Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 29/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Người trong cõi nhớ... Người trong cõi nhớ... , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Bút ký

Lần đầu tiên tôi đến thăm Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du là vào một mùa thu đầy gió. Hôm ấy vườn Nguyễn vắng hoe, sân gạch vương đầy lá muỗm, mái ngói đượm u hoài và tôi như đứa học trò đi tìm những điều rộng mở sau trang sách… Từ độ ấy tôi gọi cụ là người trong cõi nhớ…

Đoàn Hội nhà văn Việt Nam dâng hưong tại khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du
Bên mộ cụ Nguyễn - Tiên Điền

Người trong cõi nhớ xa lìa trần gian đã gần 200 năm nhưng tấm lòng, tư tưởng và những giá trị trong các tác phẩm cụ để lại chưa bao giờ vắng bóng trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Bước qua cánh cổng khu lưu niệm – vách ngăn với thế giới bên ngoài, cô bạn học đại học của tôi là người Bắc lần đầu đến Nghi Xuân như sững lại trong phút giây trước tượng hình thi nhân. Cụ Nguyễn ngồi đó như đã ngồi hàng nghìn năm nay. Dáng hình ấy vừa có sự uy nghi, lẫm liệt của một vị tướng, vừa toát lên vẻ trầm tư, sâu lắng của một nhà thơ lại có cái nho nhã, ung dung, rộng lượng của một bậc hiền sỹ. Bất giác cả 2 chúng tôi đều nhắc đến nhận xét của Mộng Liên Đường về Nguyễn Du: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy…, nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.

Trước khi đến đây, chúng tôi đã đi qua nhiều làng mạc nằm khiêm nhường ven biển. Dọc theo những triền cát gợn sóng lăn tăn, cô bạn tôi cứ băn khoăn là tại sao vùng quê ven biển vốn quen với những mưu sinh lam lũ này lại có thể sinh ra những bậc tuấn kiệt như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… Và nữa, lại có những làng rất nổi tiếng về hát ca trù, chèo kiều… Đây cũng chính là điều mà tôi luôn tự hỏi trong lòng bấy lâu nay. Tôi cũng tin một điều rằng nếu tôi đem những băn khoăn này tới gặp nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh hay Võ Hồng Huy thì sẽ được giải thích cặn kẽ. Thế nhưng, tôi cứ muốn để ngỏ điều này trong lòng nhằm tạo cơ duyên đi và đến miền đất văn hóa này nhiều hơn!

Người trong cõi nhớ...

Đêm giao lưu kỷ niệm 245 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh năm 2010

Nghi Xuân chiều tôi qua hun hút gió - những con gió tiền trạm cho một đợt gió mùa đầu đông, ngoài khơi xa những con tàu ngư dân đang hối hả quay về. Chẳng rõ khi viết “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, đại thi hào có nghĩ đến những cư dân miền biển này không? Nhưng trong số những hậu thế vọng tâm tài Tố Như ấy luôn có những ngư dân biển khơi này với sự tưởng nhớ thường trực và rất sinh động.

Ông Nguyễn Ban – một người làm công tác văn hóa ở Nghi Xuân có lần đã nói với tôi rằng: “Văn hóa Nghi Xuân đặc biệt lắm cháu à, người lẩy Kiều, bói Kiều, thuộc Kiều thì vô khối nhưng dễ gì có được những làng diễn Trò Kiều tồn tại đến ngày nay một cách mạnh mẽ như ở đây”. Thật vậy, Trò kiều hay còn được gọi là Chèo Kiều là một hình thức sinh hoạt văn hóa được xây dựng trên cơ sở truyện Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du, bắt nguồn ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, du nhập vào Nghi Xuân từ đầu thế kỷ XX, trải qua bao thăng trầm thời gian vẫn tồn tại trong sinh hoạt văn hóa nhân dân cho đến ngày nay.

Ông Phan Sáu (làng Trò Kiều - Xuân Liên) – người đã đóng qua 16 nhân vật trong truyện Kiều cho biết: “Trò kiều khi du nhập vào vùng đất Nghi Xuân thì trở nên phong phú và đặc sắc hơn vì nó được bổ sung và pha trộn nhiều nét nghệ thuật mới, nhiều trò diễn mới như: Hát tuồng, hát bội, trống quân, ca trù, thơ trung và các vai hề được nhấn mạnh hơn. Khác hẳn ca trù - một lối sinh hoạt dân gian bác học, hát chèo kiền dân dã hơn, gần gũi với người lao động nên được đông đảo nhân dân yêu mến”.

Những lúc biển động, gác mái chèo là ngư dân các làng lại rủ nhau tập luyện, xưa thì đi biểu diễn cho bộ đội, TNXP xem, nay thì phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của địa phương và hơn hết chính là phục vụ chính mình. Những lúc chèo chống ngoài khơi xa, thanh âm ngọt ngào mềm mại ấy lại vang lên giữa biển thẳm không cùng giúp ngư dân vững thêm niềm tin, chắc hơn tay chèo! Chế Lan Viên viết “Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” hẳn là cũng bắt nguồn từ những căn nguyên như vậy...

Người trong cõi nhớ...

Sau những cực nhọc nghề biển, ngư dân Nghi Xuân lại mê đắm trong những câu Kiều

Mang dáng dấp kiến trúc đình làng Việt Nam, khu lưu niệm Nguyễn Du có Thư viện rộng với hơn 2000 đầu sách các loại. Trong đó có rất nhiều cuốn được làm rất công phu, sáng tạo với những chất liệu đặc biệt. Điều đó đủ để chứng minh những “tấc lòng” của hậu thế đối với cụ. “Cảo thơm lần giở” càng thấm nhuần rằng Nguyễn Du qua Truyện Kiều và nhiều tác phẩm chữ Hán đã đến với nhân dân bao đời nay trong bầu tâm sự đầy cảm thông sâu sắc. Dậy lên từ sâu xa trong ngôn ngữ của bậc thiên tài là khát vọng mạnh mẽ của một nhân cách được kiến tạo bởi sóng gió cuộc đời và thấm nhuần bản tính của nhân dân, của dân tộc. Đó cũng là bậc hiền sỹ nhân văn, vì đau nỗi đau của chúng sinh mà lên án chế độ bạo tàn, đòi hạnh phúc, tình yêu, tự do và công lý cho con người. Cũng chính nhờ tâm hồn ấy, bút lực ấy mà khi Nguyễn Du thác đi, hậu thế bao đời vẫn một mực tin rằng “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Và chúng tôi, thêm một lần nữa lại nhớ về lời thầy giáo đại học (TS Trần Nho Thìn) khi giảng về Nguyễn Du: “Truyện kiều đã dạy cho con người ta biết trân trọng cả những nỗi buồn của con người, vì thế mà sống nhân ái hơn, bao dung hơn với đời”

Men theo con đường nhỏ trong chấp chới những cánh chim tìm nơi trú ẩn, chúng tôi ra thắp hương lên mộ Đại thi hào. Bước đi trong lạo xạo tiếng lá cuối thu rụng đầy, trong khói hương bảng lảng tôi lại mường tượng về một Nguyễn Du thắp hương mộ nàng Tiểu Thanh với tâm tư trĩu nặng và nỗi lo sợ mơ hồ. Thảm cỏ nhỏ trên nấm mồ thi nhân vẫn mướt xanh như những dòng thơ của cụ đang sống giữa đời, đang sống trong tâm tư và sinh hoạt hằng ngày của bao người con đất Việt và hơn thế nữa còn lay thức cả bạn bè thế giới. Vừa qua, khu di tích Nguyễn Du tại làng Tiên Điền được công nhận là Di tích đặc biệt cấp Quốc gia, tưởng như điều đó cũng là một sự tưởng nhớ và tri ân sâu sắc của đất nước đối với Đại thi hào và quê hương của cụ!

Niềm tự hào về Đại thi hào Nguyễn Du vẫn luôn rộn ràng trong bao lồng ngực trẻ. Trên bục giảng, dưới lớp học, trên sân khấu hay dưới những cánh đồng và mặt biển bao la… mỗi khi những câu thơ của Nguyễn Du vang lên đều có sức quyến rũ tâm hồn con người một cách đặc biệt, đều trở thành tiếng lòng của ai đó trong những hoàn cảnh tương đồng. Những tư tưởng nhân đạo của Người vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mãi mãi mai sau. Và vì thế, Người nằm lại mãi mãi trong cõi nhớ hậu sinh!

Nghi Xuân, đầu đông Nhâm Thìn

ANH HOÀi

Theo Hà tĩnhonline


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66163830

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July