Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Truyện ngắn: "Người xa xứ" - Sương Nguyệt Minh Truyện ngắn: "Người xa xứ" - Sương Nguyệt Minh , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Khuôn viên căn biệt thự nhiều màu xanh ở ngoại ô Praha cổ kính.  

Tần ngần đứng trước đài phun nước, chị thả bàn chân trên lối đi lát những viên đá xanh, rồi khoan khoái nằm dang hai tay trên thảm cỏ biếc trong khuôn viên nhìn trời cao vòi vọi. Những trạng thái cảm xúc này thỉnh thoảng lặp lại trong các ngày chủ nhật. Thảng hoặc, chị đứng ở chiếu nghỉ tựa lưng vào tay vịn cầu thang gỗ, khoanh tay trước ngực lặng thầm nhìn con gái đang lướt những ngón tay búp măng trên phím đàn piano. Bản giao hưởng Định Mệnh của Beethoven nghe mãi cũng quen, chị không còn sợ hãi những thanh âm mô phỏng tiếng gõ cửa của số phận khi dồn dập, ghê rợn nặng mùi chết chóc hủy diệt cuộc sống con người, lúc lại chậm rãi, cò cưa, yếu ớt, dai dẳng không muốn bị diệt vong. Từ sợ hãi, tuyệt vọng sang phấn chấn, cuộc sống con người tích hợp trong các thanh âm tươi sáng, khi êm đềm lúc dào dạt. Định mệnh và sức sống con người luôn giằng co, cuối cùng ánh sáng ngập tràn, nhưng âm hưởng bóng đêm của số phận vẫn lẩn quất đâu đó chờ dịp quay trở lại… Chị đã lần lượt trải qua những xúc cảm như thế cùng tiếng đàn của đứa con gái vang lên mỗi buổi cuối chiều.

*

Sự kiện “Bức tường Béc lin” sụp đổ hơn 20 năm trước làm cuộc sống của chị rẽ sang một khúc đời khác. Anh bay về Việt Nam, ngao ngán nhìn nước da của vợ xanh mai mái và hai đứa con gầy trơ xương. Đứa lớn, đứa bé mệt mỏi nhìn anh xa lạ, chỉ đến khi anh lấy con búp bê lật đật, và hộp kẹo socola màu nâu thì đôi mắt chúng mới sáng lên. Mẹ khao khao kể, ngày thường lên lớp, buổi chiều vợ anh tranh thủ đạp xe lên Tam Điệp mua sắn khô, chủ nhật đi chợ huyện bán. Chủ nhật vợ anh xắn quần quá đầu gối lội bì bọp trên cánh đồng năn lác mò ốc bươu ốc nhồi bán đong từng bơ gạo chống đói. Mẹ anh khoác áo tơi dắt con bò già ra gò Mã Giáng trong giá rét tháng chạp căm căm. Con bò già bước xiêu vẹo đổ rét, mẹ con bà cháu tiếc của khóc đỏ hoe mắt.

Anh về, mang được ít hàng đem bán trang trải nợ nần, anh ái ngại bảo: “Anh không nỡ lòng nào để em đầu tắt mặt tối, thân cò lặn lội qua sông. Con cái thì dặt dẹo. Mẹ già thì mòn mỏi. Đi với anh”.

Chị thở dài, ngại ngùng:

“Đi với anh, còn con cái, còn mẹ già?”

“Đi với anh để thay đổi thân phận đói nghèo, để cứu chúng ta, cứu cả mẹ"…

Đêm trước ngày hai vợ chồng rời bỏ quê hương sang trời Âu xa lạ, chị không hề chợp mắt. Chị hình dung: Từ nay tuyệt tình với phấn trắng, bảng đen và học trò. Những đêm lạnh giời mẹ già ho húng hắng, các buổi chiều đạp xe hối hả đón con ở lớp mầm non, đứa lớn dắt díu đứa bé nhào vào lòng mẹ. Bữa sáng, chị thức dậy nấu cơm sớm, kho thịt lợn, tráng thêm quả trứng gà. Bà mẹ chồng lặng lẽ ngồi ăn, thỉnh thoảng lén lau nước mắt, nuốt không nổi, rồi bà bỏ hẳn ra bậu cửa ngồi. Hai đứa bé vô tư tranh nhau gắp thức ăn, cắn thịt lợn kho, mỡ trào ra mép lấp loáng. Xong bữa, chị dành quyền đưa con đến lớp một lần nữa. Vừa chở con, chị vừa tưởng tượng cuối chiều về nhà thì bố mẹ đã đi xa rồi. Đứa bé đứng ở cổng khóc nheo nhéo đòi mẹ. Bà dỗ dành, bất lực cũng khóc theo. Đứa lớn ngồi ở thềm hè chống hai tay vào cằm nước mắt ngắn nước mắt dài… Càng nghĩ, chị càng thắt ruột. Thắt ruột cũng phải đi.

Những ngày đầu ở Praha, vợ chồng ở căn phòng anh đã từng sống làm nghiên cứu sinh. Anh bảo: “Cả đời anh cắm mặt vào sách vở, kiếm một đồng bạc đi buôn cũng không biết. Nhưng anh có thể nhờ bạn bè anh giúp đỡ…” Vẫn lại những câu chị đã từng nghe. Anh dẫn chị đến gặp người đàn bà có biệt danh “Tuyết len” quen thạo nghề đánh hàng, nhờ chị ta kèm cặp đi chợ. Gọi là “Tuyết len” bởi chị ta một thời là tay tổ chuyên đánh hàng dệt len mùa đông từ Hà Nội sang Praha, rồi mất trắng mãi mới gượng lên được. Tuyết mặt quắt, da khô, trông chẳng có gì hấp dẫn, chị ta du học cùng thời với anh, nhưng bỏ dở chừng năm thứ ba đại học và ở lại làm dân lưu vong đánh hàng từ chợ Sân vận động Warsaw về Praha. Khi ấy, chị vô tình bắt gặp một người đàn ông cao to, râu quai nón xanh rì đứng sau kiện hàng quần áo may mặc sẵn, đôi mắt luôn nhìn trộm. Chị ngỡ ngàng, suýt giật mình trước mặt chồng và “Tuyết len”; còn người đàn ông thoắt giấu gương mặt bối rối và quay đi nơi khác.

Một đêm không ngủ, chị cố lục lọi trong đầu óc sục tìm gương mặt quen quen của một thời tuổi trẻ. Đây rồi! Ký ức bừng sáng. Đạt của chị thời xa xăm kèo kẽo xe đạp chứ còn ai nữa, chỉ có điều bây giờ gương mặt anh già nhàu nhĩ sạm nắng gió đến mức không nhận ra. Vậy mà, chị đã nghi ngờ cả trí nhớ của mình.

…Một lần Đạt từ Czech về nước nghỉ hè, đến Đại học Sư phạm Hà Nội đón chị đi chơi. Cả hai người dong từ Bờ Hồ ăn kem đến quán Phong Lan bên Hồ Tây ăn bánh phồng tôm rồi ra ghế đá đường Thanh niên ngồi nhìn hoàng hôn đang đỏ ối phía Xuân La, Võng Thị. Chị chìm trong hạnh phúc với rạo rực tình yêu đầu đời. Đạt như một chân trời mới lạ lẫm thoảng mùi nước hoa đàn ông của xứ sở hoa hồng Bulgaria. Cái cách Đạt cầm khăn mùi xoa lau mồ hôi trán người yêu đến động tác gắp miếng bánh phồng tôm, rồi vớt vài mảnh đu đủ mỏng mảnh bỏ vào bát cho chị vừa điệu nghệ vừa tinh tế khiến chị cảm thấy mình nhỏ bé, thô giản, quê mùa.

Một con bé đen đủi dẫn ông bố thọt chân khoác bao bố đi ăn xin cứ đứng như mọc rễ bên cạnh. Đạt mở ví, do dự: “Chú không còn đồng tiền lẻ nào.” Con bé vẫn chìa bàn tay cáu bẩn chờ đợi đồng tiền còm bố thí. Lòng chị chợt nhói lên, không đành nhìn bàn tay con bé cứ chìa ra mãi với sự cầu xin trong vô vọng. Chị mở “bóp”, cũng không có tiền lẻ. Chị bối rối khó xử, rồi cũng vượt qua lòng tiếc của tiếc tiền, rút tờ bạc 10 ngàn đồng cuối cùng - mệnh giá to nhất năm ấy đặt vào tay con bé. Tình huống này chị không cố ý và Đạt bất ngờ, anh cúi gằm mặt xuống… Từ hôm đó, chị và Đạt không bao giờ gặp nhau nữa.

Hóa ra, chẳng xa lạ gì. Cái dạo ấy, chị kiêu hãnh tự tin phớt đời bao nhiêu thì bây giờ chị mặc cảm tủi thân bấy nhiêu. Không bao giờ chị nghĩ gặp lại người tình cũ ở một nơi xa lạ trong hoàn cảnh bẽ bàng thế này. Về sau, chị mới biết Đạt và Tuyết sống gá vào nhau để đi buôn đường dài đánh hàng từ chợ Sân vận động Warsaw  về Praha. Trong một hoàn cảnh rất đỗi bất ngờ và trớ trêu, có phần hơi phiêu liêu, bí ẩn như đã từng thấy ở các bộ phim tình yêu pha trộn chất trinh thám, chị và Đạt bỗng nhiên đóng vai không quen nhau rất thành thục.        

Chồng chị không hề biết có một thời chị và Đạt yêu nhau. Anh quá bận rộn chuẩn bị cho ngày bảo vệ luận án sắp đến. Suốt ngày đi thư viện, đi gặp giáo sư hướng dẫn. Anh thường thức khuya đọc sách. Khoa học và sách làm anh như cây khô nỏ, hết nhựa sống. Đêm chồng vợ nhọc nhằn, có lần anh loay hoay chán rồi nằm vật ra bất lực trong tiếng thở dài của chị. Chị thì vẫn như cây tươi xanh háo nước, và đang độ nồng nàn.

Chị theo “Tuyết len” và Đạt nhảy ô tô sang Polska… đi chợ. Lúc đầu còn rụt dè e ngại, sau dạn dần. ở Việt Nam chị quen đứng lớp dạy bọn học trò. Chị không biết buôn bán. Những mánh khóe lọc lừa, thanh toán, đòi nợ… chị vô cùng xa lạ. Vậy mà, chị lại bắt đầu làm cái công việc tính toán hoàn toàn đối lập với sự mô phạm, chuẩn mực, nghiêm ngắn của nghề giáo viên. “Đói ăn đầu gối phải bò”, chị bắt đầu những ngày trôi nổi trên thương trường.

Dạo ấy, Chợ sân vận động Warsaw là “chợ giời” lớn nhất châu Âu, nó vốn là cái sân bóng đá cũ bỏ hoang chờ xây dựng lại. Quy luật hình thành chợ ở đâu trên cõi nhân gian này cũng giống nhau, Chợ sân vận động Warsaw vừa bán buôn vừa bán lẻ sầm uất tấp nập, vinh quang trước hết thuộc về người Việt. Hàng từ Hồng Kong, Ma Cao, từ Sài Gòn đánh sang, từ Bắc Phi chở đến. Có cầu có cung, các “bố già” không bỏ qua từ mặt hàng nhỏ nhất như cái kim sợi chỉ, nước mắm Phú Quốc, mắm tôm Thanh Hóa… cho đến hàng thổ cẩm, quần bò Thái, áo cung đình, kiếm cong Thổ Nhĩ Kỳ, thảm Ba Tư… Thượng vàng hạ cám, tóc giả, son môi, váy áo, vải vóc, bấm móng tay, dây đeo chìa khóa, bàn là, ấm điện… nhưng phần lớn là đồ Trung Quốc.

Đạt và chị không nhắc lại chuyện cũ, y như ngầm giao hẹn với nhau, cái gì đã qua thì đào sâu chôn chặt. Họ lấy hàng từ chợ Sân vận động Warsaw, “Tuyết len” cho chị đóng chung ô tô tải thuê chở đường dài. Đạt khôn khéo, từng trải. Mọi trạm kiểm soát và cả khi qua biên giới, Đạt đều lo lót hanh thông. Hàng mang về chất đầy nơi ở, rồi nơi ở chật chội lại thuê thêm phòng làm kho đựng. Người Việt lưu vong, thậm chí cả người Thổ, dân Bắc Phi nhập cư bất hợp pháp cũng phải đến chỗ Tuyết và chị lấy hàng đi rải các chợ nhỏ, chợ cóc. Tiền nhiều! Chưa bao giờ chị có tiền nhiều như thế. Tính trung bình trừ đi mọi khoản chi phí, mỗi ngày chị bỏ ra được nửa cây vàng. Nửa cây vàng là cả một gia tài lớn khi còn ở Việt Nam. Người ta nói, con người chỉ sử dụng hết năm phần trăm nội lực của mình, còn lại là bỏ không một cách hoang phí. Hóa ra, trong con người chị có máu đi buôn, nó âm thầm ngủ quên, chỉ khi được đánh thức thì chị mới thực sự là chị; cũng có thể có hai con người trong cơ thể chị: một giáo viên mô phạm và một con buôn tinh quái.

Càng gần đến ngày bảo vệ luận văn, anh càng hốc hác. Chị bước khẽ đến bàn anh đang làm việc, đứng ở sau lưng vòng tay ôm lấy anh. Anh quay lại nhìn chị âu yếm. Chị bảo: “Hay em nghỉ đi chợ một thời gian ở nhà chăm anh”. Anh nắm bàn tay nhỏ nhắn của vợ, tràn ngập lòng biết ơn: “Đừng em! Buôn bán đang thuận lợi. Xong cái luận văn này, anh sẽ mập mạp trở lại ngay ấy mà.” Thương quá! Chị dụi dụi mặt vào mái tóc của anh đã điểm những sợi bạc: “Em muốn đưa các con sang với chúng mình”. Anh gật đầu, vòng tay ra đằng sau ôm lấy vợ.

Anh thường chờ chị ngủ hẳn sau một ngày lam lũ tất bật, rồi mới lật chăn chui vào nằm bên vợ. Cũng không dám ôm, sợ chị thức dậy. Tay đặt lên trán, anh ngửa mặt nhìn trần nhà trằn trọc một hồi mới trôi vào mộng mị. Đôi khi chị thức dậy, bắt gặp anh nằm ngửa hai tay đặt xuống phía dưới giữa hai háng như thể che đậy nắm giữ, như là sợ chị lần mò đụng vào. “Anh bỏ tay ra nào. Em có dám làm gì đâu.” Chỉ muốn gào lên như thế mà chị không cất nổi lời. Chỉ còn biết thở dài. Chỉ còn biết nghĩ thật nhanh đến chuyến đi Warsaw đánh xe hàng mới khi trời sáng bảnh.

Chị quen rất nhanh công việc trên thương trường, đến mức “Tuyết len” chỉ còn nhận và giao hàng ở đầu Praha, còn chị thu gom, thuê cửu vạn dân lưu vong Bắc Phi đóng hàng ở đầu mối thành phố Warsaw. Đạt áp tải hàng theo ô tô chạy đường dài. Mỗi tháng, chị theo xe chở hàng về thành phố Praha với chồng một hai lần. Cuộc sống vợ chồng ấm dần lên, sau những bươn trải nhọc nhằn của chị. Dù anh vẫn cắm cúi vào lo bảo vệ xong luận án, chưa thể đưa chị đi nghỉ ở biển Ban tích, hay mỏ muối Wielicka lộng lẫy dưới lòng đất, nhưng anh và chị nghĩ đến chuyện gia đình sẽ định cư ở Czech hay Polska.

*

…Đắm mình trong bồn tắm, mặc cho bọt xàu và những cánh hoa hồng mảnh mềm vờn da thịt, mặc cho thân hình tuổi bốn mươi hồi xuân còn căng sức sống, chị nhắm mắt tận hưởng niềm hạnh phúc không nói thành lời. Hai đứa con khỏe mạnh, học giỏi nói tiếng mẹ đẻ và làu làu tiếng Czech. Sau những năm tháng thân cò nơi xứ tuyết chị là một doanh nhân thành đạt có công ty thời trang, có năm cửa hàng bán tóc giả, và ba mươi đại lý bán quần áo phụ nữ may sẵn, có tài xế riêng lái ô tô đi làm. Chị có thêm thú sướng nghe con gái đàn những bản nhạc cổ điển. “Đồng quê” của Beethoven là bản nhạc đan dệt những âm thanh trong trẻo, tinh khôi. Bình minh! Chùm tia nắng đầu tiên thuần khiết tươi tắn lan đi và bóng tối lụi dần. Vạn vật bừng bừng sức sống nhảy nhót reo ca trong nắng mới non tươi. Song, bão tố lại ấp đến, thiên nhiên trở mặt thử thách con người. Quăng quật, lộn nhào, giày xéo, bã bời. Cuối cùng, phần thắng vẫn thuộc về con người. Ban mai. Và nắng mới. Chị là một “Đồng quê” thời hiện đại. Có lúc ngỡ ngàng không tin mình đang ngập tràn hạnh phúc.

Anh vẫn miệt mài với những công trình khoa học mới và thân thể đã… mập mạp. Không! Anh đã khỏe chắc và đàn ông hơn. Anh chẳng biết hay tảng lờ với tội lỗi của chị? Thảng hoặc chị vẫn nhìn chồng với ánh mắt buồn vời vợi ân hận của người vợ bị hoàn cảnh đẩy vào lỗi lầm. Đôi khi, đêm về đang nồng nã trên giường, bất chợt chị mềm oặt, lãnh cảm, anh cũng không hề biết. Có khi là hình ảnh người tình cũ với cú vấp ngã đầu đời chen vào giường chiếu, có lúc là nhịp rập rình của xe tải, tiếng phanh đột ngột giữa đêm trường vọng đến… và tách chị ra khỏi anh. Cơn lửa lòng tắt ngấm, lạnh ngắt như tro than ủ nước đá. Chị âm thầm, nuốt nước mắt vào dạ, không khóc. 

Chị không khóc. Không khóc ở Praha. Không được khóc! 20 năm rồi xa xứ, chị luôn thầm thĩ, nhắc nhủ lòng mình như thế. Chị phải đứng lên, đứng thật chắc bằng đôi chân vấp ngã của mình và ngẩng cao đầu nơi xứ tuyết.

*

Một trong những nỗi ám ảnh cuộc đời chị là cái trạm xăng dành cho ô tô đường dài. Ngày còn ở quê nhà, chị đã nhìn thấy cái trạm xăng này khi xem phim nước ngoài. Nó là một tổ hợp gồm cây xăng, nhà ăn uống, nhà nghỉ… Đường trường xa ngái, cánh lái xe tải, xe khách dừng lại tiếp xăng cũng là lúc khách lục tục xuống đi vệ sinh, ăn uống, đôi khi nghỉ lại qua đêm, hoặc cánh lái xe thuê một phòng ngủ chốc lát lấy sức đi tiếp. Chị đã từng ước ao có một đêm không ngủ phiêu lưu trên chiếc xe tải đường dài. Cầu được ước thấy. Sướng! Mỗi lần về với chồng, tiện xe đánh hàng đường dài xuyên quốc gia, chị theo Đạt về Praha với chồng. Đằng đẵng, gật gù lúc thức lúc ngủ trên xe suốt đêm. Công việc làm ăn, chị và Đạt có thời gian bên nhau nhiều hơn bên chồng.

Mùa tuyết rơi.

Cái lạnh thấu làm con người cần hơi ấm nóng của nhau. Đường trường và đêm hôm khuya khoắt. Lúc đó, chị thấy Đạt gần gũi với mình hơn chồng. Chiếc xe tải dài ngoẵng đóng quần áo may sẵn đầy ngắc trở chứng. Vài ba lần lái xe tự sửa và cũng còn may nó ì ra không chịu nổ máy thì đã lặc lè về đến trạm xăng đường dài. Nhiều xe đỗ im ỉm lạnh lùng, tài xế đã lấy chỗ nghỉ bởi tuyết xuống dày. Gã lái xe người bản địa, mệt mỏi bảo:

“Sáng mai thợ mới đến sửa. Đêm nay, ông bà tùy nghi di tản”.

“Còn anh?”- Đạt hỏi.

“Tôi sẽ ngủ trên cabin”.

Tuyết rơi nhiều. Trắng trời đất. Những cánh tuyết nhỏ bay xiên xiên lạnh lẽo, kiên nhẫn, mỗi lúc một dày thêm, dễ làm cho lòng người trống vắng. Đạt đưa chị đến phòng nghỉ, mở khóa cửa, bảo:

“Chỉ còn trống một phòng này thôi. Em vào ngủ đi”.

Chị ái ngại hỏi:

“Còn anh ngủ ở đâu?”

“Thôi thì ngồi ở quầy bar, rập rạ qua đêm.”

“Đừng. Lạnh lắm, làm sao chịu nổi. Thôi, anh cứ vào phòng đã, tính sau.”

ừ thì tính sau. Họ thay nhau tắm táp ào ào cho xong. Chẳng biết Đạt có nghĩ ngợi gì, còn chị có một chút ngại ngùng. Lần đầu tiên chị ở chung phòng với người đàn ông không phải là chồng. Nước nóng ấm da thịt chị râm ran. Chị giật mình khi nhìn thấy xương quai xanh nhô lên, và cặp vú không còn căng mẩy hiện lên lồ lộ trước gương, chợt nhớ ra mấy tháng nay chưa một lần gần gũi thân xác với chồng. Anh bận bịu với khoa học, sách vở. Chị quay cuồng với hàng hóa, tiền nong. Sao lại khốn khổ thế này? Tiền nhiều để mà làm gì khi tuổi tác cứ vùn vụt trôi, càng lắm tiền thì thân thể càng tàn tạ. Hình ảnh người chồng nằm ngủ, úp hai bàn tay che giữa hai háng lại hiện về. Lòng chị nhói đau và tủi thân như bị hắt hủi.

Chị bước ra ngoài phòng tắm. Đạt đã bày xong bữa ăn, bên cạnh lọ hoa tươi của nhà nghỉ. Hai người với bánh mì, thịt cừu nướng và rượu Voska. Đạt và chị cụng ly, hết là hết luôn, không một giọt rượu rớt ra ngoài. Chưa bao giờ chị uống rượu nhiều như thế. Chị bảo:

“Bao giờ thì em mới được sung sướng, hả Đạt?”

“Bị khổ thì ai cũng nghĩ mình khổ nhất, hưởng sung sướng thì ai cũng như nhau. Chỉ có điều quan niệm như thế nào là sung sướng thì mỗi người khác nhau một cách, em ạ”.

“Theo Đạt, em có sung sướng không?”

“Có. Nếu như em thấy ngoài kia tuyết trắng rơi lạnh lẽo, còn trong này một không gian ấm nồng với rượu và hoa… là ấm áp thì đó là hạnh phúc”.

Chị nghĩ: Sao Đạt không nói nốt: “và số phận lại đẩy em đến với một người đàn ông, em đã từng yêu vào một hoàn cảnh cắc cớ thế nầy”. Chị định uống thêm một ly rượu nữa, nhưng Đạt ngăn lại và giót một cốc nước lạnh. Chị uống ừng ực rồi lò dò lên giường khiến Đạt phải dìu.

Khuya.

Chị chợt thức. Trống trải vô cùng. Hình ảnh người chồng loay hoay rồi nằm vật ra bất lực lại hiện lên trong đầu. Muốn khóc quá mà không khóc được. Cánh tay trần toài ra khỏi tấm chăn dầy, chị nhìn thấy Đạt ngồi thu lu ở ghế. Ôi! Sao cứ phải khổ thế này!

“Đạt! Lên giường nằm đi, em không làm gì anh đâu”.

“ừ. Cho anh nằm với nhé. Anh không làm gì em đâu”.

Đạt se sẽ nằm bên cạnh chị, cách một tấm chăn, đủ để không chạm da thịt.

Chị cầm mép chăn:

“Đắp vào này, em không làm gì anh đâu.”

“ừ cho anh đắp với, anh không làm gì em đâu.” 

Vẫn cách một khoảng không, da thịt chưa chạm vào da thịt, nhưng cả hai đã hít được cả hơi thở nóng hổi của nhau. Chị nhớ lại cái lần úp mặt vào vầng ngực vạm vỡ của Đạt váng vất mùi mồ hôi ở ghế đá đường Thanh Niên ngày trước. Cái mùi ấy bỗng chốc trở về quen thuộc. Chị thở dài:

“Đạt! Quay sang với em đi”

Dường như chỉ chờ có thế, Đạt quay sang ôm chầm lấy chị. Da thịt bừng bừng nóng. Tim đập thình thịch. Người đàn ông cô đơn, người đàn bà trống vắng bện vào nhau. Bên ngoài tuyết rơi dầy và lạnh hơn…

  Mọi chuyện chẳng có gì xảy ra, chị vẫn gom hàng, về nhà thân mật với chồng, quấn quýt ăn ngủ với người tình cũ trên những chuyến đi dài. Cái điệp khúc ấy cứ tiếp diễn đều đều. Công việc buôn bán kiếm tiền cuốn chị không còn nghĩ ngợi gì thêm.

 

Cuộc đời chị rẽ ngoặt hẳn sang khúc quanh mới từ một buổi chiều đông ảm đạm, bên ngoài tuyết rơi trắng trời. “Tuyết len” lạnh lùng đưa cho chị đĩa băng hình quay cảnh chị với Đạt không một mảnh vải quấn vào nhau như đôi giao long và buộc chị phải mua lại. Chị đang bàng hoàng thì Tuyết giật tóc, xé quần áo và bồi tiếp cho chị mấy cái tát vào mặt. Chị xây sẩm mặt mày. Cả đất trời Praha tối sầm lại.

Tả tơi. Xơ xác. Và bẽ bàng. “Ăn vụng phải chịu đòn”, chị bị buộc phải ghi giấy nợ, trắng tay. Mất tiền, mất hàng, mất niềm tin hi vọng và có nguy cơ mất cả chồng. Anh không hề biết, nếu biết anh có chìa đôi vai gầy mảnh ra cho chị tựa đỡ trong cơn vấp ngã đầu đời? Không khóc ở Praha! Chị kiên quyết không khóc.

Đạt đến và sụp xuống chân chị cầu hôn. Đạt muốn ghé vai gánh bớt nỗi nhục nhằn cho người anh yêu thương. Chị lạnh lùng từ chối. “Nếu vậy, từ nay, anh sẽ đi mất tăm khỏi cuộc đời em”. Đạt đặt vào tay chị một bọc tiền rồi quay bước. Chị chạy theo, trả lại.

Giấu chồng mọi chuyện, chị vẫn đi đánh hàng. Do những mối quen biết từ trước chị lại gom hàng ở Chợ sân vận động Warsaw rồi tự mình thân gái dặm trường áp tải theo xe ô tô về Praha. Chị đã từ chối một tình yêu đẹp sau sự kiện con bé ăn xin, rồi lại ngã lòng vào người tình cũ nơi xứ tuyết là sao? Chị luôn đi tìm lời giải tại sao mình vấp ngã, phản bội chồng? Chị đổ cho số phận. Chị kết tội chồng. Cái đêm cuối cùng ở quê, thỉnh thoảng tiếng thạch sùng từ trên vách dội vào tai, lòng dạ chị bất an. Chị do dự, cố năn nỉ chồng một lần nữa, chị xin anh hãy nghĩ lại đừng bắt chị rời bỏ quê hương. Giá như… Lại “giá như”, mãi mãi về sau, chị rất ghét cái từ “giá như”; cuộc sống cứ liên tục gặp những điều “giá như” là coi như trời hành. Cuộc đời chị sẽ phải bao nhiêu lần “giá như” nữa? Dằn vặt, lòng chưa bao giờ thanh thản, bên chồng lúc nào chị cũng thấy mình tội lỗi. Ban ngày, bỗng nhiên anh nhìn chị chằm chằm, chị chỉ muốn tìm cái lỗ nẻ chui xuống. Đang đêm, anh nằm bên cạnh thở dài, chị cũng giật mình thon thót.

*

Cho đến một ngày, anh gọi chị lại gần. Nét mặt anh rầu rầu, buồn lạnh. Chị giật thột, nem nép mang cái sợ của người chịu tội. 

“Anh có lỗi. Để em khổ quá.”

“Sao… anh lại nói thế?”

“Đừng giấu anh nữa”.

“Em…”

“Thôi, để anh nói cho”.

Anh nói nhanh, dường như không thở, chỉ nói và nói: Rằng, Đạt đã nói hết với anh, và xin anh từ bỏ em để hai người sống với nhau. Rằng, tất nhiên là anh không bao giờ bỏ vợ, vì em còn yêu anh và còn các con. Rằng, anh đã giấu em chuyện anh đã biết tất cả. Bởi anh muốn em không mặc cảm, không sợ hãi anh vì đã phản bội chồng. Rằng, anh đã sai lầm. Sai lầm ở chỗ: lẽ ra, anh chủ động nói với em trước thì cái đĩa ghi hình ấy chẳng có giá trị gì và em đã không phải dốc hết vốn mua lại. Rằng, như thế thì màn kịch câm của em và anh đã kết thúc lâu rồi và chúng ta không khổ sở đến tận bây giờ…”

Ôi giời! Chồng ơi! Sao anh không băm vằm em đi?! Sao anh không căm ghét, khinh bỉ em đi! Chị thổn thức trong lòng như thế. Chị im lặng, không thanh minh, không xin xỏ, chỉ vùi mặt vào ngực anh. Và nước mắt, những giọt nước mắt biết ơn giàn giụa, nóng hổi.

 (Nguồn: Văn nghệ số 5/2013)

Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66366706

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July