Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Trường ca và người lính Trường ca và người lính , Người xứ Nghệ Kiev
 



Nói tới trường ca là thường nói tới hình tượng người anh hùng. Dĩ nhiên, để thể hiện hình tượng ấy là một thứ ngôn ngữ của sử thi, là giọng điệu của anh hùng ca vang vọng. Có lẽ tiểu thuyết và trường ca là những thể loại thích hợp nhất cho các tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính, nên không ngẫu nhiên mà sau 1975, nhất là từ 1975 đến 1986, văn học Việt Nam được mùa về trường ca. Trước đây hình tượng các vị thần, người anh hùng, tráng sĩ được tôn vinh trong sắc màu huyền thoại của trường ca cổ điển, thì hôm nay, người lính được điêu khắc bằng thứ ngôn ngữ có nhiều cung bậc giọng điệu, có cả hùng ca, hoan ca và bi ca trong trường ca hiện đại. Đấy là những đổi mới đúng với quy luật của văn chương: càng hiện đại, văn chương càng trở về với cái nôi của chính nó - đời sống.

So với những trường ca viết ở giai đoạn trước và ngay sau 1975, các tác giả viết trường ca hôm nay đã có một độ lùi cần thiết để nhìn về chiến tranh và người lính bằng cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó tìm cho trường ca một lối đi riêng để tạo nên một diện mạo mới. Đề tài chiến tranh và người lính được khai thác từ nhiều bình diện: quá khứ, hiện tại, tương lai, chiến trường, hậu phương, vinh quang, tổn thất... Vấn đề nhân bản, khám phá thế giới bên trong của nhân vật trữ tình vượt lên trên những ràng buộc của tính thời sự; đặc biệt các nhà thơ đã đi sâu khai thác tâm trạng, nỗi niềm của những người lính qua một thời binh lửa trở về với cuộc sống đời thường. Trường ca hôm nay không còn không khí ào ạt, dữ dội của trận mạc như trước đây mà là những hồi ức, trăn trở, những chiêm nghiệm, suy tư đầy trách nhiệm về hiện thực. Có thể nói, khát vọng dân chủ, ý thức tôn trọng sự thật đã khiến cho cái nhìn của người viết trường ca trở nên chân thực và gai góc hơn. Nhà thơ Trần Anh Thái đã nhận xét về trường ca hôm nay: “Một trường ca có thể kết cấu giống như một quần đảo, những chương, những đoạn. Nó không thuần nhất và đơn điệu một chiều mà là tiếng hát đa thanh, nhiều chiều với tất cả sự phức tạp đa dạng của niềm vui, nỗi buồn, tốt và xấu, hạnh phúc và khổ đau… như chính cuộc sống của con người, nó là toàn bộ đời sống của con người với tư cách là một vũ trụ thu nhỏ” (Một cảm nhận về trường ca). Với cách nhìn như vậy các tác giả đã mở ra những bình diện mới trong lý giải, thể hiện về con người và cuộc chiến. Các nhà thơ không chỉ ca ngợi sự hy sinh, chiến công và khí phách của người lính mà còn thể hiện chân thực những mất mát, đau thương tột cùng của họ: Nằm kề nhau/ Những nấm mộ giống nhau/ Mười nghìn bát hương/ Mười nghìn ngôi sao cháy/ Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/ Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn...(Những hồi chuông màu đỏ - Nguyễn Hữu Quý). Nhìn chung trường ca hôm nay vừa mang dáng dấp của cái hôm qua vừa mang hình hài của cái hôm nay, nhưng chúng không phải là một “phiên bản” trùng khít mà có sự đổi thay dễ nhận. Viết về cuộc chiến, các tác giả không lên giọng hay tô hồng mà nhân danh “những người trong cuộc” tái hiện chiến tranh như nó vốn có; từ đó suy nghĩ về lẽ sống, sự hi sinh của các thế hệ trong chiến tranh, cảm phục trước những chiến công và xót xa trước những bi kịch. Nếu như trước đây người viết luôn phải đặt lợi ích của cuộc chiến lên trên số phận cá nhân thì nay vấn đề bi kịch cá nhân đã được trường ca quan tâm thể hiện: Chết không còn tuổi đã đành/ Cái tên mẹ đặt cũng thành khói mây/ Biết hồn xanh cỏ, xanh cây/ Vô danh vẫn cứ đắng cay lòng mình(Những hồi chuông màu đỏ - Nguyễn Hữu Quý).

Trường ca hôm nay có xu hướng khái quát những cái được, mất của lịch sử thông qua số phận con người, số phận nhân dân. Chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng hiện diện rõ qua thái độ lựa chọn và cống hiến. Từ cái cao cả, lớn lao của thời đại đến cái bình dị nhỏ bé của đời thường đều được thể hiện bằng cái nhìn chân thành, đầy đặn. Đời sống nội tâm của người chiến sĩ ở chiến trường với những điều thầm kín, những tâm tư, tình cảm cá nhân được bộc lộ hết sức chân thực, đời thường: Mẹ ơi con người ta nhỏ bé lắm/ ba tháng trên Trường Sơn mới được húp bát canh rau muống đã đời mẹ ơi/ nhu cầu thường đơn giản/ bây giờ thỉnh thoảng/ con nghĩ không biết mình thèm cái gì/ hạnh phúc có khi/ là được thèm nhiều thứ vớ vẩn (Metro - Thanh Thảo). Đó là những gian khổ, những hi sinh mất mát mà hàng ngày, hàng giờ họ phải đối mặt. Đó là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của người lính hướng về người thân nơi quê nhà: Nhưng thử thách lớn nhất chưa phải là đói khát/ gương mặt người thân trong nỗi nhớ cồn cào. Đó là nỗi khát khao mãnh liệt tình yêu, hạnh phúc của người lính trẻ. Trong Chiến tranh chín khúc tưởng niệm của Nguyễn Thái Sơn, bằng tấm lòng yêu thương trân trọng, nhà thơ đã thấu hiểu những điều thầm kín nhất trong tâm tư người lính mà trước đây người ta ngại nói ra: Hương vị trái Đào Tiên chỉ có trên Trời!/ Tình yêu tình dục/ nghe kể rồi tưởng tượng/ Không sờ tay không nhìn tận mắt/ bạn tôi em tôi chết trận/ Riêng điều ấy mười mươi có thật/ Chôn vội lấp vàng những thi thể con trai/ Chưa từng cọ xát da thịt phụ nữ mỡ màu ấm nóng. 

Số phận người lính trở về sau chiến tranh được các tác giả đặc biệt quan tâm và trở thành một mảng đề tài phong phú trong trường ca hôm nay. Chiến tranh chấm dứt, đất nước không còn tiếng súng nhưng cuộc sống thời bình vẫn đầy khó khăn thử thách. Những người lính một thời chỉ quen cầm súng, chỉ biết tiến lên, trên chiến trường tất cả đều rõ ràng, minh bạch, giờ đây cuộc sống mưu sinh đặt họ trước một trận chiến mới, với nhiều vấn đề mới nảy sinh. Nhiều trường ca sau chiến tranh đã thể hiện một cách chân thực những mặt trái của đời sống, những thay đổi các thang bậc giá trị, cả những bất công trong xã hội, và lột tả thấm thía nỗi đau của người trở về. Ở chương 10, Người về(trong Nhật ký dòng sông), tác giả Nguyễn Trọng Bính đã để cho người lính bộc bạch nỗi niềm xót xa, cay đắng của mình khi trở về quê hương: Mồ côi mẹ thuở rừng sâu/ Khói bom nghi ngút trắng màu khăn tang/ Bước chân về tận đầu làng/ Vợ mình đã hoá vợ chàng đẩu đâu/ Hai chồng một vợ gặp nhau/ Riêng anh xin nhận nỗi đau ba người. Cùng viết về đề tài này, trong Lộ trình, tác giả Nguyễn Đình Di có cách thể hiện rất riêng, khi mượn hình ảnh loài chim biển để ví với người lính rời khỏi chiến tranh: Trong tiếng sóng gầm xô vào bờ đá/ Con chim biển bay về/ Nắng gió tuốt đi sắc màu sặc sỡ của bộ lông mượt/ Chiếc áo bạc đọng muối/ Cô đơn trên mỏm đá đầu gành/ Khản giọng cãi với sóng bể... Nhà thơ đã phác hoạ hình tượng người lính rơi vào cô đơn, hẫng hụt khi từ không gian chiến trường trở về không gian đời thường. Khác với đời sống chiến trường thường đơn giản, rạch ròi, trong cuộc sống đời thường mọi thứ đầy mâu thuẫn: cái đẹp mong manh dễ vỡ, cái xấu ngoan cố lì lợm, cái ác có khi vô hình, thật giả trắng đen lẫn lộn... những điều ấy đã tạo ra ở người lính tính lưỡng phân trong suy nghĩ, hoài niệm về ngày hôm qua, trăn trở về ngày hôm nay. Trong dòng chảy của hồi ức, người lính không thể nào quên những năm tháng ở chiến trường gian khổ, nơi có biết bao đồng đội đã ngã xuống vì đói rét, bệnh tật, bom đạn: Những chiếc xe chở xăng trúng bom/ Thành những ngôi mộ cháy/ Ngọn lửa rùng rùng cây đổ lá rơi/ Núi cao vực sâu vách dựng/ Người và xe hóa vệt lửa lăn dài... (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu). Người may mắn trở về hậu phương lại mang theo những thương tích chiến tranh, đau đớn hơn cả là những người mang chất độc trong mình và chết dần chết mòn cùng con cháu của họ: Người lính đi qua vùng bom hóa học/Khói chiến tranh đen/ thấm vào máu anh hồng/ Con anh/ đứa chết tuổi lên ba/ đứa mang thương tật/ Màu da con anh màu khói bom trải dọc/ cánh rừng... (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu). Là người hùng trên chiến trận nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, người lính vừa phải đối mặt với nỗi lận đận áo cơm, vừa phải đối diện với nguy cơ lạc lõng, lỗi nhịp giữa cuộc đời ngay trên chính quê hương mình: Quê nghèo còn lắm gian nan/ Biết bao thói đời đen bạc/ Len lỏi giữa nơi xóm làng/ Người lính trở về đối mặt/ Với ngay chính cả lòng mình/ Ngác ngơ chân trời góc biển/ Ngác ngơ giữa chốn quê hương(Ru xanh áo lính - Tô Nhuần). Trong âm hưởng chung là những trăn trở, băn khoăn về cuộc sống, nhiều câu thơ thấm thía nỗi buồn và nặng trĩu lo âu: Tết nhất xếp hàng gạo nếp lá dong/ Gói mì chính chia nhau từng cánh/ Sữa bò hộp những đường đặc quánh/ Dành trẻ em người ốm được ăn/ Gạo mười ba cân mốc mọt hôi sì/ Bột mì nắm luộc qua lót dạ (Người làm ra cổ tích - Trần Nhương). Có thể nói, với tấm lòng chia sẻ và cảm thông sâu sắc, trường ca hôm nay là một sự bù đắp cho những gì mà các tác giả trường ca giai đoạn trước chưa có điều kiện để giãi bày. Đây cũng là một hướng tiếp cận phù hợp với xu thế thời đại và mang đậm tính nhân văn. 

Tập trung khám phá chiều sâu con người cá nhân với cái nhìn đa diện, khơi gợi những phần khuất lấp riêng tư cùng những mất mát trong và sau chiến tranh của người lính, trường ca hôm nay vừa có dư âm của quá khứ vừa mang hơi thở của hiện tại. Với ý nghĩa ấy, trường ca là thể loại có sự đóng góp tích cực cho văn học đương đại về đề tài chiến tranh và người lính 

TRỊNH THU HUYỀN
Theo Vannghequandoi

 


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 59762198

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July