, em gỡ sợi râu, vuốt thẳng gói lại và cứ thế. Nói xong, cô Oanh trải gói giấy ra, tôi đếm được bảy sợi râu của Bác được phết keo dính chặt vào mảnh giấy trắng tinh.
Cuối cùng, cô Oanh lấy bông huệ đã ướp khô chìa ra cho tôi xem rồi nói tiếp:
- Đây là bông hoa huệ cuối cùng Bác tặng cho em.
Sau khi giới thiệu các kỷ vật, cô Ngô Thị Oanh chia sẻ với tôi câu chuyện:
Bác thường nhắc chúng em như: Hôm nào đã đến trưa mà chưa bóc lịch, Bác lại nhắc: “Cháu Oanh, bóc lịch cho Bác”. Hôm sau ca khác trực lại quên, Bác nhắc nhẹ: “Cháu Quý bóc lịch, 10 giờ rồi cháu ơi!”. Bác còn nói: “Ngoài vườn có sẵn hoa, các cháu hái một ít để trong phòng cho đẹp. Hoa làm cho tâm hồn con người ta thêm yêu đời”… Về bệnh tình của Bác, khi nào cơn đau dồn lên, tập trung các anh chị em thầy thuốc săn sóc, còn Bác tự ghìm nén chịu đựng, không một tiếng rên la, mặt đỏ căng như sắp rỉ máu.
Có một điều, suốt thời gian Bác ốm nặng, nhiều hôm tiết trời nóng bức, vậy mà Bác hầu như không dùng quạt máy - Cô Oanh nói giọng băn khoăn với tôi: Cứ mỗi lần em bê quạt máy ra bật số nhỏ quạt nhẹ cho Bác, Bác liền bảo:
- Cháu hãy cất đi, ở chỗ Ba Đình này không khí cũng mát rồi. Cháu biết không, ngoài kia bộ đội ta đang trực chiến, nông dân đang cày cấy ngoài đồng, trên nắng dưới nắng làm gì có quạt hả cháu. Bác nằm đây cũng mát rồi cháu ơi!
Em đưa quạt giấy cho Bác thì Bác quạt. Em nói: - Thưa Bác, để cháu quạt cho Bác ạ. Bác liền bảo:
- Thôi! Cháu để Bác tự quạt. Cái gì Bác cũng nhờ các cháu làm giúp thì cái chết đến nhanh. Bác tự quạt là để vận động tay chân đẩy lùi cái chết. Dẫu nằm đây, sống thêm được ngày nào là Bác còn được gần gũi với nhân dân, gần gũi chiến sĩ cả nước trên mặt trận chống Mỹ.
Buổi sáng hôm đó Bác hỏi em:
- Cháu Oanh xem hôm nay là ngày bao nhiêu? - Em nhìn tấm lịch treo trên tường phía chân giường Bác nằm rồi nói:
- Thưa Bác! Hôm nay là ngày mồng 1 tháng 9 ạ.- Bác liền bảo:
- Chiều nay, cháu lo cho Bác bát cháo kha khá và tiêm thêm thuốc trợ lực để Bác dồn sức ngày mai ra khán đài, Bác dự buổi lễ Quốc khánh ngày 2-9. Bác nói đôi lời với đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài.
- Vào khoảng gần trưa hôm ấy - Cô Oanh kể tiếp - Em thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngồi bên cạnh Bác, hỏi han ân cần. Bác Hồ liền hỏi:
- Ngày mai là ngày Quốc khánh, các đồng chí chuẩn bị đến đâu rồi? Quốc khánh năm nay chính phủ nên tổ chức bắn pháo hoa cho đồng bào thủ đô và đồng bào cả nước thêm vui vẻ.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng liền nói:
- Thưa Bác, Chính phủ và Trung ương thấy Bác đang bệnh trọng, Lễ Quốc khánh...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chưa nói hết câu, thì Bác Hồ đã hiểu ý nói ngay:
- Không được! Bác ốm là việc của Bác! Quốc khánh là ngày vui của toàn dân tộc, mọi người không thể vì Bác ốm mà bỏ đi ngày vui, ngày Quốc khánh từ lâu đã trở thành ngày truyền thống, ngày Tết độc lập của dân tộc ta.
- Sáng mai - Bác nói tiếp: “Các chú chuẩn bị thêm cho Bác chiếc ghế trên chủ tịch đoàn để các thầy thuốc giúp Bác ra hội trường Ba Đình, Bác dự buổi mít tinh lần cuối cùng, để Bác nói vài lời cuối cùng với đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài”. Dừng một lát Bác mới nói tiếp:
- Phen này, Bác thấy khó qua khỏi!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngập ngừng trình bày tiếp:
- Th..ư..a.. Bác! Mọi người thấy Bác đang bệnh trọng, Chính phủ và Trung ương đã quyết định tổ chức đơn giản lễ Quốc khánh ở Hội trường Ba Đình sáng nay rồi ạ.
Khi nghe hai người báo cáo “tổ chức lễ Quốc khánh sáng nay rồi”, Bác lặng đi. Hai giọt nước mắt đọng lại nơi khóe mắt Bác. Một phút sau Bác nói với một giọng tiếc nuối:
- Tôi cố gắng chống đỡ bệnh tật chờ cho đến ngày mồng 2 tháng 9 – kỷ niệm ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để được dự buổi mít tinh lần cuối cùng và nói đôi lời cuối cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước… Thế mà các đồng chí đã tổ chức mất rồi!
Sau khi mọi người ra về, Bác nói khe khẽ:
- Có cháu nào biết hát ru em không? Cháu nào biết thì hát cho Bác nghe một bài (Bác hỏi em và y tá Trần Thị Quý)
Em liền nói:
- Thưa Bác! Chúng cháu không biết hát ru em ạ.
Bác nói như một lời căn dặn:
- Rồi đây các cháu sẽ làm mẹ, nên phải biết hát ru em để rồi ru con, nuôi dưỡng con khôn lớn bằng nguồn sữa mẹ và cả tiếng ru của người mẹ, các cháu ạ.
Bác lại nói hỏi tiếp:
- Không biết hát ru em, thế có cháu nào biết hát Quan họ không?
- Thưa Bác, chúng cháu không ạ!
- Các cháu có biết hát dân ca Nghệ Tĩnh không?.
- Thưa Bác, không ạ!
- Thế dân ca Huế có biết không?
- Thưa Bác, cháu chỉ biết hát bài mới thôi ạ - Cô Oanh trả lời. Bác gật đầu: Cũng tốt.
Em hát cho Bác nghe bài “Đón thư Bác”, bài hát này do đồng chí Đỗ Niệm, cán bộ Viện quân y 108 sáng tác, nhân dịp Bác gửi thư cho ngành Quân Y ngày 31/7/1967.
Cô Oanh nói với tôi:
- Em hát cho Bác nghe hết được phần lời thứ nhất: “Mừng - vui - sao - chúng ta - là - những - người - Quân Y. Đón- thư- Bác - khen. Bao - vinh - dự - ngành - ta. Lòng - vui- như - nở - hoa - đọc - thư - Bác Hồ”. Bác xúc động, hai giọt lệ chạy dài xuống má. Em nghẹn ngào, nước mắt trào ra nên vội ngoảnh sang phía anh Vũ Kỳ để Bác không nhìn thấy. Anh Vũ Kỹ ra hiệu cho em, thôi không hát nữa. Bác nâng hai cánh tay lên để vỗ hoan hô cháu Oanh nhưng không cất lên nổi. Bác nói rất khẽ với anh Vũ Kỳ:
- Chú Kỳ, chú rút cho Bác một bông hoa huệ trong lọ hoa để trên bàn, mà sáng qua cô Hà và chú Giáp mang đến, chú hãy thay Bác trao cho cháu Oanh. Bác thưởng cho cháu hát hay và bài ca cũng hay. Em vô cùng xúc động, hai tay đón lấy bông huệ thanh khiết…
Đêm, Bác bị một cơn đau rất nặng, các bác sĩ phải cấp cứu đến tận khuya.
Sáng ngày mồng 2-9. Cô Oanh kể tiếp:
- Giáo sư bác sĩ Nguyễn Thế Khánh đến thay ca trực. Một lúc sau anh Vũ Kỳ vừa sang, Bác nói với hai người:
- Các chú kéo rèm lại và bảo các cháu gái ra ngoài, rồi thay quần áo cho Bác.
Sau khi hai người đàn ông thay xong quần áo cho Bác, anh Vũ Kỳ đi ra nói với y tá Trần Thị Quý:
- Cô Quý chạy xuống nhà dưới nói với chú Cần (người nấu ăn của Bác) mang cháo lên để chúng tôi đỡ Bác ngồi dậy ăn chút cháo cho mát ruột, rồi để Bác nằm nghỉ.
Khi anh Cần bê bát cháo lên, em đón bát cháo từ tay anh Cần đi vào đến thành giường Bác… Cửa màn lay động, anh Vũ Kỳ vén tấm rèm, trông thấy Bác nhìn ra... Anh Vũ Kỳ tưởng Bác muốn căn dặn điều gì, bèn phủ phục xuống. Bác nghiêng đầu hôn lên trán anh Vũ Kỳ - người Tiểu Đồng của Bác, cái hôn cuối cùng... và Bác tắt nghỉ trên tay anh Vũ Kỳ, trên tay giáo sư bác sĩ Nguyễn Thế Khánh, bác sĩ Nguyễn Xuân Bích, bác sĩ Lê Đình Mẫn… Hôm đó là buổi sáng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, đúng vào ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu.
Ngoài kia, trời còn mưa. Nhà văn Sơn Tùng nhìn những giọt mưa như giọt nước mắt của trời rơi trước hiên nhà ngày giỗ Bác, ông nói với các bạn Chiếu văn điều mình suy ngẫm:
- Người xưa đã đúc kết một điều: “Sinh có hẹn, tử bất kỳ”. Nhưng Bác Hồ của chúng ta thật minh mẫn và thông tuệ đến phút giây cuối cùng! Người đã chủ động sắp đặt mọi việc và tự chọn cho mình ngày, giờ ra đi. Và Bác “đã cố gắng chống đỡ bệnh tật chờ cho đến ngày mồng 2 tháng 9 – Kỷ niệm ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để được dự buổi mít tinh lần cuối cùng và nói đôi lời cuối cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước”… Tiếc thay! Điều mong muốn cuối cùng ấy của Người đã không toại lòng.
Bác Hồ là bậc thánh nhân “Lưỡng mục trùng đồng đích thị thánh nhân”! Trước ngày ra đi, Bác như thân tằm rút ruột để lại sợi tơ vàng di chúc cho dân tộc Việt Nam: Lời căn dặn cuối cùng về tư tưởng, đạo đức… Điều mà hầu như trước đó và cả sau này, cũng như nhiều lãnh tụ khác trên thế giới chưa ai từng nghĩ đến.
Bác đi như một đài hoa tung bay trong gió sớm để lại cây đời trái ngọt. Cả thế gian bật lên tiếng khóc: Bác Hồ ơi!.
Theo Hội nhà văn Việt Nam