Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 07/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Pù Luông: Mùa Xuân đang vẫy gọi - HÀ THU Pù Luông: Mùa Xuân đang vẫy gọi - HÀ THU , Người xứ Nghệ Kiev
 

Ngược thành phố Thanh Hóa chừng khoảng 130 km về hướng Tây Bắc chúng tôi đến Pù Luông vào một ngày cuối năm. Đến Pù Luông lần này, cảm nhận đầu tiên của tôi là dường như mùa xuân về với núi rừng nơi đây sớm hơn so với nhiều nơi khác.

Kiêu hãnh Pù Luông

Pù Luông theo tiếng Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất vùng này. Trên lưng chừng núi, dọc sườn nương, những cánh hoa đào phơn phớt hồng đã lấp ló khoe sắc thắm, nhưng vẫn còn e ấp sau chồi lộc xanh mơn mởn la đà trong khói lam chiều và hơi xuân se sắt. Se lạnh là phải thôi. Vì Pù Luông nằm trên độ cao 1.700 mét so với mặt nước biển, nên khí hậu nơi đây quanh năm ôn hòa, ngày ấm áp, đêm và sáng se lạnh. Nơi đây được ví như một Sa Pa, Đà Lạt không chỉ của xứ Thanh, mà còn của cả vùng Bắc Trung Bộ.

Miên man khói lam chiều từ những nếp nhà sàn xinh xắn nép mình sau những rặng bương, luồng, trộn lẫn hơi sương xuân sớm làm cho cảm giác về một vùng đất bình yên, ấm cúng dâng trào trong tôi. Bương, luồng vốn là một đặc sản và là thế mạnh của xứ Thanh, đã từng đi vào thơ ca, hò vè của những đoàn người tải gạo cho bộ đội ta ở chiến trường Điện Biên vào những năm giữa thế kỷ XX: “Ai lên trên đỉnh Pù Luông/ Có lên mới thấy luồng bương ngút ngàn/ Có lên mới biết gian nan/ Ngày đêm thồ gọ từng đoàn dân công...”. Và chính bương, luồng đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của quân và dân ta ở mặt trận Điện Biên.

Ruộng bậc thang tại Pù Luông - Ảnh: vietbao 

Lên Pù Luông, tôi lại chợt nhớ mấy câu trong bài “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu cách đây hơn nửa thế kỷ: “...Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù/ Mênh mông bốn mặt sương mù/ Đất trời ta cả chiến khu một lòng...”. Pù Luông là rừng luồng, tre, lim, sến, táu, kim giao, núi đá vôi xám và đá vôi hoa. Người Pù Luông sống nhờ rừng, chết cũng vì rừng. Hai dân tộc anh em Mường và Thái ở đây không chỉ là chủ nhân của những cánh rừng luồng và kim giao bạt ngàn, mà còn là những chiến sĩ ngày đêm canh giữ vùng “phên dậu” biên cương phía Tây của Tổ quốc.

 

Luồng Pù Luông đã có mặt trong vườn Bác giữa thủ đô Hà Nội. Đá vôi hoa màu vàng, đỏ của Pù Luông, một chất liệu quan trọng làm nên lá cờ đỏ sao vàng giữa quảng trường Ba Đình. Kim giao, một loại cây gỗ quý hiếm chuyên dùng làm đũa cho vua chúa ngày xưa. Vì chỉ có gỗ cây kim giao mới có khả năng phát hiện ra các độc tố trong thức ăn. Hiện nay ở đây còn có cả một đồi cây kim giao quanh năm xanh tốt um tùm. Pù Luông còn là kho dược liệu thiên nhiên vô cùng quý hiếm mà không phải nơi nào cũng có.

Bá Thước trước đây được coi là ngôi nhà chung của hai dân tộc anh em Thái và Mường với tám mường lớn là: Mường Khoòng, Mường Khô, Mường Lau, Mường Ký, Mường Ống, Mường Ai, Mường Điền, Mường Không và bảy mường nhỏ là: Mường Pa Khán, Mường Dổi, Mường Đào, Mường Đèn, Mường Rầm, Mường Ấm và Mường Chậm. 

Chữ “mường” ở đây là danh từ chỉ nơi quần cư của một cộng đồng người nào đấy, cũng giống như bản, buôn, phuôm, sóc, làng,... chứ không đơn thuần là danh từ chỉ tên một tộc người: Người Mường. Bản của các tộc người khác như: Thái, Tày, Nùng, Mông, Dao,...ở nhiều nơi cũng được gọi là mường. Mỗi mường có luật tục riêng (custom), tương tự như hương ước làng xã của người Kinh dưới xuôi. Điểm chung nhất của các mường lớn nhỏ ở quanh chân đỉnh Pù Luông là đều quần cư dọc hai bên bờ sông Mã. Chỉ có nhóm Mường Trong là mường duy nhất gốc Bá Thước, có đặc điểm riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, mà tổ tiên họ là Mường Ai và Mường Ống, từng có tên trong truyền thuyết Mường và Thái.

Cả người Mường và người Thái ở đây không biết tự bao giờ đã có truyền thống trồng lúa nước và lúa nương. Ruộng lúa nước của đồng bào nơi đây canh tác theo cách tận dụng nguồn nước tưới từ trên cao chảy xuống qua khe, rãnh, máng, cọn rồi dẫn về từng khoanh ruộng bậc thang như ở Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái) Hoàng Xu Phì, Xín Mần (Hà Giang),... Còn lúa nương, đồng bào vẫn canh tác theo kiểu: chặt, đốt, chọc, tỉa theo mùa vụ truyền thống. Cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc Mường và Thái ở các địa phương khác, chiếc cọn nước không chỉ là công cụ giúp bà con đưa nước về để canh tác trên những thưở ruộng bậc thang, mà đã trở thành một điểm nhấn văn hóa trong truyền thống canh tác lúa nước của đồng bào Mường, Thái Bá Thước.

Sinh ra và lớn lên từ nền kinh tế tự sản, tự tiêu, sau cái ăn là đến cái mặc. Người Thái và người Mường Bá Thước từ lâu đã có nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Ngắm nhìn các cô gái Pù Luông trở nên thon thả, dịu dàng, cởi mở và khoáng đạt hơn trong bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình, đẹp như nàng Ờm, chàng Bông Hương, trong truyện thơ của dân tộc mình. Đấy chính là quê hương của Bông Thau, Quả Thiếc, của cây Chu Đá, lá Chu Đồng...

Ảnh: Thu Oanh

Khấp khởi Pù Luông

Dọc hai bên đường thị trấn Đồng Tâm vài năm trở lại đây dù đã có thêm nhiều nhà tầng, cùng với các cửa hàng cửa hiệu bán đồ tạp hóa, dù “núi rừng có điện thay sao”, nhưng điều đó hiện nay vẫn chưa hề che khuất vẻ khiêm nhường của một phố núi miên man xanh, vời vợi xa được. Có thể mai này Pù Luông sẽ là một địa chỉ đỏ du lịch sinh thái lý tưởng. Vì từ năm 1999, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái thuộc hai huyện Quan Hóa và Bá Thước.

Dù có phát triển đến nhường nào, nhưng nếu không còn những nếp nhà sàn đơn sơ, tiếng mõ trâu chiều về chuồng lốc cốc hay những lọn tóc dài vắt qua kheo chân của các cô gái Mường, Thái đang xõa ra hong trước hiên nhà đón những sợi nắng hiếm hoi của buổi ban mai cuối đông nơi này và thấp thoáng phía xa xa không còn thấy những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ sắc màu của các cô gái Mường, Thái, trên lưng gùi ngô, sắn và rau rừng chầm chậm bước về bản khi hoàng hôn dần nhẹ buông, thì Pù Luông sẽ không còn là chính mình nữa. 

Phải mất một ngày đường vất vả, vật lộn với đèo cao lưng chừng trời, dốc cua tay áo ngặt đi, ngoặt lại liên hồi mới đến được đây, nhưng nếu không tận mắt chứng kiến cảnh thảng thốt, như hú gọi của của các cô gái ở đây khi thấy một chiếc xe chở khách từ xuôi lên, để rồi khi xe dừng, họ lại phá lên cười một cách hồn nhiên như cây cỏ trong rừng, thì coi như chưa đến Pù Luông. Bởi lẽ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đã đi qua được hai năm rồi, mà các cô gái ở đây dường như thấy ai, cái gì cũng như những sinh vật lạ ngoài hành tinh, thật đáng yêu sao. Dù trong tay vài cô cũng có máy di động, nhưng điều đó dường như chưa đủ lực hút bật các cô ra khỏi những cánh rừng âm mu quanh năm nơi bản Mường, bản Thái.

Cách đây chừng gần một nửa thế thế kỷ, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi nhờ vào công trình nghiên cứu “Cạp váy Mường” (Hòa Bình và Thanh Hóa) mà đã nổi tiếng khắp thế giới. Và chính ông đã làm rạng danh cạp váy Mường của Việt Nam trước bạn bè quốc tế bằng những dẫn chứng sinh động và lý giải khoa học thuyết phục. Như vậy đủ biết sức hút của cạp váy Mường nơi đây như thế nào.

Nếu một ngày nào đấy các cô gái Mường, Thái không còn cảm thấy những bộ đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình là đẹp và cần thiết phai bảo tồn, mà thay vào đó các cô sẽ ăn diện những bộ đồ hàng hiệu, nói tiếng Anh như chém.gió, ngồi vắt chân trong các nhà hàng đặc sản, dùng những món đồ Tây, thì liệu Pù Luông có còn hấp dẫn được du khách nữa không? Liệu những đứa trẻ đang ngồi ê a trong lớp học nơi đầu bản, bên kia đường, sẽ có còn được thấy và tự hào về một vùng quê, mường bản bình yên trong ngút ngàn cây xanh, rộn ràng tiếng chim hót mỗi độ xuân về. Điều trăn trở này đâu của riêng tôi, mà là của tất cả những ai quan tâm đến việc khai thác và phát huy tiềm năng của Vườn bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Pù Luông.

                                              H.T

                            Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66366419

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July